20.5.16

Kinh tế học thực nghiệm


Kinh tế học thực nghiệm
Experimental Economics
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 NASH, 1994 SELTEN, 1994
Kinh tế học thực nghiệm là một phương pháp điều tra mới trong khoa học kinh tế. Phương pháp này nhằm quan niệm và thực hiện những thí nghiệm trong đó những con người hay động vật hành động và tương tác với nhau trong một môi trường được kiểm soát, rồi quan sát và nghiên cứu những sự kiện xảy ra nhằm xác định qui luật, xác nhận/phủ định hay khơi lên những ý tưởng. Khác biệt với kinh trắc học, một bộ môn xử lí những biến cố ngẫu nhiên hợp thành lịch sử và thời sự, lẫn với những thử nghiệm mô phỏng lặp lại một cách giả tạo hoạt động của một hệ thống kinh tế bằng một chương trình tin học, kinh tế học thực nghiệm tập hợp những thí nghiệm tiến hành trong thế giới thực tế của nền kinh tế cũng như trong thế giới thu nhỏ trong phòng thí nghiệm. Mục đích chính của những thử nghiệm trên thực địa, trong đó có những thí nghiệm nổi tiếng nhất được Greenberg và Shroder (1997) tổng hợp và những thí nghiệm gần đây nhất được phân tích trong Journal of Economic Perpectives mùa xuân 1995 là giúp chính phủ nào đặt hàng những thử nghiệm này đánh giá một dự án chính sách mới, như chính sách thuế thu nhập âm. Nhiều tham vọng hơn, những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm cụ thể hoá ba cuộc đối thoại giữa nhà thực nghiệm với, theo thứ tự, nhà lí thuyết, người bạn chí cốt của mình, và với người trách nhiệm chính trị. Dưới đây chỉ đề cập đến những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, những thử nghiệm này thường được trình bày trong các tạp chí, trong số đó có tạp chí Experimental Economics dành riêng cho chủ đề này.
Daniel Bernouilli (1700-1782)
John Nash (1928-2015)
Theo Kagel và Roth (1995), hai tác giả đã tổng hợp kinh văn này, thử nghiệm đầu tiên kiểu này do Daniel Bernouilli tiến hành về nghịch lí Saint-Pétersbourg, một nghịch lí cho phép lí thuyết ra quyết định trong tình thế bất trắc vượt qua một giai đoạn đầu bằng cách để kì vọng lợi ích thế chỗ của kì vọng thu hoạch. Được công bố lần đầu năm 1738, và in lại trong Econometrica năm 1954, công trình này ở ngọn nguồn của bộ phận thứ nhất quyết định (nghịch lí Allais cũng gắn với bộ phận này) của bộ ba hợp thành, theo Davis và Holt (1992) kinh tế học thực nghiệm. Bộ phận thứ hai của bức tranh này liên quan đến quyết định đồng thời và bắt đầu, vào cuối những năm 1950, bằng những thử nghiệm về thế tiến thoái lưỡng nan của người tù. Cũng có thể gắn Nash và Selten với những nghiên cứu này nhằm tạo ra một lí thuyết trò chơi thực chứng bổ sung cho của lí thuyết chuẩn tắc. Chamberlin là nhân vật chính của bộ phận thứ ba: những công trình của ông, nhằm xác thực bằng thử nghiệm tầm quan trọng của lí thuyết của ông về cạnh tranh độc quyền và được công bố năm 1948 trong Journal of Political Economy, là điểm xuất phát của nhiều thử nghiệm, đặc biệt là những thử nghiệm của Smith và Plott.
Reinhard Selten (1930-)
Theo Smith, người phát triển ý tưởng này đặc biệt trong Journal of Economic Perspectives mùa hè 1989, có hai sự kiện giải thích sự phong phú như được nhấn mạnh trên đây của kinh tế học thực nghiệm. Sự kiện thứ nhất, một sự kiện cho phép có được việc thử nghiệm, là tầm quan trọng ngày càng tăng của những hệ thống kinh tế vi mô trong lòng của khoa học kinh tế. Mỗi một hệ thống này là một tập hợp gồm có ba phần tử sau: môi trường, thể chế, hành vi. Bằng cách kiểm soát hai phần tử đầu, nghĩa là, một mặt các tác nhân và, mặt khác, các thông điệp, hành động có thể và luật chơi, nhà thực nghiệm có thể xác nhận/phản bác những mệnh đề của lí thuyết về phần tử thứ ba. Sự kiện thứ hai, đảm bảo giá trị của những cuộc thử nghiệm, là những cuộc thử nghiệm này thoả mãn năm nguyên lí không bão hoà, hiển nhiên, không chết, bí mật và song song mà những hệ quả đối với mỗi tác nhân theo thứ tự là: lợi ích của tác nhân là một hàm đơn điệu tăng với những thu hoạch của tác nhân; thu hoạch của tác nhân là một hàm biết được của những hành động của tác nhân này và của các tác nhân khác, phần thưởng mà tác nhân có thể thu được là động cơ duy nhất của những hành động của tác nhân; tác nhân chỉ có thông tin về những chu cấp và phần thưởng của bản thân; tác nhân vận động trong một môi trường giống gần nhất có thể với thế giới kinh tế. Tôn trọng năm nguyên lí này, những nguyên lí làm cơ sở cho những phương pháp thực nghiệm được Friedman và Sunder (1994) mô tả, thì nhà thực nghiệm chắc chắn là sẽ xây dựng một cách vững chắc.  
Là nguồn gốc của tiến bộ khoa học, kinh tế học thực nghiệm cũng có một ích lợi sư phạm. Những thực nghiệm làm trong lớp học, mà ngày càng có nhiều tạp chí, như Economic Inquiry, dành một phần để phát triển, giúp sinh viên tự khám phá những khái niệm cơ bản của lí thuyết kinh tế. Trên lĩnh vực này, tác phẩm của Bergstrom và Miller (1997) là quí báu.
BERGSTROM T. C. & MILLER J. H., Experiments with Economic Principles, New York, McGraw-Hill, 1977. DAVIS D. D. & HOLT C. A., Experimental Ecconomics, Princeton, University Press, 1993. FRIEDMAN D. & SUNDER D.,  Experimental Methods: a Primer for Economists, Cambridge, University Press, 1994. GREENBERG D. & SHRODER M., The Digest of Social Experiments, Washington, Urban Institute Press, 1997. KAGEL J. H. & ROTH A.E., The Handbook of Experimental Economics, Princeton, Princeton University Press, 1995.
Régis DELOCHE
Giáo sư đại học Franche-Comté (BesanVon)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Kinh tế học: đối tượng và phương pháp; Lí thuyết trò chơi; Nghịch lí Allais; Tính duy lí hạn chế. 
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF