2.5.23

Nils Holgersson của Selma Lagerlöf

NILS HOLGERSSON

TƯỢNG ĐÀI TÁC PHẨM CỦA

SELMA LAGERLÖF

Và ảnh hưởng của nó lên Karl Popper và Kenzaburo Oe

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu


Trong nhiều thế giới mà con người được ban tặng không phải từ tự nhiên, mà từ trí tuệ của chính mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất.

Hermann Hesse

[1]

Ngày 8.10.2020 Ủy Ban Nobel ở Stockholm đã tuyên bố trao Giải Nobel Văn chương 2020 cho nhà văn nữ Louise Glück quốc tịch Mỹ. Đến nay đã có khoảng 15 phụ nữ được trao giải văn học danh giá này, một con số không nhỏ. Điều này làm tôi nhớ lại nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf, người phụ nữ đầu tiên nhận Giải Nobel năm 1909. Lý do tôi nhớ đến bà là vì bà có một kiệt tác viết cho thiếu nhi về một cậu bé có tên Nils Holgersson được xuất bản 3 năm trước khi bà nhận giải Nobel. Quyển sách sau đó trở thành quá nổi tiếng, được dịch ra 40 ngôn ngữ. Tôi đã đọc bản tiếng Anh nhiều lần cho con tôi gần 20 năm trước, lúc đó chưa có bản tiếng Việt, thấy vô cùng hay, vừa có tính phiêu lưu ngoạn mục, vừa có tính cách giáo dục về tình yêu của con người đối với giới động vật, tình yêu đối với môi trường sống của tự nhiên, lòng thương cảm, trách nhiệm xã hội.

Bản tiếng Anh trong tủ sách của con tôi, Nó cũng từng rất mê Nils.

Selma Lagerlöf (20.11.1858 – 16.3.1940) (Ảnh Wikipedia)
Nhà văn Thụy Điển, người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel Văn chương năm 1909,
cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hàn Lâm Viện Thụy Điển năm 1914

Ngoài ra, bà là người phụ nữ đầu tiên được cấp tư cách thành viên của Học viện Thụy Điển vào năm 1914. Câu chuyện kể, cậu bé Nils đã bị một thần lùn giữ của biến cậu thành người tí hon vì tội phá phách của cậu, một đứa trẻ “nghịch ngợm, hư đốn”, nhưng lại cho cậu một năng lực đặc biệt là hiểu được tiếng nói của các loài động vật. Cuộc hành trình của cậu trên lưng chú ngỗng nhà cùng với đàn ngỗng trời bay ngang kéo dài khoảng nửa năm về phương Bắc của Thụy Điển, đã thay đổi hoàn toàn cá tính của Nils và biến cậu ta thành một con người hoàn toàn khác: vô cùng ngoan, có tình yêu sâu đậm với động vật. Cuối cùng khi mùa thu tới, đàn ngỗng bay về phía Nam, Nils được trả lại gia đình và được biến thành nguyên hình lại như trước, như một phần thưởng cho sự “đổi đời” tốt đẹp của cậu ấy. Họ từ giã nhau rất cảm động. Nils và đàn ngỗng trời không còn thông tin qua lại với nhau được nữa, mỗi người một thế giới riêng, Nils vô cùng bịn rịn và thương mến các bạn đồng hành của mình, đã giúp cậu trưởng thành như hôm nay. Người đọc khó cầm được nước mắt về sự chia tay. Bố mẹ cậu vui mừng khôn xiết. Y như một câu chuyện thần thoại.

Lúc đọc quyển sách đó tôi chưa biết rằng câu chuyện Nils Holgersson có tác động giáo dục thâm sâu hơn tôi cảm nhận, cho đến một ngày khi tôi đọc Tự thuật của nhà triết học Karl R. Popper, người nổi tiếng với quyển sách Những kẻ thù của xã hội mở, thấy rằng chính Popper cũng từng được mẹ đọc quyển sách tuyệt vời này ở tuổi thiếu niên, và câu chuyện đã có tác dụng lâu dài lên sự hình thành con người ông như ông bộc bạch. Rất đỗi ngạc nhiên! Thì ra, đây không phải là một tác phẩm bình thường, mà có ảnh hưởng giáo dục cao và sâu sắc!

Đó là một phần câu chuyện mà tôi muốn kể từ hơn chục năm qua. Phần thứ hai tiếp theo là ở góc trời xa xôi phương Đông, sự thật có một nhà văn lạ lẫm với văn hóa châu Á nhưng lại cảm thụ tinh tế câu chuyện của cậu bé Nils Holgersson. Đó nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, người đoạt Giải Nobel Văn chương năm 1994. Ông có lẽ mê Nils Holgersson vào bậc nhất thiên hạ, và quyển sách Nils Holgersson đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành con người văn học của ông. Nó mở đường vào cho thế giới của những cảm xúc tinh tế của ông để tạo thành những tác phẩm văn học to lớn.

Tưởng rằng những câu chuyện có tính thần thoại kia chỉ là những câu chuyện vui cho tuổi trẻ thôi, đọc xong rồi quên đi với thời gian, nhưng không ngờ chúng đã trở thành những hạt giống tâm hồn, những câu chuyện khai tâm cho tuổi nhỏ vẫn còn đọng lại lâu dài trong tiềm thức. Thế giới trẻ em được “khai mở” với muôn vàn hình ảnh và ý tưởng phong phú, để lại những dấu vết sâu đậm trong tâm hồn các em mà người lớn chưa hiểu hết, và vì thế đã không chú ý đến mặt giáo dục.

Dưới đây tôi xin trích những phát biểu trên của Karl Popper và Kenzaburo Oe.

[2]

TỰ THUẬT CỦA KARL R. POPPER

Do đó, sách là một phần cuộc sống của tôi rất lâu trước khi tôi có thể đọc. Cuốn sách đầu tiên gây ấn tượng sâu sắc và lâu dài trong tôi là do mẹ tôi đọc cho hai chị tôi và tôi (tôi là con út trong gia đình có ba người con). Đó là cuốn sách mà nhà văn vĩ đại người Thụy Điển Selma Lagerlöf đã viết cho trẻ em. Trong bản dịch tiếng Đức xuất sắc, nó có tên Những cuộc phiêu lưu tuyệt vời của cậu bé Nils Holgersson với những chú ngỗng trời. Trong rất nhiều năm, tôi đọc cuốn sách ít nhất một lần mỗi năm; và theo thời gian, có lẽ tôi đã đọc vài lần mọi thứ mà Selma Lagerlöf đã viết. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên nổi tiếng của bà ấy Gösta Berling không phải là một trong những cuốn sách yêu thích của tôi, mặc dù nó chắc chắn là một cuốn sách quan trọng. Nhưng mỗi cuốn sách khác của bà ấy, tôi vẫn tin rằng, là một kiệt tác.

(Bücher waren daher ein Teil meines Lebens, lange schon bevor ich lesen konnte. Das erste Buch, das einen großen und bleibenden Eindruck auf mich machte, wurde meinen beiden Schwestern und mir (ich war das jüngste von drei Kindern) von meiner Mutter vorgelesen. Es war ein Buch, das die große schwedische Dichterin Selma Lagerlöf für Kinder geschrieben hatte. Es hieß in der ausgezeichneten deutschen Übersetzung Wunderbare Reise des kleinen Nils Holgersson mit den Wildgänsen. Viele, viele Jahre lang las ich das Buch mindestens einmal im Jahr; und im Lauf der Zeit las ich mehrere Male wahrscheinlich alles, was Selma Lagerlöf geschrieben hat. Ihr berühmter erster Roman Gösta Berling gehört nicht zu meinen Lieblingsbüchern, obwohl es zweifellos ein bedeutendes Buch ist. Aber jedes ihrer andern Büchern ist, so glaube ich noch immer, ein Meisterwerk.)

(Trong Karl R. Popper, Ausgangspunkte (Những khởi điểm). Meine Intellektuelle Enwicklung

(Sự phát triển tri thức của tôi). Nxb Campe, 1997, tr. 7-8)

Gia đình của Popper là một kho sách với 10.000 quyển, cho nên ông mới nói sinh ra trong thế giới sách rồi trước khi ông biết đọc. Đó là gia đình có văn hóa và tinh thần trách nhiệm xã hội cao.

