TẠI SAO CÁC ĐẠI DỊCH CŨNG LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI?
Tác giả: Ilaria Capua
Nếu chúng ta không hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta và để chiến đấu chống biến đổi khí hậu, thì Covid sẽ chỉ là dịch bệnh đầu tiên của một chuỗi dài các dịch bệnh. Ba năm sau cuộc cách ly đầu tiên, đây là bài học của bà Ilaria Capua về vòng tròn các đại dịch toàn cầu.
Cho đến một thời kỳ nhất định của lịch sử, môn nhảy cao là nhảy về phía trước. Với phương pháp nhào xuống này, người ta đã đạt được những mức dường như vô địch – ít nhất cho đến sự xuất hiện của Dick Fosbury. Thật vậy, vận động viên người Mỹ này là người đầu tiên bắt đầu thực hành môn thể thao này bằng cách nhảy lùi về phía sau – nghĩa là mặt ngước lên cao – và làm như thế, đã đạt những mức cao hơn và làm một cuộc cách mạng trong một môn thể thao mà người ta nghĩ đã đạt đến tuyệt đỉnh, ít ra là cho đến lúc đó.
Tôi cũng muốn thử chính cuộc cách mạng ấy – nhưng bằng cách bất động; và thúc đẩy các sự việc chuyển động từ bên trong.
Một đường vòng khác sẽ giúp chúng ta bắt đầu. Tôi sẽ bắt đầu với một tác phẩm nghệ thuật; đó là một tác phẩm của Giotto hiện có ở Assise – (một thành phố ở miền trung nước Ý – ND) và nó thể hiện một lễ Giáng sinh. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến một phần: con bò. Như mọi người đều biết, trong mỗi máng cỏ bao giờ cũng có một con bò và một con lừa. Con bò có ở đó vì một lý do. Nó thực hiện một chức năng rõ ràng: sưởi ấm cho em bé vì em ấy lạnh. Nhưng nó làm thế nào để sưởi ấm em bé? Bằng cách thở vào mặt bé. Vào thời kỳ đó, một virus kinh khủng, gây ra nạn dịch tả trâu bò, đã quyết định gây nhiễm một trẻ trai và tạo ra một nạn dịch, đó là dịch bệnh sởi. Điều tôi muốn nói là việc lan truyền thông qua động vật gây ra những bệnh kéo dài dai dẳng trong nhiều thiên niên kỷ; rằng nạn dịch SARS-Cov-19, mà virus đã lan truyền bởi các động vật, không phải là nạn dịch đầu tiên xuất hiện đột ngột như thế, nó không phải là đại dịch đầu tiên, cũng không phải là đại dịch cuối cùng. Các đại dịch xảy ra theo những chu kỳ lớn: bước nhảy về giống loài xảy ra đối với virus dịch tả trâu bò cách đây khoảng 2500 năm – và ngày nay chúng ta vẫn đối mặt với bệnh này.
Giotto, Natività di Gesù, Basilica superiore di Assisi (détail) |
Bệnh sởi chỉ là một trong nhiều bệnh sinh ra do các virus động vật, vì hầu như tất cả các bệnh đã tàn phá nhân loại có một kho chứa hay một tổ tiên trong số các động vật. Tất nhiên ta có thể kể bệnh dịch hạch mà ta biết nó lan truyền bởi các loài gặm nhấm, nhưng cả virus của dịch cúm Tây Ban Nha, mà ta biết là nó hàm chứa những mảnh của bộ gen của một loại virus nhiễm vào chim chóc; hay cả HIV – virus đã tàn phá thế hệ của tôi – vốn xuất phát từ loài khỉ và tán phát vô cùng nhanh trên toàn thế giới. Cũng tương tự như vậy với người bạn Covid của chúng ta.
Để hiểu ta đang nói về điều gì, phải đi từ một định đề: các đại dịch là những hiện tượng biến đổi; vì khi chúng mang một dáng dấp nhất định và một tốc độ lan truyền nhất định, chúng gây ra sự sụp đổ của các hệ thống mà chúng ta biết. Luôn luôn có sự thay đổi triệt để giữa trước và sau biến cố. Thế giới không thể là như cũ sau một đại dịch. Chính vì thế chúng ta, Homo Sapiens, những con người thông minh, có bổn phận hiểu một số sự việc và ngăn cản chúng tái diễn.
Đại dịch là những hiện tượng biến đổi, vì khi chúng mang một dáng dấp nhất định và một tốc độ lan truyền nhất định, chúng gây ra sự sụp đổ của các hệ thống mà chúng ta biết.
ILARIA CAPUA
Ta biết điều đó: đại dịch đã kéo theo sự hỗn loạn của các hệ thống y tế, chúng đã không thể đối phó với làn sóng đại dịch – chẳng hạn như các bệnh viện được xây dựng trong một thời gian kỷ lục tại Trung Quốc đã chứng tỏ điều đó. Nhưng phải thêm vào đó một yếu tố khác: năm vừa qua là năm nóng nhất kể từ khi loài người tinh khôn Homo Sapiens bắt đầu đo lường nhiệt độ trên Trái Đất. Đó là một vấn đề nghiêm trọng với những hệ lụy về sức khỏe, vì biến đổi khí hậu và nhiệt độ nóng lên gây nên hạn hán. Ai có thể tưởng tượng rằng có ngày chúng ta gặp phải những con sông cạn nước và định mức phân phối nước? Than ôi, biến đổi khí hậu cũng kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan gây nên sự sạt lỡ của một vùng bờ biển. Chúng ta đã có một mẫu ở Ischia. Tất cả những điều đó xảy ra cùng lúc, và chúng ta không thể làm như thể những khó khăn này không liên quan đến chúng ta, đáng chú ý là vì chúng ta đang có một vấn đề nghiêm trọng về khủng hoảng lương thực. Từ nay chúng ta có 8 tỷ người. Và như vậy phải nuôi sống quá nhiều người.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một ẩn dụ, ẩn dụ về không khí, nước, đất và lửa. Lập luận từ những yếu tố này giúp chúng ta chuyển hướng trọng tâm cách nhìn của chúng ta. Vả lại đây là một bài tập mà ta phải thực hiện thường xuyên hơn: nó giúp chúng ta hành động để thay đổi các sự việc.
Hãy bắt đầu với đất. Đất cho ta những gì? Đất cho ta thức ăn: tất cả những gì chúng ta ăn đều đến từ đất hoặc từ biển. Nếu chúng ta ăn thức ăn ít lành mạnh, chúng ta sẽ không có sức khỏe tốt; vậy chúng ta phải bảo đảm rằng những gì chúng ta ăn đáp ứng một số quy chuẩn và có một số đặc điểm. Đất cũng là cây, mà chúng ta không chăm sóc đủ, vì lâu nay chúng ta đã bắt đầu trồng để tạo ra nhiều dưỡng khí hơn. Cây là một phần thiết thân của hệ sinh thái của chúng ta, và chúng cũng bị bệnh như con người. Một số người sẽ nghĩ đến trường hợp của vùng Salento, bị tác hại bởi vi khuẩn trong mạch gỗ, một bệnh nhiễm trùng do vec-tơ lan truyền đã tàn phá cả một vùng vì chúng ta đã không biết ngăn chặn nó. Tuy nhiên, cây cối không di chuyển nhiều như chúng ta: áp đặt cách ly cho chúng là không cần thiết. Lẽ ra chúng ta có thể thận trọng hơn – và chúng ta phải thận trọng trong tương lai: loại bệnh này không chỉ tác hại đến cây ô liu, như ở vùng Salento, mà còn tác hại đến lúa mì, lúa gạo và những cây trồng khác. Những cây trồng này nuôi sống chúng ta và chúng ta phải học cách trồng chúng một cách lành mạnh hơn.
