20.5.23

Từ vàng sang Bitcoin và hơn thế nữa

TỪ VÀNG SANG BITCOIN VÀ HƠN THẾ NỮA

Tài chính có thể tiếp cận nhiều người hơn nữa trong một tương lai hầu như không dùng tiền mặt theo hình dung của một nhà kinh tế.

Paola Subacchi

Một người biểu tình ở San Salvador phản đối việc El Salvador chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp. Ảnh: Camilo Freedman/Bloomberg/Getty

Tương lai của tiền: Cách mạng kỹ thuật số đang biến đổi tiền tệ và tài chính ra sao Eswar S. Prasad Belknap (2021)

Muốn hiểu xem tại sao người dân lại xuống đường vì việc chấp nhận Bitcointiền tệ hợp pháp ở El Salvador? Hãy đến với cuốn sách Tương lai của tiền được nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà kinh tế học Eswar Prasad. Anh giải thích, những đổi mới trong hệ thống thanh toán và tiền tệ phản ánh cả những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế thế giới khi nó liên kết các quốc gia đang phát triển lớn, chẳng hạn như Trung Quốc lẫn sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện. Khi tiền được tự do di chuyển khắp thế giới, Prasad thăm dò cách đổi mới kỹ thuật số đang định hình lại tiền tệ về mặt công cụ lẫn khái niệm.

Hai điều sau minh họa một cách hoàn hảo sự chuyển đổi này. Điều đầu tiên là xem tiền như một thực thể vật chất. Việc số hóa các khoản thanh toán thách thức ý tưởng coi tiền mặt là hình thức tiền tệ tuyệt đối nhất. Tuy nhiên, các giao dịch không dùng tiền mặt dẫn tới việc mất quyền riêng tư vì chúng để lại dấu vết điện tử. Đây dường như không phải là vấn đề đối với đa số người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hợp pháp. Và việc yêu cầu thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch lớn hơn một số tiền nhất định sẽ giúp thu hẹp nền kinh tế ngoài sổ sách. Ví dụ: ở Ý, nơi nền kinh tế song song này chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội, các khoản thanh toán từ 2.000 euro (2.350 đô la Mỹ) trở lên không thể thanh toán bằng tiền mặt được nữa.

Việc quản lý dữ liệu được thu thập thông qua các giao dịch kỹ thuật số vẫn còn là câu hỏi mở, một câu hỏi không thể bị bác bỏ bằng cách cho rằng đó là sản phẩm của chứng hoang tưởng theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ về “những cuộc xâm phạm có hại hoặc vô lý của chính phủ”, như một nhà bình luận nói. Bảo vệ quyền tự do và quyền riêng tư của cá nhân là vấn đề chính đáng trong xã hội dân chủ, cởi mở, nơi những lo ngại về việc sử dụng dữ liệu cá nhân được giải quyết một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Prasad thảo luận sơ bộ phần nổi của chủ đề phức tạp này. Anh có vẻ hài lòng với viễn cảnh mở rộng quy định tài chính hiện hành. Ví dụ, Prasad bàn luận về việc quy định cách thức và thời điểm các công ty công nghệ tài chính [fintech] nên chuyển giao dữ liệu cá nhân, thay vì suy nghĩ lại toàn bộ khuôn khổ quy định.

Khía cạnh thứ hai của thách thức kỹ thuật số đối với tiền là cái gì thì được coi là tiền hợp pháp, và ai là người phát hành và bảo lãnh chúng. Thông thường, các loại tiền do ngân hàng trung ương phát hành và được bảo đảm là tiền hợp pháp – ví dụ, chúng phải được chấp nhận để thanh toán bất kỳ khoản nợ nào cho một bên tư nhân. Nhưng tiền điện tử được phát hành bởi các thực thể tư nhân, đặc biệt là Bitcoin, hiện là một phần trong lượng giao dịch ngày càng tăng. Bitcoin thậm chí còn được nhà sản xuất ô tô điện Tesla chấp nhận trong một thời gian ngắn, chỉ cho đến khi giám đốc điều hành của công ty, Elon Musk, bãi bỏ quyết định này bởi đồng tiền này tạo ra vết carbon [carbon footprint] khổng lồ.

Vậy ai hoặc cái gì đang bị đe dọa ở đây? Tiền điện tử tư nhân là tiền tín dụng, có nghĩa là giá trị của chúng không được bảo đảm bởi một tài sản hữu hình như vàng. Chúng có các đặc điểm giống những loại tiền tệ của ngân hàng trung ương, chẳng hạn như có thể dùng để thanh toán. Nhưng tiền điện tử thiếu tính minh bạch, việc chịu trách nhiệm và điều hành. Chúng kém an toàn hơn (ví dụ: nếu bạn giữ Bitcoin và mất mật khẩu duy nhất, bạn sẽ mất quyền truy cập vào tài khoản của mình mãi mãi), biến động bất thường hơn và không thể đảm bảo mức độ ẩn danh như tiền mặt.

Prasad kết luận đầy thuyết phục rằng các loại tiền điện tử tư nhân – chẳng hạn như đồng Diem do Facebook đề xuất (trước đây gọi là Libra) – là thứ mốt nhất thời hơn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Chúng có khả năng trở thành tài sản thích hợp được nắm giữ bởi các nhà đầu cơ, hoặc chỉ là những người tò mò, trong khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.

Dù tiểu tựa là “cách mạng kỹ thuật số đang biến đổi tiền tệ và tài chính ra sao”, Tương lai của tiền không chỉ quan tâm đến những thay đổi đối với các dịch vụ tài chính và ngân hàng. Prasad quan tâm sâu sắc đến tác động xã hội của việc số hóa tiền tệ, chẳng hạn như giúp nhiều người tiếp cận tài chính hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành trên thế giới không có tài khoản ngân hàng. Giữa những vấn đề khác, điều này có nghĩa là những người nhập cư muốn gửi tiền về quê nhà thường dựa vào các dịch vụ chuyển tiền tốn kém hoặc các mối quan hệ cá nhân.

Công ty công nghệ tài chính có thể cung cấp các dịch vụ tài chính giá rẻ cho mọi thành phần trong xã hội, kể cả các hộ gia đình nông thôn và thu nhập thấp. Ví dụ, ở Kenya, dịch vụ ngân hàng di động M-Pesa, ra mắt vào năm 2007, cho phép các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng sâu vùng xa giữ và chuyển tiền một cách an toàn và dễ dàng thông qua điện thoại di động.

Như với tất cả những nỗ lực nhằm xác định một tương lai bất trắc, Tương lai của tiền để lại nhiều câu hỏi mở. Tuy nhiên, Prasad có vẻ tự tin về một vấn đề – rằng mặc dù tiền mặt sẽ bị đẩy xa ra rìa hơn, tiền mặt sẽ không bao giờ bị loại bỏ. Điều này có vẻ gây ngạc nhiên sau khi đọc giải thích của anh ấy về các khả năng mà tiền kỹ thuật số mang lại, cũng như tính linh hoạt và tiện lợi của nó. Prasad dường như chấp nhận rằng mọi người muốn bảo vệ sự riêng tư. Anh kết luận chừng nào mọi người coi trọng sự tiện lợi và ẩn danh thì một xã hội không dùng tiền mặt sẽ là bất khả. Khó mà không đồng ý với điều này.

Để loại bỏ hoàn toàn tiền mặt sẽ đòi hỏi phải có các xã hội kỹ thuật số hoàn toàn, với cơ sở hạ tầng toàn diện và đáng tin cậy, khả năng truy cập vào các thiết bị từ khắp nơi và những người thoải mái với việc để lại dấu vết điện tử. Mặc dù đại dịch đẩy nhanh việc thanh toán kỹ thuật số nhưng chúng ta có lẽ sẽ luôn mang theo một chút tiền mặt, phòng hờ thôi.

Nature 597, 626-627 (2021)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-021-02615-2

LỢI ÍCH CẠNH TRANH

Tác giả tuyên bố không có lợi ích cạnh tranh.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: From gold to Bitcoin and beyond, Nature, Sep 28, 2021.

Print Friendly and PDF