15.10.17

Năm phê phán các công trình của Richard Thaler



NĂM PHÊ PHÁN CÁC CÔNG TRÌNH CỦA RICHARD THALER
Việc trao giải kinh tế của Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển năm 2017 cho Richard H. Thaler đã làm dấy lên nhiều lời ngợi ca tác giả này. Tuy nhiên, trong một bài khá lí thú công bố gần đây trên tạp chí Revue de larégulation, nhà kinh tế học Jean-Michel Servet nêu lên nhiều phê phán đáng được biết đến.
Kinh tế học hành vi
Xin nhắc lại điều được xem là đóng góp chính của vị giáo sư đại học Chicago. Chúng ta không phải là những homo oeconomicus duy lí vì chúng ta là nạn nhân của những thiên kiến nhận thức: Thaler đề xuất giải thích vì sao. Ông làm việc này bằng nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm từ những tình thế được ông sáng tạo và kiểm định trên những “con chuột bạch” hay bằng những quan sát trực tiếp.
Trong số nhiều kết quả của các phân tích của ông, có xu hướng của chúng ta đối với “kế toán cảm tính”. Những tài xế taxi thành phố New York dường như tự ấn định một mục tiêu doanh thu hằng ngày và không muốn hạ thấp ngưỡng này. Những ngày cầu dịch vụ taxi cao, họ nhanh chóng đạt ngưỡng này và giảm bớt sự hiện diện của mình trong thành phố. Những ngày cầu này thấp thì họ làm thêm giờ để đạt ngưỡng. Như thế, trái ngược với giáo huấn của lí thuyết kinh tế thống trị, những ngày cầu cao họ giảm cung dịch vụ và những ngày cầu thấp thì tăng cung này lên. Đây là một ví dụ, trong số nhiều ví dụ khác, của tính duy lí hạn chế của chúng ta khi đối mặt với những quyết định phải lấy.
Như giải thích của nhà kinh tế Alexandre Delaigue các công trình của ông đã đưa Thaler đến việc chủ trương một “Nhà nước gia trưởng tự do” để cho các cá thể có sự lựa chọn nhưng lại làm thay đổi môi trường ra các quyết định của các cá thể này nhằm định hướng các quyết định ấy theo chiều có lợi, hay được đánh giá là có lợi, cho những người sử dụng. Đây là cách tiếp cận gọi là “cú hích” (nudge), cú hích để đánh thức bạn và thu hút sự chú ý của bạn. Điều này được một số người tóm tắt bằng một từ: thao túng!
Các phê phán
Jean-Michel Servet (1951-)
Jean-Michel Servet nêu nhiều phê phán đối với những phương pháp được Thaler vận dụng. Nếu các tác phẩm của tác giả này đoạn tuyệt với giả thiết lựa chọn duy lí của các cá thể thì nhiều yếu tố thiết yếu của trào lưu chính vẫn được bảo tồn: cách tiếp cận cá thể luận, tập trung vào những nhân tố kinh tế vi mô có tính quyết định của cung và cầu, ... Và khi Thaler nhận lấy về mình việc sáng tạo từ “Econ” để chỉ những ai tin vào homo oeconomicus (con người kinh tế) thì ông đã quên rằng đó cũng là trường hợp của Axel Leijonhufvud trong một bài viết công bố năm 1973!
Ông hoàn toàn để qua một bên những hiệu ứng kinh tế vĩ mô và xã hội của những quyết định được phân tích, điều này dẫn ông đến, ví dụ, việc tôn vinh Uber vì năng lực của công ti này trong việc ấn định giá một cuốc xe bám sát thị trường mà quên mất những điều kiện lao động và lương bổng của các tài xế.
Liệu những công trình của Thaler có cho phép đưa những đóng góp của suy tưởng tâm lí học vào kinh tế học không? Jean-Michel Servet nhấn mạnh là nguyên nhân của các hành vi được gán cho “những logic hành động không được xác định về mặt xã hội và văn hoá. Các logic này không làm rõ chi tiết của bối cảnh vì chúng thuộc về những đặc điểm nội tại của con người, phi thời gian, và không được định vị về mặt xã hội. Thế mà, theo chính tác giả, đại đa số các nhà tâm lí học bác bỏ phương pháp này”.
Marcel Mauss (1872-1950)

Những kiểm định thực nghiệm được Thaler tiến hành trên các giáo sư và sinh viên. Có thể nào khái quá hoá cho loài người những hành vi xuất phát từ phản ứng của 90% “người tây phương, thường ở Bắc Mĩ, có học và sống trong những xã hội giàu có và dân chủ”?
Một trong những kết quả có ảnh hưởng lớn của Thaler nhằm chỉ ra rằng chúng ta gắn bó với những gì ta đã có hơn là với những món lợi tiềm tàng, điều được ông gọi bằng “hiệu ứng sở hữu” hay nỗi “ngại mất mát”. Câu hỏi của Servet là như thế làm thế nào giải thích những hành vi tặng quà và tặng quà đáp trả, mà bằng chứng được tìm thấy khắp nơi trên thế giới từ thời Marcel Mauss đến nay, qua đó điều quan trọng là cho đi và chờ đợi được đáp trả?
Jean-Michel Servet còn có những phê phán cụ thể khác về những kết quả của kinh tế học hành vi mà Richard H. Thaler là một trong những người phát ngôn. Và ông kết luận bằng cách nhắc lại rằng, giống nhiều nhà kinh tế khác, Thaler “đầu tư” nhiều vào những chủ đề tài chính, đến mức tác giả là một trong những nhà lãnh đạo của quỹ đầu cơ Fuller & Thaler Asset Management  ở California mà các chiến lược đầu tư dựa trên những lí thuyết của tác giả ... và có lẽ tiền thưởng của giải sẽ được đưa vào đây.
Christian Chavagneux
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Cinq critiques sur les travaux de Richard Thaler”, Alternatives Économiques, 10.10.2017
Print Friendly and PDF