12.2.22

Phim “Don't Look Up [Đừng nhìn lên]”: Liệu sự châm biếm có thể dẫn đến một sự thức tỉnh?

PHIM “DON’T LOOK UP [ĐỪNG NHÌN LÊN]”: LIỆU SỰ CHÂM BIẾM CÓ THỂ DẪN ĐẾN MỘT SỰ THỨC TỈNH?

Tác giả: Valérie Masson-Delmotte, là nhà nghiên cứu về khoa học khí hậu, đồng chủ tịch nhóm công tác IPCC-I, giám đốc nghiên cứu tại CEA (Ủy ban Năng lượng Nguyên tử), Đại học Paris-Saclay

Leonardo DiCaprio và Jennifer Lawrence, những người hùng trong phim Don’t Look UpNIKO TAVERNISE/NETFLIX

Giống như nhiều người, tôi đã cùng với gia đình xem phim Don’t Look Up: Cosmic Denial [Đừng nhìn lên: Sự phủ nhận vũ trụ], với sự tham gia diễn xuất của Jennifer Lawrence và Leonardo DiCaprio, được phát sóng vào ngày 24 tháng 12 năm 2021 trên Netflix. Rất nhanh, tôi đã nghe các con gái của mình, ở độ tuổi sinh viên, thốt lên: “Này mẹ, biến đổi khí hậu cũng giống vậy thôi!”

Đạo diễn Adam McKay đã pha trộn “điều phi lý, hài hước, với một nỗi đau rất thực”, để phản ánh khả năng hành động của chúng ta khi đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng, và nhấn mạnh đến sự cần thiết của “nhận thức, ý chí và hành động”.

Tôi muốn chia sẻ ở đây những suy ngẫm mà phim đó đã truyền cảm hứng cho tôi, với tư cách là một nhà nghiên cứu về khoa học khí hậu, tận tâm với vấn đề chia sẻ kiến ​​thức khoa học, liên quan đến những kinh nghiệm cá nhân của tôi ở giao diện giữa khoa học và xã hội.

Đoạn giới thiệu phim Don’t Look Up (Netflix, 2022).

Cảm giác sống trong một bi kịch Hy Lạp

Phim châm biếm đen tối này đã cho diễn những chiêu trò cổ điển (sự chuyển vị, sự cường điệu) để tố cáo một sự giả dối xã hội được đánh dấu bằng sự phủ nhận, sự phù phiếm, sự tham lam và sự đánh mất ý nghĩa về lợi ích chung.

Nhân vật Kate Dibiasky – một tiến sĩ trẻ tuổi do Jennifer Lawrence diễn xuất, người đã phát hiện ra sao chổi và cho rằng nó đang lao thẳng tới Trái đất – đặc biệt khiến tôi cảm động.

Bằng sự hoài nghi của mình, bằng cách đặt câu hỏi về cách thức tốt nhất để lên tiếng, bằng khả năng tự vấn bản thân. Nhưng còn bằng sự tuyệt vọng khi đã không thành công khi muốn làm điều tốt hơn, cảm giác sống trong một bi kịch Hy Lạp đã được báo trước, mà chưa bao giờ thấy sự thức tỉnh hoặc sự lãnh đạo cần thiết nào cả.

Phim cho thấy sự chênh lệch, thứ mà tôi thường cảm thấy, giữa nghiên cứu khoa học, ngành truyền thông và quyền lực chính trị. Do đó, nó đặt ra câu hỏi về việc đào tạo các nhà khoa học để lên tiếng trước truyền thông, và sự khó khăn của các nhà báo hoặc của các nhà hoạch định chính sách trong việc tích hợp kiến ​​thức khoa học.

Kate Dibiasky (do Jennifer Lawrence diễn xuất). Niko Tavernise/Netflix

Liệu các nhà khoa học có nên giữ bình tĩnh, giữ khoảng cách, và trở nên duy lý? Liệu họ có kém đáng tin hơn không khi để lộ ra cảm xúc của bản thân?

Vấn đề này thậm chí còn tế nhị hơn đối với phụ nữ (các nhà khoa học nữ), khi họ bộc lộ cảm xúc, thì rất nhanh có thể bị coi là người cuồng loạn. Tôi đã gặp khó khi bị gọi là “người cuồng si khí hậu”, một thuật ngữ không có từ tương đương đối với nam giới – trong trường hợp này, tôi nghĩ người ta sẽ nói đến “nhà khoa học dấn thân” ...

Ba phút để trình bày một báo cáo của IPCC

Phim cũng cho thấy sự chênh lệch giữa cách thức làm việc của các nhà khoa học và những giây phút trao đổi, ngắn ngủi và hiếm hoi, với các nhà hoạch định chính sách – những người đôi khi dựa nhiều vào quan điểm ​​cá nhân hơn là dựa vào một nền tảng kiến ​​thức vững chắc. Ví dụ, tôi có lần chỉ có ba phút để trình bày một báo cáo của IPCC cho một nguyên thủ quốc gia!

Điều đáng buồn, theo ghi nhận của tôi, là phần lớn các nhà hoạch định chính sách không hề đọc các “Bản tóm tắt báo cáo” của IPCC được viết chủ yếu cho các nhà hoạch định chính trị. Tôi hy vọng một số cố vấn của họ có đọc các báo cáo đó, nhưng tôi tự hỏi họ đã được truyền đạt lại những gì...

Phim cũng cho thấy sự vô sỉ và phủ nhận trách nhiệm, sự thiếu khả năng phân tích một tình huống chưa từng xảy ra và những rủi ro liên quan đến các lựa chọn hành động và khả năng thất bại, sự thiếu khả năng dự phóng, ​​và sự thiếu vắng khó chấp nhận của khả năng lãnh đạo, qua đó minh họa cho cách thức mà các nhà khoa học có thể thấy mình bị sử dụng như một công cụ trong một diễn ngôn chính trị.

Đã hơn một lần, tôi ước mình có thể nói thẳng thừng như Kate Dibiaski, “Bạn đang đùa tôi đấy à?”, nhưng điều đó đòi hỏi tôi phải vượt qua sự lịch sự và sự tôn trọng những người đã kiến tạo nên tôi.

Những “giải pháp” công nghệ tốt nhưng giả dối

Điều đặc biệt châm biếm là nhân vật Peter Isherwell (do Mark Rylance diễn xuất), nhà tỷ phú ngành công nghệ, thuyết phục vị nữ Tổng thống Hoa Kỳ (do Meryl Streep diễn xuất) trì hoãn một hành động khả thi tức thời để chuyển hướng hành trình của sao chổi. Như thế, ông ấy đã áp đặt một giải pháp dựa trên các công nghệ chưa được thử nghiệm, cho phép ông khai thác các khoáng chất quý hiếm hiện diện trên sao chổi.

Nhân vật đó đã truyền bá một kiểu diễn ngôn lặp đi lặp lại về cái gọi là công nghệ sắp tới, vào tính khả thi chưa được chứng minh và các hiệu ứng không mong muốn chưa được đánh giá. Kiểu “diễn ngôn phi hành động” đó xuất hiện dưới nhiều hình thái. Trong số các hình thái đó, nổi bật là hình thái lạc quan về công nghệ, gây hại đến việc xây dựng các chiến lược tinh vi, từ các đòn bẩy hành động sn có của ngày nay, có tính đến các hiệu ứng không mong muốn và các biện pháp tái phân phối lại cần thiết.

Đứng đầu một đế chế công nghệ khổng lồ, Peter Isherwell (giữa, do Mark Rylance diễn xuất) đã gây ảnh hưởng đến các quyết định của vị nữ Tổng thống (phải, do Meryl Streep diễn xuất). Niko Tavernise/Netflix

Tôi đã nhiều lần nhận xét kiểu thái độ nói trên, pha trộn giữa sự vô sỉ, tham lam và thiếu đồng cảm, trong các cuộc thảo luận phi chính thức trước hoặc sau các cuộc họp bàn tròn với nội dung mang tính văn minh rất cao liên quan đến các ngành tài chính, công nghệ, đổi mới, và các công ty lớn.

Điều cũng rất đáng chú ý là quan sát những kế hoạch hành động của các lĩnh vực ngành nghề phát thải nhiều khí nhà kính, như ngành năng lượng hóa thạch và vận tải hàng không, sử dụng rộng rãi những công nghệ được cho là cho phép loại bỏ CO2 ra bầu khí quyển, thay vì nhanh chóng tiến hành phi các-bon hóa hoạt động của họ, và từ chối những ràng buộc cần thiết để giảm nhu cầu các-bon.

Thông tin sai lệch được lan truyền nhanh chóng

Phim minh họa khá tốt những mặt trái của một xã hội thích diễn cảnh và tiêu dùng thái quá, cách thức hoạt động của một số phương tiện truyền thông, thông tin sai lệch, vốn được lan truyền nhanh hơn kiến ​​thức đã được thiết lập một cách vững chắc.

Tôi cũng phải chịu đựng điều tương phản này: làm thế nào để tiếp cận những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự biến đổi khí hậu trong một lĩnh vực truyền thông có sự hiện diện của nhiều nhân vật thường tự cho mình là trung tâm, ủng hộ sự tiêu khiển, sự tranh luận và đơn giản hóa, giữa hai chiến dịch quảng cáo thúc đẩy tiêu thụ và luôn phát thải nhiều hơn?

