30.9.21

Thời đại thái cực 1914 (3): Dưới đáy vực thẳm kinh tế

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (3)

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng này, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ nhất

THỜI ĐẠI TAI HỌA

Chương 3

DƯỚI ĐÁY VỰC THẲM KINH TẾ

Chưa bao giờ Lưỡng viện Quốc hội nhóm họp để xem xét tình trạng của Liên bang lại đứng trước viễn tượng tươi vui như hôm nay.[…] Khối của cải khổng lồ mà các doanh nghiệp và nền công nghiệp của chúng ta tạo ra, cũng như do nền kinh tế nước ta tiết kiệm được, đã được phân phối một cách rộng rãi nhất trong dân chúng và đã được hướng vào dòng điều lưu phục vụ công tác từ thiện cũng như sự giao dịch trên thế giới.

- Tổng thống Calvin COOLIDGE,

thông điệp gửi Lưỡng viện, 4 tháng chạp 1928

Cũng như chiến tranh, nạn thất nghiệp là căn bệnh phổ biến, tai quái và tệ hại nhất đối với thế hệ chúng ta: ngày nay, đó là căn bệnh hội đặc trưng của nền văn minh phương Tây... ”.

The Times, 23 tháng giêng 1943

 

I

 

Hãy giả sử rằng Thế chiến thứ Nhất chỉ là sự xáo trộn tạm thời, tuy rất tại hại, của một nền kinh tế và văn minh dẫu sao vẫn ổn định. Những hoang tàn của chiến tranh một khi đã được dọn sạch, nền kinh tế lẽ ra sẽ tìm lại dòng chảy bình thường và tiếp tục đà phát triển cũ. Cũng giống như Nhật Bản đã chôn cất 300.000 người tử nạn trong cuộc động đất năm 1923 ở Tokyo, quét dọn nhà cửa bị đổ sập khiến 2-3 triệu người lâm vào cảnh không nhà và xây lại thành phố, như cũ nhưng tương đối bền vững hơn trong cơn địa chấn. Giả thử như vậy thì diện mạo thế giới của thời kì giữa hai cuộc Thế chiến sẽ ra sao? Điều đó không ai biết được, và cũng chẳng ích lợi gì mà suy luận về một điều đã không xảy ra và chắc cũng không thể nào xảy ra được. Tuy nhiên, câu hỏi ấy cũng không phù phiếm bởi nó giúp ta hiểu được tác động sâu xa của sự sụp đổ kinh tế thế giới giữa hai cuộc chiến lên lịch sử thế kỉ XX.

Adolf Hitler (1889-1945)
Franklin D. Roosevelt (1882-1945)

Nếu không xảy ra cuộc khủng hoảng ấy, chắc chắn đã không có Hitler. Và có lẽ cũng hầu như chắc chắn là không có Roosevelt. Và có thể hệ thống kinh tế Soviet cũng không được xem là một đối thủ kinh tế nghiêm túc, có khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản thế giới. Hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế lên thế giới ngoài châu Âu và ngoài phương Tây thật là bi thảm, sẽ được phác họa ở một phần khác. Tóm lại, sẽ không hiểu được thế giới nửa sau thế kỉ XX nếu ta không có một ý niệm sáng rõ về tác động của cuộc phá sản kinh tế.

Thế chiến thứ Nhất chỉ tàn phá một bộ phận của “Cựu Thế giới”, chủ yếu là châu Âu. Còn cách mạng thế giới, khía cạnh kịch tính nhất của sự sụp đổ nền văn minh tư sản thế kỉ XIX, đã gieo rắc ảnh hưởng rộng rãi hơn nhiều: từ Mexico sang Trung Quốc, và dưới hình thái phong trào giải phóng chống thực dân, từ Bắc Phi đến Indonesia. Tuy nhiên, rất dễ tìm thấy những khu vực trên trái đất mà người dân không phải gánh chịu hậu quả trên cả hai mặt ấy: Hoa Kỳ, và cả những vùng thuộc địa rộng lớn Hạ Sahara thuộc châu Phi. Song cuộc chiến tranh 1914-18 đã dẫn tới một thứ phá sản thực sự có tính cách toàn cầu, ít nhất là ở tất cả những nơi mà cuộc sống của con người có liên hệ tới hay bị chi phối bởi những sự trao đổi của một thị trường không còn tính chất liên cá nhân nữa. Thật vậy, đất nước Hoa Kỳ đầy kiêu hãnh không còn là vùng đất yên bình, lánh xa những xáo trộn của những lục địa bất hạnh khác, mà trở nên tâm điểm của trận động đất toàn cầu vĩ mô mà các nhà sử học kinh tế chưa bao giờ ghi nhận trên bậc thang Richter: cuộc Đại Khủng hoảng của thời kì giữa hai cuộc Đại chiến. Nói tóm lại: nền kinh tế tư bản thế giới dường như sụp đổ. Không ai biết nó làm sao khôi phục được.

Sự vận hành của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không bao giờ diễn ra suôn sẻ, và những biến động dài ngắn tùy lúc, nhiều khi rất mạnh, là thuộc tính của phương thức quản lí công việc của thế giới này. Các doanh nhân thế kỉ XIX đã quá biết cái gọi là “chu kì kinh tế”, luân phiên những giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn suy thoái. Người ta tin vào một “quy luật” theo đó các chu kì ấy nối tiếp nhau, dài ngắn từ 7 đến 11 năm. Đến cuối thế kỉ XIX, người ta bắt đầu để ý thấy chu kì ấy bắt đầu dài ra, và các nhà quan sát chú mục vào những hiện tượng bất thường xảy ra trong những thập niên trước đó. Từ khoảng 1850 đến đầu thập niên 1870, đã diễn ra một giai đoạn phát triển ngoạn mục chưa từng có, tiếp theo đó là 20 năm bất trắc về kinh tế (có những nhà kinh tế học gọi đó là cuộc Đại Suy Thoái, không đúng), rồi lại chuyển sang một thời kì tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu, rõ ràng là lớn nhất trong thế kỉ (xem The Age of CapitalAge of Empire, ch. 2). Đầu thập niên 1920, một nhà kinh tế học người Nga, N. D. Kondratiev (về sau sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên của Stalin), nhận ra rằng, từ cuối thế kỉ XVIII, có một mô hình phát triển kinh tế theo một chuỗi những “chu kì dài” khoảng từ 50 đến 60 năm. Nhưng chẳng ai, kể cả Kondratiev, đề ra được một cách giải thích hợp lí về hiện tượng này, thậm chí còn có những nhà thống kê học nêu nghi vấn về sự tồn tại của những chu kì ấy. Từ ấy, trong sách vở chuyên ngành, người ta gọi tên chu kì này là chu kì Kondratiev. Cũng nên nói thêm: hồi đó, Kondratiev đi tới kết luận là chu kì dài của nền kinh tế thế giới sẽ dẫn tới suy thoái[18]. Kết luận đúng.

Karl Marx (1818-1883)

Trong quá khứ, các doanh nhân cũng như các nhà kinh tế học chấp nhận các đợt sóng và các chu kì, dài, vừa hay ngắn, tương tự như nhà nông chấp nhận thời tiết đổi thay đỏng đảnh. Đành chịu như thế: sớm nắng chiều mưa, nay là thời cơ, mai là vấn nạn, người này ngành kia có thể gặp vận hội phát đạt hay tán gia bại sản. Chỉ có những người XHCN mới nghĩ như Marx: họ cho rằng những chu kì ấy nằm trong một quá trình theo đó chủ nghĩa tư bản sẽ đẻ ra những mâu thuẫn, những mâu thuẫn này sẽ phát triển tới mức không thể chịu đựng nổi, và sẽ đe dọa bản thân hệ thống kinh tế. Nói chung, người ta cứ nghĩ rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng và tiến triển như nó đã làm từ một thế kỉ, ngoại trừ tai họa đột xuất và ngắn ngủi của những vụ suy thoái chu kì. Điều chưa từng thấy trong tình hình mới, có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, là những biến động có vẻ như đang đe dọa cả hệ thống. Thêm vào đó, đường biểu diễn tăng tiến xuyên suốt thế kỉ có vẽ như đang gãy gục.

Từ cuộc cách mạng công nghiệp, lịch sử kinh tế thế giới gắn liền với sự tăng tốc về tiến bộ kĩ thuật, sự tăng trưởng kinh tế liên tục nhưng không đồng đều, và sự “toàn cầu hóa” ngày càng rộng lớn, tức sự phân công lao động trên bình diện thế giới ngày càng tinh xảo phức tạp, mạng lưới mậu dịch và dòng chảy ngày càng chi chít, gắn kết mỗi bộ phận của kinh tế thế giới với hệ thống toàn cầu. Tiến bộ thuật vẫn tiếp tục, thậm chí đã tăng tốc trong Thời đại Tai họa, làm thay đổi kỉ nguyên của các cuộc chiến tranh thế giới và đồng thời, nó cũng bị chiến tranh làm đảo lộn. Trong cuộc sống của phần đông người dân, cả nam lẫn nữ, đúng đã có những trải nghiệm tai ương mà đỉnh điểm là cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933, song trong suốt mấy thập niên ấy, nền kinh tế vẫn không ngừng tăng trưởng. Nó chỉ giảm tốc độ tăng trưởng mà thôi. Tại Hoa Kỳ, là nước có nền kinh tế giàu mạnh nhất, tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân tính theo đầu người từ năm 1913 đến năm 1938 không vượt quá con số khiêm nhường 0,8% hàng năm. Cũng trong thời gian ấy, sản xuất công nghiệp toàn cầu tăng nhỉnh hơn 80%, nghĩa là chỉ bằng nửa tăng trưởng trong vòng 25 năm trước đó (W. W. Rostow, 1978, tr. 662). Như ta sẽ thấy ở chương 9, sự tương phản với thời kì sau 1945 còn ngoạn mục hơn nữa. Dẫu sao, nếu một người ở Sao Hỏa nhìn biểu đồ kinh tế từ xa để không thấy những khúc răng cưa xuyên suốt cuộc đời của người sống ở Trái Đất, chắc chắn anh ta sẽ nhận định nền kinh tế thế giới phát triển liên tục.

Tuy vậy, điều đó rõ ràng là sai về một phương diện. Thật thế, quá trình toàn cầu hóa rõ ràng đã dẫm chân tại chỗ trong thời kì giữa hai cuộc Đại chiến. Tất cả các chỉ số đều cho thấy sự hội nhập đã khựng lại hoặc thụt lùi. Giai đoạn trước Thế chiến thứ Nhất là thời kì di dân ồ ạt lớn nhất trong lịch sử; nhưng sau đó dòng di dân đã cạn kiệt, hay đúng hơn, nó đã bị cuộc chiến tranh và những chính sách hạn chế đắp đê ngăn chận. Trong thời gian 15 năm trước 1914, gần 15 triệu người đã di cư sang Hoa Kỳ. Trong 15 năm tiếp theo, con số ấy tụt xuống mức 5,5 triệu; trong thập niên 1930 và suốt Thế chiến thứ Hai, dòng nhập cư hầu như khựng lại hoàn toàn: dưới 750.000 người (Historical Statistics, I, tr. 105, bảng C, 89-101). Dòng di cư từ bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), chủ yếu đi sang châu Mỹ Latin, từ 1,75 triệu trong thập niên 1911-1920 xuống dưới 250.000 trong thập niên 1930. Còn thương mại thế giới, sau khi đã khắc phục được những biến động do chiến tranh và cuộc khủng hoảng sau chiến tranh, đến cuối thập niên 1920, đã vượt được mức 1913 một chút, để rồi lại suy sụp trong cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, đến cuối Thời đại Tai họa (1948), nó cũng không lớn hơn khối lượng sản xuất trước Thế chiến thứ Nhất là bao (W. W. Rostow, 1978, tr. 669). Từ đầu thập niên 1890 đến 1913, nó đã tăng hơn gấp đôi. Từ 1948 đến 1971, nó được nhân lên 5 lần. Sự trì trệ sau Thế chiến thứ Nhất lại càng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi ta nhớ rằng cuộc Đại chiến này đã khai sinh ra một loạt quốc gia mới ở châu Âu và Trung Đông. Với những đường biên giới dài thêm ra không biết bao nhiêu km, lẽ ra tự động phải có sự tăng trưởng mậu dịch giữa các nước, vì những trao đổi thương mại trước đây nằm trong nội bộ một nước (Áo-Hung hay Nga chẳng hạn) nay trở thành mậu dịch quốc tế. (Thống kê về thương mại thế giới chỉ tính những thương vụ xuyên biên giới.) Cũng như lưu lượng về thảm kịch những người tị nạn sau chiến tranh và sau cách mạng, con số lên đến hàng triệu (xem ch. 1), chúng ta chờ đợi sẽ tiếp tục gia tăng, thay vì có sự hạn chế luồng di dân trên thế giới. Trong thời gian Đại Khủng hoảng, ngay dòng chảy tư bản quốc tế xem như cũng cạn kiệt. Từ 1927 đến 1933, tín dụng quốc tế giảm hơn 90%.

Tại sao có sự đình đốn như vậy? Người ta nêu ra nhiều lí do: chẳng hạn, kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã trở thành gần như tự túc, chỉ cần nhập khẩu một vài nguyên liệu. Vả lại, nó cũng chưa bao giờ lệ thuộc vào ngoại thương. Song ngay những nước ngoại thương lớn như Anh và các nước Bắc Âu cũng đi theo chiều hướng này. Những người đương thời thì chú ý đến một lí do báo động khác, hiển nhiên hơn, và chắc chắn họ có lí. Từ nay mỗi quốc gia ra sức bảo vệ nền kinh tế nước mình khỏi những đe dọa từ bên ngoài, tức là nền kinh tế thế giới rõ ràng đang lao đao vì những khó khăn to lớn.

Thoạt đầu giới kinh doanh và các chính quyền tưởng rằng sau những xáo trộn tạm thời của cuộc đại chiến, nền kinh tế thế giới bằng cách này hay cách khác cũng sẽ trở lại những ngày tươi sáng của trước năm 1914 mà họ coi là tình trạng bình thường. Và thực thế, đà phát triển của ngay sau chiến tranh, ít nhất ở những nước không trải qua cách mạng hay nội chiến, tỏ ra hứa hẹn, còn các doanh nghiệp và chính quyền thì nhìn với con mắt ác cảm việc nhân công và các công đoàn có thêm quyền hành, bởi họ ngại sẽ dẫn tới hậu quả là tăng giá sản xuất thông qua việc tăng lương và giảm thời gian lao động. Tuy nhiên, cuộc điều chỉnh diễn ra khó khăn hơn dự kiến. Năm 1920, giá cả và sự tăng trưởng đều sụt xuống, ảnh hưởng tới quyền lực của nhân công – ở Anh, tỉ số thất nghiệp không bao giờ xuống dưới mức 10%, và trong vòng 12 năm tiếp theo, các công đoàn mất đi một nửa thành viên –, làm cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía giới chủ nhân, nhưng sự phồn thịnh vẫn không thấy đâu.

Thế giới Anh - Mỹ, các nước đứng trung lập trong cuộc chiến tranh và nước Nhật đều cố gắng tạo ra giảm phát, nghĩa là đưa nền kinh tế của họ trở về những nguyên tắc cổ điển (tiền tệ ổn định, tài chính lành mạnh, bản vị - vàng) đã bị lung lay trong chiến tranh. Tuy nhiên, ở khu vực rộng lớn gồm các nước bại trận và những nước lộn xộn, từ Đức phía tây sang Nga Soviet ở phía đông, hệ thống tiền tệ đã sụp đổ một cách kinh hoàng (sự sụp đổ của thế giới cộng sản sau năm 1989 chỉ bằng một phần). Trong trường hợp cùng cực nhất – nước Đức năm 1923 – đồng tiền chỉ còn một phần triệu giá trị năm 1913 của nó. Ngay trong những trường hợp nhẹ hơn, hậu quả cũng rất nặng nề. Ông nội của người viết sách này, tới kì hạn rút tiền đóng quỹ bảo hiểm vào đúng lúc lạm phát cao điểm ở Áo[19], khối lượng tiền giấy rất lớn mà ông được thanh toán chỉ vừa đủ để trả một ly nước ở quán cà phê quen thuộc.

Tóm lại, tiết kiệm tư nhân đã tiêu tan, tạo ra sự trống rỗng gần như tuyệt đối trong quỹ quay vòng của các doanh nghiệp, điều này giải thích tại sao trong những năm sau đó nền kinh tế Đức đã phải vay mượn những số tiền rất lớn của nước ngoài. Đến khi nổ ra khủng hoảng, kinh tế Đức càng dễ suy sụp. Tại Liên Xô, tình hình cũng chẳng khả quan hơn, mặc dầu sự tiêu vong của tiết kiệm tư nhân dưới dạng tiền tệ không mang lại những hậu quả kinh tế và chính trị tương tự. Năm 1922-1923, khi nạn lạm phát lớn chấm dứt, chủ yếu là do chính quyền các nước quyết định không in thêm tiền giấy một cách vô tội vạ và quyết định đổi tiền, những người Đức có thu nhập cố định và trông chờ vào tiền tiết kiệm đã bị khánh tận, tuy ở Ba Lan, Hung và Áo, một phần rất nhỏ của giá trị đồng tiền cũng đã duy trì được. Nhưng người ta có thể dễ dàng hình dung sự chấn thương mà quyết định này đã gây ra cho các giai cấp tư sản trung lưu và tiểu tư sản ở mỗi nước. Trung Âu đã chín muồi cho chủ nghĩa phát-xít. Những phương pháp nhằm làm cho dân chúng thích nghi với những giai đoạn lạm phát bệnh lí dài lâu (chẳng hạn như gắn liền lương bổng và các thu nhập với chỉ số lạm phát), phải đợi sau Thế chiến thứ Hai mới được sáng chế ra[20].

Năm 1924, những cơn phong ba của thời kì hậu chiến đã xẹp xuống, và người ta tưởng có thể trở lại tình trạng mà một tổng thống Mỹ gọi là “bình thường”. Quả thật là kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại dưới một dạng nhất định tuy rằng cùng lúc ấy một số nhà sản xuất nguyên liệu và thực phẩm, đặc biệt là nông dân Hoa Kỳ, vẫn gặp khó khăn vì giá cả những thành phẩm chủ yếu sau khi lên một chút, lại tiếp tục sụt xuống. Những năm 1920 chói lọi không phải thời kì hoàng kim của các nông trại Bắc Mỹ. Thêm vào đó, trên đại bộ phận châu Âu, nạn thấp nghiệp, so với những tiêu chí trước 1914, vẫn ở một mức cao khác thường một cách bệnh hoạn. Người ta thường quên rằng ngay trong thời kì tăng trưởng từ 1924 đến 1929, tỉ số thất nghiệp vẫn ở mức 10-12% tại Anh, Đức và Thụy Điển, tới cả mức 17-18% tại Đan Mạch và Na Uy. Chỉ có bộ máy kinh tế Hoa Kỳ, với tỉ số thất nghiệp trung bình 4%, là vận hành với công suất tối đa. Hai yếu tố biểu lộ rõ những nhược điểm nghiêm trọng của nền kinh tế. Sự xuống giá của những nguyên liệu (người ta tìm cách hạn chế bằng cách tạo ra những kho dự trữ ngày càng lớn) chứng tỏ rằng cầu không theo kịp năng lực sản xuất. Chúng ta đừng quên là sự tăng vọt sản xuất phần lớn là do dòng chảy tư bản tràn ngập các nước công nghiệp trong những năm tháng ấy, nhất là ở Đức. Riêng nước Đức đã tiếp thu gần một nửa xuất khẩu vốn trên thế giới trong năm 1928, vay từ 20.000 đến 30.000 tỉ mark, có lẽ gần một nửa là những khoản vay ngắn hạn (Arndt, tr. 47; Kindleberger, 1986). Điều này có lẽ đã khiến cho nền kinh tế Đức, một lần nữa, dễ bị thương tổn hơn: bằng chứng là những gì xảy ra khi Mỹ thu hồi vốn sau năm 1929.

Vì vậy, những khó khăn mới của nền kinh tế thế giới sau đó mấy năm không làm ai ngạc nhiên, ngoại trừ những người tôn thờ nước Mỹ của những thành phố nhỏ, mà hình ảnh đã trở thành quen thuộc đối với người phương Tây thời đó qua cuốn Babbitt (1922), tiểu thuyết của Sinclair Lewis. Thật ra, Quốc tế cộng sản đã tiên liệu một cuộc khủng hoảng kinh tế mới sau đỉnh cao của thời kì tăng vọt và dự báo (những người phát ngôn của QTCS tuyên bố như thế, vì tin tưởng hay giả bộ tin tưởng) rằng cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới một làn sóng cách mạng. Trước mắt, cuộc khủng hoảng dẫn tới hậu quả ngược lại. Nhưng có một điều không ai tiên liệu, có lẽ kể cả những nhà cách mạng trong những lúc phấn khích nhất, là tính chất phổ quát và cường độ khác thường của cuộc khủng hoảng mở đầu bằng thảm họa ngày 29 tháng mười 1929 ở Thị trường chứng khoán New York, như ngay cả những người không phải là sử gia cũng đều biết. Từ đó, sém một chút là toàn bộ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa của thế giới sụp đổ, như nó bị giam chặt trong cái vòng lẩn quẩn, mỗi chỉ số kinh tế tụt xuống (ngoại trừ chỉ số thất nghiệp thì nhảy vọt như chưa từng thấy) lại kéo theo các chỉ số khác.

