7.5.16

Những bài học từ lý thuyết gia trò chơi hàng đầu


Những bài học từ lý thuyết gia trò chơi hàng đầu

Phỏng vấn Robert Axelrod
Tại sao chúng ta lựa chọn hợp tác và làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn trong các vấn đề của thế giới? Đây là những câu hỏi mà Robert Axelrod đã theo đuổi trong hơn 40 năm. Sự nghiệp của ông là một cuộc khám phá mang tính liên ngành bao gồm toán học, khoa học chính trị, và sinh học tiến hóa. Bây giờ, các thành tựu mang dấu ấn của ông trong lĩnh vực lý thuyết trò chơi kinh tế và hệ thống phức hợp đã mang lại cho ông vinh dự khoa học cao nhất mà Hoa Kỳ có thể ban cho: Huân chương Khoa học Quốc gia.
Tôi chạm trán với công trình của Axelrod lần đầu trong quá trình học đại học của mình khi làm việc với các loài vượn lớn. Gợi ý của ông rằng sự hợp tác có thể tiến hóa như một chiến lược thích nghi là nguồn cảm hứng cho tôi trong một lĩnh vực vẫn còn bị quan điểm cho rằng những lợi ích ích kỷ là động lực chính của sự tiến hóa chi phối. Sau nhiều năm quan sát vượn Bonobo - một trong những họ hàng tiến hóa gần nhất của chúng ta – vì chúng chia sẻ tài nguyên của chúng với các con cùng nhóm một cách hòa bình và tránh bạo lực bằng mọi giá, tôi đã hăm hở tìm kiếm một lời giải thích khác. Các công bố của Axelrod với nhà sinh vật học tiến hóa lừng danh William Hamilton đã đặt nghiên cứu về sự hợp tác trên một nền tảng mới. Hơn nữa, ứng dụng của công trình này của ông về kinh tế học và khoa học chính trị đã đem lại tiềm lực cho một khuôn khổ tiến hóa có thể giúp giảm bạo lực và khuyến khích sự tương trợ giữa các quốc gia và dân tộc.
Eugene McCarthy (1916-2005)

Đầu tiên Axelrod theo đuổi một bằng về toán học trước khi nhận bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale vào năm 1969. Sau các nhiệm vụ ngắn ngủi ở Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng và chiến dịch tranh cử tổng thống bị thất bại của Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy về cam kết chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, Axelrod dạy học tại UC Berkeley trước khi trở thành giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học Michigan.
Công trình của Axelrod với những mô phỏng máy tính liên quan đến trò chơi Thế lưỡng nan của người tù đã bắt đầu sự nghiệp khoa học của ông. Trong trò chơi này, hai người đã phạm một tội ác và mỗi người bị giam riêng để thẩm vấn. Nếu một người phản bội người còn lại thì người đầu tiên được thả ra trong khi người thứ hai bị kết án ba năm tù giam. Nếu cả hai đều phản bội nhau, mỗi người sẽ lãnh hai năm tù. Nhưng nếu cả hai đều giữ im lặng, họ nhận được hình phạt thấp nhất là một năm tù cho mỗi người. Theo kịch bản này, chiến lược cá nhân tốt nhất là phản bội người còn lại. Tuy nhiên, trong những thử nghiệm thực tế, người ta có nhiều khả năng hợp tác hơn là được kì vọng ​​theo giả định lợi ích riêng duy lí. Sự hợp tác và lòng vị tha dường như là đặc tính bẩm sinh của loài người.

Axelrod đã mở rộng mô hình của ông về sự hợp tác từ những động vật trong tự nhiên, xuống đến những tế bào ung thư, và lên đến những xung đột liên quan đến các siêu cường đối địch. Sách của ông bao gồm Sự tiến hóa của hợp tác (The Evolution of Cooperation), Tính phức tạp của hợp tác (The Complexity of Cooperation), và Thuần hóa sự phức tạp (Harnessing Complexity). Ông đã công bố trên các tập san Science, Nature, Proceedings of the National Academy of Sciences, World Politics, và Journal of Peace Research. Trong suốt sự nghiệp rộng lớn của mình, công trình về sự hợp tác của ông đã được các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực học thuật trích dẫn hơn 9.000 lần.