Đất cũng là đa dạng sinh học. cách đây vài ngày là ngày của con tê tê. Không phải là vô cớ: trước đại dịch, tê tê là một trong những con thú bị sắn bắn nhiều nhất trên thế giới, đến nỗi đã có ngày của con tê tê chính xác là để bảo vệ nó. Năm 2019, trước đại dịch, 10 tấn vảy tê tê đã bị tịch thu. Con số khổng lồ: để có được lượng vảy đó phải giết cả một núi tê tê. Những con tê tê, cũng như các động vật hoang dã khác cần được để yên và gìn giữ, chúng mang mầm bệnh; chính chúng có thể là nguồn gốc của điều đã xảy ra cho chúng ta.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một hình ảnh khác, gây sốc nhiều hơn. Trái đất gốm 70% là nước và sức khỏe của các đại dương cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Mọi người đều nhận biết một con rùa biển, nhưng mọi người cũng có khả năng thấy rằng chúng có những cục u trên mai rùa. Đó là gì? Là những tổn thương do mụn rộp, những virus rất thông thường gây ra cơn sốt. Nhưng khi nào thì điều đó xảy ra? Trong trường hợp bị căng thẳng. Con rùa ở trong tình trạng này vì nó bị buộc phải sống trong một môi trường bẩn, nhiều rác và nóng vì nhiệt độ tăng lên. Rùa không thể điều chỉnh thân nhiệt của chúng: do đó chúng chịu đựng nhiệt độ quá mức, bị mất phương hướng vì các tổn thương của chúng và không thể di cư như chúng phải làm. Thực tế là những hiện tượng này diễn ra khắp nơi: từ Philippines đến vịnh Mexico xuyên qua Địa Trung Hải. Những con thú này là một ví dụ về tình trạng các đại dương của chúng ta.
Một cách tổng quát, cũng tương tự như vậy đối với nước. Trong một thời gian dài, người ta nói rằng chất plastic là không thể phân hủy, nhưng hoàn toàn không phải như vậy: vật liệu bị hủy hoại, và do bị va đập, nó trở thành các hạt plastic nhỏ li ti, một chất liệu len lỏi khắp nơi, ngay cả trong dây rốn của một phụ nữ mang thai, người ta đã tìm thấy nó ở đó. Từ nay plastic tham gia vào chuỗi thức ăn của chúng ta; nó ở trong chúng ta.
Bây giờ chúng ta hãy nói về không khí. Cho đến gần đây, tôi sống ở Florida, một vùng gặp nhiều cơn bão. Như ta biết, chúng được nhận diện bởi những cái tên bắt đầu bằng một mẫu tự của bảng chữ cái. Mỗi năm, người ta bắt đầu bằng chữ A, với tên cơn bão là Anna, rồi B có lẽ là Barbara, và tiếp tục như vậy. Năm 2020 có quá nhiều cơn bão có khi rất mạnh đến nỗi các nhà khoa học không đủ mẫu tự trong bảng chữ cái la tinh và đã phải dùng thêm chữ cái hy lạp: alpha, bêta, gamma… Những biến cố thời tiết này, thực sự là đáng kinh sợ và có một sức mạnh không tưởng tượng được, ngày càng thường xuyên hơn; và xảy đến cả ở Địa Trung Hải yên tĩnh của chúng ta.
Cuối cùng, hãy nói về lửa. Lửa, cũng như không khí, nước và đất, là tối cần thiết cho sự sống; tỉ như mặt trời cần cho quang hợp. Nhưng thỉnh thoảng, lửa lại vuột khỏi sự kiểm soát của chúng ta và tàn phá các hệ sinh thái vốn đã mất hàng trăm nghìn năm để sinh sôi và phát triển, lửa khiến cho người và thú vật vốn phải ở trong rừng chứ không phải ở bên ngoài, phải chạy trốn.
