21.9.22

Sự gia tăng nghiên cứu về bất bình đẳng: Liệu mở rộng các lĩnh vực có giúp ngăn chặn bất công?

SỰ GIA TĂNG NGHIÊN CỨU VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG: LIỆU MỞ RỘNG CÁC LĨNH VỰC CÓ GIÚP NGĂN CHẶN BẤT CÔNG?

Chuyên môn sâu rộng và sự tham gia trực tiếp của những người bị ảnh hưởng sẽ giúp nghiên cứu về bất bình đẳng có ý nghĩa hơn.

Virginia Gewin

Sasha Henriques lo lắng rằng dữ liệu chỉ dẫn cho các nhà tư vấn di truyền không mang tính đại diện. Ảnh: Ekow Oliver

Vida Maralani bắt đầu sự nghiệp bằng việc nghiên cứu xem giáo dục trên thực tế có phải là tấm vé đến với sự tiến bộ kinh tế xã hội và giảm bất bình đẳng như cô được dạy hay không. Maralani, giám đốc lâm thời của Trung tâm Nghiên cứu Bất bình đẳng tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, cho biết: “Tôi đã đánh giá một số chính sách xã hội tốn kém nhất mà chính phủ từng tài trợ để ngăn chặn tình trạng bỏ học.” Tuy nhiên, cô nhận thấy rằng các chính sách nhắm vào trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp có nguy cơ bỏ học có hiệu quả hữu hạn. “Những đứa trẻ này không di chuyển ra khỏi khu xóm mình ở và mẹ chúng không có thêm nguồn lực nào so với trước đây,” cô nói. "Những bất lợi bao quanh cộng đồng của họ không thay đổi."

Nhìn chung, Maralani cho rằng sự phân bổ không bình đẳng hoặc không công bằng giữa các nguồn lực và cơ hội trong một xã hội chỉ được nghiên cứu ở một khía cạnh, chẳng hạn như qua thu nhập hoặc giáo dục. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng về thu nhập, tài sản, giáo dục, y tế và khả năng tiếp cận công nghệ có kết nối chặt chẽ với nhau và khác biệt theo giới tính, chủng tộc, dân tộc và vị trí địa lý theo những cách quan trọng. Nguyên nhân sâu xa thì đa chiều và đầy biến động. Một số tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong thập kỷ qua – đáng chú ý là cuốn sách Capital in the Twenty-First Century (Tư bản thế kỷ 21năm 2013 của nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty – đã chứng minh tình trạng bất bình đẳng dai dẳng đã trở nên nghiêm trọng thế nào, thậm chí còn làm dấy lên mối lo ngại quốc tế.

Có một sự cấp thiết thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với nghiên cứu về bất bình đẳng. Melanie Smallman tại Đại học College London, chuyên nghiên cứu cách công nghệ góp phần vào sự bất bình đẳng cho biết: “Lý do cho điều đó thật khủng khiếp – bất bình đẳng đang gia tăng.” Theo Báo cáo Xã hội Thế giới 2020 của Liên hợp quốc [United Nations World Social Report 2020], hơn 2/3 các quốc gia trên thế giới đang đối mặt sự gia tăng chênh lệch thu nhập, điều này làm trầm trọng thêm nguy cơ chia rẽ và cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội (xem go.nature.com/3hpyjkw).

COVID-19 chỉ nâng cao tiêu chuẩn cho nghiên cứu toàn diện, bởi vì các nhà khoa học hiện có thể đánh giá tác động của đại dịch đối với những bất bình đẳng đó. Theo Ngân hàng Thế giới, thiệt hại về thu nhập do đại dịch được ước tính là cao hơn đối với những ai được trả lương ít nhất – đẩy nhiều người vào tình trạng đói nghèo hơn và gây nguy hại cho triển vọng của các thế hệ tương lai.