Nói chuyện với giáo sư Axelrod từ vị trí hiện tại của ông ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là niềm vinh dự đặc biệt của tôi. Trong cuộc thảo luận của chúng tôi, ông đã ngẫm nghĩ về công trình của mình với nhà sinh vật học tiến hóa William Hamilton, sự hợp tác có thể được đẩy mạnh trong các nhóm như thế nào, và điều này có ý nghĩa tối hậu  là gì đối với một hành tinh bị giam hãm trong sự cạnh tranh của những quyền lực quốc gia.

Sáng lập viên của Trung tâm Nghiên cứu các hệ thống phức hợp, năm 1980.
Từ trái sang phải: Michael D. Cohen, Robert Axelrod, William Hamilton,
Arthur Burks, John Holland, Rick Riolo, Michael Savageau, và Carl Simon.
Được sự cho phép của Trường Chính sách công Gerald R. Ford, Đại học Michigan.
Eric Michael Johnson: Để bắt đầu, tôi muốn nói chuyện với ông về công trình của ông với nhà sinh học tiến hóa William Hamilton. Theo tôi, đây là một mô hình về sự hợp tác liên ngành đã làm giàu cho cả hai lĩnh vực. Ông đã kết thúc làm việc với ông ta như thế nào?
Richard Dawkins (1941-)
Robert Axelrod: Tôi đã tiếp cận ông ấy vì tôi nghĩ rằng công trình của tôi về Thế lưỡng nan của người tù có thể có các ứng dụng liên quan đến sinh học. Trước tiên tôi liên lạc với Richard Dawkins và ông là người đề nghị Bill Hamilton người mà, vào thời điểm đó, đang đến thăm Trường Đại học Michigan nơi tôi đang công tác. Tôi thậm chí không biết ông ta đã ở đó. Khi tôi đến thăm ông ta và nói với ông về ý tưởng cơ bản của mình, ông ta nghĩ rằng nó khá là thú vị. Như anh đã biết, trước khi chết, tất nhiên, ông là nhà sinh vật học tiến hóa đẳng cấp thế giới được chú ý nhất vì cho thấy rằng động vật thường hợp tác khi chúng có quan hệ gần gũi với nhau. Nhưng đề nghị của tôi là một ý tưởng khác: rằng sự hợp tác cũng có thể dựa trên sự tương hỗ.
Tôi lấy làm thích thú là Bill thấy ngay lập tức giá trị của phương pháp này và ông ấy nghĩ chúng tôi có thể phát triển một số ứng dụng hữu ích cho sinh học. Ông từng sử dụng lý thuyết trò chơi trong một số công trình của mình, mặc dù ông không coi mình như là một lý thuyết gia trò chơi. Chúng tôi quyết định viết một bài báo cho Science, có lẽ là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Bill có thể mang lại sự thích đáng cho sinh học và nói chuyện trực tiếp với các nhà sinh vật học tiến hóa theo một cách mà tôi không thể làm được và tôi đã đưa ra lý thuyết nguyên bản. Sau đó, chúng tôi đã làm một số thiết kế công phu cùng nhau. Chúng tôi thực sự may mắn bởi vì, không chỉ là bài báo được chấp nhận, nó còn được chọn là bài viết hay nhất của năm trên tập san Science. Chắc chắn nó đã ghi cho công việc sau này của tôi một điểm về uy tín khoa học.
Johnson: Một trong những kỷ niệm trìu mến nhất của ông khi làm việc với Hamilton là gì? Ông có thể phác họa một cảnh về một trong những buổi hợp tác của các ông diễn ra như thế nào hay không?
Axelrod: Một trong những đặc điểm tôi nhớ về ông là khi chúng tôi đang nói về một ý tưởng thì ông có thể đột ngột dừng lại và suy nghĩ rất sâu sắc về nó. Tôi học cách giữ yên lặng và để cho ông ấy suy ngẫm. Nhiều lần ông đã nảy ra một bước tiếp theo thực sự thú vị. Dĩ nhiên, đôi khi ông ấy đưa ra một điều gì đó hoàn toàn khác bởi vì ông từ bỏ suy nghĩ về chủ đề đang bàn luận và tâm trí của ông đã đi theo một vài hướng khác. Tôi không bao giờ có thể nói đó là điều gì. Thật sự là rất nhiều niềm vui.
William Hamilton (1936-2000)
Johnson: Cả hai ông rất hào phóng với nhau trong cách các ông mô tả công việc làm chung. Ví dụ, Hamilton đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng sự cộng tác của hai ông đã làm tăng thêm sự hiểu biết về sinh học của riêng ông ấy. Ông hẳn đã nói rằng nó cũng đã làm gia tăng nhận thức của riêng ông về khoa học chính trị phải không?
Axelrod: Chắc chắn điều đó đã cho tôi một ý nghĩa sâu sắc hơn về các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi nghiên cứu. Đó không phải là một cái gì đó cụ thể như chiến hào, là một trong các ví dụ của tôi. Tôi thấy rằng mô hình này có thể được áp dụng ở nhiều nơi khác nhau. Ví dụ, như anh đã biết, sau đó tôi đã phát triển một ứng dụng khác liên quan đến công trình này vì nó có liên quan tới sự hợp tác giữa các tế bào ung thư. Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với ông ấy và, vài năm sau đó, ông đã đưa ra một ý tưởng khác mà ông muốn thử xem phản ứng của tôi như thế nào liên quan đến động, thực vật kí sinh.
Axelrod: Vâng, ý tưởng của ông ấy hơi gây kinh ngạc. Anh thấy đấy, lúc đó chúng tôi đã không có một giải thích tốt nào cho thực tế là hầu như tất cả động vật và thực vật to lớn đều sinh sản hữu tính. Đây là một vấn đề nan giải nghiêm trọng bởi vì điều đó có nghĩa là chỉ có một nửa những con trưởng thành - những con cái - có thể sinh sản. Đây là một hao phí rất lớn theo những điều kiện tiến hóa, vì vậy nó phải có một cái gì đó rất có giá trị. Thực tế thì giới tính sinh học là rất phổ quát nghĩa là nó phải là điều gì đó chung mà động vật và thực vật to lớn đều có. Ý tưởng của Bill đối với những gì chung mà chúng có là sự cần thiết để chống lại động, thực vật kí sinh. Động, thực vật kí sinh đã tiến hóa để bắt chước các tế bào của chúng ta để hệ thống miễn dịch của chúng ta không tấn công chúng. Kết quả là, chúng có thể tiến hóa nhanh hơn chúng ta gần ba mươi lần vì thời gian một thế hệ của chúng là rất ngắn. Nếu anh sinh sản vô tính thì có nghĩa là anh muốn có một đứa con gần như giống hệt anh, vì vậy các động, thực vật kí sinh đã thích nghi với anh cũng sẽ thích nghi với con cái của anh. Tuy nhiên, bằng cách sinh sản hữu tính, con cái của chúng ta là khá khác với chúng ta. Do đó, các động, thực vật kí sinh phải bắt đầu lại tất cả. Ý tưởng của Bill là sinh sản hữu tính là sự thích nghi nhằm chống lại các động, thực vật kí sinh. Đúng là một ý tưởng tuyệt vời.
Johnson: Ông đã kết thúc cộng tác viết báo với ông ấy như thế nào?
