CÁC NƯỚC BRICS MUỐN MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI. TRẬT TỰ THẾ GIỚI NÀY SẼ LÀ ĐA CỰC HAY TRUNG-MỸ?
Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị các Đại sứ vào tháng 8 năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gợi ý rằng “có lẽ chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của quyền bá chủ của phương Tây trên thế giới″.
Một sự bá chủ phương Tây mà, theo ông, có thể là của Pháp vào thế kỷ 18, lấy cảm hứng từ thời đại Khai sáng, có thể là của Anh vào thế kỷ 19 nhờ cách mạng công nghiệp, rồi của Mỹ vào thế kỷ 20 sau hai cuộc chiến tranh thế giới.
Nhưng với sự xuất hiện của các quốc gia BRICS – B(razil), R(ussia), I(ndia), C(hina), S(outh Africa), từ viết tắt bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chúng ta đang chứng kiến một trong những thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Ban đầu được thành lập vào năm 2009 với tên gọi BRIC, chữ “S” đã được thêm vào năm 2011 với sự gia nhập của Nam Phi.
Ý muốn được các nước BRICS nêu bật là sự chuyển đổi cấu trúc “lấy phương Tây làm trung tâm” của trật tự kinh tế thế giới hiện tại thành một hệ thống quốc tế đa trung tâm hoặc đa cực.
Họ có đang thành công không?
Các nước phát triển nhanh
Với tổng dân số hơn 3,2 tỷ người vào năm 2022, tức là gấp hơn 4 lần dân số của 7 nước G7 (tương đương 773 triệu dân), nhóm BRICS tạo thành một thị trường kinh tế rộng lớn.
Vị trí của họ trong nền kinh tế toàn cầu đã tiếp tục phát triển trong những thập kỷ gần đây, gây bất lợi cho vị trí của G7. Chẳng hạn, tỷ trọng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS trong GDP thế giới, tính theo sức mua tương đương (PPP), đã vượt quá tỷ trọng của G7 (31,02% so với 30,95%) và xu hướng dường như không đảo ngược.
GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) là chỉ báo thích hợp để so sánh các quốc gia, bởi vì nó tính đến thực tế là cùng một lượng tiền không thể hiện cùng một sự giàu có ở các quốc gia khác nhau. Do đó, nó loại bỏ sự khác biệt về sức mua gắn với các đồng tiền quốc gia, điều khiến có thể so sánh táo với táo.
Kết quả này của các nước BRICS đặc biệt nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của hai nước lãnh đạo châu Á của nhóm là Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có tỷ trọng cá biệt trong GDP thế giới (PPP) theo thứ tự tăng từ 3,29% và 3,78% năm 1990 lên 18,64% và 7,23% vào năm 2022. Trong cùng thời kỳ, chúng ta chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong đóng góp của hai nước lãnh đạo G7 vào nền kinh tế thế giới, với Hoa Kỳ giảm từ 20,38% xuống 15,51% và Nhật Bản, từ 8,56% xuống 3,79%. Dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất của IMF cho Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2023 theo thứ tự là 5,2% và 5,9%, so với 1,6% của Hoa Kỳ và 1,3% của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc kinh tế hàng đầu, với GDP là 25 nghìn tỷ đô la vào năm 2022, chiếm hơn một phần tư tổng sản lượng của kinh tế thế giới. Trung Quốc theo sát phía sau, với GDP là 18,3 nghìn tỷ đô la, gần 20% của tổng số.
Mặt khác, các nước BRICS có mức nợ tính theo phần trăm GDP và tỷ lệ nợ công trên đầu người vừa phải hơn nhiều so với các nước G7. Vào năm 2022, nợ công bình quân đầu người vào khoảng 72.303 đô la ở các nước G7, so với khoảng 5.950 đô la ở các nước BRICS.
Đồng đô la Mỹ bị thách thức
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và công ty đa quốc gia của các quốc gia này, sử dụng rộng rãi đồng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế, đã phải đối mặt với tính trị ngoại (extraterritorialité) của luật pháp Hoa Kỳ.
Thật vậy, Mỹ đang ngày càng sử dụng đồng USD như một “vũ khí” ngoại giao theo chiều của chính sách đối ngoại của Washington. Chẳng hạn, Hoa Kỳ nói chung đã buộc các Quốc gia khác tôn trọng luật được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 2017 “Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp trừng phạt/Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act”, luật này củng cố các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Iran, Triều Tiên và Nga.
Hành động “tống tiền/đe dọa (chantage)” bằng đồng đô la này khiến các quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc Nhóm BRICS, bực tức và khuyến khích họ thực hiện các giải pháp thay thế để đảm bảo các giao dịch thương mại của họ nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington. Theo IMF, cho đến nay, bất chấp những biến động về tỷ giá hối đoái, vị thế của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền dự trữ khác vẫn khá ổn định.
Tuy nhiên, một lần nữa theo IMF, tỷ lệ đồng đô la Mỹ trong các tài sản chính thức mà các ngân hàng trung ương toàn cầu nắm giữ đã giảm từ 71% năm 1999 xuống 59% vào tháng 5 năm 2021, mức thấp nhất trong 25 năm, có lợi cho các loại ngoại tệ khác như đồng euro, đồng rúp, nhân dân tệ (NDT) hoặc thậm chí là vàng. Vào tháng 12 năm 2022, giấy bạc xanh đã mất thêm một điểm phần trăm xuống còn 58% trong lượng tài sản chính thức do các ngân hàng trung ương toàn cầu nắm giữ.
Nhân dân tệ, đồng tiền chung tiếp theo của BRICS?
Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của nhóm BRICS, có trụ sở tại Thượng Hải, được thành lập vào năm 2015, nhằm mục đích chấm dứt quyền bá chủ của đồng tiền Mỹ trong các giao dịch quốc tế của họ.
Nhiệm vụ của nó là tài trợ cho cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Nó muốn trở thành một giải pháp thay thế cho hệ thống Bretton Woods (IMF và Ngân hàng Thế giới), hướng nhiều hơn đến các nước đang phát triển. Ý chí của các thành viên sáng lập NBD là tạo ra một đồng tiền chung.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, hàng trăm tỷ đô la tài sản của ngân hàng trung ương Nga đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đóng băng. Lệnh trừng phạt chưa từng có này đối với Mátxcơva gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới một số nhà lãnh đạo (những người có thể bị những cách cư xử không tốt cám dỗ) về khả năng hành động của phương Tây.
Điều này đã mang lại một luận chứng cho các nước BRICS trong chính sách ngoại giao của họ chống lại trật tự kinh tế hiện tại. Kể từ đó, một số quốc gia đã quyết định giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đô la Mỹ, chủ yếu là đồng nhân dân tệ.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc ngày 14/4 của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thu hút sự chú ý. Ông cho biết ông sẵn sàng tăng cường thương mại với Trung Quốc, từ nay được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.
Ngoài Brazil, Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận thương mại với Venezuela, Iran, Ấn Độ và Nga, cho phép Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ (thay vì đồng đô la) trong các giao dịch với các quốc gia này. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 với 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Qatar và Oman. Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với các nước GCC để thanh toán việc nhập khẩu dầu khí bằng đồng nhân dân tệ. Điều này sẽ làm đồng đô la Mỹ bị suy yếu thêm nữa.
Dự án của các nước BRICS ra đời từ sự thất vọng và bực tức với việc áp đặt một trật tự thế giới lấy phương Tây làm trung tâm. Trong tuyên bố chung ngày 16 tháng 6 năm 2009, các nhà lãnh đạo BRICS muốn “một trật tự thế giới đa cực dân chủ hơn và công bằng hơn, dựa trên việc áp dụng luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, phối hợp hành động và ra quyết định tập thể của tất cả các quốc gia”.
Lý tưởng mang tính liên bang này của BRICS có thể sẽ gặp khó khăn bởi tham vọng tiềm tàng của Bắc Kinh trong việc chia sẻ vai trò lãnh đạo thế giới với Washington. Ấn Độ và Nga sẽ không ủng hộ sự thống trị thế giới của hai nước Trung-Mỹ.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Les pays du BRICS veulent un nouvel ordre mondial. Sera-t-il multipolaire ou sino-américain?”, The Conversation, 20.4.2023.
Chú thích: [*] Senior fellow tại FERDI & ACET-Africa,
và Research associate ở CREATE,
Zakaria Sorgho quan tâm đến kinh tế quốc tế và những thách thức của sự
phát triển.