Như những chuyên gia xuất sắc của Hội Quốc Liên đã nhận xét, mà không mấy ai để ý, sự suy thoái kịch tích của kinh tế công nghiệp Bắc Mỹ chẳng mấy lúc đã lây sang trung tâm công nghiệp khác: nước Đức (Ohlin, 1931). Từ 1929 đến 1931, sản lượng công nghiệp Mỹ đã giảm đi khoảng 1/3, và sản xuất của Đức cũng giảm tương tự, nhưng đó là những con số bình quân. Tại Hoa Kỳ, Westinghouse, công ti khổng lồ trong ngành điện, đã mất 2/3 doanh số từ năm 1929 đến năm 1933, còn thu nhập ròng giảm đi 76% trong vòng hai năm (Schatz, 1983, tr. 60). Cuộc khủng hoảng cũng nổ ra trong khu vực sản xuất sơ cấp (cả lương thực thực phẩm lẫn nguyên liệu), giá cả “rơi tự do” vì không còn được hỗ trợ bằng các kho dự trữ. Giá trà và lúa mì giảm 2/3, tơ sồi 3/4. Theo danh sách của Hội Quốc Liên năm 1931, các nước nạn nhân chủ yếu là Argentina, Australia, các nước Balkan, Bolivia, Brasil, Canada, Chile, Columbia, Cuba, Ai Cập, Ecuador, Phần Lan, Hung, Ấn Độ, Đông Ấn [thuộc Hà Lan] (Indonesia ngày nay), Malays [Mã Lai] (thuộc Anh), Mexico, New Zealand, Paraguay, Peru, Uruguay và Venezuela, là những nước mà nền ngoại thương phụ thuộc nặng nề vào một vài sản phẩm cơ bản. Tóm lại, cuộc khủng hoảng đã thật sự trở thành toàn cầu hóa.

Hết sức mẫn cảm đối với những chấn động đến từ phương Tây (hay phương Đông), các nền kinh tế Áo, Tiệp Khắc, Hi Lạp, Nhật Bản, Ba Lan và Vương quốc Anh cũng bị rúng động. Công nghiệp tơ lụa của Nhật Bản trong vòng 15 năm đã nhân lên gấp 3 để cung ứng cho thị trường tất dài bằng lụa (của phụ nữ) đang phát triển mạnh ở Mỹ; thị trường ấy bỗng tạm thời tiêu tan, khiến thị trường lụa của Nhật sụt 90%. Đồng thời sản phẩm quan trọng thứ hai của nông nghiệp Nhật Bản là gạo cũng suy sụp như các vùng sản xuất gạo lớn ở Đông Nam Á và Đông Á. Lúa mì trong khi đó lại sụt giá mạnh hơn cả lúa gạo, khiến bột mì rẻ hơn gạo, và nhiều người ở phương Đông đã chọn ăn mì thay vì gạo. Bánh mì nướng hay mì sợi tiêu thụ càng nhiều thì càng gây khốn quẫn cho nông dân các nước xuất khẩu gạo như Miến Điện, Đông Dương thuộc Pháp và Xiêm (Thái Lan) (Latham, 1981, tr. 178). Để bù thu nhập hao hụt, nông dân cố gắng sản xuất và bán lúa gạo nhiều hơn, khiến cho gạo càng sụt giá hơn nữa.

Đối với người nông dân lệ thuộc vào thị trường, nhất là vào xuất khẩu, điều đó có nghĩa là khánh tận, chỉ còn nước là trồng hoa màu để sống qua ngày. Thực ra, đây còn là điều khả dĩ tại một bộ phận lớn của các nước thuộc địa, và trong chừng mực là đa số người dân châu Phi, Đông Á, Nam Á và châu Mỹ Latin vẫn còn là nhà nông, đó cũng là một bảo đảm cho sự sống còn. Ở Brasil, những người sản xuất cà phê muốn ngăn chận không để cho giá cả suy sụp, đã dùng biện pháp tuyệt vọng là đốt cà phê thay than đá cho đầu tàu xe lửa: Brasil trở thành biểu tượng của sự phí phạm tư bản chủ nghĩa và chiều sâu của cuộc khủng hoảng (Từ 2/3 đến 3/4 cà phê bán trên thị trường thế giới được sản xuất ở Brasil). Dẫu sao đi nữa, cuộc Đại Khủng hoảng đối với người dân Brasil còn dễ chịu hơn nhiều so với những tai họa kinh tế của thập niên 1980, vì đại đa số dân chúng còn sống ở nông thôn, vả chăng người nghèo cũng chẳng mấy kì vọng vào kinh tế.

Tuy nhiên, ngay cả trong những nước thuộc địa nông nghiệp, người dân cũng cơ cực vì khủng hoảng. Ta có thể hình dung ra điều đó qua trường hợp của Bờ Biển Vàng (nước Ghana ngày nay): nhập khẩu đường, bột mì, cá hộp và gạo phải cắt đi gần 2/3 (không nói chi đến bông nhập khẩu đã phải cắt đi 98%) chỉ vì thị trường ca cao sụp đổ (người nông dân Ghana sống vì nghề trồng ca cao) (Ohlin, 1931, tr. 52).

Đối với tất cả những ai không liên quan, càng không kiểm soát gì được tới các phương tiện sản xuất (trừ phi trở về làng quê sống với gia đình), tức là đối với tất cả những người làm công, cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại hậu quả đầu tiên là nạn thất nghiệp ở một quy mô ngoài sức tưởng tượng, chưa từng thấy, và kéo dài hơn mọi sự tiên đoán. Trong thời kì tồi tệ nhất (1932-1933), 22-23% nhân công Anh và Bỉ, 24% nhân công Thụy Điển, 27% nhân công Hoa Kỳ, 29% nhân công Áo, 31% nhân công Na Uy, 32% nhân công Đan Mạch và ít nhất 44% nhân công Đức không có công ăn việc làm. Quan trọng không kém, khi nền kinh tế đã vực dậy sau 1933, tỉ số thất nghiệp bình quân của thập niên 1930 cũng không xuống thấp hơn 16-17% ở Anh và Thụy Điển, 20% ở các nước Bắc Âu khác, Áo và Hoa Kỳ. Quốc gia phương Tây duy nhất đã giải quyết được nạn thất nghiệp là Đức Quốc xã, từ 1933 đến 1938. Trong kí ức của người lao động, chưa bao giờ xảy ra một tai họa kinh tế như vầy.

Tình hình càng nguy kịch hơn vì chế độ bảo hộ xã hội (trong đó có trợ cấp cho người thất nghiệp) hoặc hoàn toàn không có (như ở Mỹ) hoặc rất hạn hẹp so với những tiêu chuẩn cuối thế kỉ XX, nhất là đối với những người thất nghiệp dài hạn. Vì vậy, vấn đề an toàn luôn luôn là quan tâm cốt tử đối với người lao động: được bảo vệ chống lại sự bấp bênh của công ăn việc làm (tiền lương), chống lại tật bệnh, tai nạn, và thảm cảnh tuổi già không có thu nhập. Vì vậy mà họ mơ ước cho con cái kiếm được việc làm lương thấp chăng nữa nhưng bền chắc và có hưu bổng. Ngay tại những nước có chế độ bảo hiểm thất nghiệp trước khi xảy ra Khủng hoảng (Anh), thì cũng chỉ có 60% nhân công được hưởng chế độ này – mà có được như vậy cũng vì từ năm 1920 trở đi, nước Anh đã phải thích nghi với tình trạng tỉ lệ thất nghiệp cao. Ở các nước châu Âu khác (không kể Đức, tỉ lệ lao động có bảo hiểm thất nghiệp cũng ở trên mức 40%), tỉ số người lao động có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ ở mức từ 0 đến 25% (Flora, 1983, tr. 461). Sống trong hoàn cảnh chỗ làm bấp bênh hay thất nghiệp định kì, khi không kiếm ra công việc mà tiền để dành cạn kiệt, sổ nợ ở cửa hàng tạp hóa lên tới mức không thể mua chịu được nữa, người lao động lâm vào tình trạng tuyệt vọng.

Sinh hoạt chính trị của các nước công nghiệp đã bị chấn thương bởi tác động xuyên tâm của nạn thất nghiệp đại chúng bởi vì số đông dân chúng cảm nhận như vậy về cuộc Đại Khủng hoảng. Họ không cần biết rằng các nhà sử học kinh tế (và logic bình thường) có thể chứng minh rằng đa số nhân công của mỗi nước vẫn có công ăn việc làm ngay cả trong giai đoạn xấu xa nhất, và trên thực tế, mức sống của họ khấm khá hơn vì vật giá giảm đi ở khắp nơi trong thời kì giữa hai cuộc chiến tranh, và trong những năm khó khăn nhất, giá lương thực lại giảm nhanh hơn vật giá nói chung. Hình ảnh ấn tượng nhất của những năm tháng này là những nồi xúp phát chẩn, những “cuộc đi bộ đói khát” của người thất nghiệp, rời khỏi những nhà máy ngừng nhả khói, không còn sản xuất sắt thép, tàu thuyền; hội tụ về thủ đô tố cáo những kẻ mà họ coi là thủ phạm. Các nhà chính trị cũng không quên nhận xét rằng 85% đảng viên đảng Cộng sản Đức là người thất nghiệp, rằng trong những năm khủng hoảng số đảng viên cộng sản tăng nhanh gần bằng đảng Nazi, và trong những tháng chót trước khi Hitler lên cầm quyền, còn tăng nhanh hơn nữa (Weber, I, tr. 243).

Nạn thất nghiệp được cảm nhận – điều này không có gì lạ – như vết thương nghiêm trọng, có thể là tử thương trên thân thể của sinh hoạt chính trị. Giữa những năm Thế chiến thứ Hai, một cây bút viết xã luận của báo Times xuất bản tại London cho rằng: “Cùng với chiến tranh, nạn thất nghiệp là căn bệnh tràn lan nhất, tai ác nhất và hiểm nghèo nhất của thế hệ chúng ta: ngày nay, nó là căn bệnh xã hội đặc thù của nền văn minh phương Tây” (Arndt, 1944, tr. 250). Trong suốt lịch sử của cuộc công nghiệp hóa, chưa ai viết như vậy bao giờ. Câu văn ấy cắt nghĩa chính sách của chính quyền các nước phương Tây sau chiến tranh rõ ràng hơn mọi cuộc tìm kiếm dài hơi trong các kho lưu trữ.

Lạ một điều, giới doanh nhân, giới nghiên cứu kinh tế và các nhà chính trị lại cảm nhận cuộc Đại Khủng hoảng như một tai họa đảo điên một cách sâu sắc hơn cả đại chúng. Nạn thất nghiệp đông đảo, giá cả nông phẩm suy sụp là những đòn giáng lên đầu họ, nhưng những người dân bình thường vẫn chắc mẩm thế nào cũng có một giải pháp cho những bất công bất ngờ ấy – bên tả cũng như bên hữu – đó là giả sử rằng họ có nuôi hi vọng là những nhu cầu nhỏ nhoi của họ được đáp ứng. Thảm kịch của những người nắm quyền lực về kinh tế chính là đây: trong khuôn khổ nền kinh tế “liberal” cũ, hoàn toàn không thể có giải pháp. Để đối phó với các cuộc khủng hoảng ngắn hạn trước mắt, thì họ buộc phải đụng chạm tới nền tảng của một nền kinh tế thế giới mà về dài hạn, lại rất khả quan – ít nhất, đó là cách nhìn của họ. Trong khi mậu dịch thế giới trong 4 năm (1929-1932) giảm đi 60%, thì các quốc gia lại dựng lên những hàng rào mỗi ngày một cao hơn để bảo vệ thị trường quốc nội và đồng tiền quốc gia trong cơn phong ba kinh tế thế giới, mặc dầu họ biết rõ rằng làm như vậy, họ sẽ phá tan hệ thống quốc tế mậu dịch đa phương mà đối với họ, lại là điều kiện cho sự thịnh vượng chung. Hòn đá tảng của hệ thống này là “điều khoản tối huệ quốc” đã bị xóa bỏ trong gần 60% các hiệp ước thương mại được kí kết trong thời gian từ 1931 đến 1939; và trong những hiệp ước còn giữ điều khoản này, nó cũng chỉ tồn tại dưới một dạng thức hạn hẹp[21] (Snydern, 1940). Tình hình này cứ tiếp tục đến bao giờ? Liệu có cách nào kết thúc cái vòng lẩn quẩn này chăng?