Karl R. Popper (1902-1994) (Ảnh: Wikipedia)

[3]

ẢNH HƯỞNG LÊN NHÀ VĂN NHẬT BẢN

KENZABURO OE

Tôi đã nói, tôi bị phân hóa giữa hai cực đối lập của tính mơ hồ (ambiguity) đặc trưng của người Nhật. Tôi đã và đang nỗ lực để được chữa trị và phục hồi khỏi những đau đớn và vết thương đó bằng văn học. Tôi cũng đã nỗ lực để cầu nguyện cho những đồng bào Nhật Bản của tôi được chữa trị và bình phục.

Kenzaburo Oe

Diễn từ Nobel 1994

Phát biểu tại Tiệc Nobel của Kenzaburo Oe năm 1994 có nội dung như sau:

Tôi là một người Nhật lạ lùng đã trải qua thời thơ ấu và niên thiếu của mình dưới sự ảnh hưởng lấn át của Nils Holgersson. Ảnh hưởng của Nils đối với tôi lớn đến mức đã có lúc tôi có thể gọi tên những địa danh xinh đẹp của Thụy Điển tốt hơn những địa danh của đất nước mình.

Sức nặng có trọng lượng của Nils mở rộng đến các sở thích đặc biệt về văn học của tôi. Tôi quay lưng lạnh lùng với “Câu chuyện về Genji”[1]. Tôi cảm thấy gần gũi với Selma Lagerlöf hơn và tôn quý bà ấy hơn bà Murasaki, tác giả của tác phẩm nổi tiếng này. Nhưng lại nhờ Nils và những người bạn của cậu ấy mà tôi đã khám phá lại sức hút của “Câu chuyện về Genji”. Những người đồng đội có cánh của Nils đã đưa tôi đến đó.

Điểm đến của tâm hồn: đây là điều mà tôi, do được Nils Holgersson dẫn dắt, đã tìm kiếm trong văn học Tây Âu. Tôi nhiệt thành hy vọng rằng việc theo đuổi văn học và văn hóa của tôi, với tư cách là một người Nhật, ở một mức độ khiêm tốn nào đó, sẽ đền đáp lại Tây Âu cho ánh sáng mà nó đã chiếu rọi vào thân phận con người. Có lẽ việc giành được Giải thưởng đã giúp tôi có được một cơ hội như vậy. Vẫn còn rất nhiều món quà của tư tưởng và nhận thức tiếp tục đến (với tôi), và tôi khó bắt đầu làm gì để đáp lại. Bữa tiệc này cũng là một món quà khác mà tôi nhận được với lòng biết ơn sâu sắc. Xin cám ơn.

(I am a strange Japanese who spent his infancy and boyhood under the overwhelming influence of Nils Holgersson. So great was Nils’ influence on me that there was a time I could name Sweden’s beautiful locales better than those of my own country.

Nils’ ponderous weight extended to my literary predilections. I turned a cold shoulder to “The Tale of Genji”. I felt closer to Selma Lagerlöf and respected her more than Lady Murasaki, the author of this celebrated work. However, thanks again to Nils and his friends, I have rediscovered the attraction to “The Tale of Genji”. Nils’ winged comrades carried me there.

The destination of the soul: this is what I, led on by Nils Holgersson, came to seek in the literature of Western Europe. I fervently hope that my pursuit, as a Japanese, of literature and culture will, in some small measure, repay Western Europe for the light it has shed upon the human condition. Perhaps my winning the Prize has availed me of one such opportunity. Still, so many gifts of thought and insight keep coming, and I have hardly begun to do anything in return. This banquet, too, is another gift which I accept with deep gratitude. I thank you.)

(Nguồn: https://www.nobelprize.org/prizes/literature/1994/oe/speech/)

Giải Nobel Văn chương năm 1994
Ông sinh ngày 31 tháng 1, năm 1935, tại Uchiko, Nhật Bản
và mất ngày 3. 3. 2023, hưởng thọ 88 tuổi
(Ảnh tư liệu của Ủy ban Nobel)

Ōe Kenzaburō là nhà văn Nhật Bản thứ hai được trao giải Nobel năm 1994, sau Kawabata Yasunari năm 1968, và trước Kazuo Ishiguro năm 2017. (Tôi hy vọng sẽ có dịp giới thiệu đôi chút về nhà văn Kazuo Ishiguro, người đã có một cuộc đời rất đặc biệt.)

Trong Diễn từ Nobel, Kanzaburo Oe nói nhiều hơn về ảnh hưởng của Nils lên ông, như sau:

Trong Thế chiến thảm khốc vừa qua, tôi là một cậu bé và sống ở một thung lũng hẻo lánh, nhiều rừng trên đảo Shikoku thuộc Quần đảo Nhật Bản, cách đây hàng ngàn dặm. Vào thời điểm đó, có hai cuốn sách mà tôi thực sự say mê: Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn và Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Nils. Cả thế giới sau đó bị nhấn chìm bởi những làn sóng kinh hoàng. Bằng cách đọc Huckleberry Finn, tôi cảm thấy mình có thể biện minh cho hành động đi vào rừng núi vào ban đêm và ngủ giữa những tán cây, với cảm giác an toàn mà tôi không bao giờ tìm thấy ở trong nhà. Nhân vật chính của Những cuộc phiêu lưu của Nils bị biến thành một sinh vật nhỏ, hiểu được ngôn ngữ của các loài chim và thực hiện một hành trình phiêu lưu mạo hiểm.… Đầu tiên, sống như tôi đang ở trong một khu rừng sâu trên đảo Shikoku giống như tổ tiên của tôi đã sống từ lâu, tôi đã hiểu ra rằng thế giới này và cách sống này ở đó có tác dụng giải phóng thực sự. Thứ hai, tôi cảm thấy đồng cảm và đồng hóa mình với Nils, một cậu bé con nghịch ngợm, khi cậu ta đi xuyên qua Thụy Điển, hợp tác và chiến đấu cho các chú ngỗng trời, đã biến đổi mình thành một cậu bé, vẫn còn ngây thơ, nhưng đầy tự tin và khiêm tốn. Cuối cùng khi về đến nhà, Nils nói chuyện với bố mẹ mình. Tôi nghĩ rằng niềm vui mà tôi có được từ câu chuyện ở cấp độ cao nhất nằm ở ngôn ngữ, bởi vì tôi cảm thấy được thanh lọc và nâng cao tinh thần khi nói chuyện cùng với Nils. Thế giới của anh diễn ra như sau (bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh):

“Maman, Papa! Je suis grand, je suis de nouveau un homme!” cria-t-il.

“Mẹ cha ơi! Con cao lớn rồi, con trở thành một con người lại rồi!”, anh ta đã hét lên

“Mother and father!” he cried. “I’m a big boy. I’m a human being again!”

“Mẹ cha ơi!”, cậu ta la lên, “Con đã thành cậu bé to lớn rồi, con đã trở thành một con người lại rồi!”

Đặc biệt, tôi bị mê hoặc bởi cụm từ “je suis de nouveau un homme!”. Khi lớn lên, tôi liên tục phải chịu đựng gian khổ trong các thế giới khác nhau của cuộc sống – trong gia đình, trong mối quan hệ của tôi với xã hội Nhật Bản, và trong cách sống của tôi nói chung vào nửa sau của thế kỷ XX. Tôi đã sống sót bằng cách thể hiện những đau khổ này của tôi dưới dạng tiểu thuyết. Trong quá trình đó, tôi đã thấy mình lặp đi lặp lại, gần như thở dài, “je suis de nouveau un homme!”. Nói như thế này về bản thân mình có lẽ là không phù hợp với nơi này và trong dịp này. Tuy nhiên, xin cho phép tôi nói rằng phong cách viết cơ bản của tôi là bắt đầu từ những vấn đề cá nhân của tôi và sau đó liên kết nó với xã hội, nhà nước và thế giới. Mong các bạn thứ lỗi vì đã nói chuyện riêng tư của mình hơi xa một chút.

Nửa thế kỷ trước, khi sống trong nơi sâu thẳm trong khu rừng đó, tôi đã đọc Những cuộc phiêu lưu của Nils và cảm thấy trong đó hai lời tiên tri. Một là tôi có thể một ngày nào đó có thể hiểu được ngôn ngữ của các loài chim. Điều còn lại là một ngày nào đó tôi có thể bay đi cùng đàn ngỗng hoang yêu quý của mình – tốt nhất là đến Scandinavia.

[…]

Tôi cũng phải nói rằng cuộc đời của tôi sẽ impossible nếu không có vợ tôi với sức mạnh và trí tuệ tràn đầy của người phụ nữ. Cô ấy chính là hóa thân của Akka, thủ lĩnh đàn ngỗng hoang kia của Nils. Cùng với cô ấy, tôi đã bay đến Stockholm và điều thứ hai trong số những lời tiên tri, tôi vô cùng vui mừng, giờ đã được thực hiện.

