14.10.17

Richard Thaler, một giải Nobel kinh tế “mất dạy”



RICHARD THALER, MỘT GIẢI NOBEL KINH TẾ “MẤT DẠY”
Alexandre Delaigue, giáo sư kinh tế tại Lille
Richard Thaler là một nhà kinh tế học không giống ai. Ông biết cách viết như thế nào và được phú cho một khiếu hài hước vững chắc, hai điều không nhất thiết là những đặc điểm phổ biến nhất trong giới kinh tế học. Nếu bạn không tin, hãy đọc Nudge [Cú hích], cuốn sách mà ông là đồng tác giả với luật gia Cass Sunstein, nhưng đặc biệt là cuốn tự truyện của ông Misbehaving [Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính] (khó dịch, nhưng có nghĩa là “người hành xử sai trái”), sẽ sớm được dịch ra tiếng Pháp, một hiệu ứng của giải Nobel kinh tế. Nhưng phẩm chất chính của ông, nếu tin theo lời của bạn ông Daniel Kahneman, người được trao giải Nobel về kinh tế học, là sự lười biếng. Thaler, từ sự thú nhận bản thân, là người rất lười biếng, rất chậm chạp để hoàn thành các bài viết của mình, một nghịch lý nhưng cũng là một lợi thế: ông chỉ nghiên cứu những đề tài đủ sức hấp dẫn để vượt qua tính lười biếng của mình.
Daniel Kahneman (1934-)

Là giáo sư mới vào nghề, các sinh viên của ông đã phàn nàn về điểm trung bình của kỳ thi: 72 trên 100, một điểm trung bình khiến hàng chục sinh viên bu quanh phòng làm việc của ông để nói rằng đề thi quá khó. Ông quyết định thay đổi tổng điểm, chấm bài thi trên 137, và không thay đổi thêm gì khác. Năm tiếp theo, điểm trung bình của kỳ thi là 96 trên 137, tức 70 trên 100 – thấp hơn so với năm trước. Nhưng các sinh viên thì lại rất vui. Con số 96 gần với 100 hơn và đã cho cảm giác là kỳ thi đã thành công, ngay cả khi kết quả cuối cùng không hề thay đổi (dù thế nào đi nữa, ông cũng sẽ chấm điểm A cho 10% sinh viên đứng đầu, rồi đến điểm B, rồi đến điểm C, v.v.). Kể từ năm sau, tất cả các đề thi của ông đều bắt đầu với cảnh báo sau đây gửi cho sinh viên: “Kỳ thi được chấm trên tổng điểm 137 bởi vì nó có vẻ làm các bạn hài lòng. Nhưng điều đó không làm thay đổi điểm số cuối cùng”. Sinh viên không bao giờ phàn nàn nữa.
Giai thoại này tóm tắt cách làm của Thaler. Nhận diện một sự kỳ quặc trong hành vi con người – chẳng hạn như thực tế chấm điểm với một con số to đùng có vẻ như là điều tốt hơn ngay cả khi nó không hề làm thay đổi thứ hạng xếp loại – rồi thay đổi bối cảnh xuất hiện của sự kỳ quặc này để có được một sự cải thiện.
Cái giá của mạng người
Thomas Schelling (1921-)
Luận án của ông đề cập đến một chủ đề có vẻ rùng rợn: giá trị mạng người. Tự thân vấn đề có vẻ gây sốc, nhưng đó là một vấn đề quan trọng về chính sách công. Theo gợi ý của Thomas Schelling, hãy đăng bức ảnh một bé gái bị bệnh ung thư sắp chết trên số báo tháng 11, nói rằng việc chi ra một triệu US$ có thể giúp kéo dài sự sống của cô bé đến lễ Giáng sinh, thì những hiến tặng sẽ đùng đùng chảy dồn về. Ngược lại, nếu đăng thông báo cần phải tăng các mức thuế tại địa phương để mua một hệ thống làm sạch trị giá một triệu US$ cho chính bệnh viện đó, để có thể làm giảm lượng bệnh nhân bị nhiễm bệnh trong bệnh viện này xuống 5% và như vậy sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng mỗi năm, thì các phản ứng sẽ không giống nhau. Trong nhận thức của tập thể, giá trị của những sinh mạng được cứu sống là khác nhau. Nhưng đối với các chính sách công, thì buộc phải có lựa chọn. Ý tưởng để lựa chọn như sau: nhận diện những gì mà về mặt lý thuyết người sử dụng sẵn sàng chi trả cho việc làm giảm tỷ lệ tử vong. Ví dụ, giả sử chúng ta xây một đường cao tốc và đề nghị người sử dụng trả một khoản phí cầu đường là 10 euros, để có thể trang bị những thiết bị an toàn giao thông làm giảm số tai nạn giao thông xuống 10 tai nạn trên 1 triệu xe; hoặc một khoản phí cầu đường là 100 euros, để làm giảm số tai nạn giao thông xuống 9 tai nạn trên 1 triệu xe. Có nhiều khả năng là lựa chọn đầu tiên sẽ được ưa thích hơn, giúp xác định “cái giá của mạng người” và đưa ra các quyết định tương ứng. Các phương pháp được nhận diện theo cách tính này trong luận án của Thaler vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay trong các quyết định công – ngày nay “cái giá của mạng người” vào khoảng 7 triệu USD.
Những điều không nhất quán và thiên lệch ​​nhn thc
Nhân tiện, khi soạn thảo luận án của mình, Thaler đã nhận thấy rằng những lựa chọn của con người thiếu sự nhất quán. Tự thân, đây không phải là một khám phá thú vị: “con người không duy lý” không phải là một nhận xét có chiều sâu cũng chẳng đáng chú ý, trái với niềm tin của những người suy luận rằng toàn bộ cấu trúc của các khoa học kinh tế sẽ sụp đổ khi nó được phát biểu. Vì còn phải nhận diện cách thức và lý do tại sao con người hành động theo cách họ đang làm, một điều rõ ràng là phức tạp hơn nhiều.
Thaler bắt đầu thu thập những điều không nhất quán, những điều kỳ quặc, trong hành vi con người (trong một thời gian, danh sách những điều này được viết lên bảng trong phòng làm việc của ông, dưới tiêu đề “Những trò ngớ ngẩn mà con người đang làm”). Trong bữa tiệc, ở phần khai vị, khách mời tự vỗ béo bằng đậu phộng. Tôi lấy bát đậu phộng ra khỏi bàn và mọi người cảm ơn tôi. Tại sao họ không quyết định, một cách đơn giản, để đậu phộng lại trong bát nếu không muốn ăn quá nhiều? Hoặc giả, tôi có được vé miễn phí xem một trận đấu [bóng] vào buổi tối. Nhưng buổi tối hôm đó trời mưa khủng khiếp và tôi không muốn đi nữa – trong khi vẫn thừa nhận rằng nếu tôi đã trả 20 euros để mua chiếc vé đó, thì tôi sẽ đi xem trận đấu. Hoặc nữa: Tôi đi mua một cuốn sách có giá 25 euros. Người bán cho tôi biết cũng cuốn sách đó được bán với giá 15 euros tại cửa hiệu mới thuộc chuỗi cửa hàng, cách đây 10 phút đi bộ. Tôi đi mua một chiếc điện thoại có giá 795 euros. Người bán cho tôi biết cũng chiếc điện thoại đó được bán với giá 785 euros tại cửa hàng mới của thương hiệu, cách đây 10 phút đi bộ. Liệu quyết định của tôi có giống nhau trong cả hai trường hợp không? Hầu như chắc chắn là không. Thế mà trong cả hai trường hợp tôi phải đi bộ 10 phút để tiết kiệm 10 euros. Hoặc, tôi nhận thấy mình chi tiền một cách khác khi trả bằng tiền mặt – rút tiền khỏi ví của mình –, và khi chi cùng một số tiền đó bằng thẻ tín dụng, được khấu trừ trực tiếp trên tài khoản [ngân hàng] của tôi. Hoặc là hành vi bất đối xứng của con người khi đối mặt với những phần được và phần lỗ.
