30.10.17

Keynes và kinh tế thị trường: hai cách đọc khác nhau [I]

John M. Keynes (1883-1946)
KEYNES vÀ kinh tẾ thỊ trưỜng: hai cÁch ĐỌc khÁc nhau [I]
Trần Hải Hạc[*]
Tóm tắt
Chính thống hay tà đạo? Hơn sáu mươi năm sau khi ra đời, Lý thuyết khái quát về nhân dụng, lãi suất và tiền tệ của Keynes vẫn chất vấn người đọc và không ngừng gây ra những cuộc tranh cãi trong giới lý luận kinh tế. Bài viết đầu tiên này nhắm làm sáng tỏ tính chất nhập nhằng, nước đôi của học thuyết mang tên Keynes, từ thời kỳ phổ biến Lý thuyết khái quát sau năm 1936, cho đến thời kỳ thuyết Keynes toàn thắng và trở thành kinh tế học thống trị trong những thập niên 50-60, rồi đến thời kỳ thuyết Keynes bước vào khủng hoảng và suy vong trong những thập niên 70-80, cho tới thời kỳ gần đây đã chứng kiến thuyết Keynes hồi sinh. Một lời mời viếng lại sáu mươi năm lịch sử tư tưởng kinh tế.
Xuất bản năm 1936 dưới đầu đề Lý thuyết khái quát về nhân dụng, lãi xuất và tiền tệ, tác phẩm chủ yếu của John Maynard Keynes đã được ông giới thiệu như là một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế: theo lời của Keynes, đó là một công trình “sẽ tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong cách thế giới tiếp cận các vấn đề kinh tế” [thư gửi G.B. Shaw ngày 1.1 1935, CW, XIII,  trg 492-493][1]. Cuộc cách mạng của Keynes nhằm lật đổ khoa học kinh tế chính thống mà ông còn gọi là “cổ điển”, bao gồm các tác giả cổ điển - kể cả Marx - và các tác giả tân cổ điển đang thống trị khoa học kinh tế đương đại[2]. Theo sự phân loại của Keynes, phạm trù “chính thống” chỉ tất cả các học thuyết tin rằng nền kinh tế thị trường có thiên hướng đạt đến cân bằng toàn dụng do khả năng tự điều chỉnh khi mọi giá cả đều linh hoạt. Phủ nhận điều đó là “tà thuyết”, và Keynes tự xếp mình vào phạm trù này [The Listerner 21.11 1934, CW, XIII, trg 487].


Thông điệp của Lý thuyết khái quát là: 1) Trong nền kinh tế thị trường, cân bằng kinh tế không gắn liền với toàn dụng lao động; nền kinh tế có thể đạt tới cân bằng (là tình trạng cung khớp với cầu và lợi nhuận của các doanh nghiệp được tối đa hoá), song vẫn tồn tại tình trạng “thất nghiệp không tự nguyện”, dù cho giá cả có linh hoạt (cân bằng khiếm dụng). 2) Toàn dụng lao động không phải là kết quả tự nhiên của nền kinh tế thị trường hoạt động tự do; nó là một đòi hỏi về đạo lý, một mục tiêu chính trị mà một cộng đồng xã hội tự đặt ra (nhằm bảo vệ tự do cá nhân, bảo đảm ổn định xã hội) và thực hiện thông qua sự điều tiết của nhà nước (chính sách kinh tế). Về mặt lý luận, học thuyết của Keynes có thật là một tà thuyết cách mạng như tác giả của nó đã khẳng định hay không? Ðó là một vấn đề mà cho đến nay các nhà kinh tế vẫn tiếp tục tranh cãi. Bởi vì đối với Keynes - giống như đối với Marx[3] - không có một cách đọc và hiểu duy nhất, mà có nhiều lối tiếp cận và diễn giải khác nhau. Có thể xếp loại những cách đọc Keynes khác nhau theo hai phạm trù đối lập. Một bên là những tác giả quan niệm rằng thuyết Keynes khả dĩ tổng hợp được với thuyết tân cổ điển, và từ đó có thể sát nhập Keynes vào kinh tế học chính thống. Bên kia là những tác giả cho rằng đọc Lý thuyết khái quát qua lăng kính của kinh tế học chính thống là đánh mất đi tính đặc thù của thuyết Keynes, là không thể nắm bắt được tính chất cách mạng của nó.
Bài viết này giới thiệu hai cách tiếp cận học thuyết Keynes trên đây và gồm hai phần: Keynes và cuộc “tổng hợp tân cổ điển” (I); Lý thuyết khái quát và cuộc “cách mạng Keynes” (II).

I. Keynes và cuộc “tổng hợp tân cổ điển”

Có thể nhận xét rằng lịch sử tư tưởng kinh tế cận đại, từ thập kỷ 30 đến nay, đã đi cùng nhịp với sự thịnh suy của thuyết Keynes:
  • Năm 1936, Lý thuyết khái quát ra đời và được phổ biến ngay trong giới lý luận và nghiên cứu kinh tế.
  • Kể từ sau thế chiến thứ hai và đến đầu thập kỷ 70, trong vòng ba mươi năm, thuyết Keynes trở thành hệ qui chiếu của các chính sách kinh tế, và nó chiếm lĩnh vị trí kinh tế học chính thống của thuyết tân cổ điển “Thời đại Keynes” tương ứng với thời kỳ được gọi là “30 năm vinh quang” của hệ thống tư bản (Les 30 Glorieuses).
  • Sau cuộc khủng hoảng dầu khí 1973, các thập kỷ 70 và 80 chứng kiến sự suy đồi của kinh tế học Keynes và cuộc phản công của các chính sách kinh tế tân tự do. Một số nhà kinh tế tuyên bố thuyết Keynes đã “tiêu vong”.
  • Rồi từ một vài năm gần đây, người ta lại nói đến sự “hồi sinh” của thuyết Keynes và chứng kiến sự kiện “Keynes trở lại”.
Cuộc tranh luận, ở đây, không nhằm xác định thuyết Keynes có thăng trầm hay không và như thế nào trong sáu mươi năm qua, mà là xác định thuyết Keynes thăng trầm đó là thuyết nào? Bởi vì nếu có nhiều cách đọc Keynes khác nhau thì câu hỏi đặt ra là:
  • thuyết Keynes được phổ biến từ năm 1936 là thuyết nào?
  • thuyết Keynes nào đã toàn thắng và thống trị ba mươi năm?
  • thuyết Keynes nào đã đi vào khủng hoảng và suy vong từ thập kỷ 70?
  • thuyết Keynes ngày nay đang hồi sinh là thuyết nào?
Ðó là bốn điểm cần được làm sáng tỏ.

1. Thuyết Keynes được phổ biến

Joan Robinson (1903-1983)
Quyển Lý thuyết khái quát, ngay khi ra mắt, đã dấy lên những cuộc tranh luận, bó buộc Keynes phải cầm bút trở lại để xác định lập trường của ông trong một loạt bài viết đăng trên nhiều tạp chí kinh tế từ năm 1937 đến năm 1939. Quan trọng nhất là bài viết đăng vào tháng hai năm 1937 trên tạp chí Quaterly Journal of Economics mang tựa đề “Lý thuyết khái quát về nhân dụng”: bài này trình bày những nguyên lý cơ bản của tác phẩm năm 1936. Mở đầu bài viết, Keynes nói rõ với độc giả rằng ông chỉ thật sự gắn bó với nội dung của những ý tưởng cơ bản nói trên, còn hình thức diễn đạt những ý tưởng đó thì ông cho là còn ở dạng tạm thời, “chưa cố định”. Theo Keynes, chính cuộc tranh luận “sẽ cho phép phát hiện, với thời gian, phương thức thuyết trình xác đáng nhất” [Keynes, 1937a, trg. 141]. Cũng vì vậy mà, vào cuối năm 1936, khi Joan Robinson - một thành viên của xêmina lý luận hình thành xung quanh Keynes tại trường đại học Cambridge và mang tên The Circus - đề nghị với Keynes để cho bà biên soạn một quyển sách giáo khoa nhằm phổ biến Lý thuyết khái quát, ông đã từ chối ngay. Keynes giải thích rằng bản thân ông “thấy chưa sẵn sàng” và còn đang “chăm chú nghe những phê bình”: “chống mọi sự hấp tấp”, ông muốn “dành thêm thời giờ cho sự thai nghén” [CW, XXI, p. 185-186].
John Hicks (1904-1989)
Cũng vào thời điểm cuối năm 1936, John Hicks, một nhà lý luận tân cổ điển, đề nghị Keynes cho biết ý kiến về bản thảo một bài viết của ông tựa đề “Ông Keynes và các tác giả cổ điển: gợi ý về một cách diễn giải”. Ðối chiếu học thuyết Keynes với học thuyết tân cổ điển, Hicks xây dựng một khung lý luận chung đã trở nên nổi tiếng: đó là mô hình IS-LM phân tích sự cân bằng chung của những thị trường có giá linh hoạt, trừ thị trường lao động có giá cố định[4]. Ông tóm lược hai học thuyết trong một hệ hai phương trình với hai ẩn số: phương trình I = S (đầu tư = tiết kiệm) thể hiện cân bằng trên thị trường sản phẩm; phương trình L = M (cầu tiền tệ = cung tiền tệ) thể hiện cân bằng của thị trường tiền tệ. Hai ẩn số là tổng thu nhập Y và lãi suất r, và tuỳ theo các biến số này có mặt hay không trong những hàm số I, S, L, M mà Hicks phân loại những học thuyết. Ông cho rằng  giữa Keynes và “các tác giả cổ điển” không có khác biệt về hàm đầu tư I (hàm số của lãi suất) và về cung tiền tệ M (biến số ngoại sinh do ngân hàng trung ương ấn định). Hai học thuyết chỉ đối lập nhau trên hàm tiết kiệm S và hàm cầu tiền tệ L. Ðặc tính của “thuyết cổ điển” ở chỗ cầu tiền tệ L là hàm số của riêng tổng thu nhập Y mà thôi, còn tiết kiệm S là hàm số của lãi suất r và của tổng thu nhập Y - song, theo Hicks, sự hiện diện của Y ở đây chỉ có tính hình thức. Ðặc tính của  Lý thuyết khái quát ở chỗ cầu tiền tệ là hàm số của cả tổng thu nhập Y và của lãi suất r, còn tiết kiệm thì là hàm số của riêng tổng thu nhập Y mà thôi. Từ đó, Hicks quan niệm một “Lý thuyết khái quát được khái quát hoá” xây dựng với hàm cầu tiền tệ của Keynes và hàm tiết kiệm tân cổ điển - rồi, bởi vì “lịch sự toán học” yêu cầu cả hai biến số đều hiện diện trong cả ba hàm số, Hicks đề nghị đưa tổng thu nhập Y vào hàm đầu tư I [Hicks 1937, trg 197].                                                                                   

Mô hình IS-LM

Thị trường tiền tệ

Thị trường sản phẩm

“Thuyết cổ điển”
L(Y) = M
I(r) = S(r,Y)
“Lý thuyết khái quát”
L(r,Y) = M
I(r) = S(Y)
“Lý thuyết khái quát được khái quát hoá”
L(r,Y) = M
I(r,Y) = S(r,Y)
Bài viết của Hicks - được xuất bản năm 1937 - đi đến nhận định rằng hai thuyết Keynes và tân cổ điển “phân biệt với nhau”, dường như chỉ “giả vờ đối đầu với nhau”. Thật ra, đó chỉ là hai mô hình cá biệt của một mô hình khái quát hơn, và Hicks kết luận: khi khái quát hoá Lý thuyết khái quát của Keynes thì giữa hai học thuyết hầu như không còn khoảng cách nữa [Hicks 1937, trg. 192 và 200]. Với ý nghĩa đó, mô hình IS-LM mở đường cho cuộc tổng hợp tân cổ điển.
Song, điều đáng ngạc nhiên là Keynes đã không phủ định cách diễn giải của Hicks. Trong hai bức trả lời Hicks viết vào thư tháng ba và tháng tư năm 1937, Keynes  nhận xét rằng “bài viết rất lý thú”, và ông “hầu như không có gì để phê bình” [CW, XIV, trg. 79] - đó là đoạn mở đầu bức thư thứ nhất mà người ta thường trích dẫn. Tuy nhiên, trong phần sau ít khi được nhắc đến của bức thư này và trong bức thư tiếp theo, Keynes lại bắt bẻ mô hình khái quát của Hicks trên hai vấn đề [CW, XIV, trg. 80 và 83]: 1) Mô hình Hicks quan tâm đến thu nhập đương kỳ (current income), trong khi biến số có ý nghĩa đối với hàm đầu tư là thu nhập dự đoán (expected income) trong suốt thời gian khai thác đề án đầu tư, như Keynes có phân tích qua khái niệm “hiệu quả cận biên của tư bản” (marginal efficiency of capital) [Keynes 1936, chương 11 và 12]. 2) Mô hình Hicks quan niệm tiết kiệm là hàm số của lãi suất, trong khi lãi suất không phải là phần thưởng cho sự tiết kiệm, sự không tiêu dùng, mà là phần thưởng cho sự không cất giữ tiền tệ, như Keynes có phân tích qua khái niệm “ưu tiên dành cho tiền tệ” (liquidity preference) [Keynes 1936, chương 13, 14 và 15]. Cả hai vấn đề mà Keynes nêu lên ở đây đều không phải là tiểu tiết: đặt trọng tâm phân tích vào dự đoán của các tác nhân trong một nền kinh tế đầy bất trắc, và quan niệm lại lãi suất như là biểu hiện nỗi lo của các tác nhân kinh tế trước tương lai bất trắc này, đó chính là cốt lõi, và hai trụ cột của cuộc cách mạng tư duy mà Keynes khẳng định lại trong bài viết trên Quaterly Journal of Economics tháng hai năm 1937.
Mặc dù vậy, thông điệp lý luận này của Keynes dường như không được lĩnh hội. Phải nói rằng Lý thuyết khái quát là một quyển sách khá rườm rà, khó đọc, với không ít những đoạn nhập nhằng, tối nghĩa. Theo Joan Robinson, Lý thuyết khái quát là một tác phẩm “không đầy đủ và cũng chưa hoàn tất”: phải xem nó như là “văn bản báo cáo tạm thời về một cuộc vận động tư duy đang triển khai” [Robinson 1948, trg 185]. Bà còn cho biết rằng, “đối với nhiều người, những ý tưởng của Keynes vừa mới lạ, kỳ dị và đụng chạm cách nhìn chính thống” [Robinson 1937, lời nói đầu cho bản dịch tiếng Pháp]. Phải chăng vì vậy mà cách diễn giải Lý thuyết khái quát qua ngôn ngữ của kinh tế học chính thống mà Hicks đề xuất đã được đón nhận ngay như một cách thức thuyết trình vừa đơn giản, dễ hiểu vừa có tính hệ thống?
Franco Modigliani (1918-2003)
Từ đó, mô hình của Hicks trở thành phương thức phổ biến học thuyết Keynes, trước tiên là trong cộng đồng khoa học. Những đồ đệ của Keynes lại là những người phổ biến cách đọc này tích cực nhất, trong đó phải kể đến Franco Modigliani mà bài viết năm 1944 [“Liquidity preference and the theory of interest and money”] đã có ảnh hưởng rộng lớn. Tiếp tục so sánh Lý thuyết khái quát với học thuyết tân cổ điển trong khung lý luận IS-LM, Modigliani giải thích trường hợp cân bằng khiếm dụng là do Keynes giả thiết rằng tiền lương danh nghĩa có tính cứng nhắc. Trong khi đó, Keynes viết ra Lý thuyết khái quát chính là nhằm phản bác ý kiến cho rằng tính linh hoạt của tiền lương - dù thực tế hay danh nghĩa - cho phép khắc phục tình trạng thất nghiệp không tự nguyện [Keynes 1936, chương 2 và 19]. Modigliani, về sau, có nói rõ quan điểm diễn giải Keynes của ông: đó là “sát nhập những yếu tố chính của Lý thuyết khái quát vào một một phương pháp luận truyền thống hơn và được xác lập vững hơn trong khoa học kinh tế, là phương pháp luận xây dựng trên định đề cơ bản là các tác nhân kinh tế đều ứng xử hợp lý, có lối ứng xử  tối đa hoá” [Modigliani 1980, trg. XI]. Với ý nghĩa đó, cách đặt vấn đề của Modigliani khai mào cho các công trình tìm kiếm những cơ sở tân cổ điển vi mô của kinh tế học Keynes vĩ mô.

2. Thuyết Keynes toàn thắng

Richard Nixon (1913-1994)
Khi quả quyết rằng Lý thuyết khái quát sẽ tạo một cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế, Keynes  có nói  thêm là điều đó sẽ là hiện thực “trong thập niên sắp đến”. Như là thực hiện lời tiên đoán này, thời kỳ hậu chiến chứng kiến học thuyết Keynes chinh phục cả thế giới tư bản. Có thể nhắc lại ở đây lời phát biểu điển hình cho thời kỳ đó của tổng thống Mỹ Richard Nixon, năm 1971, theo đó: “Tất cả chúng ta hiện nay đều là người theo thuyết Keynes”. Ngay trong cộng đồng khoa học, hầu như ai ai cũng nhận mình là theo thuyết Keynes, kể cả những nhà kinh tế tân cổ điển chống lại thông điệp của Keynes: đó là trường hợp, chẳng hạn, của Milton Friedman, địch thủ quyết liệt của những chính sách kinh tế dựa theo thuyết Keynes. Người đứng đầu trường phái Chicago đã phải tuyên bố nước đôi rằng: “Tất cả chúng ta hiện nay đều là người theo thuyết Keynes. Ðồng thời, không còn ai hôm nay là người theo thuyết Keynes. Chúng ta đều sử dụng ngôn ngữ và công thức của Keynes, mặc dù không ai trong chúng ta còn chấp nhận những kết luận ban đầu của Keynes nữa” [Friedman 1968, trg. 14]. Loại tuyên bố nước đôi này biểu lộ những điều nhập nhằng trong cái được gọi là “thắng lợi hoàn toàn” của Keynes.
Thật vậy, thuyết Keynes thắng lợi không có nghĩa là thuyết tân cổ điển bị loại bỏ. Trái lại, người ta chứng kiến một cuộc tổng hợp giữa hai học thuyết này nhằm hình thành một kinh tế học chính thống mới. Cuộc tổng hợp khởi đi từ thuyết Keynes được diễn giải qua mô hình IS-LM, rồi bổ sung mô hình vĩ mô này với những mối liên hệ vi mô của thuyết tân cổ điển. Những điểm mốc quan trọng trong quá trình tổng hợp này là Samuelson, Hansen, Patinkin, Solow.
Paul Samuelson (1915-2009)
Qua tác phẩm Những nền tảng của phân tích kinh tế, xuất bản năm 1947, Paul Samuelson được biết đến như là người đã có kỳ công hình thức hoá toán học các loại học thuyết kinh tế, trong đó có thuyết Keynes thông qua mô hình của Hicks. Ông cũng là người tạo ra từ ngữ “tổng hợp tân cổ điển” (neoclassical synthesis) để khẳng định khả năng dung hoà kinh tế học vĩ mô của Keynes và kinh tế học vi mô tân cổ điển: theo ông, khi ứng dụng các chính sách tài chính và tiền tệ dựa theo thuyết Keynes, nền kinh tế thị trường đi đến cân bằng toàn dụng, là tình trạng từ đó thuyết tân cổ điển trở nên có hiệu lực [Samuelson 1955, trg. 426-427][5]. Trong chừng mực mô hình về cân bằng khiếm dụng được Keynes lý luận trong thời kỳ ngắn, và mô hình tân cổ điển về cân bằng chung được xem là thích đáng với thời kỳ dài, các nhà kinh tế có thể đồng thời tự nhận mình là theo thuyết Keynes trong ngắn hạn và theo thuyết tân cổ điển trong dài hạn[6].
Samuelson còn là người đã đại chúng hoá cuộc tổng hợp tân cổ điển qua bộ sách giáo khoa Kinh tế học nổi tiếng với con số phát hành vô địch trên thế giới. Bộ sách này trình bày cơ chế cân bằng kinh tế vĩ mô qua một sơ đồ hệ thống đường ống, với một đường rò rỉ là tiết kiệm và một máy bơm đầu tư mà cẩm nang sử dụng là thuyết Keynes: nếu chính phủ mỗi nước sử dụng bơm tay này đúng theo cẩm nang thì sẽ đạt mức tổng thu nhập và nhân dụng mong muốn [Samuelson 1948, trg. 165]. Từ đó mà người ta nói đến một “học thuyết Keynes thuỷ lực” (hydraulic keynesianism) để chỉ thuyết Keynes bị giản lược hoá thành một thuyết cơ học, với những lập luận máy móc, tức là đã đánh đi mất kích thước bất trắc mà, theo Keynes, là đặc tính của nền kinh tế thị trường [Coddington 1976, trg. 1265].
Alvin Hansen (1887-1975)

Alvin Hansen là người đã có vai trò quyết định trong việc truyền bá học thuyết Keynes dưới dạng mô hình IS-LM vào nước Mỹ. Tác phẩm của Hansen, xuất bản năm 1953 với tựa đề là Sách hướng dẫn đọc Keynes đã thành công trong dư luận đến mức rất nhiều người đọc sách hướng dẫn của ông thay vì đọc Lý thuyết khái quát của Keynes. Trong khi đó thì chính Hansen là người đã đầu tiên chủ trương phân biệt “thuyết Keynes” (keynesian theory) với “thuyết của Keynes” (Keynes’s theory): ông cho rằng giữa thuyết Keynes và thuyết tân cổ điển có nhiều điểm tương đồng hơn là Keynes đã chịu thừa nhận trong Lý thuyết khái quát [Hansen 1949, trg. 81]. Từ đó, Hansen tự cho mình quyền tu chỉnh Lý thuyết khái quát, đặc biệt ông cho rằng Keynes đã “sai lầm” khi xử lý lãi suất như là một biến số độc lập, quyết định mức tổng thu nhập: dựa theo quan điểm tân cổ điển,  Hansen khẳng định lãi suất là biến số của hàm tiết kiệm, do đó là ẩn số, cùng với tổng thu nhập, của mô hình Keynes đúng như Hicks đã xác lập [Hansen 1953, trg. 165].
Don Patinkin (1922-1995)

Don Patinkin được coi là kiến trúc sư tầng thứ hai của cuộc tổng hợp tân cổ điển. Trong tác phẩm năm 1956 với tựa đề Tiền tệ, lãi suất và giá cả, Patinkin cho rằng mô hình Hicks có hai thiếu sót lớn là không quan tâm đến thị trường lao động và đến mức giá chung. Ông đề nghị ghép vào mô hình IS-LM thêm một biến số (mức giá chung) và thêm một thị trường (thị trường lao động). Trên thị trường này, tiền lương thực tế chi phối cung và cầu lao động như trong quan niệm tân cổ điển, mà Keynes đã bác bỏ [Keynes 1936, chương 2][7]. Khi có cạnh tranh hoàn hảo, tiền lương danh nghĩa và giá cả đều linh hoạt, thì nền kinh tế thị trường tự nhiên đạt tới toàn dụng lao động. Tình trạng cân bằng khiếm dụng chỉ xảy ra trong hai trường hợp đặc biệt: khi độ co giãn của cầu tiền tệ so với lãi suất là hoàn toàn (“bẫy tiền tệ”), và khi độ co giãn của đầu tư so với lãi suất là số không. Ngoài hai trường hợp giới hạn này, luận điểm của Keynes chỉ có một giải thích mà thôi: tiền lương danh nghĩa đã mất tính linh hoạt và cản trở những biến động cần thiết của tiền lương thực tế nhằm cân bằng cung và cầu lao động. ở đây, Patinkin hầu như xoá hoàn toàn phân tích của Keynes theo đó, trong một nền kinh tế thị trường, mức nhân dụng không do thị trường lao động xác lập, mà là do “cầu hiệu quả” (effective demand) - tức mức tổng cầu mà các nhà doanh nghiệp dự đoán - quyết định.
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Ngoài ra, để phân tích tương quan giữa mức giá chung và  mức nhân dụng, Patinkin đề nghị nhập vào thuyết Keynes hiệu ứng Pigou - hiệu ứng về tăng tổng cầu khi mức giá chung giảm và giá trị thực tế của tiền tệ tăng - mà Keynes trước đây đã gạt bỏ trong cuộc tranh luận với Pigou [Keynes 1936, chương 19]. Patinkin gọi đó là “hiệu ứng quỹ tiền thực tế” (real - balance effect): trong tình trạng kinh tế suy thoái, tiền lương danh nghĩa có xu hướng giảm và kéo mức giá chung xuống theo, sức mua của tiền tệ mà các tác nhân kinh tế cất giữ được nâng lên và kéo mức tiêu dùng và đầu tư trong kinh tế tăng theo. Ðưa quỹ tiền thực tế vào trong hàm tổng cầu, Patinkin muốn chứng minh rằng giảm phát có thể khôi phục sản xuất và toàn dụng lao động: trong một nền kinh tế mà giá cả và tiền lương danh nghĩa đều linh hoạt, hiệu ứng quỹ tiền thực tế biểu lộ khả năng tự điều chỉnh của nền kinh tế thị trường, tức là tính ổn định của nó. Chí ít, về mặt lý luận, nó phản bác lập luận của Keynes cho rằng chính sách giảm lương danh nghĩa và giá cả hàng hoá có hiệu ứng kìm hãm lâu dài nền kinh tế trong tình trạng suy thoái. Về mặt thực tiễn thì Patinkin công nhận rằng việc điều tiết kinh tế bằng hiệu ứng quỹ tiền thực tế không những đòi hỏi thời hạn khá dài mà kết quả không mấy bảo đảm - thậm chí nó có thể đưa các tác nhân kinh tế đến những dự đoán giảm phát và “một vòng xoắn giảm phát” - cho nên muốn khắc phục nhanh tình trạng thất nghiệp vẫn phải sử dụng chính sách tài chính và tiền tệ (“Tính linh hoạt của giá cả và toàn dụng lao động”, 1948, trg 335-336 và 340). Dù chứng minh được tính cần thiết của chính sách chống thất nghiệp, những nhà kinh tế theo thuyết Keynes đành thừa nhận rằng thuyết tân cổ điển có tính khái quát cao hơn thuyết Keynes, thay vì ngược lại như tác giả Lý thuyết khái quát đã khẳng định.
Robert Solow (1924-)
William Phillips (1914-1975)
Ðối với  những tác giả không chia sẻ phân tích về thị trường lao động và về hiệu ứng quỹ tiền thực tế của Patinkin, mô hình của Hicks vẫn thiếu một mối liên hệ giữa nhân dụng, tiền lương và mức giá chung. Ðóng góp bổ sung sau cùng vào mô hình IS-LM là đường cong Phillips: được Alban Phillips xác lập một cách thực nghiệm vào năm 1958, đường cong thống kê này biểu hiện mối liên hệ giữa những biến động của tiền lương danh nghĩa và những biến động của thất nghiệp[8]. Năm 1960, trong một bài viết tựa là “Những khía cạnh phân tích trong chính sách chống lạm phát”, Paul SamuelsonRobert Solow đưa thêm lập luận rằng khi tiền lương danh nghĩa tăng nhanh hơn năng suất lao động thì biểu hiện là mức giá chung tăng lên: từ đó, họ “cải biên” mối quan hệ nghịch biến giữa thất nghiệp và tiền lương danh nghĩa của Phillips thành mối quan hệ nghịch biến giữa thất nghiệp và lạm phát. Chủ trương chống thất nghiệp của Keynes rơi vào thế lưỡng nan:  muốn giảm thất nghiệp thì lạm phát là “giá phải trả”; còn muốn ổn định giá cả thì phải chấp nhận một mức thất nghiệp “cần thiết” [Samuelson và Solow 1960, trg. 492-493]. Từ đấy, những nhà kinh tế theo thuyết Keynes từ bỏ mục tiêu toàn dụng lao động của Lý thuyết khái quát và thay vào đó một sự đổi chác giữa thất nghiệp và lạm phát và chọn lựa một kết hợp thất nghiệp - lạm phát (trade off).
Như vậy thì “thắng lợi” của học thuyết Keynes trong những thập niên 50-60, thực chất, là gì?
1. Về mặt lý luận, cuộc tổng hợp tân cổ điển trở thành học thuyết Keynes chính thống và thống trị cả nền kinh tế học của thời kỳ này. Cũng từ đó, người ta không còn đọc và hiểu Keynes qua tác phẩm Lý thuyết khái quát mà chỉ thông qua mô hình của Hicks với những bổ sung của Hansen, Patinkin, Samuelson và Solow[9]. Cho đến ngày hôm nay, đó vẫn là nền tảng của bộ môn kinh tế học vĩ mô được giảng dạy ở các trường đại học; đó cũng là hạt nhân của các mô hình kinh tế vĩ mô được xây dựng lên trong các viện nghiên cứu.
2. Về mặt thực tiễn, học thuyết Keynes tổng hợp này tạo một tính chính đáng cho nhà nước khi can thiệp vào cơ chế thị trường. Nó biện minh cho chính sách trạng huống “dừng lại - tiến tới” (stop - go) trong tăng trưởng kinh tế được thi hành trong suốt thời kỳ đó, còn gọi là “thời hoàng kim của các chính sách kinh tế” mà cao điểm là những năm Kennedy. Trong quyển sách tổng kết kinh nghiệm này dưới tựa đề là “Những kích thước mới của kinh tế chính trị học”, Walter Heller, chủ nhiệm hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Kennedy, viết rằng những năm 60 đã chứng kiến “cuộc cách mạng Keynes được hoàn thành, ba mươi năm sau khi John Maynard Keynes bắn phát súng đầu”: thay vì trông đợi vào cơ chế thị trường tự điều chỉnh, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo nhân dụng ở mức cao và ổn định giá cả, từ nay, là trách nhiệm của chính phủ và nhiệm vụ của các chính sách tiền tệ và tài chính [Heller 1966, trg. 36 và 47]. Nói cách khác, cuộc cách mạng Keynes khẳng định năng lực của nhà nước lèo lái nền kinh tế thị trường và làm chủ những biến động của nó.
Simon Kuznets (1901-1985)
Walter Heller (1915-1987)
Có thể nói về “thời đại Keynes” như là “thời đại của sự xác tín” [Beau và Dostaller 1993, trg. 82]. Các nhà lý luận và các nhà thiết kế chính sách tin chắc rằng họ ngày càng có đủ kiến thức để chế ngự cơ chế thị trường. Những tiến bộ đáng kể nhất, theo Heller liệt kê, là: 1) Keynes cho ra đời Lý thuyết khái quát; 2) Hansen Mỹ hoá thuyết Keynes; 3) Samuelson tiến hành cuộc “tổng hợp tân cổ điển”; 4) Kuznets đo lường tổng thu nhập và những yếu tố cấu thành nó; 5) thế hệ mới các nhà kinh tế dùng máy tính điện tử để xử lý những mô hình kinh tế... (Heller 1966, trg 39-40). Công chúng lạc quan tin rằng kinh tế học cung cấp cho người cầm quyền những công thức, những bài thuốc khả dĩ chữa các loại bệnh như thất nghiệp và lạm phát: khi kinh tế suy thoái thì sử dụng thang thuốc phát hành tiền tệ và thâm hụt ngân sách; khi kinh tế lên cơn sốt, thang thuốc là tăng lãi suất và cắt giảm ngân sách, tức cũng là đòn bẩy tiền tệ và tài chính nhưng sử dụng theo chiều ngược lại. Vấn đề còn lại là tìm liều lượng đúng đắn giữa hai loại biện pháp: các nhà kinh tế gọi đó là phép “điều chỉnh tinh tế” (fine tuning). Có thể nhận xét rằng chính sách điều chỉnh tinh tế trạng huống trong kinh tế chẳng qua là một hình thức khác của học thuyết Keynes thuỷ lực.
Bởi vì những điều xác tín trên đây, thật ra, khá xa lạ đối với Keynes. Trong lĩnh vực chính sách kinh tế, thái độ của Keynes là thận trọng trên hết. Những phát biểu của ông lúc nào cũng gắn liền với bối cảnh cụ thể, phụ thuộc vào những điều kiện nhất định - hoàn toàn khác với những điều kiện tăng trưởng toàn dụng của bối cảnh hậu chiến. Bài viết 1937 nhấn mạnh rằng Lý thuyết khái quát chỉ giải thích vì sao, trong một nền kinh tế thị trường, mức sản xuất và nhân dụng thường biến động, nhưng “nó không cung cấp những thang thuốc có sẵn nhằm duy trì nhân dụng và sản xuất ở mức cao tối ưu”. Phân biệt chẩn bệnh và trị bệnh, Keynes nói rõ là những đề xuất trị bệnh của ông chưa hoàn chỉnh, và dù sao thì không ở cùng cấp độ nhận thức với những kết luận chẩn bệnh: “Những bài thuốc được đề nghị không có tính tuyệt đối, mà phụ thuộc vào đủ loại giả thuyết đặc thù và gắn liền với điều kiện riêng của mỗi thời điểm” [Keynes 1937a, trg. 154]. Trong ý nghĩa đó, thông điệp thực tiễn của Lý thuyết khái quát là phi giáo điều. Keynes đã từng gọi một đồ đệ là “lang băm” khi nghe ông ấy phát biểu trước công chúng rằng, với những chính sách tiền tệ và tài chính, các chính phủ có thể lèo lái kinh tế trong mọi tình huống. Và khi những người theo thuyết Keynes nhận xét rằng chính Keynes đã phát biểu ý tưởng đó, thì tác giả Lý thuyết khái quát trả lời: “Nếu vậy thì tôi không phải là người theo thuyết Keynes” [nói chuyện tại ngân hàng trung ương ở Washington năm 1943, trong Lerner 1978, trg. 59-69].

3. Thuyết Keynes suy đồi

Margaret Thatcher (1925-2013)
Ronald Reagan (1911-2004)
Thế giới tư bản, sau hai cơn sốc dầu khí 1973 rồi 1979 và sự tan rã của hệ thống tiền tệ quốc tế, đi vào suy thoái: sản xuất đình đốn trong khi lạm phát tăng tốc, tạo ra một tình trạng mà các nhà kinh tế gọi là “stagflation”. Cuộc khủng hoảng kinh tế các năm 70-80 này cũng là cuộc khủng hoảng của học thuyết Keynes: các chính sách dựa vào Keynes để khơi động lại đà tăng trưởng đều thất bại, cổ máy kinh tế bị rối loạn và không còn nghe theo những lệnh điều chỉnh tinh tế. Mối liên hệ Phillips bị phá vỡ: thất nghiệp phát triển đồng thời với lạm phát, các chính phủ không biết là phải kích thích hay phải kìm hãm tổng cầu. Những nhà kinh tế theo thuyết Keynes rơi vào một tình trạng hoang mang, giống như các nhà kinh tế tân cổ điển khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng những năm 30. Ðối với các tác giả tân cổ điển thì thời điểm đã đến để phản công chống lại thuyết Keynes và tiến hành một cuộc “phản cách mạng”, như Milton Friedman đề xướng. Sau Margaret Thatcher ở Anh năm 1979, Ronald Reagan lên nắm quyền ở Hoa Kỳ năm 1981 với những chủ trương tân tự do và tuyên bố: “Mục tiêu đầu tiên của tôi là cải tiến hiệu quả của nền kinh tế bằng cách giảm đi vài trò của chính phủ liên bang trong nhiều kích thước của nó”, đồng thời là “xây dựng một khung cảnh dài hạn và ổn định trong đó khu vực tư nhân giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng và nhân dụng”[10]. Các cố vấn kinh tế của ông nhấn mạnh đến trách nhiệm của thuyết Keynes trong cuộc khủng hoảng đương thời: chính vì đã đeo đuổi những chính sách dựa theo Keynes mà các nền kinh tế tư bản rơi vào tình trạng vừa đình đốn, vừa lạm phát.
Cuộc phản công tân tự do có điểm xuất phát là trường đại học Chicago và đã mang hai hình thái chính: học thuyết duy tiền tệ (monetarism) và kinh tế học cổ điển mới (new classical economics).

Học thuyết duy tiền tệ

Milton Friedman (1912-2006)
Năm 1970 - theo Milton Friedman - đánh dấu thắng lợi của “cuộc phản cách mạng trong lý thuyết tiền tệ”:  thuyết định lượng về tiền tệ (quantity theory of money), mà các nhà kinh tế theo chân Keynes từ bỏ bấy lâu nay, được “khôi phục lại” [“Cuộc phản cách mạng trong lý thuyết tiền tệ”, 1970]. Theo công thức trước đây, thuyết định lượng về tiền tệ có nghĩa rằng tiền tệ là trung tính: nó không thay đổi cân bằng kinh tế thực tế, và một chính sách tăng cung tiền tệ không tác động lên mức sản xuất và nhân dụng, mà chỉ thay đổi mức giá chung trong nền kinh tế. Công thức mới của Friedman phân biệt tác dụng nhất thời và tác dụng lâu dài: trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ có hiệu ứng thực tế trên mức sản xuất và nhân dụng, như Keynes đã phân tích; nhưng về dài hạn thì chính sách tiền tệ chỉ còn có hiệu ứng danh nghĩa, là tạo ra lạm phát mà thôi. Thuyết Keynes, được diễn đạt qua đường cong Phillips, có “khuyết điểm cơ bản” là không chú trọng đến tiền lương thực tế và đến những dự đoán về lạm phát của các tác nhân kinh tế. Theo Friedman, mặc dù hợp đồng lao động được thiết lập theo lương danh nghĩa, song người lao động làm thuê cũng như nhà doanh nghiệp đều lập luận dựa theo lương thực tế, tức là mức lương danh nghĩa trừ đi mức lạm phát mà các tác nhân kinh tế dự đoán cho suốt thời kỳ hợp đồng. Friedman đề ra ở đây khái niệm “dự đoán thích nghi” (adaptative expectations), theo đó các tác nhân kinh tế dự đoán tỷ suất lạm phát của mỗi thời kỳ căn cứ vào tỷ suất đã qua, và họ điều chỉnh nó  mỗi khi nhận thấy có cách biệt với tỷ suất hiện thực. Cho nên, khi chính sách tiền tệ tạo ra một tỷ suất lạm phát cao hơn tỷ suất dự đoán, tiền lương thực tế giảm, các doanh nghiệp tăng nhân dụng và mức thất nghiệp trong nền kinh tế giảm đi. Nhưng, bước vào thời kỳ tiếp theo, khi người lao động điều chỉnh lên dự đoán về lạm phát và yêu cầu về lương danh nghĩa, các doanh nghiệp giảm nhân dụng và nền kinh tế trở lại vị trí ban đầu về mức lương thực tế và mức thất nghiệp, duy chỉ có giá cả là vẫn giữ ở mức đã lên đến. Nếu muốn tiếp tục nâng cao nhân dụng hoặc duy trì nó ở mức đã đạt đến thì chính phủ phải tăng tốc lạm phát: đó là giải thích duy tiền tệ của hiện tượng lạm phát tăng tốc trong thập niên 70.
Về dài hạn, nền kinh tế thị trường đạt đến cân bằng khi tiền lương thực tế tương ứng với “tỷ suất thất nghiệp tự nhiên” (natural rate of unemployment), là mức thất nghiệp tối thiểu, phụ thuộc những “đặc điểm cơ cấu” của những thị trường lao động và sản phẩm có tính “không hoàn hảo” [“Vai trò của chính sách tiền tệ”, 1968, trg. 27]. Theo Friedman, chính sách tiền tệ đúng đắn duy nhất là chính sách tăng khối tiền tệ với một tỷ suất ổn định và căn cứ trên tỷ suất tăng trưởng dài hạn của tổng sản lượng quốc dân. Chỉ bằng cách đó, chính phủ mới ổn định những dự đoán về lạm phát của các tác nhân và đưa nền kinh tế đến tỷ suất thất nghiệp tự nhiên.
Nói chung, chính sách kích cầu của Keynes không thể hạ thấp thất nghiệp ở dưới mức tự nhiên của nó (hiệu ứng của nó, nếu có, chỉ là tạm thời và là do dự đoán của các tác nhân không thể điều chỉnh tức thời). Còn muốn hạ thấp tỷ suất tự nhiên này thì, theo Friedman, phải có một chính sách cơ cấu, tác động lên những thiết chế chính trị-xã hội đang hạn chế tính cạnh tranh hoàn hảo trên thị trường lao động (cho nên cần bãi bỏ những chế độ về qui ước lao động tập thể, về tiền lương tối thiểu, về trợ cấp thất nghiệp...) cũng như trên thị trường sản phẩm (cần tư nhân hoá những khu vực do nhà nước quản lý, kể cả hoạt động y tế và giáo dục): gọi là “điều chỉnh cơ cấu”, chính sách này đã được những tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới WB, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD...) tuyên truyền và khuyến cáo cho toàn cầu.

Kinh tế học cổ điển mới

Léon Walras (1834-1910)
Robert Lucas (1937-)
Năm 1972 thường được ghi nhận là năm mà Robert Lucas khai sinh học thuyết cổ điển mới với bài viết “Dự đoán và tính chất trung tính của tiền tệ” đưa ra thông điệp triệt để về sự bất lực hoàn toàn - kể cả trong ngắn hạn - của chính sách tiền tệ nhằm khắc phục thất nghiệp. Cho rằng phê phán của Friedman đối với kinh tế học Keynes chưa thoát khỏi cách đặt vấn đề tổng hợp (“đường cong Phillips bổ sung với dự đoán”), Lucas và các tác giả cổ điển mới chủ trương trở về với học thuyết tiền-Keynes để từ đó xây dựng cơ sở vi mô của kinh tế học vĩ mô. Cơ sở đó là thuyết cân bằng chung của Walras mà giả thuyết cơ bản là thị trường tự điều chỉnh tức khắc (không thể có tình trạng mất cân bằng ngắn hạn như trong phân tích của Friedman), cho nên nền kinh tế ở thế cân bằng thường trực (không thể tồn tại một tình trạng như thất nghiệp không tự nguyện của Keynes). Trong khung lý luận này, các tác giả cổ điển mới vận dụng khái niệm về “dự đoán hợp lý” (rational expectations) do John Muth đề ra [“Dự đoán hợp lý và lý thuyết về giá cả”, 1961]: theo giả thuyết này, các tác nhân kinh tế hành động trong điều kiện thông tin không đầy đủ và có thể sai sót trong khi dự đoán, song họ ứng xử hợp lý, nghĩa là sử dụng tất cả những thông tin hiện có, kể cả kiến thức của kinh tế học, để xác lập dự đoán. Cho nên, dự đoán của các tác nhân kinh tế trùng hợp với điều mà thuyết kinh tế tiên đoán - nếu có sai sót thì không thể sai sót một cách có hệ thống (như trong dự đoán thích nghi của Friedman) mà là sai sót ngẫu nhiên (tính trung bình là không) do có những biến cố không thể đoán trước được. Khi dự đoán của các tác nhân hội tụ và đồng nhất (tức khi những tác nhân cùng chia sẻ một thuyết kinh tế) thì những điều họ dự đoán là đúng và khớp với hiện thực: đặc tính của dự đoán hợp lý là “tự thực hiện” (self-fulfilling).
Neil Wallace (1939-)
Thomas Sargent (1943-)
Trong những điều kiện nói trên, một chính sách tiền tệ không thể có hiệu ứng thực tế khi chính phủ thông báo nó trước và các tác nhân dự đoán được kết quả của nó: do biết rằng nền kinh tế tuân thủ thuyết định lượng tiền tệ và hậu quả của quyết định tạo thêm tiền tệ là tạo ra một biến động thuần tuý danh nghĩa, các doanh nghiệp không thay đổi mức sản xuất, và mức nhân dụng trong nền kinh tế không tăng. Ðể cho chính sách tiền tệ có một hiệu quả nào đó, chính phủ có thể tiến hành nó mà không thông báo, làm cho các tác nhân kinh tế bị “bất ngờ”, không dự đoán được: do không biết là giá tương đối của sản phẩm mà họ sản xuất ra tăng lên hay là giá danh nghĩa tăng, các doanh nghiệp quyết định nâng mức sản xuất lên, và nhờ thế thất nghiệp trong nền kinh tế giảm xuống. Song, khi họ nhận thấy là đã bị “đánh lừa”, các tác nhân điều chỉnh nhân dụng xuống tức khắc ở mức ban đầu (không có một thời kỳ biến động tạm thời như trong phân tích của Friedman). Còn nếu chính phủ sử dụng chính sách đánh lừa này một cách có hệ thống thì các tác nhân sẽ dự đoán nó một cách hợp lý, và chính sách sẽ không còn hiệu ứng bất ngờ ban đầu. Nói chung, mọi chính sách tiền tệ hay tài chính, nếu bị các tác nhân kinh tế tiên đoán được, thì mất tác dụng và trở nên bất lực: đó là định lý về tính vô hiệu của chính sách kinh tế  [Sargent và Wallace 1975; Barro 1974]. Lucas giải thích rằng chính sách điều tiết tinh tế của kinh tế học Keynes đã thất bại bởi vì nó không chú ý đến dự đoán của công chúng: muốn cho chính sách Keynes có hiệu lực thì phải giả định rằng “công chúng ngu đần”, “không biết rút kinh nghiệm và cứ để cho chính phủ lừa phỉnh mình mãi”[11]. Khi đã thừa nhận rằng các tác nhân có khả năng dự đoán hợp lý thì, thay vì tìm cách ổn định kinh tế bằng những “chính sách tuỳ tiện”, chính phủ nên tuân thủ những “qui tắc cố định”, những luật chơi khả dĩ ổn định dự đoán của các tác nhân kinh tế. Theo Lucas, chính phủ cần tôn trọng một số chuẩn mực - một tỷ suất cố định về gia tăng khối tiền tệ, một tỷ lệ cố định về chi tiêu của nhà nước, một tỷ lệ cố định về thu thuế - đồng thời cam kết rằng sẽ không tìm cách tác động lên mức lương và giá cả do thị trường quyết định [“Những qui tắc, sự tuỳ tiện và vai trò của người tư vấn kinh tế”, 1980a, trg. 200]. Hay nói cách khác, trong một nền kinh tế thị trường, chính sách kinh tế hay nhất là không có chính sách[12].

4. Thuyết Keynes hồi sinh

Trong những năm 80, học thuyết Keynes thoái trào đến độ các nhà kinh tế đồ đệ của Keynes cũng không dám tự nhận mình là người theo thuyết Keynes. Chẳng hạn như trường hợp của Modigliani tránh không sử dụng danh nghĩa Keynes và chỉ tự xưng là “người không theo thuyết duy tiền tệ”. Ông còn nói thêm rằng giữa người theo thuyết duy tiền tệ và người không theo thuyết duy tiền tệ “không có bất đồng lý luận gì quan trọng”; và cũng như Friedman đã phát biểu là theo thuyết Keynes trong những năm 60, Modigliani tuyên bố sẵn sàng thừa nhận rằng “tất cả chúng ta hiện nay đều là người theo thuyết duy tiền tệ” [Modigliani 1977, trg. 1]. Còn Friedman thì không ngần ngại cho rằng: “nếu Keynes còn sống ngày nay thì ông sẽ là người đi đầu cuộc phản cách mạng duy tiền tệ” [Friedman 1970, trg. 8]. Năm 1980, Lucas viết điếu văn của thuyết Keynes trong một bài mà tựa đề là “Cái chết của kinh tế học Keynes”. Mô tả hiện trạng các trường đại học Mỹ, ông nhận xét rằng: “Ngày nay, không thể tìm ra những nhà kinh tế có tài, dưới bốn mươi tuổi mà tự xưng là theo Keynes. Hơn thế, người ta cảm thấy bị sỉ nhục khi bị gọi là người theo thuyết Keynes” [Lucas 1980b, trg. 18-19].
Vậy mà trong thập niên 90, người ta chứng ta kiến hiện tượng “Keynes trở lại”. Các nhà kinh tế viết về sự “khôi phục”, sự “tái sinh”,  sự “đầu thai” của thuyết Keynes. Hiện nay, Keynes trở lại theo hai con đường: 1) con đường chính thống của một cuộc tổng hợp tân cổ điển mới, là hướng đi của các trường phái “tân Keynes” (new keynesian); 2) con đường phi chính thống của sự đoạn tuyệt triệt để với học thuyết tân cổ điển, là hướng đi của các trường phái “hậu Keynes” (post keynesian).

Những trường phái tân Keynes

Cuộc tổng hợp mới giữa hai thuyết Keynes và tân cổ điển đã mang hai hình thái: 1) học thuyết phi cân bằng (disequilibrium); 2) kinh tế học Keynes mới (new keynesian economics).

Học thuyết phi cân bằng

Axel Leijonhufvud (1933-)
Robert W. Clower (1926-2011)
Học thuyết này bắt nguồn từ những công trình được công bố vào các năm 60 của Robert Clower [Cuộc phản cách mạng Keynes: một đánh giá về lý luận, 1965] và của Axel Leijonhufvud [Keynes và những tác giả theo thuyết Keynes: gợi ý về một cách diễn giải, 1967] phê phán tổng hợp tân cổ điển Hicks - Patinkin đã đặt thuyết Keynes vào trong khung lý luận về cân bằng chung của Walras: kết quả là Lý thuyết khái quát trở thành một trường hợp đặc biệt của lý thuyết Walras - trong khi chính Keynes phân tích lý luận tân cổ điển như là một trường hợp đặc biệt của Lý thuyết khái quát. Theo cách diễn giải của Clower và Leijonhufvud, thuyết Keynes và thuyết Walras đều phân tích nền kinh tế thị trường như một hệ thống những thị trường phụ thuộc lẫn nhau với cùng một cơ sở vi mô là lối ứng xử hợp lý (tối đa hoá một hàm-mục tiêu) của các tác nhân kinh tế. Song thuyết về cân bằng chung không có tính khái quát của thuyết Keynes, bởi vì Walras còn đề ra thêm một giả thuyết rất đặc biệt: theo Clower [1965, trg. 41], đó là định đề khẳng định rằng một thị trường riêng lẻ không thể không cân bằng khi mà các thị trường khác đều ở thế cân bằng (“đẳng thức Walras”); hoặc theo Leijonhufvud [1967, trg. 301], đó là định đề khẳng định rằng các tác nhân kinh tế không thể tiến hành trao đổi ở ngoài mức giá cân bằng cung với cầu trên mỗi thị trường (nguyên tắc về “người rao giá”). Gạt bỏ, như Keynes, những định đề này là chuyển lý luận từ một hệ cân bằng chung sang một hệ phi cân bằng chung[13]. Cách tiếp cận Keynes của Clower và Leijonhufvud dựa vào một ý niệm “phi cân bằng” có những đặc tính sau: a) một thị trường ở vào thế phi cân bằng khi những trao đổi được tiến hành theo một mức giá không cân bằng cung và cầu, những tác nhân kinh tế không thể bán hay mua số lượng mà họ muốn; hoặc nếu cung dư thừa thì người bán bị “hạn định” (rationing), hoặc nếu cầu dư thừa thì người mua bị hạn định; b) bởi vì các thị trường đều phụ thuộc lẫn nhau, sự mất cân bằng trên một thị trường được truyền sang các thị trường khác, cho nên nếu trên thị trường lao động người bán bị hạn định thì “hiệu ứng tràn sang” (spillover effect) thị trường sản phẩm là người mua cũng bị hạn định; c) bởi vì không có một cơ chế xác lập giá cân bằng, thị trường điều chỉnh cung và cầu thông qua tín hiệu về số lượng, “điều chỉnh qua số lượng” (quantity adjustment) vừa dễ hơn và nhanh hơn là qua giá cả.
Edmond Malinvaud (1923-2015)
Robert Barro (1944-)
Vào những năm 70, cách đặt vấn đề của Clower và Leijonhufvud được nhiều tác giả khác triển khai dưới tên gọi chung là “thuyết phi cân bằng”, rồi được hệ thống hoá với tên chính xác hơn là “thuyết về cân bằng với giá cố định”  [Barro và Grossman 1971, Drèze 1975, Bénassy 1975, Malinvaud 1977]. Thật vậy, từ đầu, phạm trù phi cân bằng, mà Clower và Leijonhufvud vận dụng để diễn giải Keynes, được hai ông xây dựng lên như là sự khái quát hoá lý luận về cân bằng của Walras. Ði thêm một bước, các tác giả kế tục giản lược khác biệt giữa Walras và Keynes vào một sự đối lập giữa hai phạm trù về giá linh hoạt và giá cố định (flex-price/ fix-price). Từ đó mà có sự phân biệt trong lý thuyết về cân bằng chung giữa mô hình cân bằng chung với giá linh hoạt, mang tên Walras, và mô hình cân bằng chung với giá cố định, còn gọi là cân bằng có hạn định hay cân bằng phi Walras[14]. Vận dụng một mô hình với hai tác nhân (doanh nghiệp và người làm thuê) ở trên hai thị trường (sản phẩm và lao động) mà giá cả (giá và lương thực tế) đều cố định trong ngắn hạn, Edmond Malinvaud lý giải các chế độ thất nghiệp, định nghĩa như là những trạng thái cung bị hạn định trên thị trường lao động. i) “Thất nghiệp kiểu Keynes”: đó là thất nghiệp bắt nguồn từ thị trường sản phẩm, do giá thực tế cao hơn mức cân bằng, cầu sản phẩm thiếu hụt, các doanh nghiệp bị hạn định về cung; sự mất cân bằng này truyền sang thị trường lao động, cầu về lao động thiếu kém, người làm thuê bị hạn định về cung. Liệu pháp, ở đây, là chính sách kích cầu nhằm tăng sản xuất và nhân dụng, như thuyết Keynes chủ trương. ii) “Thất nghiệp kiểu cổ điển”: đó là thất nghiệp bắt nguồn từ thị trường lao động, do tiền lương thực tế cao hơn mức cân bằng, cầu về lao động thiếu hụt, người làm thuê bị hạn định về cung; sự mất cân bằng này truyền sang thị trường sản phẩm, cung sản phẩm thiếu kém, người làm thuê bị hạn định về cầu. Liệu pháp, ở đây, là kích cung bằng những chính sách giảm lương thực tế và khôi phục lợi nhuận doanh nghiệp, như thuyết tân cổ điển chủ trương.
Cũng như tổng hợp tân cổ điển lần thứ nhất, tổng hợp lần thứ hai này có hai cấp độ: 1) Thuyết cân bằng chung với giá cố định là mô hình lý luận thích hợp trong ngắn hạn, còn trong dài hạn thì thuyết cân bằng chung của Walras là mô hình xác đáng bởi vì giả cả, khi đó, trở nên linh hoạt. 2) Trong thời kỳ ngắn, thuyết cân bằng chung với giá cố định tổng hợp những giải thích về thất nghiệp của thuyết Keynes và của thuyết tân cổ điển như là hai trường hợp đặc biệt của một mô hình khái quát hơn. Về mặt hình thức, người ta có thể tìm thấy trong mô hình cân bằng chung với giá cố định những kết quả chính yếu của Lý thuyết khái quát được công thức hoá toán học. Song, về mặt nội dung, khoảng cách với lý luận của Keynes khá xa, và đi đến chỗ ngược nghĩa trên nhiều điểm cơ bản.
1) Cho rằng Lý thuyết khái quát phân tích một nền kinh tế thị trường có giá cả cố định, điều chỉnh cung - cầu không qua giá cả mà qua số lượng - chí ít khi nền kinh tế chưa đạt tới trạng thái toàn dụng - là một cách hiểu Keynes tuy phổ biến nhưng sai lệch. Lối diễn giải này không phân biệt giá dự đoán, là giá sản phẩm mà các nhà doanh nghiệp dự trù khi xác lập cầu hiệu quả, và giá thực thụ, là giá sản phẩm do thị trường xác lập. Nếu các nhà doanh nghiệp dự đoán đúng đắn, giá thực thụ trùng hợp với giá dự đoán, giá cả do đó không có biến động chứ không phải là cố định. Bởi vì, nếu cầu hiệu quả không khớp với cầu trên thị trường thì việc điều chỉnh được thực hiện qua những biến động về dự trữ sản phẩm và biến động về giá tương đối. Song, điều này không thủ tiêu hiệu lực của nguyên lý Keynes về cầu hiệu quả, bởi vì điều quyết định mức nhân dụng trong nền kinh tế vẫn là mức cầu mà các nhà doanh nghiệp dự đoán, bất luận những dự đoán đó có chính xác hay không[15]. Mặt khác, trong một nền kinh tế ở trạng thái khiếm dụng, khi mức cầu hiệu quả tăng thì biểu hiện “thông thường” là: vừa mức nhân dụng tăng, vừa mức giá chung tăng. Keynes bài bác giả thuyết theo đó giá cả bất biến trong một nền kinh tế khiếm dụng, rồi tăng tỷ lệ thuận với khối lượng tiền tệ khi có toàn dụng: theo ông, đó là một sự “giản lược sai ngoa”. Trong Lý thuyết khái quát, giá cả - giá tương đối và mức giá chung - đều khả biến, và thị trường điều chỉnh cung - cầu vừa qua số lượng, vừa qua giá cả. Cho nên vấn đề không phải là giá cả có tính linh hoạt hay không, mà là sự linh hoạt của giá cả, tự nó, không đưa nền kinh tế thị trường đến toàn dụng lao động, dù là trong dài hạn [Keynes 1936, chương 21].
2) Trong học thuyết phi cân bằng, khiếm dụng lao động là một trạng thái phi cân bằng chung do các thị trường sản phẩm và lao động không có khả năng xác lập giá cân bằng. Lập luận này, thật ra, không có gì mới mẻ - nó chỉ là hệ quả rất chính thống của thuyết tân cổ điển về cân bằng chung - và Keynes đã từ bỏ nó trong Lý thuyết khái quát để xây dựng khái niệm về “cân bằng khiếm dụng”: qua đó, ông chứng minh rằng tình trạng thất nghiệp không tự nguyện có thể tồn tại ngay khi nền kinh tế thị trường ở thế cân bằng chung; hay nói cách khác, các thị trường đều ở thế cân bằng, trừ thị trường lao động. Ðúng ra, qua khái niệm cân bằng khiếm dụng, Keynes phủ nhận có một thị trường lao động, hiểu như là sự đối chiếu cung lao động (tối đa hoá lợi ích của các người làm thuê) và cầu lao động (tối đa hoá lợi ích của các nhà doanh nghiệp) nhằm quyết định giá (tiền lương thực tế) và lượng lao động mua bán (tổng nhân dụng). Keynes nhận xét rằng tiền lương mà các nhà doanh nghiệp và các người làm thuê cùng quyết định không phải là tiền lương thực tế mà là tiền lương danh nghĩa: khi thương lượng với nhau trên thị trường lao động, các tác nhân không thể biết được mức lương thực tế, bởi vì nó còn tuỳ thuộc vào mức giá chung, nghĩa là vào sự điều chỉnh cung - cầu trên thị trường sản phẩm. Còn tổng nhân dụng thì chỉ do các nhà doanh nghiệp chứ không do các người làm thuê quyết định: theo nguyên lý Keynes về cầu hiệu quả, các nhà doanh nghiệp dự đoán cầu sản phẩm và xác lập một mức sản xuất cân bằng thị trường sản phẩm, do đó mà tổng nhân dụng phụ thuộc đơn thuần vào ứng xử của nhà doanh nghiệp trên thị trường sản phẩm và độc lập với ứng xử của người làm thuê trên thị trường lao động, cho dù những người lao động chấp nhận giảm mức lương thực tế - nên thất nghiệp, ở đây, mang tính chất “không tự nguyện” [Keynes 1936, chương 2 và 3].
3) Ðối với học thuyết phi cân bằng, khiếm dụng hay toàn dụng lao động, xét cho cùng, là một vấn đề giá cả trên thị trường (bao gồm thị trường lao động và tiền lương): giá phi cân bằng hay là giá cân bằng; giá cố định hay là giá linh hoạt. Một cách đặt vấn đề hoàn toàn phù hợp với kinh tế học tân cổ điển nhưng không ăn nhập gì với Lý thuyết khái quát. Ðối với Keynes, nếu trạng thái cân bằng khiếm dụng là thông lệ, đó là vì nó bắt nguồn từ tính bất trắc cơ bản của hoạt động kinh tế thị trường. Một mặt, đó là tính chất bất trắc trong hoạt động đầu tư trên thị trường sản phẩm, mà biểu hiện là những dự đoán của các nhà doanh nghiệp về hiệu quả tư bản cận biên và ưu tiên mà họ dành cho hoạt động đầu cơ chứng khoán. Mặt khác, đó là tính chất bất trắc trong hoạt động đầu cơ trên thị trường tài chính, mà biểu hiện là những dự đoán của các nhà doanh nghiệp về lãi suất dài hạn và ưu tiên mà họ dành cho tiền tệ. “Bất trắc”, khái niệm nền tảng của Lý thuyết khái quát, hầu như vắng mặt trong cách diễn giải tân Keynes, cho nên các khái niệm “dự đoán” và “tiền tệ” cũng không có một vai trò gì thật sự trong các mô hình cân bằng với giá cố định. 1) Các mô hình này đều xây dựng trên định đề rằng “tình hình dự đoán” là bất biến, và chính điều đó mới biện minh cho giả thuyết về giá cố định: bởi vì khi các nhà doanh nghiệp đã không có lý do thay đổi dự đoán thì họ cũng không có lý do để xét lại giá cả mà họ đã ấn định trong mỗi thời kỳ. 2) Trong các mô hình với giá cố định, tiền tệ có mặt như là đại biểu cho “sản phẩm tương lai” nhưng trong một nền kinh tế mà tương lai không có bất trắc (giả thuyết về một nền kinh tế có đầy đủ các thị trường có kỳ hạn [forward markets] và với sản phẩm có điều kiện [contingent goods]). Ðó không phải là tiền tệ như Keynes quan niệm, tức là tiền tệ định nghĩa trong sự khác biệt với chứng khoán và với sản phẩm: tiền tệ có đặc tính là thanh khoản mà nhà doanh nghiệp cất giữ khi lo sợ tương lai bất trắc, tức là tiền tệ như là thước đo độ không tin cậy của các nhà doanh nghiệp đối với những dự đoán của bản thân họ đề ra [Keynes 1936, chương 12, 13, 15, 16  và 17]. Keynes gọi thuyết về nhân dụng mà ông xây dựng là “thuyết tiền tệ về nhân dụng” để nhấn mạnh rằng nguyên nhân cơ bản của thất nghiệp nằm ở trong tính chất tiền tệ của nền kinh tế thị trường. Ðó là nội dung chủ yếu của Lý thuyết khái quát mà những tác giả tân Keynes đều phải gạt qua một bên khi họ tiến hành cuộc tổng hợp với thuyết tân cổ điển.

Kinh tế học Keynes mới

David Romer (1958-)
Dennis Snower (1950-)
Ngày hôm nay, tổng hợp tân cổ điển lần thứ hai mang bộ mặt của kinh tế học Keynes mới, hình thành trong những năm 80. Trường phái tân Keynes này phản ứng lại kinh tế học cổ điển mới mà định đề cơ bản là tính cân bằng thường trực của các thị trường, với hệ luận là tính tự nguyện của thất nghiệp; song, các tác giả tân Keynes chấp nhận phương pháp luận tân cổ điển vi mô căn cứ trên định đề về tính ứng xử hợp lý của các tác nhân kinh tế, và công nhận rằng những phê bình của Lucas dựa trên giả thuyết về dự đoán hợp lý là xác đáng. Mặt khác, kinh tế học Keynes mới kế tục học thuyết Clower về cân bằng có hạn định mà giả định cơ bản là các thị trường điều chỉnh cung - cầu qua số lượng thay vì qua giá cả; nhưng đồng thời, phái tân Keynes của những năm 80 phê phán các mô hình phi cân bằng những năm 70 là đã “áp đặt giá cả cố định trong những nền kinh tế quan niệm theo mô hình Walras”, tức là mô hình về thị trường cạnh tranh hoàn hảo (với những tác nhân “price taker”, tuân thủ giá của thị trường, chứ không phải “price maker”, làm ra giá thị trường). Một việc làm “không hợp lẽ”, biểu lộ khuyết điểm chính của học thuyết Clower là thiếu cơ sở vi mô: tính cố định của giá và lương được đưa vào mô hình một cách ngoại sinh, như là một bó buộc đối với các tác nhân kinh tế, thay vì được lý giải một cách nội sinh, như là kết quả hành động của các tác nhân ứng xử hợp lý [Mankiw 1990, trg. 266]. Xác lập cơ sở vi mô của những mất cân bằng vĩ mô - như thất nghiệp không tự nguyện -, đó là vấn đề mà kinh tế học Keynes mới đặt ra qua những công trình của George Akerlof, Olivier Blanchard, Alan Blinder, Assar Lindbeck, Gregory Mankiw, David Romer, Dennis Snower, Joseph Stiglitz, Janet Yellen...
Alan Blinder (1945-)
Assar Lindbeck (1930-)
Cũng trong khung lý luận về cân bằng chung, các tác giả tân Keynes này sử dụng những mô hình về thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (trong đó những tác nhân có khả năng ấn định giá cả của sản phẩm, song mức giá càng cao thì lượng bán càng thấp) để chứng minh rằng: chính những quyết định hợp lý, tối ưu hoá lợi ích của các tác nhân tạo nên tính cố định hay đúng hơn tính cứng nhắc (rigidity) của giá và lương, danh nghĩa cũng như thực tế, trên các thị trường sản phẩm, tín dụng và lao động. Cho nên kinh tế học Keynes mới được định nghĩa như là kinh tế học về “những sự cứng nhắc” (rigidities) [Blinder, đàm thoại trong Klamer 1983, trg. ].
George Akerlof (1940-)
Janet Yellen (1946-)
- Trên thị trường sản phẩm, phái tân Keynes quan tâm đặc biệt đến tính cứng nhắc của giá cả danh nghĩa và những giải thích dựa vào khái niệm về chí phí điều chỉnh giá, còn gọi là “chi phí về bảng giá” (menu costs): khi mức cầu biến động nhẹ trên thị trường, ở cấp vi mô, các doanh nghiệp không điều chỉnh giá lên xuống bởi vì thay đổi giá cả gây ra một số phí tổn (in lại catalô, giao dịch trở lại với khách hàng...), mà họ chỉ điều chỉnh mức cung. Trong trường hợp đó, ở cấp vĩ mô, nếu là tổng cầu giảm, mức giá chung sẽ không giảm và thị trường điều chỉnh qua số lượng, tạo ra trạng thái thất nghiệp không tự nguyện. Ngược lại, một chính sách tiền tệ hay tài chính nhằm tăng tổng cầu sẽ có hiệu ứng nâng mức sản xuất và nhân dụng lên, thay vì tăng mức giá chung. Trong nghĩa đó, những sự cứng nhắc nhỏ bé ở cấp vi mô có thể tạo nên những hiệu ứng quan trọng ở cấp vĩ mô [Mankiw 1985; Akerlof và Yellen 1985; Blanchard và Kiyotaki 1987].
Olivier Blanchard (1948-)
- Trên thị trường tín dụng, các tác giả tân Keynes giải thích tính cứng nhắc của lãi suất với lý luận về “thông tin phi đối xứng” (asymmetric information) giữa người cho vay (ngân hàng) và kẻ vay mượn (doanh nghiệp): trong quan hệ tín dụng, các ngân hàng không nắm được tất cả những thông tin mà những doanh nghiệp có, họ không thể biết rõ hết tư cách của người vay mượn, cũng không thể biết chính xác vốn cho vay được sử dụng như thế nào. Không có khả năng đánh giá rủi ro của những dự án cho vay, các ngân hàng không thể giảm bất trắc bằng cách nâng lãi suất lên, bởi vì lãi suất càng cao thì xác suất thất bại của những dự án càng nhiều (selection adverse), đồng thời các doanh nghiệp càng bị đưa đẩy vào hành động phiêu lưu, tạo nhiều rủi ro hơn (moral hazard): kết quả là hiệu suất hoạt động cho vay của ngân hàng giảm sút. Cho nên, khi cầu vượt cung trên thị trường tín dụng, ngân hàng không điều chỉnh lãi suất mà hạn định tín dụng (credit rationing): một số nhà doanh nghiệp bị từ chối tín dụng mặc dầu họ sẵn sàng vay mượn theo lãi suất thị trường. Tổng mức đầu tư không đạt được mức cân bằng và nền kinh tế ở vào trạng thái thất nghiệp không tự nguyện do sự khiếm khuyết của “cung hiệu quả” (effective supply), là nguyên lý “trụ cột thứ hai” của kinh tế học Keynes mới, bên cạnh nguyên lý về cầu hiệu quả của Keynes [Stiglitz và Weiss 1981; Blinder 1987].
Joseph Stiglitz (1943-)
- Trên thị trường lao động, phái tân Keynes giải thích tính cứng nhắc của tiền lương thực tế dựa vào lý luận về thông tin phi đối xứng trong quan hệ giữa chủ nhân và nhân công, và lý luận về  “chi phí thay thế nhân công” (turnover costs). Hai khái niệm chính được triển khai là “tiền lương hữu hiệu” (efficiency wage) và sự phân biệt “nhóm bên trong - nhóm bên ngoài” (insiders - outsiders). Theo mô hình về tiền lương hữu hiệu, tiền lương thực tế có ảnh hưởng quyết định đến năng suất lao động, cho nên các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương trên mức lương cân bằng nhằm tối đa hoá nỗ lực của người lao động làm thuê, và giảm bất trắc trong quan hệ với người làm thuê trong qui trình lao động. Tiền lương hữu hiệu có tác dụng thu hút và giữ chân nhân công giỏi, hạn chế những thay đổi về nhân công, ngăn đe thái độ lười nhác của người làm thuê, đáp ứng nhu cầu tâm lý về công bằng của người ăn lương [Stiglitz 1974; Shapiro và Stiglitz 1984; Yellen 1984; Akerlof và Yellen 1986]. Theo mô hình phân biệt nhóm lao động “bên trong” (có việc làm) và nhóm lao động “bên ngoài” (thất nghiệp), những chi phí thay thế nhân công (gồm phí tổn tuyển dụng, phí tổn đào tạo, phí tổn sa thải...) giải thích vì sao các doanh nghiệp sẵn sàng tăng lương cho nhân công đang có việc làm, thay vì tuyển dụng người thất nghiệp với mức lương thấp hơn [Lindbeck và Snower 1985; Solow 1985]. Trong tất cả những tình huống đó, lợi ích của các tác nhân hợp lý, những nhà doanh nghiệp cũng như những người lao động có việc làm, là xác lập tiền lương thực tế ở mức cao hơn tiền lương cân bằng của thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Thị trường lao động, do đó, có thất nghiệp: các tác giả tân Keynes gọi nó là thất nghiệp “không tự nguyện” (người thất nghiệp sẵn sàng làm thuê ở mức lương thấp hơn tiền lương hữu hiệu, nhưng các doanh nghiệp không thuê), song đó vẫn là thất nghiệp “kiểu cổ điển” (mức lương thực tế vượt tiền lương cân bằng thị trường lao động), chứ không phải là thất nghiệp “kiểu Keynes” (cầu hiệu quả khiếm khuyết trên thị trường sản phẩm).
Gregory Mankiw (1958-)
Với kinh tế học Keynes mới, khoảng cách đối với Lý thuyết khái quát xa hơn bao giờ hết. Tính chất Keynes của các mô hình về giá và lương cứng nhắc chỉ giới hạn trong kết luận rằng, với nền kinh tế thị trường không hoàn hảo, thất nghiệp không tự nguyện có thể xảy ra và một sự can thiệp của nhà nước có thể hữu ích. Còn về lập luận thì kinh tế học Keynes mới gần kinh tế học tân cổ điển hơn, đặc biệt là học thuyết duy tiền tệ của Friedman với lý luận về tỷ suất thất nghiệp tự nhiên (mà các tác giả tân Keynes gọi là “tỷ suất thất nghiệp không tăng tốc lạm phát” - NAIRU: non accelarating inflation rate unemployment) và tính không hoàn hảo của các thị trường lao động, sản phẩm và tín dụng. Bản thân những tác giả tân Keynes cũng công nhận điều đó: theo lời của Mankiw, kinh tế học Keynes mới còn có thể gọi là “kinh tế học duy tiền tệ mới” - hơn thế, “với thuyết định lượng về tiền tệ (và đường cong Phillips bổ sung với dự đoán), một sinh viên chắc chắn được trang bị hơn là với sơ đồ của Keynes”. Trong ý nghĩa đó, kinh tế học Keynes mới không hẳn là sự hồi sinh của thuyết Keynes mà, chính xác hơn, đó là sự “đầu thai”: tinh thần của Keynes nhưng ở “trong một cơ thể mới”. Vả lại, theo Mankiw, “Lý thuyết khái quát là một quyển sách lỗi thời” và, trong các nhà kinh tế tân Keynes trẻ, “ít ai quan tâm đến câu hỏi Keynes thật sự muốn nói điều gì”. Xét cho cùng, sử dụng tên hiệu của Keynes tạo ra hiểu lầm hơn là làm rõ vấn đề: cho nên Mankiw cho rằng “cần một tên gọi mới” để chỉ trường phái chấp nhận sự hiện hữu của thất nghiệp không tự nguyện, tiền tệ không trung tính trong ngắn hạn và tính cứng nhắc của giá cả và tiền lương [Mankiw 1992, trg. 171-172; và đàm thoại, trong Snowdon, Vane và Wynarcyk 1994, trg. 361-367].

Những trường phái hậu Keynes

Roy F. Harrod (1900-1978)
Sidney Weintraub (1914-1983)
Hình thành trong những năm 70, từ “hậu Keynes” chỉ một cách đặt vấn đề khác trong kinh tế học, cũng xuất phát từ Keynes nhưng từ chối mọi tổng hợp tân cổ điển [Eichner và Kregel, 1975]: căn cứ vào tính chất không chính thống của Lý thuyết khái quát, các tác giả hậu Keynes chủ trương xây dựng một kinh tế học mới, khả dĩ thay thế kinh tế học tân cổ điển. Trào lưu hậu Keynes gồm hai thế hệ: i) trường phái Cambridge; ii) những thuyết về kinh tế tiền tệ.

Trường phái Cambridge

Jan Kregel (1944-)
Nicholas Kaldor (1908-1986)
Thế hệ tác giả đầu tiên gồm những bạn đồng hành với Keynes các năm 30 thuộc nhóm The Circus và những đồ đệ ở trường đại học Cambridge: Joan Robinson, Roy Harrod, Nicholas Kaldor, Luigi Pasinetti... - cùng một số tác giả Mỹ như Sidney Weintraub, Alfred Eichner, Jan Kregel... Vấn đề mà trường phái Cambridge đặt ra là “khái quát hoá Lý thuyết khái quát, tức là nối dài những phân tích về thời kỳ ngắn của Keynes sang phân tích về dài hạn”, nhằm bác bỏ lập luận tân cổ điển cho rằng, trong dài hạn, nền kinh tế thị trường đạt đến cân bằng toàn dụng [Robinson 1956, trg. VI]. Công trình khởi điểm đã tìm cách chứng minh rằng một tình trạng cân bằng toàn dụng trong tăng trưởng kinh tế chỉ có thể là ngẫu nhiên, và nếu có đạt đến thì cũng là một thế không ổn định: nếu nền kinh tế trượt khỏi thế này, những dự đoán của các nhà doanh nghiệp sẽ càng lúc càng tách nó ra xa con đường tăng trưởng gọi là “trên lưỡi dao cạo” (knife’s edge) đó [Harrod 1939, 1948]. Các công trình tiếp theo xác lập mối liên hệ cân bằng giữa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế với tỷ suất lợi nhuận: nền kinh tế hội tụ vào con đường tăng trưởng cân bằng nếu giai cấp tư bản có khả năng áp đặt tương quan thích ứng giữa lợi nhuận và tiền lương, thông qua chiến lược của các doanh nghiệp ấn định giá cả sản phẩm trên thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (công thức là cộng vào chí phí sản xuất một tỷ lệ thặng dư nhất định [mark up]). Con đường tăng trưởng này có kết hợp cân bằng với toàn dụng hay không còn tuỳ thuộc mức tổng đầu tư của các doanh nghiệp, nghĩa là phụ thuộc vào cái mà Keynes gọi là “tinh thần bản năng động vật” (animal spirits) của các nhà doanh nghiệp, tức là lòng tin tưởng ít hay nhiều của họ vào môi trường kinh tế và các thiết chế chính trị - xã hội [Robinson 1956; Kaldor 1956; Pasinetti 1962]. Từ bỏ những phạm trù về thị trường cạnh tranh hoàn hảo và về hiệu suất giảm dần mà Keynes đã sử dụng, các công trình hậu Keynes xác lập cơ sở vi mô đặc thù của kinh tế học vĩ mô Keynes trên sự hình thành “giá-thặng dư” (mark-up pricing) phụ thuộc mức độ độc quyền (degree of monopoly) của doanh nghiệp trên thị trường [Weintraub 1959, Eichner 1976, Kaldor 1987].
Alfred Eichner (1937-1988)
Michal Kalecki (1899-1970)
Ðề án khái quát hoá Lý thuyết khái quát của trường phái Cambridge được xem là tổng hợp thuyết Keynes (nguyên lý về cầu hiệu quả, với vai trò quyết định của đầu tư và dự đoán doanh nghiệp) và thuyết Kalecki (nguyên lý về đầu tư quyết định lợi nhuận, và mức độ độc quyền chi phối tương quan giữa lợi nhuận và tiền lương) [Michal Kalecki, Luận về thuyết chu kỳ kinh tế, 1933; Lý thuyết về động thái kinh tế, 1954]. Robinson thừa nhận rằng Kalecki đã trình bày, với những phạm trù của kinh tế học Marx, lý luận về cầu hiệu quả trước khi Lý thuyết khái quát của Keynes ra đời; hơn thế, với những lý luận về mối liên hệ quyết định đầu tư - lợi nhuận cũng như về chế độ giá-thặng dư trong cạnh tranh độc quyền, Kalecki đã đưa ra “một thuyết thật sự khái quát hơn thuyết của Keynes” [Robinson 1973, trg. 97]. Song cũng có thể nhận xét thêm rằng nguyên lý mang tên Kalecki (các nhà doanh nghiệp thu vào những gì họ chi ra), thật ra, đã được Keynes trình bày với nghịch lý về “cái hũ của người quả phụ” [widow’s cruse] (các nhà doanh nghiệp thu lại dưới dạng lợi nhuận những gì họ chi dưới dạng tiêu dùng) trong tác phẩm Luận văn về tiên tệ năm 1930 [CW, V, trg. 125], rồi lý giải trong những bài giảng Harris Lectures ở Chicago năm 1931 (nếu tỷ lệ đầu tư tăng mà tỷ lệ tiết kiệm của các nhà doanh nghiệp không thay đổi thì lợi nhuận gia tăng) [Keynes 1931, trg. 139], cho nên “đẳng thức Keynes - Kalecki” là một tên gọi chính xác[16].

Những thuyết về kinh tế tiền tệ

Thế hệ công trình hậu Keynes những năm 70 cũng khởi đi từ lý luận của Keynes về cầu hiệu quả và về dự đoán trong đầu tư, nhưng để trở về nguồn của Lý thuyết khái quát là “lý thuyết tiền tệ về sản xuất” (monetary theory of production) - tựa nguyên thuỷ của Lý thuyết khái quát trong bản thảo đầu tiên năm 1932 [CW, XXIX, trg. 49] - tức lý thuyết về những nền kinh tế mà tính chất tiền tệ kiềm chế sản xuất và nhân dụng [Dillard 1948 và 1985]. Trước tiên, Keynes nhận dạng “nền kinh tế tiền tệ” như là một “nền kinh tế của các nhà doanh nghiệp” và “một nền kinh tế về tiền lương tiền tệ”, nghĩa là một cơ cấu xã hội với hai giai tầng: giai tầng các nhà doanh nghiệp quyết định chuyển hoá tiền tệ thành lao động làm thuê và công cụ sản xuất để cuối cùng, theo chu trình Tiền - Hàng - Tiền của Marx, “thu về nhiều tiền hơn là tiền có lúc ban đầu”; và giai tầng các người lao động làm thuê mà tác động lên chu trình này giới hạn vào khả năng thương lượng mức lương tiền tệ [CW, XXIX, trg. 89]. Mặc khác, Keynes đối lập “nền kinh tế tiền tệ” với “nền kinh tế có tiền tệ trung tính” trong đó tiền tệ, theo quan niệm tân cổ điển, chỉ làm trung gian trao đổi hàng hoá [CW, XXIX, trg. 78]. Bởi vì tầm quan trọng của tiền tệ ở chỗ nó là “mối liên hệ giữa hiện tại với tương lai”, Keynes định nghĩa “kinh tế tiền tệ là một nền kinh tế trong đó những thay đổi trong cách nhìn về tương lai có thể ảnh hưởng lên mức nhân dụng hiện tại”. Cho nên, “muốn tìm hiểu điều quyết định mức tổng sản phẩm và tổng nhân dụng thì một lý thuyết hoàn chỉnh về một nền kinh tế tiền tệ là cần thiết” [Keynes 1936, trg. 10 và 294-295]. Khai triển cách đặt vấn đề này, những tác giả hậu Keynes ngày nay tìm cách nối dài lý thuyết về nền kinh tế tiền tệ mà Keynes đã đề ra nền tảng với nhiều khái niệm xác đáng - tuy đặt ra không ít vấn đề diễn giải - về: sự không hiểu biết trong kinh tế và “tính bất trắc không thể xử lý bằng xác suất”; về dự đoán và “lối ứng xử qui ước”; về “ưu tiên dành cho tiền tệ” và lãi suất qui ước; về cầu tiền tệ vì “động cơ tài trợ” doanh nghiệp và tính nội sinh của cung tiền tệ; về “tình trạng lòng tin” và các chính sách kinh tế; về nhà nước và những thiết chế “giảm thiểu bất trắc”...
Paul Davidson (1930-)
Trong những công trình mở đầu, có tiếng vang nhất là tác phẩm Tiền tệ và thế giới hiện thực của Paul Davidson viết  năm 1972, trong đó tác giả trách trường phái Cambridge đã không chú ý đúng mức đến vai trò của tiền tệ trong học thuyết Keynes. Ðóng góp của Davidson tập trung vào mối liên hệ giữa tiền tệ và bất trắc: ông phê phán kinh tế học tân cổ điển đã loại bỏ tính bất trắc trong kinh tế bằng cách xác lập những dự đoán trên cơ sở thống kê xác suất, với giả thuyết rằng có thể tính toán xác suất của những sự kiện tương lai dựa vào xác suất của sự kiện đó trong quá khứ (ergodicity hypothesis). Rút từ khoa học tự nhiên, giả thuyết này không thể áp dụng sang khoa học kinh tế bởi vì những sự kiện kinh tế mang tính xã hội và lịch sử, nghĩa là có tính độc nhất, không lặp lại[17]. Các xã hội tư bản hiện thực xử lý tính bất trắc trong kinh tế không với tính toán thống kê mà với khung thiết chế, trong đó tiền tệ là thiết chế nền tảng: các tác nhân kinh tế đối phó với bất trắc qua chọn lựa dự trữ tiền tệ thay vì kinh doanh đầu tư; còn trong quan hệ kinh doanh, các tác nhân hạn chế tính bất trắc qua những hợp đồng có tính tiền tệ, trước tiên là hợp đồng lao động [Davidson 1972 và 1991; Shackle 1974]. Davidson còn nhấn mạnh đến tính cần thiết của hệ thống ngân hàng và tín dụng để ứng tiền cho các nhà doanh nghiệp khởi động những đề án sản xuất và đầu tư, mà Keynes gọi là cầu tiền tệ vì “động cơ tài trợ” (finance motive) trong một bài viết vào tháng mười hai năm 1937 [Thuyết tiên khởi về lãi suất] nhằm bổ sung lập luận của Lý thuyết khái quát (đồng thời bác bỏ lập luận chính thống cho rằng tiết kiệm là điều kiện tiên quyết của đầu tư) [Davidson 1965; Graziani 1988]. Từ đó và dựa vào lập luận của Keynes trong Luận văn về tiền tệ, B. Moore xác lập tính nội sinh của cung tiền tệ (hệ thống ngân hàng cung ứng lượng tín dụng tuỳ theo nhu cầu của doanh nghiệp) với lãi suất ngoại sinh (do ngân hàng trung ương ấn định); qua đó, ông tu chỉnh giả thuyết của Keynes trong Lý thuyết khái quát (cũng là lập luận của lý thuyết định lượng về tiền tệ trong kinh tế học chính thống) về tính ngoại sinh của cung tiền tệ (do ngân hàng trung ương ấn định) với lãi suất nội sinh (do cung và cầu tiền tệ quyết định) [Moore 1979; Kaldor 1982]. Kết hợp với vai trò của hệ thống ngân hàng, Hyman Minsky phân tích tác động của thị trường chứng khoán trên những biến động về đầu tư và chức năng ổn định của các thiết chế tài chính; đồng thời, ông vạch ra tính bấp bênh của các thiết chế đó là nguồn gốc của sự không ổn định tài chính (financial instability) và của khủng hoảng trong các nền kinh tế tiền tệ [Minsky 1977; Aglietta 1995].
Hyman Minsky (1919-1996)
Nhiều tác giả - không nhất thiết mang danh hậu Keynes - đã tìm cách hệ thống hoá lý luận về nền kinh tế tiền tệ dưới nhiều tên gọi khác nhau như thuyết “chu trình” (circuit) hay “lưu thông tiền tệ” (monetary circulation): Alain Barrère [1979], Bernard Schmitt [1966], Alain Parguez [1980], Augusto Graziani [1988], Carlo Benetti và Jean Cartelier [1980], Michel Aglietta [1995]... Kết hợp lý luận về cầu hiệu quả (và đẳng thức Keynes - Kalecki) với quan niệm về tiền tệ nội sinh (và động cơ tài trợ), thuyết chu trình lý giải hoạt động của nền kinh tế tiền tệ qua những qui luật thuần tuý vĩ mô, độc lập với những lối ứng xử vi mô của các tác nhân kinh tế. Ðúng với cách đặt vấn đề của Keynes, các thuyết về kinh tế tiền tệ, thay vì đi tìm những cơ sở vi mô của kinh tế học vĩ mô, đặt vấn đề xác lập những cơ sở tiền tệ của nền kinh tế vĩ mô.
Nhìn chung, các công trình hậu Keynes tuy đa dạng nhưng xem ra khá rời rạc và thiếu tính thống nhất. Trước tiên, trên một số khía cạnh của thuyết Keynes về tiền tệ, chưa có một sự đồng thuận giữa các tác giả hậu Keynes với nhau. Tranh chấp chính liên quan đến những phân tích về tiên tệ như là “tài sản” (asset) bên cạnh những tài sản tư bản thực tế, và về lãi suất tiền tệ như là một “lãi suất đặc thù” (own-rate of interest), trình bày trong chương 17 [Những thuộc tính chủ yếu của tiền lãi và tiền tệ] của Lý thuyết khái quát: theo một số tác giả, đó là chương “quan trọng nhất” đối với một quan niệm về kinh tế tiền tệ [Dillard 1985, trg. 71; Davidson 1972]; trong khi một số tác giả khác đánh giá chương này đã đánh mất tính phi chính thống của Lý thuyết khái quát và bắt cầu cho cuộc tổng hợp tân cổ điển [Barrère 1990; Benetti 1985]. Mặt khác, những nỗ lực nhằm hệ thống hoá lý luận về kinh tế tiền tệ vẫn chưa hoàn chỉnh và khớp với nhau, cho nên cách tiếp cận vĩ mô về chu trình tiền tệ chưa cung cấp được một mô hình lý luận khả dĩ thay thế cách tiếp cận chính thống và mô hình về hệ thống các thị trường phụ thuộc lẫn nhau [Lavoie 1987; Deleplace và Nell 1996].
Gérard Debreu (1921-2004)
Cho đến nay, điểm mạnh của trào lưu hậu Keynes vẫn là tính phê phán kinh tế học tân cổ điển và nền tảng của nó là thuyết cân bằng chung của Walras, mà mô hình Arrow - Debreu là công thức hoá tiên tiến nhất. Nếu quả chỉ như vậy thì đã là một đóng góp lý luận đáng kể, bởi vì chính những tác giả của mô hình này đã phải thừa nhận rằng: “Một thế giới vừa có quá khứ, vừa có tương lai, trong đó các hợp đồng được xác lập bằng tiền tệ, thì không thể có cân bằng chung” [Arrow và Hahn 1971, trg. 361]. Vượt lên những bất đồng và dị biệt, các phái hậu Keynes đều có mẫu số chung là đưa vào kinh tế học hai kích thước mà sự vắng mặt làm cho nhà kinh tế không thể bàn về “thế giới hiện thực”:  đó là thời gian và các thiết chế [Robinson 1984; Davidson 1981]. 1) Trào lưu hậu Keynes phân tích kinh tế trong “thời gian lịch sử”, tức là xuất phát từ một quá khứ không quay lại được để đi đến một tương lai không tiên đoán được. Khác với “thời gian lô-gích” của thế giới cân bằng chung, trong đó người ta có thể quay lại được quá khứ (trong phân tích về cân bằng ổn định, một nền kinh tế bị mất cân bằng sẽ trở lại thế cân bằng ban đầu), đồng thời các tác nhân có một sự hiểu biết hoàn hảo về tương lai, vì vậy, không có bất trắc: với giả thuyết rằng hệ thống thị trường gồm đầy đủ các thị trường có kỳ hạn, các tác nhân biết được giá cả của mọi sản phẩm tương lai mà không phải dự đoán, cho nên những chọn lựa của họ đưa nền kinh tế đến một thế “cân bằng liên thời gian” (intertemporal equilibrium) tức là phi thời gian[18]. 2) Phân tích kinh tế của trào lưu hậu Keynes đặt trọng tâm vào những thiết chế, tức là những quan hệ xã hội được thể chế hoá - tổ chức, hợp đồng, quy tắc, quy ước... - nhằm giảm thiểu tính bất trắc, ổn định những dự đoán, phối hợp lối ứng xử của các tác nhân cá thể. Trong khi mô hình cân bằng chung tập trung phân tích chi ly lối ứng xử và những chọn lựa của các tác nhân cá thể, nhưng lại khá kín đáo về khung thiết chế trong đó các tác nhân hành động - điển hình nhất là thiết chế trung tâm về “người rao giá” [auctionner] của giả thuyết cạnh tranh hoàn hảo[19].
Cuộc viếng lại lịch sử sáu mươi năm thịnh suy của học thuyết Keynes có thể tạm dừng ở đây. Nó đủ để làm sáng tỏ tính nhập nhằng của học thuyết mang tên Keynes được phổ biến, toàn thắng, suy đồi rồi hồi sinh, và cho phép trả lời những câu hỏi nêu lên lúc ban đầu:
  • Về thuyết Keynes được phổ biến từ sau năm 1936: không hẳn là Lý thuyết khái quát, mà đúng hơn đó là cách diễn giải của Hicks qua mô hình IS-LM.
  • Về thuyết Keynes toàn thắng và thống trị ba mươi năm:  hiển nhiên là không phải Lý thuyết khái quát, mà là thuyết Keynes tổng hợp với thuyết tân cổ điển trong mô hình Hicks - Patinkin và đường cong Phillips.
  • Về thuyết Keynes khủng hoảng và suy đồi từ thập kỷ 70: chỉ có thể là tổng hợp tân cổ điển nói trên, mà biểu hiện thực tiễn là chính sách điều chỉnh tinh tế trạng huống trong kinh tế.
  • Về thuyết Keynes ngày nay hồi sinh: một bên là một cuộc tổng hợp tân cổ điển mới với những mô hình tân Keynes về tính cố định hay cứng nhắc của giá và lương; bên kia là kinh tế học hậu Keynes với chủ trương trở về với đề án Keynes nguyên thuỷ là phê phán kinh tế học tân cổ điển và xác lập những cơ sở tiền tệ của nền kinh tế thị trường.
Song, do tính phi chính thống, những công trình hậu Keynes vừa là thiểu số, vừa không có được thế của trường phái tân Keynes trong giới khoa học hàn lâm. Bởi vì thế mạnh của những công trình tân Keynes chính là đã xác lập một số kết quả của Lý thuyết khái quát trên cơ sở của kinh tế học chính thống, chứ không sử dụng những khái niệm đặc thù của Keynes; cũng như, với những khái niệm tân cổ điển, kinh tế học Keynes mới đã bước vào khảo cứu một số lĩnh vực - tính không hoàn hảo trong cạnh tranh, tính bất trắc trong những quan hệ thị trường có thông tin không đối xứng -, đến nay, là những sở trường của các phái hậu Keynes. Cho nên, ngày hôm nay, trào lưu mang tên Keynes có ưu thế nhất lại là trào lưu cho rằng Lý thuyết khái quát đã lỗi thời và các nhà kinh tế không cần thiết đọc Keynes nữa. Tình trạng nghịch lý này, thật ra, chỉ là điểm tạm kết của một quá trình khởi động ngay khi Lý thuyết khái quát được phổ biến. Và, cũng như trong mọi nghịch lý, nghịch lý ở đây chỉ ở bề ngoài: để lý giải nó, chúng ta cần bước vào xem xét từ bên trong đề án của Keynes khi ông viết ra Lý thuyết khái quát. Xin mời[20].
Bài đã được trình bày tại Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Hà Nội, tháng 8 năm 2000.

Tài liệu dẫn

Tác phẩm của Keynes:

Keynes J.M. (1971-1989), The collected writings of J.M. Keynes, 30 vol., Mac Millan and Cambridge University Press.
Keynes J.M. (1931), Harris Lectures, CW. XIII. Traduction française: Harris Lectures, Revue française d’économie, vol. 1, 1986.
Keynes J.M. (1936), The general theory of employment, interest and money, CW. VII. Trad. fr.:  Théorie générale de l’emploi, de l”intérêt et de la monnaie, Payot, 1977.
Keynes J.M. (1937a), “The general theory of employment”, Quaterly Journal of Economics, CW.XIV. Trad. fr.: “La théorie générale de l’emploi”, Revue française d’économie, vol. V, 1990.
Keynes J.M. (1937b), “The “ex-ante” theory of the rate of interest”, Economic Journal, CW. XIV. Trad. fr.: “La théorie “ex-ante”du taux d”intérêt”, Revue française d’économie, vol. IV, 1989.

Những văn bản khác

Abraham-Frois G. (ed.) (1974), Problématiques de la croissance, Economica.
Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998), La macroéconomie après Lucas, Economica.
Aglietta M. (1995), Macroéconomie financière, La Découverte.
Akerlof G., Yellen J. (1985), “A near-rational model of the business cycle with wage and price inertia”, Quaterly Journal of Economics, supplement.
Barrère A. (1979), Déséquilibres économiques et contre révolution keynésienne, Economica.
Barrère A. (1990), Macroéconomie keynésienne. Le projet économique de John Maynard Keynes, Dunod.
Akerlof G., Yellen J. (1988), “Fairness and unemployment”, American Economic Review, May.
Arrow K., Debreu G. (1954), “Existence of an equilibrium for a competitive economy”, Econometrica, July.
Arrow K., Hahn F. (1971), General competitive analysis, Holden-Day.
Barro R. (1974), “Are goverment bonds net wealth?”, Journal of Political Economy, November.
Barro R., Grossman H. (1971), “A general disequilibrium model of income and employment”, American Economic Review, March.
Beau M., Dostaller G.(1993), La pensée économique depuis Keynes, Seuil (bản dịch tiếng Việt: Tư tưởng kinh tế kể từ Keynes, NXB Tri thức, HN, 2008).
Bénassy J.P. (1975), “Neo-keynesian disequilibrium theory in a monetary economy”, Review of Economic Studies, October.
Benetti C. (1985), “Economie monétaire et économie de troc: la question de l”unité de compte commune”, Economie appliquée n° 1.
Benetti C., Cartelier J. (1980), Marchands, salariat et capitalistes, Maspéro.
Bertonèche M., Teulié M. (ed.) (1977), Macro-économie: textes fondamentaux, PUF.
Blanchard O., Kiyotaki N. (1987), “Monopolistic competition and the effects of aggregate demand”, American Economic Review, September.
Blinder A. (1987), “Credit rationing and effective supply failures”, Economic Journal, June.
Clower R. (1965), “The keynesian counter-revolution: a theoretical appraisal”, in Clower R. (ed.), Monetary theory, Penguin Books, 1969.
Clower R. (1984), Money and markets, Cambridge University Press.
Coddington A. (1976), “Keynesian economics: the search for first principles”, Journal of Economic Literature, December.
Davidson P. (1965), “Keynes’ finance motive”, Oxford Economic Papers, vol. 17.
Davidson P. (1972), Money and the real world, Macmillan.
Davidson P. (1981), “L’économie post-keynésienne, solution à la crise de la théorie économique”, in Bell D., Kristoll I. (ed.), The crisis in economic theory, Basic Books. Trad. fr.: Crise et renouveau de la théorie économique, Bonnel-Publisud, 1986.
Davidson P. (1991), “Is probability theory relevant for uncertainty? A post keynesian perspective”, Journal of Economic Perspectives, vol. 5. Trad. fr.: “La théorie des probabilités est-elle pertinente en incertitude? Un point de vue post-keynesien”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Deleplace G., Nell E. (ed.) (1996), Money in motion. The post-keynesian and circulation approches, Macmillan.
Dillard D. (1948), The theory of J.M. Keynes: the theory of monetary economy, Prentice-Hall.
Dillard D. (1985), “La demande effective et la théorie monétaire de l'emploi”, in Barrère A.  (ed.), Keynes aujourd’hui, Economica.
Dreze J. (1975), “Existence of an exchange equilibrium under price rigidities”, International Economic Review, June.
Eichner A. (1976), The megacorp and the oligopoly. Micro foundations of macro dynamics, Cambridge University Press.
Eichner A., Kregel J. (1975), “An essay on post-keynesian theory: a new paradigm in economics”, Journal of Economic Literature, December.
Friedman M., (1968), Dollars and deficits: inflation, monetary policy and the balance of payments, Prentice-Hall. Trad. fr.: Inflation et systèmes monétaires, Calmann-Lévy, 1969.
Friedman M. (1968), “The role of monetary policy”, American Economic Review, March. Trad. fr.: “Le rôle de la politique monộtaire”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Friedman M. (1970), The counter-revolution in monetary theory, paper No 33, Institut of Economic Affairs.
Grandmont J. (1977), “Temporary general equilibrium theory”, Econometrica, vol. 43.
Graziani A. (1988), “Le financement de l’économie dans la pensée de J.M. Keynes”, Cahiers d'économie politique n° 14-15
Hansen A. (1949), Monetary theory and fiscal policy, McGraw-Hill.
Hansen A. (1953), A guide to Keynes, McGraw-Hill. Trad. fr.: Introduction à la pensée keynésienne, Dunod, 1967.
Harrod  R. (1939), “An essay in dynamic theory”, Economic Journal, March.
Harrod R. (1948), Toward a dynamic theory, Macmillan. Trad. fr.: “Théorèmes dynamiques fondamentaux”, in Abraham-Frois (ed.) (1974).
Heller W. (1966), New dimensions of political economy, Havard University Press. Trad. fr.: Nouvelles perpectives de la politique économique, Calmann-Lévy, 1968.
Herland M. (1983), “Keynes et Marx 1883: l’un arrive et l’autre part”, Les Temps Modernes, Mars.
Hesson C. (1984), John Maynard Keynes, Macmillan. Trad. fr.: John Maynard Keynes, Payot, 1985.
Hicks J. (1936), “Mr. Keynes’ theory of employment”, Economic Journal, vol. 46.
Hicks J. (1937), “Mr. Keynes and the ‘Classics’: a suggested interpretation”, Econometrica, April. Trad. fr.: “M. Keynes et les ‘Classiques’: proposition d’une interprétation”, in Bertonèche M., Teulié M. (ed.) (1977).
Hicks J. (1939), Value and capital, Clarendon Press. Trad. fr.: Valeur et capital, Dunod, 1956.
Hicks J. (1965), Capital and growth, Clarendon Press. Trad. fr.: Capital et croissance, PUF, 1965.
Hicks J. (1974), The crisis in keynesian economics, Basil Blackwell. Trad. fr.: La crise de l’économie keynésienne, Fayard, 1988.
Hicks J. (1976), “Some questions of time in economics”, in Tang A., Westfield F., Worley J. (ed.), Evolution, welfare and time in economics, Lexington Books.
Hicks J. (1980), “IS-LM: an explanation”, Journal of Keynesian Economics, vol. 3.
Kaldor N. (1956), “Alternative theories of distribution”, Review of Economic Studies, vol. 23. Trad. fr.: “Un modèle de répartition”, in Abraham-Frois G. (ed.), 1974.
Kaldor N. (1982), The scourge of monetarism, Clarendon Press. Trad. fr.: Le fléau du monétarisme, Economica, 1985.
Kaldor N. (1987), Economie et instabilité, Economica.
Kalecki M. (1933), “Outline of a theory of the business cycle”, in Kalecki M., Studies in the theory of business cycle 1933-1939, Basil Blackwell, 1966.
Kalecki M. (1954), Theory of economic dynamic: an essay on cyclical and long-run changes in capitalist economy, George Allen and Unwin. Trad. fr.: Théorie de la dynamique économique, Gauthier-Villars, 1966.
Klamer A. (1983), Conversations with economists, Rowman and Allenheld. Trad. fr.: Entretiens avec des économistes américains, Seuil, 1988.
Klein L. (1951), “Review of Roy Harrod, ‘The life of John Maynard Keynes’”, Journal of Political Economy, October.
Lavoie M. (1987), “Monnaie et production: une synthèse de la théorie du circuit”, Economies et sociétés, série Monnaie et production n° 4.
Leijonhufvud A. (1967), “Keynes and the the Keynesians: a suggested interpretation”, American Economic Review, March.
Lerner A. (1978), “Keynesian: alive, if not so well”, in Buchanan J., Wagner R. (ed.), Fiscal constitutional democracy, Martinus Nijhoff.
Lindbeck A., Snower D. (1985), “Explanations of unemployment”, Oxford Review of Economic Policy, Spring.
Lucas R. (1972), “Expectations and neutrality of money”, Journal of Economic Theory, April.
Lucas R. (1980a), “Rules, discretion and the role of the economic advisor”, in Fischer S. (ed.), Rational expectations and the economic policy, National Bureau of Economic Research.
Lucas R. (1980b), “The death of keynesian economics: issues and ideas”, University of Chicago, Winter.
Mankiw G. (1985), “Small menu costs and large business cycles: a macroeconomic model of monopoly”, Quaterly Journal of Economics, May.
Mankiw G. (1990), “A quick refresher course in macroeconomics”, Journal of Economic Literature, december. Trad. fr.: “Une rapide remise à niveau en macroéconmomie”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Mankiw G. (1992), “The reincarnation of keynesian economics”, European Economic Review, December. Trad. fr.: “ La réincarnation du keynésianisme ”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Malinvaud E. (1977), The theory of unemployment reconsidered, Basil-Blackwell. Trad. fr.: Réexamen de la théorie du chomage, Calmann-Lévy, 1980.
Minsky H. (1977), “The financial instability hypothesis: an interpretation of Keynes and an alternative to ‘standard theory’”, Nebraska Journal of Economics and Business, vol. 16.
Modigliani F. (1944), “Liquidity preference and the theory of interest and money”, Econometrica, January.
Modigliani F. (1977), “The monetarist controversy or should we forsake stabilisation policies?”, American Economic Review, March.
Modigliani F. (1980), The collected papers of Franco Modigliani, MIT Press.
Moore B. (1979), “The endogenous money stock”, Journal of  Post-Keynsian Economics, Fall.
Muth J. (1961), “Rational expectations and the theory of price movements”, Econometrica, july. Trad. fr.: “Anticipations rationnelles et theorie des mouvements de prix”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Parguez A. (1980), “Profits, épargnes, investissememts: éléments pour une théorie monétaire du profit”, Economie  appliquée n° 2.
Pasinetti L. (1962), “Rate of profit and income distribution in relation to the rate of economic growth”, Review of Economic Studies, october. Trad. fr.: “Les liens entre taux de profit, distribution des revenus et taux de croissance de l’économie”, in Abraham-Frois (ed.) (1974).
Patinkin D. (1948), “Price flexibility anf full employment”, American Economic Review, vol. 38. Trad. fr.: “Flexibilité des prix et plein emploi”, in Bertonéche M, Teulié M. (ed.), 1977.
Patinkin D. (1956), Money, interest and prices: an integration of monetary and value theory, Row, Peterson and Co. Trad. fr.: La monnaie, l’intérêt et les prix, PUF, 1972.
Philipps A. (1958), “The relation between unemployment and the rate of change of money wage rates in the United Kingdom, 1861-1957”, Economica, November. Trad. fr.: “La relation entre chômage et taux de variation des salaires nominaux au Royaume-Uni entre 1861 et 1957”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).
Robinson J. (1937), Introduction to the theory of employment, Macmillan. Trad. fr.: Introduction à la théorie de l’emploi, PUF, 1948.
Robinson J. (1948), “La théorie générale de l’emploi”, Economie appliquée, vol. 1.
Robinson J. (1956), The accumulation of capital, Macmillan. Trad. fr.: L’accumulation du capital, 1972.
Robinson J. (1973), Collected economic papers, vol. 5, Basil Blackwell.
Robinson J. (1984), Contributions à l’économie contemporaine, Economica.
Samuelson P. (1947), Foundations of economic analysis, Harvard University Press. Trad. fr.: Les fondements de l’analyse économique, Gauthiers-Villars, 1971.
Samuelson P. (1948; 1955), Economics: an introduction analysis, McGraw-Hill. Trad. fr.: L’économique, A. Colin, 1953.
Samuelson P. (1969), “Classical and neo-classical theory”, in Clower R. (ed.), Monetary theory, Penguin Books.
Samuelson P., Solow R. (1960), “Analytical aspects of anti-inflationary policy”, American Economic Review, May. Trad. fr.: “Aspects analytiques de la politique anti-inflationniste”, in Bertonèche M., Teulié M. (ed.) (1977).
Sargent T., Wallace N. (1975), “Rational expectations, the optimal monetary instrument and the optimal money supply rule”, Journal of Political Economy, April.
Schmitt B. (1966), Monnaie, salaires et profits, PUF.
Shackle G. (1974), Keynesian kaleïdics: the evolution of general political economy, Edinburgh University Press.
Shapiro C., Stiglitz J. (1984), “Equilibrium unemployment as a worker discipline device”, American Economic Review, June.
Snowdon B., Vane H., Wynarczyk P. (1994), A modern guide to macroeconomics, Edward Elgar Publishing. Trad. fr.:  La pensée économique moderne, Ediscience, 1997.
Solow R. (1990), The labor market,  a social institution, Basil Blackwell.
Stiglitz  J. (1974), “Wage determination and unemployment in L.D.C.’s: the labor turnover model”, Quaterly Journal of Economics, May.
Walras L. (1974), Eléments d’économie politique pure, LGDJ.
Weintraub S. (1959), A general theory of the price level, output, income distribtion and economic growth, Chilton.
Yellen J. (1990), “Efficiency-wage models of unemployment”, American Economic Review, May. Trad. fr.: “Modèle de chômage avec salaire d’efficience”, in Abraham-Frois G., Larbre F. (ed.) (1998).

Nguồn: "Keynes và kinh tế thị trường: hai cách đọc khác nhau [I]", tạp chí Thời Đại, tháng giêng 2001.




[*] Trường đại học Paris XIII, Pháp.

[1] Các trích dẫn Keynes đều căn cứ trên nguyên bản tiếng Anh của toàn tập Keynes The collected writings of J. M. Keynes (ghi tắt là CW và gồm 30 tập), trừ những văn bản có bản dịch tiếng Pháp: tác phẩm 1936 Lý thuyết khái quát về nhân dụng, lãi suất và tiền tệ [ghi tắt: Keynes 1936]; bài viết tháng 2. 1937 “Lý thuyết khái quát về nhân dụng” [Keynes 1937a]; bài viết tháng 12. 1937 “Lý thuyết tiên khởi về lãi suất” [Keynes 1937b]; những bài giảng Harris Lectures năm 1931 [Keynes 1931]. Các tác giả Anh ngữ khác được trích dẫn theo cùng qui tắc nói trên (bản thư mục chú dẫn những tác phẩm có bản dịch tiếng Pháp [Trad. fr.]).

[2] Keynes đánh đồng Marx với Ricardo: theo ông, Marx lập luận trên “cơ sở của thuyết Ricardo” [thư 1.1. 1935 đã dẫn], cho nên khi Lý thuyết khái quát đánh đổ thuyết Ricardo thì đồng thời “đánh ngã cột trụ chính yếu” của thuyết Marx [bài viết trên báo The Listener 21.11 1934, CW, XIII, trg. 485-492]. Nói chung, đánh giá của Keynes về bộ Tư bản khá dứt khoát: “một quyển sách lỗi thời, không những sai về mặt khoa học, mà không có ích lợi gì và không thể có áp dụng gì trong thế giới hiện đại” [bài viết nhân chuyến đi viếng Liên xô năm 1925, CW, IX, trg. 300].

Thực ra, tác giả Lý thuyết khái quát có một thái độ nhập nhằng hơn: nếu bài báo The Listener, đã dẫn, xếp Ricardo và cả Marx vào phạm trù “chính thống” (orthodoxy) thì một bản nháp cuối năm 1933 - đầu năm 1934 của Lý thuyết khái quát phân biệt thuyết Marx và thuyết Ricardo và xếp Marx vào phạm trù “tà đạo” (heretics) [CW, XIII, trg. 81]. Trong Lý thuyết khái quát, chương 3 ghi nhận rằng khi lý luận của Ricardo trở thành quan điểm chính thống thì lý luận về “cầu hiệu quả” (effective demand) - mà thuyết Keynes là sự triển khai - đã “tồn tại lén lút dưới bóng” của một số tác giả trong đó, trước tiên, có Marx [Keynes 1936, trg. 56]; tuy nhiên, khi Keynes dành cả chương 23 để nói về những người tiền bối thì ông lại không nhắc đến tên của Marx.

Song, đáng chú ý nhất là những đánh giá của Keynes về thuyết Marx - dù tiêu cực hay tích cực - đều hồ đồ, không đưa ra luận chứng hoặc dựa vào trích dẫn nào cả và, do đó, tạo ra hoài nghi rằng: Keynes có thật sự đọc Marx hay đã viết về bộ Tư bản, chủ yếu, thông qua những điều người khác nói? [Herland 1983, trg. 1759]. Dù sao thì theo ý kiến Joan Robinson, người đã làm việc lâu năm với tác giả Lý thuyết khái quát, “Keynes đã không hiểu gì cả về Marx” [Robinson 1984, trg. 126].

Ðiều sau cùng về mặt lịch sử tư tưởng kinh tế: một cách hoàn toàn độc lập với Keynes và trước khi Lý thuyết khái quát ra đời ở Anh, từ các năm 1933-35 ở Ba Lan và dựa vào thuyết về tái sản xuất tư bản của Marx, Michal Kalecki đã xây dựng lý luận về cầu hiệu quả và chứng minh những điểm chủ yếu chứa đựng trong Lý thuyết khái quát [Kalecki 1971, trg. VI; Klein 1951, trg. 164]. Và trên một số mặt, lý luận của Kalecki được nhiều tác giả theo thuyết Keynes đánh giá là xác đáng hơn cả những lập luận trong Lý thuyết khái quát [Robinson 1984, trg. 127-128; Hesson 1984, trg. 344].

[3] Xem Trần Hải Hạc, “Mác và kinh tế thị trường”, Diễn Ðàn-Forum, Paris, tháng 12.1994 và tháng 1.1995 (“Sức lao động phải chăng là hàng hoá” và “Tiền tệ phải chăng là hàng hoá”).

[4] Qua mô hình IS-LM, Hicks mô tả cân bằng vĩ mô của một nền kinh tế gồm ba thị trường: sản phẩm, tiền tệ và chứng khoán. Trong một mô hình cân bằng chung, nếu hai trên ba thị trường cân bằng thì thị trường thứ ba nhất thiết phải cân bằng (đẳng thức Walras), cho nên chỉ cần xem xét những điều kiện cân bằng trên hai thị trường mà thôi: Hicks giữ lại thị trường sản phẩm và thị trường tiền tệ. Mặt khác, trong khuôn khổ phân tích của thời kỳ ngắn, khối lượng thiết bị và kỹ thuật sản xuất là những dữ kiện, khối lượng tiền tệ (do ngân hàng trung ương ấn định) và tiền lương danh nghĩa (do qui ước lao động tập thể ấn định) là những hằng số; ngược lại, giá cả sản phẩm (tương ứng với chi phí sản xuất biên) và tiền lương thực tế (tương ứng với năng suất lao động biên) đều linh hoạt; riêng lãi suất thì không thể giảm dưới một mức sàn (“bẫy tiền tệ”).

Trên thị trường sản phẩm, điều kiện cân bằng là đầu tư (I) bằng tiết kiệm (S): I = S. Ðầu tư là hàm số nghịch biến của lãi suất (r) và đồng biến của tổng thu nhập (Y): I = I(r,Y). Còn tiết kiệm là hàm số đồng biến của lãi suất (r) và của tổng thu nhập (Y): S = S(r,Y). Hệ thức IS là mối liên hệ nghịch biến giữa tổng thu nhập Y và lãi suất r đảm bảo đầu tư I ngang bằng với tiết kiệm S: I(r,Y) = S(r,Y). Bởi vì nếu lãi suất tăng, đầu tư sẽ giảm trong khi tiết kiệm sẽ tăng, cho nên tổng thu nhập phải giảm mới lập lại được cân bằng trên thị trường sản phẩm. Ý nghĩa của hệ thức IS: trên thị trường sản phẩm, tổng thu nhập tăng, đòi hỏi lãi suất phải giảm. Trình bày trên đồ thị với trục hoành tượng trưng cho tổng thu nhập Y và trục tung tượng trưng cho lãi suất r, đường IS có độ dốc âm.

Trên thị trường tiền tệ, điều kiện cân bằng là cầu tiền tệ (L) bằng cung tiền tệ (M). Cầu tiền tệ là hàm đồng biến của tổng thu nhập Y (dự trữ tiền tệ để giao dịch) và nghịch biến của lãi suất r (dự trữ tiền tệ để đầu cơ): L = L(Y,r). Cung tiền tệ là một biến số độc lập do hệ thống ngân hàng ấn định. Hệ thức LM là mối liên hệ đồng biến giữa tổng thu nhập Y và lãi suất r đảm bảo cầu tiền tệ L ngang bằng cung M: L(Y,r) = M. Bởi vì nếu lãi suất tăng, dự trữ tiền tệ để đầu cơ sẽ giảm, cho nên dự trữ tiền tệ để giao dịch sẽ phải tăng, tức tổng thu nhập phải tăng mới lập lại được cân bằng trên thị trường tiền tệ. Ý nghĩa kinh tế của hệ thức LM: trên thị trường tiền tệ, tổng thu nhập tăng, buộc lãi suất phải tăng. Trên đồ thị (Y,r), đường LM có độ dốc dương.

Cân bằng chung trên hai thị trường sản phẩm và tiền tệ tương ứng với giải pháp (Y,r) của hệ phương trình đồng thời I(r,Y) = S(r,Y) và L(Y,r) = M. Nó hình thành ở giao điểm của hai đường IS và LM. Mức tổng thu nhập cân bằng này không nhất thiết thực hiện toàn dụng lao động. Ðể tiến đến toàn dụng này, nhà nước có thể nâng mức tổng thu nhập thông qua chính sách tài chính (chuyển dịch đường IS) hay chính sách tiền tệ (chuyển dịch của đường LM), và hiệu quả của các chính sách phụ thuộc vào độ dốc của các đường IS và LM (tức vào độ co giản của cầu tiền tệ và của đầu tư so với lãi suất và với tổng thu nhập).

Mô hình IS-LM trình bày ở đây được Hicks gọi là mô hình “Lý thuyết khái quát được khái quát hoá”. Từ đó, ông xác lập các mô hình Keynes và tân cổ điển như là những trường hợp đặc biệt của mô hình khái quát này.

[5] Cách đặt vấn đề của Samuelson có thể dựa vào một đoạn khá nhập nhằng trong chương cuối của Lý thuyết khái quát: “Sau khi những cơ quan điều tiết trung ương [nhà nước] đưa tổng sản lượng đến mức gần với với toàn dụng thì thuyết cổ điển sẽ giành lại đầy đủ hiệu lực của nó” [Keynes 1936, trg. 372]. Ngược lại với chương nhập đề trong đó Keynes nhấn mạnh đến tính “khái quát” của Lý thuyết khái quát, và cho rằng những định đề của thuyết tân cổ điển đã biến nó thành một trường hợp “đặc biệt”, “giới hạn” về mặt lý luận, không thích ứng với “chế độ kinh tế trong đó chúng ta thật sự đang sống” [trg. 29].

[6] Thật ra, đó là một thái độ “phân thân” (schizophrenia - theo lời nói của Axel Leijonhufvud) về lý luận bởi vì giữa kinh tế học vi mô tân cổ điển và kinh tế học vĩ mô của Keynes không có cầu nào bắt ngang (no-bridge). Chí ít cho đến thập niên 70, người ta mới chứng kiến, từ hai phía, các tác giả cổ điển mới và các tác giả tân Keynes tìm cách xây dựng cơ sở vi mô của nền kinh tế học vĩ mô.

[7] Theo Keynes, quan niệm tân cổ điển về thị trường lao động dựa trên hai định đề: i) Trong thế cân bằng tối đa hoá lợi ích của các doanh nghiệp, tiền lương thực tế ngang bằng năng suất cận biên của lao động mà doanh nghiệp thuê mướn (với giả thuyết rằng năng suất cận biên giảm dần khi lượng lao động thuê mướn tăng). Mối liên hệ này xác lập cầu lao động là hàm số nghịch biến của tiền lương thực tế. ii) Trong thế cân bằng tối đa hoá lợi ích của các người làm thuê, tiền lương thực tế ngang bằng ích lợi cận biên (marginal utility) của thời gian nhàn rỗi - còn gọi là “ích lợi ngược” (disutility) cận biên của thời gian lao động - đối với người làm thuê (với giả thuyết rằng ích lợi cận biên tăng dần khi thời gian lao động tăng). Mối liên hệ này xác lập cung lao động là hàm số đồng biến của tiền lương thực tế. Giao điểm của đường cầu và đường cung lao động xác lập tiền lương cân bằng thực tế và mức nhân dụng cân bằng trong nền kinh tế: mức nhân dụng này chỉ có thể là toàn dụng lao động, và thất nghiệp, nếu có, chỉ có thể là tự nguyện (do người lao động từ chối làm thuê theo mức lương cân bằng thị trường).

Trong Lý thuyết khái quát, Keynes tập trung phê phán định đề thứ hai về cung lao động và phủ nhận rằng người lao động có khả năng quyết định (cùng với doanh nghiệp) mức nhân dụng cân bằng trong nền kinh tế thị trường. 1) Hàm cung lao động hàm ý rằng khi tiền lương thưc tế giảm thì những người làm thuê giảm cung lao động: thực tế không xác nhận “giả thuyết lạ thường” này; ngược lại, nó cho thấy những người làm thuê “thông thường” tăng cung lao động lên khi giá cả hàng tiêu dùng gia tăng nhanh hơn tiền lương tiền tệ. 2) Hàm cung lao động căn cứ vào một “giả thuyết tuỳ tiện” theo đó hợp đồng lao động quyết định tiền lương thực tế, trong khi nó chỉ ấn định tiền lương danh nghĩa chứ không quyết định được mức giá chung: trong những điều kiện đó, người làm thuê không có khả năng làm khớp tiền lương thực tế với ích lợi ngược biên của lao động. Dù họ có chấp nhận chủ trương tân cổ điển là giảm tiền lương thực tế để khắc phục thất nghiệp thì không có gì đảm bảo rằng những quyết định giảm lương danh nghĩa sẽ làm cho lương thực tế hạ theo: “thông thường” thì lương thực tế không hạ, và có thể xảy ra trường hợp lương thực tế tăng trong khi lương danh nghĩa giảm (với tình hình giảm phát, tiền lương danh nghĩa giảm chậm hơn giá cả hàng hoá). Phê phán khái niệm tân cổ điển về cung lao động, Keynes đi đến kết luận rằng, trong nền kinh tế thị trường, mức nhân dụng không tuỳ thuộc vào cung lao động, tức là vào những chọn lựa của người làm thuê; nó chỉ do cầu lao động, tức do các nhà doanh nghiêp, quyết định [Keynes 1936, chương 2 và 19].

Ðối với định đề tân cổ điển thứ nhất liên quan đến cầu lao động, Keynes tạm chấp nhận mối liên hệ nghịch biến giữa tiền lương thực tế và nhân dụng, nhưng đồng thời ông đảo ngược tương quan nhân quả: đối với các tác giả tân cổ điển, giảm lương thực tế là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tăng nhân dụng; còn trong lý luận Keynes, khi doanh nghiệp tăng nhân dụng, năng suất lao động cận biên giảm, làm cho tiền lương thực tế giảm theo, cho nên “chính mức nhân dụng quyết định mức lương thực tế, chứ không phải ngược lại” [Keynes 1936, chương 3, trg. 54]. Về sau, trong một bài viết vào tháng ba năm 1939, Keynes xem xét lại tương quan giữa tiền lương thực tế và nhân dụng và ông nhận xét rằng mối liên hệ này không phải nghịch biến mà đồng biến (trong thời kỳ toàn dụng lao động, mức lương thực tế cao hơn chứ không phải thấp hơn thời kỳ suy thoái). Ông lý giải điều này trong khung phân tích về “cạnh tranh không hoàn hảo” với lập luận rằng “chi phí sản xuất bình quân giảm dần” (ở đây, Keynes từ bỏ những phạm trù tân cổ điển về cạnh tranh hoàn hảo và về năng suất lao động cận biên giảm dần mà ông sử dụng trong Lý thuyết khái quát) [CW. VII, trg. 394-412].

[8] Ðường cong thực nghiệm của Phillips kiểm chứng một nhận xét của Keynes theo đó “tiền lương [danh nghĩa] có xu hướng tăng lên trước khi nền kinh tế đạt đến toàn dụng lao động”, bởi vì khi thất nghiệp giảm thì “toàn thể lao động làm thuê tự nhiên gây sức ép tăng lương và các nhà doanh nghiệp càng nhượng bộ dễ dàng khi họ làm ăn lên”. Trong chiều hướng đó, mối liên hệ Phillips biểu hiện một điều hiển nhiên – “không cần bình luận hay giải thích nhiều” - là: tương quan lực lượng giữa những người làm thuê và những nhà doanh nghiệp quyết định mức lương danh nghĩa của từng thời kỳ [Keynes 1936, chương 21, trg. 301-302].

[9] Cần nói rõ thêm về trường hợp John Hicks. Ngay từ năm 1936, trong một bài điểm sách Lý thuyết khái quát, Hicks đã nhận diện tính chất cách mạng của thuyết Keynes: “Về mặt lý luận thuần tuý, việc sử dụng phương pháp dự đoán có lẽ là điều cách mạng nhất của tác phẩm này” [Hicks 1936, trg 240]. Tuy nhiên, khi đề xuất mô hình IS-LM năm 1937, ông lại bỏ qua điều đó.

Cho đến đầu thập niên 70, trước sự thành công của mô hình và việc lạm dụng sơ đồ đó, tác giả của nó đã thấy phải lên tiếng đính chính và thừa nhận rằng tính giản lược của mô hình này đã tạo nhiều hiểu lầm về Lý thuyết khái quát: “Ðối với nhiều sinh viên, tôi e rằng, đó là thuyết Keynes. Thật ra, sơ đồ này chỉ nhằm trình bày phần lập luận, theo tôi là chính yếu, của thuyết Keynes. Và về mặt đó, tôi cho rằng vẫn có thể bảo vệ nó được. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ xem nó như là một sự trình bày trọn vẹn”. Hicks nói thêm: “Cách diễn giải Keynes trong nhiều công trình - đặc biệt là những công trình dựa vào phân tích của Patinkin -, theo tôi, là gần với công thức của quyển Giá trị và tư bản [tác phẩm của Hicks về lý luận cân bằng chung tân cổ điển] hơn là công thức trong tác phẩm của Keynes” [Hicks 1974, trg 26].

Về sau, Hicks còn tự phê bình rằng bản thân ông và những nhà lý luận khác về cân bằng chung không hiểu bước tiến của Lý thuyết khái quát, đặc biết là thuyết về lãi suất của Keynes: “Các nhà lý luận về cân bằng chung không biết là họ đã bị thua trận. Họ nghĩ rằng hệ cân bằng của họ có thể hấp thụ được những điều Keynes nói. [...] Sơ đồ IS-LM giản lược hoá Lý thuyết khái quát vào một hệ cân bằng kinh tế. Nó không thật sự gắn với thời gian” [Hicks 1976, trg 141]. Mặc dù vậy, cho đến ngày hôm nay, thuyết Keynes vẫn được giảng dạy dựa theo mô hình của Hicks hơn là căn cứ trên Lý thuyết khái quát.

[10] Thật ra, giữa văn kiện và thực tiễn khoảng cách khá xa: chính quyền Reagan đã tiến hành một chính sách tiền tệ nghiêm ngặt (giảm khối tiền tệ, nâng cao lãi suất) đồng thời với một chính sách tài chính dễ dãi (tăng chi tiêu về quốc phòng, đào sâu thâm thủng ngân sách), với kết quả là thất nghiệp không những đã không giảm mà còn tăng lên nhanh ở Mỹ và tại các nước tư bản khác.

[11] trích Lepage H., Demain le libéralisme, LGF, 1980, trg. 99.

[12] Ðiều đáng chú ý là nhiều tác giả cổ điển mới, về sau, đã phải xét lại quan điểm triệt để nói trên. Thomas Sargent cho biết rằng mô hình nổi tiếng của ông và Neil Wallace [Sargent và Wallace 1975] chứng minh tính vô hiệu của các chính sách kinh tế, thật ra, chỉ nhắm trả lời những phê phán của Friedman (phái duy tiền tệ) và của Modigliani (phái tổng hợp tân cổ điển) cho rằng “không có điều gì mới” trong học thuyết cổ điển mới: “Tuy nhiên, một số người đã quan trọng hoá mô hình này. Người ta cho định đề về tính vô hiệu nhiều trọng lượng hơn là chúng tôi đã cho nó. [...] Bây giờ thì tôi cho rằng những mô hình đó không thoả đáng [và] chắc chắn là tôi sẽ không bảo vệ một định đề khẳng định rằng không có chính sách kinh tế nào là hiệu quả” [đàm thoại, trong Klamer 1983, trg 100]. Phát biểu của Robert Townsend còn rạch ròi hơn nữa: “Không đúng nếu cho rằng những dự đoán hợp lý đưa đến kết luận là mọi chính sách đều vô hiệu. [...] Thuyết kinh tế cổ điển mới không đồng nghĩa với tính vô hiệu của các chính sách kinh tế” [sách đã dẫn, trg 119-120]. Patrick Minford giải thích rằng “tính vô hiệu của các chính sách kinh tế phải được xem bây giờ như là trường hợp đặc biệt. Khi chính phủ thật sự làm chủ chính sách kinh tế, những hiệu ứng mang tính phản hồi có thể tác động lên nền kinh tế trong rất nhiều tình huống” [đàm thoại, trong Snowdon, Vane và Wynarcyk 1994, trg 254].

[13] Thật ra, phân tích của Clower và Leijonhufvud không mấy chính xác. Một mặt, lý thuyết phi cân bằng vẫn tôn trọng đẳng thức Walras theo đó tổng số cầu thặng dư trên toàn bộ thị trường là số không. Mặt khác, lý thuyết phi cân bằng cũng cần đến nguyên tắc về người rao giá để thông báo giá thị trường cho dù đó là giá không cân bằng cung - cầu.

Ngoài ra, có thể nhận xét rằng Patinkin, trong tác phẩm 1956 (tức là trước Clower), đã đề ra ý kiến là nền kinh tế cân bằng khiếm dụng của Keynes cần được phân tích như là một nền kinh tế “phi cân bằng khiếm dụng” [Patinkin 1956, trg. 380]. Còn Hicks, trong tác phẩm Tư bản và tăng trưởng, xuất bản năm 1965 (tức đồng thời với tác phẩm của Clower), thì có đề ra ý niệm về “giá cố định” (fixprice) để chỉ những giá được ấn định và không thay đổi trong mỗi thời kỳ, do đó, có thể là giá không cân bằng cung - cầu [Hicks 1965]. Một điều khác cần chú ý là mô hình IS-LM thường được trình bày như là một mô hình với giá cố định, trong khi Hicks xây dựng mô hình đó với giá cả khả biến (chỉ có tiền lương danh nghĩa và lãi suất sàn là cố định) [Hicks 1937]. Mô hình IS-LM với giá cố định chỉ được triển khai trong những năm 70 với học thuyết phi cân bằng, như Hicks có xác nhận [Hicks 1980].

[14] Ðiều đáng chú ý là mô hình của Clower xác lập thuyết về khiếm dụng của Keynes “ngay cả khi tất cả giá đều linh hoạt” [Clower 1965, trg. 294]. Về sau, ông nói rõ là không tán thành các mô hình với giá cố định [Clower 1984, trg. 261-267].

[15] Keynes thừa nhận rằng cách trình bày vấn đề trong Lý thuyết khái quát có thể tạo hiểu lầm: “Nếu phải viết lại quyển sách, tôi sẽ bắt đầu trình bày lý luận của tôi với giả thuyết rằng các dự đoán ngắn hạn luôn luôn được thực hiện; rồi tôi sẽ thêm một chương để chỉ rõ điều gì thay đổi khi các dự đoán ngắn hạn không được xác nhận” [CW, XIV, trg. 181].

[16] Theo thuyết trình của Keynes trong Harris Lectures, phương trình kinh tế vĩ mô về lợi nhuận là: lợi nhuận = đầu tư - tiết kiệm của các hộ gia đình. Với đẳng thức này, Keynes lật ngược tương quan nhân quả giữa lợi nhuận và đầu tư trong kinh tế học chính thống: theo các tác giả tân cổ điển, lợi nhuận quyết định đầu tư; đối với Keynes, mối liên hệ tân cổ điển chỉ có ý nghĩa ở tầm vi mô, còn ở tầm vĩ mô thì đầu tư quyết định lợi nhuận.

Trình bày một cách khái quát hơn, lợi nhuận của các nhà tư bản (P) bằng tổng cộng của đầu tư (I), tiêu dùng của nhà tư bản (Cc), thặng dư ngoại thương (X - M), thâm thủng ngân sách (G - T) và trừ đi tiết kiệm của các người lao động làm thuê (Sw). Ðó là đẳng thức Keynes - Kalecki: P = I + Cc + (X - M) + (G -T) - Sw.

[17] Theo Samuelson, các nhà kinh tế đã du nhập khái niệm “ergodicity” từ cơ học thống kê của thế kỷ thứ 19 chính là nhằm “đưa kinh tế học ra khỏi lĩnh vực lịch sử thuần tuý” và đồng thời “giữ chân nó trong lĩnh vực khoa học” [Samuelson 1969, trg. 184].

[18] Một vài nhà lý luận về cân bằng chung đã thử bỏ đi giả thuyết về một hệ thống thị trường hoàn chỉnh và khái niệm về cân bằng liên thời gian của mô hình Arrow - Debreu [Arrow và Debreu 1954], để khảo cứu khái niệm về “cân bằng tạm thời” (temporary equilibrium) do Hicks đề ra [Hicks 1939], tức cân bằng theo từng thời kỳ với khả năng là trong mỗi thời kỳ các tác nhân không biết giá cả của một số sản phẩm tương lai: họ bắt buộc phải dự đoán một số giá tương lai và có thể dự đoán sai lầm. Trong những điều kiện đó, sự hiện hữu của một thế cân bằng chung không còn được đảm bảo: tình huống này xảy ra khi một số tác nhân, do dự đoán sai lầm, bị phá sản và kéo theo sự phá sản hàng loạt của những tác nhân khác; hoặc, trong tình huống dự đoán đầu cơ, khi các tác nhân đổ xô vào cùng mua hay cùng bán một sản phẩm tương lai [Grandmont 1982]. Qua khái niệm về cân bằng tạm thời, những tác giả tân cổ điển tìm cách sát nhập những ý niệm về thời gian, bất trắc và dự đoán, song những khó khăn mà họ gặp phải để mô hình hoá lý luận này giải thích vì sao, đến nay, mô hình về cân bằng chung vẫn tiếp tục lập luận với những chọn lựa liên thời gian.

[19] Trong thế giới cân bằng chung, “người rao giá” của Walras [1874], còn gọi là “bí thư thị trường” trong mô hình Arrow - Debreu [1954], là thiết chế tập trung mọi đề nghị mua và bán để xác lập giá cân bằng thị trường, rồi để tổ chức tập trung các trao đổi theo những giá cân bằng đó (phòng bù trừ của Walras). Nói cách khác, chế độ cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi một cơ chế tập trung cực độ, ngăn cấm những quan hệ song phương giữa các tác nhân trên thị trường, giống như là trong... chế độ kế hoạch hoá hoàn hảo. Ðiều này giải thích vì sao, trong những công trình tân cổ điển, người rao giá thường chỉ xuất hiện như là một giả thuyết ngầm hoặc được trình bày như là một nhân vật “giả tưởng”.

[20] Xem trong Thời Ðại số 6 phần tiếp theo của bài viết: II. Lý thuyết khái quát và cuộc “cách mạng Keynes”: 1) Ðề án thực dụng và đề án triệt để. 2) Không hiểu biết và bất trắc. 3) Dự đoán và qui ước. 3) Tiền tệ và lãi suất. 4) Lòng tin và chính sách kinh tế. 5) Nhà nước và những thiết chế giảm thiểu bất trắc.

Print Friendly and PDF