10.11.16

Tại "tòa Monsanto", các nhà hoạt động xã hội muốn đưa vấn đề môi trường vào trung tâm của luật học quốc tế



Tại "tòa Monsanto", các nhà hoạt động xã hội muốn đưa vấn đề môi trường vào trung tâm của luật học quốc tế

Trong hai ngày tại thành phố The Hague, những nhân chứng đến​​ từ khắp nơi trên thế giới đã kể ra những tác hại của tập đoàn Mỹ [Monsanto]: thuốc trừ sâu, GMO (Genetically Modified Organism – sinh vật biến đổi gen), hạt giống có bảo hộ...
PTKT: Có thể tìm hiểu thêm về tập đoàn Monsanto qua phóng sự điều tra Cây trồng biến đổi gen – Thế giới của Monsanto
Điều gì chung ở một người nuôi ong Mexico, một nông dân nữ người Bangladesh, và các nhà nông người Pháp, Argentina hoặc Burkina Faso? Tất cả đã chứng kiến, trong hai ngày tại phiên điều trần của Tòa án công dân phi chính thức đối với các đơn kiện chống lại tập đoàn Monsanto, tại thành phố The Hague vào hôm thứ Bảy 15 và Chủ Nhật 16 tháng 10, về những tác hại mà công ty về công nghệ sinh học nông nghiệp của Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm. Những lời tố cáo như các sinh vật biến đổi gen (GMO), thuốc trừ sâu trong đó có chất glyphosate, vấn đề độc ​​quyền về giống, mùa màng bị hủy hoại, động vật bị nhiễm độc, trẻ em bị bệnh... liên tục được đưa ra một cách nặng nề chống lại tập đoàn khổng lồ của Mỹ.
Sau những bằng chứng tố cáo theo kiểu marathon này của các nạn nhân và các chuyên gia, các nhà khoa học, các luật gia, các nhà độc chất học, các bác sĩ thú y... năm thẩm phán, trong đó chánh án phiên tòa quốc tế này là một người Bỉ, Françoise Tulkens, phải đưa ra ý kiến ​​từ nay đến ngày 10 tháng 12, ngày quốc tế về nhân quyền.
Françoise Tulkens (1942-)
Chúng tôi sẽ không tuyên án. Chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến ​​mang tính tham vn. Chính xác hơn, chúng tôi sẽ xem xét liệu các hoạt động của tập đoàn Monsanto có phù hợp với các quy định của luật đang tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu của Liên Hợp Quốc hay không, Françoise Tulkens, người đã từng làm thẩm phán tại Tòa án nhân quyền của châu Âu trong mười bốn năm, cho báo Le Monde biết. Đây là một phiên tòa mang tính sư phạm, mà tôi hy vọng rằng sẽ gây ảnh hưởng đến luật học quốc tế về nhân quyền và cho phép mở ra hy vọng cho các nạn nhân.”
Nếu tập đoàn Monsanto không bị kết án trước, như doanh nghiệp này tỏ ra bực tức trước những cáo buộc nói trên trong một bức thư ngỏ, thì các chứng từ được đưa ra tại The Hague vẫn là một lời buộc tội mạnh mẽ. Và không để lại chút hồi hộp nào về những ý kiến ​​mà các thẩm phán sẽ đưa ra.
"Thuốc diệt cỏ phân hủy sinh học"
Sabine Grataloup
Sabine Grataloup chỉ cho các thẩm phán thấy, hết ảnh này đến ảnh khác, các hình ảnh của Theo, cậu con trai của bà. Cậu bé, nay đã 9 tuổi, được sinh ra với những dị tật nghiêm trọng về thực quản và thanh quản. “Nó đã phải phẩu thuật mở khí quản khi mới sinh, được gây mê tổng quát năm mươi lần, nó đã trải qua sáu tháng đầu của cuộc đời bằng phương pháp hồi sức, bà mẹ 45 tuổi, sống tại tỉnh Isere này, cho biết. Trong bảy năm qua, hàng đêm chúng tôi đã phải thức dậy mỗi bốn mươi lăm phút để làm hô hấp cho nó, để nó không bị nghẹt thở.”
Trong nhiều phút đồng hồ, bà Sabine Grataloup kể lại nỗi đau khổ dai dẳng của con trai bà, đứa trẻ vẫn còn thở với một thủ thuật mở khí quản – “Nó chỉ có thể tắm với lượng nước ở dưới mức của cổ” – của gia đình, trước khi giải thích về nguồn gốc của tai họa. “Tôi chăm sóc ngựa và tôi phun thuốc diệt cỏ trong một trường đua ngựa, rộng hơn 700 m2, tôi đang ở thời kỳ đầu mang thai, nhưng tôi chưa biết mình mang thai. Và quá trình hình thành thanh quản bắt đầu vào tuần thứ tư của thai kỳ. Tôi tin tưởng vào các quảng cáo ca ngợi chất glyphosate như là “thuốc diệt cỏ phân hủy sinh học đầu tiên”, một sản phẩm mà tôi đã chọn vì tính không độc hại của nó,” bà Sabine Grataloup giải thích cho các thẩm phán.
Trên bàn của các thẩm phán tại tòa Monsanto, ở thành phố The Hague, vào hôm thứ Bảy 15 tháng 10, là bức ảnh của bé Theo, một nạn nhân dị tật do chất glyphosate. Ảnh: R. BX.
Tiếp theo, Maria Ruiz Robledo, thuộc vùng Baigorrita, một thị trấn nhỏ với 1.900 cư dân trong một tỉnh của Buenos Aires, Argentina, cũng đề cập đến căn bệnh tương tự đó, chứng bệnh teo thực quản, của cháu bé Martina của bà. Được bác sĩ, người đã ghi nhận những trường hợp khác của các trẻ sơ sinh, hỏi về khả năng tiếp xúc với các chất độc hại, Maria nhớ đến các hóa chất, thuốc diệt cỏ, được lưu trữ gần nhà mình.