Vida Maralani nói rằng không có cách giải quyết đơn giản nào các bất bình đẳng do các nhân tố phức tạp thúc đẩy. Ảnh: Robert Barker
Không có gì ngạc nhiên khi lĩnh vực này đang được mở rộng. Maralani nói: “Mối lo ngại rằng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng sẽ còn kéo dài là một trong những lý do chính khiến những người trong lĩnh vực này mở rộng nghiên cứu thông qua các cách tiếp cận liên ngành đầy thách thức – và ngày càng gia tăng qua lăng kính công lý.”

Theo Maralani, khi các nhà nghiên cứu cố gắng gỡ rối những nguyên nhân phức tạp dẫn đến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, thì việc mở rộng phạm vi các học giả và tổ chức thăm dò sự bất bình đẳng “là cái may trong cái rủi”. Cần rất nhiều người có kỹ năng phù hợp để cộng tác trên các lĩnh vực khác nhau như xã hội học, y tế và biến đổi khí hậu. Cô nói, thách thức ở đây là vượt ra khỏi những con đường mòn về cách chúng ta nghĩ về bất bình đẳng và suy nghĩ một cách tổng thể hơn.

Cùng xem xét sự di cư của con người. Nhân khẩu học từ lâu đã được các nhà xã hội học nghiên cứu, nhưng hiện nay tình trạng di cư đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu. “Khi chúng tôi nhận được nhiều dữ liệu hơn, khả năng nghiên cứu mọi thứ của chúng tôi thực sự nới rộng,” Maralani nói. “Và khi chúng tôi có thể chia sẻ, trực quan hóa và mô tả dữ liệu của mình tốt hơn, thì mức độ tương tác của chúng tôi với công chúng sẽ mở rộng.”

Thay đổi trong công nghệ, sự suy sút của các tổ chức công đoàn, mức lương tối thiểu thấp và sự sinh sôi của các công việc không có hợp đồng là tất cả những yếu tố góp phần vào sự gia tăng bất bình đẳng liên tục ở Hoa Kỳ kể từ năm 1980, làm dấy lên lo ngại cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và chính trị gia. Một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc là giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. Và nhiều nhà tài trợ – bao gồm Quỹ Ford, Quỹ Russell Sage và Quỹ William T. Grant, cả ba đều ở Thành phố New York, và Quỹ MacArthur ở Chicago, Illinois – đã khởi động các sáng kiến để “giảm bất bình đẳng” và kêu gọi các nhà nghiên cứu phát triển các chiến lược dựa trên bằng chứng để đạt mục tiêu.​​

Don Kalb cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi công nghệ xanh có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng. Ảnh: Eivind Senneset

Don Kalb, một nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học Bergen ở Na Uy, cho biết: “Có một cảm giác chung rằng con quái vật này quá lớn để bất kỳ một nhánh học thuật nào có thể nhận việc về phần mình.” Ngoài ra còn có một nỗ lực giám sát các chuyển dịch công nghệ trong thời gian thực để cố ngăn tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn. Việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch là một ví dụ điển hình. “Quá trình chuyển đổi xanh có khả năng rất cao sẽ làm gia tăng các loại bất bình đẳng”, một phần vì hầu hết những người dẫn đầu trong công nghệ xanh đều ở các nước có thu nhập cao, anh nói. Các nhà nghiên cứu cần đánh giá những công cụ chính trị có thể cần thiết để ngăn chặn nguồn gốc của sự bất bình đẳng đó – đặc biệt là khi xã hội hiện đã có khả năng thu thập dữ liệu theo thời gian thực liên quan đến mục tiêu này. Nếu thành công, nghiên cứu thậm chí có thể tạo ra một bước nhảy vọt hướng tới công bằng xã hội.

Đưa xã hội vào nghiên cứu

Một mục tiêu của nghiên cứu về bất bình đẳng là khiến cho bản thân việc nghiên cứu khoa học trở nên bình đẳng hơn. Khi các phương pháp tiếp cận liên ngành phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các tổ chức tài trợ và tạp chí, các nhà khoa học đang vật lộn với việc làm thế nào để thu hút sự tham gia của công chúng một cách có ý nghĩa.

Trong suốt 10 năm làm cố vấn di truyền ở Vương quốc Anh và Nam Phi, Sasha Henriques đã có những lo lắng dai dẳng về công việc của mình. Cô tự hỏi liệu dữ liệu đang được sử dụng để tư vấn cho bệnh nhân về các tình trạng di truyền có mang tính đại diện thích đáng hay không. Và sự thiếu đa dạng giữa các cố vấn làm cô băn khoăn. Để khám phá sự giao thoa giữa chủng tộc, sắc tộc, tổ tiên và hệ gien, Henriques đã bắt đầu học Tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. “Tất cả đều giao nhau,” cô nói, “không ai chỉ thuộc về một nhóm”.

Nghiên cứu của Henriques sẽ xác định thời điểm thích hợp để đưa chủng tộc vào dữ liệu nghiên cứu, đâu là cách tốt nhất để phân loại tổng thể loài người ngoài chủng tộc và sắc tộc và làm thế nào để làm cho lợi ích của nghiên cứu gien và y tế trở nên công bằng. Nhưng các vấn đề phức tạp đến mức Henriques phải đảm bảo công trình được dẫn dắt bởi giá trị cốt lõi của mình: cung cấp cho mọi người những công cụ và thông tin họ cần để giúp họ hiểu nguy cơ bệnh di truyền của bản thân và đưa ra bất kỳ quyết định cần thiết nào về sức khỏe và lối sống – những lựa chọn ít khả dụng hơn với dân số đã bị loại trừ trong lịch sử.

Cô khuyên các nhà nghiên cứu bất bình đẳng khác, đặc biệt là những người muốn bước chân vào lĩnh vực này, hãy làm như vậy. Henriques nói: “Có thể khá áp lực khi phải thu hẹp nghiên cứu để làm điều gì đó có ý nghĩa mà bỏ qua việc đào sâu vào đủ mọi ngóc ngách rối rắm.”

Một chiến lược quan trọng khác là đảm bảo rằng các cộng đồng bị áp bức tham gia trực tiếp vào thiết kế nghiên cứu cốt lõi. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu công bằng y tế cảnh báo rằng việc xuất bản công trình về các nhóm bị loại trừ trong lịch sử vốn không tham gia vào quá trình thiết kế này có thể dẫn đến những kết luận tốt mã giẻ cùi chỉ tổ kéo dài thiên kiến[1].

Henriques lưu ý, nếu mục tiêu là tìm ra các giải pháp thực tế cho sự bất bình đẳng, thì điều quan trọng là phải đưa xã hội vào quá trình khoa học. “Điều này có thể được cố ý lồng vào nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu,” cô nói thêm. Khi Henriques tìm ra cách thực hiện điều đó trong nghiên cứu của mình, cô đã tạo một trang web để bắt đầu các cuộc trò chuyện với công chúng (xem www.geneticsengage.org).

Đưa mọi người vào nghiên cứu ngăn việc nghiên cứu khoa học trở thành một nơi bất bình đẳng khác. Điều này cũng giúp khám phá những thiên kiến ​​tiềm ẩn của các nhà nghiên cứu và đảm bảo độ tin cậy lớn hơn cho kết quả nghiên cứu. Susanne Koch, một nhà xã hội học tại Đại học Kỹ thuật Munich ở Đức, người nghiên cứu về cách sự bất bình đẳng định hình nghiên cứu về rừng và môi trường cho biết: “Điều quan trọng là ai tạo ra kiến thức.”

Susanne Koch khuyến khích các nhà nghiên cứu bất bình đẳng loại bỏ các động thái cấu trúc có thể mang tính phân biệt đối xử. Ảnh: Nela Dorner

Vào tháng 5, Koch đã tổ chức một hội thảo với các nhà nghiên cứu môi trường từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về các vấn đề mang tính cấu trúc có thể dẫn đến các thói quen nghiên cứu phân biệt đối xử. Cô nói: “Chúng ta cần tạo ra những kiến thức đa dạng vốn thường không được đặt lên bàn cân vì sự bất bình đẳng xã hội trong giới học thuật.” Ví dụ, trong nghiên cứu sinh thái rừng quốc tế, vốn thường tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, “các nhà nghiên cứu có thể khó mà thừa nhận rằng kiến thức của họ, cũng như bao người, bắt nguồn từ bối cảnh riêng của họ.” Koch ngạc nhiên khi các đồng nghiệp từ những quốc gia đang phát triển cho biết hội thảo là lần đầu tiên họ có cơ hội giải quyết các vấn đề đã khiến mình bận tâm từ lâu.

Koch nói nếu các nhà nghiên cứu chỉ đưa ra số liệu thống kê cho thấy tình hình tồi tệ như thế nào và rồi bỏ đi, thì những cộng đồng bị ảnh hưởng có động cơ gì để đón nhận những phát hiện đó? “Tôi nghĩ việc thực hiện bước thứ hai vốn thường bị bỏ qua sau khi đã tạo ra số liệu thống kê này là cần thiết – và tất nhiên, rất khó”.

Một cảnh báo hợp thời

Trước mối quan tâm ngày càng lớn đối với sự bất bình đẳng, các nhà nghiên cứu dày dạn lo lắng rằng những người mới đến, đôi khi được coi là những kẻ chõ mũi vào việc người khác, sẽ đính tạm sự công bằng vào các dự án đơn giản là vì nó hợp thời, và thế nên họ rốt cuộc xuất bản các phân tích kém chất lượng. Elle Lett, một nhà dịch tễ học xã hội tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, và các đồng nghiệp của cô đã gọi các nhà nghiên cứu như vậy là “kẻ cưỡi ngựa xem hoa về công bằng y tế”, những người “có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công bằng y tế và bôi tro trét trấu vào học bạ bằng các nghiên cứu vô ích, và tiềm ẩn khả năng gây hại do xác định sai các căn nguyên của sự bất công trong y tế và làm lu mờ các giải pháp tiềm năng”[2].

Steven Roberts, một nhà nghiên cứu bất bình đẳng chủng tộc tại Đại học Stanford ở California, nói rằng việc thêm một chiều kích bất bình đẳng chỉ đơn giản là cho “hợp thời” có thể cổ vũ một cách tiếp cận bất cẩn, thậm chí liều lĩnh, không ăn khớp vào các vấn đề một cách sâu sắc và có ý nghĩa như vốn nên thế. Ví dụ, anh nói, nghiên cứu tập trung vào dân số da trắng có thể chỉ nói rằng công việc trong tương lai sẽ cần tích hợp sự đa dạng, nhưng lại đưa ra ít mô tả về lý do tại sao điều đó là cần thiết, mọi thứ trông như thế nào và tại sao không đưa người da màu vào từ đầu.

Roberts sắp kết thúc một năm nghỉ phép tại Tổ chức Russell Sage, nơi anh là nhà tâm lý học duy nhất trong nhóm các nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà khoa học chính trị và nhà nghiên cứu dân số đang chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách các lĩnh vực của họ điều tra nghiên cứu bất bình đẳng. Về cơ bản, mỗi người trình bày dự án của mình – từ định nghĩa đặc quyền của người da trắng đến nhận diện bất bình đẳng chủng tộc trong các ấn phẩm khoa học – và nhận phản hồi qua đóng góp cộng đồng từ nhiều ngành. “Đó là trải nghiệm liên ngành tuyệt nhất đời tôi, và đó là một điều hiếm thấy,” anh nói. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra rằng rất khó để duy trì mức độ liên hợp đó, đặc biệt là với tư cách là một nhà nghiên cứu mới vào nghề.

Steven Roberts cảnh báo cần chống lại nghiên cứu chỉ nói đãi bôi về bất bình đẳng. Ảnh: Đại học Stanford

Và không phải mọi khía cạnh của quy trình công bố nghiên cứu đều được trang bị để đáp ứng mức độ hợp tác liên ngành này. Roberts nói: “Bạn càng liên kết nhiều ngành, bạn càng hiểu rõ về vấn đề và phạm vi của nó, nhưng xét về mặt truyền đạt vấn đề cho một đối tượng không liên ngành, thì mọi chuyện trở nên phức tạp,” Roberts nói. “Kinh nghiệm của tôi cho thấy các tạp chí có lăng kính riêng về chuyên ngành của họ, và bạn phải phù hợp với khuôn khổ đó, nếu không bạn sẽ không được xuất bản,” anh cho biết. Anh đang bắt tay vào một dự án ghi lại những rào cản xuất bản mà các nhà khoa học da màu trong các ngành khoa học phải đối mặt.

Hơn nữa, giống như nhiều người, Roberts nhận thấy nghiên cứu về bất bình đẳng đang ngày càng tập trung hơn vào các giải pháp và tin rằng điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nghiên cứu vượt ra khỏi các lĩnh vực. Anh nhận xét điều đó khi các nhà nghiên cứu cùng đóng góp các quan điểm và phương pháp trong ngành của họ, “chúng ta đang ở một vị thế tuyệt vời để giải quyết các vấn đề lớn”.

Những thách thức về dữ liệu và công nghệ

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng trong các cộng đồng là thiếu dữ liệu. Bonnielin Swenor, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Người khuyết tật Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, người bị khiếm thị, nghiên cứu sự phân biệt đối xử và áp bức ảnh hưởng đến cộng đồng người khuyết tật – nhóm thiểu số lớn nhất ở Hoa Kỳ, với 67 triệu người trưởng thành. Vào tháng 7 năm 2020, Swenor là đồng tác giả một thỉnh cầu trong tờ The Lancet Public Health là hãy đưa thông tin về khuyết tật bên cạnh tuổi, chủng tộc, sắc tộc và bản dạng giới khi thu thập dữ liệu về COVID-19 – và thực hiện việc thu thập dữ liệu thường xuyên nhằm tạo ra một xã hội bình đẳng hơn[3]. Cô lập luận rằng dữ liệu không đầy đủ sẽ dẫn đến các ước tính rủi ro bệnh tật không đáng tin cậy.

Với sự hỗ trợ tài chính 1,5 triệu đô la Mỹ từ Johns Hopkins, Swenor đã thành lập một trung tâm nghiên cứu vào năm 2019 để giải quyết vấn đề áp bức dữ liệu như vậy. Trung tâm thu thập dữ liệu về sự cách biệt khuyết tật trong việc làm, giáo dục và thậm chí cả việc tiếp cận vắc-xin COVID-19, và nhằm mục đích chia sẻ những dữ liệu đó để tối đa hóa y tế và sự bình đẳng cho tất cả các nhóm người khuyết tật. “Không có dữ liệu, sự bất bình đẳng dường như chẳng tồn tại,” cô nói thêm.

Bonnielin Swenor lập luận về việc cần chia sẻ dữ liệu về người khuyết tật nhiều hơn để tối đa hóa sự công bằng. Ảnh: Will Kirk

Smallman đồng ý. Ngay sau COVID-19, cô và các đồng nghiệp đã khởi động Máy gia tốc Đạo đức Đại dịch Vương quốc Anh [UK Pandemic Ethics Accelerator] để xem xét lại vai trò của việc thu thập dữ liệu trong việc làm cho tác động của COVID-19 trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Cô lưu ý rằng 40.000 người lớn tuổi đã chết trong các nhà chăm sóc ở Anh trong năm đầu tiên của đại dịch, nhưng những con số này đã không được công bố cho đến nhiều tháng sau đó.

Swenor, giống như nhiều người, phân biệt giữa bất bình đẳng và bất công. Bất công – sự không công bằng hoặc thiên vị trong một cộng đồng – dẫn đến bất bình đẳng. Và khuôn khổ đó tiến thêm một bước nữa. Cô giải thích: “Công lý đang giải quyết những lý do tại sao chúng ta không có bình đẳng.” Swenor nói rằng chưa có đủ sự tập trung vào quan điểm của người khuyết tật và với những bản sắc đã bị gạt ra rìa và bị áp bức khác. "Nếu bạn cố gắng giải phương trình bất bình đẳng chỉ với một biến, bạn sẽ chẳng bao giờ giải ra."

Smallman nghiên cứu cách công nghệ như trí tuệ nhân tạo làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Từ ô tô không người lái đến rô-bốt thu hoạch mùa màng, nhiều đổi mới về trí tuệ nhân tạo là nhằm thay thế con người. Làm như vậy, Smallman giải thích, của cải tạo ra sẽ được nắm giữ bởi một số ít người thay vì được chia sẻ như đã xảy ra với những đổi mới trong quá khứ. “Mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ kỹ thuật số tiên tiến là thúc đẩy bất bình đẳng,” cô nói. Cô ủng hộ các nhà khoa học tham gia vào các cuộc thảo luận đạo đức về cách công nghệ ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng, định hình các thể chế và thậm chí ảnh hưởng đến hành tinh và các thế hệ tương lai. Smallman nói: “Chúng ta cần cố gắng mở rộng tư duy đạo đức của mình, để ta có thể bắt đầu tính đến những tác động thực sự sâu sắc mà các công nghệ tiên tiến đang mang đến.”

Theo Melanie Smallman, khi bất bình đẳng lớn mạnh trên toàn cầu, quan tâm nghiên cứu về nguyên nhân và giải pháp cũng tăng theo. Ảnh: Falling Walls Foundation

Tuy nhiên, có một lợi thế là những cải tiến về sức mạnh tính toán sẽ cho phép các nhà nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng hàng thập kỷ dữ liệu định tính, chẳng hạn như các chuyên khảo dân tộc học và trường hợp điển hình, để có được những hiểu biết sâu sắc mới mẻ. “Chúng tôi sẽ có thể xem xét các trường hợp điển hình và nhận diện những khuôn mẫu mà mình không thể thấy trước đây,” cô nói. Và việc này sẽ quan trọng trên khắp thế giới, bởi vì bất bình đẳng sẽ không biến mất, biến đổi khí hậu sẽ gia tốc nó nhanh chóng, cô nói thêm.

Maralani nói: Cố gắng hiểu các nhân tố xã hội có tính quyết định sự bất bình đẳng thực sự rất khiêm tốn. Các nhân tố cơ bản của sự bất bình đẳng rất năng động và khó đo lường, chúng thay đổi trong suốt cuộc đời và di truyền qua nhiều thế hệ. Đối với Kalb, những thách thức này đòi hỏi sự uyên bác thiết thực từ cả các nhà nghiên cứu kỳ cựu lẫn người mới vào nghề. “Chúng ta cần cùng nhau động não,” anh nói.

Swenor cho biết, để đạt được hiệu quả, các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng cần phải vượt ra ngoài việc thu thập và phân tích dữ liệu. Họ phải “tháo gỡ căn nguyên của những nguồn gốc các bất bình đẳng – các chính sách, thể chế và các vấn đề mang tính hệ thống đã tạo ra bất bình đẳng cho một số nhóm nhất định,” cô nói. "Đó là tương lai."

Nature 606, 827-829 (2022)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-01684-1

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Tài liệu tham khảo:

[1], [2] Lett, E. et al. J. Med. Sys. 46, 17 (2022). Article Google Scholar

[3] Reed, N. S., Meeks, L. M. & Swenor, B. K. Lancet Public Health 5, E423 (2020). PubMed Article Google Scholar

Print Friendly and PDF