5.10.17

Liệu có đủ những nhà kinh tế học giỏi cho giải Nobel hàng năm không?


LIỆU CÓ ĐỦ NHỮNG NHÀ KINH TẾ HỌC GIỎI CHO GIẢI NOBEL HÀNG NĂM KHÔNG?

Jean-Edоuard Cоlliard
Chú thích kỹ thuật: nếu bằng một phép lạ nào đó, blog này vẫn tồn tại sau dòng chảy bình thường của ngày thứ hai đáng ngại trong tháng mười, thì chúng tôi sẽ mở lại các mục bình luận. Vâng, vâng, đúng vậy.
Biên tập: và giải thưởng năm 2013 đã được trao cho Eugene Fama, Lars Peter Hansen và Robert Shiller, vì những phân tích thực nghiệm của họ về giá cả các tài sản tài chính. Do đó, chúng ta vẫn nằm trong xác suất 22.5% mà tôi gán cho việc mình sai lầm. Tôi thừa nhận rằng, như tất cả mọi người, nếu từ lâu tôi đã đề cập đến Fama/Shiller như là những người có tiềm năng được trao giải, tôi vẫn ngạc nhiên khi họ được giải khá sớm sau cuộc khủng hoảng tài chính. Vì vậy, ủy ban Nobel đã rất can trường hơn những gì tôi nghĩ và đã không ngần ngại giải thích lý do tại sao những đóng góp của Fama lại rất quan trọng để hiểu được điều gì đang xảy ra ngày nay, đó là một điều tốt rồi.
Giải thưởng PBSSEMAN kế tiếp sẽ được trao vào chiều ngày thứ Hai tới. Như mọi năm, một số đồng nghiệp biết được sở thích của tôi, đã yêu cầu tôi đưa ra một vài dự đoán, và khởi động các cuộc tranh luận về giải thưởng, vốn là mục thông tin thường xuyên hàng năm. Sau mục “Liệu giải thưởng có dành riêng cho người Mỹ không?” của năm ngoái, năm nay tôi đề xuất thảo luận về khẳng định sau đây, thường được đồn đoán: khi sáng lập ra giải thưởng đã có rất nhiều tên tuổi lớn trong quá khứ để trao giải và rất dễ tìm ra một người giỏi để trao giải mỗi năm, nhưng về lâu dài thì nổi lên vấn đề là không có đủ nhà kinh tế học giỏi để trao giải hàng năm. Thế nên tôi sẽ mạo hiểm đưa ra một số dự đoán.
Paul Samuelson (1915-2009)
John R. Hicks (1904-1989)
Trước hết chúng ta phải thận trọng với khẳng định nói trên. Chỉ với độ lùi của thời gian thì một số tên tuổi lớn của quá khứ mới trở nên nổi tiếng. Các nhà kinh tế học khó nhận ra ​​những người phi thường trong số các nhà kinh tế học mà họ đã từng làm việc, đã từng gặp mặt tại các hội nghị, hoặc thậm chí đã từng bác bỏ các bài viết với tư cách là người bình duyệt. Ngày nay, sẽ thật dễ để huyền thoại hóa Hicks hoặc Samuelson, nhưng vào thời của họ, không nghi ngờ gì việc trao giải Nobel cho họ đã dấy lên những cái nghiếng răng bất bình. Ý tưởng cho rằng kinh tế học không thể tạo ra một nhà nghiên cứu có “trình độ Nobel” hàng năm hẳn là đã tồn tại từ ngày sáng lập giải thưởng.

Một cách tốt để tiếp cận vấn đề hơi nghiêm túc một chút là tham gia vào thử nghiệm tư duy sau đây. Hãy thử giả sử rằng thực sự có thiếu người có khả năng để được trao giải Nobel về kinh tế học. Như vậy người ta sẽ mong đợi Ủy ban Nobel tìm cách sàng lọc tối đa nguồn tài nguyên quý hiếm này, để tìm ra một người có khả năng được trao giải Nobel. Để làm được điều này, điều tối ưu là nên bắt đầu khen thưởng những nhà kinh tế học lớn tuổi nhất (để giảm thiểu xác suất việc một người có khả năng được trao giải Nobel chết đi trước khi được giải thưởng), nếu có thể là mỗi lần một người. Kế tiếp, do theo giả thuyết kinh tế học sản sinh ra ít hơn một người có khả năng được trao giải Nobel hàng năm, nên ủy ban sẽ phải khen thưởng những nhà khoa học ngày càng trẻ tuổi hơn, cho những công trình nghiên cứu gần đây hơn, cho đến khi cạn kiệt nguồn cung và đành phải giải quyết vấn đề bằng cách chỉ trao giải thưởng theo nhịp độ “sản sinh” ra những người được trao giải.
Dĩ nhiên là ủy ban cũng có thể điều chỉnh theo chất lượng cần thiết để được nhận giải thưởng. Tuy nhiên, trong giả thiết một mức cung quá ít những người có khả năng được trao giải Nobel, thì chắc là ta phải quan sát được một khuynh hướng khen thưởng cho những công trình nghiên cứu ngày càng gần đây hơn. Biểu đồ dưới đây trình bày giả thiết này. Mỗi điểm là một người được trao giải Nobel. Hoành độ là năm trao giải thưởng, tung độ là năm đóng góp của công trình chính của người được trao giải (trong trường hợp có nhiều công trình đóng góp thì biểu đồ sử dụng số bình quân gia quyền, việc lựa chọn các công trình đóng góp cũng như các trọng số dĩ nhiên là có phần nào đó tùy tiện).
Đường màu đen là một đường hồi quy cho thấy mối quan hệ trung bình giữa năm trao giải và năm đóng góp các công trình được trao giải. Nếu việc sản sinh ra những người có khả năng được trao giải Nobel có chất lượng ngang nhau được điều chỉnh hoàn toàn theo nhịp độ hàng năm của giải thưởng, thì chúng ta sẽ có một đường thẳng với độ dốc bằng 1. Ở đây, độ dốc là 0,96, không quá xa 1 và đồng thời cũng cho thấy chúng ta có khuynh hướng trao giải cho những công trình nghiên cứu ngày càng xưa khi thời gian trôi qua, tức là ngược lại với giả thuyết được kiểm định.
George Stigler (1911-1991)
James Tobin (1918-2002)
Chúng ta quan sát thấy những điều thú vị khác trên biểu đồ này. Đầu tiên, có một sự bất đối xứng nhất định giữa các điểm ở hai bên đường thẳng: có những điểm ở trên [đường thẳng], là những người được trao giải sớm hơn so với số trung bình, nói chung khá gần [với đường thẳng], với một vài trường hợp ngoại lệ như Stigler (15 năm chờ đợi), Tobin (17 năm), Friedman (17 năm) và Arrow (18 năm). Ngược lại, có những điểm ở dưới [đường thẳng] tượng trưng cho những người được trao giải trễ hơn so với số trung bình, có thể xa hơn nhiều [so với đường thẳng] và có một phương sai quan trọng hơn. Những trường hợp kỷ lục là Shapley (50 năm chờ đợi), Haavelmo (45 năm) và Ohlin (44 năm).
Bertil Ohlin (1899-1979)
Lloyd Shapley (1923-2016)
Chúng ta có vẻ ở gần hơn với logic ngược: giải thưởng được trao cho những công trình đóng góp với độ chênh lệch về thời gian gần 25 năm (thời gian chờ đợi trung vị là 26, mode là 24), và đôi khi bao gồm những lão thành lớn tuổi hơn và có khi đã phần nào bị quên lãng.
Cuối cùng, chúng ta xem xét đến các chu kỳ, một điều thú vị, tương ứng khá tốt với các thời kỳ mà chúng tôi đã nhận diện cùng với Emmeline[*]. Như vậy, trong thời kỳ 1976-1985 khi “kinh tế học đi tìm một tính chính đáng mớichúng ta chỉ thấy các nhà kinh tế học được trao giải sớm hơn trung bình, một điều tương ứng khá tốt với phân kì lịch sử của chúng tôi. Trong thời kỳ tiếp theo 1986-1996 của “kinh tế học ca khúc khải hoàn”, chúng ta quay trở lại một sự cân bằng giữa những người “trẻ tuổivà người “lớn tuổi”, nói thực ra với sự đổi mới một tập hợp những “cây đa cây đề” lão thành.
Một điều thú vị khác cần xem xét là số lượng người được trao giải hàng năm diễn biến như thế nào. Biểu đồ dưới đây minh họa số trung bình những người được trao giải từ giữa năm 1969 và năm 2012, đến năm thứ t (tức là điểm cuối cùng tương ứng với số trung bình từ năm 1969 đến năm 2012).
Ở đây một lần nữa, có một sự tương ứng nhất định với sự phân kì của chúng tôi, một xu hướng giảm rõ rệt đến năm 1988, và sau đó là một sự gia tăng liên tục, không tiên đoán được điều gì tốt cho số lượng các bài cần phải viết về các tác giả trong những năm tới.
Trygve Haavelmo (1911-1999)
William Nordhaus (1941-)
Chúng ta có thể liên kết sự gia tăng thấy được ở phần thứ hai với câu hỏi ban đầu theo hai cách khá khác nhau. Diễn giải thứ nhất là tập hợp các ứng viên có khả năng được trao giải Nobel đã gia tăng thực sự theo thời gian, đến mức khi ủy ban [Nobel] trao giải cho những công trình nghiên cứu đã ra đời 25 năm trước, thì từ nay phải khen thưởng có hệ thống cùng lúc một nhà kinh tế học lớn tuổi, nếu không muốn để họ chết mà chưa nhận giải thưởng. Diễn giải thứ hai là giờ đây khi kinh tế học là một ngành học chín chắn hơn, thì điều bình thường là nghiên cứu tiến triển nhờ ít vào những nhân vật lớn mà nhờ vào công trình nghiên cứu tập thể nhiều hơn. Một ví dụ điển hình là giải trao cho Diamond-Mortensen-Pissarides, khen thưởng đồng thời ba tác giả cùng nghiên cứu những chủ đề giống nhau, mà sự tổng hợp đã tạo ra một cách tiếp cận mới về kinh tế học lao động.
Cách đặt vấn đề này đặt ra không chỉ riêng cho kinh tế học, như câu hỏi gần đây nhất là liệu tổ chức Cern [Centre Européen pour la Recherche Nucléaire – Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu] có nên được trao giải thưởng Nobel tập thể không cho việc khám phá mang tính thực nghiệm các hạt Higgs. Vả chăng đây là điều thú vị để lặp lại các biểu đồ nói trên với các giải của những bộ môn khác, nhằm để xem liệu các hiện tượng “chuẩn hóatương tự có xuất hiện không.
Esther Duflo (1972-)
Paul Romer (1955-)
Cuối cùng, hãy thử đi đến một vài dự đoán. Đầu tiên, hãy nhớ rằng số năm trung vị chờ đợi là 26 năm. Từ năm 1997, giải thưởng được trao “nhanhnhất sau 21 năm. Vì vậy, cần phải tìm những tác giả có các công trình nghiên cứu quan trọng đã được công bố vào khoảng năm 1987 hoặc trước đó, và rất nhiều khả năng không phải là sau năm 1990. Theo quan điểm của tôi, một lần nữa đây là thời điểm khá sít sao cho một giải về kinh trắc học ứng dụng được trao cho Card và Krueger (giải thưởng chung đầu tiên vào năm 1992), hoặc một giải thưởng có liên quan cho Esther Duflo, người vừa mới tốt nghiệp tú tài vào năm 1990. Chúng ta thấy có rất nhiều nghiên cứu về kinh tế học vi mô vào thời kỳ này, nhưng Roth và Shapley đã được trao giải vào năm trước. Một giả thiết đôi khi được nêu là trao cho Paul Romer vì các lý