5.12.21

Thời đại thái cực 1914 (5): Chống kẻ thù chung

THỜI ĐẠI THÁI CỰC 1914 – 1991 (5)

THE AGE OF EXTREMES

Nguyễn Ngọc Giao dịch

PTKT: Kể từ tháng 8.2021, chúng tôi lần lượt đăng tiếp các chương còn lại của tác phẩm Thời đại thái cực 1914-1991. Để có một cái nhìn chung giới thiệu tác giả và tác phẩm, mời bạn đọc lại bài Nhà sử học của hai thế kỷ.

MỤC LỤC

Eric J. Hobsbawm (1917-2012)

Lời tựa và Cảm tạ

Lời tựa bản tiếng Pháp

Hình ảnh minh họa

Chú thích các hình ảnh

Thế kỉ nhìn từ đường chim bay

phần thứ nhất - THỜI ĐẠI TAI HỌA

chương 1 Thời đại chiến tranh toàn diện

chương 2 Cách mạng thế giới

chương 3 Dưới đáy vực thẳm kinh tế

chương 4 Sự suy sụp của chủ nghĩa liberal

chương 5 Chống kẻ thù chung

chương 6 Nghệ thuật, 1915-1945

chương 7 Sự cáo chung của các Đế chế

phần thứ hai - THỜI ĐẠI HOÀNG KIM

chương 8 Chiến tranh Lạnh

chương 9 Thời đại Hoàng kim

chương 10 Cách mạng xã hội, 1945-1990

chương 11 Cách mạng văn hóa

chương 12 Thế giới thứ Ba

chương 13 “Chủ nghĩa xã hội hiện tồn”

Phần thứ ba: SỤP ĐỔ

chương 14 Những thập niên Khủng hoảng

chương 15 Thế giới thứ Ba và cách mạng

chương 16 Sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội

chương 17 Tiền phong hấp hối: nghệ thuật sau 1950

chương 18 Phù thủy và đồ đệ tập việc: các ngành khoa học tự nhiên

chương 19 Tiến tới thiên niên kỉ mới

* * *

Phần thứ nhất

THỜI ĐẠI TAI HỌA

Chương 5

CHỐNG KẺ THÙ CHUNG

 

“Mai đây, với các bạn trẻ, nhà thơ sẽ nổ tung như những quả bom, Những cuộc dạo bộ quanh hồ, những tuần lễ cảm thông tuyệt hảo Mai đây những cuộc chạy đua xe đạp

Qua ngoại ô vào những chiều hè. Còn hôm nay, chiến đấu”.

W. H. AUDEN, “Spain”, 1937

“Mẹ yêu quý. Trong tất cả những người thân quen, con biết mẹ sẽ đau khổ nhất, cho nên những ý nghĩ cuối cùng này, con xin gửi tới mẹ. Xin mẹ đừng trách cứ ai về cái chết của con, số phận này chính con đã chọn lựa.

Con cũng chẳng biết viết gì cho mẹ: đầu óc tỉnh táo, nhưng con không tìm ra đúng chữ mà viết. Con đã tham gia Quân giải phóng, nay con chết vào lúc mà ánh sáng thắng lợi vừa lóe lên... Con sắp bị xử bắn cùng 23 đồng chí khác.

Sau chiến tranh, mẹ sẽ phải làm thủ tục đòi quyền hưu bổng. Họ sẽ để mẹ lấy lại vật dụng của con ở trong tù. Con chỉ mặc cái áo lót bằng sợi của bố, vì con không muốn người run lên khi trời lạnh...

Một lần nữa, con chào vĩnh biệt mẹ. Mẹ hãy dũng cảm lên! Con trai của mẹ,

Spartaco”.

Spartaco FONTANOT, công nhân luyện kim, 22 tuổi, thuộc nhóm kháng chiến Misak Manouchian, 1944 (Lettere, tr. 306)

 

I

 

Franklin D. Roosevelt (1882-1945)
Joseph Stalin (1878-1953)

Điều tra dư luận đúng là đứa con của nước Mỹ những năm 1930, vì chủ yếu bắt đầu từ năm 1936 với George Gallup, các “cuộc điều tra bằng thăm dò” của những nhà phân tích thị trường đã được triển khai sang lãnh vực chính trị. Trong những kết quả đầu tiên mà kĩ thuật này mang lại, có một cuộc điều tra chắc chắn đã làm cho các tổng thống tiền nhiệm của Franklin D. Roosevelt phải kinh ngạc, cũng như sẽ phải kinh ngạc những độc giả lớn lên sau Thế chiến thứ Hai. Tháng giêng năm 1939, khi được hỏi nếu có chiến tranh giữa Liên Xô và Đức họ muốn ai thắng, thì 83% người Mỹ trả lời muốn Liên Xô thắng, 17% muốn Đức thắng (Miller, 1989, tr. 283-284). Trong một thế kỉ mang dấu ấn của cuộc đụng đầu giữa một bên là chủ nghĩa cộng sản chống tư bản của Cách mạng tháng Mười mà Liên Xô là hiện thân, một bên là chủ nghĩa tư bản chống cộng với Hoa Kỳ là quán quân và người đại diện chính yếu, thì không có gì bất thường hơn là lời tuyên bố ấy, nếu không là cảm tình với cái nôi của cách mạng thì ít nhất giữa Liên Xô và nước kịch liệt chống cộng, mà nền kinh tế thì rõ ràng là tư bản chủ nghĩa, đã dứt khoát chọn Liên Xô. Nhất là lúc đó, như mọi người thừa nhận, Liên Xô đang phải chịu ách độc tài kinh khủng nhất của Stalin.

Adolf Hitler (1889-1945)

Vận hội lịch sử ấy hẳn là một tình huống khác thường và ngắn ngủi. Nó kéo dài, tối đa, từ 1933 (khi Hoa Kỳ chính thức công nhận Liên Xô) cho tới 1947 (khi hai phe đối đầu nhau trong cuộc “Chiến tranh Lạnh”), nhưng khoanh lại vào thời gian 1935-1945 có lẽ hiện thực hơn. Nói cách khác, tình hình này được quy định bởi sự hưng thịnh và suy tàn của nước Đức Hitler (1933-1945) (xem ch. 4) mà Hoa Kỳ và Liên Xô coi là kẻ thù chung, mỗi nước thấy nó nguy hiểm hơn là nước kia.

Những lí do khiến họ chọn lựa như vậy vượt ra ngoài vòng quan hệ quốc tế truyền thống và chính sách cường quốc, và chính vì thế mà sự liên minh của các quốc gia và những phong trào sẽ chiến thắng trong cuộc Thế chiến thứ Hai là một sự kiện rất có ý nghĩa. Khối liên minh như vậy là chống lại nước Đức, không phải vì đó là một Nhà nước – Dân tộc có những lí do bất mãn đối với tình thế, mà là một nhà nước mà đường lối chính trị và tham vọng bắt nguồn từ một hệ tư tưởng cụ thể. Tóm tắt, đó là một cường quốc phát-xít. Chừng nào người ta không chịu thấy điều đó, hoặc chưa đo lường được hết ý nghĩa điều đó, thì còn có thể lẩn quẩn tính toán theo kiểu Realpolitik (chính trị “thực tế”). Có thể đối diện hay tìm cách hòa hoãn với Đức, có thể cản đường, hay nếu cần thì nghênh chiến tùy theo lợi ích đất nước và cục diện thế giới. Sự thật, từ năm 1933 đến năm 1941, không lúc này thì lúc khác, tất cả các cường quốc trên bàn cờ quốc tế đều đã hành xử như vậy đối với Đức. London và Paris đã vuốt ve Berlin (cụ thể là đã chấp nhận những thỏa hiệp trên lưng người khác), Moskva đã chuyển từ đối lập sang trung lập thiện chí (đánh đổi lấy một số lãnh thổ), ngay cả Italia và Nhật, quyền lợi của hai nước này gần gũi quyền lợi của Đức, nhưng cũng vì quyền lợi, mà năm 1939, họ đã quyết định đứng ngoài vòng chiến trong giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến thứ Hai. Sự thật, chính cái logic của cuộc chiến tranh mà Hitler tiến hành cuối cùng đã lôi kéo tất cả các cường quốc, kể cả Hoa Kỳ, vào vòng giao chiến.

Dọc theo dòng thời gian của thập niên 1930, càng ngày càng thấy rõ đối tượng của cuộc tranh chấp không chỉ giới hạn ở thế cân bằng lực lượng tương đối giữa các Nhà nước – Dân tộc trong hệ thống quan hệ quốc tế (chủ yếu là châu Âu). Thật ra, sẽ dễ hiểu chính sách của phương Tây – từ Liên Xô qua châu Âu với châu Mỹ – nếu ta coi đó là một cuộc nội chiến về tư tưởng ở quy mô quốc tế, hơn là sự đụng đầu giữa những nhà nước. (Và đó không phải là cung cách hay nhất để đề cập chính trị của châu Á-Phi và Viễn Đông bị đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân; xem ch. 7). Và, trên thực tế, những ranh giới then chốt trong cuộc nội chiến ấy không phân cách chủ nghĩa tư bản và cách mạng xã hội cộng sản, mà phân cách hai gia đình tư tưởng: một bên là hậu duệ Phong trào Khai minh của thế kỉ XVIII và của các cuộc đại cách mạng, trong đó hiển nhiên là có Cách mạng tháng Mười; bên kia, là đối phương của họ. Tóm lại đó không phải là sự phân tuyến giữa tư bản và cộng sản, mà giữa “tiến bộ” và “phản động”, nói theo ngôn ngữ của thế kỉ XIX – có điều những danh từ ấy không còn hoàn toàn thích hợp nữa.

Thế chiến thứ Hai là một cuộc chiến tranh quốc tế bởi vì nó đặt ra một số vấn đề chung cho phần lớn các nước phương Tây. Nó là một cuộc nội chiến, tức là chiến tranh nội bộ, vì đường phân tuyến giữa các lực lượng thân phát-xít và chống phát-xít chạy ngang qua xã hội của mỗi nước. Chưa bao giờ chủ nghĩa ái quốc, hiểu theo nghĩa: người công dân trung thành một cách tự động đối với chính phủ nước mình, lại mất giá trị như vậy. Khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, đứng đầu chính phủ của ít nhất 10 quốc gia “cũ” là những người, khi cuộc giao tranh bắt đầu (trong trường hợp Tây Ban Nha, khi cuộc nội chiến bắt đầu), là những người “phiến loạn” hay “khởi nghĩa”, những chính khách lưu vong, hay ít nhất, những người nhận định chính phủ nước mình là vô đạo, là phi nghĩa. Những con người, nam cũng như nữ, thường xuất thân từ giai cấp chính trị của nước mình, thay vì trung thành với nhà nước, đã chọn sự trung thành với chủ nghĩa cộng sản (cụ thể là Liên Xô). Nhóm “điệp viên Cambridge”, và có lẽ quan trọng hơn về tác động thực tiễn, những người Nhật trong nhóm của Sorge chỉ là hai trong nhiều trường hợp[35]. Mặt khác, người ta đã tạo ra một từ ngữ mới, quisling – lấy từ tên một phần tử Nazi người Na Uy – để chỉ định những lực lượng chính trị ở tại những nước bị Hitler tấn công, đã chọn đi theo kẻ thù của dân tộc, vì tin tưởng hơn là vì lợi lộc.

Charles de Gaulle (1890-1970)
Winston Churchill (1874-1965)

Điều này cũng đúng với cả những người hành động vì yêu nước chứ không phải vì một hệ tư tưởng tổng thể nào. Bởi vì từ nay, cả chủ nghĩa yêu nước truyền thống cũng bị chia cắt. Những người bảo thủ như Winston Churchill hay những người xuất thân từ giới Kitô giáo phản động như De Gaulle đã chọn chiến đấu chống Đức, không phải vì họ căm ghét gì chủ nghĩa phát-xít, mà vì nhân danh “một ý tưởng nhất định về nước Pháp” hay “một ý tưởng nhất định về nước Anh”. Ngay đối với họ, tuy vậy, sự dấn thân ấy có thể tích hợp với cuộc nội chiến quốc tế vì quan niệm yêu nước của họ không nhất thiết đồng nhất với quan niệm của chính phủ nước họ. Đi sang London, và ngày 18 tháng 6 năm 1940 tuyên bố rằng, dưới sự chỉ đạo của mình, “nước Pháp tự do” sẽ tiếp tục chiến đấu chống Đức, Charles de Gaulle như vậy đã đứng lên chống lại chính phủ chính thống của nước mình: một cách hợp pháp, chính quyền này đã quyết định ngưng chiến và có lẽ đa số dân chúng cũng ủng hộ quyết định ấy. Chắc chắn một người như Churchill cũng hành động như thế trong một hoàn cảnh tương tự. Nếu như rốt cuộc nước Đức chiến thắng, chính phủ Pháp sẽ kết tội ông là phản quốc, như những người Nga chiến đấu trong hàng ngũ Hitler đã bị kết án sau năm 1945. Cũng như người Slovakia và người Croatia, mà đất nước đã được nếm một chút hơi hớm độc lập (hạn chế) như là những nước chư hầu của Đức Quốc xã, sau này sẽ tùy lập trường tư tưởng của mình mà coi những người cầm đầu nhà nước trong thời Thế chiến là những anh hùng ái quốc hay là những tay sai của Đức. Thực vậy, mỗi dân tộc đều có những người dấn thân bên này và những người dấn thân bên kia chiến tuyến[36].

Benito Mussolini (1883-1945)

Yếu tố nối kết những phân li trong nội bộ các dân tộc lại với nhau thành một cuộc chiến tranh thế giới duy nhất, vừa là nội chiến vừa là quốc tế, chính là sự phát triển của Đức Quốc xã. Hay đúng hơn, của quá trình chinh phục và cuộc chiến tranh, trong thời gian 1931-1941, của liên minh ba quốc gia: Đức, Italia và Nhật, trong đó nước Đức của Hitler là cột trụ. Một cách quyết liệt và không hề che giấu, nước Đức tiến hành công cuộc triệt hủy các giá trị và định chế của Thời đại Cách mạng, một dự án man rợ mà nó có khả năng thực hiện thành công. Nạn nhân tiềm thể của Nhật, Đức và Italia dần dà nhận chân ra mưu đồ chinh phục của khối “Trục” cho đến lúc, bắt đầu từ năm 1931, triển vọng chiến tranh xem ra không thể tránh khỏi. Năm 1931, Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu, lập nên một nhà nước bù nhìn. Năm 1932 nó chiếm đóng phần đất Trung Quốc ở phía bắc Vạn lí trường thành và đổ bộ lên Thượng Hải. Năm 1933, Hitler nắm chính quyền ở Đức với một cương lĩnh mà hắn không hề tìm cách che đậy. Năm 1934, chế độ dân chủ cáo chung ở Áo sau một cuộc nội chiến ngắn ngủi, nhường chỗ cho một chính thể nửa phát-xít: chính quyền này nổi lên chỉ ở một điểm là nó cưỡng lại việc sáp nhập vào nước Đức và (với sự ủng hộ của Italia) đập tan một cuộc đảo chính Nazi (trong vụ này, thủ tướng Áo đã mất mạng). Năm 1935, Đức tuyên bố bãi bỏ các hòa ước (ký kết ở Versailles) và khôi phục vị trí một cường quốc quân sự và hàng hải, thu hồi tỉnh Saar ở biên giới phía Tây bằng một cuộc trưng cầu dân ý và rời bỏ Hội Quốc Liên một cách khinh mạn. Cũng năm ấy, với sự khinh mạn tương tự đối với công luận quốc tế, Mussolini xâm lăng Ethiopia, tìm cách chinh phục, chiếm đóng và biến nước này thành một thuộc địa trong thời gian 1936-1937, sau khi rút ra khỏi Hội Quốc Liên cũng như Đức. Năm 1936, Đức đưa quân tái chiếm vùng Rheinland, đồng thời cùng với Italia, công khai tuyên bố can thiệp và ủng hộ cuộc đảo chính quân sự ở Tây Ban Nha, gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng mà chúng ta sẽ nói tới ở dưới đây. Hai cường quốc phát-xít công khai liên minh với nhau, họp thành Trục Berlin-Roma, còn Đức và Nhật kí kết với nhau một “Hiệp ước chống Komintern (Quốc tế Cộng sản)”. Năm 1937, chẳng ai ngạc nhiên khi Nhật xâm lăng Trung Quốc, lao vào một cuộc chiến tranh mãi tới 1945 mới kết thúc. Năm 1938, đến phiên Đức cho rằng đã đến lúc bắt đầu cuộc chinh phục. Tháng ba, nước Áo bị chiếm đóng và sáp nhập mà không gặp sự kháng cự quân sự nào, và đến tháng mười, sau nhiều lần hăm dọa, hiệp ước Munich chia cắt lãnh thổ Tiệp Khắc, trao nộp một cách “hòa bình” nhiều phần đất rộng lớn cho Hitler. Phần còn lại, đến tháng ba 1939, sẽ bị chiếm nốt, điều này khuyến khích nước Italia chiếm đóng tuy rằng trong mấy tháng trước đó, Italia không biểu lộ một tham vọng đất đai đế chế nào. Gần như liền ngay sau đó, châu Âu bị tê liệt vì cuộc khủng hoảng Ba Lan bắt nguồn từ những yêu sách về lãnh thổ của Đức. Việc này sẽ khai hỏa cuộc chiến tranh châu Âu 1939-1941 trước khi nó trở thành Thế chiến thứ Hai.

Édouard Daladier (1884-1970)

Còn có một nhân tố khác đã góp phần “thêu dệt” những sợi chỉ của chính trị quốc gia thành một tấm vải dệt quốc tế nhất thống, đó là nhược điểm có tính hệ thống, ngày càng hiển hiện của các quốc gia liberal và dân chủ (đồng thời cũng là những nước chiến thắng trong cuộc thế chiến trước); việc họ bất lực, hay cứ nhẩn nha không chịu hành động, hoặc hành động đơn lẻ, không phối hợp với nhau, trước sự lấn tới của kẻ địch. Chính cuộc khủng hoảng này của chủ nghĩa liberal đã củng cố luận chứng và lực lượng của chủ nghĩa phát-xít và xu hướng muốn có những chính phủ cực quyền (xem ch. 4). Các hiệp ước Munich năm 1938 biểu hiện một cách hoàn hảo sự hung hãn pha trộn trâng tráo của bên này, sự sợ hãi và thỏa hiệp của bên kia: vì vậy, trong nhiều thế hệ tiếp theo nhau, cái tên “Munich” đã trở thành đồng nghĩa với sự lùi bước và hèn nhát trong ngôn ngữ chính trị phương Tây. Nỗi nhục Munich mà mọi người, kể cả những người đã đặt bút kí tắt vào văn bản hiệp ước, cảm nhận gần như ngay sau đó, không phải chỉ bắt nguồn ở phần thắng quá dễ dàng mà nó đã mang lại cho Hitler: nó xuất phát từ nỗi sợ chiến tranh – sợ nổi da gà – trước khi kí, và sự thở phào vì thấy kí là tránh được chiến tranh với bất cứ giá nào. Người ta truyền tụng nhau là (thủ tướng Pháp) Daladier sau khi bỏ rơi một nước đồng minh bằng chữ kí của mình, trở về Paris, tưởng rằng sẽ bị đám đông la ó, nào ngờ lại được hoan hô nhiệt liệt, đã lầm bầm hạ một câu khinh bỉ: “Một lũ ngu ngốc!” (Bande de cons!). Cảm tình mà dư luận dành cho Liên Xô cũng như việc người ta tránh không muốn phê phán Liên Xô (về chính sách nội trị) chủ yếu là do Liên Xô đương đầu chống Đức Quốc xã một cách nhất quán, một thái độ tương phản hẳn với những sự cù cưa của phương Tây. Cũng chính vì thế mà hiệp ước Xô-Đức năm 1939 đã gây ra sốc lớn.

 

II


Việc huy động toàn bộ những sự ủng hộ khả dĩ chống lại chủ nghĩa phát-xít, nghĩa là phe Đức, có thể nói là lời kêu gọi đoàn kết nhắm tới ba đối tượng: kêu gọi tất cả những lực lượng chính trị có chung một lợi ích là kháng cự lại sự lấn tới của phe Trục; kêu gọi phải có một đường lối chung là chủ trương kháng chiến; và kêu gọi tất các những chính phủ muốn thực hiện đường lối kháng chiến đó. Phải mất 8 năm trời để hoàn thành công cuộc huy động ấy, 10 năm nếu ta tính từ 1931. Bởi vì sự hưởng ứng đã phải vượt qua những do dự, khắc phục những trấn áp, thanh lọc những tạp hợp, đó cũng là điều không thể tránh được.

Lời kêu gọi đoàn kết chống phát-xít, trên phương diện nào đó, có thể được hưởng ứng ngay tức thời vì chủ nghĩa phát-xít coi tất tật là kẻ thù phải tận diệt: những người thuộc xu hướng tự do đủ loại, những người xã hội và những người cộng sản, mọi hình thái chính thể dân chủ và Soviet. Nói như câu tục ngữ Anh “khôn hồn thì đoàn kết lại, bằng không thòng lọng sẽ xiết cổ không chừa một ai”. Trước đó, trong phái tả cộng sản là người gây chia rẽ hăng hái nhất: họ tập trung hỏa lực (đây, đáng tiếc thay, vốn là đặc sản của những người cực đoan về chính trị) không phải để tiến công vào kẻ thù hiển nhiên nhất mà lại nhắm những người gần gũi nhất có thể tranh giành quần chúng với họ là những người xã hội dân chủ (xem ch. 2). Trong vòng 18 tháng sau khi Hitler nắm chính quyền, họ đã thay đổi đường hướng chính trị để trở thành những người chủ trương đoàn kết chống phát-xít một cách nhất quán nhất, và như thường lệ, hiệu quả nhất. Sự đổi hướng này đã gạt đi chướng ngại chính của liên hiệp phái tả, nhưng cố nhiên không xua tan được những ngờ vực ăn sâu ở cả hai bên.

Georgi Dimitrov (1882-1949)

Chiến lược đã được đưa ra, với sự đồng ý của Stalin, theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản – tổ chức này vừa cử vào chức vụ tổng bí thư người Bulgaria là Georgi Dimitrov, mà những người chống phát-xít trên toàn thế giới đều khâm phục thái độ dũng cảm hiên ngang trước mặt bọn Nazi trong phiên tòa xử án vụ đốt cháy trụ sở quốc hội Reichstag[37] năm 1933 – thực chất là chiến lược những vòng tròn đồng tâm. Các lực lượng thống nhất của giới lao động (“Mặt trận thống nhất”) làm nền tảng cho một liên minh chính trị và tranh cử rộng hơn với các phần tử dân chủ và liberal (“Mặt trận nhân dân”). Trước quá trình tiếp tục bành trướng của Đức, người cộng sản mở rộng thêm khối liên minh thành “Mặt trận dân tộc” bao gồm tất cả những ai, bất luận chính kiến hay tư tưởng, coi phát-xít (phe trục) là hiểm họa chính. Việc mở rộng chính trị sang bên kia của phái trung tâm, đến tận phái hữu – cộng sản Pháp thì chủ trương “chìa tay ra” để bắt tay người Kitô giáo, cộng sản Anh thì nhanh nhảu hoan nghênh Winston Churchill mà ai cũng biết ông ta “ghét bọn Đỏ” như thế nào – gặp khó khăn về phía tả truyền thống nhiều hơn về phía hữu, cho đến khi logic của cuộc chiến đấu buộc các lực lượng chống phát-xít phải đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết trung-tả đã thực sự có ý nghĩa chính trị: ở nước Pháp (là nước mở đường) và Tây Ban Nha đã hình thành những “Mặt trận Nhân dân”, đẩy lùi được những đợt tiến công cục bộ của phái hữu, giành được những thắng lợi ngoạn mục trong cuộc tranh cử ở Tây Ban Nha (tháng hai 1936) và Pháp (tháng năm 1936).

Léon Blum (1872-1950)

Những thắng lợi ấy càng làm nổi bật một cách kịch tính cái giá phải trả của những sự chia rẽ trong quá khứ, bởi vì các liên danh đoàn kết của phái trung và phái tả đã giành được những đa số rộng lớn ở nghị trường. Kết quả này cho thấy, về phái tả, dư luận đã thuận lợi thêm nhiều cho đảng Cộng sản (đặc biệt ở Pháp), song không có dấu hiệu cho thấy cơ sở chính trị cho cuộc đấu tranh chống phát-xít được mở rộng thêm. Thực ra, sự thắng cử của Mặt trận Nhân dân ở Pháp – kết quả là lần đầu tiên nước Pháp có một chính phủ với thủ tướng là một đảng viên đảng Xã hội, nhà trí thức Léon Blum (1872-1950) – là liên minh giữa các đảng Cấp tiến, Xã hội và Cộng sản, đạt được là do giành được thêm 1% phiếu bầu so với cuộc tranh cử năm 1932. Ở Tây Ban Nha, Mặt trận Nhân dân giành thêm được số phiếu lớn hơn, nhưng chính phủ mới cũng ở trong tình thế là gần một nửa số cử tri đã bỏ phiếu chống (và phái hữu đã mạnh hơn qua cuộc bỏ phiếu). Tuy nhiên, những thắng lợi ấy đã khơi dậy niềm hi vọng thậm chí một sự hồ hởi cho phong trào công nhân và XHCN ở mỗi nước. Điều ấy rất có ý nghĩa đối với Công đảng Anh: năm 1931 đã bị rúng động vì sự trì trệ rồi khủng hoảng kinh tế (chỉ còn 50 ghế đại biểu quốc hội), bốn năm sau cũng chưa giành lại được toàn bộ khối cử tri của mình trước khi có khủng hoảng và số ghế ở quốc hội chỉ mới nhỉnh hơn một nửa số ghế năm 1929. Từ 1931 đến 1935, cử tri bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ từ 61 đã tụt xuống 54%. Từ năm 1937 trở đi, chính phủ “quốc gia” giành được đa số quan trọng, dưới sự cầm đầu của Neville Chamberlain, mà tên tuổi đã trở thành đồng nghĩa của sự “đấu dịu” đối với Hitler. Không có lí do gì để nghĩ rằng nếu chiến tranh không bùng nổ năm 1939 và nếu cuộc bầu cử vẫn được tổ chức vào năm 1940 như thường lệ, thì đảng Bảo thủ không duy trì được đa số tiện nghi ở nghị viện. Thật ra, ngoài các nước Bắc Âu là nơi đảng Xã hội - Dân chủ giành thêm được nhiều cử tri, ở Tây Âu trong thập niên 1930 không có dấu hiệu có sự chuyển dịch phiếu bầu từ hữu sang tả, còn ở Nam và Đông Âu thì ngược lại, là nơi còn có vài cuộc bầu cử, thì rõ ràng có sự chuyển phiếu từ tả sang hữu. Tình hình thật tương phản giữa Tân và Cựu Thế giới. Ở châu Âu không hề có sự chuyển biến nào có thể so sánh với việc, năm 1932 ở Hoa Kỳ, cử tri đã từ đảng Cộng hòa, ngả hẳn sang phái đảng Dân chủ, nhưng cũng phải nói là đứng về số phiếu bầu, năm 1932, Franklin D. Roosevelt đã lên tới đỉnh điểm, tuy rằng đến năm 1936, ông cũng gần đạt được thành tích ấy, điều làm cho mọi người – trừ giới bình dân – phải ngạc nhiên.

Cuộc đấu tranh chống phát-xít đã thúc đẩy những đối thủ truyền thống của phái hữu phải tổ chức, nhưng nó không tăng được số lượng người tham gia: nó huy động được nhiều thiểu số hơn là động viên được những đa số. Trong những thiểu số đó, giới trí thức và giới hâm mộ nghệ thuật xem ra nhạy cảm nhất (ngoài một trào lưu văn học quốc tế vốn có xu hướng chủ nghĩa quốc gia và chống dân chủ – xem ch. 6), vì trong những lãnh vực liên quan tới họ, chủ nghĩa Nazi đã biểu lộ thái độ thù nghịch cao ngạo và hung hãn đối với những giá trị của nền văn minh đã được quan niệm từ trước đến nay. Chủ nghĩa chủng tộc của chế độ Nazi đã đưa đẩy hàng loạt các nhà bác học Do Thái hay khuynh tả phải lưu vong và họ đã truyền bá khắp thế giới tinh thần khoan dung vẫn còn tồn tại. Sự căm thù của Nazi đối với quyền tự do trí tuệ chẳng bao lâu đã thanh lọc có lẽ khoảng 1/3 giảng viên các trường đại học Đức. Những cuộc đấu tố nền văn hóa “hiện đại chủ nghĩa”, những dàn hỏa thiêu sách “xấu” (“Do Thái” hay không), đã bắt đầu hầu như ngay khi Hitler lên nắm quyền. Tuy nhiên, trong khi những công dân bình thường có thể không tán thành những hành động dã man tàn bạo của chế độ – các trại giam tập trung hay là việc quy những người Do Thái Đức (kể cả những người có ông hay bà là người Do Thái) thành một loại người bị cách li và tước bỏ mọi quyền hạn – thì một số rất đông chỉ coi đó cùng lắm là những lệch lạc không mấy quan trọng. Xét cho cùng, trại tập trung lúc đó trước hết là nhân tố ngăn đe nhắm vào phe đối lập cộng sản tiềm thể, nhà tù giam những phần tử sách động; nói khác đi, nhiều người bảo thủ truyền thống không coi đó là xấu. Đến lúc chiến tranh bùng nổ, các trại tập trung giam giữ tổng cộng không quá 8 nghìn người (trong quá trình chiến tranh, nó mới bành trướng thành một “vũ trụ đày đọa tập trung” có tính chất khủng bố, tra tấn, tàn sát cho hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người). Trước cuộc chiến tranh, chính sách Nazi về người Do Thái, mặc dù đối xử tàn tệ, dường như chỉ quan niệm “giải pháp cuối cùng” cho “vấn đề Do Thái” là trục xuất hàng loạt chứ không phải là tiêu diệt ồ ạt. Đối với nhà quan sát phi chính trị, mặc dầu có những đặc trưng gớm ghiếc, nước Đức xem ra là một quốc gia thịnh vượng về kinh tế, chính phủ thì được lòng dân. Những người tìm đọc sách, thí dụ cuốn Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi) của Hitler, rất có thể đã nhận ra trong ngôn ngữ khát máu của những kẻ chủng tộc chủ nghĩa hay trong sự tra tấn và tàn sát trong các trại tập trung Dachau và Buchenwald, mối hiểm họa của một thế giới xây dựng trên ý đồ lật đổ toàn bộ nền văn minh nhân loại. Những người trí thức phương Tây (còn trong giới sinh viên, thì chỉ một bộ phận, vì tuyệt đại đa số sinh viên thời ấy là con ông cháu cha, chuẩn bị trở thành những phần tử ưu tú của “giai cấp tư sản”) là tầng lớp xã hội đầu tiên đã huy động rộng rãi chống chủ nghĩa phát-xít trong những năm 1930. Đó là một tầng lớp lúc đó còn nhỏ bé, tuy có ảnh hưởng vượt bậc, ít nhất bởi vì trong số đó có các nhà báo, là những người giữ một vai trò quan trọng tại các nước không phát-xít trong việc cảnh báo cho dư luận và giới cầm quyền (kể cả những người bảo thủ nhất) về bản chất của chủ nghĩa Nazi.

Maxim Litvinov (1876-1951)

Trên giấy tờ, đường lối chính trị cụ thể chống lại sự bành trướng của phe phát-xít, một lần nữa, là một đường lối đơn giản và logic. Đó là đoàn kết mọi quốc gia chống lại kẻ xâm lược (trong khuôn khổ Hội Quốc Liên chẳng hạn), từ chối mọi thỏa hiệp với chúng, và ngăn đe hoặc đánh thắng chúng bằng đe dọa và nếu cần bằng hành động chung. Maxim Litvinov (1876-1951), ủy viên đối ngoại của Liên Xô, đã nói lên quan niệm “an ninh tập thể” này. Nói thì dễ hơn làm. Trở ngại chủ yếu là vì, thời ấy cũng như hiện nay, ngay các quốc gia cùng chung nhau nỗi e sợ và ngờ vực kẻ xâm lược, quyền lợi của họ cũng phân kì, đối phương có thể lợi dụng để chia rẽ.

Ngày nay khó mà đánh giá tầm quan trọng của vết rạn nứt hiển nhiên nhất, giữa một bên là Liên Xô mà mục tiêu, trên lí thuyết, là lật đổ mọi chế độ tư sản, đập tan các đế quốc của chúng, và bên kia là các nhà nước khác là những nước coi Liên Xô là kẻ sách động và khuyến khích sự sách động phá hoại trong nước mình. Trong khi chính phủ các nước (từ năm 1933 trở đi, các nước lớn đã thừa nhận Liên Xô) sẵn sàng thương lượng với Liên Xô khi họ thấy có lợi, thì trong nội bộ của họ, có những người, những cấp vẫn coi chủ nghĩa Bolshevik, ở Nga và ngoài nước Nga, là kẻ thù số một, đúng như tinh thần “Chiến tranh Lạnh” sau 1945. Các cơ quan tình báo Anh nổi tiếng xuất sắc trong việc tập trung truy tìm hiểm họa đỏ đến mức, mãi đến giữa thập niên 1930, mới không còn coi đó là mục tiêu chính (Andrew, 1985, tr. 530). Tuy nhiên, không ít người bảo thủ, nhất là ở Anh, cho rằng tối thượng sách là một cuộc chiến tranh Xô-Đức làm suy yếu, thậm chí tiêu diệt, cả hai địch thủ, và nếu Liên Xô bị đánh bại, nước Đức bị suy yếu, kết cuộc như vậy cũng không dở. Hiển nhiên chính phủ các nước phương Tây cứ lần khân không chịu thương lượng thực sự với nhà nước cộng sản, ngay đến năm 1938-1939 là lúc ai nấy đều thấy cấp thiết phải liên minh chống Hitler. Sự thực, chính vì sợ phải một mình đối mặt với Hitler mà Stalin, người từ năm 1934 kiên quyết chủ trương phải liên minh với phương Tây, rốt cuộc đã kí thỏa ước Stalin-Hitler tháng tám 1939. Làm như thế Stalin hi vọng Liên Xô sẽ tránh được cuộc chiến tranh trong đó Đức và các cường quốc phương Tây sẽ làm suy yếu lẫn nhau, còn Liên Xô thủ lợi vì nhờ những điều khoản bí mật của hiệp ước, Liên Xô sẽ thu hồi được phần lớn những lãnh thổ Nga bị mất đi sau cách mạng. Tính như vậy là sai, và điều này, cũng như những cố gắng đã thất bại nhằm thiết lập mặt trận chung chống Hitler, càng biểu lộ những sự chia rẽ nhờ đó Đức Quốc xã đã vượt trội đi lên, hầu như không gặp sức kháng cự nào đáng kể, từ năm 1933 đến năm 1939.

Thêm vào đó, địa lí, lịch sử và kinh tế lại khiến cho chính phủ các nước nhìn thế giới với những viễn cảnh khác nhau. Lục địa châu Âu tự nó không phải là mối quan tâm của Nhật Bản hay Hoa Kỳ (chính trị Hoa Kỳ chú mục vào Thái Bình Dương và hai châu [Bắc và Nam] Mỹ), thậm chí của cả nước Anh nữa, vì Anh còn gắn kết với đế quốc của mình trên thế giới, với chiến lược hàng hải toàn cầu, mặc dầu Anh quá yếu để thực hiện được tham vọng của mình về mặt này hay mặt kia. Các quốc gia ở Đông Âu thì bị kẹp giữa hai gọng kìm của Đức và Nga: vị trí này quy định đường lối chính trị của họ, nhất là khi các cường quốc phương Tây không có sức bảo vệ họ. Nhiều nước Đông Âu sau năm 1917 đã chiếm được đất đai cũ của nước Nga, nên mặc dầu họ thù nghịch với Đức, các nước này cưỡng lại mọi sự liên minh chống Đức có thể dẫn tới hậu quả là đưa quân đội Nga trở lại những lãnh thổ này. Thế mà, như Thế chiến thứ Hai sẽ chứng minh, không thể liên minh hiệu quả chống phát-xít mà không có Liên Xô tham gia. Sau cùng, về mặt kinh tế, những nước như nước Anh, hồi Thế chiến thứ Nhất, đã biết tiến hành chiến tranh vượt quá khả năng tài chính của mình, bây giờ chùn bước trước phí tổn của công cuộc tái vũ trang. Tóm lại, giữa việc nhận thức được hiểm họa bao hàm trong phe Trục và quyết tâm hành động, có cả một hố sâu.

Nền dân chủ liberal (đương nhiên các nước phát-xít hay cường quyền không có chế độ này) càng khoét rộng hố sâu ấy. Nó trì hoãn hay ngăn cản quyết định chính trị, nhất là ở Hoa Kỳ, và rõ ràng nó làm cho khó, nhiều khi không thể, tiếp tục những chính sách không được lòng dân. Tất nhiên một số chính phủ đã viện cớ như vậy để biện minh cho sự ù lì của họ, nhưng trường hợp Hoa Kỳ cho thấy một tổng thống mạnh và được lòng dân như Franklin D. Roosevelt cũng không thể thi hành chính sách đối ngoại chống phát-xít vì nó đi ngược ý kiến của cử tri đã bỏ phiếu cho ông. Nếu không xảy ra vụ Pearl Harbor, nếu Hitler không tuyên chiến với Mỹ, thì chắc Hoa Kỳ vẫn còn đứng ngoài lề Thế chiến thứ Hai. Cũng khó tưởng tượng trong hoàn cảnh nào Hoa Kỳ có thể tham chiến.

Tuy nhiên, nhân tố làm suy yếu quyết tâm của các chế độ dân chủ châu Âu, của nước Pháp và nước Anh không phải là những cơ cấu chính trị của chế độ dân chủ, mà là hồi ức về Thế chiến thứ Nhất. Đó là vết thương mà cử tri và chính quyền vẫn còn cảm thấy đau buốt, bởi vì cuộc chiến tranh ấy đã tác động chưa từng thấy và bao trùm lên khắp. Đối với Pháp cũng như đối với Anh, Thế chiến thứ Nhất đã tác động về nhân sự (chứ không về vật chất) lớn hơn Thế chiến thứ Hai rất nhiều (xem ch. 1). Cho nên, bằng mọi giá, phải tránh để tái diễn một cuộc chiến tranh như vậy. Đó chắc chắn là nhân tố cuối cùng đã quy định mọi chính sách.

Tuy rằng tinh thần quân sự của người Pháp (là nước đã phải gánh chịu đau khổ hơn mọi nước tham chiến khác) đã bị suy nhược do cuộc chấn thương 1914-1918, ta chớ nên nhầm lẫn sự do dự tham chiến với sự từ chối chiến đấu. Chẳng ai, kể cả người Đức, bước vào cuộc Thế chiến thứ Hai với lời ca trên cửa miệng. Mặt khác, chủ nghĩa hòa bình (phi tôn giáo) tuy khá phổ biến ở Anh trong thập niên 1930 cũng chưa bao giờ trở thành một phong trào đại chúng; đến năm 1940 thì nó biến mất. Mặc dầu quy chế “phản chiến vì lương tri” (conscientious objectors) vẫn được dung nhận rộng rãi trong Thế chiến thứ Hai, rốt cuộc ít có người sử dụng quyền từ chối đầu quân (Calvocoressi, 1987, tr. 63).

George Lansbury (1859-1940)

Trong phái tả không cộng sản là giới mà tâm tư căm thù chiến tranh, chống quân phiệt (trên nguyên tắc) sau năm 1918 phát triển mạnh hơn trước năm 1914, lập trường “hòa bình với bất cứ giá nào” là một lập trường thiểu số, kể cả ở nơi nó mạnh nhất, là Pháp. Tại Anh, George Lansbury, một người hòa bình chủ nghĩa, do cuộc đại bại của Công đảng trong cuộc bầu cử năm 1931, đã ngẫu nhiên trở thành lãnh tụ Công đảng, nhưng đến năm 1935, đã bị gạt ra khỏi cương vị lãnh đạo một cách nhanh gọn. Khác với chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp do đảng Xã hội cầm đầu những năm 1936-1938, người ta không thể trách Công đảng Anh thiếu cương quyết đối với phát-xít xâm lược, mà chỉ có thể trách họ không chịu chuẩn y những biện pháp quân sự cần thiết để sự đề kháng có hiệu quả: tái vũ trang và đầu quân. Lời phê bình này cũng có thể dùng đối với người Cộng sản là những người không bao giờ chủ trương hòa bình chủ nghĩa.

Thực ra, phái tả bị kẹt trong một mâu thuẫn. Một mặt, sức mạnh của phong trào chống phát-xít là động viên những người e ngại chiến tranh (cả cuộc chiến tranh đã qua lẫn những nỗi kinh hoàng không biết thế nào của cuộc chiến tranh sắp tới). Phát-xít = chiến tranh, điều đó cũng đủ để người ta chống lại chủ nghĩa phát-xít. Mặt khác, chống phát-xít mà không nghĩ tới cả việc sử dụng vũ khí thì không thể thành công. Vả chăng, hi vọng có thể dùng chính sách tập thể cương quyết mà hòa bình để làm cho chế độ Nazi, và ngay cả chế độ Mussolini ở Italia, sụp đổ, là một niềm tin dựa trên những ảo tưởng về Hitler và về những lực lượng tưởng là đối lập ở Đức. Bất luận thế nào, là người đã trải qua thời kì đó, chúng tôi thừa biết rằng sẽ có chiến tranh, mặc dầu chúng tôi vẫn phác thảo những kịch bản không mấy thuyết phục với hi vọng ngăn ngừa chiến tranh bùng nổ. Thâm tâm chúng tôi – nhà sử học cũng có thể sử dụng hồi ức của mình – chờ đợi sẽ phải cầm súng chiến đấu, và có lẽ sẽ bỏ mình, trong cuộc chiến tranh sẽ tới. Song, là người chống phát-xít, chúng tôi không nghi ngờ sẽ tới ngày chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác hơn là chiến đấu.

Tuy nhiên, không thể dùng thế lưỡng nan của phái tả để giải thích thất bại của chính quyền, bởi một lí do đơn giản là hiệu quả của công tác chuẩn bị chiến tranh không tùy thuộc vào những văn bản quyết nghị được thông qua (hay không) trong các đại hội đảng, và cũng chẳng tùy thuộc, trong nhiều năm, vào việc đảng sợ kết quả bầu cử. Song cuộc Đại chiến 1914-1918 đã để lại một vết thương hằn sâu lên các chính quyền, đặc biệt là hai chính phủ Pháp và Anh. Nước Pháp bước ra khỏi cuộc chiến tranh trong tình trạng kiệt quệ, so về tiềm lực của hai cường quốc, thì Pháp chiến thắng nhỏ và yếu hơn cả nước Đức chiến bại. Không có các nước đồng minh thì bây giờ nước Pháp chẳng là gì trước một nước Đức đã thức dậy. Và những nước châu Âu duy nhất lẽ ra vì quyền lợi phải liên minh với Pháp là Ba Lan và những quốc gia kế thừa Đế chế Habsburg thì rõ ràng là quá yếu. Vì sợ sẽ bị những tổn thất ngang với thương vong ở trận Verdun (xem ch. 1) Pháp đã tập trung tiền của để xây tuyến phòng ngự (“phòng tuyến Maginot”, mang tên một bộ trưởng sớm rơi vào quên lãng) mà mục đích là ngăn đe Đức mở cuộc tấn công. Ngoài ra, Pháp chỉ còn nước trông chờ vào Anh, và sau 1933, vào Liên Xô.

Tương tự, các chính phủ kế tiếp nhau ở Anh cũng ý thức được một hạn chế cơ bản. Về mặt tài chính, Anh không thể kham nổi một cuộc chiến tranh mới. Về mặt chiến lược, hải quân Anh không còn khả năng cùng một lúc can thiệp ở ba đại dương và Địa Trung Hải. Mặt khác, các chính phủ Anh ít chú ý tới tình hình châu Âu mà phải quan tâm gìn giữ sự cố kết của đế chế trong khi lực lượng của Anh thì rõ ràng không còn đủ – một hệ thống các nước thuộc địa và thần phục trải rộng khắp năm châu, chưa bao giờ to lớn như thế nhưng cũng hiển nhiên đang ở ngưỡng cửa của sự tan rã.

Cả hai quốc gia Pháp và Anh tự biết mình không còn đủ sức để duy trì tình thế nguyên trạng hết sức có lợi cho họ, thiết lập từ năm 1919, và cũng hiểu đó là một tình thế không ổn định và không có cách gì bảo vệ được nữa. Hai nước không có nước nào có hi vọng kiếm lợi trong một cuộc chiến tranh mới, ngược lại, cả hai đều sợ mất đi nhiều. Đường lối hiển nhiên và logic như vậy là thương lượng với một nước Đức đã hồi sinh với mục đích thiết lập ở châu Âu một trật tự bền vững hơn, và muốn thế, tất nhiên họ phải nhân nhượng đối với nước Đức ngày càng mạnh. Cái nước Đức vừa hồi sinh ấy, khốn thay, lại là nước Đức của Hitler.

Chính sách gọi là “xoa dịu” từ năm 1939 đã mang tai tiếng quá nhiều nên cũng cần nhắc lại là trước đó nó rất thuận tai với những chính khách phương Tây đông đảo không cừu thù gì nước Đức hoặc, vì nguyên tắc, không chống chủ nghĩa phát-xít. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp nước Anh vì tại đây, những thay đổi trên bản đồ châu Âu, nhất là “tại những nước xa xôi chúng ta không biết gì mấy” (Chamberlain nói về Tiệp Khắc năm 1938) không gây ra căng thẳng. (Người Pháp, cũng dễ hiểu, thì xét nét hơn nhiều trước mọi sáng kiến có lợi cho Berlin, vì sớm muộn nó cũng sẽ gây thiệt hại cho họ, nhưng nước Pháp yếu thế). Một cuộc Thế chiến thứ hai, người ta có thể tiên liệu chính xác, sẽ làm nước Anh khánh kiệt và mất đi từng mảng thuộc địa rộng lớn. Thực tế đã diễn ra đúng như thế. Đó là cái giá phải trả mà các đảng viên Xã hội, Cộng sản và các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, và cả tổng thống F. D. Roosevelt nữa, không ngần ngại chấp nhận, nhưng ta không nên quên rằng đứng ở quan điểm của những người Anh thuần lí và có xu hướng đế quốc chủ nghĩa, đó là cái giá quá đắt.

Tuy nhiên, mọi thỏa hiệp hay thương lượng với nước Đức của Hitler đều không thể vì các mục tiêu của chủ nghĩa Nazi là những điều phi lí tính và vô hạn. Bành trướng và xâm lược đã mang tính hệ thống, trừ phi người ta chấp nhận ngay từ đầu sự thống trị của nó, nghĩa là chọn buông tay để Nazi lấn tới, chiến tranh sớm muộn trở thành tất yếu. Chính vì vậy mà tư tưởng giữ vai trò trung tâm trong việc hoạch định đường lối chính trị cho những năm 1930: một bên, hệ tư tưởng quy định các mục tiêu của Đức Quốc xã, và bên kia, nó loại trừ con đường Realpolitik. Những người đã nhận thức được rằng không thể nào thỏa hiệp với Hitler – đó là một nhận định xác thực về tình hình – đã đi tới kết luận như vậy vì những lí do không có gì “thực dụng” cả. Họ đứng về mặt nguyên tắc để kết luận rng chủ nghĩa phát-xít tiên thiên là không thể chấp nhận; còn những người như Winston Churchill, họ đã có ý tưởng tiên định là nước Anh, Đế chế Anh phải “như thế nào”, cái gì là cái họ không thể hi sinh. Nghịch lí của Winston Churchill là con người hết sức lãng mạn này, từ năm 1914 trở đi, đã liên tục sai lầm trong các nhận định chính trị – kể cả trong việc đánh giá chiến lược quân sự, lãnh vực mà ông tự hào là sở trường – thì trong riêng vấn đề Đức, lại nhận định rất chính xác và hiện thực.

Neville Chamberlain (1869-1940)

Ngược lại, những “bộ óc thực tế” chủ trương đấu dịu đã hoàn toàn không hiện thực chút nào khi họ đánh giá tình hình, ngay cả trong thời kì 1938-1939, khi mọi nhà quan sát có tri năng đều thấy rõ không thể nào đạt được một giải pháp thương lượng với Hitler. Đó là nguyên nhân dẫn tới tấn bi-hài kịch thê thảm tháng ba – tháng chín 1939, kết thúc là một cuộc chiến tranh mà không ai mong ước, diễn ra trong những điều kiện chẳng ai mong muốn (kể cả nước Đức). Anh và Pháp đều lấn cấn không biết phải hành xử ra sao cho đến tận ngày bị cuộc Blitzkrieg (Chiến tranh chớp nhoáng) 1940 quét sạch. Đứng trước một sự thực hiển nhiên mà chính họ cũng thừa nhận, những người chủ trương đấu dịu, ở Paris cũng như ở London, vẫn không muốn thương lượng nghiêm chỉnh với Liên Xô, mà không có Liên Xô thì không có cách nào trì hoãn chiến tranh hay thắng trận, không có Liên Xô thì những lời cam kết bảo đảm là Hitler sẽ không xâm lược mà Neville Chamberlain đã ngẫu hứng và vô tâm phân phát ở các nước Đông Âu (điều không thể tưởng tượng được là Chamberlain trước đó cũng không thèm hỏi ý kiến Liên Xô hay thông báo đàng hoàng cho Liên Xô) chỉ là mớ giấy lộn. London và Paris không muốn chiến đấu, cùng lắm chỉ muốn ngăn đe bằng một cuộc biểu dương lực lượng. Sự ngăn đe ấy, Hitler hoàn toàn không tin, Stalin cũng vậy, trong khi các nhà ngoại giao đại diện Stalin hoài hơi yêu cầu phải đưa ra những đề nghị triển khai chiến lược chung ở vùng biển Baltic. Khi các quân đoàn Đức tiến vào lãnh thổ Ba Lan, chính phủ Neville Chamberlain vẫn còn muốn thương ước với Berlin, đúng như Hitler dự tính (Watt, 1989, tr. 215).

Nhưng Hitler đã tính sai. Các nước phương Tây đã tuyên chiến: không phải vì những nhà lãnh đạo quốc gia các nước này muốn thế, mà bởi vì chính sách của Hitler sau Munich tự nó đã làm những người chủ trương đấu dịu bị hẫng hụt. Chính Hitler đã thúc đẩy quần chúng cho đến lúc đó vẫn còn thờ ơ phải vào cuộc. Chính việc Đức chiếm đóng Tiệp Khắc tháng ba 1939 đã làm cho dư luận Anh thay đổi ý kiến, quyết chí chống cự, và chính dư luận đã ép buộc chính quyền lúc đó còn chần chừ; tới phiên chính phủ Anh thúc ép chính phủ Pháp, buộc Pháp phải đi với nước đồng minh thực sự duy nhất còn lại. Lần đầu tiên, cuộc chiến đấu chống nước Đức của Hitler đã đoàn kết hơn là chia rẽ người Anh, nhưng trong một thời gian, điều này không mang lại kết quả thực tế gì. Trong khi Đức nhẫn tâm tàn phá Ba Lan và chia chác với một Stalin náu mình trong vị trí trung lập bị lên án, thì trên chiến trường châu Âu, một cuộc “chiến tranh kì dị” đã thay thế tình trạng hòa bình không kém kì lạ.