Trong hai ngày của phiên điều trần, những người trồng bông, cà phê, ngũ cốc, đến từ năm châu lục, đã đưa ra các bằng chứng của họ. Một người nuôi ong Mexico, Feliciano Ucan Poot, kể lại cách thức mà chất glyphosate đã giết chết các con ong của mình và đồng thời kể ra những khó khăn để pháp luật quốc gia công nhận tác hại của nó.
Tầm ý nghĩa đạo đức quan trọng
Ousman Tiendrebeogo, một nhà nông 68 tuổi ở Burkina Faso, chỉ ra những nguy hiểm của các sinh vật biến đổi gen (GMO) đối với sợi bông BT, được tập đoàn Monsanto đề xuất và được chính quyền địa phương bảo hộ. “Những người trồng bông đã bị mắc bẫy, họ không thể thoát ra do phải hoàn trả các khoản đầu vào cần thiết với một sản lượng sụt giảm thảm thiết, loại bông này chưa đạt yêu cầu. Các bác sĩ thú y không biết lý do tại sao các động vật, thường gặm các thân cây còn lại sau vụ thu hoạch, bị ốm”, Ousman Tiendrebeogo, đồng thời cũng là người phụ trách Liên đoàn quốc gia những người trồng cỏ ống, cho biết. “Những phụ nữ chịu trách nhiệm cắt cỏ cũng ngã bệnh, đặc biệt là những phụ nữ mang thai, có vấn đề về việc cho con bú sữa mẹ”.
Corinne Lepage (1951-)
William Bourdon (1956-)
Đối với John Paul Sikeli, thuộc Liên minh vì sự bảo vệ các di sản di truyền của châu Phi, có trụ sở tại Bờ Biển Ngà cho biết, “vụ kiện chống lại tập đoàn Monsanto này có một tầm ý nghĩa đạo đức quan trọng.” “Chúng tôi đang ở đây để nói rằng người ta không thể muốn làm gì thì làm đối với giới nông dân và xã hội dân sự được.”
Nói cách khác, theo Corinne Lepage, một nữ luật sư người Pháp và là chủ tịch của Đảng sinh thái Cap21, “phiên tòa này mang tính ảo [không mang tính ràng buộc – ND], nhưng luật mà phiên tòa này sẽ áp dụng là có thật”. “Ý kiến của các thẩm phán sẽ cho phép các nạn nhân có được một quyết định của tòa án mà họ có thể dựa vào đó để tự bảo vệ,” bà giải thích.
“Điểm yếu to lớn của pháp luật quốc tế”
Vào buổi chiều chủ nhật, trong phiên cuối của tòa Monsanto này, rất nhiều luật sư đã tập hợp lại để chứng minh mức độ mà các hành động của tập đoàn Mỹ đã vi phạm các quy định hiện hành, về quyền được chăm sóc y tế, tôn trọng nhân quyền, vấn đề sức khỏe, các quyền xã hội, quyền được thông tin ... “Monsanto đã có cam kết với các nguyên tắc này và chính trên cơ sở các cam kết này mà chúng ta có thể làm rõ trách nhiệm của họ”, William Bourdon, một luật sư người Pháp, đã dằn từng tiếng khi cho biết. “Đây là một điểm yếu to lớn của luật pháp quốc tế khi thấy các thỏa thuận được các nước ký kết một cách phấn khởi, nhưng việc đó không được phản ánh thành những điều khoản quy phạm trong các luật pháp quốc gia”, ông tố cáo trước các thẩm phán.
Song song với tòa Monsanto được tổ chức tại thành phố The Hague, là Đại hội các dân tộc nhằm tố cáo những tác hại của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất và sự chiếm lấy thị trường nông nghiệp của họ. Ảnh: R. BX.
Vandana Shiva (1952-)
Liệu sự kiện có yếu tố tư pháp này, "vụ kiện" giả nhưng thật này được công bố nhận hội nghị về khí hậu, COP21, được tổ chức tại Paris vào tháng 12 năm 2015, có điều chỉnh việc xem xét các tội ác nói trên chống lại môi trường và sức khỏe của các dân tộc không? Đây là một trong những mục tiêu được trông chờ, nghĩa là đưa việc phá huỷ môi trường thiên nhiên vào các tội ác chống lại nhân loại. Có mặt khắp nơi tại Đại hội các dân tộc, một tổ chức hoạt động xã hội, được tổ chức tại thành phố The Hague, cùng với tòa Monsanto, không xa trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế, bà Vandana Shiva muốn tin vào sự tiến triển, tất yếu, của luật học quốc tế, bà cho biết.
"Nếu chúng ta không xây dựng được phong trào này, thì nhân loại sẽ chết mất. Hiện tượng biến đổi khí hậu củng cố thêm cho sự cấp bách này, trái đất không thể tự bảo vệ, chính chúng ta sẽ làm điều đó, chúng ta có mười năm để đạt được chiến thắng, sau đó thì sẽ quá muộn", phát ngôn viên toàn cầu của các phong trào bảo vệ môi trường tâm sự, với tinh thần lạc quan về kết quả của cuộc chiến mà bà đang dẫn dắt một cách không mệt mỏi.
Rémi Barroux (The Hague (Hà Lan), đặc phái viên)
Nhà báo Le Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF