25.1.22

FRISCH Ragnar, 1895-1973

FRISCH Ragnar, 1895-1973

Damien Gaumont

Ragnar Frisch (1895-1973)

Ragnar Anton Kittil Frisch sinh tại Oslo, Na Uy, năm 1895 (và mất tại đây năm 1973) trong một gia đình mà tổ tiên là những nhà kim hoàn nổi tiếng từ năm 1630. Để khỏi vi phạm truyền thống gia đình, Ragnar thực tập trong xưởng của David Andersen ở Oslo. Tuy nhiên chính chịu ảnh hưởng của bà mẹ (Kitteln Frisch) mà, song song với nghề kim hoàn của bố, ông tiến hành học kinh tế tại đại học Oslo. Ông tốt nghiệp cử nhân đại học này năm 1919. Lo tiếp tục bồi dưỡng về kinh tế và đào sâu hiểu biết về toán học, năm 1920 ông chọn đến Pháp để học trong vòng ba năm hai môn này. Mặc dù xem nước Pháp là quê hương văn hoá thứ hai song Ragnar quyết định theo một cách tiếp cận toàn cầu và năm 1923 đi nghiên cứu tại Anh. Từ 1927 đến 1928, ông liên tiếp đi đào tạo tại Mĩ, Đức và Italia. Giảng viên phụ đạo năm 1925, năm 1926 ông bảo vệ một luận án về vai trò của toán học và thống kê trong kinh tế học tại đại học Oslo. Được trang bị vững vàng nhờ những công trình nghiên cứu và nhờ những chuyến đi phong phú, ông quay về giảng dạy tại Oslo năm 1928 với cương vị phó giáo sư. Ông được phong giáo sư năm 1931 và trở thành giám đốc Viện kinh tế vừa mới được thành lập trong đại học này và giữ chức vụ này cho đến khi về hưu năm 1965. Sự thừa nhận cuối cùng cuộc đời nghiên cứu của ông sẽ là giải kinh tế học đầu tiên của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1969.

Frisch có được tầm vóc thế giới của một nhà kinh tế là do nhiều nguyên nhân.

François Divisia (1889-1964)

1)   Frisch quyết định, cùng với người bạn của ông là nhà thống kê Pháp François Divisia, thành lập một câu lạc bộ những nhà kinh tế toán. Câu lạc bộ này bị các nhà kinh tế đương thời, vốn là những nhà kinh tế văn chương hơn, phớt lờ. Từ 1924 đến 1929, Frisch công bố nhiều bài viết bằng tiếng Pháp trong tạp chí Comptes rendus de lAcadémie des Sciences. Năm 1929, ông hợp tác với Irving Fisher và C. F. Roos rồi năm 1931, ông thành lập Hội kinh trắc, gồm 16 thành viên, và do ông làm chủ tịch tại Cleveland (Ohio), tháng mười hai 1930. Năm 1933, Frisch ông gắn thêm cho Hội một tạp chí quốc tế, Econometrica, một tạp chí cho đến nay vẫn còn là một trong những tạp chí có uy tín nhất.

2)   Cũng trong năm 1933, ông công bố một bài viết tóm tắt những nghiên cứu của ông về các chu kì kinh tế (1932, 1933, 1936), tạo được tiếng vang lớn và đặt nền móng cho danh tiếng quốc tế của ông.

3)   Ông có nhiều đóng góp cho kinh tế học vi mô, đặc biệt là trong việc nghiên cứu người tiêu dùng. Những công trình của ông cho phép chỉ định tốt hơn các hàm cầu cũng như ước lượng những độ co dãn của cầu đối với giá cả. Trong lĩnh vực sản xuất, đóng góp của ông là về việc ước lượng những hàm sản xuất (1963) cũng như việc nghiên cứu những cơ chế thay thế giữa các nhân tố sản xuất (tư bản và lao động) (1935).

Richard Stone (1913-1991)

4)   Trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, cùng với Richard Stone, ông là người tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống tài khoản quốc gia, đặc biệt là ở Na Uy, và như thế nước này là một trong những nước đầu tiên có một hệ thống tài khoản quốc gia nhất quán (1947, 1950). Ông cũng có nhiều nghiên cứu về chính sách kinh tế và về chu kì kinh doanh.

5)   Mặt khác, đóng góp của ông cho kinh trắc học chủ yếu vì ông là một trong những người sáng lập bộ môn này (tuy nhiên cần ghi nhận là nhiều sách còn gán cho ông đã sáng tạo ra từ kinh trắc học trong lúc trên thực tế, nó bắt nguồn từ Pawel Ciompa [1910]). Tuy nhiên ông định nghĩa kinh trắc học như sau: “Kinh trắc học là sự hợp nhất của kinh tế lí thuyết, thống kê và toán học và chính điều này làm nên sức mạnh của nó”. Theo ông kinh trắc học tạo điều kiện cho bước chuyển từ một trường quan trắc và thu thập thống kê sang một lí thuyết sản xuất ra những giả thiết phải kiểm định. Chính việc kiểm tra thực nghiệm dẫn đến việc xét lại các giả thiết của mô hình, và điều này, bằng cách phủ nhận một định kiến, đặt lại vấn đề những qui tắc suy luận. Ở cương vị một nhà lí thuyết, ông làm cho việc phân tích tương quan bội có tiến bộ, để phân biệt tốt hơn tính đa cộng tuyến với tính nhân quả thật sự (1929, 1931). Như thế công trình này cho phép làm rõ khái niệm tương quan qua lại giữa các biến. Vai trò của ông chủ yếu là đã định chế hoá kinh trắc học như một ngành mới của kinh tế học (1932). Nhằm mục đích này, ông tổ chức nhiều hội nghị phổ biến rộng rãi trên trường quốc tế kinh tế học, thống kê và toán học ứng dụng.

6)   Trong lĩnh vực toán học ứng dụng, ông góp phần xây dựng những nguyên lí đầu tiên của qui hoạch tuyến tính theo phương pháp đa hình (multiplex) và phương pháp thế vị loga (1936).

Nikolai Kondratieff (1892-1938)

7)   Danh tiếng quốc tế của ông đi cùng với một tiếng tăm lớn trong nước ông do những buổi nói chuyện được phát thanh trên đài về các chu kì kinh doanh (mà ngày nay ta gọi là tình thế kinh tế). Ông giải thích, năm 1932, sự ra đời của những cuộc khủng hoảng như là bước khởi đầu của một thời kì suy thoái trong chu kì dài của Kondratieff. Ông còn thông báo là cuộc khủng hoảng có thể kéo dài đến 1947 trừ khi, nhờ việc hiểu tốt hơn những nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng ta có thể nghĩ đến việc vượt qua những khó khăn này. Chính vì thế ông nghiên cứu một mô hình vĩ mô động gồm có 38 biến. Công trình này khiến ông trở thành người đi tiên phong về mô hình hoá định lượng (cùng với Jan Tinbergen, Richard Stone và Wassily Leontief). Phải đợi đến sau thế chiến thứ hai mô hình này mới được ước lượng thật sự. Ông nghiên cứu những điểm chuyển hướng của các chu kì. Để làm việc này, ông đưa vào những độ trễ, những tăng tốc và giảm tốc nhờ việc sử dụng những phương trình vi phân có tính đến một cách rõ ràng thời gian. Ông làm rõ nguồn gốc của dao động là do những lựa chọn ngoại sinh hỗn loạn và do những quá trình không liên tục đổi mới schumpeterian. Những làn sóng của cú sốc chu kì lan toả theo nguyên tắc gia tốc của đầu tư. Hơn nữa ông nhận xét là không nên quên đầu tư thay thế (được biết đến ngày nay như là sự khấu hao) để tính đến sự hao mòn với thời gian của tư bản. Tuổi thọ của tư bản càng dài bao nhiêu thì biên độ dao động của các khủng hoảng càng lớn bấy nhiêu.

Nikolaas Tinbergen (1907-1988)

8)   Những chức danh danh dự sẽ thừa nhận một con người ngoại lệ. Ông trở thành tiến sĩ danh dự của nhiều đại học, như đại học Stockholm, Copenhague, Cambridge, Birmingham. Năm 1955 ông được giải Schumpeter nhờ những công trình về chu kì kinh tế, cũng như giải Feltrinelli năm 1956 của Academia Nazionale dei Lincei (Italia). Là một người công giáo, chủ trương một nền dân chủ sáng suốt, ông luôn nghĩ rằng kinh trắc học sẽ đạt đến một trình độ chính xác cao hơn trình độ chính xác của vật lí học. Cuối cùng ông chia sẻ với J. Tinbergen giải khoa học kinh tế đầu tiên của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel. Ủy ban Nobel trao giải cho ông vì đã xây dựng và ứng dụng những mô hình động vào việc phân tích những quá trình kinh tế.

· Correlation and scatter in statistical variables [Tương quan và phân tán trong các biến thống kê], Nordic Statistical Journal, 1929. - The optimum regression” [Hồi qui tối ưu], Nordic Statistical Journal, 1931. New orientations of economic theory: economics as an experiment science [Những phương hướng mới của lí thuyết kinh tế: kinh tế học như một khoa học thực nghiệm], Nordic Statistical Journal, 1931. Propagation Problems and Impulse Problems in Dynamic Economy [Những vấn đề lan truyền và thúc đẩy trong động thái kinh tế], Những tiểu luận kinh tế để tôn vinh nhà kinh tế Thuỵ Điển G. Cassel, 1933. The Principle of Substitution. An Example of its Application in the Chocolate Industry [Nguyên lí thay thế. Một ví dụ ứng dụng trong ngành công nghiệp sôcôla], 1935. – “On the notion of equilibrium and disequilibrium” [Về khái niệm cân bằng và mất cân bằng], Review of Economic Studies, 1936. Elements of Business Cycle Theory (Noen Trekk av Konjonkturlaeren) [Những yếu tố của lí thuyết chu kì], Oslo, H. Aschehoug & Co, 1947. – “L’emploi des modèles pour l’élaboration d’une politique économique rationnelle” [Sử dụng các mô hình trong việc xây dựng chính sách kinh tế hợp lí], Revue d’économie politique, 1950. Lois techniques et économiques de la production [Những định luật kĩ thuật và kinh tế của sản xuất], Paris, Dunod, 1963.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les prix des sciences économiques à la mémoire d’Alfred Nobel” (Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel) của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 996-997.

Print Friendly and PDF