Không có một thứ Realpolitik nào có thể lí giải nổi chính sách của những người sau Munich còn chủ trì đấu dịu. Một khi xác suất chiến tranh đã lên tới mức đó – mà năm 1939, còn ai nghi ngờ điều này nữa? – thì việc duy nhất phải làm là chuẩn bị chiến tranh một cách hiệu quả nhất. Người ta không làm thế. Nước Anh, ngay cả nước Anh của Chamberlain, chắc chắn không cam tâm chấp nhận một châu Âu dưới ách thống trị của Hitler trước khi điều đó xảy ra, dù rằng sau khi nước Pháp sụp đổ cũng có vài người thực sự chủ trương hòa đàm – nghĩa là chịu thua. Ngay ở Pháp là nơi sự bi quan gần như chủ bại khá phổ biến trong giới chính trị và quân sự, chính phủ không hề tỏ ra có ý định buông xuôi, họ chỉ bỏ cuộc sau khi quân đội đã đột quị tháng sáu 1940. Chính sách của Pháp là chần chừ: không dám đi theo logic của chính sách cường quốc và cũng chẳng dám hành động theo niềm tin tiên thiên hoặc là của những người kháng chiến – đối với những người chủ trương kháng chiến thì điều tối quan trọng là phải chống lại chủ nghĩa phát-xít, dù nó là phát-xít Đức hay gì gì đi nữa – hoặc là của những người chống cộng – đối với những người này, thất bại của Hitler có nghĩa là sụp đổ những chế độ cực quyền là “thành đồng” chủ yếu chống lại “cách mạng cộng sản” (Thierry Maulnier, 1938 dẫn theo P. Ory, 1976, tr. 24). Cũng khó nói cái gì đã quy định hành động của những chính khách ấy, bởi vì một mặt chắc chắn họ quyết đoán theo trí tuệ, mặt khác theo cả những thành kiến, những lo sợ và cả những hi vọng làm cho nhãn quan của họ bị méo mó đi. Có những kỉ niệm về Thế chiến thứ Nhất, những nghi ngại của các chính khách hình dung sự lụn bại của nền kinh tế và chế độ chính trị dân chủ liberal của họ: tâm trạng này thường thấy ở lục địa châu Âu hơn là ở bên Anh. Lại có một câu hỏi thực sự day dứt: cho dù chủ trương kháng chiến có thắng lợi đi nữa, trong hoàn cảnh nào, những hậu quả khó lường trước được của nó có thể biện minh cho những cái giá phải trả, chắc chắn sẽ rất cao? Vì, xét cho cùng, trong đầu óc của đa số các nhà chính trị Pháp, Anh, thượng sách vẫn là duy trì được tình hình nguyên trạng không mấy thỏa đáng và có lẽ không có cách gì giữ nổi. Và đằng sau đó là vấn đề này: cho là nguyên trạng không giữ được rồi, phải chăng chủ nghĩa phát-xít dẫu sao cũng còn hơn là giải pháp kia, nghĩa là một cuộc cách mạng xã hội và chủ nghĩa Bolshevik? Nếu chủ nghĩa phát-xít chỉ có một loại duy nhất là chủ nghĩa phát-xít Italia, chắc các chính khách bảo thủ hay ôn hòa, không mấy ai do dự. Ngay Winston Churchill cũng thân Italia. Nhưng trước mặt họ, không phải Mussolini, mà là Hitler. Không phải không có ý nghĩa: nhiều chính phủ và nhiều nhà ngoại giao thập niên 1930 đã nuôi dưỡng hi vọng ổn định tình thế châu Âu bằng cách thu xếp với Italia, hay ít nhất tách được Mussolini ra khỏi khối liên minh với môn đệ là Hitler. Chiến lược ấy không thành, mặc dù chính Mussolini cũng tỏ ra khá thực tiễn, cho đến tháng sáu 1940, vẫn giữ cho mình một mảnh đất tự do hành động. Nhưng đến thời điểm ấy, nhầm tưởng rằng Hitler đã thắng – nhầm, nhưng sai lầm ấy cũng không hoàn toàn phi lí – và Mussolini cũng tuyên chiến.

 

III

 

Các cuộc đối đầu diễn ra trong nội bộ quốc gia hay giữa các nước với nhau, thì các vấn đề của thập niên 1930 vẫn mang một kích thước xuyên quốc gia. Điển hình hiển nhiên nhất là cuộc nội chiến 1936-1939 ở Tây Ban Nha, biểu trưng của cuộc đối đầu có tính chất quốc tế ấy.

Napoleon Bonaparte (1769-1821)

Chuyện đã qua, nay nhìn lại ta có thể ngạc nhiên nhận thấy cuộc xung đột này ngay lập tức đã huy động cảm tình của phái tả cũng như của phái hữu ở châu Âu và châu Mỹ, nhất là trong giới trí thức phương Tây. Tây Ban Nha ở vị trí ngoại biên châu Âu, và một cách có hệ thống, lịch sử Tây Ban Nha vẫn “lệch pha” so với lịch sử toàn bộ phần còn lại của châu Âu ở phía bên kia “biên giới” tự nhiên là dãy núi Pyrénées. Từ thời Napoléon trở đi, Tây Ban Nha đứng ngoài mọi cuộc chiến tranh châu Âu, trong cuộc Thế chiến thứ Hai cũng thế. Từ đầu thế kỉ XIX, chính quyền các nước châu Âu cũng chẳng quan tâm gì tới chuyện Tây Ban Nha, mặc dù năm 1898 Hoa Kỳ đã gây ra một cuộc chiến tranh ngắn ngủi để chiếm đoạt những tàn dư của đế quốc Tây Ban Nha trải rộng trên thế giới từ thế kỉ XVI: Cuba, Puerto Rico, Philippines[38]. Ngược lại với suy nghĩ của những người cùng thế hệ với tác giả, cuộc nội chiến Tây Ban Nha thực ra không phải là giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến thứ Hai, và thắng lợi của tướng Franco (không thể coi là một phần tử phát-xít) không có những hệ quả gì quan trọng trên bình diện quốc tế. Nó chỉ duy trì Tây Ban Nha (và Bồ Đào Nha) trong tình trạng cô lập đối với thế giới trong 30 năm tiếp theo đó.

Song không phải ngẫu nhiên mà trong thập niên 1930 chính trị nội bộ của đất nước ngoại chuẩn và sống khép mình này lại trở thành biểu tượng của sự đối đầu có tính chất toàn cầu như vậy. Bởi nó đặt ra những vấn đề chính trị cơ bản của thời đại: một bên là dân chủ và cách mạng xã hội, Tây Ban Nha lại là nước duy nhất ở châu Âu mà cách mạng sẵn sàng bùng nổ; bên kia là một phe cương ngạnh, phản cách mạng hay phản động và chịu tác động của một Giáo hội Kitô một mực phủ nhận tất tật những gì đã xảy ra trên thế giới từ thời Martin Luther. Một điều khá kì lạ là trước cuộc nội chiến, đảng Cộng sản thân Moskva cũng như các đảng có hơi hướng phát-xít đều không mấy ảnh hưởng ở Tây Ban Nha vì đất nước biệt lệ này ngả theo các xu hướng phái tả Vô chính phủ hay cực hữu Bảo hoàng, ủng hộ dòng vua Carlos.[39]

Năm 1931 nhờ một cuộc cách mạng hòa bình, những người xu hướng liberal lật đổ được vương triều Bourbon. Họ là những người chống giáo hội hoặc những hội viên Tam Điểm, theo cung cách những nước Latin thế kỉ XIX. Thiện chí có thừa, nhưng họ không kiềm chế nổi sự sôi động xã hội trong giới người nghèo ở nông thôn cũng như ở thành thị, và cũng không ngăn ngừa được bằng những cải cách xã hội hiệu quả (chủ yếu là cải cách ruộng đất). Năm 1933, họ phải nhường chỗ cho những chính phủ bảo thủ. Nhưng chính phủ này đàn áp các cuộc khuấy động và nổi dậy địa phương, như cuộc nổi dậy của công nhân vùng mỏ Asturia năm 1934, khiến cho các áp lực cách mạng ngày càng gia tăng. Đó chính là lúc phái tả Tây Ban Nha phát hiện ra chủ trương Mặt trận Nhân dân của Quốc tế Cộng sản đang được hưởng ứng ở nước Pháp kế cận. Phái tả Tây Ban Nha đang lúng túng không biết làm gì đã nắm ngay lấy cái ý liên kết các đảng trong một mặt trận tranh cử thống nhất. Ngay những người theo chủ nghĩa Vô chính phủ – Tây Ban Nha là thành lũy cuối cùng của họ – cũng muốn kêu gọi quần chúng của mình tham gia cuộc bầu cử, điều mà họ vốn coi là một tội lỗi tư sản, và cho đến lúc đó họ chưa hề chấp nhận, bằng chứng là chưa hề có người Vô chính phủ chủ nghĩa nào chịu hạ mình ra ứng cử cả. Tháng hai 1936, Mặt trận Nhân dân thắng cử với một đa số sít sao (chứ không phải là đại thắng), nhưng nhờ biết phối hợp nên đã giành được đại đa số ghế nghị viên ở cả hai viện Cortes. Thắng lợi này không tạo ra được một chính phủ phái tả hiệu quả mà lại tạo ra một khe nứt từ đó những uất ức xã hội tích tụ bắt đầu phun ra tựa như nham thạch núi lửa. Hiện tượng này còn biểu lộ rõ hơn nữa trong những tháng tiếp theo.

Đó chính là lúc mà Tây Ban Nha, trước thất bại của phái hữu chính thống, đã làm sống lại lại một hình thái chính trị mà nước này đã đi tiên phong và đã trở thành một đặc sản của bán đảo Iberia: pronunciamiento hay là đảo chính quân sự. Vượt qua biên giới quốc gia, phái tả Tây Ban Nha trông mong vào chính sách “mặt trận nhân dân”; tương tự như vậy, phái hữu chịu hấp lực của các cường quốc phát-xít. Với tổ chức phát-xít bản địa nhỏ bé, Phalange, phong trào này chỉ có thể tác động thông qua Giáo hội Kitô và các phần tử bảo hoàng; mà đối với Kitô giáo và phe bảo hoàng thì cộng sản hay liberal “tự do” cũng cá mè một lứa, đều là bọn vô thần, không thể thỏa hiệp gì với chúng. Italia và Đức hi vọng rút ra từ thắng lợi của phe hữu Tây Ban Nha một lợi thế về tinh thần, và có thể về chính trị nữa. Các tướng lĩnh Tây Ban Nha bắt đầu âm mưu tổ chức một cuộc đảo chính sau cuộc bầu cử, đã thương lượng với Italia để có sự yểm trợ tài chính và thực tế cần thiết.

Tuy nhiên, những thời kì dân chủ thắng thế và quần chúng huy động đông đảo không phải là vận hội lí tưởng để làm đảo chính quân sự: binh biến chỉ có thể thành công nếu như thường dân – đó là không nói tới những bộ phận quân đội không tham gia đảo chính – chịu chấp nhận hiệu lệnh đảo chính; các lực lượng đảo chính một khi làm thử mà không thành công đành phải chịu thất bại một cách hòa bình. Một cuộc pronunciamiento chỉ thành công tốt đẹp khi quần chúng nhân dân thu mình thúc thủ hay khi chính quyền mất hết chính nghĩa. Thế mà ở Tây Ban Nha, các điều kiện đó không được hội đủ. Cuộc bạo loạn của giới tướng lĩnh ngày 17.7.1936 chỉ thành công tại một vài thành phố, còn ở những nơi khác, nó đã gặp phải sự kháng cự kiên quyết của dân chúng và của những lực lượng quân đội trung thành với chính phủ. Phe đảo chính không chiếm được hai thành phố lớn nhất, trong đó có thủ đô Madrid. Tại một số vùng, cuộc đảo chính đã gây ra tác động ngược lại là đẩy mạnh cách mạng xã hội. Trên phạm vi toàn quốc, nó dẫn tới cuộc nội chiến trường kì giữa một bên là chính phủ chính thống của nền Cộng hòa – đã được thành lập một cách hợp pháp qua tuyển cử, nay mở rộng với sự tham gia của đảng Xã hội, đảng Cộng sản và một số người Vô chính phủ, chung sống tuy không suôn sẻ lắm với những lực lượng nổi dậy của nhân dân đã chận đứng được cuộc đảo chính – và một bên là những loạn tướng tự xưng là những chiến sĩ thập tự chinh quốc gia chống cộng. Franco Francisco y Bahamonde (1892-1975), người trẻ tuổi nhất và khôn lanh nhất về mặt chính trị trong đám tướng lĩnh bạo loạn, trở thành thủ lĩnh của một chế độ mới. Trong quá trình diễn tiến của cuộc nội chiến, chế độ này đã trở thành một chính thể độc tài độc đảng: tập hợp các lực lượng phái hữu, từ đảng phát-xít đến phe bảo hoàng cũ và phe cực đoan ủng hộ Carlos mang danh hiệu kì quái là Phalange Tây Ban Nha “bảo vệ truyền thống”. Cả hai phe đối địch trong cuộc nội chiến đều cần hậu thuẫn và đều kêu gọi những đồng minh tiềm thể.

Trước cuộc phiến loạn của tướng lĩnh Tây Ban Nha, dư luận chống phát-xít đã phản ứng tức thời một cách tự phát, khác hẳn thái độ của các chính phủ không phát-xít, thận trọng hơn hẳn, ngay trong trường hợp họ nhiệt tâm tán thành chế độ cộng hòa Tây Ban Nha, như Liên Xô và chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp. (Trong khi đó, Italia và Đức đã gửi ngay khí giới và người sang chi viện). Nước Pháp cũng muốn giúp bạn, và đã gửi chi viện cho phe cộng hòa dưới dạng thức dễ “cải chính”. Nhưng sau đó Pháp buộc phải theo chủ trương chính thức “không can thiệp” vì nội bộ chia rẽ và đồng minh Anh thì hết sức thù ghét cái mà London coi là bước tiến của cách mạng xã hội và của chủ nghĩa Bolshevik ở bán đảo Iberia. Nói chung ở phương Tây, dư luận giới tư sản và bảo thủ đều chia sẻ thái độ của chính phủ Anh, mặc dầu họ không nhiệt tâm nhất trí với nhóm tướng lãnh Tây Ban Nha – ngoại trừ Giáo hội Kitô và các nhóm thân phát-xít. Tuy công khai đứng về phe Cộng hòa Tây Ban Nha, Nga cũng gia nhập Hiệp ước không can thiệp do Anh chủ xướng, một hiệp ước mà không ai trông đợi hoặc mong muốn vào mục đích là ngăn chặn Đức và Italia chi viện cho nhóm loạn tướng, và do đó, cái “phổ” mà hiệp ước này “phủ sóng” rất rộng, “đi từ thái độ lập lờ đến lập trường đạo đức giả” (Thomas, 1977, tr. 395). Từ tháng chín 1936, Nga bắt đầu chi viện nhân sự và vật chất để ủng hộ phe Cộng hòa (một cách tích cực nhưng không chính thức). Không can thiệp rốt cuộc chỉ có nghĩa là London và Paris không chịu làm gì đối với việc phe Trục can thiệp ồ ạt vào Tây Ban Nha, tóm lại là bỏ rơi Madrid. Điều này càng củng cố sự khinh miệt của của cả phe phát-xít lẫn phe chống phát-xít đối với những người chủ trương không can thiệp, đồng thời nâng cao hẳn uy tín của Liên Xô, cường quốc duy nhất đã cứu trợ chính phủ Tây Ban Nha chính đáng, và những người cộng sản, trong nước và ngoài nước. Về mặt quốc tế, chính người cộng sản đã đứng ra tổ chức sự chi viện; tại Tây Ban Nha, họ nhanh chóng chiếm vai trò cột sống của nỗ lực quân sự của chính thể cộng hòa.

Ngay từ trước khi người Soviet huy động tài nguyên của họ, từ những người thuộc khuynh hướng tự do cho đến cực tả, người ta đã coi là của mình cuộc đấu tranh ở Tây Ban Nha. Như nhà thơ tinh hoa nhất của nước Anh trong thập niên 30, W. H. Auden, đã viết:

Trên mảnh đất vuông vắn khô cằn, cắt xén

Từ châu Phi nóng bỏng, chắp ghép thô bạo

Vào châu Âu tinh ranh; trên cao nguyên

Xẻ dọc sông ngòi, tư tưởng chúng ta đã hiện thân;

Những cơn sốt gầm gừ, sống động.

Lúc đó và chính lúc đó, cuộc rút lui triền miên và nản chí của phái tả trước sự tiến công của phái hữu đã bị chặn đứng, nhờ sự chiến đấu của những con người, nam cũng như nữ, súng cầm chắc trong tay. Ngay từ trước khi Quốc tế Cộng sản bắt đầu tổ chức các Lữ đoàn Quốc tế (những đơn vị đầu tiên đi tới căn cứ vào trung tuần tháng mười 1936), chính xác hơn, ngay trước khi những đạo quân chí nguyện đầu tiên (của phong trào Tự do – XHCN Italia Giustizia e Libertá) xuất hiện ngoài mặt trận, thì đã có khá đông người nước ngoài tình nguyện tham gia quân đội Cộng hòa. Kết cục, đã có hơn 40.000 thanh niên thuộc hơn 50 quốc gia[40] đã tham gia chiến đấu, không ít người đã bỏ mình trên đất nước mà số đông trước đó chỉ biết qua trang sách giáo khoa. Điều có ý nghĩa là chỉ có khoảng 1.000 người nước ngoài tình nguyện chiến đấu trong phe Franco (Thomas, 1977, tr. 980). Với những độc giả trưởng thành trong bầu không khí cuối thế kỉ XX, cần nói rõ là ở cả hai phía, đó không phải là những tên lính đánh thuê hay (ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi) là những kẻ phiêu lưu. Họ chiến đấu cho một sự nghiệp.

Ngày nay khó mà hình dung Tây Ban Nha tượng trưng cho những gì đối với những người thuộc khuynh hướng tự do và những người phái tả những năm 1930, trong khi đối với những người trong thế hệ chúng tôi, những người còn sống đến ngày nay, nghĩa là đã vượt quá tuổi thọ trung bình của kinh Thánh, với khoảng lùi thời gian, có thể nói rằng Tây Ban Nha là sự nghiệp chính nghĩa duy nhất vẫn còn nguyên khôi và quyến rũ như hồi 1936. Giờ đây, chuyện đó dường như đã thuộc cõi tiền sử, ngay ở Tây Ban Nha cũng thế. Vậy mà hồi đó, đối với những người đấu tranh chống phát-xít, chiến tranh tranh Tây Ban Nha dường như là mặt trận trung tâm, bởi vì đó là mặt trận duy nhất diễn ra liên tục trong thời gian hai năm rưỡi, là mặt trận duy nhất mà họ có thể tự nguyện tham gia với tư cách cá nhân – mặc quân phục hay không – rồi đi quyên tiền ủng hộ, sau đó là cứu trợ người tị nạn, tổ chức liên tiếp những đợt vận động dư luận để làm sức ép trên những chính phủ còn trù trừ. Và sự tiến tới hầu như không gì cản nổi của phe quốc gia, sự thất bại và cáo chung của chính thể Cộng hòa Tây Ban Nha càng thôi thúc người ta phải cấp thiết đoàn kết chống lại chủ nghĩa phát-xít trên thế giới.

