16.10.17

Công trình của Richard Thaler chứng minh vì sao kinh tế học khó đến thế



CÔNG TRÌNH CỦA RICHARD THALER CHỨNG MINH VÌ SAO KINH TẾ HỌC KHÓ ĐẾN THẾ
Rất khó để mô hình hóa hành vi của những sinh vật, khó kiểm soát về mặt xã hội, như con người
R. A. | WASHINGTON
RICHARD THALER năm nay đã được trao giải thưởng Nobel về các khoa học kinh tế vì những đóng góp của ông cho kinh tế học hành vi. Đó là một giải thưởng xứng đáng và là một giải thưởng sáng tỏ, theo quan điểm của kinh tế học. Trong một thời gian rất dài, các nhà kinh tế học hy vọng xem xét con người giống một chút như các hạt trong vật lý học, mà hoạt động có thể được mô tả bằng một vài quy tắc được hiểu đúng, cho phép các nhà nghiên cứu mô hình hóa và hiểu được sự tương tác phức tạp giữa các hạt. Họ cho rằng quy tắc là những thứ giống như thông tin hoàn hảo, lý luận hướng đến tương lai và tính duy lý. Tất nhiên, các nhà kinh tế học hiểu rằng con người không phải lúc nào cũng hành xử theo các quy tắc đó, nhưng ý tưởng, nói chung, là các quy tắc sẽ cho phép tính đến xấp xỉ thực tế.
Rồi các nhà kinh tế học hành vi xuất hiện, nhận lấy nhiệm vụ nghiên cứu những cách qua đó hoạt động của con người tách ra một cách có hệ thống khỏi các mô hình sử dụng những giả định cơ bản đó. Đối với nhiều nhà kinh tế học trong số trên, mục đích hầu như chắc chắn là tìm ra một tập đối chọn những nguyên lí mô tả hành vi con người, để họ có thể quay lại với công việc mô hình hóa nền kinh tế. Bộ nguyên lí mới đó chưa bao giờ thực sự hiện lên, mà chỉ có một đống những điều kỳ quặc về mặt hành vi. Theo nhận định của mục bình luận tuần này trên trang Free exchange, một trong những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng hành vi là lôi kéo tập thể các nhà kinh tế học từ bỏ một chút khỏi việc tạo ra những lý thuyết lớn, và tập trung nhiều hơn vào những nghiên cứu thực nghiệm và những vấn đề cụ thể về chính sách.
Trong cuộc truy tìm đó, kinh tế học hành vi đã có một số đóng góp có ý nghĩa về chính sách công; ví dụ như cách thức mà các cú hích có thể được sử dụng để giúp con người tiết kiệm nhiều hơn hoặc sử dụng ít hơn năng lượng. Điều chắc chắn là các cú hích sẽ không cứu vãn được thế giới, nhưng bất cứ khi nào các nhà kinh tế học có thể tạo ra một cải tiến thật sự trong các chính sách đời thực, thì chúng ta nên tôn vinh điều đó. Tuy nhiên, theo một số cách nào đó, kinh tế học hành vi đã bị đánh giá thấp: như trong cách nó cho thấy mức độ khó khăn để hiểu được tất cả các nhân tố tác động đến hành vi con người – khá đủ, ít nhất, để có thể hy vọng giải thích được điều đó.
Daniel Kahneman (1934-)
Jack Knetsch (1933-)
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Trong một trong những thí nghiệm nổi tiếng của Thaler – “trò chơi độc tài” được thực hiện với Daniel Kahneman và Jack Knetsch – một người chơi (người độc tài) được trao cho 20 US$ và được nói rằng người chơi đó có thể chia đều số tiền đó giữa mình và một sinh viên khác, hoặc giữ lại 18 US$ và chia cho người chơi kia 2 US$. Một người tối đa hóa lợi ích duy lý được chờ đợi là muốn ​​giữ lại càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, các tác giả thấy rằng đa số sinh viên chọn cách chia đều [số tiền]: bằng chứng mạnh mẽ liên quan đến những điều như sự công bằng có thể quan trọng trong việc con người ra quyết định không kém gì tính duy lý lạnh lùng. Chỉ riêng điều này đã là một thách thức khá ấn tượng đối với kinh tế học theo lẽ thường.