Các nhà khoa học Randall Mindy và Kate Diabasky đang cố nói rõ quan điểm của họ trên trường quay một chương trình talk-show, với Brie Evantee (Cate Blanchett) và Jack Bremmer (Tyler Perry) làm người dẫn chương trình. Niko Tavernise/Netflix

Ví dụ, bản báo cáo gần nhất của IPCC được công bố vào ngày thông báo việc chuyển nhượng [cầu thủ bóng đá] Lionel Messi sang [câu lạc bộ bóng đá] PSG... theo ý bạn, giữa số phận một cầu thủ bóng đá và số phận của hành tinh, thì cái nào “tạo ra tiếng vang” lớn hơn?

Những giới hạn của sự giống nhau với hiện tượng thời tiết nóng lên

Stefan Aykut

Nói thế rồi để thấy là sự tương đồng giữa mối đe dọa từ một sao chổi và mối đe dọa từ sự biến đổi khí hậu còn lâu mới hoàn hảo. Thủ thuật sân khấu này gợi ý rằng tất cả chúng ta đều đối mặt với cùng một mối nguy, với cùng một đáp án nhị nguyên: hoặc thắng cả, hoặc mất cả.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, thực tế phức tạp hơn nhiều, với những thách thức chính liên quan đến bản chất không đồng đều về trách nhiệm, về tính dễ bị tổn thương, mức độ tác động và năng lực hành động, giữa cá nhân con người với nhau và giữa các nước với nhau.

Sự thiếu vắng các khía cạnh công bằng khí hậu nói trên đã khiến các nhà khoa học xã hội, chẳng hạn như Stefan Aykut, một chuyên gia về các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, phải phản ứng.

Các thách thức nói trên là chủ đề các báo cáo thuộc nhóm 2 (tính dễ bị tổn thương, mức độ tác động, rủi ro, các lựa chọn hành động để thích ứng) và nhóm 3 (lượng phát thải khí nhà kính, các lựa chọn hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính) của IPCC, được dự kiến ​​công bố vào ngày 28 tháng 2 và ngày 4 tháng 4 năm 2022.

Trong bối cảnh này, phim Don’t Look Up [Đừng nhìn lên] nhấn mạnh đến các cá nhân và thế lực (nguyên thủ quốc gia, giới truyền hình, các tỷ phú ngành công nghệ), thay vì đến mọi thứ kiến tạo nên xã hội, đặc biệt là các tổ chức tập thể và cơ chế đoàn kết.

Thoát khỏi sự phủ nhận, bằng cách nào?

Trong thực tế, điều này đặt ra câu hỏi về việc nơi nào có thể dẫn đến một bước thức tỉnh tập thể để thoát khỏi sự phủ nhận.

Ví dụ, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự biến đổi khí hậu là một mối quan tâm to lớn, thì tại sao nó không phải là chủ đề tranh luận những vấn đề nghiêm túc cho các ứng cử viên trong mọi cuộc bầu cử?

Đâu là những đề xuất để chuẩn bị cho chúng ta đối phó với những hậu quả không thể tránh khỏi của tình trạng biến đổi khí hậu, đâu là những đề xuất để chúng ta góp phần giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu một cách thiết yếu và nhanh chóng? Đâu là tương lai mà ta muốn tạo dựng, thay vì nhìn chằm chằm vào nhau?

Tác phẩm Les marchands de doute [Những kẻ buôn sự hoài nghi] NXB Édition Le Pommier. CC BY-NC-ND

Than ôi, thực tế đôi khi còn tồi tệ hơn điều tưởng tượng: phim chỉ thể hiện phần nào thái độ vô liêm sỉ của những người kiếm lợi từ hiện trạng, hoặc vai trò của những kẻ buôn sự hoài nghi, những người đã tạo ra thông tin sai lệch và chiến dịch greenwashing [quảng cáo sai lệch để đánh bóng thương hiệu] để gây ra sự nhầm lẫn và bảo toàn khả năng sinh lợi của họ.

Ví dụ về bản báo cáo đặc biệt của IPCC năm 2018

Ví dụ, tại hội nghị COP21 (2015) và trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, toàn bộ các nước đã yêu cầu IPCC đệ trình một báo cáo đặc biệt về hiện tượng thời tiết nóng lên 1,5°C.

Việc đánh giá hiện trạng kiến ​​thức này, vốn đòi hỏi một công trình đồ sộ trong một khoảng thời gian ngắn, đã được hoàn tất vào năm 2018 và đã được tất cả các nước thông qua (mang hơi hướng một chút rockn roll!). Tôi tóm tắt báo cáo đặc biệt đó bằng cách nói rằng từng nửa độ thời tiết nóng lên đều quan trọng, từng năm [trôi qua] đều quan trọng, và mọi lựa chọn đều quan trọng; báo cáo năm 2021 còn bổ sung thêm rằng mọi khu vực đều có liên quan, và từng tấn CO2 [phát thải] đều quan trọng… Mọi thứ đều có ở đây, trên trang web của IPCC và trong các dòng bình luận của tôi trên Twitter.

