21.8.21

Thời đại thái cực 1914 (1)

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (1)

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng này, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ nhất

THỜI ĐẠI TAI HỌA

Chương 1

THỜI ĐẠI CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN

I

Edward Grey (1862-1933)

“Châu Âu đang tắt hết đèn. Sinh thời chúng ta sẽ không còn được thấy đèn thắp sáng trở lại”, ngoại trưởng Anh, Edward Grey, đã nói như vậy khi ông nhìn những ngọn đèn trong khu Whitehall (tập trung các cơ quan chính quyền trung ương) buổi tối ngày nước ông và nước Đức bước vào cuộc chiến tranh. Tại Wien, thủ đô nước Áo, nhà văn trào phúng Karl Kraus chuẩn bị bút mực để ghi lại và tố cáo cuộc chiến tranh trong một “bi kịch – phóng sự” 792 trang mà ông sẽ đặt tên là Những ngày cuối cùng của nhân loại. Nhà chính trị và nhà văn – không phải chỉ có hai người ấy – đều cho rằng cuộc Đại chiến đánh dấu sự tiêu vong của cả một thế giới. Nó không tiêu diệt loài người, nhưng trong thời gian 31 năm xung đột (kể từ ngày 28 tháng bảy 1914, khi Đế chế Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, đến ngày Nhật Bản đầu hàng không điều kiện, 14 tháng tám 1945, bốn ngày sau quả bom nguyên tử đầu tiên) có những lúc tưởng như một phần lớn nhân loại đã tới ngày tiêu ma. Nếu có thượng đế hay những vị thần linh – mà nhiều người tin là đấng sáng thế – thì chắc hẳn nhiều lúc thượng đế hay thần linh đã phải hối tiếc là mình đã tạo sinh ra thế giới này.

Loài người đã sống sót, nhưng tòa nhà vĩ đại của nền văn minh thế kỉ XIX đã bị thiêu hủy trong khói lửa chiến tranh, bao nhiêu cột trụ đổ sập. Quên điều đó, ta không thể hiểu được thế kỉ XX. Thế kỉ ngắn ngủi này mang nặng dấu ấn của chiến tranh. Nó đã sống và tư duy bằng thế chiến, ngay cả trong những lúc súng im bom lặng. Lịch sử của nó, hay chính xác hơn, lịch sử giai đoạn khởi đầu của sụp đổ và tai họa phải bắt đầu bằng 31 năm chiến tranh thế giới.

Đối với những ai đã đến tuổi trưởng thành trước năm 1914, sự tương phản hiển nhiên đến mức nhiều người – trong đó có thế hệ cha anh của người viết sách này, ít nhất là những người sống ở Trung Âu – chỉ thấy có sự đoạn tuyệt chứ không hề thấy có sự liên tục đối với quá khứ. “Hòa bình”, đối với họ, tức là “trước 1914”: sau đó, là một cái gì không đáng gọi bằng cái tên ấy. Điều đó có thể hiểu được. Năm 1914, loài người đã sống suốt một thế kỉ mà không có chiến tranh lớn, không có một cuộc chiến tranh có sự dính líu của tất cả các cường quốc hay của đa số những nước lớn – lúc đó, những quốc gia giữ vai trò chủ yếu trên bàn cờ quốc tế là sáu “đại cường châu Âu” (Anh, Pháp, Nga, Áo-Hung, nước Phổ từ 1871 trở đi mở rộng thành nước Đức, và nước Italia sau ngày hợp nhất), Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong thời gian ấy, duy nhất chỉ có một cuộc chiến tranh ngắn trong đó có hơn hai cường quốc tham chiến: đó là cuộc chiến tranh ở bán đảo Krym (1854-1856) giữa một bên là Nga, một bên là Anh và Pháp. Thêm nữa, phần lớn các cuộc chiến tranh liên quan tới những cường quốc đã kết thúc tương đối nhanh chóng. Cuộc chiến tranh dài hơn hẳn không phải là một cuộc giao tranh quốc tế mà là cuộc nội chiến ở Mỹ (1861-1865). Thời gian của các cuộc chiến tranh tính bằng tháng, thậm chí bằng tuần lễ (như cuộc chiến tranh Phổ-Áo năm 1866). Từ năm 1871 đến năm 1914, ở châu Âu, không xảy ra một cuộc chiến tranh nào trong đó cường quốc đưa quân vượt biên sang đánh địch thủ. Chỉ ở Viễn Đông năm 1904-1905, Nhật Bản đã giao chiến với Nga và chiến thắng của Nhật đã đốc thúc cách mạng Nga.

Trước năm 1914, chưa hề xảy ra chiến tranh thế giới. Thế kỉ XVIII, Anh và Pháp đã đối đầu nhau trong một loạt cuộc xung đột, chiến trường trải dài từ Ấn Độ sang Bắc Mỹ, qua châu Âu và trên cả các đại dương. Từ 1815 đến 1914, không có cường quốc nào giao tranh với một cường quốc khác ở ngoài vùng lân cận, các cuộc viễn chinh liên tiếp diễn ra trong thời kì này đều là những cuộc chiến tranh xâm lược của những cường quốc thực dân (hay những nước có tham vọng trở thành cường quốc thực dân) tại những nước hải ngoại yếu kém hơn. Phần lớn đó là những trận chiến đơn phương như các cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành chống lại Mexico (1846-1848) và Tây Ban Nha (1898), hay các chiến dịch mở rộng thuộc địa của Anh và Pháp. Đôi khi công việc không diễn ra suôn sẻ: người Pháp đã phải rút khỏi Mexico trong thập niên 1860, người Italia khỏi Ethiopia năm 1896. Ngay cả những kẻ mạnh mẽ chống lại các cường quốc hiện đại, với kho vũ khí đầy ắp công nghệ giết người ưu việt, cũng không thể làm gì hơn là trì hoãn cuộc triệt thoái. Các cuộc viễn chinh ấy trở thành đề tài cho tiểu thuyết phiêu lưu hay những thiên bút kí “phóng sự chiến tranh” – một sáng chế mới của thế kỉ XIX – chứ cũng không phải là mối quan tâm hàng đầu của người dân những nước tiến hành chiến tranh và thắng lợi.

1914 đã thay đổi mọi sự. Thế chiến thứ Nhất đã lôi vào vòng chiến tất cả các cường quốc, cụ thể là toàn bộ các quốc gia châu Âu ngoại trừ Tây Ban Nha, Hà Lan, ba nước Bắc Âu thuộc bán đảo Scandinavia và Thụy Sĩ. Hơn nữa, quân đội ở các châu lục khác gần như lần đầu tiên được gửi đi đánh nhau ở những nơi xa. Người Canada chiến đấu trên lãnh thổ Pháp, người Australia và New Zealand giác ngộ ý thức dân tộc của họ ở mãi tận bán đảo bên bờ biển Aegean (thuộc Địa Trung Hải) – “Gallipoli” trở thành huyền thoại quốc gia của họ – và ý nghĩa hơn cả, gạt bỏ lời khuyến cáo của George Washington dặn dò người Mỹ đừng nên dính dấp vào “chuyện châu Âu lôi thôi”, Hoa Kỳ đã đưa quân sang tham chiến ở châu Âu, và đã tạo nên cục diện của lịch sử thế kỉ XX. Người Ấn Độ được gửi sang châu Âu và Trung Đông, những tiểu đoàn lao công người Trung Hoa được đưa sang phương Tây, người châu Phi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp. Hoạt động quân sự ở ngoài lãnh thổ châu Âu không có gì quan trọng lắm, ngoại trừ khu vực Trung Đông, nhưng một lần nữa, chiến tranh trên mặt biển lại có tính chất toàn cầu: trận hải chiến đầu tiên diễn ra năm 1914 ở ngoài khơi quần đảo Falkland, và những chiến dịch quan trọng nhất của tàu ngầm Đức và các đoàn hải vận của Đồng minh diễn ra ở các vùng biển Bắc và Trung Đại Tây Dương.

Tính chất toàn cầu của Thế chiến thứ Hai không cần phải chứng minh. Muốn hay không muốn, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều hệ lụy, mặc dầu sự tham gia của các nước cộng hòa châu Mỹ Latin chỉ có tính hình thức. Các nước thuộc địa đã mất chủ quyền, sự chọn lựa không đặt ra. Ngoại trừ Cộng hòa Ireland sẽ được thành lập, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kì ở châu Âu, và có thể Afghanistan ở châu Á, có thể nói toàn bộ thế giới đã tham chiến hoặc bị chiếm, hoặc cả hai. Còn các chiến trường, thì địa danh hải đảo Melanesia, doanh trại Bắc Phi, Miến Điện hay Philippines, đối với người đọc báo hay nghe đài – Thế chiến thứ Hai đúng là cuộc chiến tranh diễn ra giữa các bản thông báo truyền thanh – đã trở thành quen thuộc không kém các trận địa ở Bắc Cực, vùng núi Kavkaz, đồng bằng Normandie, Stalingrad hay Kursk. Thế chiến thứ Hai là cả một bài học về địa lí thế giới.

Dù là cục bộ, khu vực hay toàn cầu, các cuộc chiến tranh thế kỉ XX đã diễn ra với quy mô chưa từng thấy. Các chuyên gia Mỹ rất thích làm thống kê về chuyện này, họ đã xếp hạng 74 cuộc chiến tranh quốc tế xảy ra trong thời gian 1816-1965 theo con số nạn nhân, bốn cuộc chiến tranh lớn nhất đều diễn ra trong thế kỉ XX: hai cuộc chiến tranh thế giới, cuộc chiến tranh 1937-1939 của Nhật ở Trung Quốc và cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bốn cuộc giao tranh này đều có ít nhất một triệu người chết trận. Trong thế kỉ XIX, sau thời kì Napoléon, cuộc chiến tranh lớn nhất mà người ta có đầy đủ thông tin là cuộc giao tranh năm 1870-1871 giữa Phổ và Pháp, có khoảng 150.000 người chết, nghĩa là ngang với số tử trận trong cuộc chiến tranh Chaco (1932-1935) giữa Bolivia (dân số 3 triệu người) và Paraguay (dân số khoảng 1,4 triệu người). Tóm lại, 1914 mở đầu thời kì những cuộc tàn sát hàng loạt (Singer, 1972, tr. 66, 131).

Đây không phải là chỗ thảo luận về nguyên nhân cuộc Thế chiến thứ Nhất: tác giả cuốn sách này đã cố gắng trình bày trong tác phẩm Thời đại đế chế. Khởi đầu, cuộc đại chiến chủ yếu là cuộc chiến tranh châu Âu, giữa một bên là liên minh tay ba (Pháp, Anh, Nga) và bên kia là các “cường quốc Trung Âu” (Đức và Áo-Hung), ngay sau đó có sự tham gia của Serbia (bị Áo tấn công, và chính cuộc tấn công này đã mở đầu cuộc chiến tranh) và Bỉ (bị Đức tấn công trong khuôn khổ chiến lược của Đức). Tiếp theo, Thổ và Bulgaria đứng về bên các cường quốc Trung Âu, còn liên minh tay ba triển khai thành một liên minh rộng lớn. Italia ngả theo liên minh, rồi đến phiên Hi Lạp, Romania, và (trên nguyên tắc) Bồ Đào Nha. Quan trọng hơn là sự can dự nhanh chóng của Nhật Bản nhằm chiếm lĩnh các vị trí của Đức ở Viễn Đông và tây Thái Bình Dương, mặc dầu Nhật Bản không hề quan tâm tới những gì xảy ra ở ngoài khu vực. Có ý nghĩa hơn hết là sự can thiệp có tính chất quyết định của Hoa Kỳ năm 1917.

Hồi đó, cũng như trong Thế chiến thứ Hai, nước Đức phải đương đầu với một cuộc chiến tranh có thể diễn ra cùng lúc trên hai mặt trận, đó là không kể vùng Balkan đương nhiên nó phải dính líu vì liên minh với Áo-Hung (tuy nhiên, vấn đề chiến lược không đến nỗi bức xúc vì trong bốn cường quốc Trung Âu, ba nước đã ở sẵn trong khu vực Balkan này rồi: Thổ, Bulgaria cũng như Áo). Kế hoạch của Đức nhằm: phía Tây, nhanh chóng loại Pháp ra khỏi vòng chiến, sau đó, loại Nga ra khỏi vòng chiến ở phía Đông trước khi Đế chế Sa hoàng kịp huy động các đạo quân đông đảo. Đức không có chọn lựa nào khác hơn là phải tốc chiến (cũng như sau này, trong Thế chiến thứ Hai, Đức đã tiến hành cuộc chiến tranh gọi là blitzkrieg, chiến tranh thần tốc). Kế hoạch này xém chút nữa là thành công. Quân Đức đã xuyên qua nước Bỉ trung lập đánh thọc vào Pháp, và chỉ năm, sáu tuần lễ sau ngày khai chiến, đã đến sông Marne, cách Paris vài chục km (Năm 1940, kế hoạch này sẽ thành công). Sau đó, quân lực Đức lùi về phía sau một chút. Quân Pháp nhận được sự tiếp viện của những đơn vị quân Bỉ còn sót lại, và một lực lượng bộ binh Anh chẳng mấy chốc được tăng cường ngày càng hùng hậu. Hai bên vội vàng triển khai những tuyến phòng thủ và chiến hào song song, chạy dài từ vùng Flandres bên eo biển Manche đến biên giới Thụy Sĩ, để lọt một phần lớn miền Đông nước Pháp và nước Bỉ vào vòng chiếm đóng của quân đội Đức. Trong suốt thời gian ba năm rưỡi sau đó, vị trí mỗi bên nói chung không thay đổi.

Đó là tình hình “mặt trận phía Tây” đã trở thành cỗ máy tàn sát chưa từng thấy trong lịch sử cuộc chiến tranh. Hàng triệu người đã sống ở hai bên chiến tuyến, mặt đối mặt, cách nhau bằng những túi cát chạy dọc theo những chiến hào, sống chui lủi cùng với chấy rận và chuột cống. Thỉnh thoảng, giới tướng lĩnh tìm cách ra khỏi thế bí. Họ ra lệnh nã pháo cấp tập suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ liên tiếp – sau này một nhà văn Đức sẽ gọi đó là những “cơn giông sắt thép” (Ernst Jünger, 1921) – với mục đích “hầm nhừ” quân địch, buộc quân địch phải chui rúc dưới mặt đất; rồi, tới thời điểm nhất định, từng đợt binh lính được tung ra, leo qua những lá chắn thường được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai, để bước vào “vùng đất không người”, lỗ chỗ những hố đạn đại bác ngập nước, ngổn ngang những gốc cây tơi tả, bùn lầy và xác chết bị bỏ rơi; binh lính tiến về phía những ổ đại liên để ngã gục trước làn đạn và họ biết trước là họ sẽ chết dưới làn đạn liên thanh. Nỗ lực của Đức nhằm chọc thủng phòng tuyến Verdun năm 1916 (từ tháng hai đến tháng bảy) đã huy động 2 triệu binh lính và gây ra 1 triệu nạn nhân; cuối cũng đã thất bại. Quân đội Anh đánh trận sông Somme để buộc quân Đức phải từ bỏ cuộc tấn công ở Verdun, kết quả 420.000 binh sĩ Anh tử trận, trong đó 60.000 người bỏ mạng ngay trong ngày đầu của trận đánh. Dễ hiểu tại sao trong kí ức của những người Anh và người Pháp đã tham gia cuộc Thế chiến thứ Nhất chủ yếu tại “mặt trận phía Tây”, đó là “cuộc Đại chiến”, kinh khủng và chấn thương hơn hẳn Thế chiến thứ Hai. Trong cuộc Thế chiến thứ Nhất, người Pháp đã mất 20% đàn ông ở tuổi chiến đấu, và nếu ta tính cả số tù binh, thương binh, phế binh – “gueules cassées”, những người mang thương tích trên mặt, về sau đã trở thành hình ảnh ấn tượng nhất của chiến tranh – thì cứ ba người lính Pháp, chỉ có một người là sống sót nguyên vẹn hình hài sau bốn năm chiến tranh. Xác suất sống còn của 5 triệu binh sĩ Anh cũng đại thể như vậy. Người Anh đã mất đi cả một thế hệ: nửa triệu đàn ông dưới tuổi 30 (Winter, 1986, tr. 83) – đặc biệt trong số thanh niên thuộc giai cấp thượng lưu, vì được đào tạo làm “gentlemen”, họ đã trở thành sĩ quan, xung phong đi đầu trong các trận đánh, và cũng là những người đầu tiên gục ngã nơi chiến trường. 1/4 sinh viên các trường đại học Oxford và Cambridge dưới 25 tuổi bị động viên năm 1914 đã bỏ mình (Winter, 1986, tr. 98). Về phía quân đội Đức, số tử vong tuyệt đối cao hơn phía Pháp, nhưng số tương đối thấp hơn: 13% vì ban đầu Đức triển khai nhiều quân hơn. Ngay con số thương vong tương đối thấp của quân đội Mỹ (116.000 người, so với 1,6 triệu người Pháp, 800.000 người Anh và 1,8 triệu người Đức) cũng cho thấy rõ mức độ tàn sát ở mặt trận phía Tây là nơi duy nhất mà quân đội Mỹ tham chiến. Sự thật là số thương vong của quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ Hai gấp từ 2,5 đến 3 lần so với Thế chiến thứ Nhất: lần trước, Mỹ chỉ tham chiến trong thời gian một năm rưỡi cuối cùng (1917-1918) của cuộc chiến tranh và trong phạm vị một trận địa hẹp, lần sau ba năm rưỡi và trên toàn thế giới.

Adolf Hitler (1889-1945)

Những thảm khốc ở Mặt trận phía Tây còn dẫn tới những hậu quả đen tối hơn nữa. Kinh nghiệm ấy tự nó đã góp phần làm cho chiến tranh và chính trị trở thành bạo liệt hơn: nếu người ta có thể làm chiến tranh mà không cần tính toán đến tổn thất về nhân sự hay những tổn thất khác, thì tại sao không làm như thế trong chính trị? Phần đông những ai phải cầm súng trong những năm 1914-1918 – hầu hết họ bị động viên – đều trở về với tâm trạng thù ghét chiến tranh. Tuy nhiên, người nào kinh qua chiến tranh mà không thù ghét chém giết thì lại có xu hướng rút ra từ kinh nghiệm sinh tử, dũng cảm và đồng đội một thứ mặc cảm tự tôn man dại, rất khó chia sẻ, nhất là đối với phụ nữ và những người ở hậu phương: chính thứ mặc cảm này đã cung cấp hàng ngũ cho các tổ chức cực hữu sau chiến tranh. Adolf Hitler là một trong số người mà thử thách trưởng thành là thử thách của người lính tiền tuyến – frontsoldat. Phản ứng ngược lại cũng dẫn tới những hậu quả không kém tiêu cực. Sau chiến tranh, các chính khách thấy rõ rằng cử tri ở các nước dân chủ sẽ không bao giờ còn chấp nhận những cuộc tắm máu như chiến tranh 1914-1918. Mọi chiến lược hậu-1918 của Anh và Pháp, cũng như chiến lược sau Việt Nam của Mỹ, đều căn cứ vào tiền đề này. Hậu quả ngắn hạn của việc này là tạo điều kiện cho Đức năm 1940 thắng lợi trong cuộc giao tranh với một nước Pháp thủ thế đằng sau một hệ thống phòng ngự không hoàn chỉnh, và mất hết chí khí khi tuyến phòng thủ bị chọc thủng; và một nước Anh tìm mọi cách tránh né một cuộc chiến tranh lục địa mà mình phải đem đại quân tham gia và đã bị tàn sát như 1914-1918. Hậu quả dài hạn là chính quyền những nước dân chủ cũng không cưỡng lại được dụng ý cứu vãn sinh mạng của người dân nước mình bằng cách hy sinh mạng sống của người dân nước thù địch. Người ta đã biện minh cho việc ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, nói đó là phương tiện để bảo vệ sinh mạng lính Mỹ, chứ không nói là nó cần thiết để chiến thắng, vì thắng lợi lúc đó là chắc chắn. Cũng phải nói thêm: trong tính toán của chính phủ Hoa Kỳ, có lẽ không phải không có ý muốn ngăn chặn Liên Xô – đồng minh của nước Mỹ – đòi chia phần lớn hơn trong cuộc đại thắng Nhật Bản.

Ernest Hemingway (1899-1961)

Trong khi Mặt trận phía Tây khựng lại trong bế tắc đẫm máu, thì Mặt trận phía Đông không ngừng chuyển động. Ngay trong tháng đầu của cuộc giao tranh, quân Đức đã đập tan một lực lượng xâm nhập vụng về của quân Nga ở Tannenberg [thuộc Đông Phổ, nay là lãnh thổ Ba Lan], và sau đó, với sự hỗ trợ đôi lúc hiệu quả của quân Áo, quân Đức đã đánh bật quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ba Lan. Mặc dầu thỉnh thoảng quân Nga có phản công, nhưng rõ ràng các cường quốc Trung Âu đã giành thế thượng phong và trước sự tiến quân của Đức, Nga chỉ còn cách tiến hành cuộc chiến tranh hậu vệ. Ở bán đảo Balkan, các cường quốc Trung Âu làm chủ tình thế mặc dầu quân đội của Đế chế Habsburg đang lung lay chỉ đạt được những kết quả không mấy đồng đều. Phải nói là phần tổn thất nặng nhất do những nước tham chiến tại chỗ là Serbia va Romania phải gánh chịu. Quân đội Đồng minh tuy chiếm đóng được Hi Lạp nhưng không tiến thêm được bước nào cho đến sau mùa hè 1918, khi các cường quốc Trung Âu đã sụp đổ. Kế hoạch của Italia mở thêm mặt trận đánh Hung-Áo ở vùng núi Alps không thành, chủ yếu vì nhiều binh lính Italia không thấy có lí do gì thúc đẩy họ chiến đấu cho một chính quyền xa lạ đối với họ, nói một tiếng nói mà họ không quen. Sau trận thua lớn năm 1917 ở Caporetto – mà tiểu thuyết Giã từ vũ khí của Ernest Hemingway là chứng tích văn học – quân Italia đã phải nhận chi viện của các đồng minh khác. Trong khi đó, Pháp, Anh và Đức tử chiến với nhau ở Mặt trận phía Tây, Nga thì thua trông thấy, tình hình mất ổn định ngày càng nghiêm trọng, còn Đế chế Áo-Hung xích lại gần ngày nổ tung, ngày mà các phong trào dân tộc ở khu vực này vẫn hằng trông đợi, còn bộ trưởng ngoại giao của các nước Đồng minh thì chỉ biết chịu trận vì họ thấy trước rằng châu Âu sẽ lâm vào tình trạng mất ổn định.

Đối với mỗi quốc gia tham chiến, vấn đề sống còn là làm sao thoát ra khỏi ngõ bí, bởi nếu mặt trận phía Tây không phân thắng bại thì không bên nào có hi vọng chiến thắng vì trên mặt biển, cuộc giao tranh cũng lâm vào thế bế tắc. Không kể một vài vụ “hải tặc” lẻ loi, hạm đội Đồng minh kiểm soát được các đại dương, nhưng ở Bắc Hải, hai hạm đội Anh và Đức cầm chân nhau. Trận hải chiến duy nhất (1916) bất phân thắng bại, nhưng dẫu sao nó đã làm cho tàu chiến của Đức kẹt ở các căn cứ, khiến cho hạm đội Đồng minh được lợi thế.

Hai bên tìm cách phát huy công nghệ chiến tranh. Sở trường là hóa học, Đức tung hơi độc hóa học ra chiến trường. Vũ khí tỏ ra vừa dã man vừa vô hiệu, rốt cuộc đã trở thành thứ vũ khí duy nhất mà chính phủ các nước đã phải nhân danh tình người mà lên án: đó là Công ước quốc tế năm 1925, theo đó toàn thế giới cam kết không sử dụng chiến tranh hóa học. Trên thực tế, mặc dầu các nước vẫn chuẩn bị vũ khí hóa học và tin chắc kẻ địch sẽ sử dụng, trong Thế chiến thứ Hai, không phe nào mang vũ khí hóa học ra sử dụng, tuy rằng “tình người” đã không hề ngăn cản Italia dùng hơi độc giết hại dân chúng ở thuộc địa. (Sau Thế chiến thứ Hai, những giá trị của nền văn minh bị mai một, hơi độc hóa học lại được đem ra sử dụng. Thập niên 1980, trong cuộc chiến tranh với Iran, nước Irak được các nước phương Tây ủng hộ mạnh mẽ đã thoải mái dùng hơi độc hóa học đối với quân nhân và thường dân). Anh là nước đi đầu sản xuất xe bọc thép chạy bằng dây xích, lúc đó được gọi bằng mật danh tank (tăng), song các tướng lĩnh quân đội Anh không mấy thông minh chưa tìm ra cách sử dụng. Cả hai phe tham chiến đều dùng máy bay, một công cụ còn mới và dễ hỏng, Đức còn thử nghiệm cả những “ống” khinh khí (hydro), hình dài như chiếc xì gà, để ném bom – may thay không mấy kết quả. Và chiến tranh trên không cũng đã phát triển, như một phương tiện khủng bố thường dân, trong cuộc Thế chiến thứ Hai.

Vũ khí kĩ thuật duy nhất có tác dụng quan trọng trong cuộc chiến tranh 1914-1918 là tàu ngầm vì cả hai bên đều không thắng được quân đội đối phương, đã tìm cách gây đói cho thường dân ở phía bên kia. Nước Anh lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự tiếp tế bằng đường biển, nên có thể bóp nghẹt đảo quốc này bằng cách dùng tàu ngầm để đánh phá hạm đội Anh ngày một mạnh mẽ. Năm 1917, chiến dịch này gần như thành công, cho đến khi Đồng minh tìm ra cách chống trả hiệu quả, song hậu quả của việc này trước hết là lôi kéo Hoa Kỳ lâm chiến. Sau đó tới phiên người Anh tìm cách phong tỏa nước Đức, nghĩa là bóp nghẹt nền kinh tế chiến tranh của Đức và gây đói cho dân chúng Đức. Cuộc phong tỏa xem ra hiệu quả hơn mức có thể chờ đợi, vì như chúng ta sẽ thấy ở phần dưới, nền kinh tế chiến tranh của Đức không được quản lí một cách hiệu quả và hợp lí như người Đức đã khoe khoang, khác hẳn bộ máy chiến tranh đã tỏ rõ ưu thế trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Riêng ưu thế này lẽ ra đã quyết định kết cục nếu như phe Đồng minh không dựa được vào tài nguyên hầu như vô tận của Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1917 trở đi. Thực tế là, mặc dầu bị vướng víu liên minh với Áo, nước Đức đã toàn thắng trên mặt trận phía Đông, loại trừ nước Nga khỏi vòng chiến, đưa đẩy Nga vào cuộc Cách mạng và xua đuổi quân đội Nga ra khỏi một bộ phận lớn lãnh thổ thuộc châu Âu trong thời gian 1917-1918. Gần như ngay sau khi áp đặt nền hòa bình – trừng phạt ở Brest-Litovsk (tháng ba 1918), quân đội Đức rảnh tay ở phía Đông có thể dồn lực lượng sang phía Tây, chọc thủng trận tuyến và tiếp tục tiến gần tới Paris. Nhờ quân đội và vũ khí vật tư tiếp viện của Mỹ, quân Đồng minh đã chấn chỉnh trở lại và, trong một khoảng thời gian nhất định, cục diện cuộc chiến tranh không biết ngã ngũ ra sao. Song đó chỉ là cuộc vùng vẫy cuối cùng của một nước Đức kiệt quệ, biết mình đang ở bên bờ chiến bại. Sang mùa hè năm 1918, khi quân Đồng minh bắt đầu tiến lên, thì kết cục chiến tranh chỉ còn là vấn đề tuần lễ. Các cường quốc Trung Âu không những chịu thua mà còn hoàn toàn sụp đổ. Mùa hè 1918, Cách mạng đã lan tràn vùng trung tâm và vùng đông-nam châu Âu sau khi đã tràn ngập nước Nga năm 1917 (xem ch. 2). Từ biên giới Pháp-Đức cho đến biển Nhật Bản, không còn một chính quyền cũ nào đứng vững. Các nước trong phe chiến thắng đều bị rúng động, mặc dầu khó có thể nghĩ rằng Anh và Pháp không giữ được ổn định chính trị (ngay trong trường hợp hai nước này thất trận), song tình hình Italia thì khác. Rõ ràng không có nước thua trận nào thoát khỏi tình thế cách mạng. 

Otto von Bismarck (1815-1898)

Nếu có một bộ trưởng hay nhà ngoại giao được coi là kiệt xuất trong quá khứ – như Talleyrand hay Bismarck là những tên tuổi người ta vẫn thường nêu lên để làm gương cho những nhà ngoại giao tập tễnh – bước ra khỏi nhà mồ để quan sát cuộc Thế chiến thứ Nhất, hẳn ông ta sẽ tự hỏi tại sao những nhà lãnh đạo quốc gia có óc suy xét lại không thỏa hiệp để giải quyết cuộc xung đột trước khi nó phá hủy thế giới của năm 1914. Chúng ta cũng phải đặt câu hỏi đó ra. Trong quá khứ, phần lớn các cuộc chiến tranh phi cách mạng hay phi ý thức hệ không diễn ra như một cuộc giao chiến một mất một còn, hay cho đến khi cả hai bên đều kiệt quệ. Năm 1914, rõ ràng hai bên tham chiến không chia cách bằng một lằn ranh tư tưởng, có chăng là các bên đều dùng những luận điểm có tính chất tư tưởng để động viên dư luận, thuyết phục dư luận là nhất thiết phải bảo vệ những “giá trị quốc gia”, nào là chiến đấu để bảo vệ “văn hóa Đức” chống lại “man di Nga”, bảo vệ nền “dân chủ” Anh Pháp chống lại “chế độ cực quyền” của Đức v.v.. Thậm chí đã có những nhà lãnh đạo quốc gia, ngay cả ở ngoài nước Nga và Áo-Hung, kêu gọi đi tới thỏa hiệp và làm sức ép lên các nước Đồng minh, càng gần ngày chiến bại, thì nỗ lực của họ càng tuyệt vọng. Thế thì tại sao các cường quốc hai bên lại tiến hành Thế chiến thứ Nhất như một trò chơi “tổng số bằng không”, nghĩa là một cuộc chiến tranh hoặc toàn thắng hoặc toàn bại?

Lí do là: trước đó, các cuộc giao chiến đều có những mục tiêu hạn chế và cụ thể, còn Thế chiến thứ Nhất được tiến hành với những mục đích vô hạn định. Trong Thời đại Đế chế, chính trị và kinh tế đồng nhất là một. Sự đua tranh chính trị và quốc tế gắn liền với tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh trên thị trường, nhưng đặc điểm của sự cạnh tranh là nó không có giới hạn. “Đường ‘ranh giới tự nhiên’ của công ti Standard Oil, của ngân hàng Deutsche Bank hay của tập đoàn De Beers Diamond Corporation trùng lặp với biên giới của vũ trụ, hay nói đúng hơn, nó thuần túy được quy định bởi khả năng bành trướng của nó” (Hobsbawm, 1987, tr. 318 nguyên tác). Nói cụ thể hơn, đối với hai đối thủ chính là Anh và Đức, giới hạn là bầu trời, bởi vì Đức muốn chiếm vị trí chính trị và hải dương toàn cầu như Anh lúc đó, nghĩa là đương nhiên đẩy nước Anh đang suy yếu xuống vị thế thấp kém hơn. Như thế là không có chọn lựa nào khác. Còn đối với Pháp, sự được mất không có tính chất toàn cầu như vậy song không kém phần bức thiết, vấn đề đặt ra cho Pháp là bù trừ được thế yếu kém ngày càng nặng, dường như không thể đảo ngược, về dân số và kinh tế so với Đức. Đó là vấn đề sống còn cho tương lai của nước Pháp với tư cách là cường quốc. Trong cả hai trường hợp, thỏa hiệp chẳng qua là trì hoãn vấn đề. Còn nước Đức, người ta có thể tưởng rằng nó có thể đợi dân số và sức mạnh kinh tế tăng trưởng tới mức đương nhiên sẽ mang lại vị trí mà những người cầm quyền coi là nước Đức phải có, và điều ấy sớm muộn sẽ xảy ra. Thật thế, sang đầu thập niên 1990, chẳng ai phủ nhận vị trí thống lĩnh của nước Đức mặc dầu nó đã hai lần thất trận và hoàn toàn không còn tham vọng trở thành một cường quốc quân sự độc lập ở châu Âu, không như tình hình trước năm 1945 với những tham vọng quân phiệt của Đức. Nguyên nhân là vì, sau Thế chiến thứ Hai, Anh và Pháp dù không muốn cũng vẫn phải chấp nhận vị trí cường quốc hạng nhì. Về phần mình, mặc dầu nền kinh tế tăng trưởng mạnh, CHLB Đức cũng phải chấp nhận rằng, trong cục diện thế giới sau 1945, một nhà nước thống nhất là không hiện thực, và còn tiếp tục không hiện thực. Năm 1900, đỉnh điểm của Thời đại Đế chế và chủ nghĩa đế quốc, tham vọng của nước Đức muốn chiếm lĩnh một vị trí độc nhất vô nhị trên thế giới (khẩu hiệu của nước Đức lúc đó là “tinh thần Đức sẽ tái tạo lại thế giới”) cũng như sự kháng cự của Anh và Pháp – cả hai nước này rõ ràng vẫn là những cường quốc trong một thế giới còn “dĩ Âu vi trung” – đều còn nguyên vẹn. Trên giấy tờ, đúng là có khả năng tìm ra thỏa hiệp trên điểm này hay điểm nọ trong các “mục tiêu chiến tranh” có phần vĩ cuồng mà hai bên tuyên cáo khi bắt đầu giao chiến. Trên thực tế, mục tiêu duy nhất của mỗi bên là giành lấy toàn thắng, mục tiêu mà trong cuộc Thế chiến thứ Hai, người ta sẽ gọi là: bên địch phải “đầu hàng không điều kiện”.

John M. Keynes (1883-1946)

Đó là một mục tiêu vô lí và tự hủy, nó sẽ làm cho kẻ thắng người thua đều bị lụn bại. Bên thua sẽ bị đẩy vào tình trạng cách mạng, bên thắng khánh tận và kiệt lực. Đến năm 1940, nước Pháp sẽ bị Đức (quân lực nhỏ hơn) làm cho thất điên bát đảo một cách dễ dàng và nhanh chóng đến mức nực cười. Không chút do dự, Pháp đã phải khuất phục Hitler vì nó đã bị mất máu trong cuộc chiến tranh 1914-1918. Còn nước Anh sau năm 1918 không bao giờ còn là nước Anh trước đó nữa: nền kinh tế đã lụn bại sau một cuộc chiến tranh vượt quá xa khả năng của nó. Thêm nữa, như nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã nhanh chóng nhận ra, cuộc toàn thắng, thể hiện qua hiệp ước hòa bình - trừng phạt, đã triệt tiêu cơ may nhỏ nhoi hồi phục lại một chút hơi hớm châu Âu tư sản ổn định và khoáng đạt. Làm sao có được ổn định nếu nước Đức không hội nhập trở lại vào nền kinh tế châu Âu, nếu sức nặng kinh tế của nước Đức trong nền kinh tế châu Âu không được thừa nhận và chấp nhận. Mà điều ấy không phải là mối quan tâm của những người đã chiến đấu để loại trừ nước Đức.

Woodrow Wilson (1856-1924)

Giải pháp hòa bình vẫn được biết dưới tên gọi đại khái là hiệp định Versailles[6], do các cường quốc sống sót sau cuộc chiến (Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Italia) áp đặt, tuân thủ năm điều suy tính. Suy tính trực tiếp nhất là sự sụp đổ của nhiều chế độ ở châu Âu và sự xuất hiện một chế độ mới ở Nga, Bolshevik và cách mạng, nhằm lật đổ khắp nơi và tác động như một thỏi nam châm đối với các lực lượng cách mạng đang trỗi dậy ở mọi nước (xem ch. 2). Suy tính thứ hai là nhu cầu kiểm soát được nước Đức, vì suýt nữa một mình nước Đức cũng đủ đánh bại Đồng minh. Vì những lí do hiển nhiên, đó là quan tâm chính của nước Pháp, từ trước đến giờ vẫn như thế. Suy tính thứ ba là sự cần thiết phải phân chia và vẽ lại bản đồ châu Âu, vừa để làm yếu nước Đức vừa để lấp những khoảng trống mà sự sụp đổ cùng lúc của các đế quốc Nga, Áo-Hung và Ottoman đã tạo ra ở châu Âu và Trung Đông. Những “thế tử” chủ yếu, ít nhất ở châu Âu, là các phong trào quốc gia đủ loại mà các nước thắng trận có xu hướng khuyến khích mỗi khi họ tỏ rõ lập trường chống cộng sản Bolshevik. Ở châu Âu, nguyên tắc chủ đạo trong việc vẽ lại bản đồ là tạo ra những Nhà nước – Dân tộc trên cơ sở ngôn ngữ - sắc tộc, theo nguyên tắc “dân tộc tự quyết”. Tổng thống Mỹ Wilson rất thiết tha với ý tưởng này, mà ý kiến của ông lại được coi là quan điểm của cường quốc đóng vai trò quyết định thắng bại trong cuộc đại chiến. Ý tưởng ấy được nhiều người ủng hộ, ngày nay cũng thế, nhất là những người ít hiểu biết thực tế ngôn ngữ và sắc tộc phức tạp của những khu vực cần được quy hoạch thành những Nhà nước – Dân tộc. Cuộc thử nghiệm này đã đem lại những hậu quả thê thảm mà đến những năm 1990 ta còn thấy rõ. Những xung đột dân tộc xâu xé châu Âu trong thập niên 1990 chẳng qua là những con “gà giò già khú” được đẻ ra ở Versailles[7] nay lại bị đem ra nướng một lần nữa. Việc hoạch định biên giới ở Trung Đông thì dựa theo những giới tuyến đế quốc truyền thống (chia chác giữa Anh và Pháp) – với ngoại lệ là Palestine, nơi mà chính phủ Anh, vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Do Thái quốc tế trong thời kì chiến tranh đã hứa hẹn một cách mập mờ và thiếu cẩn trọng, là sẽ thành lập một “ngôi nhà quốc gia” (national home) cho người Do Thái. Lại thêm một di sản gây vấn đề và kéo dài của Thế chiến thứ Nhất.

Loại suy tính thứ tư liên quan tới đời sống chính trị nội bộ của các nước thắng trận – Anh, Pháp và Hoa Kỳ – và tới những xung khắc tồn tại từ trước giữa các nước ấy. Hậu quả quan trọng nhất của tình hình nội chính là Quốc hội Mỹ không chịu phê chuẩn giải pháp hòa bình chủ yếu là do chính tổng thống Hoa Kỳ vạch ra, hoặc được vạch ra để làm vừa lòng ông. Việc Hoa Kỳ giải kết mang lại những hậu quả nghiêm trọng.

Sau cùng, các cường quốc thắng trận tìm mỏi mắt một giải pháp hòa bình khả dĩ ngăn ngừa một cuộc chiến tranh tương tự cuộc thế chiến vừa tàn phá thế giới mà hậu quả còn hiển hiện khắp nơi. Họ đã thất bại thảm hại: 20 năm sau, thế giới lại rơi vào chiến tranh.

Phòng chống chủ nghĩa Bolshevik và vẽ lại bản đồ châu Âu là hai nhiệm vụ gắn liền với nhau, bởi vì cách đối phó trực tiếp với nước Nga cách mạng (nếu như nó không chết yểu – mà điều này, ở thời điểm 1919, không có gì chắc chắn cả) là cô lập nó bằng một “vành đai vệ sinh” (nói theo ngôn ngữ ngoại giao đương đại) bao gồm những quốc gia chống cộng. Lãnh thổ các nước này đều cắt hoàn toàn hay một phần từ đất Nga cũ, nên có thể chắc chắn là họ thù nghịch với Moskva. Đó là, từ bắc xuống nam: Phần Lan, vùng tự trị mà Lenin đã để cho li khai; ba nước cộng hòa nhỏ ở ven biển Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania) chưa hề có tiền lệ lịch sử; Ba Lan sau 120 năm mới trở lại thành một quốc gia độc lập; và Romania rộng lớn hẳn lên, diện tích tăng gấp đôi sau khi sáp nhập phần đất Hung và Áo của Đế chế Habsburg và phần đất Bessarabia của Nga. Phần lớn các lãnh thổ kể trên đã bị Đức tách rời khỏi cương vực nước Nga, và lẽ ra được trả lại cho nhà nước Nga nếu không có cuộc Cách mạng Bolshevik. Những nỗ lực kéo dài vành đai bao vây Nga ở vùng Kapkaz đã thất bại, chủ yếu vì nước Nga cách mạng đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kì không cộng sản nhưng cách mạng, không mấy thích thú đế quốc Anh và Pháp. Bởi vậy, các quốc gia non yểu Armenia và Georgia độc lập được thành lập sau hiệp ước Brest-Litovsk, cũng như những cố gắng của Anh nhằm tách vùng Azerbaijan nhiều dầu mỏ, sau khi người Bolshevik giành được thắng lợi trong cuộc nội chiến 1918-1920 và hiệp ước Xô-Thổ được kí kết năm 1921, đều tàn lụi. Tóm lại, ở phía Đông, các nước Đồng minh đành chấp nhận những giới tuyến mà Đức đã ép buộc nước Nga cách mạng phải chịu, trong chừng mực những đường biên giới ấy còn có ý nghĩa trên thực địa.

Vậy còn phải vẽ lại bản đồ một số khu vực lớn của châu Âu, chủ yếu là lãnh thổ đế quốc Áo-Hung cũ. Hai nước Áo và Hung bị cắt xén, chỉ còn vỏn vẹn hai cái “phao câu” Áo và Hung; Serbia được mở rộng thành một quốc gia mới, rộng lớn – mang tên Nam Tư (tức là Slav phía Nam) – bằng cách sáp nhập cả Slovenia (trước đó thuộc Áo), Croatia (trước đó thuộc Hung), và cả một vương quốc nhỏ, xưa kia độc lập, của một bộ tộc sống bằng chăn nuôi và thổ phỉ: Montenegro, một vùng núi hẻo lánh. Chưa bao giờ mất độc lập như vậy, dân chúng Montenegro phản ứng bằng cách đổ xô đi theo cộng sản, cộng sản có vẻ “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Trong sự ngả theo này cũng có yếu tố tôn giáo (Kitô giáo Chính thống Nga) vì trong suốt mấy thế kỉ, người Montenegro vẫn một lòng giữ đạo chống lại Đế chế Ottoman. Một nước Tiệp Khắc mới cũng đã được thành lập, sáp nhập trung tâm công nghiệp của Đế chế Habsburg và những vùng đất người Séc với những vùng nông thôn Slovakia và Ruthenia trước đây thuộc Hung. Romania được mở rộng thành một phức hợp đa dân tộc, Ba Lan và Italia cũng thu được phần lợi. Thành lập các liên hiệp Nam Tư và Tiệp Khắc quả là không có tiền lệ và cũng chẳng có logic lịch sử nào cả, đó chỉ là kết quả của hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tin tưởng vào sức mạnh của chủng tộc chung và cho rằng không nên để những Nhà nước – Dân tộc quá nhỏ bé. Theo cái logic đó, tất cả những người slav (“tư”) ở phương nam phải họp chung thành một nước (Nam Tư), và những người slav phương Tây phải lập thành đất Séc và Slovakia (Tiệp Khắc). Dễ đoán trước là hai cuộc kết hôn chính trị cưỡng bức ấy không mấy bền vững. Cũng cần nói thêm là ngoại trừ Áo và Hung, hai quốc gia đã bị “vặt trụi” các sắc dân thiểu số (phần đông, không phải tất cả), các nhà nước mới được thành lập trên lãnh thổ cũ của Nga hay của Đế chế Habsburg cũng đều là những nhà nước đa dân tộc như các nhà nước trước đó.

Để duy trì nước Đức ở tình trạng suy yếu lâu bền, phe chiến thắng đã buộc Đức phải chấp nhận một nền hòa bình - trừng phạt, lấy cớ đó là nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc chiến tranh, do đó phải đảm nhiệm toàn bộ các hậu quả của nó. Để thực hiện mục tiêu này, người ta không chủ yếu dựa vào việc cắt xén lãnh thổ Đức, mặc dầu vùng Alsace- Lorraine đã được đem trả cho Pháp, và một vùng rộng lớn ở phía đông được trả cho nước Ba Lan được khôi phục (đó là vùng đất vẫn được gọi là “hành lang Dantzig” tách biệt vùng Đông Phổ với phần còn lại của nước Đức), còn các vùng biên giới khác có bị điều chỉnh nhưng không nhiều lắm. Biện pháp chủ yếu đã được sử dụng là ngăn cấm Đức duy trì một lực lượng hải quân và không quân hiệu quả, hạn chế lục quân Đức ở mức 100.000 người, và buộc Đức phải “bồi thường” chiến tranh vô thời hạn cho các nước Đồng minh; quân đội Đồng minh chiếm đóng một phần miền tây nước Đức; và, quan trọng không kém, tịch thu toàn bộ các thuộc địa hải ngoại của Đức. Các thuộc địa được chia cho người Anh và nước thuộc Anh, người Pháp, một phần nhỏ hơn cho người Nhật. Vì chủ nghĩa đế quốc càng ngày càng bị phản đối, nên các “thuộc địa” ấy trở thành những nước được nhân loại “ủy thác” cho các cường quốc để dẫn dắt dân chúng các nước ấy trên đường “tiến bộ”, tuyệt nhiên không có mục đích nào khác. Đến giữa thập niên 1930, ngoại trừ các điều khoản về lãnh thổ, có thể nói là hiệp định Versailles chẳng còn gì nữa.

Còn cơ cấu ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới, thì rõ ràng cái “consortium” gồm các đại cường châu Âu được thành lập trước năm 1914 để thực hiện mục đích này đã tan vỡ từ đó. Con đường thứ hai, con đường mà tổng thống Wilson tìm cách thuyết phục đám chính khách châu Âu ngoan cố với tất cả nhiệt tâm liberal của một nhà chính trị học của trường đại học Princeton, là lập ra “Hội Quốc Liên” (nghĩa là tập hợp các quốc gia độc lập) với nhiệm vụ chung là dùng phương pháp hòa bình và dân chủ để giải quyết các vấn đề trước khi chúng biến chất, tốt hơn cả là thông qua những cuộc thương lượng công khai (những “liên minh mở” được thành lập giữa “thanh thiên bạch nhật”), bởi vì cuộc đại chiến đã khiến cho dư luận nghi ngờ lối “ngoại giao bí mật” và những quy cách thương lượng quốc tế tế nhị vẫn được sử dụng. Đó chủ yếu là phản ứng chống lại những hiệp ước bí mật mà các nước Đồng minh đã thỏa thuận trong quá trình chiến tranh, thẳng tay chia cắt châu Âu và Trung Đông hậu chiến, bất chấp nguyện vọng và cả quyền lợi của dân chúng ở khu vực này. Phát hiện ra những “văn kiện tế nhị” này trong kho lưu trữ của Sa hoàng, chính quyền Bolshevik bèn công bố ngay. Và bây giờ, các nước Đồng minh phải tìm cách hạn chế những hậu quả tai hại. Do đó mà Hội Quốc Liên đã ra đời trong khuôn khổ giải pháp hòa bình (Versailles) và đã thất bại hầu như về mọi mặt, ngoại trừ lãnh vực duy nhất là thu thập các dữ liệu thống kê. Thoạt đầu, Hội Quốc Liên cũng có giải quyết được vài cuộc xung đột nhỏ, không chứa đựng nguy cơ đe dọa hòa bình thế giới, chẳng hạn như cuộc tranh chấp về quần đảo Aland[8] giữa Thụy Điển và Phần Lan. Song việc Hoa Kỳ không chịu gia nhập Hội Quốc Liên khiến cho tổ chức mất hẳn ý nghĩa.

Không cần đi vào chi tiết tình hình hai thập niên giữa hai cuộc Thế chiến cũng thấy rõ hiệp định Versailles không thể nào làm nền tảng cho một nền hòa bình ổn định. Số phận của nền hòa bình đã an bài ngay từ đầu, một cuộc thế chiến mới trở nên hầu như chắc chắn. Hoa Kỳ đã giải kết gần như ngay sau hội nghị, mà trong một thế giới trong đó châu Âu không còn đóng vai trò trung tâm và quyết định thì một giải pháp không được một đại cường chuẩn y chẳng thể nào có cơ may đứng vững. Ta sẽ thấy chiêm nghiệm điều này về mặt kinh tế cũng như trong đời sống chính trị thế giới. Tạm thời, hai đại cường châu Âu (thực chất là những cường quốc thế giới) – Đức và Nga Soviet – bị loại ra khỏi cuộc chơi quốc tế; hơn thế nữa, hai nước này không được thừa nhận tư cách tác nhân độc lập. Chỉ cần một trong hai nước ấy, và nhất là trong trường hợp cả hai nước xuất hiện trở lại trên sân khấu, là bất cứ giải pháp hòa bình nào chỉ có sự ủng hộ của Anh và Pháp – vì Italia vẫn bất mãn – cũng không thể lâu bền. Mà sớm muộn thế nào Đức, Nga, hay cả hai tất nhiên sẽ trở lại sân khấu và đóng vai chủ chốt.

Việc các cường quốc thắng trận không chịu để cho các nước thất trận được hội nhập đã triệt tiêu cơ may hòa bình vốn đã mỏng manh. Chẳng mấy lúc, việc vùi dập nước Đức và tẩy chay nước Nga trở thành không tưởng, họ đành phải miễn cưỡng và chậm chạp thích nghi với thực tại. Đặc biệt người Pháp cùng chẳng đã mới từ bỏ hi vọng duy trì một nước Đức suy yếu và bất lực (khác với Pháp, người Anh không bị ám ảnh bại trận hay bị xâm chiếm). Đối với Liên Xô, các nước thắng trận chỉ mong sao nó không có trên bản đồ thế giới; sau khi ủng hộ các đạo quân phản cách mạng trong cuộc nội chiến Nga, gửi cả những tiểu đoàn sang chi viện, họ đã buộc lòng ghi nhận sự tồn tại của Liên Xô. Doanh nhân các nước này thậm chí đã từ chối cả những nhân nhượng lớn nhằm lôi kéo các nhà đầu tư ngoại quốc mà Lenin đã đề nghị trong tình trạng tuyệt vọng, với mục đích tái khởi động guồng máy kinh tế bị chiến tranh, cách mạng và nội chiến phá hủy hầu như toàn bộ. Nước Nga Soviet vì vậy đã bắt buộc phải phát triển trong tình trạng cô lập, mặc dầu vào đầu thập niên 1920, vì mục đích chính trị, hai nước bị châu Âu tẩy chay, là Nga Soviet và Đức, đã xích lại gần nhau.

Có thể đã có khả năng tránh được, hay ít nhất trì hoãn được, cuộc Thế chiến thứ Hai nếu như châu Âu khôi phục được nền kinh tế tiền chiến và hệ thống tăng trưởng, phồn thịnh và phát triển trước đó. Giữa thập niên 1920, có lúc tưởng đã có thể lật trang sử những xáo trộn của chiến tranh và thời kì sau chiến tranh, mà rồi kinh tế thế giới lại lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và kịch tính chưa từng thấy kể từ thời cách mạng công nghiệp (xem ch. 3). Và, ở Đức cũng như ở Nhật Bản, cuộc khủng hoảng đã đưa lên vị trí cầm quyền những thế lực quân phiệt và cực hữu một mực muốn gây ra đối đầu, nếu cn bằng võ trang, để phá vỡ thế nguyên trạng hơn là muốn thay đổi từng bước bằng thương lượng. Tới thời điểm này, một cuộc đại chiến thế giới mới là điều có thể tiên liệu, không những thế nói chung người ta đều chờ đợi. Những người đến tuổi trưởng thành trong thập niên 1930 chờ đợi chiến tranh sẽ bùng nổ. Thế hệ của tôi đã bị ám ảnh bởi viễn tượng những phi đội ào ạt ném bom xuống các thành phố và viễn tượng những bóng người đeo mặt nạ băng qua hơi độc hóa học như trong một cơn ác mộng: viễn tượng thứ nhất đã trở thành hiện thực, viễn tượng thứ hai cũng may là quá lo xa.

* * *

II

Vì những lí do dễ hiểu, sách vở viết về nguyên nhân Thế chiến thứ Hai ít hơn hẳn những công trình về nguyên do Thế chiến thứ Nhất. Trừ một vài biệt lệ hiếm hoi, chẳng có sử gia nghiêm túc nào có thể nghi ngờ việc kẻ gây chiến là Đức và Nhật (còn Italia thì giới sử học cân nhắc hơn). Các nước phải chống lại ba nước kể trên, bất luận là nước tư bản hay nước XHCN, đều không muốn có chiến tranh và phần đông đã tìm mọi cách tránh né. Nói một cách đơn giản, câu hỏi “ai đã gây ra Thế chiến thứ Hai?” chỉ có một câu trả lời, và câu trả lời gói gọn vào một cái tên: Adolf Hitler.

Còn những vấn đề lịch sử thì tất nhiên câu trả lời không đơn giản như thế. Tình hình thế giới do Thế chiến thứ Nhất tạo ra tự thân là một tình trạng không ổn định, nhất là ở châu Âu, và ở cả Viễn Đông, cho nên không thể chờ đợi có hòa bình lâu bền. Tình hình nguyên trạng ấy, không phải chỉ có các nước thất trận bất mãn, mặc dầu các nước này, nhất là Đức, có cảm tưởng đúng là họ không thiếu lí do để oán hận. Từ những người cộng sản đến đảng viên Nazi của Hitler, tất cả các chính đảng Đức đều lên án hiệp định Versailles mà họ coi là bất công, không thể chấp nhận. Điều nghịch lí là nếu như có một cuộc cách mạng xảy ra, thì nước Đức thoát thai từ đó ra, đứng về mặt quan hệ quốc tế, chắc chắn sẽ không có tính chất bùng nổ đến như vậy. Hai nước đã tiến hành cách mạnh thật sự là Nga và Thổ Nhĩ Kì đều chúi đầu lo giải quyết công việc của mình, chẳng ai tìm cách gây ra bất an trên trường quốc tế. Trong thập niên 1930, Nga và Thổ là những nhân tố ổn định, và sự thật là Thổ đã chọn thế đứng trung lập trong Thế chiến thứ Hai. Còn Nhật Bản và Italia, tuy ở trong phe thắng trận, cả hai đều bất mãn – song người Nhật tỏ ra thực tế hơn người Italia thừa tham vọng mà thiếu phương tiện. Bất luận thế nào, khi chiến tranh kết thúc, nước Italia đã giành được nhiều lợi lộc về lãnh thổ, trong vùng núi Alps, vùng biển Adriatic và vùng biển Aegis, tuy không đạt được tất cả những chiến lợi phẩm mà năm 1915 phe Đồng minh đã hứa hẹn để lôi kéo Italia tham chiến. Sự bất mãn của người Italia biểu lộ qua sự thắng cử của chủ nghĩa phát-xít, một phong trào phản cách mạng, chủ nghĩa quốc gia cực đoan và chủ nghĩa đế quốc. Còn nước Nhật với lực lượng quân sự và hàng hải to lớn đã trở thành cường quốc đáng gờm nhất ở Viễn Đông, vượt xa các nước khác, đó là không kể nước Nga đã bị việt vị. Hiệp định hàng hải Washington năm 1922 trong chừng mực nhất định là sự thừa nhận quốc tế thực trạng đó: nó đã kết thúc vai trò bá chủ của hải quân Anh bằng cách phân bố lại lực lượng theo công thức 5, 5 và 3, theo thứ tự cho 3 hạm đội Hoa Kỳ, Anh và Nhật. Tuy về mặt tuyệt đối, tỉ trọng nền công nghiệp Nhật Bản cuối thập niên 1920 còn chiếm một vị trí khiêm tốn: 2,5% sản lượng công nghiệp thế giới, nhưng cuộc công nghiệp hóa của Nhật Bản tiến hành với tốc độ to lớn, nên có lẽ Nhật Bản cảm thấy lẽ ra các thế lực đế quốc phải chia cho Nhật Bản một phần bánh Viễn Đông lớn hơn thế. Thêm vào đó, Nhật Bản ý thức rõ rệt vị thế bấp bênh của một nước hầu như thiếu thốn mọi tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại, luồng nhập cảng có thể bị hải quân nước ngoài đe dọa bất cứ lúc nào, luồng xuất cảng thì tùy thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Quân đội Nhật do đó làm sức ép để đưa nước Trung Quốc láng giềng khổng lồ vào trong vòng đế chế, như thế sẽ rút ngắn đường giao thông và củng cố nó về mặt an ninh.

Tuy nhiên, dù tình hình sau 1918 bất an tới đâu, xác suất mất hòa bình cao tới đâu, cũng không thể chối cãi rằng nguyên nhân cụ thể gây ra Thế chiến thứ Hai là sự xâm lược của ba cường quốc bất mãn đã kí với nhau những hiệp ước từ giữa những năm 1930. Con đường chiến tranh được đánh dấu bằng những cột mốc: Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu năm 1931; Italia xâm chiếm Ethiopia năm 1935; Đức và Italia can thiệp vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939; Đức thôn tính nước Áo đầu năm 1938; Đức chia cắt và chiếm cứ một phần Tiệp Khắc cuối năm 1938; Đức chiếm nốt Tiệp Khắc tháng ba năm 1939 (ngay sau đó, Italia chiếm đóng Albania); và Đức đưa ra những đòi hỏi về Ba Lan, châm ngòi thuốc nổ. Ngược lại là những cột mốc có thể gọi là “tiêu cực”: Hội Quốc Liên không hề phản ứng trước hành động của Nhật; năm 1935, Hội Quốc Liên bất lực, không tìm ra được biện pháp hiệu quả chống Italia; năm 1936 Anh và Pháp không phản ứng khi Đức đơn phương xé bỏ hiệp định Versailles, đặc biệt là đã tái vũ trang vùng Rhenania; Anh và Pháp từ chối không can thiệp vào Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến (chính sách “không can thiệp”); không phản ứng khi Đức chiếm Áo; lùi bước khi Đức làmtống tiền” về Tiệp Khắc (kí hiệp ước Munich năm 1938); năm 1939 Liên Xô từ chối không tiếp tục chống lại Hitler (kí kết thỏa ước Hitler-Staline tháng 8-1939).

Đúng là một bên rõ ràng không muốn chiến tranh và tìm mọi cách tránh chiến tranh, và bên kia thì ca ngợi chiến tranh, riêng Hitler thì chắc chắn nôn nóng mong muốn có chiến tranh, song phải nói trong phe chủ chiến, không có nước nào lại mong muốn một cuộc chiến tranh như nó đã diễn ra, ở thời điểm chiến tranh đã bùng nổ và với kẻ địch (ít nhất một phần) mà nó đã phải đương đầu. Tuy quân đội Nhật có ảnh hưởng lớn trên đời sống chính trị quốc gia, chắc chắn Nhật Bản chỉ mong thực hiện mục tiêu của mình – chủ yếu là tạo ra một đế chế ở Đông Á – mà không phải trải qua một cuộc chiến tranh tổng quát mà họ chỉ tham chiến sau khi nước Mỹ đã dấn thân. Còn nước Đức mong muốn một cuộc chiến tranh như thế nào, lúc nào và địch thủ là ai, đó là những câu hỏi vẫn còn được tranh luận vì Hitler không thuộc loại người chịu bình giảng những quyết định của mình. Dẫu sao cũng có hai điều rõ ràng: cuộc chiến tranh chống Ba Lan (được Anh và Pháp ủng hộ) năm 1939 không nằm trong kế hoạch của nước Đức, và cuộc chiến tranh chống lại cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ mà cuối cùng nước Đức đã tiến hành là cả một cơn ác mộng cho các tướng lãnh cũng như các nhà ngoại giao Đức.

Vì những lí do tương tự như hồi 1914, Đức, và sau đó là Nhật, đều cần tiến hành một cuộc chiến tranh tiến công nhanh chóng. Mỗi nước phải đương đầu với những nước địch thủ tiềm thể mà tài nguyên một khi được tập hợp và điều phối, sẽ vượt hẳn tài nguyên của họ. Cho nên Đức cũng như Nhật đều không chuẩn bị để tiến hành một cuộc chiến tranh trường kì và cũng không trông chờ vào những vũ khí đòi hỏi quá trình thiết kế và chế tạo lâu dài. Ngược lại, người Anh ý thức thế yếu của họ trên đất liền nên ngay từ đầu đã đầu tư vào việc chế tạo vũ khí đắt tiền và kĩ thuật tối tân, và chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến tranh trường kì trong đó cùng với đồng minh, sản xuất của họ sẽ vượt hẳn đối phương. Người Nhật thành công hơn người Đức trong việc tránh né sự liên minh của đối phương: họ đứng ngoài cuộc chiến tranh 1939-1940 giữa Đức với Anh và Pháp, rồi cuộc chiến tranh Đức – Nga sau năm 1941. Khác hẳn các cường quốc kia, Nhật đã đánh nhau với Hồng quân trong một cuộc chiến tranh không chính thức nhưng có thực ở vùng biên giới Trung-Xô năm 1939 và đã bị thua khá đau. Mãi đến tháng 12-1941, Nhật mới tuyên chiến với Anh và Hoa Kỳ (với Liên Xô thì không). Không may cho Nhật là Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất mà Nhật phải giao chiến, thì tài nguyên lại phong phú hơn Nhật tới mức mà phần thắng đương nhiên chỉ có thể về tay Hoa Kỳ.

Franklin D. Roosevelt (1882-1945)
Winston Churchill (1874-1965)

Cũng có lúc vận may tưởng như ở phía Đức. Trong thập niên 1930 khi gần kề chiến tranh, Anh và Pháp không đạt được thỏa thuận với nước Nga Soviet, cuối cùng Nga kí kết với Hitler, còn tổng thống Roosevelt thì do những suy tính về chính trị nội bộ, nên tuy đứng về phe Anh-Pháp và muốn ủng hộ nhiệt tình, ông chỉ đưa ra những lời lẽ suông. Thành ra khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, nó mang tính chất châu Âu. Sau khi Đức xâm chiếm Ba Lan, đập tan Ba Lan trong vòng 3 tuần lễ và chia đôi nước này với Liên Xô lúc này đứng trung lập, cuộc chiến tranh chuyển thành một cuộc xung đột ở Tây Âu giữa Đức một bên và Anh, Pháp một bên. Xuân 1940, Đức xâm lăng Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Pháp dễ dàng như trở bàn tay, chiếm đóng 4 nước đầu, Pháp thì bị chia làm hai vùng: vùng bị chiếm (phía bắc) đặt dưới sự quân quản trực tiếp của nước Đức đại thắng, vùng kia thuộc về “Quốc gia” chư hầu Pháp (người cầm đầu chế độ “Quốc gia” này thuộc những xu hướng phản động, nên bác bỏ chế độ “Cộng hòa”) thủ đô là Vichy, một thành phố tỉnh lẻ có nước suối để điều trị và tĩnh dưỡng. Còn lại một mình nước Anh phải đương đầu với Đức, dưới sự lãnh đạo của Winston Churchill, đoàn kết toàn bộ các lực lượng dân tộc trên nguyên tắc bác bỏ mọi sự thỏa hiệp với Hitler. Chẳng may nước Italia đã chọn đúng lúc này để ngả về phe Đức, từ bỏ thế đứng trung lập mà trước đó Italia đã thận trọng chọn lựa.

Trên thực tế, chiến tranh ở châu Âu coi như đã kết thúc. Dù cho Đức không thể xâm chiếm nước Anh vì hai chướng ngại là biển và không quân Anh, không ai có thể nghĩ rằng Anh có lí do để trở lại lục địa, nói chi đến chiến thắng nước Đức. Những năm tháng 1940-1941, khi nước Anh ở thế đơn thương độc mã, quả là một thời kì kiêu hùng của lịch sử dân tộc Anh (ít nhất đối với những ai may mắn sống sót để thấy chiến tranh kết liễu), triển vọng chiến thắng thật mờ mịt. Tháng sáu 1940, chương trình tái vũ trang Hoa Kỳ, mang tên là “Phòng vệ (tây) bán cầu” mặc nhiên giả định là những vũ khí mới nhằm được gửi sang Anh sẽ trở thành vô dụng. Sự tồn tại của nước Anh được bảo đảm, vai trò chủ yếu của nó là làm tiền đồn bảo vệ châu Mỹ. Trong khi đó, bản đồ châu Âu được vẽ lại. Theo đúng hiệp ước đã kí kết, Liên Xô chiếm đóng những vùng đất châu Âu thuộc Đế chế Sa hoàng cho đến năm 1918 (ngoại trừ những phần đất Ba Lan bị Đức thôn tính) và Phần Lan mà mùa đông 1939-1940 Staline đã tấn công bằng một cuộc chiến tranh vụng về, với kết quả là đẩy biên giới nước Nga ở vùng Leningrad ra xa hơn nữa. Tại các lãnh thổ trước đây thuộc Đế chế Habsburg, Hitler chủ trương thay đổi những quy định của hiệp ước Versailles. Các nỗ lực của Anh nhằm mở rộng chiến tranh sang vùng Balkan đã dẫn tới kết quả chờ đợi: Đức chiếm đoạt toàn bộ bán đảo, kể cả các đảo thuộc Hi Lạp.

Erwin Rommel (1891-1944)

Đức vượt qua Địa Trung Hải, đặt chân lên châu Phi khi đồng minh Italia – về mặt quân sự Italia còn tồi tệ hơn cả Đế chế Áo-Hung trong Thế chiến thứ Nhất – có nguy cơ bị đuổi khỏi thuộc địa ở châu Phi bởi Anh xuất quân từ căn cứ chủ yếu là Ai Cập. Đạo quân Afrika Korps, do một trong những kiện tướng của Đức, Erwin Rommel, chỉ huy, đã uy hiếp toàn bộ các vị trí của Anh ở Trung Đông.

Chiến tranh bùng nổ trở lại ở châu Âu ngày 22 tháng sáu 1941 khi Đức xâm lăng Liên Xô. Đó là thời điểm quyết định trong Thế chiến thứ Hai, một quyết định vô lí – khiến Đức từ nay phải giao chiến cùng một lúc trên hai mặt trận – đến mức Stalin không tưởng tượng được là Hitler có thể làm như vậy. Nhưng trong logic của Hitler, nhất thiết phải bước sang giai đoạn thứ hai là mở ra ở phía đông một đế quốc to lớn mới, tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào và dễ bảo, và cũng như các chuyên gia quân sự khác – trừ người Nhật – Hitler đã đánh giá quá thấp khả năng kháng cự của người Soviet. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, nhận định này không hoàn toàn vô căn cứ vì sau những cuộc thanh trừng trong những năm 1930 (xem ch. 13), quân đội Liên Xô bị xáo trộn, dân tình sống trong bầu không khí khủng bố, đó là không kể những quyết định hết sức xằng bậy của Stalin về chiến lược quân sự. Trong thời gian đầu, cuộc đông tiến của quân Đức cũng nhanh chóng và dứt điểm như các chiến dịch ở mặt trận phía Tây năm trước. Đầu tháng mười, đại quân Đức tiến đến cửa ngõ Moskva và mọi dấu hiệu cho thấy có mấy ngày, Stalin mất tinh thần đến mức đã tính cầu hòa. Nhưng tình trạng này kéo dài không lâu: khối lượng dự trữ của Liên Xô về không gian địa lí cũng như về nhân lực, sức kháng cự thân thể và nhiệt tình ái quốc của người Nga, cộng vào đó là nỗ lực chiến tranh quyết liệt đã áp đảo được đối phương, nhờ vậy Liên Xô có thời gian tổ chức một cách hiệu quả, những tướng lĩnh tài ba (một số vừa được thả từ nhà tù ra) có thời gian thi thố sở trường. 1942-1945 là những năm duy nhất mà Stalin tạm ngưng chính sách khủng bố.

Một khi chiến dịch đánh chiếm Nga không hoàn thành trong vòng 3 tháng như Hitler hi vọng thì nước Đức coi như thất bại vì nó không đủ vật tư và phương tiện để tiến hành một cuộc chiến tranh dài hơi. Đánh thắng nhiều trận, nhưng Đức có ít máy bay và chiến xa và sản xuất máy bay và chiến xa ít hơn Anh và Nga (đó là chưa kể đến Hoa Kỳ). Sau một mùa đông hao tổn sinh lực, năm 1942 Đức mở ra một cuộc tiến công mới, xem ra thắng lợi đậm nét không kém các chiến dịch trước đó: các đạo quân Đức thọc sâu vào vùng Kapkaz và thung lũng hạ lưu sông Volga, nhưng cuộc tiến công này không quyết định được cuộc chiến. Quân Đức bị chận lại, chốt tại chỗ rồi cuối cùng bị vây hãm và đầu hàng ở Stalingrad (hè 1942 – tháng ba 1943). Sau đó, Nga bắt đầu tiến quân, đến tận Berlin, Praha và Wien. Kể từ Stalingrad trở đi, mọi người đều biết rằng sự bại trận của Đức chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, cuộc chiến tranh (chủ yếu diễn ra ở châu Âu) đã thực sự trở thành một cuộc chiến tranh thế giới. Một phần vì hoạt động phản đế của dân chúng các nước thuộc địa Anh, vẫn còn là đế quốc lớn nhất trên thế giới. Cố nhiên, đàn áp các hoạt động này chưa có gì khó khăn cả. Tại Nam Phi, Anh đã an trí những phần từ Boers thân Hitler – sau khi chiến tranh kết thúc, đây là những phần tử đã xây dựng chế độ apartheid năm 1948 – còn ở Irak, Rashid Ali đã nhanh chóng bị lật đổ sau khi ông ta giành được chính quyền vào mùa xuân năm 1941. Có ý nghĩa hơn nữa, thắng lợi của Hitler ở châu Âu đã tạo ra một “khoảng trống đế chế” tương đối ở Đông Nam Á, và Nhật Bản đã lợi dụng để thiết lập sự “bảo hộ” của mình ở Đông Dương, trên tàn dư bất lực của Đế chế Pháp. Hoa Kỳ không chấp nhận để cho phe Trục bành trướng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, bèn gây áp lực kinh tế mạng mẽ đối với Nhật mà sự tiếp vận đều phụ thuộc hoàn toàn vào đường biển. Chính sự xung đột này đã dẫn tới chiến tranh Mỹ-Nhật. Cuộc tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) ngày 7 tháng 12, 1941 của Nhật đã biến cuộc đại chiến thành thế chiến. Chỉ trong vòng vài tháng, quân Nhật đã chiếm đóng toàn bộ Đông Nam Á (lục địa và hải đảo), đe dọa xuất quân từ Miến Điện để xâm lăng Ấn Độ, từ New Guinea để xâm lăng miền sa mạc phía bắc Australia.

Benito Mussolini (1883-1945)

Có lẽ Nhật Bản cũng khó tránh được cuộc giao tranh với Hoa Kỳ trừ phi nó từ bỏ ý đồ thành lập một đế quốc kinh tế lớn mạnh (dưới tên gọi mỹ miều là “Khối thịnh vượng Đại Đông Á”) vốn là cốt lõi chính sách của Nhật. Song, một khi đã chứng kiến cảnh ngộ các cường quốc châu Âu phải khoanh tay bất lực trước Hitler và Mussolini, và thấy rõ các hậu quả của việc này, thì không thể tưởng tượng được rằng nước Mỹ của F. D. Roosevelt lại có thể phản ứng trước sự bành trướng của Nhật Bản như Anh và Pháp đã phản ứng đối với Đức. Dù sao chăng nữa, đối với dư luận Hoa Kỳ, Thái Bình Dương (không như châu Âu) là môi trường hoạt động đương nhiên của Mỹ, đại để cũng giống như châu Mỹ Latin vậy. Chủ nghĩa “biệt lập” của người Mỹ áp dụng là cho châu Âu thôi. Trên thực tế, chính sự cấm vận của phương Tây (tức là của Mỹ) và phong tỏa các tài khoản đã buộc Nhật phải can thiệp nếu không muốn nền kinh tế (hoàn toàn lệ thuộc vào nhập cảng qua đường biển) của mình bị bóp nghẹt trong một thời gian ngắn. Quyết định can thiệp như vậy là một sự đánh cuộc nguy hiểm, và cuối cùng có tính chất tự sát. Tất nhiên, đó có lẽ là vận hội có một không hai để Nhật Bản có thể nhanh chóng xưng đế ở phương Nam. Nhưng muốn thế thì phải cầm chân hạm đội Hoa Kỳ, lực lượng duy nhất có thể cản trở sự bành trướng của Nhật, mà như vậy thì lập tức dẫn tới sự tham chiến của Mỹ, với tất cả ưu thế áp đảo của Mỹ về sức mạnh và tài nguyên.

Còn một bí ẩn nữa: tại sao đã bị sa lầy ở Nga mà Hitler khi không lại tuyên chiến với Hoa Kỳ, tạo cơ hội cho chính phủ Roosevelt tham gia chiến tranh ở châu Âu bên cạnh nước Anh mà không gặp sự phản đối quá mạnh trong nội bộ nước Mỹ? Nhìn từ Washington, không nghi ngờ gì nữa, Đức Quốc xã, so với Nhật, là mối nguy to lớn hơn nhiều, ít nhất có tính chất toàn cầu hơn nhiều, đối với vị trí của nước Mỹ, cũng như đối với thế giới. Do đó, Hoa Kỳ chủ ý tập trung nỗ lực chiến tranh để đánh thắng Đức trước Nhật sau, và huy động nhân lực tài lực theo chiều hướng ấy. Phải mất ba năm rưỡi để đánh bại chế độ Nazi, sau đó chỉ cần 3 tháng đã đánh quị Nhật Bản. Thật khó mà giải thích thỏa đáng quyết định điên cuồng của Hitler, dù ta biết rằng y đã quá coi nhẹ khả năng hành động về mọi mặt của Hoa Kỳ, đó là không kể tiềm lực kinh tế và kĩ thuật, chỉ vì Hitler tin chắc ở sự bất lực trong hành động của các chính thể dân chủ. Nền dân chủ duy nhất mà y không coi thường là chính thể nước Anh, là vì Hitler cho rằng – điều này không sai – chế độ nước Anh không hoàn toàn là dân chủ.

Quyết định của Hitler xâm lăng nước Nga và tuyên chiến với nước Mỹ đã quy định kết cục của Thế chiến thứ Hai. Điều này thoạt tiên không hiển nhiên vì các nước phe Trục đã đạt đỉnh điểm thắng lợi vào giữa năm 1942, sang năm 1943 mới mất hẳn thế chủ động quân sự. Thêm vào đó, phải đợi đến 1944, Đồng minh phương Tây mới thực sự đặt chân trở lại lục địa châu Âu vì tuy đã đánh đuổi lực lượng của phe Trục ra khỏi Bắc Phi và tiến sang Italia nhưng đã bị quân Đức chặn lại. Trong khi đó, không quân là vũ khí mạnh mẽ duy nhất mà Đồng minh có thể sử dụng chống lại Đức, và như các nghiên cứu sau này cho thấy, rốt cuộc không quân hoàn toàn không có hiệu quả, ngoại trừ việc giết hại dân thường và tàn phá các thành phố. Chỉ có quân đội Liên Xô tiếp tục tiến lên, và chỉ có ở vùng Balkan – chủ yếu ở Nam Tư, Albania và Hi Lạp – là phong trào kháng chiến vũ trang theo xu hướng cộng sản đã gây ra khó khăn cho Đức và nhất là cho Italia. Tuy nhiên, Winston Churchill có lí khi, sau trận Pearl Harbor, ông tuyên bố rằng thắng lợi thông qua việc sử dụng sức mạnh áp đảo của Đồng minh một cách thích đáng là một điều chắn chắn (Kennedy, tr. 347). Từ cuối năm 1942 trở đi, chẳng ai còn nghi ngờ rằng Đồng minh sẽ đánh bại phe Trục. Nắm chắc phần thắng, các nước Đồng minh bắt đầu tập trung suy nghĩ chiến thắng xong phải làm gì.

Không cần phải đi vào chi tiết các diễn biến quân sự, chỉ cần nhận xét ở mặt trận phía Tây, rất khó vượt qua sự kháng cự của quân đội Đức ngay cả sau tháng sáu 1944 khi quân Đồng minh đổ bộ ào ạt lên lục địa, thứ nữa là, khác hẳn tình hình năm 1918, lần này không hề có dấu hiệu báo trước một cuộc cách mạng chống Hitler. Chỉ có những sĩ quan cấp tướng, nòng cốt của uy quyền và hiệu quả quân sự truyền thống Phổ, hồi tháng bảy 1944 đã âm mưu lật đổ Hitler bởi vì họ là những người yêu nước và thuần lí, chứ không phải là tín đồ của một kịch bản Götterdämmerung (Hoàng hôn của những thần linh) theo kiểu Wagner, đưa nước Đức vào cảnh tận diệt. Không có hậu thuẫn trong nhân dân, các tướng lĩnh đã thất bại và bị phe Hitler tàn sát “hàng loạt”. Ở phương Đông, Nhật Bản hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng: đó là lí lẽ được đưa ra để ném bom hạt nhân trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Năm 1945, cuộc chiến tranh kết thúc bằng sự đầu hàng toàn bộ và vô điều kiện. Các nước thất trận bị quân đội phe chiến thắng chiếm đóng toàn bộ. Vấn đề ký kết hòa ước không đặt ra vì tại các nước này, ít nhất tại Đức và Nhật Bản, Đồng minh không thừa nhận một quyền lực nào độc lập với quân đội chiếm đóng. Gần giống các cuộc hòa đàm là một chuỗi những hội nghị được tổ chức từ 1943 đến 1945 trong đó các đại cường Đồng minh – Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh – quyết định chia phần chiến thắng và tìm cách (nhưng không mấy thành công) quy định mối quan hệ hậu chiến giữa họ với nhau: hội nghị Teheran năm 1943, hội nghị Moskva mùa thu 1944, hội nghị Yalta (bán đảo Krym) đầu năm 1945, và hội nghị Potsdam, giữa nước Đức bị chiếm tháng tám 1945. Cũng từ 1943 đến 1945 đã diễn ra những cuộc đàm phán quốc tế mang lại kết quả tích cực hơn, nhằm vạch ra khuôn khổ chung cho quan hệ chính trị và kinh tế giữa các quốc gia, trong đó có việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc. Nhưng chủ đề này thuộc nội dung một chương khác.

Hơn cả đại chiến lần trước, Thế chiến thứ Hai là một cuộc chiến tranh một còn một mất, không bên nào thực sự nghĩ tới thỏa hiệp với đối phương. Ngoại lệ duy nhất là nước Italia, năm 1943 giữa chừng đã đổi phe và thay chính thể, do đó được đối xử không hoàn toàn như một nước bị chiếm đóng mà như một nước bại trận nhưng có chính phủ được thừa nhận. Italia được hưởng thuận lợi này vì ròng rã trong 2 năm trời, trên một nửa lãnh thổ Italia, quân Đồng minh không giải quyết được quân Đức và chế độ phát-xít “cộng hòa xã hội” Mussolini lệ thuộc Đức. Khác với Thế chiến thứ Nhất, sự cứng rắn của cả hai phe trong cuộc Thế chiến lần này không đòi hỏi một sự giải thích đặc biệt nào. Đối với cả hai bên, đây là một cuộc “chiến tranh tín ngưỡng”, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, “chiến tranh ý thức hệ”. Đối với phần đông các nước, đây là chiến đấu giành cuộc sống. Thua trận Đức Quốc xã sẽ phải trả giá bằng kiếp nô lệ và cái chết: mọi người có thể thấy rõ điều đó ở Ba Lan và những vùng đất của Liên Xô bị Đức chiếm đóng, cũng như ở số phận những người Do Thái, mà dần dần nhân loại mới kinh ngạc hiểu ra rằng họ đã bị tận diệt một cách có hệ thống. Vậy là cuộc chiến tranh đã được tiến hành hầu như không giới hạn. Thế chiến thứ Hai đã leo thang: từ một cuộc xung đột “đại chúng”, nó đã trở thành chiến tranh toàn diện, tổng lực.

Thương vong và tổn thất là những số lượng không thể tính toán nổi. Đưa ra những ước tính hầu như cũng là điều bất khả vì – khác hẳn tình hình năm 1914 – cuộc chiến tranh này tàn sát không phân biệt quân nhân và thường dân. Ngoài ra, nhiều cuộc tàn sát diễn ra tại những vùng và ở những thời điểm không ai quan tâm hoặc không ai có khả năng đo đếm. Giả thuyết thường được đưa ra là số nạn nhân trực tiếp có thể gấp từ 3 tới 5 lần Thế chiến thứ Nhất (Milward, tr. 270; Peterson, tr. 1986); hay, nói cách khác, từ 10 đến 20% tổng số dân chúng Liên Xô, Ba Lan và Nam Tư; từ 4 đến 6% dân số Đức, Italia, Áo, Hung, Nhật và Trung Quốc. Tại Anh và Pháp, số nạn nhân thấp hơn so với Thế chiến thứ Nhất – khoảng 1% – còn ở Hoa Kỳ thì lớn hơn một chút. Những con số trên chỉ là ức đoán. Chỉ nói riêng con số nạn nhân người Liên Xô, những số liệu thống kê chính thức thay đổi theo từng thời kì, từ 7, 11, hay 20, thậm chí 50 triệu. Nhưng với độ lớn ở quy mô “thiên văn” như vậy, thử hỏi sự chính xác còn ý nghĩa gì nữa không? Sự khủng khiếp của nạn diệt chủng Do Thái có giảm đi chút nào nếu các nhà sử học đi tới kết luận về số nạn nhân không phải là 6 triệu người (đây là ước tính đầu tiên, chắc có phần cường điệu), mà chỉ là 5, hay 4 triệu? Thật ra, ngoài hiện thực mà trực năng vật lí có thể cảm nhận, có thực là chúng ta nhận thức được ý nghĩa những con số ấy không? Đối với độc giả bình thường của trang sách này, bảo rằng trên 5,7 triệu tù binh Liên Xô ở Đức, có 3,3 triệu đã chết (Hirschefeld, 1986), thử hỏi điều ấy có nghĩa lí gì? Điều chắc chắn duy nhất về con số nạn nhân, chiến tranh đã giết chết nhiều đàn ông hơn đàn bà. Đến năm 1959 ở Liên Xô, trong lứa tuổi từ 35 đến 50, cứ 7 nữ mới có 4 nam (Milward, 1979, tr. 212). Sau chiến tranh, xây lại nhà cửa dễ dàng hơn là làm lại cuộc đời cho những người sống sót.

* * *

III

Đối với chúng ta, chiến tranh hiện đại đương nhiên liên quan tới mọi công dân và huy động số đông công dân, nó tiến hành với những vũ khí đòi hỏi phải huy động toàn bộ nền kinh tế để sản xuất ra những khối lượng khổng lồ, nó gây ra những tàn phá ghê gớm, đè nặng và đảo lộn cuộc sống của các nước tham chiến. Những điều ấy không đương nhiên mà là đặc thù của các cuộc chiến tranh thế kỉ XX. Tất nhiên, trước đây đã có những cuộc chiến tranh tàn phá khốc liệt, có cả những cuộc chiến tranh tiền thân của những cuộc chiến tranh toàn diện của thời hiện đại: thí dụ ở Pháp, trong thời Cách mạng. Ở Mỹ, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất vẫn là nội chiến 1861-1865, số người chết ngang với tổng số người Mỹ bị giết trong tất cả các cuộc chiến tranh sau đó, kể cả hai cuộc Đại chiến, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Trước thế kỉ XX, những chiến tranh thiêu đốt toàn bộ xã hội là ngoại lệ. Jane Austen viết các tiểu thuyết của bà trong thời kì các cuộc chiến tranh của Napoléon, nhưng độc giả nào không biết điều đó không thể nào đoán ra được, bởi vì chiến tranh không hề xuất hiện trên các trang tiểu thuyết, mặc dầu một số nhân vật thanh niên xuất hiện trong đó chắc chắn đã phải ra trận. Khó tưởng tượng nhà văn nào viết như vậy về nước Anh trong các cuộc chiến tranh thế kỉ XX.

Con quái vật chiến tranh toàn diện của thế kỉ XX chưa định hình hoàn chỉnh khi nó ra đời. Nhưng từ năm 1914 trở đi, rõ ràng chiến tranh trở thành chiến tranh đại chúng. Ngay trong Thế chiến thứ Nhất, nước Anh đã động viên 12,5% nam giới, nước Đức 14,5% và nước Pháp gần 17%. Trong Thế chiến thứ Hai, tỉ lệ động viên trong lứa tuổi quân dịch nói chung lên tới khoảng 20% (Milward, 1979, tr. 212). Mức độ động viên đại trà như vậy liên tiếp trong nhiều năm trời không thể có nếu kinh tế không phải là một nền kinh tế công nghiệp hiện đại có năng suất cao và – hay là ngược lại – một nền kinh tế chủ yếu dựa vào thành phần dân chúng không tham gia chiến đấu. Những nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền không thể nào huy động một tỉ trọng nhân công cao như vậy trong một thời gian dài hơn một mùa, ít nhất ở các nước ôn đới, vì trong lịch thời vụ nông nghiệp, có những lúc cần có toàn bộ nhân lực (thí dụ trong mùa gặt). Ngay trong các xã hội công nghiệp, mức động viên như vậy cũng là một thử thách ghê gớm đối với dân số ở tuổi lao động. Chính vì lẽ đó mà các cuộc chiến tranh đại chúng trong thời hiện đại một mặt củng cố quyền lực của các công đoàn, mặt khác tạo ra một cuộc cách mạng về nhân dụng, đưa đẩy phụ nữ ra khỏi nhà: trong Thế chiến thứ Nhất là tạm thời, sang đến Thế chiến thứ Hai, là không thể đảo ngược.

Các cuộc chiến tranh thế kỉ XX còn là chiến tranh đại chúng theo một nghĩa này nữa: trong các trận giao chiến, chúng sử dụng và hủy hoại cơ man sản phẩm trước đó chưa từng có. Vì thế mà tiếng Đức có danh từ Materialschlacht (chiến tranh vật tư) để gọi tên các trận đánh ở mặt trận phía Tây trong thời kì 1914-1918. Năm 1806, may mắn cho khả năng công nghiệp còn rất hạn chế của Pháp, Napoléon chỉ cần 1.500 loạt pháo kích là đã đánh bại quân Phổ và thắng trận Jena. Thế mà, trước khi Thế chiến thứ Nhất bắt đầu, Pháp đã chuẩn bị sản xuất mỗi ngày từ 10 đến 12.000 quả đại bác, tới cuối cuộc chiến tranh, năng suất ấy lên tới 200.000 quả/ngày. Ngay nước Nga của Sa hoàng cũng sản xuất được mỗi ngày 150.000 quả, nghĩa là 4,5 triệu/tháng. Hiển nhiên là phương thức sản xuất của các nhà máy cơ khí đã trải qua cả một cuộc cách mạng. Còn những vật tư không tính chất phá hoại, chỉ cần nhắc lại rằng trong Thế chiến thứ Hai, quân đội Mỹ đã đặt hàng 519 triệu đôi bí tất, hơn 219 triệu quần đùi, còn quân đội Đức, vốn trung thành với truyền thống quan liêu giấy tờ, riêng trong một năm 1943, đã đặt hàng 4,4 triệu cái kéo và 6,5 triệu sổ tem quân bưu (Milward, 1979, tr. 68). Chiến tranh đại chúng đòi hỏi sản xuất đại trà.

Nhưng sản xuất đòi hỏi tổ chức và quản trị – dù đối tượng của nó là hủy diệt sinh mạng một cách hợp lí hóa để đạt hiệu quả cao nhất, như trong các trại tận diệt của Đức. Sử dụng danh từ khái quát nhất, có thể nói chiến tranh toàn diện là công cuộc vĩ đại nhất mà con người đã cố tình tổ chức và quản lí.

Chiến tranh cũng đặt ra những vấn đề chưa từng thấy. Công tác quân sự xưa nay vốn là mối quan tâm đặc biệt của các chính quyền, vì bắt đầu từ thế kỉ XVII trở đi, chính quyền phải chỉ đạo những quân đội thường trực thay vì gia công cho những “doanh nhân” quân sự. Thật thế, quân đội và chiến tranh chẳng mấy lúc đã trở thành những “kĩ nghệ”, những phức hợp hoạt động kinh tế vượt xa quy mô một doanh nghiệp tư nhân, vì thế, sang thế kỉ XIX, chính các kĩ nghệ quân sự đã truyền bí quyết và kĩ thuật quản lí cần thiết cho những xí nghiệp cực lớn như các công ti đường sắt, thiết bị hải cảng là những doanh nghiệp phát triển mạnh trong thời đại công nghiệp. Thêm vào đó, hầu như chính quyền nào cũng nhúng tay vào việc chế tạo vũ khí và vật tư chiến tranh, mặc dầu đến cuối thế kỉ XIX đã diễn ra một quá trình hòa quyện giữa nhà nước và những nhà sản xuất tư nhân chuyên chế tạo vũ khí, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao như pháo binh và hải quân, tiền thân của những thực thể mà ngày nay ta gọi là “Phức hợp quân sự - công nghiệp” (xem Age of Empire, ch. 13). Tuy nhiên, từ thời Cách mạng Pháp cho đến Thế chiến thứ Nhất, định đề cơ bản vẫn là, trong phạm vi có thể, nền kinh tế tiếp tục vận hành trong thời chiến giống như trong thời bình (business as usual, làm ăn như bình thường), cho dù một vài ngành công nghiệp tất nhiên cũng bị tác động mạnh: chẳng hạn ngành may mặc, bỗng chốc phải sản xuất trang phục quân đội với một khối lượng vượt hẳn khối lượng thời bình.

Vấn đề chính đặt ra cho công quyền là ngân sách: làm sao tài trợ được chiến tranh? Công trái và thuế má, nhưng công trái cũng như thuế má trong điều kiện cụ thể như thế nào? Chỉ đạo nền kinh tế chiến tranh là cơ quan nào, Ngân khố hay Bộ tài chính? Thế chiến thứ Nhất kéo dài hơn dự trù của các chính phủ rất nhiều. Nó “tiêu thụ” quá nhiều người và vũ khí, nên đã gióng hồi chuông báo tử cho phong cách thực hành cố hữu cũng như cho vị trí ưu thế của các bộ tài chính, mặc dầu ở Ngân khố có nhiều viên chức (chẳng hạn như Maynard Keynes lúc đó còn trẻ) đã nói rõ là họ không tán thành chủ trương của giới chính khách là phóng tay tiêu tiền để giành thắng lợi. Cố nhiên là họ có lí. Nước Anh đã tiến hành hai cuộc chiến tranh thế giới với những phương tiện vượt xa khả năng của mình, gây ra những hậu quả kinh tế tiêu cực dài lâu. Song, muốn tiến hành một cuộc chiến tranh ở quy mô hiện đại, không những phải tính đến phí tổn, mà còn phải biết tổ chức, kế hoạch hóa nền sản xuất, và xét cho cùng, cả nền kinh tế quốc dân nữa.

Kinh nghiệm thực tế mới dạy cho các chính phủ bài học ấy. Khi xảy ra Thế chiến thứ Hai, ngay từ đầu họ đã biết trước cơ sự, chủ yếu nhờ kinh nghiệm cuộc Thế chiến thứ Nhất. Song cũng phải từng bước họ mới thấy thêm là chính quyền phải kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, mới hiểu rằng nhân tố quyết định là kế hoạch hóa vật tư và phân bố tài nguyên (không thông qua những cơ chế kinh tế thông thường). Hồi đầu Thế chiến thứ Hai, chỉ có Liên Xô, và trong một chừng mực nhất định, Đức Quốc xã, là hai nhà nước có cơ chế kiểm soát kinh tế: điều này không có gì lạ vì những ý tưởng của Liên Xô về kế hoạch hóa bắt nguồn, và chừng nào sao chép từ những gì người Bolshevik hiểu biết về kế hoạch hóa kinh tế chiến tranh 1914-1917 của Đức (xem ch. 13). Còn những nhà nước như Anh và Hoa Kỳ, ngay cả những điều sơ đẳng nhất về kế hoạch hóa, cũng chẳng biết.

Hóa ra cả hai cuộc chiến tranh thế giới lại có một nghịch lí kì quặc: trong số những nền kinh tế chiến tranh kế hoạch hóa và do nhà nước chỉ đạo (và trong chiến tranh toàn diện, điều này có nghĩa là tất cả các nền kinh tế chiến tranh), thì kinh tế của các quốc gia dân chủ phương Tây (Anh và Pháp trong cuộc đại chiến đầu, Anh và cả Hoa Kỳ trong đại chiến sau) đã tỏ ra ưu việt hơn hẳn Đức với truyền thống và lí luận về hành chính quan liêu và thuần lí. (Về kế hoạch hóa của Liên Xô, xem ch. 13). Đó là những sự kiện không thể nghi ngờ, còn nguyên do như thế nào, ta chỉ có thể đoán thử. Nền kinh tế chiến tranh của Đức tỏ ra thua kém về tính hệ thống và tính hiệu quả trong sự huy động toàn bộ tài nguyên để phuc vụ chiến tranh – tất nhiên, điều này chỉ trở nên cần thiết sau khi cuộc tiến công chớp nhoáng ban đầu đã thất bại – và ít quan tâm tới thường dân Đức. Người Anh và người Pháp nào kinh qua cuộc Thế chiến thứ Nhất mà còn nguyên vẹn tất nhiên có cơ may khấm khá hơn so với tiền chiến, dù họ có nghèo đi, song thu nhập thực tế của thợ thuyền được nâng cao. Người Đức bị đói kém, đồng lương thực tế bị giảm sút. Sang Thế chiến thứ Hai, khó so sánh hơn, trước tiên vì nước Pháp nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến, Hoa Kỳ giàu có hơn lại chịu ít áp lực hơn, còn Liên Xô nghèo hơn, lại chịu nhiều sức ép nặng nề. Nền kinh tế chiến tranh của Đức có thể khai thác toàn bộ châu Âu, nhưng đến thời kì cuối cùng của cuộc chiến, tổn thất vật chất của phía Đức nặng nề hơn phía Đồng minh phương Tây rất nhiều. Nước Anh nói chung nghèo đi, mức tiêu thụ của thường dân năm 1943 giảm đi 20%, nhưng khi chiến tranh kết thúc, cái ăn của người dân khá hơn, lành mạnh hơn, nhờ có một nền kinh tế chiến tranh kế hoạch hóa, quan tâm tới bình đẳng, công bằng xã hội, chia đều sự hi sinh. Hệ thống của Đức đương nhiên là không công bằng ngay từ nguyên tắc. Trên toàn cõi châu Âu bị chiếm, Đức vừa khai thác tài nguyên vừa tận dụng nhân công, coi dân chúng nước ngoài như loại người cấp dưới, và trong những trường hợp cùng cực – người Ba Lan, và nhất là người Nga và người Do Thái – coi đó là loại nhân công nô dịch tha hồ hành hạ, sống chết mặc bay. Năm 1944, nhân công người nước ngoài chiếm 20% toàn bộ lực lượng lao động Đức, trong ngành công nghiệp vũ khí, con số này lên tới 30%. Mặc dầu như vậy, thu nhập thực sự của công nhân Đức giỏi lắm vẫn giữ ở mức 1938. Tại Anh, tỉ lệ tử vong của trẻ em cũng như tỉ số bệnh nhân tiếp tục giảm xuống trong thời gian chiến tranh. Còn tại nước Pháp vốn có nguồn lương thực dồi dào và sau năm 1940 không còn chiến trận, bị chiếm và mất chủ quyền, thì trọng lượng trung bình và thể hình của người dân thuộc mọi lứa tuổi đều xuống cấp.

Chiến tranh toàn diện rõ ràng đã tạo ra cách mạng trong ngành quản lí. Còn trong công nghệ học và sản xuất? Nói khác đi, chiến tranh toàn diện đã làm cho phát triển kinh tế tiến lên hay lùi lại? Hiển nhiên nó đã thúc đẩy công nghệ học: chiến tranh là cuộc đọ sức không những giữa hai quân đội mà còn giữa công nghệ học của hai phe nhằm cung cấp những vũ khí lợi hại và các dịch vụ thiết yếu cho các địch thủ. Nếu không có Thế chiến thứ Hai và nếu không sợ Đức Quốc xã cũng lợi dụng những phát kiến về vật lí hạt nhân, thì chắc chắn bom nguyên tử đã không được chế tạo, cũng như các nước đã không chịu bỏ ra những ngân sách to lớn cần có để sản xuất năng lượng hạt nhân dưới dạng thức này hay dạng thức nọ. Còn khá nhiều kĩ thuật được sáng tạo nhằm mục đích chiến tranh rốt cuộc lại dễ ứng dụng hơn trong thời bình: công nghiệp hàng không và tin học chẳng hạn. Dù sao, một điều chắc chắn là chiến tranh hay việc chuẩn bị chiến tranh là nhân tố tạo ra tăng tốc cho tiến bộ kĩ thuật vì nó “chịu” chấp nhận những chi phí cần thiết cho những cải tiến kĩ thuật mà trong thời bình, phải tính toán hơn thiệt trên cơ sở giá thành/lợi ích không ai dám bỏ ra, hoặc nếu có tiến hành thì chậm chạp và ngập ngừng hơn nhiều.

Thực ra khuynh hướng coi trọng kĩ thuật của chiến tranh không phải là điều mới. Thêm nữa, nền kinh tế công nghiệp hiện đại vẫn luôn luôn được nuôi dưỡng bằng những cải tiến kĩ thuật liên tiếp không ngừng. Giả dụ một điều không mấy hiện thực là không còn chiến tranh nữa, thì những cải tiến ấy vẫn xảy ra, có lẽ với một nhịp độ còn nhanh lẹ hơn nữa. Các cuộc chiến tranh, đặc biệt là Thế chiến thứ Hai, đã góp phần phổ biến rộng rãi các kĩ năng, chắc chắn đã tác động lớn tới tổ chức công nghiệp và các phương pháp sản xuất đại trà, nhưng nói chung, chiến tranh có tác dụng tăng tốc sự thay đổi hơn là tạo ra sự biến đổi.

Chiến tranh có thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế không? Theo một ý nghĩa nhất định thì rõ ràng là không. Không kể tác động tới dân số ở tuổi lao động, chiến tranh gây ra những tổn thất nặng nề về tài nguyên sản xuất. Trong Thế chiến thứ Hai, Liên Xô đã mất đi 25% vốn cố định, Đức 13%, Italia 8%, Pháp 7%, còn Anh chỉ mất 3% (những con số này cần được điều chỉnh với con số những công trình xây dựng phục vụ chiến tranh). Trong trường hợp thái cực của Liên Xô, tác động của chiến tranh vào kinh tế là hoàn toàn tiêu cực. Năm 1945, nông nghiệp Liên Xô đã bị phá hủy hoàn toàn, cũng như cuộc công nghiệp hóa thông qua những kế hoạch 5 năm tiền chiến. Còn lại duy nhất là nền công nghiệp quân sự hoành tráng chẳng có cách gì hoán cải, dân số hao hụt và đói kém, và hoang tàn vật chất to lớn.

Ngược lại, rõ ràng là các cuộc chiến tranh đã mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ. Trong cả hai cuộc Thế chiến, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng một cách phi thường, nhất là trong Thế chiến thứ Hai, trong mấy năm này, tốc độ tăng trưởng lên xấp xỉ 10% hàng năm, tức là con số trước đó chưa từng có và sau đó không bao giờ trở lại. Trong thời kì chiến tranh, lợi thế của Hoa Kỳ là ở xa chiến trường, lại là kho tiếp liệu chủ yếu của phe Đồng minh, đồng thời nền kinh tế Hoa Kỳ có khả năng tổ chức sự khuếch trương sản xuất hiệu quả hơn hẳn các nước khác. Tác động kinh tế lâu bền nhất của hai cuộc Thế chiến là đã mang lại cho Hoa Kỳ vị trí ưu việt trên thế giới trong suốt thế kỉ XX, chỉ bắt đầu xói mòn vào giai đoạn kết thúc thế kỉ (xem ch. 9). Năm 1914 kinh tế Mỹ đã trở thành kinh tế công nghiệp số 1, nhưng chưa giữ vai trò chủ đạo. Hai cuộc chiến tranh vừa củng cố nước Mỹ vừa làm suy yếu những nước đua tranh với Mỹ, xét về mặt tuyệt đối cũng như về mặt tương đối, làm thay đổi hẳn tương quan kinh tế.

Nếu Hoa Kỳ (trong cả hai cuộc Thế chiến) và Liên Xô (trong Thế chiến thứ Hai) là hai thái cực về mặt hiệu ứng kinh tế chiến tranh, các nước khác nằm giữa hai thái cực ấy, nhưng xét về tổng thể, gần thái cực Nga mà xa thái cực Mỹ.

* * *

IV

Nay còn phải đánh giá về tác động và cái giá phải trả về con người của thời đại chiến tranh. Số lượng nạn nhân mà ở trên đã nêu lên chỉ là một khía cạnh. Một điều khá lạ lẫm là ngoại trừ Liên Xô vì những lí do dễ hiểu, ở các nước khác con số nạn nhân của Thế chiến thứ Nhất, tuy nhỏ hơn hẳn con số nạn nhân của Thế chiến thứ Hai, nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm hơn hẳn, bằng cớ là cơ man những tượng đài và đài kỉ niệm “Đại chiến Thế giới”. Thế chiến thứ Hai không tạo ra con số tương đương những tượng đài kỉ niệm “chiến sĩ vô danh”, và sau năm 1945, ngày lễ “đình chiến” (11 tháng 11, 1918) đã mất dần sự trọng thể của những năm giữa hai cuộc chiến. Đối với những ai chưa bao giờ tưởng tượng ra những tổn thất như thế, thì 10 triệu người chết (giả định) của Thế chiến thứ Nhất là một chấn thương bạo liệt hơn hẳn 54 triệu người chết của Thế chiến thứ Hai đối với những ai trước đó đã trải nghiệm một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Tính chất toàn diện của các nỗ lực chiến tranh và quyết tâm của cả hai bên tiến hành một cuộc chiến tranh vô giới hạn và bằng mọi giá chắc chắn đã để lại dấu ấn. Không như thế thì không thể nào giải thích nổi sự bạo liệt và tính vô nhân đạo ngày càng tăng trong thế kỉ XX. Từ 1914 trở đi, sự man rợ ngày càng phát triển, điều đó, đáng buồn thay, không còn nghi ngờ gì nữa. Đầu thế kỉ XX, nạn tra tấn đã chính thức bị bài trừ ở khắp Tây Âu. Từ 1945 đến nay, chúng ta không thấy ghê tởm mà quen thuộc trở lại với cảnh tra tấn được sử dụng tại ít nhất 1/3 các nước thành viên của Liên Hợp Quốc, trong đó có những quốc gia thuộc loại lâu đời và văn minh nhất (Peters, 1985).

Sự tàn nhẫn gia tăng không hẳn do thả nổi cái tàn ác và bạo liệt tiềm ẩn trong con người, nay trở thành “chính đáng” trong chiến tranh, nhưng sau Thế chiến thứ Nhất, quả là người ta đã thấy rõ hiện tượng này trong một loại cựu chiến binh nhất định, nhất là trong các đội “vũ phu” hay “sát thủ” hoặc là các “Binh đội Tự do” (Free Corps/Corps francs) của phe cực hữu quốc gia chủ nghĩa. Một khi đã giết người và đã trông thấy bè bạn của mình bị giết chết hay tàn phế, thì tại sao người ta còn phải e ngại giết chết kẻ thù của chính nghĩa?

Một trong những nguyên nhân chính giải thích hiện tượng này là sự “dân chủ hóa” chiến tranh. Xung đột toàn diện trở thành “chiến tranh nhân dân” bởi vì thường dân và đời sống dân sự đã trở thành mục tiêu thực sự, thậm chí mục tiêu chủ yếu, của chiến lược. Sau nữa, trong các cuộc chiến tranh dân chủ, cũng như trong đời sống chính trị dân chủ, đối phương đương nhiên là bị “ác quỷ hoá” để trở thành đáng căm thù, ít nhất là đáng khinh bỉ. Những cuộc chiến tranh mà hai bên đều là những quân nhân chuyên nghiệp, những chuyên viên, nhất là những người “môn đăng hộ đối” thì không loại trừ sự tôn trọng lẫn nhau, hai bên cũng chấp nhận những quy tắc, thậm chí tinh thần mã thượng. Bạo lực cũng có quy tắc của nó. Điều này còn trông thấy rõ trong ứng xử của phi công chiến đấu của hai bên trong cả hai cuộc Thế chiến, thể hiện trong cuốn phim hòa bình chủ nghĩa của Jean Renoir, La Grande Illusion (Ảo tưởng lớn), về đề tài Thế chiến thứ Nhất. Các nhà chính khách hay ngoại giao chuyên nghiệp, khi họ không bị ràng buộc bởi những cuộc bầu cử hay sức ép của báo chí, có thể tuyên chiến hay thương lượng hòa bình mà không cảm thấy hận thù đối phương, giống như những võ sĩ quyền Anh trước khi đánh bốc có thể bắt tay nhau, và sau trận đấu, có thể rủ nhau đi uống nước. Nhưng các cuộc chiến tranh toàn diện của thế kỉ chúng ta đã quá xa cách mô hình Bismarck hay mô hình thế kỉ XVIII. Một cuộc chiến tranh đã dấy động tình cảm dân tộc của đại chúng thì không thể hạn chế như những cuộc chiến tranh quý tộc. Và cũng phải nói thêm rằng trong Thế chiến thứ Hai, bản chất của chế độ Hitler và ứng xử của người Đức, kể cả quân đội cũ, có nền nếp không Nazi, ở Đông Âu chứng tỏ sự “ác quỷ hóa” là có căn cứ.

Tuy nhiên còn một nguyên nhân nữa, đó là tính chất “phi cá nhân” của nghệ thuật chiến tranh hiện đại, tới mức giết người hoặc gây thương tích trở thành hậu quả xa vời của việc bấm nút hay đẩy kéo một cái cần. Công nghệ học đã biến nạn nhân của nó thành vô hình, không còn như những con người bằng da bằng thịt bị lưỡi lê đâm vào, hoặc nhìn thấy rõ mồn một trên đầu ruồi họng súng. Trước mặt những cỗ đại bác ở mặt trận phía Tây, không có những con người, chỉ có những con số thống kê – cũng chẳng phải những thống kê trung thực, mà là những thống kê “giả định” như trong vụ “body count” (đếm xác chết quân địch) của Mỹ ở Việt Nam. Máy bay oanh kích không bay trên đầu những con người sẽ bị thiêu cháy hay bị nổ tung gan ruột, mà chỉ bay trên những “mục tiêu” trừu tượng. Những chàng thanh niên tâm hồn nhạy cảm, chẳng bao giờ nghĩ mình có thể đâm lưỡi lê vào bụng người thiếu phụ nông thôn có mang mấy tháng, có thể dễ dàng thả những quả bom nổ cỡ lớn trên London hay Berlin, thậm chí cắt bom nguyên tử trên Nagasaki. Những viên chức mẫn cán người Đức, chắc sẽ ghê tởm nếu phải thân chinh dẫn những người Do Thái khô đét tới lò sát sinh, có thể an nhiên lên kế hoạch giờ giấc xe lửa để đưa những đoàn tàu tử thần đều đặn đến các trại tận diệt ở Ba Lan. Những hành động tàn ác nhất thế kỉ đều là những hành động phi cá nhân, liên hệ với những quyết định từ xa, với toàn bộ hệ thống và nề nếp có sẵn, nhất là khi người ta có thể biện bạch rằng đó những thao tác đáng tiếc nhưng cần thiết.

Thế là thế giới quen dần với những cuộc trục xuất cưỡng bức và những cuộc tàn sát khổng lồ, những hiện tượng phi thường đến mức người ta phải tạo ra những tên gọi mới, như “những người vô tổ quốc”, “những cuộc diệt chủng”. Thế chiến thứ Nhất kết thúc bằng cuộc người Thổ Nhĩ Kì tàn sát vô số người Armenia – con số phổ thông nhất là 1,5 triệu người. Đó là âm mưu đầu tiên trong thời kì hiện đại nhằm tận diệt dân chúng thuộc một dân tộc. Tiếp theo đó là cuộc tàn sát được biết nhiều hơn: khoảng 5 triệu người Do Thái mà thủ phạm là bọn Nazi – các con số kể trên vẫn còn được tranh cãi (Hilberg, 1985). Với Thế chiến thứ Nhất và cuộc Cách mạng Nga, hàng triệu người đã phải “di cư tị nạn”, hay nói cách khác, đã có những cuộc “hoán vị dân chúng” cưỡng bách giữa các quốc gia. Tổng cộng, 1,3 triệu người (gốc) Hi Lạp đã được hồi hương về nước Hi Lạp; 400.000 người Thổ được chuyển giao cho nhà nước coi họ là công dân; khoảng 200.000 người Bulgar đã di cư tới mảnh đất chật hẹp được mang tên Bulgaria; từ 1,5 đến 2 triệu người Nga chạy trốn cách mạng hoặc có mặt ở phe bại trận trong cuộc nội chiến, cuối cùng đã trở thành “vô tổ quốc”. Chủ yếu là vì họ (hơn là vì những người Armenia) mà người ta đã sáng chế một thứ giấy tờ, trong một thế giới ngày càng quan liêu hóa, dành riêng cho những người không còn tồn tại đối với bộ máy quan liêu của một nhà nước nào: tấm hộ chiếu của Hội Quốc Liên, mà người ta gọi là hộ chiếu “Nansen”, mang tên nhà du hành tài danh người Na Uy đã thám hiểm Bắc cực, nửa sau cuộc đời đã dành cho một sự nghiệp khác, là làm bạn của những người không có bạn. Đại để, những năm 1914-1922 đã tạo ra từ 4 tới 5 triệu người tị nạn.

Đợt người vật vờ trôi dạt này chẳng thấm vào đâu so với thời kì sau Thế chiến thứ Hai, so với số phận bất nhân của những số dân di cư. Người ta ước tính vào tháng năm 1945, châu Âu có khoảng 40,5 triệu người lâm vào cảnh li hương tứ tán, đó là không kể những người các nước ngoài Đức bị đưa sang Đức lao động cưỡng bức, không kể những người Đức trốn chạy trước bước tiến của các đạo quân Liên Xô (Kulischer, 1948, tr. 253-273). Gần 13 triệu người Đức đã bị trục xuất khỏi những phần đất Đức mới bị sáp nhập vào Ba Lan và Liên Xô, khỏi Tiệp Khắc và những vùng đất ở đông nam châu Âu là nơi mà họ đã định cư từ lâu (Holborn, tr. 363). Họ đã được nước CHLB Đức mới thành lập tiếp nhận, cung cấp nhà ở và quốc tịch cho bất cứ người Đức nào trở về Tổ quốc, cũng như nhà nước Israel mới đã dành “quyền hồi hương” cho bất cứ người Do Thái nào mong muốn trở về đất tổ. Nếu không phải là thời đại của sự đào vong ồ ạt, có bao giờ những nhà nước có thể đưa ra những đề nghị tiếp nhận như vậy? Trên 11.332.700 “người di cư” thuộc các quốc tịch khác nhau mà các đội quân chiến thắng đã gặp khi họ tiến vào Đức năm 1945, 10 triệu người ít lâu sau đã trở về nước họ, nhưng một nửa bị bắt buộc chứ không muốn về (Jacobmeyer, 1986).

Đó là chỉ nói riêng ở châu Âu. Năm 1947, cuộc giải thực ở Ấn Độ đã tạo ra 15 triệu người di cư, bắt buộc phải vượt qua biên giới mới được vạch ra giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan (theo chiều này hay chiều kia), không kể 2 triệu nạn nhân của cuộc nội chiến đi kèm những biến cố này. Một phó sản khác của Thế chiến thứ Hai là chiến tranh Triều Tiên đã buộc có lẽ 5 triệu người phải di cư. Sau khi Israel được thành lập – đó cũng là một hệ quả của cuộc chiến tranh – gần 1 triệu người Palestine được đăng kí ở UNRWA (Văn phòng công tác và cứu trợ của Liên Hợp Quốc); ngược lại, vào đầu thập niên 1960, 1,2 triệu người Do Thái đã di cư tới Israel, đa số với tư cách tị nạn. Tóm lại, đại họa con người mà Thế chiến thứ Hai gây ra chắc chắn là thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Và trong cái họa ấy, việc nhân loại phải quen sống trong một thế giới mà tàn sát, tra tấn và lưu đày trở thành chuyện thường ngày chẳng ai để ý nữa, không phải là điều ít bi thảm nhất.

Với khoảng lùi của thời gian, 31 năm trôi qua, từ ngày quận công nước Áo bị ám sát ở Sarajevo đến ngày Nhật Bản đầu hàng hiện ra như một thời đại của những tàn phá tương tự như cuộc chiến tranh Ba mươi năm ở nước Đức trong thế kỉ XVII. Và trong cuộc sống của thế giới, biến cố Sarajevo – lần thứ nhất – chắc hẳn đã đánh dấu sự mở đầu một thời đại toàn cầu tai họa và khủng hoảng toàn cầu, chủ đề của chương này và bốn chương kế tiếp. Tuy nhiên, trong kí ức của những thế hệ sau 1945, cuộc chiến tranh Ba mươi mốt năm không để lại cùng một loại kỉ niệm như cuộc chiến tranh cục bộ thuộc thế kỉ XVII.

Nguyên do là phải nhìn theo phối cảnh của sử gia mới thấy đây là một, chỉ là một thời đại chiến tranh duy nhất. Những người đã trải qua thời đại này cảm nhận mình đã trải qua hai cuộc chiến tranh khác biệt, tuy có liên hệ với nhau, tách bạch bằng một “thời gian ở giữa” không có xung đột công khai, một thời gian dài từ 13 năm đối với Nhật (Thế chiến thứ Hai, đối với Nhật, bắt đầu ở Mãn Châu từ năm 1931) đến 23 năm đối với Hoa Kỳ (mãi đến tháng chạp 1941, nước Mỹ mới tham gia Thế chiến). Một nguyên nhân nữa là hai cuộc chiến tranh ấy, mỗi cuộc đều có đặc tính lịch sử và diện mạo riêng. Trong cả hai trường hợp, đó là những giai đoạn chém giết chưa từng thấy, để lại những hình ảnh ác mộng về công nghệ học làm cho cả một thế hệ sau đó ngày đêm bị ám ảnh: hơi độc và máy bay ném bom sau năm 1918, hình nấm bom hạt nhân sau năm 1945. Cả hai giai đoạn đều kết thúc bằng một sự đoạn tuyệt và, như chúng ta sẽ thấy ở một chương sau, một cuộc cách mạng xã hội diễn ra trên những vùng đất rộng lớn ở châu Âu và châu Á. Sau mỗi cuộc chiến tranh, các đối thủ, kẻ thắng cũng như người thua, đều kiệt quệ, suy yếu, trừ Hoa Kỳ không những nguyên vẹn mà còn giàu có thêm, ngang nhiên trở thành chúa tể kinh tế của thế giới. Thế mà những khác biệt giữa hai cuộc chiến tranh cũng rất rõ nét! Thế chiến thứ Nhất chẳng giải quyết được gì. Nó dấy lên bao nhiêu hi vọng – hi vọng vào một thế giới hòa bình và dân chủ gồm những Nhà nước – Dân tộc đứng dưới bóng cờ của Hội Quốc Liên, hi vọng hồi phục nền kinh tế thế giới 1913; và đối với những người chào mừng cách mạng Nga, hi vọng trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng, quần chúng bị áp bức sẽ vùng lên, lật đổ thành công chủ nghĩa tư bản – chẳng mấy chốc đã trở thành thất vọng. Quá khứ đã vuột khỏi tầm tay, tương lai cứ lùi xa mãi, hiện tại thì chua cay, ngoại trừ một thời gian ngắn ngủi giữa thập niên 1920. Thế chiến thứ Hai ngược lại đã giải quyết nhiều vấn đề, ít nhất trong mấy thập niên. Những vấn đề xã hội và kinh tế bi đát của chủ nghĩa tư bản hiển hiện trong Thời đại Tai họa dường như đã tan biến. Kinh tế của thế giới phương Tây bước sang Thời đại Hoàng kim; trên cơ sở cuộc sống vật chất được cải thiện một cách phi thường, chế độ dân chủ phương Tây được ổn định; chiến tranh bị bãi trừ ở phương Tây và bị đẩy lùi ra Thế giới thứ Ba. Mặt khác, cách mạng dường như cũng tìm ra con đường tiến lên. Các đế chế thực dân biến mất hoặc bị thủ tiêu đến nơi. Cả một “consortium” những quốc gia cộng sản tổ chức chung quanh Liên Xô từ nay trở thành siêu cường dường như sẵn sàng tranh tài với phương Tây trong cuộc chạy đua tăng trưởng kinh tế.

Về sau mới rõ đó chỉ là ảo tưởng, nhưng phải đến thập niên 1960 thì ảo tưởng này mới bắt đầu tan dần. Bây giờ nhìn lại thì ta thấy rõ: sân khấu quốc tế cũng trở nên ổn định, mặc dầu ngay lúc ấy ta có ấn tượng ngược lại. Khác hẳn diễn biến sau Thế chiến thứ Nhất, lần này các nước cựu thù – Đức và Nhật – hội nhập trở lại vào nền kinh tế thế giới (phương Tây), còn những nước thù địch mới – Hoa Kỳ và Liên Xô – rốt cuộc không bao giờ xô xát nhau cả.

Các cuộc cách mạng kết thúc hai cuộc chiến tranh cũng khác hẳn nhau. Sau Thế chiến thứ Nhất, các cuộc cách mạng có một mẫu số chung là chán ngán cảnh chém giết mà những người phải trải nghiệm ngày càng thấy vô lí. Đó trước tiên là những cuộc cách mạng chống chiến tranh. Còn những cuộc cách mạng nổ ra sau Thế chiến thứ Hai là kết quả sự tham gia của nhân dân vào cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại những kẻ thù: Đức, Nhật, và nói chung, chủ nghĩa đế quốc. Dù kinh khủng tới đâu, đó là cuộc đấu tranh chính nghĩa, trong con mắt của những người tham gia. Vậy mà, nhìn từ quan điểm của nhà sử học, hai hình thái cách mạng hậu chiến, cũng như hai cuộc Thế chiến trước đó, hiện ra như những diễn biến của một quá trình duy nhất. Sau đây, ta sẽ theo dõi quá trình ấy.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[6] Kĩ thuật mà nói, hiệp định kí ở lâu đài Versailles chỉ thiết lập hòa bình với Đức mà thôi. Một số vườn ngự uyển và vương cung ở vùng Paris đã được dùng để đặt tên cho những hiệp định khác: với Áo (Saint- Germain), với Hung (Trianon), với Thổ Nhĩ Kì (Sèvres) và với Bulgaria (Neuilly).

[7] Nội chiến ở Nam Tư, phong trào li khai ở Slovakia, việc ba nước vùng Baltic tách khỏi Liên Xô cũ, các cuộc tranh chấp giữa Hung và Romania về vùng Transylvania, phong trào li khai của Moldavia, cũng như chủ nghĩa dân tộc ở vùng Kavkaz đều là những quả bom nổ chậm trước năm 1914 không có và không thể có.

[8] Nằm giữa hai nước, quần đảo Aland thuộc chủ quyền Phần Lan, nhưng dân chúng ở đây chỉ nói tiếng Thuỵ Điển. Khi trở thành quốc gia độc lập, Phần Lan tìm mọi cách áp đặt ngôn ngữ Phần Lan. Để tránh xảy ra tình trạng dân đảo Aland li khai Phần Lan và gia nhập Thuỵ Điển, Hội Quốc Liên tìm ra một giải pháp bảo đảm tiếng Thuỵ Điển là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng ở đây, đồng thời ngăn cấm việc di dân ồ ạt từ nội địa Phần Lan ra đảo.

Print Friendly and PDF