Bởi vì, mặc dầu được đồng tình ủng hộ và giúp đỡ (không đúng mức), Cộng hòa Tây Ban Nha, ngay từ đầu, đã phải chiến đấu như một đội hậu quân trên đường thối lui. Ngày nay nhìn lại, có thể thấy rõ cốt lõi vấn đề nằm ngay ở những khuyết nhược của bản thân chính thể này. So với tiêu chuẩn các cuộc chiến tranh nhân dân (đã thắng lợi hay thất bại) trong thế kỉ XX, thì cuộc chiến tranh mà Cộng hòa Tây Ban Nha tiến hành quả là yếu kém. Nhất là họ không ra sức sử dụng vũ khí mạnh mẽ nhất là chiến tranh du kích để chống lại những lực lượng chính quy hùng hậu hơn hẳn của đối phương: đáng ngạc nhiên là điều ấy lại xảy ra ngay trên đất nước đã sản sinh ra tên gọi “guerilla” cho phương thức chiến đấu phi chính quy ấy. Trong khi phe quốc gia đặt dưới sự chỉ huy quân sự và lãnh đạo chính trị thống nhất, thì phe cộng hòa lại chia rẽ về mặt chính trị, còn về mặt quân sự, mặc dầu có sự đóng góp của người cộng sản, lại thiếu vắng ý chí quân sự và không có một bộ chỉ huy chiến lược duy nhất, đến khi có thì quá muộn rồi. Vì vậy mà cố gắng lắm, thi thoảng họ mới đẩy lui được những cuộc tiến công quyết định, do đó kéo dài được một cuộc chiến tranh lẽ ra đã kết thúc ngay từ tháng 11, 1936 khi thủ đô Madrid thất thủ.

Hồi ấy, cuộc nội chiến Tây Ban Nha là một điềm gở đối với những ai kì vọng vào thất bại của chủ nghĩa phát-xít. Trên sân khấu quốc tế, đó là mô hình thu nhỏ của một cuộc chiến tranh quy mô châu Âu giữa các quốc gia phát-xít và cộng sản, mà các nước cộng sản lại tỏ ra thận trọng hơn và ít quyết tâm bằng phe phát-xít. Các nước dân chủ phương Tây thì chẳng biết phải làm gì, ngoại trừ một điều là không can thiệp. Về mặt nội trị, đây là một cuộc chiến tranh trong đó phe hữu huy động lực lượng hiệu quả hơn hẳn phái tả. Nó kết thúc bằng thất bại toàn diện, hàng trăm nghìn người chết, hàng trăm nghìn người khác phải sang tị nạn ở những nước chịu tiếp nhận, trong đó phải kể hầu hết những tài năng trí thức và văn học nghệ thuật còn sống của Tây Ban Nha (ngoại trừ vài trường hợp cá biệt, giới trí thức và văn nghệ sĩ Tây Ban Nha đều đứng về phe cộng hòa). Quốc tế Cộng sản đã huy động những phần tử ưu tú của mình để phục vụ Cộng hòa Tây Ban Nha. Người sẽ trở thành thống chế Tito, giải phóng và lãnh đạo Nam Tư, đã tuyển mộ người vào các Lữ đoàn Quốc tế từ Paris; Palmiro Togliatti, lãnh tụ cộng sản Italia, trên thực tế đã lãnh đạo ĐCS Tây Ban Nha còn non kém, đến năm 1939, là một trong những người cuối cùng đào tẩu khỏi Tây Ban Nha. Quốc tế Cộng sản thất bại, biết trước là sẽ thất bại; Liên Xô cũng thấy trước, tuy đã gửi sang giúp Tây Ban Nha những bộ óc quân sự tài ba, chẳng hạn như các thống chế tương lai Konev, Malinovsky, Voronov và Rokossovsky, cũng như đô đốc Kouznetsov, người sau này chỉ huy hạm đội Liên Xô.

 

IV

 

Tuy nhiên, chính cuộc chiến tranh Tây Ban Nha đã dự báo và chuẩn bị cục diện các lực lượng sẽ đánh bại chủ nghĩa phát-xít vài năm sau ngày Franco đại thắng. Nó dự báo xu hướng chính trị của Thế chiến thứ Hai là sự liên minh có một không hai của những mặt trận dân tộc rộng rãi, đi từ những người bảo thủ yêu nước đến những người xã hội cách mạng, với mục tiêu đánh bại kẻ thù và tái tạo xã hội. Bởi vì, đối với phe thắng trận, Thế chiến thứ Hai không đơn thuần chỉ là giành thắng lợi quân sự, mà ngay cả đối với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, còn là đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Không một ai mơ ước trở lại nguyên trạng 1939, 1928 hay 1918, như là các nguyên thủ quốc gia sau Thế chiến thứ Nhất đã mong ước trở lại thế giới năm 1913. Vào thời điểm tuyệt vọng nhất của cuộc chiến tranh, chính quyền Winston Churchill đã cam kết kiến lập một nhà nước phúc lợi và bảo đảm công ăn việc làm cho toàn dân. Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo Beveridge (đề ra những chủ trương vừa nói trên) được công bố năm 1942: năm đen tối nhất trong cuộc chiến tranh tuyệt vọng mà nước Anh tiến hành. Còn các kế hoạch hậu chiến của Hoa Kỳ, thì phần dành cho các phương tiện nhằm ngăn chận một Hitler mới chỉ là thứ yếu. Nỗ lực trí tuệ thực sự của những người xây dựng kế hoạch hậu chiến là rút ra những bài học của cuộc Đại Khủng hoảng và của thập niên 1930 để ngăn ngừa sự tái diễn của tình huống này. Còn đối với phong trào kháng chiến ở các nước bị phe Trục đánh bại và chiếm đóng, cố nhiên là sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội, hay ít nhất, với một cuộc đại cải cách. Thêm nữa, trên toàn cõi châu Âu, từ Đông sang Tây, các chính quyền xuất phát từ chiến thắng đều cùng một loại hình: những chính phủ đoàn kết dân tộc, dựa trên toàn thể các lực lượng đã chiến đấu chống phát- xít, không phân biệt ý thức hệ. Lần đầu tiên – cũng là lần duy nhất – trong lịch sử, có những bộ trưởng Cộng sản trong nội các của phần lớn các nước châu Âu, bên cạnh những người Bảo thủ, Tự do hay Xã hội – Dân chủ. Tình trạng ấy, của đáng tội, chẳng mấy lâu sẽ chấm dứt.

Cho dù mối hiểm họa chung đã xích lại gần nhau những đối cực, Roosevelt và Stalin, Churchill và đảng Xã hội Anh, De Gaulle và Cộng sản Pháp, sự thống nhất kì lạ ấy sở dĩ đã trở thành hiện thực một phần cũng là nhờ trước đó chừng nào đã giảm bớt sự thù nghịch và nghi ngờ lẫn nhau giữa những người ủng hộ và những đối thủ của Cách mạng tháng Mười. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha đã tạo điều kiện thuận lợi. Ngay cả những chính phủ phản cách mạng cũng không thể quên rằng chính nghĩa thuộc về chính phủ Tây Ban Nha, đứng đầu là tổng thống và thủ tướng đều là những chính khách thuộc khuynh hướng liberal; họ có đầy đủ tính chính đáng, hợp hiến và tư cách đạo đức để kêu gọi các nước ủng hộ họ, chống lại các loạn tướng. Các nhà lãnh đạo quốc gia thuộc xu hướng dân chủ đã phản bội Tây Ban Nha để giữ lấy thân, nên lương tâm họ cũng không yên ổn. Chính quyền Tây Ban Nha, nhất là những người cộng sản (mà ảnh hưởng ngày càng lớn), cam đoan rằng mục đích của họ không phải là làm cách mạng xã hội: rõ ràng là họ đã làm tất cả những gì có thể để chế ngự và quay ngược chiều hướng khiến cho những người nhiệt tâm cách mạng phải kinh ngạc. Họ nhấn mạnh mục tiêu là bảo vệ chính thể dân chủ, chứ không phải là tiến hành cách mạng.

Điều lí thú là họ làm như vậy không phải vì động cơ đơn thuần cơ hội chủ nghĩa, hay vì, như những người “thuần khiết chủ nghĩa” của phe cực tả đã nghĩ, họ phản bội cách mạng. Hành xử của họ phản ảnh sự thay đổi về chiến lược giành chính quyền: họ đã từ bỏ chủ trương nổi dậy và đối đầu, thay thế bằng phương thức tiệm tiến, thậm chí bằng con đường nghị viện, dựa trên sự thương lượng. Được soi sáng bởi phản ứng của người dân Tây Ban Nha đối với cuộc đảo chính – rõ ràng là một phản ứng có tính chất cách mạng – người cộng sản[41] nhận thức rằng chiến thuật thụ động mà họ buộc phải theo đuổi trong tình hình tuyệt vọng sau khi Hitler lên nắm chính quyền, từ nay lại mở ra những viễn tượng tiến triển mới: một “nền dân chủ mới”, phát sinh từ chính sách và kinh tế chiến tranh. Các địa chủ và nhà tư bản ủng hộ loạn quân có mất của thì không phải là vì họ là điền chủ hay tư bản mà vì tội phản quốc. Nếu chính phủ có phải làm kế hoạch hay đưa ra những biện pháp kiểm soát kinh tế, thì không phải do ý thức hệ, mà do đòi hỏi của logic kinh tế chiến tranh. Cho nên, nếu nó thắng lợi thì “nền dân chủ kiểu mới này chỉ có thể là đối thủ của óc bảo thủ [...]. Nó là sự bảo đảm cho những thắng lợi mới của nhân dân lao động Tây Ban Nha về chính trị và kinh tế” (Ercoli, Tháng Mười 1936, trích dẫn từ Hobsbawm, 1986, tr. 176).

Đó là những câu chữ mà tập tài liệu Tháng Mười 1936 của Quốc tế Cộng sản đã dùng để mô tả rất chính xác hình thái chính trị của cuộc chiến tranh chống phát-xít 1939-1945. Một cuộc chiến tranh được tiến hành ở châu Âu dưới sự chỉ đạo của những chính phủ “nhân dân” hay những “mặt trận dân tộc”, những liên minh tập hợp rộng rãi các lực lượng kháng chiến. Đó còn là một cuộc chiến tranh được tiến hành với những nền kinh tế chỉ huy, sau này, ở các lãnh thổ bị chiếm đóng, sẽ dẫn tới sự củng cố khu vực công cộng sau khi truất hữu những nhà tư bản, không phải với tư cách nhà tư bản, mà bởi họ là người Đức hoặc hợp tác với Đức. Tại nhiều nước Trung Âu và Đông Âu, con đường này sẽ đi từ cuộc “đấu tranh chống phát-xít” thẳng tuột tới một nền “tân dân chủ” trong đó cộng sản đóng vai trò chủ đạo và cuối cùng thì nuốt gọn. Tuy nhiên, cho đến khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, nội dung của các chế độ hậu chiến này không phải là tiến hành cải tạo XHCN ngay tức khắc hay bãi bỏ chế độ đa nguyên chính trị hoặc thủ tiêu tư hữu[42]. Tại các nước phương Tây, hậu quả xã hội và kinh tế của chiến tranh và cuộc giải phóng cũng không khác mấy, tuy cục diện chính trị thì có khác. Những cuộc cải tổ xã hội và kinh tế đã được tiến hành, không phải để đối phó với áp lực quần chúng hay vì sợ nổ ra cách mạng như sau Thế chiến thứ Nhất, mà do các chính phủ chủ trương theo lập trường nguyên tắc của họ: một phần do những chính phủ cải lương kiểu cũ như đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ, Công đảng mới lên cầm quyền ở Anh; một phần do những chính phủ cải cách và duy tân dân tộc xuất phát trực tiếp từ các phong trào kháng chiến chống phát-xít. Tóm lại, logic của cuộc chiến tranh diệt phát-xít đã dẫn sang phía tả.

 

V

 

Năm 1936 và năm 1939 còn hơn thế, những hệ quả nói trên của cuộc chiến tranh Tây Ban Nha phải nói là xa vời, thậm chí phi hiện thực. Đường lối đoàn kết chống phát-xít trong gần suốt một thập niên rõ ràng đã thất bại, Stalin bèn sổ toẹt nó đi, ít nhất trong một thời gian. Không những tìm cách dàn xếp với Hitler (mặc dầu cả hai bên đều biết sự dàn xếp này chỉ là tạm bợ), Stalin còn chỉ thị cho phong trào cộng sản quốc tế phải từ bỏ chiến lược chống phát- xít: một quyết định thậm vô lí, mà cách lí giải hợp nhĩ nhất chắc là vì Stalin vốn rất sợ rủi ro bất trắc, dù là những rủi ro nhỏ nhặt nhất[43]. Cuối cùng thì cái logic của đường lối Quốc tế Cộng sản đã thắng thế. Bởi vì khi Đức đã xâm lăng Liên Xô và lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc chiến rồi – tóm lại, khi mà cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít rốt cuộc đã trở thành cuộc chiến tranh thế giới – thì chiến tranh có tính chất vừa chính trị vừa quân sự. Trên bình diện quốc tế, nó là sự liên minh giữa chủ nghĩa tư bản của Hoa Kỳ và chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô. Tại mỗi nước châu Âu – nhưng điều này không đúng đối với bộ phận thế giới sống dưới ách lệ thuộc của chủ nghĩa đế quốc phương Tây – Quốc tế Cộng sản hi vọng tập hợp được tất cả những ai muốn kháng cự lại Đức hay Italia, nghĩa là thành lập được một liên minh kháng chiến bao gồm toàn bộ bàn cờ chính trị. Song lúc đó, ngoại trừ nước Anh, các nước châu Âu khác đều bị phe Trục chiếm đóng, nên cuộc kháng chiến chủ yếu là cuộc chiến đấu của thường dân, hay của những lực lượng vũ trang tập hợp những người trước đó là thường dân, không được Đức và Italia thừa nhận là quân nhân. Đó là cuộc tranh đấu ác liệt của những người dấn thân vì một chọn lựa chính trị.

Lịch sử các phong trào kháng chiến châu Âu đa phần là có tính huyền sử bởi vì (trừ trường hợp nước Đức, trong một phạm vi nhất định) sự chính danh của các chính thể và chính phủ của thời hậu chiến chủ yếu dựa vào hoạt động của họ trong thời kháng chiến. Trường hợp thái cực là nước Pháp: các chính phủ nối tiếp nhau từ sau ngày giải phóng hoàn toàn đoạn tuyệt với chính phủ 1940 là chính phủ đã kí hòa ước và hợp tác với Đức, trong khi phong trào kháng chiến có tổ chức (không nói chi đến kháng chiến vũ trang) tương đối yếu, ít nhất cho đến năm 1944 (dân chúng ủng hộ kháng chiến một cách không đồng đều). Tướng De Gaulle ra sức xây dựng lại nước Pháp trên một huyền thoại: nước Pháp vĩnh hằng, thực chất mà nói, chưa hề cam chịu thất bại. Sau này, chính De Gaulle cũng phải nói: Kháng chiến là một ván bạc bịp đã được cuộc (Gillois, 1973, tr. 164). Thông qua một văn kiện chính trị, người ta đã quyết định chỉ ghi tên trên tượng đài chiến sĩ trận vong những người kháng chiến và những người đã gia nhập các lực lượng theo De Gaulle. Song Pháp không phải là nước duy nhất đã được tái tạo trên huyền thoại Kháng chiến như vậy.

Về các phong trào kháng chiến ở châu Âu, cần nêu ra hai nhận xét. Nhận xét thứ nhất: tỉ trọng quân sự của họ (có lẽ trừ trường hợp nước Nga) không đáng kể trước năm 1943 khi Italia rút ra khỏi vòng chiến, và không nơi nào có tính chất quyết định – có lẽ trừ một vài nơi trong vùng Balkan. Cũng nên nhắc lại một lần nữa, ý nghĩa của các cuộc kháng chiến này chủ yếu là chính trị và tinh thần. Chẳng hạn như ở Italia, sau hơn 20 năm chế độ phát-xít có cơ sở quần chúng rộng rãi, kể cả trong giới trí thức, đời sống công cộng đã thay đổi hẳn nhờ sự huy động mạnh mẽ và cùng khắp của phong trào kháng chiến những năm 1943-1945. Ở miền trung và miền bắc nước Italia, phong trào đã tập hợp tới 100.000 chiến sĩ, trong số đó 45.000 người sẽ bỏ mình (Bocca, 1966, tr. 297-302, 385-389, 569-570; Pavone, 1991, tr. 413). Thành ra người Italia đã có thể thanh thản lương tâm lật qua trang sử về thời Mussolini, còn người Đức không thể làm như vậy đối với thời Nazi những năm 1933-1945 vì từ đầu đến cuối, họ đã ủng hộ chính quyền Nazi. Những người kháng chiến ở quốc nội – một thiểu số gồm những người cộng sản, những quân nhân bảo thủ gốc Phổ và một nhúm những tín đồ li khai và những người thuộc khuynh hướng chính trị tự do – hoặc đã chết hoặc vừa bước ra từ các trại tập trung. Đảo lại, cố nhiên là trong suốt một thế hệ sau năm 1945, những người ủng hộ phát- xít hay hợp tác với ngoại xâm hầu như đã bị gạt ra khỏi đời sống công cộng, mặc dầu ở phương Tây, cuộc Chiến tranh Lạnh chống cộng sản đã tạo cho họ nhiều chỗ đứng trong thế giới bí mật hay trong vòng những chiến dịch quân sự và công tác tình báo[44].

Nhận xét thứ hai: vì những lí do hiển nhiên, các phong trào kháng chiến đều khuynh tả – với biệt lệ là Ba Lan. Tại mỗi nước, các phần tử phát-xít, cực hữu và bảo thủ, và cả những người giàu có và những người coi cách mạng xã hội là hiểm họa chính, đều ngả theo Đức, hay ít nhất cũng không chống lại Đức; một số tổ chức địa phương chủ nghĩa hay quốc gia chủ nghĩa, vừa hay nhỏ, cũng thế. Một số những phong trào này, vốn khuynh hữu, hi vọng hợp tác với Đức sẽ được lợi, chẳng hạn như phong trào quốc gia vùng Flandres (Bỉ), Slovakia và Croatia. Ta chớ nên quên, đó cũng là trường hợp những phần tử kiên quyết và hăng say chống cộng trong Giáo hội Kitô và đội ngũ những phần tử truyền thống chủ nghĩa của Giáo hội, mặc dầu chính sách của Giáo hội phức tạp hơn rất nhiều, không thể nào nói được tại nơi này hay nơi kia, chính sách của Giáo hội là “hợp tác với Đức”. Bởi vậy, những người khuynh hữu đã chọn theo Kháng chiến không đại diện cho môi trường chính trị của họ. Winston Churchill và tướng De Gaulle là những nhân vật không tiêu biểu của “gia đình tư tưởng” của họ, nhưng cũng phải nói rằng đối với không ít người nặng về truyền thống phái hữu và có “máu” quân nhân, thì ái quốc mà lại không đứng lên bảo vệ tổ quốc là một điều không thể tưởng tượng nổi.

Điều ấy giải thích, nếu còn cần phải giải thích, tầm quan trọng cực kì của người cộng sản trong các phong trào kháng chiến, và từ đó, sự thăng tiến ngoạn mục về mặt chính trị của họ trong quá trình chiến tranh. Chính nhờ vậy mà ảnh hưởng của họ đã lên tới đỉnh điểm trong những năm 1945-1947 ở châu Âu, ngoại trừ nước Đức là nơi mà tổ chức cộng sản không hồi phục được sau cuộc tận diệt 1933 và những nỗ lực kháng cự của họ trong ba năm tiếp theo, những cố gắng dũng cảm nhưng có tính chất tự sát. Ngay ở những nước xa vời cách mạng xã hội, như Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, các đảng Cộng sản dành được từ 10 đến 12% phiếu bầu – hơn hẳn quá khứ – trở thành khối chính trị đứng hàng thứ ba hay thứ tư trong đời sống nghị viện. Tại Pháp, họ về đầu trong cuộc bầu cử năm 1945: lần đầu tiên trong lịch sử, họ vượt qua đối thủ truyền thống là đảng Xã hội. Tại Italia, số phiếu dành cho ĐCS còn ngoạn mục hơn nữa. Từ những nhúm nhỏ cán bộ hoạt động trong vòng bí mật, bị săn lùng liên tục, lại gặp bao nhiêu trắc trở trong các sáng kiến chủ động – năm 1938, Quốc tế Cộng sản đã dọa giải tán đảng Italia – thế mà sau hai năm kháng chiến, họ đã vươn lên với 800.000 đảng viên, và chẳng mấy lúc, lên tới gần hai triệu người (1946). Còn ở những nước mà cuộc chiến tranh chống phe Trục được tiến hành chủ yếu bằng kháng chiến vũ trang bản địa – Nam Tư, Albania và Hi Lạp – người cộng sản chiếm thế chủ đạo trong các lực lượng kháng chiến quân. Chính phủ Churchill vốn không có chút cảm tình nào đối với họ, đã rút ra kết luận tương ứng: bỏ rơi nhóm bảo hoàng Mihailovic và ủng hộ lãnh tụ cộng sản Tito, khi thấy rõ rằng Tito lợi hại vô cùng so với Mihailovic trong cuộc chiến đấu chống quân đội Đức.

Sở dĩ người cộng sản lao mình vào cuộc kháng chiến, không phải chỉ vì bộ máy “đảng của đội tiền phong” theo quan niệm của Lenin đã được xây dựng với mục đích tạo ra một lực lượng cán bộ có kỉ luật và tận tụy hi sinh, với cứu cánh là hành động hiệu quả. Họ dấn thân, còn bởi vì hoàn cảnh cùng cực của thời ấy – đấu tranh bất hợp pháp, đàn áp và chiến tranh – chính là môi trường mà đoàn thể của những “nhà cách mạng chuyên nghiệp” ấy đã được đào tạo để hoạt động trong đó. Thật vậy, họ là những người duy nhất “đã tiên liệu khả năng một cuộc kháng chiến” (M. R. D. Foot, 1976, tr. 84). Ở điểm này, họ khác hẳn các đảng Xã hội đông đảo đảng viên, không biết hành động ra sao khi phải ra khỏi vòng hợp pháp – tuyển cử, hội họp công khai v.v. – môi trường hợp pháp đã xác định và quy định mọi hoạt động của các đảng Xã hội. Khi phải đối diện với việc phát-xít lên nắm chính quyền hay đất nước bị Đức chiếm đóng, các đảng Xã hội - Dân chủ, khởi đầu họ có ý ngưng hoạt động. Giỏi lắm thì như hai đảng Đức và Áo, họ ra khỏi tình trạng thối lui và, khi tới gần cuối thời kì đen tối, sẵn sàng hoạt động trở lại với hậu thuẫn gần như trước. Nói chung, họ vắng mặt hoặc ít có mặt trong phong trào kháng chiến. Đan Mạch là trường hợp cùng cực: đảng Xã hội - Dân chủ đang cầm quyền khi Đan Mạch bị Đức xâm chiếm, và tiếp tục cầm quyền trong suốt thời kì chiến tranh, mặc dầu họ không có thiện cảm gì đặc biệt với bọn Nazi. Phải mất vài năm, đảng Xã hội Đan Mạch mới vực dậy được sau chuyện này.

Có thêm hai đặc trưng đã góp phần vào vai trò quan trọng của những người cộng sản trong cuộc kháng chiến: tinh thần quốc tế chủ nghĩa của họ và nhiệt tình “một sống một còn như gần đến ngày tận thế” thúc đẩy họ hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng (xem ch. 2). Nhờ chủ nghĩa quốc tế, họ huy động được tất cả những ai nhạy cảm với cuộc đấu tranh chống phát-xít hơn là với những lời hiệu triệu ái quốc: ở Pháp, đó là trường hợp những người tị nạn chính trị sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha; họ sẽ chiếm đa số những người cầm súng kháng chiến ở miền tây-nam nước Pháp – có lẽ lên tới con số 12.000 vào ngày N (Pons Prades, 1975, tr. 66) – cũng như những người tị nạn và những công nhân thuộc 17 nước cư trú ở Pháp: dưới tên gọi chung MOI (Main-d’oeuvre immigrée: Nhân công nhập cư) họ đã đảm nhiệm một phần những công tác hiểm nghèo của đảng (ĐCS) Pháp. Có thể đơn cử nhóm Manouchian (gồm những người Armenia và Do Thái Ba Lan) tấn công những sĩ quan Đức ở Paris[45]. Nét đặc trưng thứ hai đã tạo ra sự kết hợp lòng quả cảm, tinh thần hy sinh và quyết tâm sắt đá đã gây ấn tượng trên cả kẻ địch, mà Milovan Djilas đã minh chứng một cách xuất sắc trong tác phẩm hết sức trung thực Wartime (Djilas, 1977). Theo nhận định của một sử gia về mặt chính trị thuộc xu hướng ôn hòa, người cộng sản đứng trong số người “quả cảm nhất trong những người quả cảm” (Foot, 1976, tr. 86), và tuy rằng tổ chức cộng sản và kỉ cương của họ đã tăng cường xác suất sống sót trong tù hay trong các trại tập trung, người cộng sản đã chịu những tổn thất nặng nề. Sự nghi ngại đối với ĐCS Pháp (các lãnh đạo đảng có một hình ảnh xấu ngay trong cái nhìn của chính đảng viên) không cho phép phủ nhận hoàn toàn cái quyền họ tự mệnh danh là “đảng của những người đã bị xử bắn” ít nhất 15.000 đảng viên ĐCS Pháp đã bị kẻ thù xử bắn (Jean Touchard, 1977, tr. 258). Không có gì lạ nếu như ĐCS Pháp đã có hấp lực mạnh mẽ đối với những con người dũng cảm, bất luận nam nữ, đặc biệt những thanh niên, và có lẽ nhất là tại những nước mà cuộc kháng chiến vũ trang không được đông đảo quần chúng hưởng ứng, chẳng hạn ở Pháp hay Tiệp Khắc. ĐCS cũng đã quyến rũ mạnh mẽ giới trí thức, là nhóm dễ huy động nhất vào cuộc đấu tranh chống phát-xít, cũng là hạt nhân của các tổ chức kháng chiến không cộng sản (nhưng đương nhiên là khuynh tả). Câu chuyện tình duyên giữa những người trí thức Pháp và chủ nghĩa Marx, thế thượng phong trong đời sống văn hóa Italia của những người gần gũi ĐCS Italia – cả hai sự kiện này đều kéo dài suốt một thế hệ – đều là sản phẩm của cuộc kháng chiến. Việc những nhà trí thức đích thân tham gia kháng chiến, chẳng hạn như một nhà xuất bản lớn thời hậu chiến đã tự hào kể lại tất cả các nhân viên của ông đều đã cầm súng kháng chiến, hay việc họ trở thành cảm tình viên của ĐCS vì gia đình họ hay chính bản thân họ đã không trực tiếp chiến đấu – thậm chí có người còn đứng bên kia chiến tuyến – tất cả đều cảm thụ hấp lực của đảng Cộng sản.

Ngoài trừ những căn cứ du kích vững mạnh của họ ở bán đảo Balkan, người cộng sản không tìm cách thiết lập chế độ cách mạng. Của đáng tội, dẫu họ có muốn áp đặt như vậy đi nữa, thì ở phía tây Trieste, không có nơi nào họ có đủ thế và lực để thành công; vả lại các ĐCS đều tuyệt đối trung thành với Liên Xô, mà Liên Xô thì một mực khuyến cáo họ đừng làm. Ở những nơi mà người cộng sản thực hiện cách mạng (Nam Tư, Albania, sau đó là Trung Quốc) là họ đi ngược ý kiến của Stalin. Quan điểm của Liên Xô là, về mặt quốc tế cũng như trong nội bộ mỗi nước, đường lối chính trị phải tiếp tục nằm trong khuôn khổ liên minh toàn diện chống phát-xít: nói cách khác, Liên Xô quan niệm chung sống hòa bình lâu dài, hay chính xác hơn, một sự thẩm thấu giữa tư bản và cộng sản, những thay đổi xã hội và chính trị sẽ diễn ra theo từng bước tiệm tiến trong khuôn khổ của nền “dân chủ mới”, phái sinh từ liên minh thời chiến. Kịch bản lạc quan ấy chẳng mấy lúc đã tan biến trong đêm tối của Chiến tranh Lạnh – tan biến hoàn toàn, tới mức ít ai còn nhớ rằng Stalin đã ra lệnh cho người cộng sản Nam Tư phải duy trì chế độ quân chủ, hay là năm 1945 Stalin chỉ thị cho ĐCS Anh chống lại sự đổ vỡ của liên minh do Churchill đứng đầu, nghĩa là chống lại cuộc tranh cử cuối cùng đã đưa Công đảng lên nắm chính quyền. Ý đồ thực sự của Stalin đúng là thế: ông còn muốn chứng tỏ điều đó bằng quyết định giải thể Quốc tế Cộng sản năm 1943, giải tán ĐCS Hoa Kỳ năm 1944.

Quyết định này của Stalin – “không nêu lên vấn đề chủ nghĩa xã hội dưới một hình thức hay bằng cách này cách khác có thể đe dọa hay làm suy yếu [...] sự đoàn kết”, đó là câu chữ của một người lãnh đạo cộng sản Mỹ (Browder, 1944, trong J. Starobin, 1972, tr. 57) – soi rõ ý đồ của ông. Như những nhà cách mạng li khai thừa nhận, nói một cách cụ thể, như vậy là nói lời dứt khoát tạm biệt với cách mạng thế giới. Chủ nghĩa xã hội sẽ hạn chế trong lãnh thổ Liên Xô và vùng ảnh hưởng mà các cuộc đàm phán đã mang lại cho Liên Xô, nghĩa là vùng đất mà Hồng quân chiếm đóng khi chiến tranh kết thúc. Ngay cả trong vùng ảnh hưởng này, cũng phải coi cách mạng là một phối cảnh trong một tương lai chưa xác định, chứ không phải là một cương lĩnh “phải làm ngay” của các nước “dân chủ mới”. Lịch sử thường không mấy quan tâm tới ý đồ chính trị của người này người kia, nó đã đi theo một dòng chảy khác, Trừ một điểm: sự chia cắt một bộ phận quan trọng của thế giới thành hai vùng ảnh hưởng sau cuộc đàm phán 1944-45 đã được duy trì một cách ổn định. Trong hơn 30 năm trời, nếu có phe nào lấn sang bên kia giới tuyến thì chỉ là tạm thời một lúc. Cả hai phe đều tránh đụng đầu ra mặt, không để cho Chiến tranh Lạnh trở thành chiến tranh nóng.

 

VI

 

Sự thực là giấc mộng Nam kha của Stalin, mơ tưởng một sự đối tác Mỹ-Xô sau chiến tranh, đã không củng cố được sự liên minh toàn cầu giữa chủ nghĩa tư bản liberal và chủ nghĩa cộng sản chống lại chủ nghĩa phát-xít. Song điều này cũng chứng tỏ cường độ và quy mô của sự liên minh ấy. Tất nhiên, đó là sự liên minh chống lại một hiểm họa quân sự, lẽ ra chẳng bao giờ xảy ra nếu như không có một loạt những hành động xâm lược mà đỉnh điểm là việc Đức xâm lăng Liên Xô và tuyên chiến với Hoa Kỳ. Và bản chất cuộc chiến tranh thế giới đã xác nhận những trực quan 1936 về các hệ quả của nội chiến Tây Ban Nha: sự huy động quân sự và dân sự và sự biến đổi xã hội họp thành một thể thống nhất. Về phía Đồng minh – hơn là về phía phát-xít – đó là một cuộc chiến tranh của những người chủ trương cải cách: ngay cả cường quốc tư bản tự tin nhất cũng không thể hi vọng giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu trường kì này mà vẫn để nguyên cho mọi việc tiếp tục như trước. Hơn nữa, Thế chiến thứ Hai đã làm lộ rõ những thất bại của thời kì giữa hai cuộc chiến, trong đó sự bất lực trong việc đoàn kết chống kẻ xâm lược chỉ là một hội chứng thứ yếu.

Sự gắn kết chiến thắng và hi vọng vào cải tổ xã hội còn biểu hiện trong những gì chúng ta biết được về sự thay đổi trong dư luận công chúng ở các nước tham chiến và các nước mới được giải phóng, là những nước tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Biệt lệ khá kì cục là nước Mỹ: từ năm 1936 trở đi, trong các cuộc bầu cử tổng thống, số phiếu dành cho đảng Dân chủ có phần xói mòn, số phiếu dành cho đảng Cộng hòa lại tăng lên rõ rệt; nước Mỹ chú tâm đến những vấn đề nội bộ và, hơn mọi nước khác, nó xa cách đối với những hi sinh mất mát của chiến tranh. Ở châu Âu, khi những cuộc bầu cử thực sự được tổ chức, kết quả nghiêng rõ về phía tả. Trường hợp ngoạn mục nhất là ở Anh: Winston Churchill, nhà lãnh đạo thời chiến được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ, đã thất cử trong cuộc đầu phiếu năm 1945; Công đảng giành được hơn 50% số phiếu đã lên nắm chính quyền. Trong năm năm sau đó, Công đảng đã tiến hành những cuộc cải cách xã hội chưa từng thấy. Phải nói tất cả các chính đảng lớn đều đã tham gia vào nỗ lực chiến tranh. Song cử tri đã chọn đảng nào hứa hẹn cả chiến thắng lẫn cải tổ xã hội. Đó cũng là hiện tượng chung ở Tây Âu tham chiến, tuy cũng không nên cường điệu hóa quy mô và tính triệt để của cải tổ vì phái hữu phát-xít và hợp tác với Đức đã tạm thời bị loại trừ ra khỏi sinh hoạt chính trị, cử tri chỉ còn chọn lựa giữa những chính đảng mà khẩu hiệu của tổ chức nào cũng đều là kháng chiến và cấp tiến.