Ở một phần dưới, chúng ta sẽ trở lại hậu quả chính trị trực tiếp của giai đoạn chấn thương ghê gớm nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Trước mắt, cũng nên nêu ngay lên hệ quả chính trị quan trọng nhất đứng về mặt dài hạn. Nói tóm gọn: cuộc Đại Khủng hoảng đã phá tan chủ nghĩa “liberal” về kinh tế trong suốt nửa thế kỉ sau đó. Năm 1931-1932, các nước Anh, Canada, toàn bộ các nước Bắc Âu và Hoa Kỳ đã từ bỏ bản vị vàng, vốn được coi là nền tảng của mậu dịch quốc tế ổn định; đến năm 1936, đến phiên những người vốn sùng tín vàng thoi là Bỉ và Hà Lan, rồi cuối cùng, cả người Pháp[22]. Một biểu tượng nữa là năm 1931, nước Anh đã từ bỏ chủ trương tự do mậu dịch vốn gắn liền với “bản sắc” kinh tế Anh từ năm 1840, chẳng khác gì Hiến pháp Mỹ là “căn cước” chính trị của Hoa Kỳ. Việc người Anh từ bỏ những nguyên tắc trao đổi tự do trong một nền kinh tế thế giới duy nhất minh họa một cách thuyết phục nhất làn sóng “chủ nghĩa bảo hộ”. Nói một cách chính xác, cuộc Khủng hoảng bắt buộc chính phủ các nước phương Tây phải ưu tiên xét tới những khía cạnh xã hội thay vì những khía cạnh kinh tế khi họ vạch ra đường lối chính thức. Buông xuôi không làm gì sẽ phải đương đầu với những mối nguy nghiêm trọng: xu hướng triệt để hóa của phái tả, và của cả phái hữu, như tình hình Đức và một số nước khác đã cho thấy.

Cho nên, chính quyền mỗi nước bảo vệ nông nghiệp trong nước chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài không chỉ đơn thuần bằng hàng rào quan thuế, mặc dầu trước đó, họ cũng đã tăng thuế nhập khẩu. Trong cuộc Khủng hoảng, họ còn trợ cấp nông nghiệp bằng cách bảo đảm mức giá nông phẩm, mua của nông dân những sản phẩm dư thừa, hoặc cấp tiền để nông dân ngừng trồng trọt như ở Hoa Kỳ sau năm 1933. Chính tiền lệ từ cuộc Đại Khủng hoảng này là nguồn gốc những nghịch lí kì quái trong “Chính sách chung về nông nghiệp” của Cộng đồng châu Âu trong suốt những thập niên 1970 và 1980: trợ cấp cho những thiểu số nông dân ngày càng teo lại, khiến cho Cộng đồng có nguy cơ bị phá sản.

John M. Keynes (1883-1946)

Sau Thế chiến thứ Hai, công ăn việc làm đầy đủ cho người lao động, nghĩa là giải quyết được nạn thất nghiệp “đại chúng”, trở thành hòn đá tảng cho chính sách kinh tế ở các nước theo chủ nghĩa tư bản dân chủ cải lương, mà nhà tiên tri và tiên phong nổi tiếng nhất (tuy không phải là người duy nhất) là nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes (1883-1946). Luận điểm của Keynes nhằm trừ khử nạn thất nghiệp đại chúng thường xuyên vừa có tính chất kinh tế vừa có tính chất chính trị. Những người theo trường phái Keynes cho rằng – và đúng thế – nhu cầu phát sinh từ thu nhập của số đông dân chúng có công ăn việc làm sẽ là một kích thích tố rất tốt đối với một nền kinh tế sa sút. Nhưng sở dĩ chủ trương kích cầu này được coi là ưu tiên – ngay trước khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, chính phủ Anh đã quyết sách như vậy – là bởi vì người ta cho rằng nạn thất nghiệp đại chúng là một “thùng thuốc nổ” chính trị và xã hội. Đây là một xác tín ăn sâu tới mức mà, nhiều năm sau, khi nạn thất nghiệp đại trà tái phát, nhất là trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đầu thập niên 1980, nhiều nhà quan sát (trong đó có người viết sách này) tin chắc thế nào cũng sẽ có náo loạn xã hội và rất ngạc nhiên thấy không có gì xảy ra cả (xem ch. 14).

Nguyên nhân chủ yếu, cố nhiên, là biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng trong khi xảy ra Khủng hoảng, và sau đó, như một bài học rút ra từ Khủng hoảng: tạo lập những chế độ bảo hộ xã hội hiện đại. Mấy ai ngạc nhiên khi Hoa Kỳ thông qua đạo luật Social Security Act năm 1935? Ngày nay, chúng ta quá quen thuộc với sự tồn tại của những chế độ bảo hiểm xã hội phổ biến tại các nước phát triển của chủ nghĩa tư bản công nghiệp – chỉ có vài biệt lệ là Nhật Bản, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ – đến nỗi quên mất rằng khái niệm “Nhà nước ban phát” (theo nghĩa hiện đại của cụm từ này) trước ngày Thế chiến thứ Hai là một điều hiếm có. Lúc đó, ngay các nước Bắc Âu cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện. Sự thật là ngay những cụm danh từ Welfare State (Nhà nước phúc lợi) hay Etat-providence (Nhà nước ban phát) trước năm 1940 cũng chưa thông dụng.

Sir Arthur Salter (1881-1975)

Sự chấn thương do Khủng hoảng gây ra càng nặng nề hơn nữa khi Liên Xô, quốc gia đã lớn tiếng đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản, không bị Khủng hoảng tác động chút nào. Trong khi toàn thế giới – ít nhất là thế giới tư bản “tự do” – bị đình đốn, thì với những kế hoạch năm năm mới, Liên Xô đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa ồ ạt và nhanh chóng. Từ 1929 đến 1940, sản xuất công nghiệp của Liên Xô đã nhân gấp 3. Năm 1929, thành phẩm chế biến Liên Xô chỉ chiếm 5% tổng sản lượng thế giới, đến năm 1938, đã lên tới 18%; trong khi đó thì sản lượng của Hoa Kỳ, Anh và Pháp cộng lại từ 59% giảm xuống mức 52%. Mà Liên Xô lại không có thất nghiệp. Thành tựu ấy đã gây “ấn tượng” đối với các nhà quan sát, bất luận theo ý thức hệ nào, trong đó có những du khách thuộc các giới xã hội - kinh tế, tuy số lượng không lớn nhưng là những người có ảnh hưởng, đã sang thăm Liên Xô trong những năm 1930-1935. Họ bị ấn tượng bởi những thành công ấy nhiều hơn là bởi tính chất sơ khai và kém hiệu quả của nền kinh tế Liên Xô, hay tính chất tàn bạo của đường lối Stalin trong việc tập thể hóa và đàn áp quần chúng. Bởi vì điều mà họ quan tâm muốn tìm hiểu không phải là hiện thực của Liên Xô như nó tồn tại, mà chính là chế độ kinh tế của họ, chính là sự thất bại sâu sắc của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Bí quyết của hệ thống Soviet là gì? Có thể học được gì từ Liên Xô? Sau những “kế hoạch năm năm” ở Nga, “kế hoạch” và “kế hoạch hóa” đã trở thành những danh từ thời thượng ở cửa miệng mọi người. Các đảng Xã hội - Dân chủ cũng thông qua những “kế hoạch”, như ở Bỉ và Na Uy. Còn Sir Arthur Salter, một quan chức cao cấp Anh rất nổi tiếng và được trọng vọng, một “rường cột” của giới “establishment” Anh, đã viết cả một cuốn sách nhan đề Recovery (Bình phục), trong đó ông chứng minh rằng một xã hội kế hoạch hóa là điều kiện cốt tử để đất nước, và cả thế giới, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của cuộc khủng hoảng. Nhiều quan chức cấp cao và cấp trung cũng lập ra những nhóm hội luận không xu hướng đảng phái, gọi tên là PEP (Political and Economic Planning/Kế hoạch hóa chính trị và kinh tế). Những thành viên trẻ của đảng Bảo thủ, như Harold Macmillan (1894-1986) thủ tướng tương lai, đã trở thành người phát ngôn của “công cuộc kế hoạch hóa”. Ngay cả đảng Nazi cũng bắt chước: Hitler phát động kế hoạch năm năm của y ta vào năm 1933 (Vì những lí do mà chúng tôi sẽ đề cập ở chương sau, đảng Nazi đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách thành công sau năm 1933, nhưng thành tích này ít có tác động trên trường quốc tế).

 

II

 

Vì đâu ra sự thất bại của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa giữa hai cuộc Thế chiến? Tình hình nước Mỹ là một nhân tố trung tâm của mọi câu giải đáp. Bởi vì nếu tìm nguyên nhân từ những náo loạn của chiến tranh và thời kì hậu chiến tại châu Âu, hay ít nhất ở các nước tham chiến, thì những yếu tố này chỉ gây ra những vấn đề kinh tế của châu Âu, còn Hoa Kỳ tuy tham chiến trong một giai đoạn ngắn và đã đóng một vai trò quyết định, nhưng vẫn ở cách xa cuộc chiến. Thế chiến thứ Nhất, cũng như Thế chiến thứ Hai, không những đã không gây nhiễu loạn cho kinh tế Mỹ mà còn mang tới cho nó những thuận lợi hiển nhiên. Năm 1913, Hoa Kỳ đã trở thành nền kinh tế số một trên thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng công nghiệp thế giới, chỉ thua Đức, Anh và Pháp cộng lại. Đến năm 1929, Hoa Kỳ chiếm 42% tổng sản lượng thế giới, trong khi ba cường quốc châu Âu kể trên cộng lại chưa tới 28% (Hilgerdt, 1945, bảng I.14). Đó là những con số đáng kinh ngạc. Cụ thể là, từ năm 1913 đến 1920, sản lượng thép của Hoa Kỳ tăng 1/4 trong khi sản lượng của phần còn lại trên thế giới giảm đi 1/3 (Rostow, 1978, tr. 194, bảng III. 33). Tóm lại, đến cuối Thế chiến thứ Nhất, kinh tế Mỹ đã chiếm vị trí thống trị trên trường quốc tế về nhiều mặt, và vị trí ấy, nó cũng giành lại được sau Thế chiến thứ Hai. Chính cuộc Đại Khủng hoảng đã tạm thời làm gián đoạn quá trình đi lên của nó.

Thêm nữa, chiến tranh không những đã củng cố vị trí nước sản xuất công nghiệp số 1 trên thế giới của Hoa Kỳ, mà còn biến quốc gia này thành chủ nợ chính yếu. Trong cuộc chiến tranh, người Anh đã mất đi gần 1/4 số vốn đầu tư trên thế giới, chủ yếu là ở Mỹ: Anh phải dùng tiền vốn để mua sắm vật liệu chiến tranh; người Pháp mất đi gần nửa số vốn đầu tư, chủ yếu do cuộc cách mạng và sụp đổ ở châu Âu. Trong khi đó, người Mỹ lúc chiến tranh bắt đầu còn là người vay vốn, khi chiến tranh kết thúc, đã trở thành chủ nợ quốc tế chủ yếu. Hoa Kỳ lại tập trung hoạt động ở châu Âu và Tây bán cầu (Anh vẫn là nước đầu tư nhiều nhất ở châu Á châu Phi), nên tác động của Hoa Kỳ châu Âu có tính chất quyết định.

Tóm lại, loại bỏ yếu tố Hoa Kỳ thì không thể nào lí giải được cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Nói cho cùng, trong những năm 1920, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu số một trên thế giới, và là nước nhập khẩu thứ hai, sau nước Anh. Về nguyên liệu và thực phẩm, trong thời gian ấy, Hoa Kỳ nhập khoảng 40% tổng số nhập khẩu của 15 quốc gia buôn bán nhiều nhất: chỉ riêng một điều ấy cũng đủ giải thích tác động tai hại của sự đình đốn kinh tế ở Mỹ lên các nước sản xuất ra những sản phẩm cơ bản như lúa mì, bông, đường, cao su, tơ lụa, đồng, thiếc và cà phê (Lary, tr. 28-29). Và đồng thời, Hoa Kỳ cũng trở thành nạn nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng. Từ năm 1929 đến năm 1932, nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm đi 70% thì xuất khẩu cũng giảm đi theo cùng nhịp độ. Trong thời gian 1929-1939, mậu dịch thế giới sụt đi chưa tới 1/3, nhưng xuất khẩu của Hoa Kỳ đã sụt đi gần 50%.

Nói như vậy không phải để giảm nhẹ những nguyên nhân thuần túy châu Âu, chủ yếu bắt nguồn từ tình hình chính trị. Tại Hội nghị hòa bình Versailles (1919), Đức bị trừng phạt bằng những khoản tiền lớn (nhưng không định lượng cụ thể) gọi là bồi thường chi phí chiến tranh và những thiệt hại mà Đức đã gây ra cho các cường quốc thắng trận. Để biện minh, người ta đã cho vào hiệp định một điều khoản quy kết nước Đức một mình phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh (điều “tội gây chiến”), đứng về mặt lịch sử, đây là một điều khả nghi, đứng về mặt chính trị nó thổi dầu vào lửa của chủ nghĩa dân tộc ở Đức. Hiệp định để ngỏ tổng cộng số tiền bồi thường, một sự thỏa hiệp giữa lập trường của Hoa Kỳ là quy định số tiền theo khả năng chi trả của Đức, và lập trường của các đồng minh khác – chủ yếu là Pháp – muốn bồi thường tương ứng với phí tổn chiến tranh. Mục tiêu thực sự của họ, ít nhất của Pháp, là duy trì Đức ở trạng thái yếu kém để Pháp có thể làm sức ép với Đức. Năm 1921, tổng số bồi thường được ấn định là 132 tỉ Mark-vàng, tính theo thời giá là 33 tỉ Đô la [Mỹ]: một con số mà mọi người đều biết là ảo vọng.

Câu chuyện “bồi thường” gây ra những cuộc tranh luận bất tận, những cuộc khủng hoảng chính trị trở đi trở lại theo chu kì, phải để Hoa Kỳ phân xử. Bị thiệt thòi lại là những đồng minh cũ: Washington muốn gắn vấn đề Đức nợ Đồng minh với những món tiền mà các nước Đồng minh đã vay nợ của nước Mỹ trong những năm chiến tranh. Đó là những món tiền kinh khủng không kém món nợ của Đức (1,5 lần tổng thu nhập toàn quốc của Đức năm 1929; tiền nợ Mỹ của nước Anh ngang một nửa thu nhập toàn quốc; nợ của Pháp bằng 2/3 (Hill, 1988, tr. 15-16). Năm 1926, “Kế hoạch Dawes” định mức các số tiền mà Đức phải trả; năm 1929, “Kế hoạch Young” sửa đổi lịch trả nợ, đồng thời lập ra Ngân hàng thanh toán quốc tế ở Bâle (Thụy Sĩ): đây là định chế tài chính quốc tế đầu tiên, hàng loạt định chế tương tự sẽ được đặt ra sau Thế chiến thứ Hai. (Khi tôi viết những dòng này, Ngân hàng ấy vẫn tiếp tục hoạt động). Thật ra, từ năm 1932 trở đi, chẳng nước nào (Đức cũng như Đồng minh) còn trang trải nữa. Chỉ còn một mình Thụy Điển vẫn tiếp tục trả nợ Hoa Kỳ.

Không vào sâu chi tiết, chỉ cần nói có hai vấn đề nổi cộm. Trước tiên là vấn đề đã được nêu lên bởi một người trẻ là John Maynard Keynes, tác giả cuốn sách phê phán nghiêm khắc hội nghị Versailles mà ông đã tham gia với tư cách thành viên của phái đoàn Anh: Những hậu quả kinh tế của hòa bình (1920). Keynes cho rằng nếu không khôi phục nền kinh tế Đức thì không thể nào tái lập ở châu Âu một nền văn minh và kinh tế tự do ổn định. Duy trì nước Đức ở thế yếu vì “an ninh” của Pháp như Paris yêu cầu, theo Keynes, là một chính sách phản tác dụng. Thật ra người Pháp quá yếu để có thể áp đặt chính sách của họ, mặc dầu năm 1923 họ viện cớ Đức không chịu bồi thường để chiếm đóng trong một thời gian ngắn trung tâm công nghiệp của miền tây nước Đức. Rốt cuộc, từ 1924 trở đi, họ buộc phải chấp nhận một chính sách hòa giải nhằm củng cố kinh tế Đức.

Vấn đề nữa là bồi thường dưới hình thức gì. Những người muốn Đức suy yếu thì muốn đòi tiền mặt hơn là giải pháp hợp lý hơn, đền bù bằng một phần hàng hóa do Đức sản xuất, hoặc ít nhất là chỉ lấy một phần thu nhập do xuất khẩu, bởi vì giải pháp này củng cố nền kinh tế Đức chống lại sự cạnh tranh. Thực tế họ đã buộc Đức phải vay mượn nặng nề vì rốt cuộc tiền bồi thường lấy ra từ những khoản vay lớn của Mỹ trong thập niên 1920. Đối với các đối thủ của Đức, điều này có thêm lợi điểm là khiến cho Đức thêm nợ nần thay vì xuất khẩu hàng hóa để quân bình cán cân ngoại thương. Thế là nhập khẩu của Đức tăng vọt. Nhưng, như đã nói ở trên, cơ cấu này dẫn tới hậu quả là cả Đức lẫn châu Âu trở nên cảm ứng nhạy bén với sự suy sụt của tình hình tín dụng ở Mỹ. Quá trình suy sụt này đã bắt đầu từ trước cuộc khủng hoảng và trước khi cái vòi tín dụng bị khóa lại năm 1929 sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra ở phố Wall. Và lâu đài làm bằng những lá bài của sự bồi thường đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng. Nhưng lúc ấy, việc ngừng trả nợ không hề có tác động tích cực nào đối với kinh tế Đức hay kinh tế thế giới bởi vì cũng như trong những năm 1931-1933 đối với các hệ thống thanh toán quốc tế, kinh tế thế giới không còn là một hệ thống tích hợp nữa rồi.

Tuy nhiên, những xáo trộn của chiến tranh và thời kì hậu chiến cũng như tình hình chính trị phức tạp ở châu Âu chỉ giải thích được một phần tính chất nghiêm trọng của sự suy sụp kinh tế xảy ra giữa hai cuộc Thế chiến. Về mặt kinh tế mà nói, có hai cách tiếp cận sự suy sụp này.

Cách tiếp cận thứ nhất nhìn thấy trong nền kinh tế quốc tế một sự mất cân bằng lớn, ngày càng nghiêm trọng, do sự phát triển chênh lệch giữa Hoa Kỳ và thế giới. Có thể nói rằng hệ thống thế giới vận hành không suôn sẻ nữa vì khác với nước Anh trước năm 1914 ở vị trí trung tâm, Hoa Kỳ không cần đến các nước khác. Trước đó, Anh biết rằng hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng Bảng Anh nên họ cố gắng giữ cho nó ổn định. Còn Hoa Kỳ không màng gì tới vai trò giữ ổn định cho kinh tế thế giới. Hơn trước nữa, Hoa Kỳ không cần nhập tư bản, nhân công và (phần nào) của cải (ngoại trừ một số nguyên liệu). Hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ là quan trọng đứng về mặt quốc tế – Hollywood gần như độc chiếm thị trường điện ảnh thế giới – nhưng tỉ trọng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong thu nhập quốc gia thấp hơn nhiều so với các nước công nghiệp khác. Có thể tranh luận về tầm quan trọng của sự “thoái thác” này của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới, nhưng rõ ràng cách lí giải nguyên nhân khủng hoảng đã tác động tới các nhà kinh tế học và những người nắm quyền quyết định ở Mỹ trong thập niên 1940 và, trong thời kì chiến tranh, nó đã thúc đẩy Washington quyết định đảm nhiệm sự ổn định của kinh tế thế giới sau 1945 (Kindleberger, 1973).

Cách tiếp cận thứ hai về cuộc Khủng hoảng chú trọng tới sự bất cập của kinh tế thế giới trong việc tạo ra mức cầu khả dĩ bảo đảm sự phát triển lâu bền. Như ta đã thấy, sự phồn thịnh của thập niên 1920 dựa trên một nền móng dễ đổ vỡ, ngay cả ở Hoa Kỳ là nơi mà nông nghiệp thực ra đã bắt đầu khủng hoảng, còn đồng tiền lương vẫn dẫm chân tại chỗ trong những năm cuối của cuộc “phát triển điên cuồng”, trái ngược với huyền thoại về thời kì hoàng kim của nhạc Jazz (Historical Statistics of the USA, I., tr. 164, bảng D722-727). Như thường xảy ra trong những giai đoạn thị trường phát triển mạnh mẽ, đồng lương vẫn lệt bệt trong khi lợi nhuận nhảy vọt, người giàu giành lấy phần lớn nhất của “miếng bánh” thu nhập quốc dân. Khối lượng cầu do đó không theo kịp nhịp độ tăng năng suất của cỗ máy công nghiệp của thời đại tột đỉnh của Henry Ford, thế là xảy ra tình trạng siêu sản xuất và đầu cơ. Và chính hiện tượng này đã gây ra sự suy sụp. Các nhà sử học và các nhà kinh tế đã và còn đang bàn cãi về vấn đề này, nhưng bất luận thế nào, những người đương thời quan tâm tới chính sách công quyền đều ý thức được sự chênh lệch cầu ít cung nhiều. Và đầu tiên là John Maynard Keynes.

Khi xảy ra sự sụp đổ, tác động của nó đương nhiên càng nghiêm trọng hơn nữa ở Mỹ vì sự trì trệ của cầu trước đó đã được bù trừ bằng việc tăng cường tín dụng cho tiêu thụ. (Những ai còn nhớ tình hình cuối thập niên 1980 không xa lạ gì với hiện tượng này). Các ngân hàng trước đó đã bị thiệt hại vì nạn đầu cơ bất động sản lên tới cao điểm mấy năm trước cuộc khủng hoảng do sự hiệp lực quen thuộc của những phần tử lạc quan thâm căn cố hữu và vô số những vụ lừa đảo địa ốc[23], bị quá nhiều nợ xấu, không chịu cho vay thêm về địa ốc hay tái tài trợ những tín dụng hiện tồn. Ấy thế mà hàng loạt ngân hàng vẫn bị phá sản[24], và (năm 1933), gần một nửa thế chấp bằng bất động sản không được trang trải, các vụ tịch thu nhà cửa mỗi ngày tăng thêm cả nghìn (Miles và những người khác, 1991, tr. 108). Chỉ tính riêng những người mua ô tô, họ nợ 1,4 tỉ US$ trên tổng số nợ cá nhân ngắn hạn hay vừa hạn là 6,5 tỉ US$ (Ziebura, tr. 49). Nền kinh tế càng dễ bị tổn thương với sự bành trướng tín dụng như vậy vì người đi vay không dùng tiền vay để mua sắm những hàng hóa tiêu thụ đại chúng truyền thống cần thiết cho việc duy trì sự toàn vẹn thân thể và tinh thần: cái ăn, cái mặc..., tức là những tiêu pha không thể dồn ép được. Nghèo khó đến đâu chăng nữa, người ta cũng không thể giảm số tiền đi chợ xuống dưới một mức tối thiểu nhất định; và nếu thu nhập tăng lên gấp đôi, thì những nhu cầu tối thiếu này cũng không nhân đôi lên theo. Bởi vậy trước đó họ đã mua sắm những sản phẩm lâu bền của xã hội tiêu thụ hiện đại mà ở thời đó, Hoa Kỳ là nước đi tiên phong. Thế mà việc mua sắm ô tô hay nhà ở lại rất dễ được trì hoãn, cho nên, so với thu nhập nhu cầu trong lãnh vực này hết sức co dãn và ở một mức rất cao.

Thành thử, tác động của cuộc khủng hoảng có thể đầy kịch tính trừ phi người ta chờ đợi là nó chỉ là một sự trì trệ ngắn hạn hay qua nhanh, và niềm tin ở tương lai không bị hao mòn. Thế là, từ 1929 đến 1931, sản xuất ô tô của Hoa Kỳ đã giảm đi một nửa, và ở một cấp độ khiêm nhường hơn, sản xuất đĩa nhạc cho công chúng nghèo (đĩa “chủng tộc” và nhạc jazz cho người da đen) một dạo đã phải ngừng. Tóm lại, “khác với ngành đường sắt hay tàu thuyền ngày càng tiến triển, khác việc phổ biến dụng cụ bằng thép và máy công cụ – làm giảm giá thành – sự phổ biến nhanh chóng những sản phẩm hay nếp sống mới đòi hỏi phải có mức thu nhập cao và tăng tiến và một niềm tin lớn vào tương lai” (Rostow, 1978, tr. 219). Mà chính điều đó lại đang tiêu tan.

Joseph Schumpeter (1883-1950)

Sớm muộn, cuộc suy thoái tuần hoàn tệ hại nhất rồi cũng phải kết thúc, và từ sau năm 1932, xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy thời điểm tồi tệ đã qua rồi. Thật vậy, kinh tế một vài nước đã khởi động trở lại. Tới cuối thập niên 1930, Nhật Bản, và ở một quy mô nhỏ hơn, Thụy Điển đã đạt mức sản xuất gần gấp đôi so với trước khủng hoảng, và năm 1938, kinh tế Đức (Italia thì không) so với mức 1929 đã tăng 25%. Lờ đờ như kinh tế nước Anh cũng có nhiều dấu hiệu năng động. Nhưng rốt cuộc, kinh tế thế giới vẫn chưa bình phục. Thế giới vẫn chưa thoát ra cuộc khủng hoảng. Điều đó, có thể thấy rõ ràng trong nền kinh tế quan trọng nhất là kinh tế Hoa Kỳ bởi vì các cuộc thử nghiệm – nhiều khi thiếu nhất quán – tiến hành dưới quốc sách “New Deal” của tổng thống F. D. Roosevelt nhằm tái phát động nền kinh tế thực ra đã không tương xứng với những hứa hẹn về mặt kinh tế. Kinh tế vừa vực mạnh lên được thì đến năm 1937-1938, lại khủng hoảng một lần nữa, tuy ở một quy mô nhỏ hơn năm 1929. Khu vực chủ lực của công nghiệp Mỹ là sản xuất ô tô không bao giờ lấy lại được mức độ kỉ lục năm 1929. Năm 1938, sản xuất ô tô chỉ nhỉnh hơn 1920 một chút (Historical Statistics, II., tr. 716). Nếu đứng từ thời điểm 1990 để nhìn lại, thì quả là những nhà bình luận thông minh của thời đó đã quá bi quan. Trong con mắt của những nhà kinh tế học lỗi lạc, nếu cứ để mặc nó, chủ nghĩa tư bản sẽ sa vào trì trệ. Được Keynes tiên liệu trong cuốn sách lên án hòa ước Versailles, ý kiến này đã được nhiều người ở Hoa Kỳ tán thành sau khi xảy ra cuộc Khủng hoảng. Phải chăng bất cứ nền kinh tế nào đến tuổi trưởng thành cũng đi tới trạng thái trì trệ? Nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter cũng chẩn đoán bi quan về chủ nghĩa tư bản. Sau này ông viết: “Khi nào kinh tế lộn xộn kéo dài khá lâu, thì cũng như mọi người khác, các nhà kinh tế học mang nặng tâm trạng của thời đại và đưa ra những học thuyết khẳng định rằng sự suy thoái sẽ tiếp tục dài dài” (Schumpeter, 1954, tr. 1172). Có lẽ sau này các nhà sử học nhìn lại thời cuối thế kỉ XX cũng sẽ ngạc nhiên thấy trong hai thập niên 1970 và 1980 chúng ta rất ngần ngại xét tới khả năng một cuộc suy thoái tổng quát của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trên thế giới.

Tình hình là như thế, mặc dầu những năm 1930 là một thập niên cải tiến kĩ thuật to lớn trong công nghiệp, chẳng hạn như trong sự phát triển chất dẻo. Trong ngành giải trí cũng như trong lĩnh vực mà sau này ta gọi là “media”, thời kì giữa hai cuộc Thế chiến cũng chứng kiến những bước đột phá, ít nhất trong thế giới Anh - Mỹ, với sự đại thắng của truyền thanh đại chúng và của công nghệ điện ảnh Hollywood, đó là không nói tới họa báo hiện đại dùng kĩ thuật in ảnh chìm quay (rotogravure, xem ch. 6). Có lẽ cũng không phải ngạc nhiên khi ta thấy các rạp chiếu bóng khổng lồ được dựng lên y hệt những lâu đài trong mơ ở chính giữa những thành phố xám xịt chìm ngập trong cảnh thất nghiệp tràn lan, bởi giá vé vào cửa tương đối rất rẻ; tuổi trẻ, cũng như người già, cả hai lứa tuổi đều mất việc với một tỉ lệ cao (hồi đó cũng như sau này), nên có dư thời giờ để “giết”. Các nhà xã hội học còn nhận xét một điều nữa là trong thời gian khủng hoảng, các cặp vợ chồng lại có xu hưởng chia sẻ những thú tiêu khiển nhàn nhã (Stouffer, Lazarsfeld, tr. 55, 92).

 

III

 

Jean Baptiste Say (1767−1832)

Cuộc Đại Khủng hoảng càng khiến cho giới trí thức, những người hoạt động chính trị và những công dân bình thường tin chắc rằng thế giới mà họ đang sống có một cái gì sai trái về cơ bản. Phải làm gì, thì ai mà biết? Chắc chắn chẳng có mấy ai trong giới cầm quyền, và càng không phải là những người đang cố gắng lèo lái những công cụ hàng hải truyền thống của chủ nghĩa liberal cố hữu hay của tín điều cổ truyền, dựa trên bản đồ hàng hải rõ ràng đã lỗi thời của thế kỉ XIX. Làm sao tin được những nhà kinh tế học, cho dù họ xuất sắc tới đâu chăng nữa, một khi họ đã chứng minh hùng hồn rằng cuộc khủng hoảng mà chính họ vừa trải nghiệm không thể nào xảy ra trong một xã hội thị trường được lãnh đạo một cách đàng hoàng, bởi vì (theo “định luật Say”, gọi theo tên người Pháp [Jean-Baptiste Say] đầu thế kỉ XIX) không thể nào có hiện tượng siêu sản xuất mà tự nó không nhanh chóng tự điều chỉnh? Năm 1933, khó tin được những điều như: cầu về hàng tiêu dùng, tức là tiêu dùng, giảm đi do khủng khoảng, lãi suất giảm xuống mức cần thiết để kích đầu tư, sao cho cầu về đầu tư tăng lên vừa đủ để lấp đầy lỗ hổng do giảm cầu của người tiêu thụ gây ra. Trong khi nạn thất nghiệp tăng vọt lên cao, cũng khó tin (như Ngân khố Anh) rằng các công trình công cộng không hề tạo thêm công ăn việc làm, bởi vì chúng chỉ giành vốn của khu vực tư nhân, mà với số vốn ấy, khu vực tư nhân đã có thể tạo ra số công ăn việc làm tương đương. Những nhà kinh tế chủ trương cứ để cho nền kinh tế đi theo dòng chảy tự nhiên của nó, và những chính phủ, ngoài việc bảo vệ bản vị vàng bằng những chủ trương giảm phát, thì phản xạ đầu tiên là tuân theo học thuyết chính thống về tài chính, cân bằng ngân sách và giảm thiểu giá thành, rõ ràng đã không cải thiện được tình hình. Thực tế là cuộc khủng hoảng kéo dài, và nhiều người đã lên tiếng tố giác họ chỉ làm cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thêm: trong đó phải kể J. M. Keynes, trong suốt 40 năm sau đó, sẽ trở thành nhà kinh tế học có uy tín nhất. Đối với những ai trong chúng ta đã từng trải qua cuộc Đại Khủng hoảng, thật khó hiểu tại sao những học thuyết chính thống về thị trường tự do thuần túy đã lộ rõ khuyết tật như vậy, vẫn trở lại ngự trị trong suốt thời kì khủng hoảng thế giới cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990, một cuộc khủng hoảng mà chúng không tài nào hiểu nổi và không biết xử lí ra sao. Hiện tượng kì quái này nhắc nhở chúng ta một đặc tính của lịch sử: các nhà lí luận và các nhà thực hành kinh tế học hay quên những bài học lịch sử. Nó cho ta hiểu rằng xã hội rất cần có các nhà sử học, mà chuyên nghiệp là kí ức tập thể, mà nhiệm vụ là nhắc nhở đồng bào và đồng loại những điều mà họ muốn quên.