Khi các thú vật chạy thoát thì đã tạo những điều kiện cho các virus chúng mang trong mình tiếp xúc với con người; và như vậy là xảy ra bước nhảy về giống loài. Tóm lại, ta biết điều ấy vận hành như thế nào. Khí hậu nóng lên đã thay đổi lối sống của nhiều loài, trong đó có con người tinh khôn Homo sapiens. Đối với việc này, có lẽ cũng có ích khi ta theo một đường vòng khác, lần này là qua kỳ vọng sống (tuổi thọ). Tuổi thọ của tôi là vào khoảng 80 hoặc 85 tuổi, cũng như tuổi thọ của con gái tôi. Nhưng tuổi thọ của các cháu tôi sẽ thấp hơn, và điều đó là không công bằng: Thật là không công bằng khi biến đổi khí hậu làm cho các cháu của chúng ta có tuổi thọ thấp hơn tuổi thọ của chúng ta.
Người ta sẽ vặn lại tôi rằng ở tầm mức đời sống của chúng ta, ta không thể giải quyết những vấn đề quan trọng như thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng nhất thiết phải vượt quá khả năng của chúng ta. Những vấn đề này có thể được giải quyết một phần nhờ các dữ liệu lớn - Big Data - chẳng hạn. Hãy nghĩ đến Covid. Covid đã là một biến cố bị vây dồn và bị xem xét nhất trong lịch sử: chúng ta có các dữ liệu về tất cả mọi thứ, và nếu chúng ta có thể nghiên cứu trên các dữ liệu này cộng thêm những dữ liệu mà mọi người nêu ra trên điện thoại di động của họ thì có lẽ chúng ta sẽ khám phá được những lĩnh vực mới.
Covid đã là một biến cố bị vây dồn và bị xem xét nhất trong lịch sử: chúng ta có các dữ liệu về tất cả mọi thứ, và nếu chúng ta có thể nghiên cứu trên các dữ liệu này cộng thêm những dữ liệu mà mọi người nêu ra trên điện thoại di động của họ thì có lẽ chúng ta sẽ khám phá được những lĩnh vực mới.
ILARIA CAPUA
Mỗi người trong chúng ta có thể làm chủ chính hành vi của mình và dùng nó như một giấy đi đường để giúp cho sức khỏe tiến bộ hơn.
Làm cách nào? Bắt đầu bằng không vứt vào thùng rác các thuốc kháng sinh nữa, và cả các thuốc men, dược phẩm. Vậy đã là nhiều rồi. Tiếp theo, bằng cách nghiên cứu vấn đề này trên quan điểm khoa học. Có một bản phúc trình gọi là phúc trình O’Neil, vạch ra những hướng chính để chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh: một trong những nghiên cứu do nhóm của tôi tiến hành ở Florida đã thử kết hợp những khuyến nghị này với các mục tiêu của chúng ta về sự bền vững. Ví dụ, chúng tôi khuyên nên dùng ít kháng sinh trong nông nghiệp, điều này giúp giảm kháng thuốc kháng sinh. Chúng ta cũng phải giải thích cho trẻ em ngay từ các lớp tiểu học là không nên luôn luôn dùng kháng sinh, điều này sẽ tạo nên một tình tiết khác. Tóm lại, bằng cách thực hiện một mục tiêu nào đó trong số các mục tiêu vì sự phát triển bền vững, chúng ta có thể tạo ra một vận động hội tụ ở đó mỗi giải pháp lại sản sinh ra một giải pháp khác.
Trong ý nghĩa đó, đại dịch là một kinh nghiệm hữu ích. Nó đã giúp cho chúng ta nhận ra điều mà một hiện tượng lan tràn như thế có thể nêu bật lên. Đại dịch đã như một cơn sóng thần: nó đã tấn công mọi người, phụ nữ và nam giới, có phần như khi ta nói nước xâm nhập khắp nơi. Nhưng phụ nữ và nam giới không giống nhau, họ khác nhau, và không phải chỉ vì phụ nữ ít bị bệnh hơn, hay vì nam giới có những bệnh đặc thù, mà còn là vì tác động lên mỗi giới của thế giới chung quanh là khác nhau. Chính là phụ nữ, nhiều hơn nam giới bị mất việc vì đại dịch, nó đã đè lên vai phụ nữ một gánh nặng đến nỗi họ là những nạn nhân thực sự của tình trạng này.
Chính là phụ nữ, nhiều hơn nam giới bị mất việc vì đại dịch, nó đã đè lên vai phụ nữ một gánh nặng đến nỗi họ là những nạn nhân thực sự của tình trạng này.
ILARIA CAPUA
Tôi đưa ra ở đây một lời kêu gọi: các nhà nghiên cứu khoa học xã hội thân mến, hãy cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu phân theo giới tính và giới lúc sinh. Những dữ liệu này hiện hữu và thật là không công bằng khi chúng ta, những nhà nghiên cứu, chúng ta phải trả thêm chi phí để biết là những dữ liệu mà chúng ta sử dụng để làm việc liên quan đến nữ giới hay nam giới. Điều đó ích lợi cho mọi người chứ không chỉ cho nữ giới, vì đừng quên rằng tất cả những hành động của chúng ta hướng đến cải thiện sức khỏe và mối quan hệ của chúng ta với hành tinh đều liên quan với nhau: đấu tranh cho sự tự lập của phụ nữ trong lĩnh vực chống lại kháng sinh đem lại lợi ích cho tất cả mọi người – một thực tế là chính phụ nữ là người quản lý tủ thuốc gia đình, là người quyết định cho con chích ngừa, người chăm sóc gia súc tại các nước nghèo nhất… Bằng cách thực hiện một hành động chung về những vấn đề này, sẽ có khả năng thực hiện đòi hỏi cấp bách về sức khỏe cộng đồng thông qua giải phóng phụ nữ.
Phải cho chúng ta khả năng có thể sử dụng thuốc chủng ngừa khắp nơi trên thế giới, điều đã không xảy ra trong đại dịch. Chúng ta đã thấy rõ điều đó: khi có thuốc chủng ngừa đến, số người nhập viện đã giảm xuống nhanh, cũng như số tử vong và các trường hợp nhiễm bệnh. Vấn đề là đã không có đủ thuốc chủng ngừa cho mọi người: chỉ những người giàu và những người có nguồn điện liên tục được hưởng, vì các thuốc chủng ngừa mà ngày nay chúng ta sản xuất phải được trữ với nhiệt độ cực lạnh, từ -70 đến -40 độ. Vậy làm sao để đưa thuốc chủng ngừa đến Togo nếu chúng phải được trữ với những nhiệt độ như vậy? Có đúng không khi chúng ta gửi các hộp thuốc chủng ngừa ở -40 độ bằng máy bay, và sau đó tất cả những nỗ lực này bị triệt tiêu vì chúng ta chở chúng trên xe tải để sau đó đi đến các ngôi làng? Chúng ta phải nghĩ ra khả năng sản xuất các thuốc chủng ngừa không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, có thể được bảo tồn với nhiệt độ môi trường chung quanh mà không cần có các chuỗi thiết bị đông lạnh lớn. Mỗi ngày Elon Musk phóng một vệ tinh lên quỹ đạo và sao chúng ta lại không có khả năng chế tạo các thuốc chủng ngừa không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ?
Mỗi ngày Elon Musk phóng một vệ tinh lên quỹ đạo và sao chúng ta lại không có khả năng chế tạo các thuốc chủng ngừa không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ?
ILARIA CAPUA
Công nghệ này sẽ cải thiện sức khỏe của người và thú vật, chúng cũng được hưởng lợi từ cùng một công nghệ. Điều đó sẽ đồng thời giảm bớt sự kháng thuốc kháng sinh, vì ta càng dùng nhiều thuốc chủng ngừa thì càng ít cần đến thuốc kháng sinh – chưa kể như thế là ta tránh được ô nhiễm. Cái bước nhỏ tiến đến công bằng này là cần thiết: không thể nào các sự việc hiện hữu ở một bán cầu của thế giới và không hiện hữu ở bán cầu kia. Huống hồ trong một thế giới toàn cầu hóa, thật khó mà tự cô lập.
Đó cũng là điều mà tổ chức GAVI (the Vaccine Alliance - Liên minh Chủng ngừa -) xem xét, tổ chức này đã xây dựng một cẩm nang hướng dẫn nhận diện một số lợi ích mà việc chủng ngừa có thể đem lại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta.
Tất cả những điều đó đưa chúng ta đến một kết luận duy nhất, và đó là bài học chính của đại dịch: các nhà khoa học phải dấn thân. Về phần tôi, tôi đã từng rất thoải mái giữa các virus của tôi; ta cảm thấy rất ổn ở đó: virus không la hét, không làm phiền bạn, bạn cất chúng vào tủ đông lạnh và bạn chỉ thấy chúng qua kính hiển vi. Nhưng tôi đã quyết định ra khỏi phòng thí nghiệm để đến đây, ở vùng đất xa lạ, tôi được thúc đẩy bởi nhiều lý do. Hãy bắt đầu với một suy nghĩ: chúng ta vẫn không biết là virus Sars-Cov2 có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên hay nó đã bị xử lý trong phòng thí nghiệm. Tôi nói rõ “bị xử lý trong phòng thí nghiệm” chứ không phải “được tạo ra”. Chúng ta không biết – điều đó có bình thường không?
Trong khi mọi người lặp lại rằng điều cốt yếu là biết virus đến từ đâu, chúng ta biết rõ ràng tại sao chúng ta không biết: đơn giản bởi vì hiện trạng các quan hệ với Trung Quốc không cho phép. Vậy là Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố sẽ không tiến hành thanh tra lần thứ hai vốn đã được định là cung cấp thông tin cho chúng ta. Nói cách khác: chừng nào chưa có các quan hệ ổn định giữa Tổ chức Y tế thế giới và Trung Quốc, chúng ta sẽ không bao giờ biết gì cả.
Lý do thứ hai là cúm gia cầm vốn là một bệnh hiếm cho đến những năm 2000; trong trường hợp dịch bệnh, các nhà virus học đã có mặt để giám sát. Ngày nay, chúng ta chỉ mới ở đó.
Cúm gia cầm như một thuốc độc, nó giết tất cả các thú vật mắc phải. Và tại sao chúng ta không chích ngừa? Bởi vì có các ức gà được di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác, những đùi gà đi từ Brazil sang châu Á và ngược lại. Nếu ta chủng ngừa thì sẽ liên lụy đến thương mại. Chính vì lý do đó mà tôi đã quyết định bước ra khỏi phòng thí nghiệm: chính xác vì khoa học cần đến các khoa học xã hội và các ngành khác để tiến bộ - và góp phần vào sự tiến bộ.
Chú thích
Ilaria Capua là một trong những nhà virus học chính của Ý và là một trong những nhân vật khoa học được nhiều người ủng hộ nhất trên thế giới. Bà đã có một sự nghiệp học thuật lâu dài trong nước và quốc tế: dân biểu của Cộng hòa Ý từ năm 2013 đến 2016, bà đã làm việc tại đại học Florida trước khi trở về nước Ý, từ năm 2013 bà làm việc tại đại học Johns Hopskins ở Bologne. Hoạt động khoa học của bà có đặc điểm nổi bật là sự dấn thân của bà để vượt qua những rào chắn giữa y học về con người và thú y, theo một ý chủ đạo là sức khỏe của con người không thể tồn tại tách biệt với sức khỏe của thú vật và sức khỏe của môi trường.
Năm 2020, tạp chí đã có một cuộc phỏng vấn quan trọng với bà.
Trong văn bản mà chúng tôi công bố, được soạn thảo từ hội nghị Circular Health của bà: the health of the future - sức khỏe của tương lai - được tổ chức trong khuôn viên Bologne của đại học Johns Hopskins ngày 28/2/2023, bà trở lại điểm này một cách rõ ràng, kết nối an sinh của con người với bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Pourquoi les pandemies changent elles aussi le monde”, Le grand continent, 17.3.2023.