thuyết tăng trưởng nội sinh, một hồ sơ rất tương hợp với giải Nobel, nhưng người ta cũng thường cho là các lý thuyết này cuối cùng đã gây thất vọng, đặc biệt khi bài viết chính của Romer dự đoán rằng các nước đang nổi lên sẽ không bắt kịp các nước đã phát triển, chính ngay vào lúc mà châu Á đã làm được điều đó. Tên của William Nordhaus cũng đã đề cập đến vì những công trình nghiên cứu của ông về môi trường. Với tôi, điều này có tính khả thi nhưng hoàn toàn không hiển nhiên. Nên nhớ rằng ủy ban Nobel chắc chắn sẽ phải “thuyết phục” rằng đây là ứng viên xứng đáng trước toàn thể Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, trong đó chắc chắn có một số lớn nhà vật lí học, nhà khí hậu học và các nhà khoa học “cứngkhác, những người sẽ thấy Nordhaus quá “mềmđối với một chủ đề có thể đặt họ vào một thế cạnh tranh trực tiếp. Tôi cũng không chắc liệu ông ấy có được hậu thuẫn trong giới hàn lâm không, nhưng tại sao không nếu ủy ban một lần nữa muốn cho thấy lợi ích xã hội của cách tiếp cận kinh tế.
Douglas Diamond (1953-)
Jerry Hausman (1946-)
Vào một thời điểm nào đó, ủy ban Nobel một lần nữa sẽ phải trao giải cho các công trình về tài chính/ngân hàng, hẳn là với một chiều kích có tính phê phán hơn. Tôi nghĩ là họ đang chờ cuộc khủng hoảng qua đi một thời gian khá dài, đủ để sự lựa chọn ra vẻ không bị ảnh hưởng bởi các biến cố, nhưng giờ đây khi đã có những dấu hiệu phục hồi còn mập mờ thì liệu có phải là thời điểm đã đến chưa? Tôi ít có niềm tin về việc trao giải thưởng về tài chính cho Shiller. Một giải thưởng về ngân hàng cho Douglas Diamond có vẻ là điều đáng tin hơn, nhưng cũng không chắc lắm vào thời điểm này khi hiện tại đang diễn ra các cuộc tranh luận học thuật về sự điều tiết các hoạt động của ngân hàng. Điều đó sẽ làm tăng trọng lượng nhiều hơn đối với các lập luận của Diamond, và đưa giải thưởng đến một tầm mà ủy ban có thể muốn né tránh.
Cuối cùng, đây sẽ là một năm tốt để trao giải cho một số ít nghiên cứu về kinh trắc học kỹ thuật (chúng ta đã có Sims và Sargent hai năm trước đây, nhưng chủ đề nằm giữa kinh tế học vĩ mô và kinh trắc học). Vậy thì trao giải cho Jerry Hausman hay Peter Phillips, ví dụ.
Dale Jorgenson (1933-)
Peter C. B. Phillips (1948-)
Như mọi năm, niềm hy vọng thầm kín của tôi là ủy ban Nobel trao giải cho một lão thành lớn tuổi đã bị quên lãng một cách bất công. Năm ngoái, tôi đã từng hy vọng cho Shapley, và năm nay tôi thấy Dale Jorgenson xứng đáng với vai trò đó. Hoặc một tên tuổi lớn khác cùng loại.
Cuối cùng, đây là những xác suất chủ quan của tôi. Xin lưu ý là mỗi lần như vậy tôi không bỏ qua khả năng đồng nhận giải thưởng, và bài học chính của những dự đoán này, theo suy nghĩ của tôi, là một bài tập khó. Câu trả lời sẽ có vào ngày mai, thứ Hai.
Paul Romer: 17,5%
Jerry Hausman: 17,5%
Dale Jorgenson: 6%
Peter Phillips: 6%
William Nordhaus: 5%
Douglas Diamond: 3%
Những người yêu quý khác mà tôi không đề cập đến, trong trường hợp mà tôi sai lầm: 22,5%

Một trường mà không ai mong đợi, trong trường hợp mà mọi người sẽ sai lầm: 22,5%
 Jean-Edоuard Cоlliard
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Y a-t-il assez de bons économistes pour un Nobel annuel?, Petit cours d'économie, 25/05/2017.




[*] Xem Giải Nobel kinh tế, Jean-Esdouard Colliard và Emmeline Travers, NXB Tri thức, Hà Nội, 2008 (ND)

Print Friendly and PDF