Bất luận thế nào, còn gì là “kinh tế thị trường” khi mà sự thống trị của các đại công ti ngày càng áp đảo, làm cho cụm từ “cạnh tranh hoàn hảo” trở nên vô nghĩa, và khi mà những nhà kinh tế học vốn phê phán Karl Marx thừa nhận rằng Marx có lí, nhất là khi ông tiên tri sự tập trung ngày càng cao của tư bản (Leontiev, 1977, tr.78)? Chẳng cần phải là người mác-xít hay quan tâm tới Marx mới thấy rằng chủ nghĩa tư bản của thời kì giữa hai cuộc Thế chiến khác xa nền kinh tế cạnh tranh của thế kỉ XIX. Từ lâu trước cuộc sụp đổ ở phố Wall, một chủ ngân hàng Thụy Sĩ thông minh đã giải thích sở dĩ có xu hướng ngả về chế độ cực quyền – phát-xít, cộng sản hay đặt dưới quyền của những đại công ti không lệ thuộc vào các cổ đông – là vì chủ nghĩa liberal về kinh tế và, ông còn thêm, chủ nghĩa xã hội trước năm 1917 đã không còn giữ được cương lĩnh có tính phổ quát của họ nữa (Somary, 1929, tr. 174, 193). Và đến cuối thập niên 1930, các học thuyết liberal chính thống về thị trường thuần túy và hoàn hảo đã thoát li thực tế tới mức người ta thấy nền kinh tế thế giới chia làm ba khu vực riêng rẽ: khu vực thị trường, khu vực liên chính phủ (trong đó những nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như Nhật Bản, Thổ, Đức và Liên Xô, trao đổi với nhau) và khu vực trong đó những cơ quan quốc tế công cộng hay nửa công cộng điều chỉnh một vài lĩnh vực kinh tế (thông qua các “hiệp ước quốc tế về sản phẩm” chẳng hạn) (Staley, 1939, tr. 231).

Herbert Hoover (1874-1964)

Không có gì đáng ngạc nhiên, cuộc Đại Khủng hoảng đã tác động kịch liệt và tức thời vào đời sống chính trị và tâm trạng của công chúng. Thật là khổ sở, cảnh ngộ của các chính quyền trong cơn bão tố, bất luận là phái hữu, như chính quyền Herbert Hoover ở Hoa Kỳ (1928-1932), hay phái tả, như chính phủ Công đảng ở Anh và Australia. Sự thay đổi chính quyền không phải nơi nào cũng diễn ra ngay tức khắc như ở châu Mỹ Latin (trong thời gian 1930-1931, đã có thay đổi ở 12 nước ở đây, trong đó có 10 cuộc đảo chính quân sự). Tuy nhiên, đến giữa thập niên 1930, hiếm có quốc gia nào mà sinh hoạt chính trị so với trước năm 1929 không thay đổi sâu sắc. Châu Âu và Nhật Bản ngả sang phía hữu, trừ ở Bắc Âu, là nơi mà năm 1932 Thụy Điển bắt đầu chế độ Xã hội - Dân chủ kéo dài nửa thế kỉ, và ở Tây Ban Nha là nơi mà năm 1931 triều đình Bourbons nhường chỗ cho một chế độ Cộng hòa bất hạnh và yểu mệnh. Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở chương sau, nhưng ngay ở đây, phải nói rằng thắng lợi gần như đồng thời của chế độ quốc gia chủ nghĩa, hiếu chiến và hung hãn tại hai cường quốc quân sự – Nhật Bản (1931) và Đức (1933) – là kết quả hàng đầu, mang nặng hậu quả và đen tối nhất, của cuộc Đại Khủng hoảng. Cánh cửa của cuộc Thế chiến thứ Hai năm 1931 đã mở ra.

Benito Mussolini (1883-1945)

Các lực lượng cực hữu đã củng cố vì lợi dụng được những thất bại nặng nề của phái tả cách mạng, ít nhất trong những năm kinh tế đình đốn nhất. Bởi vì cuộc Khủng hoảng không những đã không mở ra một làn sóng cách mạng xã hội mới như Quốc tế Cộng sản tiên đoán, mà nó còn đẩy phong trào cộng sản quốc tế (không kể Liên Xô) vào tình trạng suy yếu chưa từng thấy. Phải nói rằng phần nào cũng do chủ trương tự vẫn của Quốc tế Cộng sản không những đã mắc sai lầm to lớn là coi nhẹ nguy cơ Nazi mà còn tự cô lập bằng một đường lối chính trị bè phái đến mức không thể tưởng tượng: nhận định rằng kẻ thù chủ yếu của mình là phong trào công đoàn của các đảng Xã hội - Dân chủ và Công đảng (gọi họ là “bọn Xã hội – phát-xít”[25]). Năm 1934, Hitler coi như đã triệt hạ được ĐCS Đức (KPD) mà Moskva đã đặt hi vọng cách mạng thế giới vào đấy, và trước đó KPD đúng là đảng bộ quan trọng nhất, năng động và nhiều tính chiến đấu nhất của Quốc tế Cộng sản; cùng lúc đó ngay những người cộng sản Trung Hoa đã bị đánh đuổi khỏi những căn cứ du kích nông thôn, cũng phải kéo nhau chạy dài trong cuộc Vạn lý Trường chinh tìm nơi ẩn náu ở nơi an toàn xa xôi hẻo lánh; rõ ràng là tổ chức phong trào cách mạng quốc tế, công khai hay bí mật, chẳng còn gì mấy. Ở châu Âu năm 1934, chỉ còn ĐCS Pháp là thật sự hiện tồn về mặt chính trị. Tại nước Italia phát-xít, 10 năm sau cuộc bộ hành “Tiến về Roma”, trong khi tình hình quốc tế trì trệ, Mussolini cảm thấy vị thế của mình đủ mạnh để phóng thích vài tù nhân cộng sản để chào mừng kỉ niệm 10 năm (Spriano, 1969, tr. 397). Chỉ vài năm nữa thôi, tình thế sẽ khác hẳn (xem ch. 5). Trước mắt, sự thật hiển nhiên là: ít nhất ở châu Âu, tác động trực tiếp của tình hình kinh tế đình đốn đã xảy ra ngược hẳn lại sự tiên đoán của người cách mạng.

Sự thoái trào của phái tả không chỉ khu biệt trong hàng ngũ cộng sản, vì thắng lợi của Hitler ở Đức đã làm biến mất cả đảng Xã hội - Dân chủ, và một năm sau đó, đảng Xã hội - Dân chủ Áo cũng phải khuất phục sau một cuộc kháng chiến vũ trang ngắn ngủi. Tại Anh, Công đảng thất cử từ năm 1931, nạn nhân của đình đốn kinh tế, hay đúng hơn vì quá tin tưởng vào học thuyết kinh tế chính thống thế kỉ XIX, còn các công đoàn, số hội viên tụt xuống dưới mức năm 1913 vì từ năm 1920, đã mất đi một nửa hội viên. Nói chung, chủ nghĩa xã hội châu Âu đã bị dồn tới chân tường.

Lazaro Cardenas (1895-1970)

Tuy nhiên, ở ngoài châu Âu ra, tình hình có khác. Bắc Mỹ ngả hẳn sang phía tả: Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945) thử nghiệm một chính sách New Deal triệt để hơn, trong khi Mexico, với tổng thống Lazaro Cardenas (1934-1940) đã tìm lại tiến bộ ban đầu của cuộc Cách mạng Mexico lần thứ nhất, nhất là trong vấn đề cải cách ruộng đất. Những cuộc vận động xã hội và chính trị mạnh mẽ đã triển khai khắp các vùng đồng bằng Canada bị lao đao trong cuộc khủng hoảng: cả tổ chức Social Credit (Tín dụng Xã hội) và Cooperative Commonwealth Federation (Liên đoàn Thịnh vượng Hợp tác, tiền thân của đảng New Democratic Party/Đảng Dân chủ Mới) đều là những phong trào phái tả, theo tiêu chuẩn của thập niên 1930.

Còn ở châu Mỹ Latin cũng khó xác định tác động chính trị của cuộc khủng hoảng kinh tế vì khi giá sản phẩm cơ bản tụt dù làm cho tài chính các nước Nam Mỹ khánh kiệt, các chính phủ và đảng cầm quyền thi nhau rơi rụng nhưng không cùng một hướng. Thậm chí số chính phủ phái tả bị đổ nhiều hơn số phái hữu dù chỉ là tạm thời. Sau một thời gian dài chính quyền dân sự, Argentina bước vào thời kì chính phủ quân nhân; và tuy rằng những tướng lĩnh có xu hướng phát-xít như Uriburu (1930-1932) đã nhanh chóng bị gạt ra, chính quyền Argentina rõ ràng là khuynh hữu, dù là phái hữu theo hướng truyền thống. Chile thì ngược lại, đã nhân cuộc khủng hoảng, lật đổ được Carlos Ibañez (1927-1931), một trong những tổng thống độc tài quân sự hiếm hoi của Chile trước thời Pinochet, và nghiêng hẳn về phía tả. Thậm chí, năm 1932, một nền “Cộng hòa XHCN” sớm nở tối tàn đã được dựng nên dưới sự lãnh đạo của một đại tá có cái tên rất hùng hồn là Marmaduke Grove, sau đó là sự thành lập một Mặt trận nhân dân theo mô hình châu Âu (xem ch. 5). Tại Brasil, cuộc khủng hoảng đã gióng chuông báo tử cho nền “cộng hòa cũ” của tập đoàn cầm quyền 1889-1930, thay thế bằng một chính khách dân túy, quốc gia chủ nghĩa, Getulio Vargas (xem ch. 4, phần IV), là người từ đó sẽ chế ngự lịch sử đất nước này suốt 20 năm. Tại Peru, xu hướng khuynh tả rõ nét hơn, tuy rằng chính đảng mạnh nhất trong các đảng mới thành lập – APRA, Liên minh Nhân dân Cách mạng châu Mỹ, một trong những đảng công nhân đại chúng theo kiểu châu Âu rất hiếm có ở Tây bán cầu[26] – đã thất bại, không thực hiện được những tham vọng cách mạng của mình (1930-1932). Xu hướng khuynh tả còn rõ nét hơn nữa ở Columbia: dưới sự lãnh đạo của một vị tổng thống cải cách chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chính sách New Deal của Roosevelt, đảng Tự do lên nắm chính quyền, thay thế chính quyền bảo thủ kéo dài 30 năm. Cuối cùng, ở Cuba, cuộc tấn phong tổng thống Roosevelt đã tạo cơ hội để thuộc địa “ngoài khơi” này của Hoa Kỳ tống khứ được một tay tổng thống bị mọi người nguyền rủa vì quá sức thối nát (so với tiêu chuẩn tương đối “rộng rãi” của đảo quốc).

