15.5.23

Đại dương chưa bao giờ nóng như thế: điều gì xảy ra tiếp theo?

ĐẠI DƯƠNG CHƯA BAO GIỜ NÓNG NHƯ THẾ: ĐIỀU GÌ XẢY RA TIẾP THEO?

Nhiệt độ thời tiết kỷ lục kết hợp với hiện tượng El Niño được dự đoán có thể tàn phá sinh vật biển và làm tăng khả năng xảy ra thời tiết khắc nghiệt.

Tác giả: Nicola Jones

Nhiệt độ các đại dương nóng lên có thể tẩy trắng và giết chết san hô. Nguồn: Juergen Freund/NPL

Đại dương trên toàn cầu đạt nhiệt độ kỷ lục mới là 21,1ºC vào đầu tháng 4, cao hơn 0,1ºC so với kỷ lục cuối vào tháng 3 năm 2016. Mặc dù gây ấn tượng mạnh nhưng con số (xem biểu đồ “Nhiệt độ đại dương đang nóng lên như thế nào”) phù hợp với nhiệt độ nóng lên của đại dương được dự đoán từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Điều đáng chú ý là nó xảy ra trước — chứ không phải trong thời gian xảy ra — hiện tượng khí hậu El Niño dự kiến sẽ dẫn đến nhiệt độ thời tiết nóng hơn, ẩm ướt hơn cho khu vực phía đông Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

Điều đó có nghĩa là nhiệt độ nóng hơn mức trung bình của đại dương có nhiều khả năng tiếp tục tồn tại hoặc thậm chí tăng lên, dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn và sóng nhiệt biển, gây ra các vấn đề cho sinh vật biển từ san hô đến cá voi.

Josh Willis, nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết: “Chúng ta có thể đang chứng kiến một chuỗi các mức kỷ lục cao trong năm tới hoặc lâu hơn. Năm tới sẽ là một mức cao điên cuồng nếu El Niño thực sự bùng phát.”

Nguồn: climatereanalyzer.org; NOAA Optimum Interpolation SST (OISST)

El Niño Southern Oscillation (ENSO, Dao động phương Nam) là một mô thức khí hậu tự nhiên, theo chu kỳ. Trong thời gian diễn ra El Niño, gió trên Thái Bình Dương yếu đi hoặc đảo ngược, cho phép các luồng nước nóng tràn về phía đông Thái Bình Dương. El Niño có xu hướng diễn ra trùng với những năm thời tiết nhiệt độ nóng hơn cả ở đại dương và trên đất liền. Ví dụ, kỷ lục ghi nhận được trước đây là 21,0ºC xảy ra trong một sự kiện El Niño rất mạnh.

ENSO hiện đang ở giai đoạn trung tính, đi ra từ một giai đoạn hiếm hoi của La Niña kéo dài ba năm (giai đoạn ngược lại với El Niño). Nhưng El Niño được dự kiến sẽ xảy ra trong năm nay: theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, có 60% khả năng El Niño sẽ phát triển từ tháng 5 đến tháng 7, và có tới 80% khả năng sẽ xảy ra vào tháng 10.

Sự trở lại của ‘the Blob’

Andrew Leising, một nhà hải dương học tại Trung tâm Khoa học Thủy sản Tây Nam của Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) ở La Jolla, California, dự kiến sẽ thấy các luồng nước nóng bất thường ở Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía tây Hoa Kỳ trong suốt mùa hè và mùa thu. Ông nói thêm, nếu El Niño phát triển như dự kiến, “điều này có thể tạo ra một tình huống giống như từ năm 2014 đến năm 2015, khi chúng ta bị sóng nhiệt Blob”, một đợt sóng nhiệt biển đặc biệt lớn và gây thiệt hại.

Sóng nhiệt biển có thể tàn phá động vật hoang dã, và ngư trường. Leising cho biết các sóng nhiệt lớn trên bờ biển Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có xu hướng nén vùng sinh sống của nhiều loài thành một dải hẹp dọc theo bờ biển. Điều đó có thể đưa cá voi đến gần bờ hơn khi tìm kiếm thức ăn, có thể làm tăng khả năng va chạm với tàu thuyền và vướng vào ngư cụ. Ông cho biết thêm, khi các luồng nước nóng áp vào bờ, chúng có thể là nơi sinh sống của các loài tảo có hại, khiến ngư trường cua và hến bị đóng cửa. Nhưng hiện tại, Leising nói, có một số luồng nước lạnh bất thường trồi lên mạnh mẽ, xảy ra dọc theo bờ biển phía tây Hoa Kỳ, có thể bảo vệ chống lại một số hiện tượng thời tiết nhiệt độ nóng lên trong năm nay.