Tình hình ở những phần đất châu Âu được du kích, cách mạng hay Hồng quân giải phóng thì khó nhận định hơn, vì nhiều lí do: cuộc diệt chủng, các cuộc di dân, các cuộc trục xuất ồ ạt hay di dân cưỡng bách khiến cho không thể so sánh các nước mang cùng tên trước và sau chiến tranh. Trong toàn bộ khu vực này, đại bộ phận dân chúng các nước bị phe Trục chiếm đóng tự coi mình là nạn nhân. Ngoại lệ duy nhất là những người Slovakia và Croatia về mặt chính trị thì chia rẽ (tại đây, đã thành lập hai nhà nước độc lập về lí thuyết, dưới sự bảo trợ của Đức), các dân tộc đa số ở các nước đồng minh của Đức (Hung và Romania), và, cố nhiên cả cộng đồng khá đông những người Đức sống ở ngoài lãnh thổ Đức. Điều đó không có nghĩa là các thành phần dân chúng khác đã có cảm tình với phong trào kháng chiến thân Cộng – có lẽ trừ trường hợp người Do Thái bị mọi người truy hại – không nói gì tới nước Nga (trừ những người Slav ở bán đảo Balkan có truyền thống thân Nga). Đa số áp đảo người Ba Lan vừa chống Đức vừa chống Nga, đó là không nói đến khuynh hướng kì thị người Do Thái. Những dân tộc nhỏ ở vùng duyên hải Baltic, năm 1940 bị Liên Xô chiếm đóng, thì vừa chống Nga, vừa kì thị Do Thái và thân Đức, chừng nào họ còn có được sự tự do chọn lựa, trong những năm 1941-1945. Ở Romania không có cộng sản và cũng chẳng có kháng chiến, ở Hung thì ít. Ngược lại, phong trào cộng sản và tình cảm thân Nga rất mạnh ở Bulgaria, tuy phong trào kháng chiến không đồng đều; còn ở Tiệp Khắc sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng Cộng sản – vốn là một đảng quần chúng đông đảo – nổi hẳn lên hàng đầu trong một cuộc bầu cử thực sự tự do. Những khác biệt về chính trị kể trên chẳng mấy lúc đã trở thành chuyện hàn lâm do sự chiếm đóng của Hồng quân. Thắng lợi của chiến tranh du kích không có giá trị của một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng không thể nghi ngờ rằng đa phần dân chúng Nam Tư đã hoan nghênh chiến thắng của kháng chiến quân Tito, ngoại trừ thiểu số gốc Đức, những người ủng hộ chế độ Croatia của bọn Ustashi (sau chiến tranh, đến phiên người Serbia tàn sát Ustashi để trả thù những cuộc tàn sát trước đó của bọn này), và một hạt nhân truyền thống chủ nghĩa ở vùng Serbia, là vùng mà phong trào Tito, và do đó, cuộc chiến tranh kháng Đức không hề phát triển mạnh được[46]. Còn Hi Lạp thì, như truyền thống cố hữu, vẫn ở trong tình trạng chia rẽ, mặc dầu Stalin đã từ chối không chịu giúp cộng sản Hi Lạp và những lực lượng thân cộng chống lại quân đội Anh (ủng hộ đối thủ của phe cộng sản). Ở Albania, có lẽ phải là một chuyên gia về quan hệ gia tộc mới dám liều lĩnh phân tích thái độ chính trị của người dân sau thắng lợi của cộng sản. Tuy nhiên, trong tất cả các nước kể trên, một thời kì cải biến xã hội ào ạt đang sắp sửa bắt đầu.

Điều khá dị kì là, cùng với Hoa Kỳ, Liên Xô là nước tham chiến duy nhất sẽ không có đổi thay nào đáng kể về mặt xã hội và thiết chế. Bắt đầu chiến tranh dưới quyền Stalin, Liên Xô kết thúc chiến tranh dưới quyền Joseph Stalin (xem ch. 13). Tuy nhiên, rõ ràng cuộc chiến tranh đã làm cho sự bình ổn của xã hội bị căng thẳng mạnh mẽ, nhất là ở nông thôn bị đàn áp thô bạo. Nếu bọn Nazi không tin như đinh đóng cột rằng người Slav chỉ là một chủng tộc nô lệ và một giống người hạ cấp, chắc chắn chúng đã xây dựng được hậu thuẫn vững bền trong nhiều dân tộc ở Liên bang Soviet. Ngược lại, nền tảng thực sự của chiến thắng Soviet là chủ nghĩa yêu nước của Đại Nga, dân tộc đa số của Liên Xô, nòng cốt của Hồng quân, đã đáp lời kêu gọi của chế độ Soviet trong giờ phút nguy nan. Quả thật, ở Liên Xô, Thế chiến thứ Hai đáng được gọi là “cuộc Chiến tranh Ái quốc Vĩ đại”.

 

VII

 

Tới đây, nhà sử học phải nhảy một bước dài nếu không muốn rơi vào lối phân tích lấy phương Tây làm trung tâm. Bởi vì cho đến đây, toàn bộ những gì đã viết ra từ đầu chương này chẳng mấy liên quan tới đại bộ phận trái đất. Tất nhiên không phải không liên quan tới cuộc xung đột giữa Nhật Bản và lục địa Đông Á, vì Nhật Bản, dưới sự thống trị của phái hữu quốc gia cực đoan, đã liên minh với nước Đức Nazi, và đại bộ phận các lực lượng kháng chiến Trung Quốc là cộng sản. Sự phân tích nói trên, trong chừng mực nhất định, cũng áp dụng vào châu Mỹ Latin là khu vực đã nhập khẩu ồ ạt các hệ tư tưởng châu Âu như chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản. Điều này rất đúng đối với Mexico, là nước đã làm sống lại cuộc đại cách mạng vào những năm 1930 dưới thời tổng thống Lázaro Cardenas (1943-1940), và trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, đã hoàn toàn ủng hộ chế độ cộng hòa. Sau khi phe cộng hòa thất bại, Mexico là nước duy nhất tiếp tục công nhận chính phủ cộng hòa là đại diện chân chính duy nhất của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đối với đại bộ phận châu Á, châu Phi và thế giới Islam, thì chủ nghĩa phát-xít – dù là dưới bộ mặt của một hệ tư tưởng hay là chính sách của một quốc gia xâm lược – không phải là, và không bao giờ trở thành kẻ thù chủ yếu, lại càng không phải là kẻ thù duy nhất. Kẻ thù của họ, là “chủ nghĩa đế quốc” hay “chủ nghĩa thực dân”, và các cường quốc đế quốc chủ nghĩa, trước tiên, là những nước dân chủ “liberal”: Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Hoa Kỳ. Thêm vào đó, tất cả những nước đế quốc đều là quốc gia da trắng, ngoại trừ Nhật Bản.

Theo đúng logic, kẻ thù của các nước đế quốc phải là đồng minh tiềm thể trong cuộc đấu tranh giải phóng các thuộc địa. Ngay đến Nhật Bản là nước đã triển khai một hình thái thực dân chủ nghĩa tàn bạo – điều này, người Triều Tiên, Đài Loan, Trung Quốc và nhiều người khác, biết rõ lắm – cũng biết kêu gọi các lực lượng chống thực dân ở Nam Á và Đông Nam Á, tự xưng là thủ lĩnh chống da trắng của mọi chủng tộc không trắng. Cuộc đấu tranh chống đế quốc và cuộc đấu tranh chống phát-xít do đó có xu thế đi theo những chiều hướng đối nghịch. Thành ra, hiệp ước Stalin kí kết với Đức năm 1939 gây hoang mang cho phái tả ở phương Tây, nhưng lại cho phép những người cộng sản Ấn Độ và Việt Nam tập trung lực lượng chống Anh và Pháp, đến khi Đức xâm lăng Liên Xô năm 1941, họ lại phải dành ưu tiên cho việc đánh bại phe Trục và trì hoãn cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của họ. Điều này không những mất nhân tâm, mà còn vô lí về mặt chiến lược vì hơn lúc nào hết, đế chế của phương Tây bị sơ hở như vậy, thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Và, thực ra, phe tả bản địa đã nắm lấy thời cơ vì không cảm thấy bị ràng buộc bởi sự trung thành với Quốc tế Cộng sản. Năm 1942, Đảng Quốc đại Ấn độ phát động phong trào Quit India, còn lãnh tụ Bengali cấp tiến Subhas Bose thì tuyển mộ (cho Nhật Bản) cho một đội Quân giải phóng trong số tù binh Ấn Độ thuộc quân đội Anh bị bắt trong những cuộc tấn công chớp nhoáng đầu tiên. Ở Miến Điện và Indonesia, những chiến sĩ chống thực dân cũng nhìn vấn đề tương tự như vậy. Cũng theo logic hình thức “loại trừ mâu thuẫn” ấy, một nhóm “chủ nghĩa Sion” cực đoan và thiểu số ở Palestine đã thương lượng với Đức (thông qua Damas, lúc đó đặt dưới quyền Pétain của Pháp) để giải phóng Palestine khỏi ách thống trị của Anh – đó là mục tiêu ưu tiên đối với nhóm này. (Một người trong phái đoàn đàm phán của nhóm sau này sẽ trở thành thủ tướng Israel: Yitzhak Shamir). Cách tiếp cận vấn đề như vậy không hàm chứa chút nào cảm tình đối với phát-xít, mặc dầu chủ trương chống Do Thái của đảng Nazi có thể quyến rũ những người Arab ở Palestine đang gặp khó khăn với những đội ngũ “Sion”, và một vài tộc người ở Nam Á có thể nhận mình cũng là “chủng tộc Aryan thượng đẳng” trong huyền thoại Nazi. Nhưng đó là những trường hợp cá biệt (xem các chương 12 và 15).

Điều cần phải lí giải là tại sao, rốt cuộc, chủ nghĩa chống đế quốc và các phong trào giải phóng các thuộc địa đã ngả hẳn sang phía tả tới mức nó hội tụ, ít nhất vào lúc cuối chiến tranh, với sự huy động lực lượng chống phát-xít trên quy mô thế giới. Nguyên nhân cơ bản của việc này là: phái tả phương Tây là vườn ươm của lí luận và đường lối chính trị chống chủ nghĩa đế quốc, các phong trào giải phóng dân tộc tìm được chỗ dựa chủ yếu ở phái tả quốc tế, và nhất là (kể từ Đại hội các dân tộc phương Đông mà người Bolshevik tổ chức năm 1920 ở Baku) từ phía Quốc tế Cộng sản và Liên Xô. Thêm vào đó, những nhà tranh đấu, sau này trở thành những nhà lãnh đạo của các phong trào độc lập dân tộc, phần đông thuộc những thành phần ưu tú, có văn hóa phương Tây, khi họ đặt chân tới chính quốc, thì họ cảm thấy thoải mái trong môi trường không kì thị chủng tộc và chống thực dân của những người thuộc khuynh hướng tự do, dân chủ, xã hội và cộng sản, hơn hẳn mọi giới khác. Bất luận thế nào, họ hầu hết là những người chủ trương duy tân: đối với họ thì những huyền thoại Trung cổ và hoài cổ, hệ tư tưởng Nazi và chủ nghĩa chủng tộc cực đoan của Nazi gợi lại những xu hướng “cộng đồng chủ nghĩa”, “bộ tộc chủ nghĩa” mà họ coi là hội chứng của sự lạc hậu của đất nước họ đang bị chủ nghĩa đế quốc bóc lột.

Tóm lại, một sự liên minh với phe Trục, theo châm ngôn “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta” chỉ có thể là sách lược. Ngay ở Đông Nam Á, là nơi mà chính quyền Nhật Bản đàn áp không mạnh bạo bằng chế độ thực dân trước đó, lại do người không phải da trắng tiến hành chống người da trắng, sự liên minh đó cũng chỉ có thể là ngắn ngủi, bởi Tokyo không có lợi ích gì trong việc giải phóng các thuộc địa, đó là không nói tới sự kì thị chủng tộc trong tâm địa chế độ Nhật hoàng. (Trên thực tiễn, sự liên minh này chấm dứt nhanh chóng vì Nhật Bản bị đánh bại). Chủ nghĩa phát-xít và các thứ chủ nghĩa quốc gia của phe Trục chẳng có gì đặc biệt hấp dẫn. Vả lại, một người như Jawaharlal Nehru, là người đã không ngần ngại – khác với những người cộng sản Ấn Độ – tham gia cuộc khởi nghĩa Quit India năm vào 1942, là thời điểm hiểm nghèo của Đế chế Anh, vẫn luôn luôn tâm niệm rằng nước Ấn Độ tự do sẽ xây dựng một xã hội XHCN, và trong công cuộc ấy, Liên Xô sẽ là một đồng minh của Ấn Độ, không chừng là mô hình nữa – với tất cả những bảo lưu cần thiết.

Việc những thủ lĩnh và phát ngôn viên của phong trào giải phóng dân tộc thường là những người thuộc những thiểu số không tiêu biểu cho dân chúng mà họ muốn khai phóng càng làm cho họ dễ tiếp cận cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, vì đại bộ phận nhân dân các nước thuộc địa lại nhạy cảm, hay ít ra, dễ được huy động bằng những tình cảm và ý tưởng mà chủ nghĩa phát-xít có thể sử dụng (nếu nó không tự ràng buộc vào mặc cảm tự tôn chủng tộc “siêu đẳng”): chủ nghĩa truyền thống, độc tôn tín ngưỡng và dân tộc, nghi ngại đối với thế giới hiện đại. Thực ra, lúc đó những tâm tư ấy còn chưa được phổ biến rộng rãi, nếu được phổ biến thì cũng chưa chiếm lĩnh ưu thế chính trị. Quần chúng Islam đã được huy động mạnh mẽ trong thế giới Islam từ năm 1918 đến năm 1945. Tổ chức Huynh đệ Islam của Hassan al-Banna (1928), một phong trào toàn thủ chủ nghĩa kịch liệt chống chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản, trở thành ngọn cờ chính yếu, chuyển tải những ta thán của quần chúng Ai Cập những năm 1940, và những tương ứng tiềm thể của Huynh đệ Islam với các hệ tư tưởng của phe Trục không chỉ đơn thuần có tính chất sách lược, nhất là tổ chức này hết sức thù nghịch với chủ nghĩa Sion. Tuy vậy, những phong trào và những nhà chính trị lên cầm quyền ở các nước Islam, có trường hợp do quần chúng toàn thủ đưa họ lên, lại chủ trương xây dựng một nhà nước thế tục và duy tân. Những đại tá Ai Cập đến năm 1952 sẽ làm cách mạng là những phần tử trí thức khai phóng, đã từng tiếp xúc với những nhóm nhỏ cộng sản Ai Cập – cũng nên nói thêm, lãnh đạo những nhóm này thường là người Do Thái (Perrault, 1987). Ở tiểu lục địa Ấn Độ, nước Pakistan (đứa con của những thập niên 1930 và 1940) đã được mô tả một cách thích đáng là “cương lĩnh của giới thượng lưu thế tục, chỉ vì dân chúng Islam phải sống ở hai vùng lãnh thổ cách biệt, và vì phải tranh đua với đa số Hindu, đã chọn tên chế độ của họ Islam để tránh phải dùng chữ li khai” (Lapidus, 1988, tr. 738). Ở Syria, lộ trình độc lập được tiến hành dưới sự lãnh đạo của đảng BAAS được thành lập vào những năm 1940 bởi hai nhà giáo đã đi du học ở Paris – tuy có mặt thần bí Arab, họ là những người XHCN và chống đế quốc về mặt tư tưởng. Hiến pháp Syria không hề đả động gì tới Islam. Cho đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, việc hoạch định chính sách của Irak là do những tập hợp sĩ quan dân tộc chủ nghĩa, cộng sản, hay đảng viên BAAS, tất cả đều toàn tâm toàn ý với sự thống nhất quốc gia Arab và chủ nghĩa xã hội (ít nhất trên mặt lí thuyết), chứ chắc chắn không theo bộ luật Islam. Vì những lí do địa phương, và thêm nữa, phong trào cách mạng Algeria có cơ sở sâu rộng trong quần chúng (nhất là trong cộng đồng người Algeria tại Pháp), nên cách mạng Algeria mang dấu ấn đậm nét của nhân tố Islam. Tuy nhiên, năm 1956, các nhà cách mạng Algeria thừa nhận rằng cuộc đấu tranh của họ “nhằm lật đổ một chính quyền thực dân lỗi thời, chứ không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo” (Lapidus, 1988, tr. 693) và chủ trương thành lập một nước Cộng hòa xã hội và dân chủ [Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân], với hiến pháp sau này, trở thành một nước Cộng hòa XHCN độc đảng. Nói cho đúng, thời kì đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít là giai đoạn duy nhất trong đó các đảng Cộng sản có cơ sở rộng rãi và tác động mạnh mẽ vào một số bộ phận của thế giới Islam, đặc biệt ở Syria, Irak và Iran. Mãi về sau này, những tiếng nói thế tục và duy tân của giới lãnh đạo chính trị mới bị chủ nghĩa toàn thủ trỗi dậy lấn át và dập tắt (xem ch. 12 và 15).

Mặc dầu giữa họ có xung đột quyền lợi, sau chiến tranh sẽ nổi lên trở lại, cuộc đấu tranh chống phát-xít của các nước phát triển ở phương Tây và cuộc đấu tranh phản đế của các nước là thuộc địa của họ cũng đã hội tụ về một điểm: đối với cả hai phía, đó là khả năng cải tổ xã hội trong tương lai. Liên Xô và phong trào cộng sản bản địa góp phần lấp đầy hố sâu chia cách vì họ vừa tiêu biểu cho cuộc đấu tranh chống đế quốc (đối với các nước thuộc địa) vừa tiêu biểu cho sự dấn thân toàn diện trong cuộc chiến đấu giành thắng lợi (đối với các nước phương Tây). Tuy nhiên, khác hẳn các chiến trường ở châu Âu, sân khấu ngoài châu Âu không mang lại cho người cộng sản những thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt trong đó (cũng như ở châu Âu), chống phát-xít và giải phóng dân tộc/xã hội trùng hợp với nhau: ở Trung Quốc, Triều Tiên (nơi mà thực dân là Nhật Bản) và Đông Dương (Việt Nam, Campuchia, Lào), là nơi mà kẻ thù trực tiếp của tự do là Pháp, mà chính quyền địa phương lại đặt dưới sự chế ngự của Nhật Bản khi Nhật Bản xâm lăng Đông Nam Á. Đó là những nước mà sau chiến tranh, cộng sản sẽ giành được thắng lợi, với Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh. Ở nơi khác, các lãnh tụ của những nước sắp thoát khỏi ách thực dân cũng xuất thân từ những phong trào thường là khuynh tả, nhưng trong những năm 1941-1945, họ không bị phức tâm vì phải dành ưu tiên cho yêu cầu đánh bại phe Trục lên trên mọi yêu cầu khác. Tuy nhiên, ngay cả những người này cũng không thể không lạc quan khi nhìn vào tình hình thế giới sau khi phe Trục bị đánh bại. Ít nhất trên giấy tờ, cả hai siêu cường đều không ưa gì chủ nghĩa thực dân cũ. Tại nước đế quốc hùng mạnh nhất, một đảng nổi tiếng là chống thực dân vừa lên nắm chính quyền. Thế lực và sự chính danh của chủ nghĩa thực dân cũ đã bị xói mòn nặng nề. Vận hội giành lại tự do chưa bao giờ tốt đẹp như vậy. Và sự thực sẽ diễn ra theo chiều hướng đó, song không phải là đã không có một số những hành động thô bạo có tính chất hậu vệ của những đế chế cũ.

 

VIII

 

Sự chiến bại của phe Trục – chính xác là của Đức và Nhật – chẳng làm mấy ai tiếc nuối, ngoại trừ ở Đức và Nhật là nơi mà dân chúng, cho đến ngày cuối cùng, vẫn một lòng trung thành với chế độ và chiến đấu ngoan cường. Nhưng xét đến cùng, thì ra khỏi những địa điểm trung tâm của nó, chủ nghĩa phát-xít chẳng huy động được gì mấy, ngoài một xâu chuỗi những thiểu số ý thức hệ cực hữu – bình thường ra sẽ bị duy trì ở ngoài lề cuộc sống chính trị của những nước sở tại – một nhúm những tổ chức dân tộc chủ nghĩa hi vọng đi với Đức sẽ đạt được mục tiêu của mình; sau cùng là những phần tử lưu manh sản phẩm của chiến tranh và chiếm đóng mà chính quyền Đức sử dụng như những tên khuyển ưng hung bạo. Còn người Nhật cũng chỉ gây được một chút thiện cảm nhất thời, đối với người da vàng hơn là đối với người da trắng. Hấp lực của chủ nghĩa phát-xít châu Âu – thành lũy chống lại các phong trào công nhân, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, và bao trùm lên tất cả, bộ chỉ huy của Xích quỷ vô thần đặt tại Moskva – là nó đã tìm được hậu thuẫn quan trọng trong một bộ phận của giới bảo thủ giàu có; tuy nhiên, giới đại tư bản ủng hộ phát-xít vì thực dụng hơn là vì nguyên tắc. Phát-xít bị đánh bại rồi thì sự hấp dẫn của nó cũng tiêu ma. Dẫu sao đi nữa, kết quả trông thấy của 12 năm phát-xít là một phần to lớn của châu Âu từ nay nằm trong tay chế độ Bolshevik.

Thế là phong trào phát-xít đã tan rã như cục đất bị ném xuống dòng sông. Thực tế nó đã biến mất khỏi sân khấu chính trị, ngoại trừ ở Italia còn tồn tại một tổ chức tân phát-xít (Movimento Sociale Italiano) tiếp tục vinh danh Mussolini. Nguyên do điều này không phải chỉ vì những người giữ vai trò hàng đầu trong các chế độ phát-xít đã bị loại ra khỏi đời sống chính trị – chứ bộ máy hành chính và đời sống công cộng thì không, đời sống kinh tế lại càng không. Cũng không phải vì sự chấn thương của những người Đức “tốt” (và, một cách khác, những người Nhật “trung trinh”): thế giới của họ năm 1945 đã sụp đổ trong sự hỗn loạn vật thể và tinh thần, giữ vẹn “chữ trung” với những tín điều cũ sẽ chẳng mang lại điều gì hay ho cả. Sự kiên trung ấy sẽ ngăn cản họ thích ứng với cuộc sống mới – một cuộc sống ban đầu thật khó hiểu đối với họ – dưới chính quyền của các cường quốc chiếm đóng đã áp đặt các thiết chế và tập quán của họ: tóm lại, các cường quốc chiến thắng đã đặt sẵn đường rầy, xe lửa của họ từ nay chỉ còn một nước là lăn bánh trên đó. Từ năm 1945 trở đi, chủ nghĩa Nazi không còn gì để mang lại cho người Đức, có chăng là những kỉ niệm. Điển hình là tại phần đất trung thành với Đức Quốc xã, nước Áo (nhờ chiếc đũa thần của ngoại giao quốc tế, nước Áo bỗng được xếp vào hàng ngũ nạn nhân chứ không phải phạm nhân), đời sống chính trị sau chiến tranh đã trở lại dòng chảy của nó trước năm 1933 khi chế độ dân chủ bị bãi bỏ, tuy đường hướng chính trị có hơi lướt sang phía tả (xem Flora, 1983, tr. 99). Chủ nghĩa phát-xít đã biến mất, cùng với cuộc khủng hoảng thế giới đã sản sinh ra nó. Ngay cả trên mặt lí thuyết, nó chưa bao giờ có một cương lĩnh hay dự án phổ quát nào cả.

Trái lại, cuộc đấu tranh chống phát-xít, tuy khả năng động viên của nó hết sức đa tạp và thất thường, đã tập hợp được một “quang phổ” lực lượng phi thường. Hơn thế nữa, khối đoàn kết ấy không chỉ có tính chất “chống” (tiêu cực) mà còn “xây” (tích cực), và về một số phương diện, lại trường tồn. Về mặt tư tưởng, nó dựa trên những giá trị và những khát vọng chung của Thế kỉ Ánh sáng và Thời đại các cuộc cách mạng: tiến bộ thông qua lí trí và khoa học; giáo dục và chính quyền nhân dân; không chấp nhận những sự bất bình đẳng do nguồn gốc gia đình và xã hội; những xã hội hướng về tương lai hơn là quay lại quá khứ. Một vài điểm tương đồng ấy chỉ có trên giấy tờ, tuy không phải hoàn toàn vô nghĩa nếu như những chính thể khác xa chế độ dân chủ phương Tây – nói chính xác hơn: khác xa mọi chế độ dân chủ – như Ethiopia của Mengisto, Somalia trước ngày Siad Barre bị truất phế, Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành, Algeria và Đông Đức đã chọn quốc hiệu là Cộng hòa Dân chủ hay Dân chủ Nhân dân. Tên gọi như vậy, trong những thập niên giữa hai cuộc Thế chiến, các chế độ phát-xít, cực quyền và ngay cả những chế độ bảo thủ truyền thống chắc đã miệt thị gạt bỏ.

Friedrich Hayek (1899-1992)

Ở những phương diện khác, những khát vọng chung cũng không cách xa hiện thực chung cho lắm. Chế độ tư bản lập hiến phương Tây, hệ thống XHCN cũng như Thế giới thứ Ba đều gắn bó với sự bình đẳng quyền lợi cho mọi chủng tộc và cho cả hai giới tính: nói khác đi, không có chế độ nào ngang tầm với mục đích chung, song không thế nào xếp loại, phân biệt các chế độ ấy một cách hệ thống[47]. Những nhà nước thuộc các chế độ này đều là những nhà nước thế tục. Hơn nữa, sau 1945, hầu hết các nước ấy đã chủ tâm và tích cực phủ nhận sự thống trị của thị trường và đều tin tưởng vào vai trò của nhà nước trong sự quản lí và kế hoạch hóa nền kinh tế một cách chủ động. Điều ấy thật khó tin giữa thời buổi thần học của nền kinh tế “tân tự do” hiện nay, nhưng trong giai đoạn từ đầu thập niên 1940 đến những năm 1970, các nhà quán quân tiếng tăm nhất, một thời có nhiều ảnh hưởng, của sự tự do toàn diện của thị trường – như Friedrich von Hayek (1899-1992) – tự coi mình là những nhà tiên tri rao giảng giữa sa mạc, khi họ phí công cảnh báo chủ nghĩa tư bản phương Tây rằng nó đang lao vào “con đường nô dịch” (Hayek, 1944). Sự thật là chủ nghĩa tư bản đã dấn bước vào kỉ nguyên của những phép mầu kinh tế (chương 9). Các chính quyền tư bản đều tin chắc rằng chỉ có “chủ nghĩa” can thiệp kinh tế mới có thể ngăn chận được sự tái diễn những đại họa kinh tế của thời kì giữa hai thế chiến và tránh được hiểm họa chính trị là dân chúng, vì khủng hoảng kinh tế, sẽ trở thành triệt để, đến mức đi theo chủ nghĩa cộng sản, như trước đây họ đã đi theo Hitler. Các nước Thế giới thứ Ba thì cho rằng chỉ có hành động của công quyền mới có thể đưa nền kinh tế quốc dân thoát ra khỏi lạc hậu và lệ thuộc. Trong thế giới vừa giải phóng khỏi chế độ thực dân, theo gương của Liên Xô, người ta cảm thấy tương lai thuộc về chủ nghĩa xã hội. Còn Liên Xô và gia đình mới được mở rộng, thì trước sau chỉ tâm niệm một điều là: tập trung kế hoạch hóa. Và như thế, cả ba khu vực trên thế giới đã bước sang thời kì hậu chiến với niềm tin vững chắc rằng cuộc đại thắng mới giành được nhờ động viên chính trị, vận động cách mạng, làm bằng máu hồng và sắt thép, sẽ mở ra một thời kì cải tạo xã hội.

Trong một ý nghĩa nào đó, họ có lí. Chưa bao giờ bộ mặt của hành tinh và cuộc sống con người đã biến đổi ngoạn mục như trong thời đại mở đầu bằng đám khói hạt nhân hình nấm ở Hiroshima và Nagasaki. Nhưng, bao giờ cũng thế, lịch sử chỉ bỏ ngoài tai, không mấy quan tâm tới ý định của con người, kể cả những người quyết định quốc sự. Sự cải biến xã hội thực thụ đã diễn ra ở ngoài mọi ý muốn, mọi kế hoạch. Bất luận thế nào, sự trắc trở ngẫu nhiên đầu tiên mà họ phải đối mặt là sự kết liễu hầu như tức thời của đại liên minh chống phát-xít. Hiểm họa phát-xít không còn tồn tại để phải đoàn kết chống lại, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, một lần nữa, sẵn sàng đối diện nhau, đối đầu nhau như hai kẻ tử thù.

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Maisons-Alfort, Val-de-Marne, Pháp

Nguồn: Dịch giả gởi trực tiếp cho PTKT, 07.2021.




Chú thích:

[35] Người ta cho rằng nhờ những thông tin tình báo của Sorge, lấy từ những nguồn đáng tin cậy nhất, theo đó vào cuối năm 1941, Nhật Bản không có ý định tấn công Liên Xô, Stalin đã có thể di chuyển những đội quân chi viện quan trọng sang mặt trận phía tây vào lúc mà quân Đức tiến đến sát Moskva (Deakin và Storry, 1964, chương 13; Andrew và Gordievsky, 1991, tr. 281-282).

[36] Bất luận thế nào, điều đó không thể biện minh cho những sự tàn ác do phe này hay phe kia gây ra. Và chắc chắn rằng nhà nước Croatia 1942-1945 (có lẽ nhà nước Slovakia cũng thế) đã tàn ác hơn đối phương, và dẫu sao, không thể nào biện hộ cho những sự tàn ác ấy được.

[37] Mấy tháng sau khi Hitler lên nắm quyền, trụ sở quốc hội Đức bị thiêu huỷ môt cách hết sức bí hiểm. Chính quyền Nazi vội vàng đổ tội cho đảng Cộng sản và lợi dụng việc này để trừ khử đảng Cộng sản, còn người cộng sản thì tố cáo chính quyền Nazi đã tạo dựng vụ việc này. Van der Lubbe (một người Hà Lan sống lẻ loi, có vấn đề tâm thần, cảm tình viên của phong trào cách mạng), người đứng đầu nhóm nghị sĩ cộng sản ở quốc hội và ba người Bulgaria làm việc cho Quốc tế Cộng sản ở Berlin bị bắt giam và đưa ra tòa. Van der Lubbe thì rõ ràng có dính líu với vụ đốt nhà, chứ bốn người cộng sản thì không, còn ĐCS Đức thì càng không nữa. Cho đến nay, những phát hiện trong nghiên cứu lịch sử cũng không xác nhận giả thiết về một sự khiêu khích của đảng Nazi.

[38] Tây Ban Nha chỉ còn giữ lại một phần đất ở Morocco, gặp sự chống trả của những bộ tộc Berbères thiện chiến (nhưng đồng thời cũng những bộ tộc này, đã cung cấp cho quân đội Tây Ban Nha những đơn vị chiến đấu xuất sắc), có khoảng 7.000 người Do Thái; thêm vào đó là một vài lãnh thổ xa hơn ở phía nam (không mấy ai để ý) (Thomas, 1977, tr. 982-984; Paucker, 1991, tr. 15).

[39] Phe ủng hộ Carlos V này là một phong trào bảo hoàng cực đoan, chủ trương trở về những truyền thống thủ cựu nhất, có cơ sở vững mạnh trong nông dân, đặc biệt là ở vùng Navarra. Trong các cuộc nội chiến 1830 và 1870, phe Carlos ủng hộ một trong hai nhánh hoàng tộc Tây Ban Nha (chi Carlos, chống lại nữ hoàng Isabella).

[40] Trong đó có lẽ có khoảng 10.000 người Pháp, 5.000 người Đức và Áo, 5.000 người Ba Lan và Ukraina, 3.350 người Italia, 2.800 người Mỹ, 2.000 người Anh, 1.500 người Nam Tư, 1.500 người Tiệp Khắc, 1.000 người Hung, 1.000 người Bắc Âu... Người Nga (từ 2.000 đến 3.000) không thể coi là tình nguyện. Trong số tình nguyện quân, có khoảng 7.000 người Do Thái (Thomas, 1977, tr. 982-984; Paucker, 1991, tr. 15).

[41] Theo ngôn ngữ của Quốc tế Cộng sản, cuộc cách mạng Tây Ban Nha “là bộ phận khắng khít của cuộc đấu tranh chống phát-xít, dựa trên cơ sở xã hội rộng rãi nhất. Đó là một cuộc cách mạng nhân dân. Một cuộc cách mạng dân tộc. Một cuộc cách mạng chống phát-xít” (Ercoli, tháng mười 1936, theo trích dẫn của Hobsbawm, 1986, tr. 175). [Ercoli là bí danh của Palmiro Togliatti, lãnh tụ cộng sản Italia. Người dịch]

[42] Tại hội nghị thành lập Phòng Thông tin Cộng sản (Kominform), đánh dấu sự mở đầu thời kì Chiến tranh Lạnh, đại biểu Bulgaria, Valko Tchervenkov, còn kiên trì khẳng định quan niệm này của nước ông (Reale, 1954, tr. 66-67, 73-74).

[43] Có lẽ Stalin ngại rằng nếu để người Cộng sản Pháp và Anh hăng hái tham gia cuộc chiến tranh chống phát-xít, thì Hitler coi đó là biểu hiện chính sách hai mặt của Liên Xô và sẽ viện cớ để tấn công Liên Xô.

[44] Năm 1990 nhờ sự tiết lộ của một chính khách người Italia, người ta được biết đạo quân bí mật chống cộng mang tên Stay Behind (Nằm vùng, tiếng Italia là Gladio, Thanh gươm) được thành lập năm 1949 nhằm tiếp tục kháng chiến tại mỗi nước ở châu Âu trong trường hợp bị Liên Xô xâm chiếm. Các thành viên của đội quân này được Hoa Kỳ vũ trang và chi trả, CIA và các lực lượng bí mật và đặc biệt của Anh huấn luyện; chính quyền các nước sở tại (ngoại trừ một vài cá nhân) hoàn toàn không biết có tổ chức này. Tại Italia, có thể ở nơi khác cũng thế, ban đầu đội quân này tuyển mộ trong giới phát-xít ngoan cố nhất, gồm những phần tử đã tham gia các tổ vũ trang mà các nước trong phe Trục khi rút lui đã để lại, sau năm 1945 bỗng trở thành có giá với tư cách là phần tử chống cộng cuồng tín. Trong những năm 1970, khi ngay cả các nhân viên CIA cũng không còn tin vào khả năng Hồng quân xâm lăng, thì các đội viên Gladio tìm thấy một mảnh đất tung hoành mới: khủng bố phái hữu (đôi khi giả dạng khủng bố khuynh tả).

[45] Một trong những người bạn của tác giả, về sau trở thành phó tư lệnh MOI, dưới sự chỉ đạo của người Tiệp Khắc Arthur London, là một người Do Thái tại Áo, gốc Ba Lan: trong thời kháng chiến, anh ta được trao nhiệm vụ tổ chức công tác “địch vận” trong hàng ngũ quân đội Đức đóng ở Pháp.

[46] Người Serbia ở Croatia và ở Bosnia cũng như những người Montenegro (chiếm 17% số sĩ quan quân kháng chiến) đa số đều ủng hộ Tito, cũng như khá đông người Croatia – dân tộc của Tito – và người Slovenia. Phần lớn các trận giao tranh đều diễn ra ở Bosnia.

[47] Một thí dụ: cả ba đều quên đi vai trò quan trọng của phụ nữ trong chiến tranh, kháng chiến và công cuộc giải phóng.

Print Friendly and PDF