Trên phần đất rộng lớn của trái đất, bao gồm các nước thuộc địa, cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy các hoạt động phản đế, một phần vì sự sụt giá của các sản phẩm cơ bản đã tác động tới nền kinh tế thuộc địa (ít nhất là tới tài chính công và giai cấp tư sản bản địa), mặt khác vì các nước thực dân đã vội vã bảo hộ nông nghiệp và công ăn việc làm ở chính quốc, không cần đếm xỉa đến tác động của chính sách này đối với các thuộc địa. Tóm lại, các quốc gia châu Âu đã có những quyết định kinh tế theo sức ép của các nhân tố nội trị, do đó không còn duy trì được sự nhất quán dài hạn của toàn bộ đế chế mà quyền lợi về sản xuất hợp thành một hệ thống phức tạp (Holland, 1985, tr. 13; xem ch. 7).

Éamon de Valera (1882-1975)
Mahatma Gandhi (1869-1948)

Vì thế, ở đại bộ phận của thế giới thuộc địa, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tạo ra tình trạng bất an về chính trị và xã hội trong dân chúng bản địa, mà đối tượng oán hận tất nhiên là chính quyền (thực dân), ngay cả tại những nước phải đợi đến Thế chiến thứ Hai mới thấy xuất hiện phong trào chính trị dân tộc chủ nghĩa. Ở Tây Phi thuộc Anh cũng như ở vùng biển Caribe, đã xảy ra những rối loạn xã hội, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng ca cao và đường, hai sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Còn tại những nước đã có phong trào dân tộc chống thực dân, thì cuộc đấu tranh đã tăng cường trong những năm khủng hoảng, nhất là khi phong trào huy động được quần chúng. Đó chính là những năm phát triển mạnh phong trào Huynh đệ Islam (thành lập năm 1928) ở Ai Cập, và là đợt vận động quần chúng Ấn Độ lần thứ hai của Gandhi (1931; xem ch. 7). Có lẽ thắng lợi của đảng Cộng hòa cực đoan của De Valera trong cuộc bầu cử năm 1932 ở Ireland cũng là phản ứng (muộn màng) chống thực dân phái sinh từ sự suy sụp kinh tế.

Gunnar Myrdal (1898-1987)

Nhìn qua một vòng những đảo lộn chính trị gần như phổ biến mà nó đã gây ra trong vòng vỏn vẹn mấy tháng, từ Nhật Bản đến Ireland, từ Thụy Điển đến New Zealand, từ Argentina đến Ai Cập, người ta có thể thấy rõ biểu hiện tính toàn cầu của cuộc Đại Khủng hoảng và tác động sâu xa của nó. Nhưng không nên đánh giá chiều sâu của tác động này chỉ bằng hay cơ bản thông qua hậu quả chính trị ngắn hạn của nó, cho dù những hậu quả ấy kịch tính tới mức nào. Đó là cả một đại họa triệt tiêu mọi hi vọng về khả năng khôi phục lại nền kinh tế và xã hội của thế kỉ XIX. Những năm 1929-1933 quả là một vực sâu: không thể nào quay trở về tình hình năm 1913, đó là việc không ai có thể mường tượng ra nữa rồi. Chủ nghĩa liberal kiểu cũ đã chết rồi, hay xem như đã bị kết án tử hình rồi. Từ nay, ba luồng tư tưởng tranh nhau vị trí bá quyền chính trị và trí tuệ. Luồng thứ nhất là chủ nghĩa cộng sản mác-xít. Gì đi nữa, những lời tiên tri của Marx đã trở thành hiện thực, như những thành viên của Hiệp hội kinh tế Mỹ đã được phát biểu năm 1938. Ấn tượng hơn nữa là việc Liên Xô xem ra được miễn dịch đối với căn bệnh trầm kha này. Khả năng lựa chọn thứ hai là một thứ chủ nghĩa tư bản đã tẩy trừ được tín điều vào tính tối ưu của thị trường, và được cải cách nhờ một cuộc hôn phối bán chính thức hay một cuộc tằng tịu thường xuyên với chủ nghĩa Xã hội - Dân chủ ôn hòa của các phong trào công nhân không cộng sản: sau Thế chiến thứ Hai, con đường này xem ra hiệu quả hơn cả. Tuy nhiên, trước mắt, đây không phải là một cương lĩnh định hình hay một chính sách mới, mà là một tâm trạng phổ biến: cuộc Khủng hoảng qua đi rồi, không ai muốn nó tái diễn nữa. Trong trường hợp tốt nhất, sự thất bại nhãn tiền của chủ nghĩa liberal cổ điển thúc đẩy người ta thử nghiệm những giải pháp khác. Thí dụ như ở Thụy Điển, chính sách Xã hội - Dân chủ được đem ra thi hành sau 1932 chính là phản ứng tự giác trước những thất bại của quan điểm kinh tế chính thống của chính phủ Công đảng Anh thảm hại trong những năm 1929-1931 – ít nhất đó là ý kiến của Gunnar Myrdal, một trong những người chủ xướng chính sách Thụy Điển. Cùng lúc đó, một lí thuyết khác về sự thất bại của kinh tế thị trường cũng đang hình thành. Lí thuyết tổng quan về nhân dụng, lợi nhuận và tiền tệ của J. M. Keynes, tác phẩm có ảnh hưởng nhất của trào lưu này, mãi năm 1936 mới được công bố. Phải đợi đến Thế chiến thứ Hai và sau đó, mới xuất hiện một thực tiễn chính quyền mới nữa – quản lí vĩ mô nền kinh tế dựa trên kiểm toán quốc gia – cho dù, ngay trong thập niên 1930, nhiều chính phủ và cơ quan quốc tế – có lẽ do liên tưởng tới Liên Xô – đã quan tâm ngày càng nhiều tới nền kinh tế quốc dân trong tổng thể của nó, và tìm cách ước tính tổng sản lượng và thu nhập của nó.[27]

Khả năng chọn lựa thứ ba và cuối cùng là chủ nghĩa phát-xít. Nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế, nó đã trở thàng một phong trào thế giới, và nhất là một hiểm họa cho toàn thế giới. Trong dạng thức Nazi, chủ nghĩa phát-xít bắt nguồn từ hai trào lưu: một là truyền thống trí thức, trái ngược hẳn với truyền thống Áo, thù nghịch với các lí thuyết tân cổ điển của chủ nghĩa liberal về kinh tế đã trở thành quan điểm chính thống từ năm 1880; hai là một chính quyền hà khắc, quyết tâm triệt tiêu nạn thất nghiệp bằng bất cứ giá nào. Phải thừa nhận rằng chính quyền này đã giải quyết Khủng hoảng thành công hơn mọi chính quyền khác (còn thành tích của chính quyền phát-xít Italia không có gì đáng kể). Nhưng đó không phải là hấp lực chính yếu của nó ở một lục địa châu Âu đã quá hoang mang, mất định hướng. Làn sóng phát-xít càng lên cao theo cuộc khủng hoảng, thì càng thấy rõ rằng ở Thời đại Tai họa, nền hòa bình, sự ổn định xã hội và nền kinh tế, cũng như các định chế chính trị và các giá trị trí thức của xã hội liberal tư sản thế kỉ XIX đang lùi bước ở khắp nơi, tới mức gần sụp đổ.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[18] Việc người ta đã có thể dựa trên chu kì dài của Kondratiev để đưa ra được những dự đoán đúng – một điều hiếm có trong kinh tế học – khiến cho nhiều nhà sử học và ngay cả một vài nhà kinh tế học tin rằng những chu kì này có chứa đựng một cái gì đúng, mặc dầu chúng ta không biết cái gì đó ra sao.

[19] Cuối thế kỉ XIX, giá rẻ giảm đi rất nhiều so với hồi đầu thế kỉ. Người ta quá quen thuộc với tình hình giá cả ổn định hoặc giảm bớt, nên hai tiếng lạm phát được dùng để mô tả hiện tượng mà ngay nay chúng ta phải dùng từ siêu lạm phát.

[20] Tại các quốc gia vùng Balkan, các cơ quan công quyền vẫn làm chủ được phần nào tình trạng lạm phát, kể cả lạm phát nghiêm trọng.

[21] Tên gọi “điều khoản tối huệ quốc” thực ra phải hiểu ngược lại: đối tác thương mại sẽ được đối xử ngang hàng với “tối huệ quốc” (quốc gia được hưởng ân huệ tốt nhất), nghĩa là chẳng còn nước nào được hưởng ân huệ tối ưu nữa.

[22] Dưới dạng thức cổ điển, bản vị vàng có nghĩa là một đơn vị tiền tệ nhất định, ví dụ như đồng Đô la, được định giá bằng một trọng lượng vàng, và nếu cần, khi khách hàng mang đổi, ngân hàng phải trao số lượng vàng tương ứng.

[23] Không phải ngẫu nhiên mà những năm 1920 là thập niên của nhà tâm lí học Emile Coué (1857-1926) là người chủ trương phương pháp tự kỉ ám thị lạc quan bằng cách nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu: “Mỗi ngày tôi mỗi khá hơn”.

[24] Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ không cho phép thành lập những ngân hàng lớn như ở châu Âu với những chi nhánh trên toàn quốc; ở Mỹ chỉ có những ngân hàng địa phương, hoặc cùng lắm là ngân hàng tiểu bang, tương đối nhỏ.

[25] Chính sách này đi quá đà tới mức năm 1933, Quốc tế Cộng sản đã ép P. Togliatti, lãnh tụ ĐCS Italia, phải rút lại tuyên bố trước đó của ông, theo đó có lẽ đường lối Xã hội - Dân chủ không phải là hiểm họa chủ yếu, ít nhất ở Italia. Lúc ấy, Hitler đã nắm chính quyền. Phải đến năm 1934, Quốc tế Cộng sản mới thay đổi đường lối.

[26] Các đảng khác là ĐCS Chile và ĐCS Cuba.

[27] Các chính phủ đầu tiên là Liên Xô và Canada (năm 1925). Năm 1939, 9 nước có thống kê chính thức về thu nhập quốc dân, còn Hội Quốc Liên có ước tính về 26 nước. Ngay sau Thế chiến thứ Hai, người ta có được thống kê của 39 nước. Giữa thập niên 1950, con số này lên tới 93. Từ đó trở đi, đối với các nước mới trở thành quốc gia độc lập, thống kê về thu nhập quốc dân trở thành thủ tục cần thiết, chẳng khác gì quốc kì, nhưng những số liệu này thường chỉ có mối quan hệ xa xôi với cuộc sống thực tại.

Print Friendly and PDF