John H. Holland (1929-2015)
Axelrod: Ông ấy nói với tôi rằng ông không có cách gì để mô hình hóa khái niệm này bởi vì nó vốn đã bao gồm nhiều gen và, trong mô hình hình thức, anh chỉ có thể thêm hai hoặc ba gen khác trước khi toàn bộ sự việc trở nên quá phức tạp với tất cả các hiệu ứng tương tác. Tôi đã sử dụng một kỹ thuật mà John Holland tại Đại học Michigan đã phát triển được gọi là thuật toán di truyền. Thuật toán này là sự mô phỏng trên máy tính về di truyền và cho phép chúng tôi xử lý hàng chục gen trong một mô phỏng. Đây chính là những gì chúng tôi cần và chúng tôi đã phát triển một mô phỏng để chứng minh rằng ý tưởng này, ít nhất về nguyên tắc, là khả thi. Có nhiều niềm vui khi lần đầu tiên tôi có một ý tưởng riêng đã thu hút được Bill để ông ấy quay trở lại với ý tưởng riêng của ông mà tôi đã giúp làm các mô phỏng.
Johnson: Vì vậy đó là một sự tâm đầu ý hợp. Các ông hẳn đã dựa trên các ý tưởng và cảm hứng của nhau.
Axelrod: Đúng vậy. Tôi nhớ ông đã nói trong hồi ký của mình rằng cả hai chúng tôi đều khá nghiêm túc về tính thẩm mỹ. Chúng tôi thích các lý thuyết đơn giản và muốn đạt đến các cơ sở của sự vật. Cả hai chúng tôi đều có nền tảng về việc mô hình hóa toán học và lý thuyết trò chơi vì thế, ngay cả dù chúng tôi đến từ các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi cũng đã có chung một vài điều quan trọng. Ngoài ra, tôi đã bị mê hoặc với sự tiến hóa kể từ khi học trung học và đã hiểu nó một cách khá nghiêm túc. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sinh học tiến hóa mặc dù tôi hẳn nhiên không phải là một chuyên gia. Nhưng điều đó có nghĩa rằng ông ấy và tôi có thể giao tiếp tốt với nhau vì tôi biết được nhiều vấn đề cơ bản theo một góc nhìn mà các nhà khoa học chính trị thông thường không được đòi hỏi. Một điều nữa mà ông đã đề cập trong cuốn hồi ký của mình là không ai trong chúng tôi có bất kỳ nhu cầu chiếm lợi thế hơn người còn lại hay giành được người đã có đóng góp lớn nhất. Không bao giờ có bất kỳ nhu cầu nào là khiêm tốn quá mức ngoại trừ vì phép lịch sự, thứ mà tôi nghĩ là phổ biến ở Anh và một điều gì đó mà Bill đã quen từ thời gian ông ở Oxford. Ông ấy giản dị là một niềm vui làm việc.
Joseph Henrich (1968-)
Johnson: Ông cũng đã chấp nhận thách thức nhiều vấn đề tiến hóa khác trong những năm qua. Một trong những cuộc tranh luận mà tôi luôn quan tâm là ông đã phê phán một số nhà tâm lý học tiến hóa, như Joseph Henrich tại Đại học British Columbia nơi mà tôi đang công tác, những người lập luận rằng có những gen cụ thể đối với những đặc điểm tự nguyện mang lại lợi ích cho người khác. Thay vào đó ông ủng hộ cho nhiều năng lực tiềm tàng có mục đích chung như ngôn ngữ và sự nhìn xa thấy trước. Ông có nghĩ rằng có sự quá tin tưởng của một số nhà nghiên cứu tiến hóa vào cơ chế di truyền đối với việc hiểu bản chất của sự hợp tác và lòng vị tha?
Axelrod: Tôi nghĩ rằng di truyền học chắc chắn có góp phần vào. Nhưng tôi không rõ vai trò của di truyền học lớn thế nào trong hành vi của con người. Ví dụ, không có nghi ngờ cơ sở di truyền quan trọng tồn tại trong cả con người và những động vật không phải con người đối với sự hợp tác với họ hàng. Những gì mà tôi hướng đến là các thành phần di truyền đó phải cụ thể ra sao. Henrich đã tiến về phía mà ở đó chúng là hết sức cụ thể và có thể nhận biết. Cộng tác viên của tôi và tôi đã nói rằng điều đó có thể được giải thích bởi nhiều hơn những khả năng tổng quát đã được gợi lên cho mục đích này. Đó không phải là một sự khác biệt lớn. Các gen là quan trọng nhưng tôi không phải là người quá hàn lâm và chú trọng đến tiểu tiết để tin rằng chúng điều khiển tất cả mọi thứ. Rõ ràng văn hóa cũng quan trọng.
Charles Darwin (1809-1962)

Johnson: Khi Darwin cố gắng để hiểu nguồn gốc của đạo đức trong cuốn The Descent of Man (Dòng dõi con người), ông đã chấp nhận mô hình lựa chọn nhóm trong đó các cá nhân thể hiện những khuynh hướng ích kỷ sẽ bị trừng phạt trong khi những người ai hiển thị những đặc điểm mang lại lợi ích cho nhóm sẽ được khen thưởng. Christopher Boehm tiếp tục theo đuổi ý tưởng này trong cuốn sách Nguồn gốc đạo đức (Moral Origins) của ông đã được biết đến một vài năm trước đây. Ông có thấy rằng sự tiến hóa của hợp tác đã giáp vòng trở lại nơi mà Darwin đã khởi đầu không?
Christopher Boehm (1931-)
Axelrod: Tôi nghĩ rằng sự suy đoán của Darwin là khá hợp lý. Vào thời điểm đó, ông có thể không thực sự củng cố điều đó bằng cách nghiên cứu một số lượng lớn các xã hội và nhận biết những xã hội nào phát triển mạnh và xã hội nào không. Ý tưởng về lựa chọn nhóm, cho đến gần đây, có một tiếng tăm khá xấu trong sinh học vì một số người không phải là nhà khoa học đã cực kỳ lạm dụng nó, nói rằng nếu người Anh đã rất thành công thì hẳn là phải thế bởi vì về mặt di truyền họ đã là tốt hơn. Nhưng trong mười năm qua hoặc lâu hơn, các nhà sinh học đã đi đến thống nhất rằng, trong những điều kiện nhất định, người ta có thể có được sự lựa chọn nhóm. Nếu một nhóm nhỏ người là tốt khi hợp tác hơn một vài nhóm khác mà họ đang cạnh tranh, thì nhóm đầu tiên đúng là có thể làm tốt hơn nhóm thứ hai nhờ việc có nhiều thực phẩm hơn hoặc thậm chí có thể bằng cách chiến đấu và tiêu diệt họ. Tôi nghĩ nguyên tắc chung là sự hợp tác được viện dẫn vào sự phục vụ cạnh tranh. Sự hợp tác với người bên trong phục vụ cho sự cạnh tranh với người bên ngoài.
Johnson: Ông đã mô phỏng chính quá trình này trong tập san Nature với những gì ông gọi là các nhãn (tags). Ông cho thấy rằng sự hợp tác có thể gia tăng ngay cả khi không có sự tương hỗ hay những mức độ cao của quan hệ họ hàng. Nếu đủ các cá nhân cùng một nhãn ở trong một nhóm thì họ có thể hợp tác đơn giản chỉ vì họ chia sẻ các nhãn đó. Ông có thể phát triển ý này không?
Groucho Marx (1890-1977)
Axelrod: Ý tưởng về các nhãn đã thực sự được John Holland phát triển. Các nhãn là những mảnh thông tin hoàn toàn võ đoán mà những người khác có thể quan sát, như giọng của anh hay màu da của anh hoặc áo sơ mi màu mà anh mặc. Đây là những tín hiệu liên quan đến nhóm mà một người là thành viên và điều này có thể dẫn đến chủ nghĩa vị chủng hoặc chỉ hợp tác với những người giống như anh. Ngay cả khi ban đầu những điều đó là hoàn toàn tùy tiện, họ vẫn có thể đi đến chấp nhận về mặt ý nghĩa. Họ trở nên tương liên với những đặc điểm bao gồm sự tương hỗ. Tất nhiên, vấn đề trở nên phức tạp và thú vị bởi vì một người nào đó có thể có đặc điểm này hoặc là thành viên của nhóm người cùng chung quyền lợi nhưng sau đó lợi dụng điều đó và không hợp tác. Tôi nhớ Groucho Marx đã từng nói rằng, "Bí mật của thành công là sự trung thực và đối xử công bằng. Nếu anh có thể giả mạo chúng, anh chắc chắn thành công.” Một trong những mục đích của mô phỏng của chúng tôi là nghiên cứu các điều kiện theo đó kẻ “đào ngũ” không thể giành quyền kiểm soát dân cư mặc dù, trong ngắn hạn, họ có thể làm ăn khấm khá.
Scott Atran (1952-)
Johnson: Các mô hình này cho thấy rằng có chỗ cho sự thay đổi văn hóa và thể chế nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong các vấn đề thế giới không? Ví dụ, ông đã viết một bài báo cho tờ The New York Times cùng với Scott Atran về việc chúng ta nên nói chuyện với bọn khủng bố như thế nào.
Axelrod: Đúng vậy. Như là một ghi chú bên lề thú vị, anh có thể biết rằng năm nay tôi đang làm việc tại Bộ Ngoại giao theo hợp đồng nghiên cứu. Tôi lo lắng một chút là tôi có thể không có được giấy chứng nhận của an ninh bởi vì tôi thực sự đã nói chuyện với những kẻ khủng bố. Nhưng tôi đã thành thật về điều này vì thế hóa ra nó không phải là một vấn đề. Tôi vẫn có thể có được giấy phép của mình.
Johnson: Vì vậy, có phải đây là kiểu có thể được sử dụng? Bằng cách dùng các nhãn khác nhau và nhấn mạnh những đặc điểm văn hóa được chia sẻ, chúng ta có thể tiến hành cuộc đối thoại sát hơn để thúc đẩy sự hợp tác.
Axelrod: Đó là khát vọng. Nhưng có một số nhóm, và có lẽ ISIL (nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo – ND) là một nhóm trong số đó, không có gì nhiều để nói.
Johnson: Ông đã ghi chú ở một trong các bài báo tự truyện của mình rằng cha của ông là một họa sĩ và ông ấy biểu trưng điều gì là quan trọng vào một ngày nào đó qua những gì ông ấy đã bỏ quên. Trong công trình đầu tiên của ông, ông đã nhấn mạnh Thế lưỡng nan của người tù bởi vì, vào thời điểm đó, thế giới đang ở trong một cuộc xung đột giữa các siêu cường đối địch. Tình hình thế giới đang chuyển dịch thay đổi những điều mà ông thấy quan trọng ra sao và điều đó đã ảnh hưởng đến những gì mà ông đã đưa, hoặc không đưa, vào trong mô hình của ông như thế nào?
Axelrod: Rõ ràng hôm nay chúng ta không ở trong tình thế lưỡng cực nghiêm ngặt như Hoa Kỳ và Liên Xô đã ở trong cuộc đối đầu trọng yếu suốt thời Chiến tranh lạnh. Hiện nay có một số trung tâm quyền lực, và anh có thể nói, một trò chơi hai-bên chỉ là một phần của vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề song phương như giữa Nga và nước láng giềng Ukraine. Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có mối quan hệ phức tạp có những yếu tố vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Xét về mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, một điểm đặc trưng đặc biệt quan trọng là nó tiêu biểu cho một sức mạnh đã xác định gắn liền với một thế lực đang trỗi dậy. Các tình huống này thường dẫn đến chiến tranh trong quá khứ. Đó đã là một mối quan hệ khó quản lý. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta nhận biết và thúc đẩy các khía cạnh và triển vọng hợp tác, cũng giống như Tổng thống Obama đã làm với Chủ tịch Trung Quốc theo thỏa thuận của họ về biến đổi khí hậu. Chúng ta nên xây dựng một mối quan hệ hợp tác mà về kết cục cả hai chúng ta đều có lợi ích chung.
Johnson: Vì thế, điều này vẫn sẽ rơi vào mô hình Thế lưỡng nan của người tù. Nhưng có vẻ như là sẽ có một tiềm năng lớn về nhiễu, một cái gì đó mà anh đã viết anh ước anh đã xem xét nhiều hơn trong công việc trước đây của mình.
Axelrod: Đúng vậy. Đối với các mục đích của chúng tôi, thay cho việc sử dụng khái niệm nhiễu, đó là sự hiểu lầm. Một bên có thể nghĩ rằng nó hoàn toàn hợp lý và bên còn lại có thể nghĩ nó đang phá vỡ các chuẩn mực mà họ nên theo. Một ví dụ về điều này là không gian mạng (cyberspace) nơi mà Hoa Kỳ trở nên khá tức giận vì người Trung Quốc đang đánh cắp các bí mật công nghiệp và người Trung Quốc không tất yếu nhìn nhận điều đó như bất kỳ hoạt động tình báo bình thường nào khác mà mọi người thừa nhận rằng những nước khác đều làm.
Elinor Ostrom (1933-2012)
Johnson: Điều này hẳn gắn liền với công trình của Elinor Ostrom vì nó liên quan đến không gian kỹ thuật số chung và cách để quản lý đó.
Axelrod: Đúng vậy. Rõ ràng anh đã tiến hành công việc xem xét sơ yếu lý lịch của tôi rất kỹ lưỡng. (Cười)
Johnson: Tôi đã đọc công trình của ông khá lâu.
Axelrod: Nhưng anh nói đúng. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta duy trì các giá trị to lớn của Internet như là một nguồn tài nguyên chung để giúp tất cả các nền kinh tế phát đạt và giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia. Đó là thách thức hiện nay vì một số quốc gia, ví dụ như Đức, đang thúc đẩy ý tưởng rằng các dữ liệu được tạo ra trong đất nước của họ nên ở lại đất nước của họ. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó cũng có nguy cơ chịu rủi ro Ban-căng hóa[*] (Balkanization) của Internet và làm suy yếu hàng hóa tập thể.
Johnson: Ông là một nhà khoa học chính trị đầu tiên được trao tặng Huân chương Khoa học Quốc gia trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong khi giải thưởng này có thể tiểu biểu cho đỉnh cao của sự nghiệp của ông, chắc chắn nó không phải là kết thúc. Ông lập kế hoạch để đến đâu tiếp?
Axelrod: (Cười) Hai điều, tôi có một sự quan tâm nghiêm túc về xung đột không gian mạng và những gì chúng ta có thể làm để tránh hoặc quản lý xung đột trong không gian mạng. Điều này có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu một nước gây mất nguồn điện ở một nước khác hoặc những can thiệp vào hệ thống tài chính như là một cách để gây áp lực lên nước kia thay vì ném bom họ. Bởi vì chúng ta không có các chuẩn xác định về những gì được quan tâm đến như sự xung đột vũ trang nên có thể có một thỏa thuận tốt về sự hiểu lầm. Một bên có thể nghĩ rằng họ không leo thang nhiều lắm và bên còn lại có thể có hành động rất nghiêm trọng. Chúng tôi hiểu các bậc thang leo thang đối với chiến tranh với vũ khí thường (không phải nguyên tử - ND), ví dụ vậy, nhưng chúng tôi thực sự không có sự hiểu biết chung đối với các loại xung đột không gian mạng khác nhau. Tôi nghĩ rằng nó có một tiềm lực đáng sợ cho sự hiểu lầm nên tôi quan tâm đến những vấn đề đó và có một bài báo trong Proceedings of the National Academy of Sciences về quá trình của các cuộc xung đột không gian mạng.