Maurice Allais (1911-2010)
Các ví dụ nói trên có vẻ mang tính giai thoại nhưng minh họa những thiên lệch về mặt nhận thức, những hình thức không nhất quán có hệ thống trong hành vi của chúng ta. Những thiên lệch về mặt nhận thức này đôi khi có thể có những hậu quả hết sức quan trọng trong thực tế, khiến con người hành động ngược lại với lợi ích của họ, giải thích vì sao một số thị trường vận hành kém hiệu quả, hoặc tạo ra những cơ hội kiếm tiền cho những ai biết nhận diện và khai thác các thiên lệch này. Công trình của Thaler nhằm giúp nhận diện những thiên lệch ấy và đo lường sự tồn tại của chúng thông qua các thí nghiệm và các kiểm định thực nghiệm. Phạm vi ứng dụng của những ý tưởng của ông là rất lớn, từ những quy luật dự báo được trên các thị trường tài chính (ví dụ, hiệu ứng tháng Giêng, làm cho thị trường chứng khoán có những kết quả hoạt động tốt hơn vào tháng Giêng so với các tháng khác, một điều bất thường chỉ diễn ra một lần sau khi được tiết lộ), đến hành vi tuyển dụng của các đội bóng rổ chuyên nghiệp (Thaler đã cho thấy là các đội bóng đã trả lương quá mức cho một số cầu thủ, một hiện tượng cũng được quan sát thấy trong môn bóng chày và là nguồn gốc thành công của câu lạc bộ Oakland As, được kể lại trong bộ phim Moneyball [Tiền bi]).
Kinh tế học hành vi
Herbert A. Simon (1916-2001)
Robert Shiller (1946-)
Nhiều nhà kinh tế học khác, trong đó có cả những người được trao giải Nobel, quan tâm đến những vấn đề này là: Maurice Allais, Herbert Simon, Robert Shiller và Daniel Kahneman. Vai trò cụ thể của Thaler bao gồm hai phần. Thứ nhất, ông đã không mệt mỏi thúc đẩy những ý tưởng này trong giới các nhà kinh tế khác. Bị lờ đi và nhạo báng lúc ban đầu, ông kiên trì đấu tranh để các đồng nghiệp của ông thừa nhận những ý tưởng đó, mà ngày nay được gọi là kinh tế học hành vi. Ông đã mở một mục bình luận trên chuyên san Journal of Economic Perspectives [Tạp chí các viễn cảnh kinh tế] có tên là “Anomalies [Những điều không bình thường]” mô tả và giải thích các nghịch lý này. Ông đã chỉ ra tầm quan trọng và hệ quả của chúng cho các nhà kinh tế học, những người thường có khuynh hướng xem xét những điều không bình thường này hoặc như là những điều tò mò, hoặc như là những hiện tượng sẽ biến mất trên thị trường hoặc khi con người đưa ra những “quyết định thực”. Trong thực tế, nếu thực sự có những thiên lệch trong các thí nghiệm ở phòng thí nghiệm chỉ ra những thiên lệch về mặt nhận thức, thì những thiên lệch này có những hệ quả đáng kể.