Kenzaburo đã mãn nguyện. Ông hiểu ngôn ngữ của thế giới, và cuối cùng cũng đã đến Stockholm, Thụy Điển, nơi ông mơ ước.

Tôi nhớ đến những câu thơ của Goethe:

Und so lang du das nicht hast,

Dieses: Stirb und werde!

Bist du nur ein trüber Gast

Auf der dunklen Erde.

Và bao lâu bạn không có,

Điều này: chết đi và đổi mới!

Thì bạn chỉ là một vị khách buồn tẻ

Trên trái đất tối tăm này.

Câu chuyện của Nils, Karl Popper, Kenzaburo Oe, hay của Goethe là câu chuyện làm người. Các tác phẩm văn học Huckleberry Finn hay Những cuộc phiêu lưu của Nils là những tác phẩm khai tâm, đánh thức cho Kanzaburo Oe, làm xuất phát điểm, Ausgangspunkt, và đường dẫn cho ông đi, rằng ông đang có những người đồng hành đáng tin cậy, thuyết phục ông rằng ông là con người.
Hãy xem trọng giai đoạn phát triển của tuổi thơ, xem trọng giáo dục trẻ em bằng những tác phẩm, câu chuyện vừa có tính thần thoại, vừa có giá trị văn học và nhân văn. Các em có thể từ đó chọn ra con đường của mình và ấp ủ những giấc mơ riêng. Đừng để các em hụt hẫng, thiếu thốn những hình ảnh có thể chạm vào “bản gốc” của chúng, nói như nhà giáo dục Ken Robinson, hay làm cho phong phú cuộc sống tinh thần của chúng sau này. Thế giới ngày càng bị vật chất hóa, khái niệm hạnh phúc càng giản đơn hóa, con người càng nghèo nàn đi, càng trơ trọi, càng mất mát những giá trị thiêng liêng tạo hóa đã ban cho. Giáo dục phải nỗ lực chống lại sự suy thoái đó. Trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà nước, xã hội, mà còn về gia đình như hạt nhân. Chúng ta sống cạnh một kho báu văn hóa nhân văn có tính giáo dục khổng lồ của thế giới mà chúng ta không biết, không tự hỏi, và đi tìm. Người lớn, các bậc cha mẹ cần thức tỉnh trước nhất để giúp con mình thức tỉnh, cần làm giàu cho mình trước nhất, để làm giàu cho con, cần có tính nhân văn trước nhất, để làm cho con nhân văn, cần yêu sách trước nhất, để làm cho con mình yêu sách, cần là những tấm gương tìm tòi, học hỏi, khám phá để giúp cho con mình tìm tòi, học hỏi và khám phá, cần biểu lộ tình yêu một cách siêng năng đối với con bằng những buổi tối đọc sách cho chúng trên giường ngủ để giúp chúng có tình yêu và sự gắn bó nảy nở với các bậc cha mẹ. Trẻ em cần được phát triển tính độc lập, nhưng không phải trong sự cô đơn, cô lập đối với người lớn, hay trong sự bỏ mặc, không được chú ý, dẫn dắt. Hệ quả của sự xa cách giữa bố mẹ và con cái có thể trở thành tai họa về sau. Hãy cho con tình thương yêu, cũng như sự dẫn dắt tận tụy chúng vào thế giới tinh thần, giúp chúng tiếp cận được ánh sáng của khai minh. Con người chỉ thật sự là người khi nó được giáo dục, như Kant nói, và càng có giá trị thêm khi nó có văn hóa. Dạy con, dạy học sinh là dạy các em làm người, un homme, có đức hạnh, tri thức và lòng yêu thương, trách nhiệm đối với người đồng loại như cậu Nils.

Xem thêm:

Giáo dục nhân cách

Hiện tượng Do Thái – Một lý giải

[4]

Nếu một nhà triết học hay khoa học phương Tây cảm thụ sâu sắc câu chuyện Nils, như Karl Popper hay Konrad Lorenz, như một phần văn hóa xây dựng nhân cách, điều đó đã là rất ngạc nhiên rồi. Nhưng nếu một người Nhật ở cuối trời mà biết cảm thụ sâu sắc Nils hay cả đam mê, thì quả là một điều đáng ngạc nhiên hơn. Ở đây, một lần nữa, người Nhật chứng tỏ khả năng nhạy cảm và cảm thụ đặc biệt trước những giá trị cao quý của phương Tây. Vì sao thế? Tôi nghĩ, người Nhật có tâm hồn tự do, óc tò mò, và đam mê học hỏi những giá trị cao cả, và đam mê sáng tạo. Họ biết đi tìm và cảm nhận được đâu là ánh sáng để hướng tới như hoa hướng dương. Thời Minh Trị họ đã chứng tỏ là những người biết chủ động đi tìm ánh sáng khắp nơi. Đầu óc họ không bị lệ thuộc vào những cái mà Francis Bacon gọi là “mental idols” – “sùng kính tinh thần” – để tự giam mình ở đó. Đầu óc họ luôn luôn đi khai phá con đường mới, không chịu theo lối mòn, đúng như tinh thần của Abraham Lincoln đã khuyên học sinh trung học ở Springfield. Họ cảm nhận được ánh sáng từ xa, không đợi nó đến gần mới thấy. Độ nhạy cảm nội tâm họ rất cao. Có lẽ họ đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Thiền truyền thống của họ. Và ai “tìm thì sẽ gặp”.

Quyển Nils Holgersson đã được xuất bản trên 40 ngôn ngữ thế giới và thời nào cũng được đọc. Tại Việt nam, nó được Nhóm Ngô Bảo Châu và Phan Việt xuất bản trong tủ sách Cánh cửa mở rộng. Bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn. Đến nay đã in lại 6 lần. Tên sách: Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils. Nxb Trẻ.

Bản tiếng Việt của nxb Trẻ của Nhóm Ngô Bảo Châu & Phan Việt

Thêm một bản dịch của dịch giả: Cẩm Nhượng, Nxb Kim Đồng
(cập nhật ngày 15/3/2023)

Hơn một năm qua, tôi thường mua từng đợt quyển sách quý giá này để tặng cho các bậc cha mẹ có con và khuyến khích họ đọc cho con vào buổi tối khi chúng đã lên giường, khuyến khích chúng đi ngủ sớm. Đọc sách buổi tối cho trẻ em là một nét văn hóa đặc biệt của người Đức. Đọc sách cho con là thể hiện tình thương yêu cho con, tạo một sợi dây tình cảm tốt với chúng, cho chúng một thế giới thần tiên, giúp chúng khai tâm, phát triển óc tò mò và trí tưởng tưởng, giúp chúng có những quan niệm đạo đức. Và rất nhiều điều bổ ích khác. Giáo dục khai phóng, nhân văn có thể bắt đầu từ tuổi nhỏ. Các em rất thích được đọc truyện, nhất là những truyện hay. Có em sau một thời gian đến hỏi tôi: “Ông còn sách truyện nữa không?”. Đọc truyện chính là xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em ngay từ nhỏ. Tôi thấy các bậc cha mẹ Việt Nam dường như chưa ý thức vai trò của truyện đối với trẻ em. Họ cũng không rành sách truyện hay. Họ hầu như không quan tâm. Thời đại càng máy móc, chúng ta càng cần giáo dục nhân văn để chúng lớn lên làm con người nhiều hơn. Chúng ta không thể để cho tuổi thơ trống vắng trước kho tàng văn hóa đồ sộ thế giới, không thể chỉ lấp đầy thì giờ và tâm trí các em bằng những trò chơi điện tử, hay những hoạt động hướng ngoại, rồi tưởng như thế là đủ, an tâm, mà quên đi phần vun xới miếng đất văn hóa nội tâm, miếng đất tâm hồn nơi nảy nở những tình cảm nhân văn, những tinh hoa sáng tạo, và những ý tưởng cao quý dấn thân cho xã hội.

Nguyễn Xuân Xanh 

(Viết vội ngày 9.10.2020)

Nguồn: Nils Holgersson của Selma Lagerlöf, Rosetta.vn, 9 Tháng Mười, 2020.


Chú thích:

[1] Truyện Genji là một tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng của Nhật bản thế kỷ 11 mà tác giả là nữ quý tộc Murasaki Shikibu trong triều đình.

Print Friendly and PDF