ĐỐI MẶT VỚI TRUNG QUỐC VÀ NGA, PHƯƠNG TÂY TỰ CHẤN CHỈNH BẤT CHẤP NHỮNG BẤT ĐỒNG
Quanh bàn từ trái sang phải, Ngoại trưởng
Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và những người đồng cấp Melanie Joly (Canada),
Catherine Colonna (Pháp) và Antonio Tajani (Ý), Phó Tổng thư ký Cơ quan Hành động
Đối ngoại Châu Âu Enrique Mora, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly, Bộ trưởng
Ngoại giao Đức Bà Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại bữa
ăn tối làm việc của G7 dành cho các bộ trưởng ngoại giao từ bảy quốc gia công
nghiệp phát triển nhất và Liên minh Châu Âu, tại Karuizawa, Nhật Bản, vào ngày
16 tháng 4 năm 2023. (Nguồn: Japan Times)
Đối mặt với Trung Quốc và Nga, những nước có mối quan hệ ngày càng được siết chặt hơn, phương Tây tiếp tục tự chấn chỉnh. Ví dụ mới nhất: trong cuộc họp G7 vào ngày 18 tháng 4, những người đứng đầu ngành ngoại giao đã đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh, nước mà họ lên án “các hoạt động quân sự” trên biển. Khoảnh khắc của một “hội tụ quan điểm” để lật sang trang mới sau những phát biểu của Emmanuel Macron. Ít nhất là trong các bài phát biểu.
Bộ trưởng Ngoại giao của 7 nước công nghiệp phát triển nhất hành tinh (Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Ý, Vương quốc Anh), nhóm họp vào ngày 17 và 18 tháng 4 tại thị trấn Karuizawa, thuộc dãy núi Alps của Nhật Bản, hứa sẽ buộc các quốc gia nào hỗ trợ Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine phải “trả giá đắt”. Một sự đe dọa nhắm tới Trung Quốc, tuy không nói lên một cách rõ ràng. Họ cũng cam kết tiếp tục “tăng cường” các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và gia tăng nỗ lực để ngăn chặn các nước thứ ba lẩn tránh các biện pháp này. Thông cáo cuối cùng của cuộc họp của họ coi “những tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm” và sự đe dọa triển khai vũ khí ở Belarus của Nga là “không thể chấp nhận được”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nhấn mạnh với báo chí: “Khi Ukraine chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công để chiếm lại lãnh thổ của mình […], chúng tôi ủng hộ Ukraine”.
Các nước G7 cũng đã cảnh báo Bắc Kinh về tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh lập trường không thay đổi của họ đối với Đài Loan, bất chấp tình trạng rối ren liên quan đến những phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4, tổng thống Pháp đã nói với các phóng viên rằng châu Âu không nên bị cuốn vào “những cuộc khủng hoảng không phải của mình”, liên quan đến Đài Loan, điều đã khiến một số đồng minh của Pháp tức giận sâu sắc trước cuộc họp Karuizawa. Trong thông cáo báo chí, các người đứng đầu ngành ngoại giao của nhóm đã bảo đảm “Không có sự thay đổi nào trong quan điểm cơ bản của các thành viên G7 về Đài Loan” và coi việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là “cần thiết”.
Bà Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna và những người đồng cấp của bà đã nỗ lực trong suốt hai ngày hội đàm giảm thiểu những sự bất đồng. Tuyên bố chung của họ có ngôn từ mạnh mẽ đối với Bắc Kinh. Chẳng hạn, văn bản này nêu lên “mối quan tâm” của G7 liên quan đến “việc mở rộng liên tục và tăng tốc kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”, kêu gọi Trung Quốc hành động vì “sự ổn định thông qua sự minh bạch hơn” về những vũ khí hạt nhân của mình. Được hãng truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia trích dẫn, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã giải thích, bảy người đứng đầu ngành ngoại giao cảm nhận họ “hoàn toàn nhất trí” về tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Khi được các phóng viên hỏi về tuyên bố của Tổng thống Pháp về Đài Loan, ông Hayashi trả lời rằng người đồng cấp Pháp đã tái khẳng định rằng Pháp vẫn cam kết sâu sắc đối với vấn đề tôn trọng hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Theo ông, Bà Catherine Colonna nhấn mạnh rằng Pháp phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng này bằng vũ lực. Theo người đồng cấp Nhật Bản, bà bộ trưởng Pháp đã nhấn mạnh rằng Emmanuel Macron đã chuyển thông điệp này tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc. Những tuyên bố này của Pháp rõ ràng là nhằm xoa dịu mọi chuyện sau những tranh cãi nảy sinh từ những lập trường của Tổng thống vốn đã gây rắc rối ngay cả trong Liên minh châu Âu và với các đồng minh của Pháp như Mỹ, Nhật Bản.
Những phát biểu của Emmanuel Macron đã làm dấy lên sự ngạc nhiên và khó chịu trong chính Quai d’Orsay (trụ sở bộ ngoại giao Pháp - ND). “Tổng thống chỉ làm theo ý của mình và mọi người đã quá mệt mỏi với việc lượm các mảnh vỡ, để giải thích cho những người đối thoại những lập trường bị hiểu sai” một cán bộ điều hành giấu tên nói với tờ Le Monde, trích lời một người am hiểu về bộ máy hành pháp: “Dù ở trong nước hay về phương diện quốc tế, Macron thực sự là rất cô đơn”. Tuy nguyên tắc của cuộc phỏng vấn gây rắc rối đã được quyết định vài ngày trước chuyến đi, nhưng phát biểu bất ngờ của vị nguyên thủ quốc gia đương nhiên không xuất hiện trong các cuộc họp chuẩn bị gửi đến Điện Elysée để chuẩn bị cho chuyến đi Trung Quốc. Một nhà ngoại giao nước ngoài, cũng được nhật báo trích dẫn, ngạc nhiên: “Điện Elysée đã hiểu sai lầm của mình, nhưng không thể thừa nhận nó, không ai dám trái ý tổng thống. Vượt qua lời nói hớ này về mặt truyền thông, một sự vận hành như vậy có thể gây ra vấn đề trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thực sự, ví dụ như với Nga.”
Nghịch lý thay, tiếng chuông từ Đức là rất khác. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người có chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh từ ngày 13 đến 15 tháng 4, đã nói thẳng về đất nước của Tập Cận Bình. Bà nói, chính quyền Trung Quốc đang trở thành một đối thủ mang tính hệ thống hơn là một đối tác thương mại và đối thủ cạnh tranh. Theo Annalena Baerbock, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm kiểm soát Đài Loan đều là “không thể chấp nhận được”. Bà Bộ trưởng khẳng định, Trung Quốc có ý định tuân theo các quy tắc của riêng mình gây thiệt hại cho trật tự quốc tế có cơ sở trên các quy tắc được quốc tế công nhận. Phát biểu trước Bundestag (Quốc Hội Đức), Bà khẳng định rằng một phần chuyến tham quan của Bà “thực sự còn hơn cả sốc”, mà không đi vào chi tiết, tuy nhiên, nói thêm rằng Trung Quốc đang trở nên đàn áp hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài.
Những lời này trái ngược hoàn toàn với những lời của Emmanuel Macron. Về bản chất, những lời của Emmanuel Macron đã đi theo hướng chính sách của Trung Quốc, từ lâu là chia rẽ Liên minh châu Âu đồng thời đào sâu khoảng cách giữa Liên Minh châu Âu và Hoa Kỳ. Những tuyên bố của tổng thống đã gây nên sự rụng rời của các nhà Hán học Pháp, đặc biệt là ngay trước khi ông khởi hành đến Bắc Kinh, Emmanuel Macron đã tiếp một số chuyên gia này tại Cung điện Elysée, những người đã giải thích cặn kẽ cho ông về các vấn đề địa chiến lược của Đài Loan.
“MÔI TRƯỜNG AN NINH KHÓ KHĂN”
Ngày 18 tháng 4 tại Karuizawa là thời điểm của sự đồng thuận đã tìm lại được – ít nhất là trong các bài phát biểu. Antony Blinken đảm bảo rằng ông chưa bao giờ thấy “sự hội tụ lớn như vậy” về quan điểm đối với Trung Quốc và Đài Loan trong G7. Không nhắc đến Bắc Kinh, tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác chống lại sự “cưỡng chế kinh tế”, bao gồm hạn chế thương mại hoặc đầu tư nước ngoài vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, lời cảnh báo chống lại việc hỗ trợ Nga ở Ukraine, tuy không đề cập đến Trung Quốc, chính là tiếng vọng của những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của các quan chức phương Tây ở Bắc Kinh chống lại việc cung cấp vũ khí cho Nga. Nếu các cuộc tranh luận rõ ràng bị chi phối bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine và tham vọng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, các bộ trưởng G7 cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề chính trị và khủng hoảng toàn cầu khác. Chẳng hạn, họ kêu gọi Triều Tiên “từ bỏ” các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
Trong khi các nguyên thủ quốc gia của G7 sẽ gặp nhau vào tháng 5 tại Hiroshima, mà lịch sử mang dấu ấn sâu sắc của quả bom nguyên tử do Hoa Kỳ thả xuống năm 1945, văn bản của các nhà ngoại giao dành một vị trí lớn cho sự cam kết của nhóm đối với “việc tăng cường các nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân” vì “một thế giới an toàn và ổn định hơn”. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người được bầu vào Quốc hội ở đơn vị Hiroshima, đã bày tỏ mong muốn tranh luận ở đó với những người đồng cấp về khả năng một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, tuyên bố ngày 18 tháng 4 có rất ít yếu tố mới về vấn đề này, viện dẫn một “môi trường an ninh khó khăn hiện nay”. Thông cáo của G7 kêu gọi toàn bộ cộng đồng quốc tế đạt sự “minh bạch” về vũ khí hạt nhân, kêu gọi Nga tôn trọng thoả thuận ngưng thử hạt nhân mà nước này đã tán thành.
Trung Quốc đã nhanh chóng bày tỏ phản ứng của mình. Vài giờ sau tuyên bố cuối cùng, Bắc Kinh cáo buộc các nhà ngoại giao G7 “vu khống” và “bôi nhọ” Trung Quốc. “Cuộc họp của các ngoại trưởng G7 đã bỏ qua lập trường nghiêm túc của Trung Quốc cũng như những sự kiện khách quan. G7 đã can thiệp vào tình hình nội bộ của Trung Quốc, đã ác ý vu khống và bôi nhọ Trung Quốc”, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên.
Nhưng rõ ràng là sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga đã tăng lên hơn nữa với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tới Moscow từ ngày 16 đến 19 tháng 4. Ông này đã thể hiện “quyết tâm” “tăng cường hợp tác chiến lược giữa các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga”, theo các bình luận được các cơ quan báo chí Nga đưa tin. Lý hứa sẽ “thúc đẩy hợp tác quân sự và kỹ thuật cũng như thương mại quân sự giữa Nga và Trung Quốc” và “nâng chúng lên một tầm cao mới”.
Như vậy, cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, Lý Thượng Phúc đã chọn Nga. Một điểm đến mà ông ưu tiên để “nhấn mạnh tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ song phương [của họ]”. “Chúng tôi có mối quan hệ rất bền chặt, vượt xa các liên minh chính trị-quân sự của thời kỳ Chiến tranh Lạnh,” ông nói. Về phần mình, người đồng cấp Nga Sergei Shoigu kêu gọi phát triển các mối quan hệ này “bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau, kể cả những gì liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia. Điều quan trọng là hai đất nước chúng ta chia sẻ cùng một sự đánh giá về hướng chuyển đổi của bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.”
Nếu Bắc Kinh phủ nhận ý định cung cấp vũ khí cho đối tác Nga và chính thức tuyên bố sự trung lập kể từ khi chiến tranh bắt đầu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược của Nga và Tập Cận Bình chưa bao giờ nói chuyện với Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine. Một cách đối xử khác với những gì dành cho Vladimir Putin. Hai người này đã gặp nhau vào tháng 3, phô trương sự liên minh tốt đẹp của họ và tự xác định như là đồng minh chiến lược quyết tâm chống lại quyền bá chủ của Mỹ. Tất cả những nhận xét này chắc chắn sẽ làm tăng thêm mối lo ngại của phương Tây thấy Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022.
TÍNH DỄ TỔN THƯƠNG CỦA ĐÀI LOAN
Tại Đài Bắc, ứng cử viên được tuyên bố của Đảng Dân Chủ Tiến bộ (DPP) của Tổng thống Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng Giêng tới đã cảnh báo vào thứ Bảy tuần trước rằng một cuộc xung đột vũ trang ở Đài Loan sẽ gây ra “một thảm họa hành tinh mà Trung Quốc sẽ gặp khó khăn rất lớn để vượt qua”. Lại Thanh Đức (William Lai), hiện là phó tổng thống Đài Loan, nói thêm rằng cuộc chiến này nếu diễn ra sẽ không có bên thắng trận kẻ thua cuộc. “Trung Quốc nên nhận ra rằng một khi đã tuyên chiến với Đài Loan, Đài Loan sẽ trở thành một quốc gia bị tấn công và điều này sẽ gây ra một thảm họa hành tinh mà Trung Quốc sẽ khó có thể chịu đựng được,” ông nói theo một tuyên bố của DPP.
Vì Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, Lại Thanh Đức tiếp tục, hòn đảo này phải tăng cường khả năng quân sự của mình, tuy nhiên, nói thêm rằng ở Đài Bắc, không ai muốn “chủ động tấn công Trung Quốc”. Ông nói, chính quyền Đài Loan muốn đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, đồng thời nhắc lại lập trường chính thức của chính quyền Đài Bắc. Năm 2018, Lại Thanh Đức, khi đó là thủ tướng, đã khiến Bắc Kinh tức giận khi nói với quốc hội rằng ông là “một tác nhân của nền độc lập của Đài Loan” và nói rõ rằng hòn đảo này là một quốc gia có chủ quyền và độc lập.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tìm cách “thống nhất” Đài Loan với Trung Quốc đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Một tuyên bố độc lập chính thức ở Đài Loan sẽ là một lằn ranh đỏ có khả năng rất cao dẫn đến một chiến dịch quân sự của Trung Quốc chống lại hòn đảo này. Vào ngày 11 tháng 4, Tập Cận Bình đã kêu gọi các lực lượng vũ trang của đất nước tăng cường huấn luyện “thực chiến”, tuyên bố đã được đưa ra nhiều lần. Quân đội phải “mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, đồng thời duy trì sự ổn định chung của vùng lân cận của chúng ta”, nhà lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy trong chuyến thăm một căn cứ hải quân ở miền nam Trung Quốc.
Những lời của Tập Cận Bình gây tiếng vang với cuộc thanh trừng mới nhất trong quân đội: vụ bắt giữ mới đây Tướng Lưu Á Châu, người đứng đầu đảng bộ ĐCSTQ của Đại học Quốc phòng từ năm 2009 đến năm 2017. Nhờ vị trí của mình, ông này đã có ảnh hưởng to lớn đến thế hệ các sĩ quan cấp cao mới của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Đài Á châu Tự do/RFA nhắc lại rằng tướng Lưu cho rằng không nên đặt quân đội Trung Quốc dưới quyền của Đảng mà là của chính phủ. Hơn nữa, RFA tiết lộ, trên cơ sở một cuộc phỏng vấn với các cựu lãnh đạo của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, bao gồm cả một quan chức cấp cao của Bộ Tư lệnh Hải quân, Lưu đã phản đối ý tưởng về một cuộc chiến chống lại Đài Loan, đánh giá chiến thắng là không chắc chắn vì lực lượng vũ trang Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đổ bộ.
Nhưng các ý kiến khác nhau về triển vọng của một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Vào ngày 15 tháng 4, tờ Washington Post, trích dẫn các tài liệu mật của Lầu Năm Góc được một nhân viên trẻ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân đăng trực tuyến, khẳng định rằng Đài Loan rất dễ bị tỗn thương trước một cuộc tấn công bằng đường không của Trung Quốc. Cuộc tấn công này khó bị tình báo Mỹ phát hiện hơn do các chiến thuật mới của Bắc Kinh, chẳng hạn như việc sử dụng các tàu dân sự cho các cuộc tập trận quân sự. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng hệ thống phòng không của Đài Loan không có khả năng “phát hiện chính xác các vụ phóng tên lửa”.
Một tiết lộ khác từ Washington Post vào ngày 18 tháng 4, cũng dựa trên các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc: quân đội Trung Quốc sắp hoàn thành việc phát triển hai máy bay không người lái trinh sát tầm cao siêu thanh mới có thể phát hiện theo thời gian thực và với độ chính xác cao sự hiện diện của các tàu quân sự Mỹ trong khu vực Đài Loan. Việc triển khai những máy bay không người lái bay như vậy với tốc độ gấp ba lần âm thanh sẽ cho phép các lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai một hệ thống giám sát mới có lợi ích ghê gớm để sau đó cho phép tên lửa nhắm vào các tàu này.
Hai trong số các máy bay không người lái WZ-8 này đã được một vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện và chụp ảnh tại một căn cứ không quân của Trung Quốc cách Thượng Hải khoảng 500 km. Theo các tài liệu này, Quân đội Giải phóng Nhân dân “gần như chắc chắn” đã triển khai một đơn vị chỉ huy trên không đầu tiên cho các máy bay không người lái này tại căn cứ này, trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Đông, một bộ phận của quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm về khu vực Đài Loan, tờ Washington Post xác đinh.
Đặc biệt là khi sự căng thẳng xung quanh Đài Loan đã gia tăng trong những tuần gần đây. Quân đội Trung Quốc vừa tổ chức tập trận quy mô lớn sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và nhân vật thứ ba của Nhà nước Mỹ Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện. Vào ngày 20 tháng 4, Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Hạ viện, muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một cuộc họp với think tank Trung tâm cho một nền An ninh mới của Mỹ/Center for New American Security: theo ông, việc “trang bị vũ khí tối đa cho Đài Loan đã trở nên cấp bách” “trước các cuộc tập trận quân sự mới nhất của quân đội Trung Quốc xung quanh đảo. Các cuộc tập trận này, trong đó các lực lượng vũ trang Trung Quốc mô phỏng một cuộc bao vây và phong tỏa Đài Loan, cho thấy Hoa Kỳ phải ngay lập tức củng cố việc sản xuất tên lửa tầm xa, Mike Gallagher, được Reuters dẫn lời, nhấn mạnh. Nếu điều này không được thực hiện, như hiện tại, người Mỹ sẽ không thể chuyển vũ khí cho Đài Loan sau khi cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc nổ ra. Mike Gallagher còn nói rõ thêm rằng Hoa Kỳ phải bắt đầu bằng cách giải ngân ngay kế hoạch cung cấp vũ khí trị giá 19 tỷ đô la cho Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng của Đài Loan và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
MỘT THỎA HIỆP KHÓ KHĂN
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc đã đạt được một số thành công nhất định với chuyến thăm của Lula Da Silva. Tổng thống Brazil kêu gọi thành lập một đồng tiền chung với Trung Quốc để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Nhất là, Lula đã trình bày luận điểm theo chủ nghĩa hòa bình của mình, được trình bày chi tiết từ vài tuần nay, nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Theo ông, cần phải tạo ra “một loại G20 khác”, để “nói về hòa bình hơn là chiến tranh”. “Tôi có một luận cương mà tôi đã bảo vệ với Macron, với Olaf Scholz và với Biden, mà tôi đã thảo luận rất lâu với Tập Cận Bình. Một nhóm các quốc gia sẵn sàng thúc đẩy hòa bình phải được hình thành. Họ phải ngồi quanh bàn và nói: “Đủ rồi!”. Chính quyền Hoa Kỳ chỉ trích gay gắt những tuyên bố này. Đến mức sau khi ông rời đi, nguyên thủ quốc gia Brazil đã trở lại nhận xét của mình bằng cách tuyên bố rằng Brazil có ý định cung cấp vũ khí cho Ukraine, điều mà ông đã từ chối tuyên bố cho đến nay.
Từ vở ballet ngoại giao này, có thể thấy rằng Trung Quốc vẫn cam kết rõ ràng với con đường xích lại gần Nga. Đối với Trung Quốc, chơi con bài Nga chắc chắn là một trò chơi thăng bằng rủi ro. Nhưng nếu Trung Quốc không vượt qua lằn ranh đỏ cung cấp vũ khí cho quân đội Nga, thì lá bài này cũng có thể được sử dụng để giành lấy từ phương Tây một thỏa hiệp khó khăn: nhận được sự bảo đảm từ Hoa Kỳ đối với hồ sơ quá phức tạp của Đài Loan.
Tuy nhiên, đối mặt với Trung Quốc, liên minh tập hợp xung quanh Hoa Kỳ một số nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc đã tiếp tục được củng cố mạnh mẽ hơn từ vài năm nay, được minh họa bằng các cuộc diễn tập quân sự mới nhất với quy mô chưa từng có do lực lượng vũ trang Philippines và Mỹ tổ chức. Không quên quyết định của chính phủ Nhật Bản tái vũ trang mạnh mẽ quần đảo Nhật Bản, một yếu tố cũng chưa từng có. Lý do chính: chế độ Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại được áp dụng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012: hung hăng, cưỡng bức, đe dọa và sợ hãi.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Face à la Chine et la Russie, l’Occident s’organise malgré les dissensions”, Asialyst, 24.4.2023.
Chú thích: [*]
Cựu phóng viên AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản “Sự lãnh đạo toàn cầu đang bị nghi ngờ, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ/ Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis “ với NXB l’Aube. Ông cũng là tác giả của cuốn “Tây Tạng sống hay chết/Tibet mort ou vive”, được Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và mở rộng. Sau cuốn “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/Chine, le grand prédateur”, NXB l’Aube xuất bản năm 2021, ông chỉ đạo tác phẩm tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier chinois” (NXB Cherche Midi) vào cuối năm 2022, rồi đầu năm 2023 “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/ Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste” (NXB L’Aube).