Một điều khác mà tôi quan tâm là tìm hiểu về Bộ Ngoại giao, về cách thức mà các tổ chức ra quyết định, và các chính sách phát triển dùng cơ hội này để thấy sự hình thành chính sách từ bên trong như thế nào.
Johnson: Nhìn từ bên trong để hiểu thấu đáo hơn.
Axelrod: Đúng vậy.
Johnson: Một câu hỏi cuối cùng tôi dành cho ông là, mặc dù tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay và ở Mĩ hệ thống chính trị dường như bị bế tắc, điều gì tiếp tục cho ông hi vọng?
Axelrod: Một thực tế quan trọng là chúng ta đã không có những cuộc chiến giữa các cường quốc trong một thời gian dài. Tôi cho rằng lần cuối cùng Hoa Kỳ và Trung Quốc chiến đấu là trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Đó là sáu mươi năm trước. Chúng ta không có một cuộc chạm trán giữa các cường quốc trong suốt cả thời gian đó và ngay cả chiến tranh Triều Tiên cũng khá hạn chế. Tôi nghĩ có thể, và chắc chắn có hi vọng, rằng các cường quốc có thể tìm ra các cách phi bạo lực để dàn xếp với nhau và làm cho lợi ích của họ được bên kia biết đến. Nhưng điều đó không được đảm bảo. Sự phát tán nhanh của vũ khí hạt nhân là một mối nguy hiểm nghiêm trọng và những khác biệt lớn tồn tại giữa Hoa Kỳ và Nga trong lĩnh vực này. Và, tất nhiên, chủ nghĩa hồi giáo thánh chiến là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới. Nhưng không nhân tố nào trong số này là nghiêm trọng như Thế chiến I và Thế chiến II hay nguy hiểm như Chiến tranh lạnh. Chúng ta có thể đã có hàng trăm triệu người chết chỉ trong một ngày nếu Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba không đi theo hướng tốt, ví dụ vậy, hoặc nếu một số trong các cuộc xung đột tại Berlin đã leo thang. Vì vậy, tôi hi vọng rằng thế giới nay không nguy hiểm như lúc bấy giời và các cường quốc có thể tiếp tục dàn xếp với nhau mà không có những cuộc chiến tranh định kì mà có vẻ như là quá phổ biến trong quá khứ.
Johnson: Cảm ơn ông đã dành thời gian để nói chuyện với tôi. Cá nhân tôi đã nhận được rất nhiều từ việc đọc công trình của ông trong những năm qua và tôi không thể nói cho ông biết tôi vui như thế nào khi hay ông nhận được vinh dự này.
Axelrod: Vâng, cảm ơn anh rất nhiều. Tôi trân trọng điều đó. Tôi cũng thích thú khi nói chuyện với anh.
Eric Michael Johnson
Phạm Văn Minh dịch




[*] “Thuật ngữ Ban-căng hóa (Balkanization) được sử dụng bởi các sử gia và các nhà ngoại giao để diễn tả quá trình chia cắt có tính toán một lãnh thổ thành một số quốc gia độc lập với các dân tộc có xung đột lẫn nhau về lợi ích; mục đích là ngăn cản sự hình thành một lực lượng tập trung, thống nhất đe dọa người cai trị. Trong hoàn cảnh này, Ban-căng hóa có thể coi là một biến thể của châm ngôn thực dân “chia cắt và cai trị”.” Trích từ Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế của Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013) (ND).

Print Friendly and PDF