Thí nghiệm sau đó được lặp lại và nhân rộng ra nhiều lần, thường sử dụng với những biến thể hơi khác nhau một chút. Một phiên bản đặc biệt, được thực hiện bởi John List, đã cho ra một kết quả thú vị. Nếu bạn mở rộng các tùy chọn có sẵn cho nhà độc tài để bao gồm việc lấy tiền từ người chơi khác, thì sẽ có ít người tham gia [trò chơi] chọn chia tiền với người chơi khác – dù cho, và đây mới là điều quan trọng hầu hết người chơi sẽ chẳng sử dụng khả năng của mình để lấy tiền từ người chơi khác.
John A. List (1968-)

Điều đó nói lên điều gì? Điều đó có nghĩa là những mối quan tâm về công bằng cũng có một tầm quan trọng rất lớn. Nhưng nó cũng nói lên rằng con người luôn luôn tìm kiếm những tín hiệu từ xã hội và thể chế, về những cách hành động nào được xã hội chấp nhận. Đặt một ai đó trong tình huống mà một cá nhân có tính ích kỷ rất lớn có thể lấy tiền từ một người tham gia khác, thì người chơi sẽ điều chỉnh ý tưởng của mình về kiểu hành vi nào được coi là công bằng. Các quyết định về mặt hành vi không được đưa ra một cách độc lập với môi trường; tồi tệ hơn, thậm chí dường như các khái niệm cơ bản về công bằng sẽ thay đổi tùy theo tình hình.
Đó là một bài học đơn giản nhưng là một bài học sẽ làm cho công việc của các nhà kinh tế học trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Có thể chúng ta hiểu được cách thức con người hành xử trong một thị trường cụ thể. Nhưng sự hiểu biết đó không nhất thiết có nghĩa là chúng ta đã học được một điều cơ bản nào đó về hành vi con người, bởi vì những lựa chọn của con người trong một thị trường phản ánh niềm tin có tính tiến hóa của họ về kiểu hành vi nào sẽ thích hợp trong môi trường hẹp đó. Một môi trường khác, với những tín hiệu khác, sẽ dẫn đến những hành vi khác. Và ngay cả trong một thị trường đặc biệt, việc điều chỉnh một chút theo môi trường sẽ ảnh hưởng đến phán đoán của con người về những gì họ nên và không nên làm.
Điều này giống như việc các nhà kinh tế học đang nghiên cứu để hiểu được các chiến lược của người chơi trong một trò chơi. Nhưng đó là một trò chơi mà trong đó mọi người chơi đều liên tục cập nhật các ý tưởng của mình về các quy tắc và thậm chí về các mục tiêu để đáp lại những gì mà mọi người chơi khác đang làm. Đây là một công việc cực kỳ quan trọng mà các nhà kinh tế học phải tự đặt ra. Nhưng đó thực sự là một công việc buồn thảm và bực bội.
Richard Thaler trở thành một trong số rất ít nhà kinh tế học hành vi nhận được danh dự cao nhất của bộ môn
Richard Thaler (1945-)
Cách đây không lâu, giả thuyết ban đầu của bất kỳ lý thuyết kinh tế nào là con người là những tác nhân duy lý, những người tối đa hóa lợi ích của mình. Tóm lại, các nhà kinh tế học đã bác bỏ bất cứ ai khăng khăng nói khác. Nhưng trong vài thập kỷ qua, các nhà kinh tế học hành vi như Richard Thaler đã dần dần làm khái niệm này liên tục yếu đi. Họ kết hợp kinh tế học với những hiểu biết sâu sắc từ tâm lý học để chỉ ra mức độ mà các quyết định nặng về kinh tế đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi các thiên lệch về ​​nhận thức. Vào ngày 9 tháng 10 [năm 2017], công trình của ông Thaler đã được công nhận ở mức cao nhất, khi Ủy ban Nobel năm nay trao tặng cho ông giải thưởng về kinh tế học. Vì thế, ông Thaler trở thành một trong số rất ít nhà kinh tế học hành vi giành được giải thưởng.
Trong sự nghiệp của mình trải dài trên bốn thập kỷ qua, ông Thaler đã viết rất nhiều sách, hai cuốn sau chót trong thời gian ông giảng dạy tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago. Nghiên cứu của ông đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, như giá cả tài sản, tiết kiệm cá nhân và tội phạm về quyền sở hữu. Ví dụ, ông Thaler đã phát triển một lý thuyết về kế toán tâm lý, giải thích cách thức con người đưa ra các quyết định về tài chính, chỉ nhìn vào hiệu ứng khu biệt của các quyết định cá thể hơn là toàn bộ hiệu ứng. (Thực vậy, ông là một trong những người sáng lập ra chuyên ngành tài chính hành vi.) Ủy ban Nobel cũng nêu bật nghiên cứu của ông Thaler về sự tự kiềm chế, tức là sự căng thẳng giữa kế hoạch hóa dài hạn và các cám dỗ ngắn hạn.

Người được trao giải mới này cũng đã đưa các lập luận của mình tới một cử toạ rộng lớn hơn. Vì lợi ích của các nhà kinh tế học đồng nghiệp không am hiểu (hoặc coi thường) các lý thuyết hành vi, ông đã thường xuyên viết trên mục bình luận của tạp chí Journal of Economic Perspectives, một chuyên san có uy tín, kể lại những ví dụ về hành vi kinh tế vốn vi phạm lý thuyết kinh tế vi mô cổ điển. Đối với công chúng, ông đã viết nhiều sách về kinh tế học hành vi, bắt đầu với cuốn “Quasi-Rational Economics [Kinh tế học tuồng như duy lý]” vào năm 1991.
Nhưng ông Thaler có lẽ nổi tiếng nhất như là người tiên phong về việc “tạo ra cú hích”: sử dụng những hiểu biết sâu sắc về hành vi như là một công cụ của chính sách công. Mặc dù ý tưởng về cú hích không phải là điều gì mới, các doanh nghiệp từ lâu đã sử dụng khoa học hành vi để định hình hành vi của khách hàng, nhưng các chính phủ trong quá khứ chỉ thi thoảng sử dụng tâm lý học.
Cass Sunstein (1954-)
Điều đó đã bắt đầu thay đổi khi ông Thaler và Cass Sunstein, một học giả về pháp lý tại Đại học Harvard, đồng tác giả viết cuốn “Nudge [Cú hích]”, vào năm 2008. Cuốn sách đã tấn công giả định ra quyết định duy lý trong các mô hình kinh tế và cho thấy mức độ mà bối cảnh có thể thay đổi để “hích” con người đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Năm 2010, ông Thaler đã tư vấn chính phủ Anh thành lập nhóm hiểu thấu hành vi [Behavioral Insights Team], một đơn vị tìm cách đưa các ý tưởng của họ vào thực tiễn. Từ đó đến nay đơn vị này của chính phủ đã cực kỳ thành công và đã tách ra thành một công ty tựa tư nhân và giờ đây đang tư vấn cho các chính phủ trên thế giới.
Chỉ vài năm trước đây, từ một nhánh nổi loạn trong các khoa kinh tế học, kinh tế học hành vi đã giành được một vị trí vững vàng không chỉ trong giới học thuật, mà còn trong các cơ quan chính phủ trên thế giới. Từ châu Úc đến châu Mỹ, cũng như trong các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc, cách tiếp cận theo “cú hích” đã được sao chép. Quyết định của Ủy ban Nobel trong việc tôn vinh ông Thaler, tất nhiên, là một sự công nhận những thành tựu cá nhân của ông. Nhưng đó cũng là một minh chứng cho tầm quan trọng mới được tạo lập của bộ môn ông.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Richard Thaler’s work demonstrates why economics is hard, The Economist, October 11, 2017.
Print Friendly and PDF