Video gợi lại bản báo cáo đặc biệt của IPCC về hậu quả của hiện tượng thời tiết nóng lên 1,5°C trên trái đất. (IPCC/Youtube, 2019)

Tóm lại, khi bản báo cáo đặc biệt đó được trình bày tại hội nghị COP24 vào năm 2018, đã có 4 quốc gia (vào thời điểm đó là Hoa Kỳ, Nga và Ả Rập Xê Út) làm mọi cách để đảm bảo các kết luận của báo cáo không được đưa vào các quyết định của Công ước Liên Hợp Quốc.

Điều đó cũng minh họa những thách thức đặt ra bởi các mối quan hệ giữa hiện trạng kiến ​​thức khoa học và cách thức mà các kiến ​​thức khoa học đó được sử dụng hoặc bị bỏ qua, nếu gây ra điều phiền toái.

Mọi thứ đã được cải thiện một chút, kể từ khi quyết định của COP26 vào tháng 11 năm 2021 khởi động với “tính khoa học và cấp bách”, nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải đẩy nhanh hành động vì khí hậu.

Một thành công cần tiếp tục phát huy

Tôi kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng sự châm biếm và tiếng cười là đòn bẩy đáng kể để gợi lên khả năng tư duy và kích thích tinh thần phản biện và tâm lý tò mò.

Về vấn đề này, điều rất thú vị là theo dõi số lượt người xem phim như phim Don’t Look Up [Đừng nhìn lên] so với số lượt người xem các phim tài liệu như Before the Flood [Trước cơn lũ] của Leonardo DiCaprio, phát hành vào năm 2016.

Liệu phim này có khả năng tiếp cận một lượng khán giả rộng lớn hơn hay không, hay chỉ là một sự giải trí, tập trung vào việc tranh luận phim chứ không phải vào các vấn đề thực chất? Trong mọi trường hợp, tôi cho rằng những bình luận của tôi về phim này, được đăng trên Twitter, đã tạo ra nhiều phản ứng hơn trong một ngày, so với số lượng phản ứng đối với bản tóm tắt của tôi về bản báo cáo của IPCC vào mùa hè năm nay, sau gần năm tháng!

Tác giả

Valérie Masson-Delmotte

Valérie Masson-Delmotte

Giám đốc Nghiên cứu tại CEA (Commissaries à l’énergie atomique – Ủy ban Năng lượng Nguyên tử), bà Valérie Masson-Delmotte công tác ở Phòng thí nghiệm Khoa học về Khí hậu và Môi trường (LSCE). Lãnh vực nghiên cứu của bà là sự tiến triển của biến đổi khí hậu, theo cấp độ thời gian từ những thế kỷ gần đây đến các thời kỳ băng hà, và mức độ đóng góp của khí hậu trong quá khứ để kiểm tra tính hiện thực của các mô hình khí hậu. Bà đã tham gia hai chiến dịch nghiên cứu thực địa ở vùng phía bắc Greenland.

Đồng chủ tịch nhóm công tác IPCC-I (www.ipcc.ch), bà Valérie Masson-Delmotte đã góp phần soạn thảo các báo cáo lần thứ 4 và thứ 5 (2007 và 2013) của IPCC và báo cáo về Khí hậu và Môi trường ở Nam Cực (2009). Bà là tác giả nhiều cuốn sách cho đối tượng đọc là công chúng, trong đó có các cuốn “Climat: le vrai et le faux [Khí hậu: đúng và sai]” (Paris, Le Pommier, 2011), “Parlons climat en 30 questions [Chất vấn vấn đề khí hậu với 30 câu hỏi]” đồng tác giả với C. Cassou (Paris, La documentation française, 2015), “Climat, la Terre et les hommes [Khí hậu, Trái đất và con người]” đồng tác giả với J. Poitou và P. Braconnot (EDP Sciences, 2015), “Groenland, climat, écologie et société [Groenland, khí hậu, sinh thái và xã hội]” (nhóm tác giả) (CNRS éditions, 2016).

Tuyên bố công khai

Valérie Masson-Delmotte không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hay tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Don’t Look Up”: la satire peut-elle conduire à un sursaut?, The Conversation, ngày 06/01/2022.

----

Bài có liên quan:

‘Don’t Look Up’: Ngòi nổ đầu tiên của Hollywood về việc phủ nhận biến đổi khí hậu minh họa 5 huyền thoại thúc đẩy sự bác bỏ khoa học

Print Friendly and PDF