Boyin Huang, một nhà hải dương học nghiên cứu về dữ liệu nhiệt độ bề mặt biển cho Trung tâm Quốc gia về Thông tin Môi trường của NOAA ở Asheville, Bắc Carolina, cho biết: Trước nhiệt độ đại dương kỷ lục của tháng 4, một số khu vực ở Nam bán cầu đã trải qua các đợt sóng nhiệt biển, bắt đầu từ tháng 2—trong số đó có vùng biển ngoài khơi bờ biển Peru và Nam Đại Dương.

Các luồng nước nóng bất thường dẫn đến sự căng thẳng đặc biệt cho san hô. Matthew England, nhà hải dương học vật lý tại Đại học New South Wales ở Sydney, Úc, cho biết, hầu hết tất cả các vùng san hô hiện đang trải qua hiện tượng nhiệt độ cao đáng kể. “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay đối với các rạn san hô là chúng đang bị đẩy đến hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt, và chúng không thể mọc lại vì nhiệt độ lạnh hơn không trở lại.”

Năm có nhiệt độ đại dương phá kỷ lục gần đây nhất là năm 2016, trùng với một sự kiện tẩy trắng bất thường trên toàn cầu đối với san hô, và đây chỉ là sự kiện thứ ba từng xảy ra được biết đến. San hô bị tẩy trắng — loại bỏ tảo tạo màu cho chúng — có sức khỏe kém hơn, và đã có nhiều loài bị chết.

Christian Voolstra, nhà nghiên cứu về san hô tại Đại học Konstanz ở Đức, cho biết: “Rất có nhiều khả năng là chúng ta có thể chứng kiến một sự kiện tẩy trắng toàn cầu khác trong năm nay.” Ông nói thêm, ngay cả khi El Niño không xảy ra trong năm nay, thì nó cũng sẽ đến sớm thôi. “Đó là tin xấu dù thế nào đi chăng nữa.”

Sưởi nóng hành tinh

Các luồng nước nóng cũng ít có khả năng giữ oxy hòa tan hơn, về mặt vật lý, gây thêm căng thẳng cho đời sống của sinh vật biển. William Cheung, nhà sinh học biển tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, cho biết: “Với hiện tượng thời tiết nóng lên và khử oxy của đại dương, môi trường sống sẵn có của nhiều loài đang giảm dần.”

Và nhiệt độ đại dương cao có thể gây ra thời tiết khắc nghiệt. Các luồng nước nóng bất thường ngoài khơi Peru năm nay đã giúp tạo ra các cơn mưa lớn và Bão nhiệt đới Yaku — cơn bão đầu tiên như vậy đã từng tấn công khu vực này trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiệt độ đại dương tăng đến đỉnh điểm — được NOAA ghi lại và có lẽ là nhiệt độ cao nhất trong hơn 100.000 năm qua — trùng với các xu hướng thời tiết nóng lên khác. Ví dụ: ở Nam bán cầu, phạm vi băng biển đạt mức thấp mới chưa từng có vào tháng 2 năm 2023. Đại dương hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt tăng thêm trong hệ thống khí hậu do hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu. Nhưng vì cần nhiều năng lượng để làm nóng nước hơn là làm nóng không khí, nên nhiệt độ bề mặt nước đang tăng chậm hơn nhiệt độ bề mặt không khí.

“Điều này sẽ không xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu,” Jens Terhaar, một nhà lập mô hình hóa sinh đại dương tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, đã tweet khi phản hồi về tin tức các nhiệt độ kỷ lục mới. “Chúng ta đang ở trong một trạng thái khí hậu mới, các trạng thái khí hậu cực đoan là điều bình thường mới.”

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: The ocean is hotter than ever: what happens next?, Nature, ngày 10/05/2023.

Print Friendly and PDF