3.5.18

Liệu Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có tốt hơn Kế hoạch Marshall không?

LIỆU SÁNG KIẾN ​​VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC CÓ TỐT HƠN KẾ HOẠCH MARSHALL KHÔNG?

Làm thế nào để so sánh các dự án về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên thế giới với kế hoạch tái thiết châu Âu thời hậu chiến của Mỹ
George Marshall (1880-1959)
Bảy mươi năm trước, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Hợp tác Kinh tế, còn được biết nhiều với tên gọi Kế hoạch Marshall. Lấy cảm hứng từ bài diễn văn của George Marshall, Ngoại trưởng của Hoa Kỳ, tại Đại học Harvard, Kế hoạch Marshall có chủ đích là khôi phục các nền kinh tế của Châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh. Gần 5 năm trước đây, tại một tổ chức giáo dục cao cấp ít tiếng tăm bằng, Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan, chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã phác thảo tầm nhìn về sự hào phóng kinh tế của chính ông. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), như đã được biết, có chủ đích là rải các dự án cơ sở hạ tầng, thương mại và sự thông cảm ở hơn 70 nước, từ vùng Baltic đến Thái Bình Dương.
Dean G. Acheson (1893-1971)
Sáng kiến ​​công Tp, cũng có các mục tiêu địa chính trị (xem Banyan), đã làm cho người ta so sánh với nỗ lực phát triển của Mỹ vào thời kỳ giữa thế kỷ trước. Một số người thậm chí còn cho rằng sáng kiến BRI sẽ có quy mô lớn hơn nhiều. Nhưng liệu điều đó có đáng tin không? Kế hoạch Marshall, nói cho cùng, đồng nghĩa với tầm nhìn và sinh lực của chính khách. Theo người kế nhiệm [chức Ngoại trưởng Mỹ] của Marshall, Dean Acheson, việc để Mỹ cung cấp các nguồn thực phẩm, nguyên liệu và thiết bị đã được Winston Churchill mô tả là "hành động ít bẩn thỉu nhất trong lịch sử". Vào thời điểm [Marshall] phát biểu tại Đại học Harvard, Châu Âu đang trên bờ vực của sự hỗn loạn kinh tế. Vào thời điểm hoàn thành kế hoạch [Marshall], lục địa này đang trước ngưỡng của một phép lạ kinh tế. Trung Quốc, chắc chắn, không thể sánh được với một kỳ công như vậy?
Barry Eichengreen (1952-)
J. Brad DeLong (1960-)
Nhưng trên thực tế, trái với huyền thoại, Kế hoạch Marshall khiêm tốn đáng kinh ngạc, như các sử gia kinh tế, như Alan Milward, Brad DeLong và Barry Eichengreen, đã chỉ ra. Tổng giá trị của Kế hoạch lên tới khoảng 13 tỷ US$ từ tháng 4 năm 1948 đến mùa hè năm 1951. Ngày nay, tổng giá trị này tương đương với 130 tỷ US$, dựa trên mức lạm phát giá-tiêu dùng ở Mỹ, hoặc ít hơn 110 tỷ US$, dựa trên một thước đo giá tăng cao hơn. Chia tổng giá trị trên cho 16 nước, thì tỷ lệ trung bình ít hơn 2,5% GDP của các nước tiếp nhận.
Bằng cách cho phép có được đầu tư và nhập khẩu nhiều hơn, số tiền này chắc chắn đã giúp châu Âu phục hồi. Nhưng không nhiều lắm. Ông Eichengreen tính toán tác động trực tiếp như là một gia chỉ ở mức 0,3 điểm phần trăm suốt vòng đời của kế hoạch. Và đó cũng không phải là hành động "ít bẩn thỉu" nhất vào thời đó. Thực vậy, Churchill cho rằng ông không ban khen Kế hoạch Marshall mà ca ngợi chính sách "thuê-vay" trước đây của Mỹ, đã giúp Đồng minh từ năm 1941 đến năm 1945.
Làm thế nào để so sánh Kế hoạch Marshall bị giải thiêng với Sáng kiến BRI của Trung Quốc? Sự so sánh quả là điều phức tạp, bởi vì không ai biết được quy mô của Sáng kiến BRI lớn cỡ nào. Theo các số liệu chính thức, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước BRI (không bao gồm lĩnh vực tài chính) chỉ đạt 56 tỷ US$ từ năm 2014 đến năm 2017. Derek Scissors, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, công bố tổng các khoản đầu tư  118 tỷ US$. Tuy nhiên, các con số nói trên không bao gồm các khoản vay từ các ngân hàng của Trung Quốc, trong đó có "các ngân hàng chính sách" thuộc quản lý nhà nước, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (tuyên bố đã cấp các khoản vay lên đến 180 tỷ US$ vào cuối năm 2017) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (110 tỷ US$ vào cuối năm 2016).
Những cam kết [cho vay] nói trên đã vượt qua hàng tỷ US$ của Kế hoạch Marshall. Và Sáng kiến BRI chỉ vừa mới bắt đầu. Một diễn đàn do chính phủ bảo trợ vào tháng 5 năm 2017 ước tính rằng khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ lên tới 150 tỷ US$ trong 5 năm tới. Bất cứ ai cũng có thể đoán tổng giá trị vòng đời của sáng kiến ​​BRI, mặc dù các quan chức Trung Quốc có vẻ thoải mái với một con số vượt quá 1 ngàn tỷ US$. (Không thể truy được nguồn gốc của con số 8 tỷ US$, xuất hiện trong một số báo cáo, nhưng có thể dựa ít nhiều vào con số ước tính năm 2009 của Ngân hàng Phát triển Châu Á về các nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của châu Á trong thập kỷ tới).
Một khoản tiền như vậy sẽ làm cho Kế hoạch Marshall trở nên nhỏ hơn về mặt quy mô, nhưng không nhất thiết nhỏ hơn về tính hào phóng. Hơn 90% số tiền của Kế hoạch Marshall là viện trợ, chứ không phải là một khoản vay. Và tất cả số tiền đó xuất phát từ chính phủ Mỹ. Trong khi đó, các khoản đầu tư BRI xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các thực thể tư nhân, và được cho là có trả lợi tức cho các nhà tài trợ chúng. Các dự án hấp dẫn nhất có thể đã được tài trợ ngay cả khi không có tầm nhìn của ông Tập.
Một thước đo tốt hơn cho sự hào phóng của Trung Quốc là chênh lệch giữa lợi tức thu được từ các dự án BRI và tỷ suất cao hơn mà thị trường yêu cầu. Một phần của chênh lệch này phản ánh sự hy sinh đích thực về tài chính của Trung Quốc. Nhưng một số phần khác lại phản ánh một nguy cơ vỡ nợ thấp hơn, bởi vì đối với nhiều người vay nợ, việc vỡ nợ vay từ các thực thể Trung Quốc do nhà nước hỗ trợ là một viễn cảnh đáng sợ hơn là việc quịt nợ của một tổ chức cho vay thương mại.

Chương trình điều chỉnh cấu trúc ít bẩn thỉu nhất

Giống như việc phóng đại sự đóng góp của BRI qua các con số thô bằng đồng đô la, các con số đó cũng làm giảm đi tác động của Kế hoạch Marshall. Theo ông DeLong và ông Eichengreen, ý nghĩa thực sự của kế hoạch của Mỹ không nằm ở khoản tiền cung cấp, mà ở các chính sách thân thiện với thị trường mà kế hoạch đó khuyến khích. Để nhận viện trợ, chính phủ các nước châu Âu phải cam kết khôi phục sự ổn định về tài chính và xóa bỏ các rào cản thương mại. Họ cũng phải sánh đồng đô la của Kế hoạch Marshall với đồng tiền của chính nước họ, chỉ có thể được chi xài với sự phê chuẩn của Mỹ.
Người Mỹ không phải lúc nào cũng làm theo ý họ. Nhưng, viện trợ Marshall dù sao cũng khuyến khích người châu Âu chặng đứng nạn lạm phát và thu hẹp thâm hụt của họ, để cuối cùng là dỡ bỏ việc kiểm soát giá cả và các rào cản hàng nhập khẩu. Các cải cách này có những lợi ích to lớn. Trước năm 1948, nỗi lo sợ về lạm phát và thuế đã khiến người nông dân Đức lấy sản phẩm thu hoạch của mình để nuôi gia súc, thay vì bán các sản phẩm thu hoạch đó cho các thành phố để lấy tiền, vì tiền có thể bị giảm giá trị bởi lạm phát hoặc bị chính phủ thu giữ. Theo Henry Wallich, một nhà kinh tế học, các nhà máy đã trả công cho công nhân bằng hiện vật, với bóng đèn hoặc giày dép từ dây chuyền lắp ráp của họ, hoặc than đá để dùng cho lò nung của họ. Một khi khôi phục được niềm tin vào đồng tiền, người nông dân và các công nhân nhà máy có thể làm việc trở lại vì tiền, làm hồi sinh nền sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Sáng kiến BRI sẽ không có ảnh hưởng tương đương. Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc can thiệp vào các vấn đề kinh tế nội bộ của các nước khác (trừ phi các lợi ích cốt lõi của họ bị đe dọa). Và hầu hết các nền kinh tế BRI đều đã có được nhiều tự do hơn Trung Quốc về mặt kinh tế. Kế hoạch Marshall vận hành bằng cách cho các thị trường đóng một vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực. Sáng kiến BRI sẽ thậm chí không cố xuất khẩu nguyên lý đó ra nước ngoài. Xét cho cùng, nhà bảo trợ BRI vẫn chưa chấp nhận điều đó ở nước nhà.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF