27.7.17

Phát triển

PHÁT TRIỂN
Paul Bairoch[*]
1. Một khái niệm mới cho một hiện tượng xưa
Trong một bộ bách khoa về những vấn đề kinh tế, thuật ngữ “phát triển” tự nó kéo theo tính từ “kinh tế”. Vả lại, trong tiếng Anh, “economic development” được dùng nhiều hơn là “development” không thôi. Tuy nhiên điều này không đủ để làm rõ khái niệm phát triển; nhất là nghĩa này của thuật ngữ là mới có gần đây; như thế trong tiếng Pháp nó xuất hiện vào cuối những năm 1950 (xem phiếu số 1 Lịch sử của thuật ngữ phát triển). Thuật ngữ phát triển bắt nguồn từ thuật ngữ chậm phát triển, từ việc ý thức khoảng cách kinh tế ngày càng tăng ngăn cách thế giới phát triển với thế giới thứ ba. Mặt khác -và, qua điều này, nội dung mang nặng cảm xúc càng nổi bật- chỉ mới vừa được dùng, thuật ngữ chậm phát triển, và đặc biệt là những nước chậm phát triển, bị phê phán kịch liệt. Rất nhanh nó được thay thế, đặc biệt trong khuôn khổ của những tổ chức quốc tế năm 1965, bởi thuật ngữ vô cùng sai lầm là các nước đang phát triển. Xin được nhắc là thuật ngữ “thế giới thứ ba” do Alfred Sauvy sáng tạo ngay từ năm 1952 (trong bài viết của ông “Trois mondes, une planète” [Ba thế giới, một hành tinh], Nouvel Observateur [Người quan sát mới], 14 tháng tám) và sự thành công của thuật ngữ này vượt ra ngoài phạm vi những nước dùng tiếng Pháp, dù nó qui chiếu về đẳng cấp thứ ba[1].
Alfred Sauvy (1898-1990)
Nếu trong thế giới anglo-saxon, thuật ngữ “development” xuất hiện sớm hơn -ít ra là từ đầu thế kỉ- việc nó được chấp nhận rộng rãi cũng gắn liền với ý thức về sự chậm phát triển. Do mối quan hệ này, nên chiều kích lịch sử của hiện tượng được chỉ bằng thuật ngữ phát triển đã luôn bị giới hạn vào thời kì bắt đầu từ sự gián đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp. Điều này có nghĩa là phát triển đã bắt đầu tại Anh cách đây ba thế kỉ. Và, trong tiếng Anh cũng như trong tiếng Pháp, khái niệm phát triển khác với tính từ kinh tế bằng cách rõ ràng bao gồm cả những thay đổi xã hội trong nghĩa rộng của từ này. 
Một định nghĩa ngắn về thuật ngữ phát triển
Cuối cùng, như nó được sử dụng ngày nay, khái niệm phát triển có thể được định nghiã như sau: toàn bộ những thay đổi kinh tế, xã hội, kĩ thuật và thể chế gắn với việc gia tăng của mức sống do kết quả của những biến đổi kĩ thuật và tổ chức bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỉ XVIII. Cho dù hiện nay mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa bị hầu hết những xã hội chọn nó đặt thành vấn đề, không thể nói đến một sơ đồ phát triển duy nhất, dù cho đó là trong hiện tại hay tương lai. Nhiều thành tố kinh tế và xã hội không tiến hoá một cách tất yếu và không buộc phải diễn tiến một cách đồng đều. Không có những bước bắt buộc, song điều này không loại trừ một số hội tụ nhất định không thể tránh khỏi. Như thế ví dụ, ở châu Âu trong thế kỉ XIX cũng như trong các thế giới thứ ba hiện nay, những mức xoá nạn mù chữ không tất yếu gắn với những mức sống, lẫn trình độ kĩ thuật. Tuy nhiên, ngay từ giữa thế kỉ XX trong những nước phát triển và từ đây đến bốn hay năm thập niên nữa trong thế giới thứ ba, ta sẽ sống trong những xã hội mà hầu như 100 % người lớn đều biết đọc và biết viết.
Khái niệm phát triển ngầm kéo theo là những thay đổi cấu trúc đi kèm với phát triển có một nội dung tích cực, kéo theo việc cải thiện những điều kiện sống vượt ra khỏi khuôn khổ của việc đơn thuần gia tăng mức sống. Thế mà một cách nhanh chóng những nỗ lực phát triển của thế giới thứ ba trong những năm 1950 và 1960 thường kéo theo những hậu quả rất tiêu cực cho những điều kiện sống của đa số dân chúng. Những khu ổ chuột khổng lồ bao quanh các đô thị phình ra quá cỡ là biểu hiện dễ thấy nhất của điều được bắt đầu gọi bằng “phát triển bệnh hoạn” (xem phiếu số 2 Những lí thuyết về phát triển). Cũng có một phiên bản phát triển bệnh hoạn trong số những nước phát triển, đặc biệt là những vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm không khí và nước, và trên bình diện thế giới, là hiệu ứng nhà kính khủng khiếp. Cuối cùng không nên coi nhẹ lĩnh vực chính trị và những cuộc xung đột quân sự trong vấn đề phát triển (xem phiếu số 3 Những khía cạnh chính trị-quân sự của phát triển).  
Hầu hết các định nghĩa phân biệt phát triển với tăng trưởng. Tăng trưởng chỉ giới hạn ở việc gia tăng khối lượng sản xuất trên đầu người; và chỉ khi nào tăng trưởng này đi kèm với những thay đổi cấu trúc nêu ở trên thì người ta mới gọi là có phát triển. Do đó có khả năng tăng trưởng không đi cùng với phát triển. Nhưng có thể nói đến phát triển mà không có tăng trưởng chăng? Như trong mọi định nghĩa của một hiện tượng phức tạp, chính ở đây có một số điểm không chắc chắn, chỉ có thể loại trừ một cách tuỳ tiện. Dù sao đi nữa nếu ta chọn quan điểm có phát triển mà không có tăng trưởng thì hiện tượng phát triển có chiều kích lịch sử sâu hơn.
Có thể cho phát triển bắt đầu với cuộc cách mạng đồ đá mới không?
Thật vậy, nếu ta chấp nhận gộp trong khái niệm phát triển những thay đổi của những cấu trúc kinh tế và xã hội mà không có những thay đổi đáng kể của mức sống thì phải đẩy lùi buổi đầu của hiện tượng phát triển vào thời cuộc cách mạng đồ đá mới. Xin được nhắc lại là thành tố chính của thời kì đồ đá mới -bắt đầu cách đây khoảng 10.000 - 11.000 năm- là bước chuyển của một nền kinh tế dựa trên hái lượm, săn bắn và đánh bắt sang một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp và chăn nuôi. Tóm lại đó không gì khác hơn là việc “sáng tạo ra nông nghiệp” và chính vì thế mà thuật ngữ cách mạng không phải là quá mạnh. Ta thấy tức thì những hệ quả rất quan trọng của một cuộc cách mạng như thế, trong đó quan trọng nhất là một gia tăng mạnh của sản xuất lương thực trên một đơn vị đất đai. Mặt khác, điều này làm dôi ra một thặng dư lương thực có thể trao đổi được và mặt khác một gia tăng của mật độ dân số. Và điều này cũng kéo theo sự định cư. Do đó ba nhân tố đã kéo theo quá trình đô thị hoá và trong thực tế kéo theo các nền văn minh. 
Sẽ là không cường điệu khi cho rằng giữa thế giới trước thời kì đồ đá mới và ví dụ châu Âu của thế kỉ XVII (hay ngay cả với văn minh La Mã khoảng năm 100) có những khác biệt cấu trúc lớn gần bằng với những khác biệt cấu trúc giữa châu Âu của thế kỉ XVII và nước Mĩ ngày nay. Nhưng về mặt mức sống trung bình, tiến bộ là rất khiêm tốn, có lẽ không hơn 70-120 % giữa thế giới trước thời kì đồ đá mới và châu Âu của thế kỉ XVII (một thời gian dài chín ngàn năm) trong lúc từ châu Âu của thế kỉ XVII và nước Mĩ năm 1990 tiến bộ này là 2.800-3.200 % (trong khoảng bốn thế kỉ, tức là theo thứ tự một tiến bộ 0,01 % và 0,95 % năm). Vả lại, trong một thời gian đầu, sự “sáng tạo của nông nghiệp” đã kéo lùi những điều kiện sinh hoạt. Thật vậy, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh là trong những xã hội săn bắn và hái lượm dân số tiêu dùng ít năng lượng trên đầu người và trong một đơn vị thời gian để thu thập lương thực hơn là hầu hết những xã hội nông nghiệp. Thể hiện điều này bằng con số thì trong những xã hội tiền nông nghiệp phải cần đến 800-1.000 giờ “lao động” người lớn hàng năm để có được lương thực trong lúc các xã hội nông nghiệp sơ khai phải cần đến 1.000-1.300 giờ.
Mặt khác, và điều này có lẽ là lập luận quyết định nhất để giới hạn khái niệm phát triển vào thời kì bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp, việc biện minh này nằm ở việc là cho đến lúc bấy giờ những khác biệt giữa các vùng giàu có và những vùng nghèo khổ là rất hạn chế (xem phiếu số 3 Những bất bình đẳng về mức sống của những xã hội khác nhau trước cuộc cách mạng công nghiệp). Đối với những nước nhỏ (ít hơn 2-3 triệu dân) sự khác biệt giữa các vùng là khoảng từ 1 đến 1,4 - 1,5. Đối với những vùng lớn (châu Âu, Trung Quốc, v.v.) khác biệt này là từ 1 đến 1,2 - 1,3. Ngày nay (1990), sự khác biệt giữa những nước nghèo nhất và những nước giàu nhất là từ 1 đến 35 - 40; và giữa trung bình của toàn thể thế giới thứ ba và trung bình của toàn thể thế giới phát triển khoảng khác biệt là từ 1 đến 7,8 - 8,2. Cuối cùng, và đây là một luận chứng không thể coi nhẹ, hầu hết các định nghĩa loại trừ thời kì của nền kinh tế truyền thống ra khỏi trường của phát triển.
Việc đột nhập ngắn ngủi này vào một quá khứ cả chục ngàn năm cho phép chúng tôi, trong bài viết này, tập trung hoàn toàn vào hiện tượng phát triển trong nghĩa giới hạn hiện nay nhưng được sử dụng rộng rãi. Nghĩa là một sự phát triển bắt đầu với những cuộc đảo lộn của cuộc cách mạng công nghiệp và bao gồm cả hiện tượng chậm phát triển. Nhưng với lựa chọn này, phải đừng quên rằng sự gián đoạn của thời đại đồ đá mới cũng là một gián đoạn cơ bản.
2. Sự phát triển của Tây phương: một điểm ngắt chủ yếu của lịch sử thế giới hay đơn giản chỉ là điểm chuyển hướng của một đường cong?
110.000 đầu máy xe lửa di chuyển trên 620.000 cây số đường ray của thế giới vào khoảng 1890 hẳn nhờ một phần vào trái cầu áelos nổi tiếng với tia hơi nước làm chuyển động bánh xe. Cỗ máy này được người Hi lạp Heron thành Alexandrie xây dựng, có lẽ vào thế kỉ thứ hai trước công nguyên. Những đầu máy xe lửa này chắc chắn nhờ một phần vào người Pháp Papin, người bằng cách chứng minh vào khoảng 1690 rằng hơi nước là một phương tiện hơn hẳn thuốc súng để tạo ra chân không, đã mở đường trực tiếp cho chiếc máy hơi nước đầu tiên của người Anh Savary (được cấp bằng sáng chế năm 1698), máy này thật ra là một máy chạy hơi nước. Tương tự như thế, hệ thống luân canh liên tục -một trong những thành tố chính của cuộc cách mạng nông nghiệp- không nghi ngờ gì bắt nguồn từ những hệ thống tương tự được sử dụng ở Hà Lan ngay từ đầu thế kỉ XVIII, mà nông nghiệp Hà Lan nhờ rất nhiều vào những gì thành Roma cổ đại đã từng sử dụng và ghi lại trong sách. Mặt khác trên một bình diện tổng quát hơn, khoa học và kĩ thuật “châu Âu” nhờ rất nhiều vào của khoa học và kĩ thuật của “thế giới Hồi giáo”, mà thế giới sau này lại mang những món nợ rất lớn đối với các nền văn minh Trung Quốc và Hy-La. Có thể kể bất tận những ví dụ như thế để chứng minh chỉ cho một điều hiển nhiên: lịch sử của nhân loại không bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp Anh của thế kỉ XVIII và không thể chối bỏ rằng cuộc cách mạng công nghiệp này mang nợ đối với vô số đổi mới của quá khứ. Tại sao những đổi mới này đã không mang lại sớm hơn và nhất là ở nơi khác (đặc biệt là tại Trung Quốc) một cuộc cách mạng công nghiệp? Đây là một vấn đề sẽ được đề cấp một chút nữa. Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng cuộc cách mạng này, một cuộc cách mạng dựa trên quá khứ, đã tạo nên một đoạn tuyệt thật sự hay chỉ đơn giản là sự chuyển hướng của một đường cong.
Một vài manh mối quan trọng để trả lời câu hỏi trên đã được nêu lên trong phần mở đầu: với cuộc cách mạng công nghiệp, ta đã chuyển từ một thế giới với những bất bình đẳng quốc tế nhỏ về mặt mức sống và với những mức sống trung bình sang một thế giới có những bất bình đẳng quốc tế ngày càng tăng trước hết là do kết quả của bước nhảy vọt của Tây phương. Một thế giới với những bất bình đẳng quốc tế nhỏ về mặt mức sống cũng có nghĩa là một thế giới mà, trong suốt hàng mấy nghìn năm, những mức sống này ít thay đổi. 
Nhằm làm nổi bật tầm quan trọng khác một cách cơ bản với những thay đổi xảy ra kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, bảng 1 tóm tắt diễn tiến của vài chỉ báo xã hội-kinh tế quan trọng cho bốn thời điểm sau: khoảng 1300, khoảng 1700, khoảng 1900 và 1990.
Như thế nếu tự giới hạn ở châu Âu già nua (ít tiến bộ hơn lục địa mới Bắc Mĩ) ta có thể thấy trong bảng này, điều quan trọng nhất là tuổi thọ -mà trong hàng năm không thay đổi bao nhiêu- đã nhân đôi từ 1700 đến 1990; và đã tăng 58 % từ 1900 đến 1990, tức từ 45 tuổi lên 71 tuổi, tức tuổi thọ đã tăng được thêm 26 năm. Tất nhiên tiến bộ này phần lớn là nhờ tử vong của trẻ em giảm mạnh; vì đối với trẻ em dưới 10 tuổi kì vọng sống chỉ tăng được 16 năm từ 1900 đến 1990 và có lẽ từ 10-12 năm từ 1700 đến 1900. Nhưng thắng lợi này trên mặt trận tử vong trẻ em há cũng chẳng phải là một điều cơ bản sao? Giảm từ 220-260 tử vong dưới một tuổi trên một nghìn em bé ra đời xuống còn 12 trên một nghìn như ở châu Âu hay cả còn 90 như trong thế giới thứ ba là một trong những thành quả không thể chối cãi của sự phát triển Tây phương. Việc thành quả này đã góp phần tạo ra những vấn đề khác là một khía cạnh khác thuộc về mặt trái của sự phát triển, của thành tố chậm phát triển (tiết 6).
Một đảo lộn không thể so sánh được với những thay đổi chậm chạp của quá khứ: việc đô thị hoá. Không quan trọng là điều này tốt hay xấu, phương thức ở của châu Âu và của nhân loại đã bị đảo lộn. Trong khi suốt cả mấy ngàn năm, tỉ lệ người sống ở thành phố biến thiên giữa 9 và 13 % thì ngay từ 1900 gần 40 % người châu Âu sống trong các đô thị và trong những thành phố lớn hơn trước nhiều. Cũng có những đảo lộn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngoại thương, giáo dục, v.v. (bảng 1).
Bảng 1: Vài chỉ báo về những thay đổi xã hội-kinh tế của châu Âu     (không tính nước Nga) và của toàn thể thế giới, 1300-1990

Khoảng năm 1300
Khoảng năm 1700
1900
1990a
Dân số (triệu)
     Châu Âu
     Thế giới
GDP trên đầu người ($ và giá US 1960)
     Châu Âu
     Thế giới
Kì vọng sống lúc ra đời (đàn ông)
     Châu Âu
     Thế giới
Mức chết của trẻ em (trên 100 trẻ ra đời)
     Châu Âu
     Thế giới
Tỉ lệ nông dân trong dân số hoạt động
     Châu Âu
     Thế giới
Hiệu suất của lúa (tạ trên một ha)
     Châu Âu
     Thế giới
Tỉ suất đô thị hoáb
     Châu Âu
     Thế giới
Số đô thị trên 100.000 dân
     Châu Âu
     Thế giới
Sản xuất sắt trên đầu người (kg)
     Châu Âu
     Thế giới
Tiêu dùng năng lượng trên đầu ngườid
     Châu Âu
     Thế giới

60-90
370-530


150-180
160-180


29-30
22-28


200-300
200-300


76-83
76-83


6-8
7-8

9-11
9-10

4-6
40-55


0,5-1,5
0,5-1,5


250-400
200-400

95-110
630-740


170-200
160-190


26-35
25-33


220-260
220-260


76-80
76-83


7-8
7-8

11-13
10-11

10-12
70-85


1-2
0,5-1,5


300-450
250-400

   285
1 640

 
560
  300


   45
   31


190
230


50
72


14
  8

38
16

125
300


80
25


1.500
   460

   499
5.250

 
3.150
  1.250


   71
   61


12
67


 9
47


43
23

69
42
 
430
2.100


410
140


4.700
 1.850
___________________
a: Dữ liệu ban đầu, một phần là những dự phóng
b: tỉ lệ dân số sống trong những đô thị từ 5.000 dân trở lên
c: Cho 1991: thép thô
d: được thể hiện bằng kilô tương đương than. Đối với 1900 và 1990 không tính đến hầu hết những “năng lượng” truyền thống: gỗ, cánh quạt nước, v.v..
Nguồn: Những dữ liệu của các bảng 1, 2, 4 và 5 là kết quả của những tính toán và ước lượng của tác giả dựa trên nhiều nguồn gồm một mặt là những ấn phẩm sau của tác giả (có bổ sung và cập nhật): “The Main Trends in National Disparities in Economic Development since the Industrial Revolution” trong Bairoch P. và Lévy-Leboyer M (chủ biên) Disparities Development since the Industrial Revolution, Macmillan, London, 1981: 3-25, “International Industrialization Levels from 1750 to 1980”, The Journal of European Economic History, vol. 11, n0 2, 1982: 269-333, De Jéricho à Mexico. Villes et économies dans lhistoire, Gallimard, Paris, 1985, Lagriculture des pays développés: 1800-1985. Productivité, production, facteurs de production et rendements, Centre d’histoire économique internationale, Genève, 1990. Mặt khác là những ấn phẩm thống kê của Ngân hàng thế giới, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển, FAO, Quĩ tiền tệ quốc tế, Liên hiệp quốc, OECD, UDIDO, UNESCO. Những niên giám thống kê (kể cả những niên giám hồi cố) của nhiều nước khác nhau và Mitchell B. R., European Historical Statistics, 1750-1970, Macmillan, London, 1975.
Cuối cùng, để chỉ nói đền điều quan trọng nhất: những đảo lộn trong những tương quan thống trị quốc tế. Trước cuộc cách mạng công nghiệp, công cuộc khai thác thuộc địa của châu Âu chỉ là một trong những cuộc khai thác thuộc địa khác. Tuy nhiên, trong trường hợp của châu Mĩ, kết quả là một tai hoạ -có lẽ là không có tiền lệ trong lịch sử- do những cơn dịch giết rất nhiều người do việc tiếp xúc với lục địa lâu nay sống tách biệt. Nhưng ngay từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX, sự thống trị của châu Âu đã có một tầm quan trọng và những phương thức đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Tầm quan trọng và những phương thức này là những kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp và điều này là do hai nguyên nhân chính.
Lí do đầu tiên gắn với việc là ngày nào châu Âu còn là một nền kinh tế truyền thống thì những khả năng “trao đổi” với những những lãnh thổ bị đô hộ là không quan trọng và do đó chỉ có thể biện minh cho một đế quốc thực dân cũng giới hạn. Thật vậy, một châu Âu với một nền kinh tế truyền thống kéo theo một mức sống và một tiêu dùng trên đầu người gần với mức sống và tiêu dùng trên đầu người của những thuộc địa. Mặt khác một nền kinh tế truyền thống kéo theo những sản phẩm xuất xứ từ những thuộc địa, nghĩa là chủ yếu những sản phẩm xa xỉ (gia vị, đường, sản phẩm công nghiệp có giá trị cao) không thể nào chiếm một tỉ trọng quan trọng trong tổng tiêu dùng của châu Âu. Lí do thứ hai có tính quân sự. Không có tiến bộ về số lượng và chất lượng của vũ khí châu Âu, kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp, thì một sự thống trị quan trọng đến như thế và nhất là phân tán đến thế như từng diễn ra trong nửa sau của thế kỉ XIX là khó có thể hình dung được.
Nhìn về hướng nào đi nữa thì sự đoạn tuyệt là quan trọng và mạnh bạo. Mạnh bạo tất nhiên là trong bối cảnh của lịch sử; vì nếu mọi việc bắt đầu thay đổi nghiêm trọng trong những thập niên đầu của thế kỉ XVIII thì ta chỉ chuyển sang một hệ thống kinh tế khác trong những thập niên cuối của thế kỉ XVIII này. Tóm lại một cuộc cách mạng chỉ cần khoảng 60-80 năm để thay đổi thật sự một chế độ không đáng được gọi là cách mạng trong chính trị nhưng quả xứng đáng với tên gọi này trong lịch sử những cấu trúc xã hội-kinh tế. Và điều này càng chính đáng hơn nữa khi không nghi ngờ gì là cuộc cách mạng công nghiệp này -mà thành quả là từ việc người Mĩ đặt chân lên mặt trăng đến người nông dân ở Bangladesh chỉ còn trung bình 0,4 ha đất nông nghiệp trên đầu người còn làm nông nghiệp- là sự đoạn tuyệt lớn nhất của lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ có được sự đoạn tuyệt này nhờ vào những thành quả được thực hiện trước đấy không chỉ của những nền văn minh châu Âu mà cả của những thành quả của những nền văn minh khác trên thế giới. 
Trước khi tóm tắt ngắn gọn những thành tố chủ yếu của sự đoạn tuyệt cơ bản do cuộc cách mạng công nghiệp gây ra phải nêu lên một câu hỏi quan trọng khó trả lời được.
Tại sao không sớm hơn? Tại sao không ở nơi khác?
Một câu hỏi có cơ sở, vì không có điều gì loại trừ việc một phần những nhân tố giải thích những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cuộc cách mạng công nghiệp Anh là những nhân tố thứ yếu thậm chí dư thừa. Trong số những nhân tố này, ta có thể dễ dàng kể cả đạo Tin lành, kiểu chính quyền, những phương tiện vận tải rốt, những mỏ than sẵn có, đấy là không tính dến những nhân tố đôi lúc được nêu lên song không có bất kì vai trò nào trong việc khởi động cuộc cách mạng Anh, như tăng trưởng dân số và sự bành trướng thuộc địa. Mặt khác, và điều này là quan trọng hơn, toàn bộ những kĩ thuật được sử dụng vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp Anh đã có sẵn từ 3-4 thế kỉ trước tại Tây phương, kể từ 6-7 thế kỉ trước trong thế giới Hồi giáo, và kể từ 7-8 thế kỉ trước ở Trung Quốc. Và không có gì cấm cản xây dựng một kịch bản trong đó cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra trong thành Roma của thế kỉ thứ II hay tại Hi Lạp năm – 300. Vì, trong cả hai trường hợp này, “quĩ” công nghệ và mức kinh tế là có đủ để cho không có trở ngại nào thật sự là không vượt qua được, ngăn cản một cuộc cách mạng như thế.  
Và tương tự như thế không có điều gì loại trừ khả năng -trong giả thiết cuộc cách mạng công nghiệp Anh không xảy ra- một lịch sử Tây phương đạt đến cực thịnh vào những thế kỉ XVII-XVIII; một thời kì cực thịnh rất giống với những thời kì ta có thể phát hiện được trong những nền văn minh khác. Thật vậy, trên lục địa châu Âu, người ta quan sát được, trong nửa sau thế kỉ XVIII, một tiến hoá kép tiêu cực. Trong rất nhiều nước ta nhận thấy một gia tăng của dân số nông nghiệp nhanh hơn gia tăng của dân số thành thị; do đó tỉ suất đô thị hoá sụt giảm. Có lẽ ta cũng nhận thấy một sụt giảm của mức sống, vả lại sụt giảm này có thể là cơ sở của hiện tượng đầu.
Thật ra, do cuộc cách mạng công nghiệp là một hiện tượng duy nhất trong lịch sử, nên không thể ước lượng xác suất xảy ra một hiện tượng như thế trong bối cảnh những xã hội truyền thống tiên tiến. Sẽ là hợp lí khi giả định rằng xác suất này là yếu, trong trường hợp này câu trả lời cho câu hỏi trên là dễ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn thoả đáng. Mặt khác, phải thừa nhận là chúng ta thiếu những công trình so sánh những điều kiện cấu trúc của những nền văn minh khác nhau vào thời cực thịnh của chúng.
3. Điểm nhanh những thành phần chính của cuộc cách mạng công nghiệp
Trong chiếc nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, những đột biến bắt đầu diễn ra vào thời bản lề của thế kỉ XVIII. Thật vậy, ngay từ cuối thế kỉ XVII, hay dù sao đi nữa, ngay từ những năm đầu của thế kỉ XVIII, một quá trình thay đổi sâu sắc bắt đầu làm đảo lộn nền nông nghiệp Anh. Trong một bước đầu, đó chủ yếu là việc áp dụng những phương pháp trồng trọt đã được sử dụng ở Hà Lan. Nhưng điều cốt yếu là khi áp dụng những phương pháp vốn được vận dụng trên những đất đai có mật độ dân số cao sang những đất đai có mật độ thấp hơn, ta không chỉ có được một tiến bộ về sản lượng, mà cả về năng suất. Rất sớm (ngay từ những thập niên đầu của thế kỉ XVIII) những đổi mới địa phương nối tiếp những mô phỏng và cho phép có được nhiều tiến bộ đáng kể hơn.
Những thành tố chính của cuộc cách mạng nông nghiệp này là sự luân canh liên tục, việc chọn giống và súc vật, cải thiện nông cụ (đặc biệt là cái cày) và việc hội nhập chăn nuôi vào nông nghiệp. Cho dù, trong một thời gian đầu, tiến bộ của năng suất là khá khiêm tốn, cần ghi nhận là chỉ trong vòng một thế kỉ (từ 1740 đến 1840) năng suất đã được nhân ba trong lúc trong 8-9 thiên niên kỉ trước năng suất chỉ tăng có 40-80 %.
Một biến đổi sâu sắc đến thế của một khu vực của đời sống kinh tế -một khu vực mà cho đến trước cuộc cách mạng nông nghiệp sử dụng ba phần tư số người hoạt động kinh tế- không thể diễn ra mà không kéo theo những thay đổi quan trọng trong những khu vực khác. Và điều này đã diễn ra rất sớm, nghĩa là ngay từ những năm 1730-1760. Đặc biệt là thông qua cầu của khu vực nông nghiệp và của thế giới nông thôn nói chung mà những thay đổi này được khơi mào trong công nghiệp vận tải.
R. Arkwright (1732-1792)
Gia tăng của các nguồn lực tự nhiên kéo theo gia tăng của cầu quần áo. Cầu này tạo ra hiện tượng nghẽn cổ chai: những khả năng sản xuất, đặc biệt là kéo sợi. Vì trung bình phải cần đến 8-9 thợ kéo sợi để cung cấp đủ sợi cho một thợ dệt. Và chính ở đây đã diễn ra một trong ba bốn đổi mới kĩ thuật quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp. Sau nhiều lần thử nghiệm ít nhiều có kết quả, cuối cùng một người thợ cắt tóc của một vùng dệt may, Arkwright, năm 1769, thành công trong việc thiết kế hay mô phỏng (cuộc tranh cãi trên vấn đề này vẫn chưa chấm dứt) một cái máy hoạt động được. Như thế ông ta trở thành nhà doanh nghiệp đầu tiên của một nhà máy sợi cơ khí kết hợp những thành tựu kĩ thuật và tài chính. Vâng, một thợ cắt tóc... đây không phải là một nhầm lẫn; và trường hợp này, có thể hơi cực đoan nhưng không phải là duy nhất, làm nổi bật một trong những đặc điểm cơ bản của kĩ thuật trong những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp: vị trí hàng đầu của những nhà thực tiễn.
Abraham Darby (1678-1717)
Một đổi mới kĩ thuật chủ yếu khác là việc thay thế củi bằng than trong việc sản xuất gang. Nhiều thử nghiệm trong chiều hướng này đã được tiến hành vào thế kỉ XVII. Tuy nhiên, chỉ đến 1709 thì Abraham Darby mới có một vài thành công chắc chắn và kể từ những năm 1750 phương pháp này mới được lan truyền.
Cần nhấn mạnh đến vai trò then chốt của sự tồn tại một cầu lớn trong việc áp dụng vào thực tiễn những đổi mới kĩ thuật trong lĩnh vực dệt may và luyện kim. Không có cầu mạnh mẽ này không những sẽ có ít toan tính đổi mới và do đó ít có cơ hội thành công nhưng còn không có thể tiêu thụ những sản phẩm được sản xuất với những kĩ thuật mới này. Thật vậy, như thế trong một thời gian dài, sợi dệt lẫn sắt thô được sản xuất ra có một chất lượng kém hơn những sản phẩm truyền thống. Về điểm này, điều có ý nghĩa cần nhắc lại là hải quân hoàng gia Anh bãi bỏ lệnh cấm hạm đội sử dụng sắt sản xuất bằng than.
Những biến đổi nông nghiệp đã dẫn đến những đảo lộn công nghiệp; nhưng rồi đến lượt những đảo lộn công nghiệp đã góp phần tạo nên những tiến bộ nông nghiệp mới. Như thế, ta gặp một khía cạnh quan trọng là những tương tác. Nông nghiệp, bằng những nhu cầu của mình, đã đóng góp nhiều vào sự ra đời của ngành luyện gang thép hiện đại, cũng đã hưởng lợi lớn từ kết quả của điều này là việc giảm giá của sắt. Sắt với giá thấp tạo điều kiện dễ dàng cho việc hoàn chỉnh và phổ biến nông cụ có hiệu năng cao hơn. Tương tự như thế, và chỉ giới hạn vào những yếu tố quan trọng nhất, giảm giá này của sắt kết hợp với những cải tiến của máy hơi nước -được kích thích bởi những nhu cầu của công nghiệp dệt- “lót đường” cho đường sắt. Đường sắt đầu tiên được khai trương năm 1825 tại Anh; và 25 năm sau, 21 nước cũng đã bắt đầu có hệ thống đường sắt của mình.  
Nhưng, trong cùng thời gian đó, cuộc cách mạng công nghiệp đã lan sang những nước châu Âu khác hay những nước có đông dân số châu Âu. Nhóm nước thứ nhất -với những bước đổi mới bắt đầu trước 1800/1810- gồm có Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ và Hoa Kì. Tiếp đó là Đức, Áo-Hungari (trong những năm 1830/1850), rồi đến Tây Ban Nha, Italia, Thuỵ Điển và Nga (chung quanh những năm 1860/1880). Chính vào lúc này Nhật bắt đầu đổi mới, một đổi mới hơn cả cuộc đổi mới của nước Nga của những sa hoàng, được chính quyền trung ương khuyến khích và khởi động, đi cùng với việc tiếp tục phát triển kĩ thuật, dẫn đến -ngay từ đêm trước thế chiến thứ nhất- những mức phát triển rất cao. Ngay cả ở mức độ toàn thể những nước phát triển Tây phương (bảng 2) trong đó có những nước ít phát triển hơn, mức công nghiệp hoá trên đầu người là 60 lần cao hơn khoảng năm 1800 và năng suất nông nghiệp được nhân lên 43 lần.
4. Từ nỗi đam mê phát triển đến khủng hoảng của phát triển
Mô hình những chu kì kinh tế -với một giai đoạn tích cực tiếp theo một giai đoạn tiêu cực- trong một thời gian dài nổi lên trong đầu của những nhà quan sát việc phát triển của những xã hội Tây phương. Và điều này càng hiện rõ hơn nữa khi xảy ra cuộc đại suy thoái của những năm 1930 vào lúc chính ngay những tác động của công nghiệp hoá bắt đầu làm thay đổi một cách sâu sắc và lần đầu tiên tính chất của tiêu dùng của các nước phát triển.
Thay đổi của tính chất tiêu dùng. Thật vậy, nếu trong thế kỉ XIX, gia tăng nhanh của sản xuất công nghiệp kéo theo gia tăng mạnh của những sản phẩm tiêu dùng thì đó chủ yếu là những sản phẩm truyền thống như áo quần. Chỉ kể từ những năm 1920 thì những sản phẩm công nghiệp mới bắt đầu trở thành tiêu dùng thông dụng: thiết bị gia dụng, máy hát, radio, xe hơi, v.v..  Và vào đêm trước cuộc đại suy thoái số lượng được tiêu dùng của những sản phẩm này là rất quan trọng, đặc biệt là ở Hoa Kì.
Trong rất nhiều nước cuộc suy thoái này đã kéo dài đến thế chiến thứ hai và kéo theo một sụt giảm của mức sống của một bộ phận lớn dân chúng. Vào thời đó nở rộ những lí thuyết về “trạng thái dừng” cho rằng đã đạt tới những giới hạn của sự phát triển. Hầu như là những lí thuyết này cho rằng thế giới phát triển sẽ trở lại một tình trạng nửa bất động, ở một mức cao hơn, vốn có của nó trong những thế kỉ trước cuộc cách mạng công nghiệp. Theo một cách nào đó một trong những hậu quả ghê tởm nhất của cuộc đại suy thoái: chủ nghĩa phát xít kéo theo việc từ chối nhiều thay đổi cấu trúc do sự phát triển gây nên, và đặc biệt là sự biến mất của giai cấp trung lưu. Do đó gần như có thể cho rằng thế chiến thứ hai là kết quả tổng hợp của việc đẩy mạnh phát triển và nhờ có phát triển nên mới có những tàn phá và đau khổ -chưa có tiền lệ trong lịch sử- mà thế chiến này gây ra.
Tăng tốc của phát triển
Ngay từ cuối thế chiến thứ hai, nhịp độ xây dựng lại đã rất là nhanh. Một sự kết hợp những nhân tố -trong đó phải kể đến kế hoạch Marshall, việc tổ chức lại những hệ thống tiền tệ và quan hệ quốc tế, những bồi thường chiến tranh thấp và một hiểu biết tốt hơn về những cơ chế kinh tế- giải thích sự nhanh chóng này. Tại Tây Âu, ngay từ 1949, nghĩa là trong vòng bốn năm, tổng sản lượng quốc gia đã vượt qua mức của năm 1939, trong lúc sau thế chiến thứ nhất phải mất sáu năm mới đạt tới mức này. Vả lại chính bóng ma của cuộc khủng hoảng thích nghi lại năm 1921 chịu trách nhiệm trực tiếp của những biện pháp các nước Tây phương áp dụng nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc tái thiết. Mặt khác trong sự “hào phóng” của Hoa Kì -trong nhiều năm đã dành 2 % tổng sản phẩm trong nước cho kế hoạch Marshall- có nỗi lo sự bành trướng lãnh thổ rộng hơn của hệ thống cộng sản.
Những thoả thuận giữa các đồng minh không chỉ để lại dưới vùng ảnh hưởng của nước Nga xô viết những lãnh thổ cũ của đế chế Nga hoàng trở thành độc lập sau thế chiến thứ nhất (Ba Lan, các nước vùng Baltique) mà còn thêm vào đó toàn bộ vùng Balkan (ngoại trừ Hi Lạp) cũng như Hungari, Tiệp khắc và một phần của Đức. Tóm lại, ngoài 156 triệu dân năm 1946 của lãnh thổ Liên Xô trong những biên giới của năm 1939 lại còn có thêm 117 triệu nay thuộc về khối chủ nghĩa xã hội. Như vậy, Đông Âu, tức một nửa của châu Âu (trong nghĩa rộng), tức một phần ba của thế giới phát triển, có một chế độ kinh tế rất khác với chủ nghĩa tư bản, một hình thái phát triển duy ý chí rất đặc biệt.
Một khi xây dựng lại xong, tăng trưởng ở Tây phương lẫn ở Đông phương tiếp tục ở một nhịp độ cao. Mặt khác, và điều này là cực kì quan trọng, từ 1946 đến 1974/75 đã không xảy ra ở Tây phương một trong những cuộc khủng hoảng từng đánh dấu mỗi bước phát triển cho đến lúc bấy giờ. Tất nhiên tăng trưởng không hoàn toàn đồng điệu, nhưng những lần hoạt động kinh tế chậm lại không bao giờ dẫn đến những sụt giảm đáng kể của những mức sản xuất và hiếm khi những lần tăng trưởng chậm lại này diễn ra trong nhiều nước. Tính chung, từ 1950 đến 1973, tổng sản phẩm trong nước của Tây Âu đã được nhân lên gần gấp 3 và sản xuất trên đầu người được nhân lên 2,5 (tức một tỉ suất tăng trưởng hàng năm là 4 %). Và nếu tăng trưởng ở Bắc Mĩ là yếu nhất thì ngược lại tại Nhật nó là cao nhất. 
phía Đông, mà về nguyên tắc kế hoạch hoá toàn diện loại trừ những chu kì (hay, dù sao đi nữa, cho đến mới gần đây đã loại trừ chúng), thì tăng trưởng còn nhanh hơn nữa. Tất nhiên tăng trưởng này không nhanh như những số liệu chính thức công bố. Nếu tính đến những méo mó của một số dữ liệu và những khác biệt về khái niệm thì tỉ suất tang trưởng hằng năm của sản phẩm trên đầu người vào khoảng 4,5 % một năm; một tăng trưởng dù sao đi nữa cũng là cực kì cao. Một giới hạn khác, không phải là không đáng kể, tăng trưởng của mức sống của dân chúng hơi thấp hơn một tí con số vừa được nêu, do có sự tăng trưởng nhanh hơn của những sản phẩm trang thiết bị so với tăng trưởng của sản phẩm tiêu dùng. 
Chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội: trong cả hai trường hợp đều có sự tăng trưởng rất nhanh. Từ 1946 đến 1973, trong tập thể hỗn tạp là thế giới phát triển, khối lượng sản xuất được nhân 4 và sản lượng trên đầu người được nhân 2,9; tức là bằng với tăng trưởng của thời kì 1850/60-1946 và cao hơn nhiều trong suốt 9.000-10.000 năm, giữa cuộc cách mạng đồ đá mới đến nửa thế kỉ XIX.
Sự đảo lộn những cấu trúc xã hội kinh tế của Tây phương  
Tốt hơn cả những mô tả dài dòng, vài con số trình bày trong bảng 2 cho phép đo tầm quan trọng của những thay đổi diễn ra trong thế giới Tây phương trong thời kì tăng trưởng chưa có tiền lệ này trong lịch sử. Tại Tây Âu, từ 1950 đến 1973, mức tử vong của trẻ em được chia cho 2,8; tiêu dùng năng lượng được nhân lên 2,3; tỉ lệ người trẻ vào đại học nhân lên gấp 3 và tỉ lệ của nông dân bị chia cho 2,5. Sụt giảm của nông dân, cùng với những tiến bộ kĩ thuật (đặc biệt là thuốc trừ sâu và gia tăng của cơ khí hoá) kéo theo một đảo lộn thật sự của những xu hướng lịch sử về năng suất. Trong lúc trong thế kỉ XIX và suốt nửa đầu thế kỉ XX năng suất của công nghiệp chế tạo máy tăng nhanh hơn năng suất của nông nghiệp (theo thứ tự 1,9 và 1,2 % hàng năm trong những nước phát triển châu Âu) thì từ đó đến nay xu hướng này đã đảo ngược chiều (theo thứ tự 3,5 và 5,5 % hàng năm từ 1950 đến 1990).
Nếu gia tăng nhanh của mức sống trung bình không tất yếu thể hiện ở mọi nơi bằng một tiến bộ ngang nhau của thu nhập của tất cả các giai cấp xã hội thì nó cũng đã mang đến ở mọi nước một gia tăng chưa từng thấy của mức sống, ngay cả mức sống của những tầng lớp bị thiệt thòi nhất. Nếu thời gian lao động hàng tuần không giảm nhiều (từ 1 đến 3 giờ tuỳ theo nước), nghỉ phép đã trở thành một thực tế làm đảo lộn cả đời sống kinh tế và xã hội nhiều lần trong năm. Một thay đổi khác, chậm hơn nhưng cũng hoàn toàn cơ bản, là việc giảm tầm quan trọng tương đối của số công nhân so với số nhân viên và chuyên viên. Trong nhiều nước phát triển, công nhân (người cổ xanh) chiếm không đến một phần ba số người trong tuổi lao động.
Một đặc điểm khác của thời kì này là việc rút ngắn những khoảng cách phát triển không chỉ trong nội bộ của thế giới phát triển Tây phương mà cả trong thế giới đang phát triển. Nói chung những nước chậm phát triển trong thế giới này có một tăng trưởng nhanh hơn. Vào khoảng 1950, ba nước giàu nhất của thế giới phát triển có một tổng sản phẩm quốc gia trên đầu người 5,4 lần cao hơn ba nước nghèo nhất của thế giới này. Vào khoảng 1973 cách biệt này chỉ còn có 3,6 lần.
Từ người hippy đến người thất nghiệp
Những thay đổi nhanh chóng này, và nhất là việc kết hợp những thay đổi này, tự nhiên đã tác động đến hành vi của dân chúng. Khuôn khổ ở đây không cho phép tiến hành một mô tả chi tiết. Tuy nhiên khiá cạnh quan trọng duy nhất cần ghi nhận là sự “thất sủng” của chính ngay sự phát triển. Sự thất sủng càng dễ dàng với những mặt trái của sự phát triển và nhất là những mặt trái của công nghiệp hoá: ô nhiễm, tập trung đô thị, v.v.. Sự thất sủng có lẽ càng dễ dàng hơn nữa do có toàn dụng lao động, thất nghiệp của hầu hết những nước Tây phương giảm mạnh (bảng 3). Từ những hippy Mĩ vào giữa những năm 1960 đến những nhà bảo vệ môi trường châu Âu cuối những năm 1960, qua đến những nhà kinh tế chủ trương một tăng trưởng bằng không, đó là cả một loạt những dấu hiệu về một tinh thần không phải là sự từ chối nếu không phải là sự phát triển ít ra là từ chối việc phát triển cuồng nhiệt và nhất là những chi phí bên ngoài của sự phát triển.
Bảng 2: Một vài chỉ báo về phát triển của Hoa Kì và của Tây Âu, 1913-1990

1913
1929
1950
1970
1980
1990
Dân số (triệu)
    
     Tây Âu
GDP trên đầu người ($ và giá US 1960)
    
     Tây Âu
Mức chết của trẻ em (trên 100 trẻ ra đời)
    
     Tây Âu
Mức công nghiệp hoá
    
     Tây Âu
Tỉ suất nông dân trong dân số hoạt động
    
     Tây Âu
Số sinh viên đại học (trên ngàn dân)
    
     Tây Âu
  
   97
242


1.350
690


 105
142

126
65


31
40


4
1
   
122
260


1.770
800


   68
94

186
98


22
34


9
2
  
152
302


2.420
930


   29
53

360
160


13
30

 
16
3
  
205
354


3.600
2.010


   20
24

530
230


 4
15

     
31
7
 
 228
372


4.300
2.670


12
13

630
280


3
11


33
14
   
251
382


5.250
3.240


9
8

800
310


 2
 7


31
17
___________________
a Châu Âu trừ các nước sau: Albanie, Đông Đức, Bungari, Hungari, Ba Lan, Roumani, Tiệp Khắc và Liên Xô
b Dữ liệu ban đầu, một phân là dự phóng
Nguồn: xem bảng 1
Năm 1973, chỉ không đầy một năm sau khi báo cáo nổi tiếng của Câu lạc bộ Roma, Hãy ngưng tăng trưởng? được công bố, một nhân tố ngoại sinh bắt đầu làm nghẽn quá trình phát triển: giá dầu thô nhân gấp bốn; đợt tăng giá thứ hai của một loạt tăng, chỉ trong vòng mười năm, đã nhân sáu giá thực tế của nguồn năng lượng mà giá thấp và dễ thao tác đã giúp cho nó chiếm chỗ của than đá.
Mặc dù gia tăng lần đầu của giá dầu lửa không đi trước nhưng đi sau một thời kì gần như lạm phát, gia tăng này đã đẩy nhanh hiện tượng này. Tương tự như thế có khả năng là sự đảo lộn giá cả này không xa lạ với sự gián đoạn quan sát được kể từ 1974 trong nhịp độ tăng trưởng. Cuộc suy thoái năm 1974/75 -mà trách nhiệm được qui cho gia tăng của giá dầu lửa lần thứ hai- là cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc suy thoái năm 1930, tuy nhiên điều này không có nghĩa là có thể so sánh, ngay cả từ xa, hai cuộc suy thoái này. Hai chuỗi số liệu đủ để cho thấy sự khác biệt. Năm 1933, sụt giảm của khối lượng của tổng sản phẩm của thế giới phát triển (không kể Liên Xô) là khoảng 28 % so với 1929; năm 1974 khối lượng tổng sản phẩm của thế giới phát triển Tây phương đã tăng 0,2 % và năm 1975 chỉ giảm có 1 %. Vào khoảng năm 1933, có lẽ trung bình 20-25 % người hoạt động là nạn nhân của thất nghiệp. Năm 1975 tỉ suất trung bình này là khoảng 5-6 %.
Bảng 3: Tỉ suất thất nghiệp đầy đủ của một số nước phát triển (trên tổng số dân số hoạt động kinh tế), 1925-1990

Đức a
Bỉ
Pháp
Italia
Nhật
Anh
Thuỵ Sĩ
1925-1929
1930-1933
1934-1938
1948-1952
1958-1962
1968-1972
1973-1975
1976-1978
1979-1981
1982-1984
1985-1987
1988-1990b
11,0
23,8
  8,3
  8,0
  1,7
  1,0
  2,0
  3,6
  3,6
  7,1
  6,6
  8,7
  2,1
16,0
19,1
  7,6
  4,9
  2,5
  3,6
  7,3
  7,2
12,0
11,2
  9,6
  1,1
16,3
18,5
  4,3
  6,0
  4,6
  6,2
  6,8
  6,8
  8,8
  6,7
  5,3
-
-
-
  1,2
  1,1
  2,6
  3,1
  4,8
  6,5
  8,7
    10,4
  9,7
-
-
  -
  8,8
  4,6
  5,6
  5,8
  7,1
  6,9
  9,2
10,7
10,9
-
  6,1
  4,1
  1,0
  1,2
  1,2
  1,5
  2,0
  2,1
  2,6
  2,7
  2,4
11,3
20,0
 14,6
  1,5
  1,9
  3,3
  3,4
  5,8
  5,8
11,8
10,0
  6,9
  0,6
  2,1
  3,5
  0,3
  0,0
  0,0
  0,1
  0,5
  0,2
  0,7
  0,8
  0,6
___________________
a Kể từ 1948-1962: Cộng hoà liên bang Đức
b Dữ liệu ban đầu, một phần là dự phóng
Ghi chú: Những thay đổi của các hệ thống ước lượng khiến cho, trong một số trường hợp, các chuỗi là không thuần nhất về mặt thống kê. Tuy nhiên những gián đoạn này là không quan trọng; và kể từ 1968/72 đó là những tỉ suất được (OECD) chuẩn hoá, ngoại trừ đối với Thuỵ Sĩ. Đối với Thuỵ Sĩ (dữ liệu trước 1948-1952) và đối với Pháp (dữ liệu trước 1968-1972) đó là tỉ suất người tìm việc làm trên tổng dân số hoạt động kinh tế.
Nguồn: theo US Department of Commerce, Long term Economic Growth 1860-1970, Washington 1973: 212-213. Mitchell B. R., European Historical Statistics, 1750-1970, Macmillan, London 1975: 166-171, Société des Nations, Annuaires statistique, Genève, nhiều năm, BiT, Annuaires des statistique du travail, Genève, nhiều năm, de la Suisse, Berne, nhiều năm, OECD, Perspectivess économiques de lOCDE, Paris décembre 1989 và Principaux indicateurs économiques, Paris (gần đây nhất: tháng tư 1990)
Nhưng, ngược lại với tất cả những cuộc suy thoái nhỏ của thời hậu thế chiến, sự hồi phục là khá ôn hoà. Ôn hoà về mặt việc làm nhiều hơn là về mặt tăng trưởng kinh tế. Từ 1976 đến 1980, khối lượng GDP trên đầu người của những nước Tây phương đã tăng trung bình 2,4 % mỗi năm (so với 3,6 % từ 1950 đến 1973). Tuy nhiên, mặc dù có tăng trưởng này nhưng thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng nhanh chóng (bảng 3). Nếu tính tỉ suất thất nghiệp của toàn bộ những nước phát triển Tây phương, thì tỉ suất này đã tăng từ 2,9 % trong giai đoạn 1968/75 lên 5,9 % trong giai đoạn 1979/81. Và, tình thế nghiêm trọng hơn nữa, một tỉ lệ lớn những người thất nghiệp này thuộc giới trẻ. Do đó nhiều người trẻ tuổi bước vào đời sống hoạt động bằng cánh cửa thất nghiệp. Như thế, trong vòng không đến mười năm, ta đã chuyển từ sự chán ghét việc làm sang tình trạng thiếu việc làm. Một sự thiếu việc làm không phải là không có tiền lệ, ngược lại là khác, nhưng một thất nghiệp đã từ gần 25 năm nay không xuất hiện với một tầm quan trọng đến thế, tức là kể từ gần một thế hệ vì ngay từ 1982 tỉ suất thất nghiệp đã vượt quá 8%.
Tuy nhiên ta ghi nhận là, kể từ 1984, mức thất nghiệp có giảm bớt (bảng 3). Nhưng, ngay cả vào năm 1990, ta vẫn ở những mức cao hơn gấp ba lần những mức của đầu những năm 1960. Do đó đây quả là một thất nghiệp cấu trúc, vì sau cơn suy thoái 1981, do cú sốc dầu lửa thứ hai gây ra, tăng trưởng của tổng sản phẩm trên đầu người là khá nhanh (khoảng 2,7 % một năm từ 1982 đến 1990).
Tây phương sẽ phi công nghiệp hoá?
Trước khi chuyển qua phân tích việc chậm phát triển, phải dừng lại, dù nhanh chóng, ở một thay đổi quan trọng khác gần đây mới tác động đến các nước phát triển Tây phương. Đó là việc giảm mạnh (tương đối và tuyệt đối) của việc làm trong công nghiệp chế tạo máy của Tây Âu và, trong một chừng mực ít hơn, của Bắc Mĩ. Chỉ từ 1970 đến 1985, Tây Âu đã mất 7,3 triệu việc làm (tức 18 %) làm cho tầm quan trọng tương đối của khu vực này giảm từ 25,8 % xuống còn 22,6 %. Tại Bắc Mĩ, tính theo con số tương đối, sụt giảm này còn đậm nét hơn nữa (từ 26 % xuống 19,3 %); nhưng do dân số hoạt động kinh tế đã tăng mạnh nên việc làm trong công nghiệp chế tạo máy tương đối là ổn định. Trong thời gian này công nghiệp chế tạo máy của Nhật tăng 0,7 triệu việc làm (tức 5 %); diễn tiến này một phần là kết quả của những thay đổi quan trọng trong các luồng ngoại thương về các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là những thặng dư ngày càng tăng của Nhật.
5. Vì sao thế giới thứ ba không khởi động sự phát triển trong thế kỉ XIX?
Vào đầu thế kỉ XX nước Anh chỉ còn là một nước phát triển trong bao số nước phát triển khác. Thậm chí Anh đã không còn là cường quốc kinh tế chính của thế giới, trên lĩnh vực này Hoa Kì đã vượt qua Anh vào khoảng 1880. Và như ta đã thấy, hầu như tất cả những nước châu Âu và có dân số gốc châu Âu -kể cả Achentina, Chilê, Uruguay- và mặt khác, Nhật Bản, sớm hay muộn đã bước vào quá trình phát triển. Tất nhiên, như có thể suy ra từ danh sách trên, tất cả những nước này không phải đều đã công nghiệp hoá. Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là nếu công nghiệp hoá hầu như kéo theo sự phát triển thì công nghiệp hoá không phải là một điều kiện cần cho sự phát triển này.
Thiếu vắng công nghiệp hoá không tất yếu kéo theo là không có phát triển
Hãy quay trở lại đầu thế kỉ XX và lấy một số danh sách những nước được xếp theo những tiêu chí trực tiếp kéo theo những mức độ phát triển. Trong tất cả các trường hợp -cho dù đó là mức sản phẩm trên đầu người hay những tiêu chí khác- thì ta thấy trong số 12-18 nước tiên tiến nhất có gần một nửa là những nước rất ít công nghiệp hoá. Như thế vào khoảng 1910, trong số 15 nước có một tổng sản phẩm quốc gia trên đầu người cao nhất, có bảy nước nông nghiệp không công nghiệp hoá (theo thứ tự mức độ công nghiệp hoá giảm dần): Úc, Canada, Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan, Na Uy, Achentina. Và hai nước đứng đầu những nước giàu không công nghiệp hoá này có mặt trong số 3-5 nước giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Việc thiếu những nền công nghiệp quan trọng, hoặc hoàn toàn không có (như ví dụ New Zealand) không ngăn cản những nước này là những nước phát triển: không những các nước này có những thu nhập trung bình rất cao mà còn có những mức giáo dục và y tế cao, tiêu dùng cao, v.v.. Đạt được điều này là nhờ năng suất cao của nông nghiệp do việc áp dụng những kĩ thuật xuất phát từ cuộc cách mạng công nghiệp Anh. Tuy nhiên cần ghi nhận là tất cả những trường hợp này chỉ liên quan đến những nước ít dân, và điều này đã tạo điều kiện dễ dàng cho chính sách xuất khẩu của họ.
Trong danh sách những nước phát triển trên đây chỉ có một nước mà dân sở tại không phải là dân châu Âu: Nhật Bản. Và có cả ba nước châu Mĩ la tinh mà ngày nay được xem là thuộc thế giới thứ ba. Tạm gác sang một bên trường hợp đặc biệt của Nhật để nhận xét rằng phát triển không tất yếu là con đuờng một chiều. Những nước châu Mĩ la tinh này, vì những lí do không hoàn toàn giống nhau nhưng sẽ quá dài để trình bày ở đây, từ đầu những năm 1920 đã tiến hoá không mấy tích cực chỉ kéo theo một sự tiến bộ khiêm tốn của thu nhập trên đầu người trong lúc thu nhập này của những nước phát triển khác đã được nhân lên sáu lần từ 1920 đến 1990.  
Do đó một mặt gần như hầu hết những nước châu Âu hay có dân số gốc châu Âu đã bám được vào con tàu phát triển trong thế kỉ XIX; trong lúc mặt khác -về phía những nền văn minh không phải là văn minh châu Âu-, trừ một ngoại lệ, không có nước nào đi theo con đường của Anh cả. Thật ra phải nói là “không thể đi theo”... vì không thể phủ nhận là, ngay từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX, không những ít có sự từ khước việc phát triển Tây phương mà ngược lại có một sự nhất trí cao để mong muốn sự phát triển này; một sự nhất trí của những tầng lớp tinh hoa không phải là châu Âu có ít nhiều quyền lực. Còn có cả nhiều mưu toan công nghiệp hoá sớm nhưng hầu hết đều thất bại (xem phiếu số 5 Những toan tính công nghiệp hoá sớm của những nước ngoại vi không thuộc châu Âu). Như thế làm thế nào giải thích vì sao cả thế giới rộng lớn và đa dạng không phải là Tây phương gần như nằm ngoài trào lưu phát triển không chỉ đến đầu thế kỉ này mà cả cho đến tận hôm nay?
Một cuộc cách mạng nông nghiệp không vượt ra ngoài biên giới của thế giới tây phương
Hãy đi từ đầu bằng điều rốt cuộc là quan trọng nhất: nông nghiệp. Tại sao toàn bộ những kĩ thuật -tóm lại là rất đơn giản- của cái gọi là cuộc cách mạng nông nghiệp Anh đã không lan sang thế giới thứ ba? Thoạt nhìn thì trong đại đa số những nước thứ ba không có những chướng ngại không thể vượt qua do sự tụt hậu công nghệ vì, tính trên số dân, chỉ khoảng một phần mười những xã hội của thế giới thứ ba có những kĩ thuật nông nghiệp quá thô sơ. Do đó sự khác biệt của các mức công nghệ không phải là một trở ngại cho việc lan truyền cuộc cách mạng nông nghiệp.
Phải tìm lời giải thích ở nơi khác. Và để nói ngắn gọn, xin nhắc lại điều chủ yếu. Một cách giải thích thứ nhất nằm ở nhịp độ lan truyền trong không gian của cuộc cách mạng nông nghiệp. “Bình thường”, cuộc cách mạng này đáng lí đã lan sang thế giới thứ ba vào cuối thế kỉ XIX. Nghĩa là vào lúc mà những kĩ thuật này cũng đã tiến hoá rồi. Nhưng ngoài những nhân tố này cần phải ghi nhận là không phải một điều ngẫu nhiên khi bản đồ phát triển gần như trùng khớp một cách hoàn hảo với bản đồ những vùng nhiệt đới. Cuộc cách mạng nông nghiệp Anh đã diễn ra trong một vùng như thế, toàn bộ những kĩ thuật, loại cây trồng, công cụ, giống, súc vật, v.v. được cải thiện trong môi trường này không thể áp dụng được vào những vùng khí hậu khác, nếu không có những thích nghi cơ bản. Mặt khác, mật độ dân số trong rất nhiều vùng của thế giới thứ ba sau này cao hơn mật độ dân số ở châu Âu. Cuộc cách mạng xanh nổi tiếng vào đầu những năm 1960 về thực chất là một toan tính thích nghi cuộc cách mạng nông nghiệp Tây phương vào những điều kiện khí hậu của thế giới thứ ba.
Chủ nghĩa thực dân và việc phi công nghiệp hoá thế giới thứ ba
Trong cái được gọi là hệ thống thương mại thực dân (pacte colonial), nghĩa là toàn thể những qui định chi phối những quan hệ giữa các thuộc địa và các chính quốc trước thế kỉ XIX, sản xuất công nghiệp bị nghiêm cấm hay chỉ được dung thứ trong các thuộc địa. Trong hầu hết các trường hợp, những chính sách thương mại thuộc địa đều bỏ qua giới hạn này. Đơn giản vì nó... không còn tỏ ra cần thiết. Những tiến bộ của công nghệ Tây phương là quan trọng đến độ chỉ cần để các sản phẩm châu Âu xâm nhập không bị cản trở để cho nền công nghiệp địa phương sụp đổ trước hàng nhập. Xin báo là một thợ kéo sợi Anh những năm 1830 có thể sản xuất trung bình sợi, nhờ máy móc, năm lần nhiều hơn và thậm chí, đối với những sợi mỏng, 200-300 lần nhiều hơn một thợ thủ công Ấn Độ. Ví dụ, năm 1813 khi “East India Company” mất độc quyền thương mại -điều này trong thực tế là mở cửa thị trường cho hàng vải bông Anh- thì Ấn Độ vốn theo truyền thống là nước xuất khẩu hàng dệt may đã thấy nhập khẩu tăng một cách chóng mặt: 0,5 triệu thước Anh ngay năm 1814, 13 triệu năm 1819/21, 995 triệu năm 1869/71, 2.050 triệu năm 1890.
Trong những điều kiện như thế, có gì đáng ngạc nhiên trước sự biến mất nhanh chóng của nền công nghiệp Ấn Độ? Điều không chắc chắn trong lĩnh vực này nằm ở mức độ những cuộc tranh cãi của các chuyên gia. Vào khoảng 1870, nền công nghiệp này đã biến mất 100 % hay vẫn còn những thợ kéo sợi thủ công trong những vùng xa cách? Và nếu còn, một điều rất có thể, thì những người thợ này sản xuất cho 5 hay 10 % nhu cầu quốc gia? Sự không chắc chắn còn yếu hơn đối với khu vực quan trọng khác là công nghiệp luyện gang thép. Vào khoảng 1890 có còn hay không một năng lực sản xuất cung cấp 1 hay 5 % tiêu dùng nội địa?
Trong những vùng khác của châu Á, tiến hoá cũng rất gần với tiến hoá trên đây, ngoại trừ ở Trung Quốc, nơi mà nền công nghiệp địa phương đã cầm cự khá hơn, vì cơn tuyết lở chỉ bắt đầu sau này, vì còn một phần tự chủ nhất định do đất nước này quá rộng lớn. Nhưng cầm cự khá hơn hoàn toàn không có nghĩa là khu vực công nghiệp không thoái lùi, và không có một quá trình phi công nghiệp hoá. Trong trường hợp của Trung Quốc cuộc bàn luận của các chuyên gia xoay quanh con số 60 %. Ví dụ, vào khoảng 1890, công nghiệp dệt địa phương thoả mãn 50 hay 70 % nhu cầu? Quá trình phi công nghiệp hoá cũng rất rõ nét tại châu Mĩ la tinh khi nền độc lập vào đầu thế kỉ XIX đã cho phép sự phát triển của những khu vực chế tạo máy được tiến hành trong nhiều nước. Nhưng một sự phát triển phù du, một sự phát triển có được nhờ giành lại độc lập từ những mẫu quốc có những kĩ thuật ít tiên tiến hơn, cuối cùng cũng khuất phục trước cơn lốc của những sản phẩm Anh (xem phiếu số 5 Những toan tính công nghiệp hoá sớm của những nước ngoại vi không thuộc châu Âu).
6. Chủ nghĩa thực dân và phong trào độc lập: chậm phát triển và phát triển
Không có vấn đề nào nóng bỏng bằng vấn đề trách nhiệm của chủ nghĩa thực dân hôm qua trong sự chậm phát triển hiện nay của thế giới thứ ba. Một vấn đề cũng nóng bỏng và gây tranh cãi không kém là vấn đề những đóng góp của chủ nghĩa thực dân này vào sự phát triển của thế giới Tây phương. Chúng tôi sẽ không đề cập đến vấn đề chủ nghĩa thực dân trong khuôn khổ của thế giới tiền công nghiệp hoá, một thế giới trong đó chủ nghĩa thực dân Tây phương lúc bấy giờ là một trong những chủ nghĩa thực dân khác. Ở đây chúng tôi quan tâm đến những hệ quả của công cuộc thực dân hoá, kết quả trực tiếp của những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp. Hãy thử làm nổi bật những sự kiện.
Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tự do, hai đồng minh khách quan ngăn chặn công nghiệp hoá
Việc phi công nghiệp hoá thế giới thứ ba, như vừa được trình bày có thể được xem một cách chắc chắn là một trong những hệ quả của chủ nghĩa thực dân. Nhưng không của chỉ riêng chủ nghĩa thực dân thôi! Vì người ta thường có xu hướng quên đi một trong những đồng minh, chủ yếu là không tự nguyện nhưng khách quan, của chủ nghĩa thực dân này: chủ nghĩa tự do kinh tế. Vì như chúng tôi đã ghi nhận ở trên nếu quả thật rằng những biện pháp đặc biệt ngăn cấm sản xuất công nghiệp trong các thuộc địa là một ngoại lệ thì nguyên lí tự do lưu thông cho những sản phẩm công nghiệp của các chính quốc là đủ để ngăn chặn hoàn toàn chí ít thì cũng cản trở một cách nghiêm trọng mọi sự khởi động công nghiệp hoá hiện đại; nguyên lí tự do lưu thông này là quá đủ để loại trừ nền công nghiệp truyền thống mà, nếu không có nguyên lí này, đã tiếp tục cung cấp rộng rãi cho những nhu cầu địa phương. Tương tự như thế người ta quên những vấn đề công nghiệp hoá của những nước độc lập, đặc biệt là những nước châu Mĩ la tinh, vào thế kỉ XIX vốn là nạn nhân của giáo điều của chủ nghĩa tự do nhiều hơn là của nghĩa thuộc địa.
Những hệ quả khác của việc khai thác thuộc địa mà những thành tố tiêu cực lấn át hẳn những mặt tích cực: việc mở rộng diện tích trồng trọt phi lương thực để xuất khẩu và sự phát triển công nghiệp hầm mỏ. Việc mở rộng diện tích trồng trọt phi lương thực được thể hiện bằng việc chiếm đoạt đất của dân bản địa, xuất khẩu lợi nhuận và việc bỏ rơi việc trồng trọt lương thực. Việc xuất khẩu lợi nhuận còn quan trọng hơn nữa trong trường hợp công nghiệp hầm mỏ. Và do quặng và chất đốt chủ yếu được dành cho thị trường những nước phát triển nên việc khuyến khích công nghiệp hoá địa phương đã bị hạn chế. Tuy không thể liệt kê hết tất cả những hệ quả, cuối cùng có thể xem những bước đầu của sự bùng nổ dân số là hệ quả của những biện pháp vệ sinh của các cơ quan thuộc địa.
Chủ nghĩa thực dân và sự phát triển của Tây phương
Chủ nghĩa thực dân này, nhân tố hàng đầu của việc chậm phát triển của thế giới thứ ba há cũng chẳng phải là một nguyên nhân quan trọng của sự phát triển của Tây phương? Những lợi ích của cuộc khai thác thuộc địa cũng có quan trọng bằng những tác hại công cuộc này gây nên không? Một phân tích khách quan gợi ý rằng những lợi thế Tây phương rút ra từ cuộc phiêu lưu này là yếu và không thể so sánh được với những thiệt hại của nó. Một cách nghịch lí người ta có thể gần như kết luận, từ việc phân tích thực nghiệm vấn đề này, là thật sự không có lời trên bình diện kinh tế vĩ mô cho những nước có một đế quốc thuộc địa. Tất nhiên đây là một kết luận gây sốc cho rất nhiều người, vì lĩnh vực này đầy rẫy những ý tưởng sai lầm, vả lại không có cơ sở phân tích có giá trị.
Đối với hầu hết những người thiên tả thì cuộc khai thác thuộc địa phải có lợi cho Tây phương, cho dù đó chỉ vì điều này là tai hại cho thế giới thứ ba. Nhưng nền kinh tế không phải là một trò chơi có tổng bằng không: một bên đối tác có thể bị thua thiệt mà bên khác không được lời. Đối với hầu hết những người thiên hữu lợi nhuận là biện minh cho việc khai thác thuộc địa. Nhưng những lợi nhuận này chỉ do những nhóm xã hội giới hạn thực hiện và điều này không kéo theo một lợi ích cho toàn thể đất nước. Thật ra người ta hiếm khi và chỉ gần đây mới đặt vấn đề về ảnh hưởng kinh tế vĩ mô của công cuộc khai thác thuộc địa đến các chính quốc. Việc phân tích những dữ liệu sẵn có đưa đến hai kết luận gây bối rối.
1.   Như ta đã thấy, sự khởi động của cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh cũng như của hầu hết những nước Tây phương hầu như không được sự hỗ trợ của hiện tượng thực dân.
2.   Nếu ta quan sát nhịp độ tăng trưởng kinh tế của những nước châu Âu khác nhau vào thế kỉ XIX, thì ta thấy là những nước không có thuộc địa có sự phát triển nhanh nhất. Có một tương quan gần như là hoàn hảo trong lĩnh vực này.
Tất nhiên ở mức độ phân tích này ta không thể kết luận đơn giản từ tương quan này rằng chủ nghĩa tư bản là một tác vụ kinh tế tiêu cực đối với các chính quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn của những nước thuộc địa có thể, nếu đây là kết quả của nhân tố này, được giả thích bằng việc tập trung nỗ lực năng động cho công cuộc khai thác thuộc địa. Nhưng ta có thể, không ngại phạm sai lầm, cho rằng những lợi ích kinh tế là không quan trọng lắm, vì nếu không thì những lợi nhuận này có lẽ đã được thể hiện bằng một sự phát triển nhanh hơn, hay dù sao đi nữa là những lợi nhuận này đã không được thể hiện bằng một sự phát triển nhanh.
Độc lập: từ viện trợ đến đối đầu
Sự phụ thuộc thời thuộc địa là một nguyên nhân quan trọng của việc thiếu phát triển, và nhất là đã được công nhận như một nguyên nhân, nên những nhà có trách nhiệm của thế giới thứ ba cũng như những người ủng hộ họ ở Tây phương lẫn Đông phương chờ đợi sự khởi động không có vấn đề của những nền kinh tế một khi được giải phóng. Một ý kiến như thế cũng được những chuyên gia của Hội quốc liên phát biểu khi nghiên cứu về thời kì hậu chiến đã viết năm 1943 trong một báo cáo có tựa là Bước chuyển từ nền kinh tế chiến tranh sang nền kinh tế hoà bình: “Rất có thể là, sau cuộc chiến, do sự phát triển của những nền công nghiệp cơ khí và việc đơn giản hoá những qui trình sản xuất, sự phát triển công nghiệp của những vùng lạc hậu sẽ nhanh đến nỗi khiến cho việc thích nghi của những nước khác với sự cạnh tranh sẽ cực kì khó khăn và gian khổ”. Những hi vọng này về tăng trưởng còn được những điều kiện của thời kì ngay sau hết chiến tranh khơi mạnh lên khi cầu những sản phẩm nhiệt đới và nguyên vật liệu kéo theo gia tăng của giá những sản phẩm này. Do đó cán cân thương mại của thế giới thứ ba là thặng dư như đã từng thặng dư ít ra là vào đầu thế kỉ XX.   
Năm 1952, bắt đầu một thời kì sụt giảm ít nhiều mạnh mẽ và ít nhiều đều đặn của những giá xuất khẩu của thế giới thứ ba. Thời kì này kéo dài độ mười năm. Do sụt giảm này mạnh hơn sụt giá của những giá nhập khẩu nên kết quả là tỉ số mậu dịch xấu đi và sự hình thành một thâm hụt của cán cân thương mại. Thâm hụt này còn được những nhập khẩu mặt hàng công nghiệp nuôi dưỡng, vì việc công nghiệp hoá chờ đợi từ bấy lâu còn xa mới đáp ứng những hi vọng được đặt vào đó. Chính từ lúc này đã hình thành hệ thống “viện trợ” cho thế giới thứ ba. Để cân đối cán cân thương mại, nhằm cho phép các luồng trao đổi thương mại tiếp tục phát triển, phải cung cấp cho những nước thế giới thứ ba những phương tiện tài chính. Những phương tiện tài chính này, chủ yếu là những khoản vay có lãi, được gọi là viện trợ; điều này cho phép chỉ cho công chúng quan tâm đến những vấn đề của thế giới thứ ba là một điều gì đó đang được tiến hành để hỗ trợ thế giới này.
Ngoại thương và những quan hệ tài chính quốc tế là những khía cạnh dễ thấy nhất và cũng liên quan trực tiếp nhất đến thế giới phát triển, nên điều tự nhiên là cách đặt vấn đề phát triển thế giới kết tinh chung quanh những chủ đề này. Mặt trái của viện trợ được cung cấp dưới dạng những khoản cho vay tất nhiên là sự cần thiết phải hoàn trả những khoản vay này; và khi khó thực hiện được điều này thì ta thấy hình thành một gánh nợ quan trọng. Đối với thế giới thứ ba, gánh nặng này tăng nhanh chóng và nghĩa vụ nợ càng tăng nhanh hơn nữa (bảng 4).
Mặt khác, giáo điều của chủ nghĩa tự do cuối cùng được áp dụng vào thực tiễn trong hầu hết các nước Tây phương (ngoại lệ đáng kể là Nhật Bản), thương mại hiện ra như hướng tốt nhất của phát triển. Vào đầu những năm 1960 xuất hiện khẩu hiệu “Trade, but not Aid”, và, như mọi khẩu hiệu có vần, được hưởng ứng nhiệt liệt. Năm 1962 có quyết định tạo ra cơ quan đầu tiên của Liên hiệp quốc với mục đích rõ ràng là việc phát triển kinh tế của thế giới thứ ba thông qua việc điều hoà những quan hệ quốc tế. Đó là UNCTAD (Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển). Trong lĩnh vực này, các tổ chức quốc tế được bổ sung năm 1965 với việc thành lập UNDP (Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc); và vào năm 1967 là sự thành lập của ONUDI (Tổ chức Liên hiệp quốc về phát triển công nghiệp) để chỉ nói đến những tổ chức chính.
Có thể lấy năm 1971 làm năm khởi đầu cho việc gia tăng đối đầu giữa các nước phát triển và thế giới thứ ba. Đó là thoả ước Téheran (tháng hai 1971) đưa đến gia tăng hơn 50 % của giá dầu thô. Sự kết hợp những nhân tố kinh tế (đặc biệt gia tăng nhanh của sự phụ thuộc vào dầu lửa) và một nhân tố chính trị (cuộc chiến Kippour tại Trung Đông) dẫn đến, vào tháng mười 1973, sự thành lập của một cácten thật sự và nhất là năm 1974 khái niệm đối thoại Bắc-Nam được hai nước bên bờ Địa Trung Hải (Pháp và Angiêri) đề xuất, một biển mà từ mấy nghìn năm nay vừa là điểm kết nối vừa là vùng xung đột.
Từ đối đầu đến mất ảo tưởng
Cũng chính trong những năm đầu của thập niên 1970 đã bắt đầu diễn ra thời kì mất ảo tưởng đối với những chính sách phát triển. Việc mất ảo tưởng này diễn ra trong những phe, mà để đơn giản hoá cao độ, có thể gọi bằng phe “tư bản chủ nghĩa” và phe “xã hội chủ nghĩa”. Trong cả hai phe này có nhiều những thất bại và nửa thất bại và hiếm có những thành công. Thường là những chiến lược phát triển của hai phe gặp nhau. Ví dụ, như thế nước Angiêri “xã hội chủ nghĩa” và nước Brazil “tư bản chủ nghĩa” đều tiến hành một cuộc công nghiệp hoá vô độ với hi vọng là hội nhập quần chúng nông thôn trong sự phát triển một khi cuộc công nghiệp hoá thành công. Cuba xã hội chủ nghĩa do không thể tháo bỏ di sản thuộc địa của việc khai thác mía do dó tiếp tục, cùng với nhiều nước tư bản chủ nghĩa khác, phụ thuộc vào một sản phẩm thô để làm nguồn thu chủ yếu của xuất khẩu. Cái chết của Mao (tháng chín 1976) và nhất là việc loại trừ “bè lũ bốn tên” (tháng bảy 1977) đã đưa ra một hình ảnh ít tích cực hơn về thành công của hệ thống Trung Quốc. Tại Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam hay ở Cuba, chuyên gia có hiệu quả bắt đầu được chuộng hơn là nhà hệ tư tưởng được trang bị tốt cho cuộc đấu tranh chính trị nhưng thường không có hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế và đôi lúc còn là tác giả của những biện pháp ngăn cản sự phát triển. Trong bối cảnh này, việc gần như lựa chọn nền kinh tế thị trường do ê kíp mới của điện Kremlin chủ trương chắc chắn sẽ củng cố khuynh hướng này trong thế giới thứ ba. 
Trong những vùng khác của thế giới thứ ba người ta còn chuyển từ việc bác bỏ chính đáng những khía cạnh tiêu cực của những mô hình sống của những xã hội Tây phương tiên tiến sang việc phủ nhận đơn thuần việc phát triển và công nghệ. Một công nghệ bị gọi một cách sai lầm là công nghệ Tây phương. Sai lầm vì nếu hình thái và sự phát triển hiện nay của công nghệ chủ yếu là nhờ Tây Phương song công nghệ là di sản của toàn bộ những xã hội của loài người đã ít nhiều tham gia đóng góp. Nếu chắc chắn là phải tìm cách giữ lại những khía cạnh ít gây chấn thương nhất của công nghệ việc bác bỏ mọi phát triển công nghệ xuất phát từ việc hoàn toàn không biết đến những ràng buộc của những tình thế hiện nay của những xã hội thuộc thế giới thứ ba. Việc gia tăng không thể tránh được của dân số (trừ khi có một tai hoạ xảy ra hay một giải pháp kiểu Pol Pot) đòi hỏi một tăng trưởng kinh tế có khả năng ít ra là bằng với tăng trưởng của dân số. Thế mà để làm được việc này, chắc chắn rằng những kĩ thuật truyền thống là không đủ cho dù không nên coi nhẹ chúng.
Tương tự như thế, trong một thế giới những trao đổi quốc tế bị nền kinh tế thị trường chi phối, đừng quên một số “qui luật của thị trường”. Chính phải đặt sự thất bại của lần tăng giá dầu lửa lần thứ ba trong một bối cảnh như thế. Năm 1980 và 1981, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) quyết định tăng giá mạnh thùng dầu lên 34 $ (năm 1970 giá một thùng là 1,8 $, tức là 4,2 $ theo giá của 1981). Do nền kinh tế Tây phương đã từ từ thích nghi với những hệ quả của một giá dầu cao (trở về với những nhà máy than, biện pháp tiết kiệm, v.v.) nên những qui luật thị trường phát huy tác dụng trở lại. Và ngay từ 1983, giá của dầu lửa giảm, đôi lúc rớt xuống dưới 15 $, để rồi ổn định trong khoảng 18-21 $ vào đầu 1983 khi giá của thùng dầu là 34$, tác giả đã dự báo là giá sẽ ổn định chung quanh 18 $; Bairoch, 1983: 256). Và do khó nhanh chóng thụt lui trên những gì liên quan đến những sản phẩm tiêu dùng lương thực và công nghiệp, nhiều nước dầu lửa đã bổ sung tên mình vào danh sách vốn đã dài của những nước mang nợ.
7. Thất bại và thành công của sự phát triển của thế giới thứ ba theo nền kinh tế thị trường từ 1850 đến nay
Trong những trang tiếp đây chúng tôi sẽ tập trung vào điều được gọi một cách qui ước là thế giới thứ ba có nền kinh tế thị trường. Một cách gọi ngày càng ít phù hợp nhưng được cái tiện là theo một xếp loại được các tổ chức quốc tế sử dụng (do đó dễ dàng có số liệu thống kê) và không có tính đến Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên, những nước mà dữ liệu thống kê còn ít đáng tin cậy hơn những số liệu liên quan đến phần còn lại của thế giới thứ ba.
Thường dễ có những chỉ báo về những thành công hơn là thất bại. Ví dụ những dữ liệu về các khu ổ chuột là khá thiếu sót và nói gì đến những lãng phí công nghiệp hay hạ tầng cơ sở và làm cách nào đo những cuộc huỷ diệt những nền văn hoá bản địa?
Ta gặp những thất bại và thành công trong hầu hết mỗi một khu vực và thường là hai mặt của cùng một diễn tiến. Hãy bắt đầu bằng dân số (bảng 4). Chỉ trong vòng 4 thập niên, kéo tỉ lệ tử vong của trẻ em từ 180 trên một ngàn trẻ ra đời xuống còn 80 chắc chắn là một thành công. Nhưng chính ngay tính nhanh chóng này cũng có mặt trái: mức sinh sản đã không kịp thích nghi và từ đó lạm phát dân số đã tăng tốc và là một trong những chướng ngại quan trọng nhất cho sự phát triển. Một khu vực hàng đầu khác: trong nông nghiệp ta gặp lại sự phân đôi này. Từ 1950 đến 1990, mặc dù số miệng ăn đã nhân lên gấp 2,6 số calori tiêu dùng trên mỗi đầu người đã tăng 15-20 % (cũng như số protein tiêu dùng cũng đã tăng). Nhưng có được điều này là nhờ có gia tăng của nhập khẩu lương thực từ phương Tây về. Đó không chỉ là ngũ cốc (bảng 4), mà cả thịt, sữa và ngay cả chất dầu. Và gia tăng này của nhập khẩu đi cùng với việc giảm xuất khẩu một số sản phẩm không phải là lương thực. Vì thế, trong lúc theo truyền thống (hay ít ra là từ đầu thế kỉ XIX), thế giới thứ ba (trừ Achentina) xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới những sản phẩm nông nghiệp hai lần nhiều hơn là nhập khẩu về những sản phẩm này thì đến khoảng 1970 con số này chỉ còn là 75 %. Và kể từ 1981, lần đầu tiên thế giới thứ ba bị thâm hụt trong thương mại những sản phẩm nông nghiệp, và từ đấy đến nay thâm hụt này vẫn được duy trì.
Bảng 4: Một vài chỉ báo phát triển của thế giới thứ ba có nền kinh tế thị trường, 1913-1990

1913
1929
1950
1970
1980
1990a
Nhân tố con người
   Dân số (triệu)
   Tỉ suất tăng trưởng hàng nămb
   Mức sinh
   Kì vọng sống lúc ra đời (nam)
   Chết sơ sinh (trên một ngàn trẻ ra đời)
   Tỉ suất đô thị hoá  
   Số đô thị hơn có một triệu dân
   Tỉ suất mù chữ (trên dân số trên 15 tuổi)
   Số sinh viên đại học (triệu)
Nông nghiệpd
   Sản xuất nông nghiệp (1958/62 = 100)
   Mức hiệu suấte
   Kết số mậu dịch ngũ cốcf
Công nghiệp
   Sản xuất hầm mỏ (1959/61 = 100)
   Sản xuất công nghiệp (1959/61 = 100) g
   Mức công nghiệp hoá trên đầu người
Dữ liệu kinh tế vĩ mô
   GDP trên đầu người ($ và giá US 1960)
% của GDP trên đầu người của các nước phát triển
   Xuất khẩu (tỉ $)
   Nợ công cộng (tỉ $)
   Nghĩa vụ nợ (tỉ $)

690
0,6c
-
-
220
11
2
80
-

49
5,9
+ 2

11
19
2,2


190
30
4
-
-

796
0,9
-
-
210
13
8
78
-

64
5,8
+ 3

24
24
2,6


200
 27
8
-
-

1.080
1,4
6,0
40
181
18
20
74
1,1

74
5,0
- 4

57
48
4,0


220
 26
19
-
-

1.746
2,4
5,8
48
125
26
52
52
7,0

131
6,5
- 27

254
186
9,6


310
14
57
62
5

2.228
2,5
5,1
51
104
32
77
46
16,1

167
6,9
- 63

289
353
13,8


365
12
563
441
48

2.822
2,4
4,1
55
83
37
90
37
29,0

215
7,4
- 80

290
617
19,1


405
11
68
1.100
100
___________________
a Dữ liệu ban đầu, một phần là dự phóng
b So với thời điểm trước
c Từ 1880 đến 1913
d Những dữ liệu nông nghiệp là những trung bình hàng năm trên năm năm
e Triệu calori trực tiếp cho một nam hoạt động nông nghiệp
f Triệu tấn; trừ Achentina
g 100 = mức của Anh năm 1900
Ghi chú: kết quả làm tròn thấp của những con số không kéo theo một độ sai lầm tương ứng
Nguồn: xem bảng 1
Một thành công không thể chối cãi khác là giáo dục. Tỉ lệ học trung học hiện nay của thế giới thứ ba bằng với tỉ lệ này của châu Âu vào giữa những năm 1950; và tỉ lệ học đại học bằng với tỉ lệ này của châu Âu trong những năm 1960. Nhưng, chưa vội nói đến những vấn đề không thích hợp của nội dung đào tạo thì việc nâng cao nhanh chóng trình độ giáo dục đã tạo một cách biệt giữa những người lớn tuổi và người trẻ, và đây là một nhân tố mạnh của sự di dân từ nông thôn lên thành thị và do đó của sự đô thị hoá. Thế mà lạm phát đô thị đã trở thành một trong những thành tố quan trọng của những khó khăn của việc phát triển. Trong lúc thành phố tại Tây phương vào thế kỉ XIX là một nhân tố của sự phát triển.
Không thể chối cãi là công nghiệp hoá đã có những tiến bộ nhanh. Khối lượng sản xuất trên đầu người của nền công nghiệp chế tạo máy đã được nhân bốn rưỡi từ 1950 đến 1990. Đây là một nhịp độ cao hơn gấp ba lần nhịp độ ghi nhận được tại châu Âu vào thế kỉ XIX. Chiếc huy chương này cũng có mặt trái của nó ít nhất là trên ba mặt. Công nghiệp hoá đã tập trung vào một số ít nước, trong đó nổi lên những nước rất nhỏ. “Bốn con rồng” (Hồng Kông, Hàn quốc, Đài Loan và Singapore) -mà dân số không bằng 3 % dân số của thế giới thứ ba- ngay từ 1985 cung cấp khoảng 20 % sản xuất công nghiệp của thế giới thứ ba và 50 % những xuất khẩu sản phẩm công nghiệp. Trong phần còn lại của thế giới thứ ba, phần lớn sản xuất công nghiệp tập trung vào những khu vực truyền thống. Có đầy rẫy những trường hợp đầu tư không được quan niệm tốt. Tầm quan trọng tương đối lớn hơn của những công ti đa quốc gia thường được nêu như một khía cạnh tiêu cực của sự công nghiệp hoá của thế giới thứ ba. Việc khái quát hoá này là lạm dụng vì tác động của những công ti này thường là tích cực.    
Trong lúc có nhiều khả năng là mức sống trung bình của thế giới thứ ba vào khoảng năm 1950 không vượt quá 10-15 % mức sống trung bình của năm 1910 thì bước phát triển đã là khoảng 85 % từ 1950 đến 1990. Nhưng đây cũng có thể có hai bóng đen trên bức tranh. Thập niên cuối có nhiều bất lợi. Và trong suốt thời kì này, tăng trưởng của thế giới phát triển là cao hơn; điều này khiến cho khoảng cách giữa hai thế giới này càng rộng ra, chuyển từ 1 đến 4,7 vào khoảng năm 1950 lên từ 1 đến 9,5 vào khoảng năm 1990.
Trước khi kết thúc bức tranh, trong đó bóng tối nhiều hơn ánh sáng, phải nêu vấn đề tỉ số mậu dịch và vấn đề nhức nhối của nợ. Cho dù luận điểm sự tồi tệ kinh niên của những tỉ số mậu dịch nay đã bị bỏ rơi (xem phiếu số 6 Những tỉ số mậu dịch của thế giới thứ ba), nhưng điều vẫn đúng là từ năm 1952 đến năm 1962, cũng như kể từ năm 1981 đó là trường hợp của hầu hết các nước thứ ba, tức những nước không xuất khẩu dầu lửa. Nợ công cộng nước ngoài của thế giới thứ ba vốn nhỏ hơn 10 tỉ đô la năm 1955, vượt quá 60 tỉ năm 1970 để rồi vượt qua ngưỡng 500 tỉ năm 1982 và ngưỡng 900 tỉ năm 1987. Với gia tăng của lãi suất, nghĩa vụ của khoản nợ này càng tăng nhanh và hút một phần ngày càng tăng những thu nhập từ xuất khẩu, đặc biệt là của những nước không xuất khẩu dầu lửa: 3 % vào khoảng năm 1955 và 22 % vào khoảng năm 1980.
Tất nhiên, vượt lên trên và xuyên qua những thành công và thất bại trong từng lĩnh vực, còn có tính cực kì đa dạng của các tình thế của vô số những thực thể chính trị hợp thành thế giới thứ ba. Chỉ dành, dù chỉ 10 dòng cho mỗi nước, sẽ phải tốn đến năm mươi trang vì có đến 140 nước trong thế giới thứ ba, từ Trung Quốc với hơn một tỉ người đến những thành viên của Liên hiệp quốc, như Barbade hay Belize hay Sao Tomé mà dân số không đến 300.000 người. Tuy nhiên, cho một vài chỉ báo, chúng tôi cũng muốn trình bày những khu vực ở cấp độ các lục địa (bảng số 5).
Bảng 5: Một vài chỉ báo phát triển của những vùng thuộc thế giới thứ ba có nền kinh tế thị trường, 1950-1990

1950
1970
1980
1990a
Dân số (triệu)
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á
GDP trên đầu người ($ và giá US 1960)
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á
Mức chết của trẻ em (trên nghìn trẻ em ra đời)
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á
Tỉ lệ mù chữ (dân số hơn 15 tuổi) 
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á
Tỉ lệ đô thị hoá
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á
Năng suất nông nghiệpb
   Châu Phi
   Châu Mĩ la tinh
   Châu Á

209
164
703


200
132
189


200
132
189


85
42
78

10
40
15

6,3
12,0
4,0

338
283
1.121


270
620
240


150
85
126


82
34
67

20
56
21

4,6
14,2
4,2

451
361
1.411


280
780
300


280
780
300


62
20
48

26
65
27

4,5
18,9
5,0

608
446
1.762


270
800
340


98
53
86


51
15
38

33
70
31

4,4
20,6
5,7
___________________
a Dữ liệu ban đầu, một phần là dự phóng
b Triệu calori trực tiếp cho mỗi người nam hoạt động nông nghiệp (trung bình hàng năm trên năm năm)
Ghi chú: kết quả làm tròn thấp của những con số không kéo theo một độ sai lầm tương ứng
Nguồn: xem bảng 1
Thế còn tương lai của phát triển?
Ta gặp lại tính đa dạng này, mặc dù ít đậm nét hơn, trong nội bộ của thế giới phát triển. Điều này, cùng với những đảo lộn có thể của những thái độ và chế độ chính trị, với những hệ quả không thể dự đoán được của những công nghệ mới, với những rủi ro môi trường làm cho không thể vạch ra những hình thái tương lai của phát triển. Tất cả những kịch bản của khoa học viễn tưởng là có thể, từ cơn ác mộng của sự sụp đổ những nền văn minh hay về một thế giới đóng kín thành hai xã hội với một cách biệt khổng lồ về mức sống tới những hình thái thiên đàng cuộc sống thoát khỏi mọi ràng buộc kinh tế (kể cả những công việc gia đình) nhờ những người máy có hiệu quả, dễ thương và có sẵn trong cả thế giới.
Thuật ngữ then chốt:
-          Cách mạng công nghiệp
-          Chậm phát triển
-          Chủ nghĩa thực dân
-          Chủ nghĩa tự do
-          Công nghiệp hoá
-          Độc lập
-          Đối đầu
-          Phát triển
-          Phi công nghiệp hoá
-          Thất nghiệp
-          Thế giới thứ ba
_____________________
Phiếu số 1: Lịch sử thuật ngữ phát triển (Paul Bairoch)
Paul Bairoch (1930-1999)
Trong tiếng Pháp thuật ngữ “phát triển” trong nghĩa kinh tế của từ này, mới có rất gần đây. Nó còn hoàn toàn vắng mặt trong Từ điển khoa học kinh tế xuất bản năm 1956 và 1958 dưới sự chủ biên của Jean Romeuf. Chỉ vào cuối những năm 1960 thuật ngữ mới bắt đầu xuất hiện trong một vài công trình riêng lẻ và sự phổ biến của thuật ngữ này rất trực tiếp và rõ ràng gắn với hiện tượng chậm phát triển. Như vậy FranVois Perroux -có vẻ là là một trong những người đầu tiên sử dụng và làm rõ nghĩa của thuật ngữ này- bắt đầu chương II của Nền kinh tế của thế kỉ XX (1961) có tựa là “Khái niệm phát triển” bằng câu sau đây: “Vài năm sau thế chiến thứ hai những thuật ngữ về sự chậm phát triển đã đột nhập vào ngôn ngữ của các chuyên gia và trong công chúng”. Bản thân ông cũng sử dụng nó ngay từ 1968 trong tác phẩm Cuộc sống chung hoà bình; và nếu thuật ngữ xuất hiện lẻ tẻ năm 1956 trong một tiểu luận về “sự phát triển” thì tiểu luận này lại có tựa là Lí thuyết tổng quát về sự tiến bộ kinh tế (Cahiers de l’ISEA, n0 47).
Cuối cùng, có thể kết luận là thuật ngữ này, được khai sinh vào cuối những năm 1950, chỉ thật sự được lan truyền vào cuối những năm 1970. Như vậy, nếu thuật ngữ “phát triển” có trong Từ điển khoa học kinh tế của Alain Cotta (1968) và Từ điển nhỏ về kinh tế học của Rosemonde Poujol (1968) và trong Từ vựng kinh tế của Gilbert Mathieu (1970) thì ngược lại nó vẫn còn vắng mặt trong Từ điển kinh tế và tài chính của Y, Bernard, J. C. Colli và D. Lewandowsky (1975) cũng như không có trong Thuật ngữ kinh tế tổng quát của A. Chaineau (1979). Vả lại những nhà làm từ điển chỉ mới rất gần đây mới đưa nó vào và giữ lại ý mối liên hệ với sự chậm phát triển: như vậy từ điển Robert chỉ hàm ý đến thành ngữ “nước, vùng đang phát triển (dạng được Liên hiệp quốc sử dụng)”.
Tính chất quá mới này không loại trừ những trường hợp riêng biệt trong dó thuật ngữ được sử dụng rất sớm. Như thế trong bản dịch ra tiếng Pháp của tác phẩm cổ điển của Gustav Schmoller (Những nguyên lí kinh tế chính trị học), chương kết luận của quyển 5 có tựa là “Những lí thuyết phát triển kinh tế”. Tương tự như thế ta gặp lại thuật ngữ này trong một vài công trình mácxít.   
Trong thế giới anglo-saxon thuật ngữ “phát triển” trong nghĩa kinh tế xuất hiện sớm hơn nhiều nhưng chỉ trở thành thật sự phổ biến trong những năm 1950. Còn trong kinh tế học cổ điển thuật ngữ chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong những năm 1930, đặc biệt là nhờ tác phẩm của Joseph Schumpeter mà tựa tiếng Anh The Theory of Economic Development là bản dịch từ nguyên tác bằng tiếng Đức xuất bản năm 1911. Ta ghi nhận rằng bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm này dùng thuật ngữ “tiến hoá kinh tế”. Tuy nhiên cần ghi nhận là chúng tôi đã tìm thấy thuật ngữ này ngay từ năm 1909 khi Quốc hội Anh lập nên một “Development Commision” nhằm “khuyến khích sự phát triển kinh tế của Vương quốc Anh”.    
Dù sao đi nữa, trào lưu mácxít sử dụng thuật ngữ này rất sớm và có lẽ là ở cội nguồn của việc sử dụng nó trong tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên ra tiếng Anh của bộ Tư bản xuất bản năm 1887 sử dụng thuật ngữ này để qui chiếu về “những giai đoạn lịch sử của các phương thức sản xuất”. Mặt khác một vài nhà sử học của đế quốc Anh sử dụng thuật ngữ “development” trong những năm 1920, nhưng với một nội dung khác. Qua đấy họ theo truyền thống một số bài viết của các thành viên trong Liên hiệp Anh sử dụng thuật ngữ này trong một nghĩa hẹp hơn: việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, ngay cả trong tiếng Anh, việc chấp nhận thật sự thuật ngữ đến trễ hơn nhiều và gắn liền (như trong tiếng Pháp) với việc ý thức những vấn đề của sự chậm phát triển. Như thế, ví dụ, thuật ngữ “economic development” chỉ xuất hiện lần đầu trong bảng tra cứu của bộ bách khoa Britanica vào năm 1959 trong một bài viết về Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển (Ngân hàng thế giới). Vả lại thuật ngữ không có trong bản in năm 1965 của Everyman’s Dictionary of Economics lẫn trong A New Dictionary of Economics của Phillips, A. S. Taylor (1966) cũng như không có trong lần tái bản thứ hai của The McGraw-Hill Dictionary of Modern Economics (1973). Và thiếu sót này càng trầm trọng hơn trong những từ điển tổng quát.
__________________
Phiếu số 2: Những lí thuyết về phát triển (Bouda Etemad)
Bouda Etemad (1949-)
Walt W. Rostow (1916-2003)
Kể từ đầu những năm 1950, ba trường phái tư tưởng lớn đã hình thành nên những lí thuyết đối lập nhau về “phát triển” và “chậm phát triển”.
Trường phái tân cổ điển
Các nhà kinh tế tự do là những tác giả đầu tiên xây dựng những luận điểm về phát triển. Theo họ sự chậm phát triển chỉ là việc trễ tàu. Nói cách khác các nước chậm phát triển ở vào một giai đoạn trước của diễn tiến mà các nước phát triển hiện nay đã từng trải qua. Quan điểm này đã được W. W. Rostow trình bày trong lí thuyết nổi tiếng về những giai đoạn của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên sự chậm tiến này không được giải thích, nhưng chỉ đơn giản được mô tả bằng một loạt những tiêu chí và chỉ báo dân số, kinh tế hay xã hội. Theo các nhà tân cổ điển những nước “đi chậm” có thể thành công trong bước chuyển sang phát triển bằng việc hội nhập mạnh mẽ nền kinh tế của mình vào thị trường thế giới. Thật vậy, thể theo lí thuyết được gọi là tăng trưởng chuyển tải, bằng cách chuyên môn hoá trong những sản phẩm mình có được một lợi thế so sánh, các nước chậm phát triển sẽ có được với giá rẻ những sản phẩm trang thiết bị họ cần dùng. Nhất là khi những tỉ số mậu dịch được giả định là tiến hoá có lợi cho họ. Cùng lúc, những luồng vốn đổ vào những nước có lương thấp sẽ làm nổi lên những cơ hội thu lợi nhuận lớn, và qua đó khởi động một quá trình tích luỹ nội bộ.
Một cách cụ thể, những phân tích như thế dẫn đến những chính sách tự do kinh doanh trong chừng mực thị trường được xem là thực hiện một phân bổ những nguồn lực đảm bảo việc chuyển tải tăng trưởng một cách tự phát. Cần ghi nhận là ngày nay ta chứng kiến sự hồi sinh của những luận điểm tân cổ điển, đặc biệt là sau sự thất bại gần đây trong thế giới thứ ba của nhiều kinh nghiệm về chính sách kinh tế chỉ huy. Cuộc đổi mới này dựa nhiều vào những công trình trong những năm 1970 của M. Friedman và của trường phái Chicago.
Trào lưu “phát triển”
Albert Hirschman (1915-2012)
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Trào lưu này, cũng ra đời trong những năm 1950, được hình thành xung quanh những nhân vật đến từ nhiều chân trời khác nhau (R. Prebisch, F. Perroux, G. Myrdal, A. O. Hirschman). Trào lưu này đề xuất một cách tiếp cận khác về vấn đề chậm phát triển mà đặc trưng được thừa nhận. Việc chậm phát triển không phải là một giai đoạn của một tiến hoá tuyến tính, nhưng là sản phẩm độc đáo của một lịch sử đặc thù được đặc trưng bằng hai nét: tính nhị nguyên và sự phụ thuộc. Tính nhị nguyên của những nền kinh tế chậm phát triển qui chiếu về việc tách biệt giữa một khu vực truyền thống có thất nghiệp và đình đốn và một khu vực hiện đại hướng ngoại có tăng trưởng cao. Ngoài tính không đối xứng, không ăn khớp của nền kinh tế, những nước chậm phát triển còn chịu những tỉ số mậu dịch tồi tệ một cách kinh niên (luận điểm của R. Prebisch và H. Singer). Nếu các cuộc trao đổi tiến hành gây thiệt thòi cho các nước thứ ba đó là vì do những nước này phụ thuộc vào những nước công nghiệp hoá và đặc biệt vào những công ti đa quốc gia thống trị khu vực hiện đại của nền kinh tế của những nước này.
Hans Singer (1910-2006)
Raúl Prebisch (1901-1986)
Để phá vỡ “vòng luẩn quẩn của nghèo đói” phải có những thay đổi cấu trúc mà chỉ có những chiến lược phát triển mới áp đặt được (A. O. Hirschman). Nhà nước phải thực thi những chiến lược này với mục tiêu thiết lập một sự “phát triển tự lấy mình làm trung tâm”. Ta thấy là đối với các nhà “phát triển”, bằng kế hoạch hoá (đầu tư công cộng vào trang thiết bị và vào công nghiệp) có thể trung lập hoá những ảnh hưởng tai hại của thị trường thế giới.
Những luận điển “tân mácxít” và “thế giới thứ ba”
Chủ nghĩa cải lương của trường phái “phát triển” sẽ bị một số thành viên của trường phái này bác bỏ để thế bằng những giải pháp triệt để hơn. Đối với những tác giả này, sẽ là ảo tưởng khi chờ đợi những kết quả có ý nghĩa từ những chiến lược dàn xếp: vấn đề là chính ngay logic của hệ thống thống trị. Do đó điều tiên quyết cho mọi sự “phát triển” là sự đoạn tuyệt với logic của chủ nghĩa tư bản và với thị trường thế giới.
A. G. Frank (1929-2005)
Đối lập với khái niệm nhị nguyên khoanh vùng sự tồn tại đồng thời của một khu vực truyền thống với một khu vực hiện đại, quan điểm cấp tiến ưu tiên cho cách mà khu vực sau tăng trưởng gây thiệt thòi cho khu vực đầu, nói cách khác là cách tiến hành việc “nối khớp giữa những phương thức sản xuất”. Vả lại ở đây sự phụ thuộc được cảm nhận như là nhân tố duy trì và thậm chí mở rộng sự chậm phát triển (A. G. Frank). Cuối cùng “trao đổi bất bình đăng” (A. Emmanuel và việc chuyển nhượng thặng dư từ các nước ngoại vi vào trung tâm (S. Amin)) nằm ở trung tâm của phân tích của trào lưu trọng thế giới thứ ba cấp tiến của những năm 1960 và 1970. Do kiểu quan hệ này chỉ có thể kéo theo việc kìm hãm tăng trưởng nên các tác giả này tin tưởng là lối thoát duy nhất cho việc chậm phát triển là sự đoạn tuyệt với thị trường thế giới, điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc xác lập thành một “động thái nội bộ”.
Đến lượt những luận điểm này bị phê phán, đặc biệt là trên hai điểm. Giả định rằng, như chủ trương của những nhà “độc lập”, sự giàu có của Tây phương dựa trên sự nghèo đi của thế giới thứ ba là coi nhẹ tầm quan trọng của những mâu thuẫn trong nội bộ những xã hội bị thống trị. Mặt khác chiến lược đoạn tuyệt với logic của chủ nghĩa tư bản có thể dẫn đến và đã dẫn đến những thực tiễn tai hại của những chế độ chuyên chế tự phong là xã hội chủ nghĩa.
Những xu hướng hiện nay
Trước thất bại của hầu hết những chiến lược phát triển được chủ trương trong những năm 1950, trước thảm hoạ của châu Phi và những tình hình nghiệm trọng ở những nơi khác trong thế giới thứ ba, ngày nay một hướng suy nghĩ mới đã được phác hoạ, đặc biệt lấy cảm hứng từ những công trình của I. Sachs và của R. Dumont, cũng như từ những thử nghiệm trên thực địa. Hướng này dứt khoát quay lưng lại với những phân tích tổng quát để ưu tiên cho việc tìm kiếm những chiến lược thích hợp với những tình thế đặc thù của từng vùng. Trong cách nhìn này, việc lựa chọn kiểu phát triển và những công nghệ có xu hướng được tiến hành với sự tham gia của dân chúng có liên quan, đặc biệt là với nông dân.
__________________
Phiếu số 3: Những khía cạnh chính trị quân sự của phát triển kinh tế (Gary Goertz)
Gary Goertz (1953-)
Ngay từ đầu ở đây cần phân biệt khái niệm phát triển kinh tế với khái niệm phát triển chính trị. Khái niệm sau qui chiếu về những chính phủ ổn định với việc chuyển giao quyền lực trong trật tự.
Tác động của Nhà nước trên sự phát triển kinh tế có hai khía cạnh quan trọng. Khía cạnh thứ nhất liên quan đến vai trò của Nhà nước trong việc khuyến khích tăng trưởng. Cách đặt vấn đề thứ nhất được phát biểu ở đây bằng những khái niệm hiệu quả: Nhà nước phải làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng? Nhìn dưới góc độ này, ta có thể xếp các chính sách thương mại và thuế quan, đầu tư công nghiệp (Nhà nước có nên tự sản xuất lấy hay không?), những chính sách tiền tệ, v.v..
Khía cạnh thứ hai, chính trị hơn, không chỉ xem Nhà nước như là đại diện của “đất nước” mà còn như một tổ chức có những mục tiêu và ưu tiên riêng. Ở đây cũng cần phải phân biệt bình diện quốc gia và bình diện quốc tế. Về đối ngoại, Nhà nước phản ứng một cách tương tác theo những cách khác nhau với những nhà nước và tác nhân khác của hệ thống quốc tế, đặc biệt là trên bình diện quân sự. Để tự bảo vệ, Nhà nước phải có phương tiện và những phương tiện này chủ yếu có tính kinh tế và công nghiệp. Như thế Nhà nước quan tâm lớn đến chiến lược kinh tế và công nghiệp. Cần nói thêm là mối quan tâm này không gắn liền với mong muốn làm tăng phúc lợi của công dân và có thể dẫn đến một kết quả ngược lại. Trong lịch sử, ý tưởng Welfare State (Nhà nước phúc lợi) là khá mới, cũng như hệ quả của nó là Nhà nước phải quan tâm đến phúc lợi chung của những công dân của mình. Trong nhiều trường hợp, động cơ đầu tiên để công nghiệp hoá có tính quân sự. Hãy nghĩ đến Nhật Bản, thậm chí đến đế chế Thổ Nhĩ Kì vốn rất quan tâm đến những nền công nghiệp có những ứng dụng quân sự trực tiếp.
Trên bình diện quốc gia, cần xem xét cuộc đấu tranh của những nhóm khác nhau nhằm kiểm soát Nhà nước. Một trong những kết quả của cuộc nội chiến Mĩ là thắng lợi của vùng Bắc công nghiệp trên vùng Nam nông nghiệp, về mặt chính sách kinh tế. Đối với các nhà mácxít, Nhà nước “phục vụ cho giai cấp thống trị”, nghĩa là cho một số quyền lợi kinh tế nắm chính quyền. Theo một số kiến giải về cuộc cách mạng Pháp thì đây là một việc chuyển giao quyền lực giữa giới quý tộc địa chủ cho giai cấp tư sản mới, năng động hơn, đấy là chưa nói đến những hệ quả của việc phân phối lại đất đai giữa nông dân. Do đó tuỳ ai nắm quyền lực thì phát triển kinh tế có thể được tăng tốc hoặc bị chặn lại.
Như đã nêu, sức mạnh quân sự của một đất nước chủ yếu phụ thuộc vào mức độ phát triển của nước đó. Nhưng, ngược lại, những cuộc xung đột quốc gia và quốc tế có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của một nước.
Đó với những Nhà nước lớn, ảnh hưởng kinh tế và quân sự có xu hướng đi cùng nhau. Suy tàn kinh tế, tương đối hay tuyệt đối, thường đi kèm với những thất bại quân sự. Chỉ cần xem Hà Lan vào cuối thể kỉ XVII, nước Pháp sau những cuộc chiến của Napoléon, hay Anh và Đức sau thế chiến thứ hai. Do đó tiến hoá kinh tế, dù là tích cực hay tiêu cực, có những hệ quả quân sự. Suy tàn của đế chế Thổ Nhĩ Kì là điểm khởi đầu của nhiều cuộc xung đột, cũng như sự hưng thịnh của Đức.
Những nước nhỏ, tuỳ theo vị thế, có thể hưởng lợi hay là nạn nhân của những cuộc xung đột lớn vùng hay thế giới. Các nước châu Mĩ la tinh đã có một tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian hai cuộc thế chiến, khi mối quan tâm của Hoa Kì tập trung vào những vùng khác. Ngược lại Bỉ là giao điểm của những quân đội của những cường quốc châu Âu. Tây Âu, Nhật và nhiều nước khác đã hưởng lợi về mặt kinh tế trong thời kì chiến tranh lạnh, khi Hoa Kì buộc phải có những nhượng bộ kinh tế vì những lí do chính trị-quân sự.
Nhiều vùng của thế giới, đặc biệt là châu Á và châu Phi, đã phải trả giá cho những cạnh tranh và tham vọng của châu Âu. Cuộc khai thác thuộc địa đã luôn có tác động thật sự tiêu cực đến những nền kinh tế địa phương. Như thế thành công của Nhật một phần là nhờ vào khả năng của nước này đứng độc lập trong thời kì này, tương phản với việc Trung Quốc mất chủ quyền.
Những mục tiêu chính trị cũng ảnh hưởng lớn đến hành vi kinh tế của các Nhà nước. Bá quyền của Hoa Kì sau thế chiến thứ hai đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của một tổ hợp quân sự-công nghiệp, trong lúc Nhật và Tây Âu đầu tư nỗ lực vào những lĩnh vực khác. Như vậy nhiều cường quốc vùng như Brazil và Ấn Độ đã tập trung vào việc phát triển công nghiệp vũ khí và đã trở thành những nhà xuất khẩu vũ khí lớn. Có thể so sánh những cường quốc này với những Nhà nước nhỏ như Đài Loan, Hong Kong, v.v. đã phát triển bằng cách sản xuất hàng dệt may, hàng điện tử giá rẻ và những sản phẩm tiêu dùng khác cho thị trường của những nước phát triển.
Trên bình diện quốc gia, hiển nhiên là những cuộc nội chiến làm phá sản đời sống kinh tế, tiêu hủy nhà máy và định hướng nỗ lực con người từ việc sản xuất sang việc tiêu huỷ. Cũng như thế, ổn định trong nước là một điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế, sự bất ổn khiến cho không thể có được kế hoạch hoá dài hạn và đầu tư. Achentina vào đầu thế kỉ này là một nước giàu, có tiềm lực để phát triển, nhưng sự bất ổn chính trị liên tục trong nhiều thập niên chắn chắn đã ngăn cản việc thực hiện tiềm năng kinh tế này. Thường thì những nền độc tài quân phiệt đã không có khả năng khơi dậy tăng trưởng kinh tế, như những biến cố mới đây ở châu Mĩ la tinh đã chứng minh, một phần vì sự thống trị của họ bị một bộ phận quan trọng của dân chúng chống đối.
Những khía cạnh chính trị-quân sự đi từ chiến tranh toàn diện đến những cuộc cạnh tranh giữa các đảng phái trong thời kì bầu cử. Mặc dù có đợt sóng tân tự do gắn với tên của Reagan và Thatcher những khía cạnh chính trị của sự phát triển kinh tế vẫn còn là then chốt và có khả năng sẽ được khuếch đại hơn nữa khi tính đến tầm quan trọng ngày càng tăng của những định chế quốc tế như GATT, IMF và EEC.
________________
Phiếu số 4: Bất bình đẳng về mức sống của những xã hội khác nhau trước cuộc cách mạng công nghiệp (Paul Bairoch)
Cách tiếp cận ít tuỳ tiện nhất, nhưng không hoàn toàn thoả đáng, để đo những bất bình đẳng trong những mức sống của thời kì này là tính những mức tổng sản phẩm hay thu nhập trên đầu người. Người đầu tiên đã thử làm điều nguy hiểm này có lẽ là Colin Clark khi ngay từ lần xuất bản đầu tiên (1940) của tác phẩm cơ bản The Conditions of Economic Progress, đã tiến hành một vài so sánh hồi cố.
Sau thế chiến, những tính toán của hệ thống tài khoản quốc gia nhanh chóng phát triển, kể cả những tính toán hồi cố. Do đó có những quyến rũ chính đáng xác lập những so sánh hồi cố: điều này đặc biệt được Simon Kuznets tiến hành năm 1966[2] và David Landes năm 1969[3]. Những ước lượng này cho được một mức sống hơi cao hơn (khoảng 150 %) của những nước phát triển trong tương lai so với thế giới thứ ba trong tương lai vào đêm trước cuộc cách mạng công nghiệp. Những ước lượng này bị chệch do không sửa sai những khác biệt về sức mua ở các địa phương của những đồng tiền liên quan đến những mức sống hiện nay, những mức từ đó những số liệu trước cuộc cách mạng công nghiệp được ngoại suy.
Về phần chúng tôi[4], chúng tôi đã thử đề cập vấn đề này bằng cách vận dụng sáu cách tiếp cận khác nhau. Nếu trong bước đầu, ta tự giới hạn vào những khoảng cách ở các cực của những mức sống của các nước có quy mô trung bình trước cuộc cách mạng công nghiệp thì chúng tôi thu được những kết quả sau:
a. GDP thực tế trên đầu người (có sửa sai những khác biệt về sức mua) của những xã hội truyền thống ở vào một giai đoạn gần hay tương đương với những xã hội truyền thống

1,4-1,6
b. GDP thực tế trên đầu người (có sửa sai những khác biệt về sức mua) của những  nước châu Âu vào đầu thế kỉ XIX

1,4-1,6
c. So sánh ước lượng cho một số nước của chi phí mức sống tối thiểu trong thế kỉ XIX và mức tiêu dùng bình quân của những nước này

1,5-1,7
d. So sánh quốc tế một chỉ báo mức sống: lương trung bình của một thị dân nam thuộc một loại công nhân tương ứng với lao động chân tay tính bằng số lượng ngũ cốc

1,5-1,7
e. Tiến hoá trên nhiều năm của lương thực tế (kể cả của những xã hội khác những xã hội châu Âu)

1,4-1,6
f. Quan điểm đương đại và đặc biệt là của những nhà đi tiên phong trong hệ thống tài khoản quốc gia

1,3-1,5
Ta cũng có thể kết luận là trong khuôn khổ của những xã hội truyền thống (và loại trừ những nền kinh tế sơ khai) thì khoảng cách lớn nhất của mức sống trung bình trên đầu người giữa hai nước chỉ khoảng 1,0 đến 1,5-1,6 thôi. Có nhiều khả năng là, do các kết quả đều hội tụ, độ sai lệch của ước lượng này là thấp. Độ lệch có thể của tỉ số này theo chiều hướng một ước lượng cao: xác suất rằng khoảng cách tối đa này là nhỏ hơn từ 1,0 đến 1,5 là do, trong một số trường hợp, chúng tôi đã chọn những biên độ hơi cao.
Những dữ liệu trên không liên quan đến những nước nhỏ (dân số dưới 2-3 triệu) và nhất là những nước có những chức năng quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ví dụ như Hà Lan. Nước này, với số dân dưới hai triệu, tập trung trên lãnh thổ của mình một phần quan trọng những hoạt động thương mại của toàn bộ châu Âu 60 lần đông dân hơn. Do đó, những kết quả trên đây liên quan đến những nước trung bình, khoảng từ 3 đến 15 triệu dân; ví dụ những nước như Pháp, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kì, v.v.. Nếu ta xét đến những không gian kinh tế rộng hơn -với dân số khoảng 100-200 triệu dân (như Tây Âu, Ấn Độ, Trung Quốc)- ta có những khoảng cách còn nhỏ hơn nữa. Thật vậy, xác suất để cho những không gian kinh tế lớn như thế được đặc trưng bằng những trung bình nằm ở những cực của nấc thang thu nhập là rất nhỏ. Trong trường hợp này, ta có thể nêu giả thiết hợp lí là một khoảng cách tối đa khoảng 1,0 đến 1,2-1,3.
Trong biên độ này, khá hẹp, của mức sống, đâu là trung bình của khối thế giới phát triển trong tương lai và trung bình của toàn bộ thế giới thứ ba tương lai? Hiện này các câu trả lời vẫn còn chưa chắc chắn. Về phần mình, chúng tôi nghĩ có khả năng là hai tình hình này bằng nhau hay một mức cao hơn độ vài phần trăm nghiêng về phía thế giới phát triển tương lai. Bằng nhau là kết quả của sức nặng tương đối của những vùng tương đối giàu của thế giới thứ ba (Trung Quốc, Ấn Độ) và sức nặng của nước Nga, một vùng tương đối nghèo của thế giới phát triển tương lai. Nhưng đó không phải là quan điểm được sự nhất trí. Ước lượng duy nhất được tiến hành sau ước lượng của chúng tôi là ước lượng của Auguste Maddison[5] mà, với giả thiết về sửa sai giá cả, cho được một khoảng cách gần với kết quả của chúng tôi, tức khoảng 60 % nghiêng về phía các nước phát triển tương lai. Dù sao đi nữa, với những kết quả trên gần như là chắc chắn rằng khoảng cách nghiêng về phía thế giới phát triển tương lai tối đa có thể là 20-30 % và còn phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa trước khi đưa ra được những số liệu có cơ sở vững hơn.
___________________
Phiếu số 5: Những toan tính công nghiệp hoá sớm của những nước ngoại vi không thuộc châu Âu (Jean Batou)[6]
Chính trong những năm 1770 đến 1810 mà những nhà máy hiện đại đầu tiên được xây dựng trong thế giới thứ ba tương lai. Tuy nhiên phải chờ đến thập niên thứ hai của thế kỉ XX mới thấy những toan tính công nghiệp hoá thật sự, tại châu Mĩ la tinh và Trung Đông (từ Maroc đến Iran). Thật vậy hai vùng này bị sự bành trướng thương mại của châu Âu tác động mạnh, và điều này gây nên một phản ứng tự bảo vệ.
Một cách sơ lược có thể phân biệt ba trường hợp:
1. Một nỗ lực công bị phá sản: các chính quyền xây dựng những doanh nghiệp từ tay không, không lo phát triển một “mạng lưới công nghiệp” thật sự, cũng không nhắm đến việc biến đổi những cấu trúc xã hội đang thống trị.
Đó là trường hợp của thuộc địa Brazil, trong thời gian ẩn náu của triều Bồ Đào Nha (1802 đến 1821). Nước này Brazil xây dựng lò cao đầu tiên ở châu Mĩ latinh, nhưng không có bảo hộ thuế quan nào có ý nghĩa (1808 và 1810), trong một bối cảnh duy trì một môi trường kinh tế chống đối (những đồn điền nô lệ lớn). Thất bại là không thể tránh được.
Tại Thổ Nhĩ Kì, Tunisie và Iran (1840 đến 1850), Nhà nước phát triển những nhà máy vũ khí, dệt và giấy, để dáp ứng những nhu cầu tức thì. Như thế vùng Istanbul có hai trung tâm công nghiệp hiện đại. Tunisie của Ahmed Bey sản xuất vải cho đồng phục. Iran của Amir Kabir xây dựng một nhà máy kéo sợi, dệt, giấy, v.v.. Nhưng đồng thời những nước này áp dụng một chính sách thương mại tự do, có hại cho nền công nghiệp của nước nhà: thoả ước Nga-Iran năm 1828, Pháp-Tunisie năm 1831, Anh-Thổ Nhĩ Kì năm 1838, Anh-Iran năm 1841, v.v.. Những thử nghiệm này nhanh chóng thất bại.
2. Một sáng kiến tư nhân đơn độc và ngược chiều: khu vực tư nhân thiết lập những doanh nghiệp trong một môi trường kinh tế và xã hội ít thuận lợi. Sự hỗ trợ của chính quyền là không đồng đều và mâu thuẫn nhau. Đó là trường hợp của Mêhico và trong một chừng mực ít hơn của Colombia, từ 1830 đến 1846. Brazil thời đế chế thứ hai cũng có một số nét tương tự với mười lăm năm trễ hơn, từ 1844 đến 1865.
Năm 1845, Mêhicô có khoảng sáu mươi nhà máy bông hiện đại, được trang bị từ 115.000 tới 130.000 máy xe sợi và khoảng 2.600 máy dệt. Giá trị sản xuất hàng năm tương đương với giá trị của những mỏ bạc. Những con số này cho phép xếp nền công nghiệp dệt của Mêhico vào hàng thứ mười một của thế giới (hàng thứ mười, nếu tính con số tương đối). Thế mà bông sợi đã bắt đầu đơn độc, bỏ xa những sản phẩm tiêu dùng khác. Công nghiệp luyện gang thép và luyện kim vẫn còn dựa trên những công nghệ cỗ. Gần như không có công nghiệp chế tạo máy và sản phẩm trang thiết bị.
Toan tính công nghệp hoá của vùng Bogota ở Colombia không đạt đến qui mô như thế. Vào cuối những năm 1830, thủ đô và những vùng lân cận có khoảng một chục nhà máy hiện đại trong những ngành rất đa dạng: luyện gang thép, dệt, giấy, thuỷ tinh, v.v.. Chỉ với vài trăm công nhân toàn bộ những nhà máy này không bằng nổi một nhà máy lớn của Mêhico!
Mặc dù có sự khác biệt về qui mô, ta ghi nhận một số mặt giống nhau giữa Mêhico và Colombia. Trước hết một sự đồng bộ đáng chú ý, trong một bối cảnh chính trị phản ứng lại chủ nghĩa tự do. Trong cả hai trường hợp phần chủ động thuộc về những quyền lực kinh tế gắn với những cao nguyên nội địa (Puebla và Bogota). Phần lớn nguồn lực còn tích luỹ trong sở hữu đất đai, trong lúc những vốn linh động hơn lại ưa chuộng cho vay, thương mại, thậm chí buôn lậu hơn là đầu tư vào công nghiệp. Cuối cùng nếu Nhà nước hỗ trợ phong trào bằng những biện pháp không đồng đều thì bản thân Nhà nưóc không có doanh nghiệp.
3. Một công nghiệp hoá do Nhà nước chỉ huy: Ai Cập (1805-1848) và Paraguay (1813-1865) là hai ví dụ phát triển công nghiệp do Nhà nước chỉ huy từ đầu đến cuối. Trong cả hai trường hợp, một cuộc cách mạng xã hội cho phép huy động một phần quan trọng của thặng dư nông nghiệp nhằm tích luỹ nhanh trong những khu vực hiện đại của nền kinh tế. Việc cơ khí hoá những ngành trọng điểm đi cùng với sự phát triển những cơ sở hạ tầng cần thiết, trong lúc thị trường nội địa cho đầu ra được bảo hộ một cách cương quyết. Người ta cũng tìm cách đảm bảo cho quá trình đang được tiến hành có gốc rễ xã hội bằng cách tạo điều kiện ưu tiên cho sự phát triển một giới tinh hoa mới, được khoắc bằng một tình cảm tự hào nhân dân cho chính danh (tại Paraguay nhiều hơn là tại Ai Cập). Sau một bước khởi đầu đầy hứa hẹn, thất bại đến một cách thô bạo, như hậu quả của một sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Nếu điều này không xảy ra, không có gì khiến ta có thể khẳng định là những thử nghiệm này sẽ sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn nội bộ của chúng.
a: Ai Cập: Muhammad-‘Ali trở thành tổng trấn (pacha) của Cairo năm 1805. Từ 1811 đến 1815, ông tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất nhằm tập trung thặng dư nông nghiệp vào tay một Nhà nước-doanh nghiệp cực mạnh: đồng bằng sông Nil biến thành một trang trại công rộng lớn. Sự phát triển nhanh chóng của những cây trồng xuất khẩu (nhất là bông), nhờ những công trình cơ sở hạ tầng lớn, cho phép tích luỹ những nguồn lực cần thiết cho việc phát triển một quân đội và một nền công nghiệp hiện đại.
Muhammad-‘Ali không bỏ qua lĩnh vực nào: ông tiến hành đồng thời việc sản xuất nguyên liệu, phát triển những nguồn năng lượng, khai thác hầm mỏ, nhập chất đốt và những kim loại cần thiết, khuyến khích giáo dục và tài năng kĩ thuật, bảo hộ và mở rộng thị trường tiêu thụ, v.v.. Những nhà máy hiện đại được xây dựng trong công nghiệp dệt, lương thực, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, vũ khí, vật liệu xây dựng, hoá học và giấy. Nhìn chung, nền công nghiệp hiện đại sử dụng 50.000 đến 70.000 công nhân. Với gần 400.000 máy xe bông nhà máy sợi đứng hàng thứ năm trên thế giới.
Nhưng Ai Cập về hình thức còn phụ thuộc vào đế chế Thổ Nhĩ Kì. Mong muốn thành lập một nhà nước độc lập bao gồm cả vùng Trung Cận Đông, Soudan và Arabi, Ai Cập vấp phải sự phủ quyết của Anh: năm 1840, hải quân hoàng gia Anh, được sự hỗ trợ của Áo, Phổ và Nga, ép buộc pacha bãi bỏ đế chế và quân đội của mình. Hệ thống kinh tế Ai Cập, dựa trên độc quyền công cộng về đất đai, thương mại và công nghiệp như vậy đã bị bóp chết.
b. Paraguay: kể từ khi được độc lập năm 1813, nền cộng hoà này trải qua một quá trình phát triển độc đáo với một nỗ lực công nghiệp hoá ngoạn mục từ 1852 đến 1865. Thử nghiệm bắt đầu bằng một cuộc cải cách ruộng đất triệt để dẫn đến việc tập trung hầu hết đất đai vào tay Nhà nước. Được cho thuê lại với giá rẻ lĩnh vực công rộng lớn này cho phép ổn dịnh một giai cấp quan trọng những người lĩnh canh. Năng suất trên ha tăng, đặc biệt nhờ việc phổ biến một mùa thu hoạch ngô thứ hai hàng năm.
Ngay từ 1852, tự do lưu thông trên sông Panama cho phép nhanh chóng gia tăng xuất khẩu dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Những nguồn lực thu như thế được phân bổ vào việc phát triển một nền công nghiệp hiện đại những sản phẩm trang thiết bị: luyện gang thép, cơ khí, đóng tàu, nhà máy gạch, v.v.. Một đường sắt và một đường bưu điện được xây dựng mà không cần phải vay nước ngoài. Tuy nhiên thử nghiệm bị phá sản bởi chiến tranh giữa liên minh ba nước (1864-1870) gồm Brazil, Achentina và Uruguay chống Paraguay dẫn đến sự sụp đổ về mặt dân số và kinh tế của nước này.
Quy mô nhỏ bé của công nghiệp hiện đại của Paraguay, có lẽ sử dụng khoảng một ngàn công nhân vào khoảng 1860-1865, xuất phát từ việc bám chủ yếu vào những sản phẩm trang thiết bị. Sản xuất thủ công nghiệp, nằm ngoài thị trường, được duy trì đối với những sản phẩm tiêu dùng thông dụng (áo quần, đồ gốm, thuốc, v.v.). Do đó kinh nghiệm của Paraguay không nằm ở trong những kết quả cục bộ mà trong những phương thức thực hiện và tiềm năng của nước này.
Phiếu số 6: Tỉ số mậu dịch của Thế giới thứ ba (Paul Bairoch)
Trong số những khái niệm chính về những tỉ số mậu dịch được xây dựng, khái niệm quan trọng nhất cho cách đặt vấn đề của thế giới thứ ba là khái niệm những tỉ số mậu dịch thuần; đó là những công cụ phân tích cơ bản trong lĩnh vực này. Và một cách mặc nhiên là khi ta bàn đến những tỉ số mậu dịch, đó là những tỉ số mậu dịch thuần. Những tỉ số này thể hiện mối tương quan giữa những giá xuất khẩu trung bình với những giá nhập khẩu trung bình của một nước hay một nhóm nước về một sản phẩm hay một nhóm sản phẩm. Do đó những tỉ số mậu dịch được cải thiện, nghĩa là một gia tăng tương đối của những giá xuất khẩu so với những giá nhập khẩu, dẫn đến một gia tăng của nguồn thu, và ngược lại; một cách khác, có lẽ có ý nghĩa hơn, để trình bày vấn đề: những tỉ số mậu dịch được cải thiện cho phép cùng một số lượng sản phẩm xuất khẩu trao đổi được với một số lượng quan trọng hơn những sản phẩm nhập khẩu và ngược lại.
Vấn đề những tỉ số mậu dịch thuần của thế giới thứ ba đã đặc biệt được các nhà kinh tế nói chung và những giới trách nhiệm trong thế giới thứ ba nói riêng quan tâm. Trong chừng mực mà các nước thế giới thứ ba chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm thô và nhập khẩu những sản phẩm công nghiệp, người ta thường đồng hoá những tỉ số mậu dịch của những nước thế giới thứ ba với những tỉ số mậu dịch của những sản phẩm thô.
Vấn đề tiến hoá trên cả trăm năm của những tỉ số mậu dịch của thế giới thứ ba đã bị làm rối lên do có một ước lượng được lặp lại và chấp nhận rộng rãi cho thấy là trong phần tư cuối của thế kỉ XIX và vào đêm trước của thế chiến thứ hai một sụt giảm hơn 40 % của những giá xuất khẩu thế giới những sản phẩm thô so với giá của những sản phẩm công nghiệp. Ước lượng này được những cơ quan thống kê của Hội quốc liên tính toán và công bố và sau này được một ấn phẩm của Liên hiệp quốc lấy lại.
Với những thông tin sẵn có về tiến hoá của hiệu suất của những nhân tố khác nhau, ít có khả năng là đã có một diễn tiến như thế. Thật vậy, một trong những xu hướng cơ bản của phát triển đã là sự gia tăng rất nhanh của năng suất của nền công nghiệp chế tạo máy, nhờ những đổi mới quan trọng, đã cho phép giảm mạnh giá thành sản xuất. Một tiến hoá như thế tất nhiên phải dẫn đến việc cải thiện những tỉ số mậu dịch của những sản phẩm thô, nhất là những sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp, trong chừng mực là cho đến những năm 1940/50 năng suất trong nông nghiệp và cả trong khu vực hầm mỏ đã tăng chậm hơn năng suất của công nghiệp chế tạo máy. Về điểm này, xin ghi nhận là kể từ những năm 1940/50, trong những nước phát triển, năng suất của nông nghiệp tăng nhanh hơn năng suất của công nghiệp chế tạo máy.
Độ chênh lớn nhất trong những ước lượng của Hội quốc liên nằm ở việc sử dụng giá nhập khẩu để đo tiến hoá của giá những sản phẩm thô. Thế mà, từ 1870/80 và 1930/33, giá vận tải đã giảm rất nhiều và tất nhiên được thể hiện bằng một sụt giảm của giá được ghi nhận tại cảng nhập khẩu. Thật ra ngày càng có nhiều khả năng là thay vì trên cả trăm năm tỉ số mậu dịch của những sản phẩm thô đã xấu đi mà thật ra có một sự cải thiện của những tỉ số này được chúng tôi ước lượng là vào khoảng 20 đến 40 % từ những năm 1876/80 đến 1928/29.
Vả lại, những tính toán hồi cố -được tiến hành trong những thập niên gần đây- ở cấp độ những tỉ số mậu dịch của những nước công nghiệp thuộc thế giới thứ ba lẫn ở cấp độ những tỉ số mậu dịch của những sản phẩm thô đã xác nhận là, ngoại trừ trường hợp của đường (và của những nước chủ yếu xuất khẩu đường) trong thời kì này ta đã chứng kiến sự cải thiện của những tỉ số mậu dịch.
Nhưng, kể từ 1952 -và nhất là từ 1956- ta thấy những tỉ số mậu dịch của thế giới thứ ba xấu đi dai dẳng cho tới 1962. Và sự ổn định của những tỉ số này cho đến đầu những năm 1970 được duy trì bất lợi cho thế giới thứ ba. Điều này kéo theo sự hình thành một thâm hụt ngoại thương và do đó sự cần thiết của một hỗ trợ tài chính.
Kể từ 1973, ta lại ghi nhận một sự cải thiện, nhưng việc cải thiện này che khuất một hố sâu cách biệt giữa tiến hoá của những tỉ số mậu dịch của các nước dầu lửa và tiến hoá của những tỉ số mậu dịch của các nước xuất khẩu khác. Đối với phần lớn dân số của thế giới thứ ba những tỉ số mậu dịch ngược lại một lần nữa lại tồi tệ đi. Việc xấu đi này trong những năm 1978/82 đã biến thành tai hoạ vì có thể ước lượng là cho 1982/83 những tỉ số này nằm vào mức một phần năm dưới mức của 1975/77. Kể từ 1982/83, những tỉ số mậu dịch đã được duy trì ở mức thấp này, ít ra là cho tới 1989.
Một khái niệm khác về những tỉ số mậu dịch đôi lúc được nêu lên liên quan đến quan hệ giữa những nước phát triển và thế giới thứ ba là khái niệm những tỉ số mậu dịch nhân tố kép hiếm khi được tính, vì bao gồm cả khái niệm năng suất. Thật ra chúng thể hiện mối tương quan giữa những số lượng lao động hàm chứa trong những trao đổi. Một cải thiện những tỉ số này kéo theo là, với một số lượng xuất khẩu nhất định, ta có một khối lượng nhập khẩu kéo theo nhiều lao động hơn là lao động hàm chứa trong xuất khẩu. Do năng suất của những nước phát triển tăng nhanh hơn năng suất của thế giới thứ ba nên có khả năng là những tỉ số mậu dịch nhân tố kép của thế giới thứ ba đã trở nên xấu đi trong những thời kì dài cũng như ngắn hạn. Hay nói cách khác, với cùng một số lượng lao động của thế giới thứ ba hàm chứa trong những xuất khẩu này, thế giới thứ ba mua một số lượng lao động ít hơn của những nước phát triển; nhưng không nhất thiết là ít sản phẩm hơn; ngược lại là khác.
Phiếu số 7: Tài liệu nên đọc:
Amin S., Laccumulation à léchelle mondiale, Anthropos, Paris, 1970
Bairoch P., Le Tiers Monde dans limpasse. Le démarrage économique du XVIIIe au XXe siècle, 2e, éd., Gallimard, Paris, 1983
Bauer P. T., Mirage égalitaire et Tiers-Monde, PUF, Paris, 1984
Bernard P. J., Histoire du développement économique, Ellipses, éd. Marketing, Paris, 1989
Brasseul J., Introduction à léconomie du développement, Armand Colin, Paris, 1989
Braudel F., Civilisation matérielle, économie et capitalisme, XVe-XVIIIe siècle, 3 vol., Armand Colin, Paris, 1979
Brunel S. (dir.), Tiers-Monde: controverses et réalités, Economica, Paris, 1987
Cazes G. và Domingo F., Les critères du sous développement: géopolitique du Tiers-Monde, 2e éd., Breal, Montreuil, 1984  
Coquery-Vidrovitch C., Hémery D., Piel J. (chủ biên), Pour une histoire du développement. Etats, sociétés, développement, L’Harmattan, Paris, 1988
Dobb M., Etudes sur le développement du capitalisme, Maspéro, Paris, 1981  
Dockes P. và Rosier B., Lhistoire ambigue - croissance et développement en question, PUF, Paris, 1988
Dumont R., Un monde intolérable: le libéralisme en question, Seuil, Paris, 1988
Furtado C., Le mythe du développement économique, Anthropos, Paris, 1976
Guillaumont P., Economie du développement, 3 vol., PUF, Paris, 1985
Lacoste Y., Unité et diversités du Tiers-Monde, La Découverte, Paris, 1984
Landes S., LEurope technicienne, Gallimard, Paris, 1980
Latouche S., Faut-il refuser le développement?, PUF, Paris, 1986
Maddison A., Les phases du développement capitaliste, Economica, Paris, 1981
Mendes C. (chủ biên), Le mythe du développement, Seuil, Paris, 1977
Myrdal G., Le défi du monde pauvre, Gallimard, Paris, 1971
Rioux J. P., La révolution industrielle 1780-1880, Seuil, Paris, 1971
Robinson J., Développement et sous-développement, Economica, Paris, 1980
Rostow W. W., Comment tout a commencé: les origines de léconomie moderne, Hachette, Paris, 1976
Sachs I., La découverte du Tiers-Monde, Flammarion, Paris, 1971
Wallerrstein I., Le système du monde du XVe sìècle à nos jours, 2 vol., Flammarion, Paris, 1980 và 1985 
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: chương 5 “Développement” của Paul Bairoch trong Encyclopédie économique, do Xavier Greffe, Jacques Mairesse và Jean Louis Reiffers chủ biên, NXB Economica, Paris, 1990, trang 133-175




[*] Gíáo sư đại học Genève (Thuỵ Sĩ).

[1] những người không thuộc giới quí tộc hay tăng lữ trong chế độ phong kiến trước cách mạng Pháp 1789 (ND).

[2] Kuznets S., Modern Economic Growth, New Haven, 1966

[3] Landes D., The Unbound Prometheus, Cambridge (Mass.), 1969

[4] Bairoch P., “Ecarts internationaux des niveaux de vie avant la révolution industrielle”, trong Annales, ESC, vol. 34, n0 1, Paris, janvier-février 1979, pp. 145-171
Xem một tổng hợp về những thử nghiệm này trong Bairoch P., “How and Not Why: Economic Inequalities Between 1800 and 1913: Some Background Figures” trong Batou J. (chủ biên), Entre développement et sous-développement. Les tentatives précoces d’idustrialisation de la périphérie, 1800-1870, éd. Droz, Genève, 1990

[5] Maddison A., “A Comparison of Levels of GDP per Capita in Developped and Developing Countries, 1700-1980”, The Journal of Economic History, n0 1, March 1983, pp. 27-41

[6] Xem Batou Jean, Cent ans de résistance au sous-développement. L’industrialisation de l’Amé rique latine et du MoyenOrient face au défi européen, 1770-1870, éd.Droz, Genève, 1990

Print Friendly and PDF