Cú hích và “chủ nghĩa gia trưởng tự do”
Cass Sunstein (1954-)

Điều này đã dẫn tới ý tưởng, cùng với Cass Sunstein, thể hiện những thiên lệch ​​này trong các chính sách công. Lập luận là như sau: chúng ta thường là nạn nhân, mà không ý thức được, của những lựa chọn được bày ra theo cách thúc đẩy chúng ta hành động theo hướng mà chúng ta có thể hối hận sau này. Đôi khi chỉ cần có những điều chỉnh nhỏ trong môi trường để có thể cải thiện một cách đáng kể những hậu quả gây ra. Ví dụ điển hình là hình vẽ con ruồi trong các bồn tiểu, làm cho người sử dụng [bồn tiểu] kỳ lạ thay ít vung vãi. Nhưng cũng có những thứ quan trọng hơn. Ví dụ, một hệ thống cung cấp cho bạn quyền lựa chọn quyết định trước khi sự việc xảy ra rằng lãi suất tiết kiệm của bạn sẽ tự động tăng lên khi thu nhập của bạn tăng lên (bạn có thể thay đổi tùy chọn này bất cứ khi nào bạn muốn) khiến bạn tiết kiệm nhiều hơn so với một cơ chế mà bạn phải tự quyết định lãi suất tiết kiệm của mình. Hoặc giả, trưng bày trái cây ở phía trước căng-tin và các đồ ngọt ở phía sau sẽ khiến người ta ăn đúng dinh dưỡng hơn.
Kiểu “chủ nghĩa gia trưởng tự do” này – ý tưởng cho bạn quyền lựa chọn, nhưng lại điều chỉnh môi trường của các quyết định nhằm định hướng các quyết định theo một hướng thuận lợi cho người sử dụng, đã bị chỉ trích: chính những người có quyền đưa ra các quyết định chính trị là những người triển khai thuyết [gia trưởng tự do] đó, cũng bị ảnh hưởng bởi những thiên lệch về mặt nhận thức và sai sót trong phán đoán mà họ đang tìm cách “bảo vệ” công dân. Nhưng Thaler và Sunstein nhắc lại rằng dù sao đi nữa, thì luôn có một môi trường mặc định – và không có lý do gì để môi trường này là thỏa đáng hơn. Họ cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp, sử dụng các phương thức tiếp thị rất năng nổ, lạm dụng những thiên lệch về mặt nhận thức của người tiêu dùng và rằng các ý định và thực hành của họ còn đáng phê phán hơn nhiều so với những người ra quyết định hoặc chuyên gia. Tại Anh Quốc, chính phủ của David Cameron đã thành lập một “đơn vị cú hích” chịu trách nhiệm suy nghĩ về những vấn đề này và triển khai những cải tiến nhỏ và cụ thể. Ví dụ, chỉ cần gửi thư cho người đóng thuế thông báo thời gian báo cáo thu nhập của họ đã quá hạn, và rằng “đã có 90% người dân trong vùng đã gửi báo cáo đúng hạn”, một việc làm hiệu quả hơn nhiều so với việc đe dọa trừng phạt.
Để đi xa hơn
Các sách và bài viết của Thaler rất dễ tiếp cận và được viết với khiếu hài hước rất cao, cho dù còn có rất ít bản dịch (một điều sẽ sớm thay đổi thôi). Đây là bản thông báo dài và bản thông báo ngắn của ủy ban Nobel giải thích việc trao giải thưởng. Đây là một bài phỏng vấn qua đó ông trình bày các công trình của mình. Đây là blog của cuốn sách của ông. Đây là nhiều bài viết cho công chúng, cho thấy chủ nghĩa chiết trung trong những lựa chọn của ông. Đây là một bài viết hay (với một tiêu đề tồi) trên kênh France Culture.
Thaler thông báo rằng ông sẽ sử dụng tiền thưởng của mình một cách phi duy lý: có nhiều khả năng ông sẽ mua một vài thùng rượu whiskey mà ông thích. Về kinh tế học hành vi, đây là một giai đoạn quan trọng trong tư duy kinh tế gần đây, mặc dù hậu thế của nó còn đặt ra nhiều vấn đề. Dù thế nào đi nữa, ông là một người đáng mến được trao giải Nobel, một con người biết thưởng thức cuộc sống đã mang lại cho kinh tế học một chút lý lẽ thông thường thường thiếu vắng ở bộ môn này. Chúng ta không bao giờ có thể nói hết lời cảm ơn ông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Richard Thaler, un prix nobel d'économie mal élevé, blog francetvinfo, 09/10/2017.
Print Friendly and PDF