31.5.18

Paul J. Crutzen, Địa chất học của nhân loại

Paul J. Crutzen (1933-)

ĐỊA CHẤT HỌC CỦA NHÂN LOẠI[1]

Paul J. Crutzen
(2002)
(Nguyễn Xuân Xanh dịch và chú thích)

Lời nói đầu. Bài này đã được chúng tôi dịch ra từ lâu, từ lúc xuất bản quyển sách Thế giới một thoáng này của David Christian (nxb Thành Phố). Chúng tôi dự định viết một essay về những vấn đề môi trường, tác động của con người lên nó, nhưng thời gian đã không cho phép. Nay chúng tôi cảm thấy cần công bố bài này của nhà hóa học khí quyển Paul J. Crutzen, người đồng hương của GS Gerard ’t Hooft vừa mới thăm Đà Lạt, và cũng đạt giải Nobel vì đóng góp phát hiện lỗ hổng ozon, nhân sau hội nghị “Khoa học để Phát triển” ở Quy Nhơn ngày 9-10/5 vừa qua, trong đó vấn đề phát triển bền vững là một vấn đề then chốt. Đây là một bài viết đánh dấu khúc quanh trong nhận thức của con người đối với lực tác động của nó. Phần dự định viết thêm sẽ tính sau. NXX

***
“Không phải tất cả gió, bão, động đất, biển cả, và bốn mùa của thế giới, là những thứ đã góp phần nhiều nhất thay đổi triệt để trái đất, mà chính là CON NGƯỜI, thứ quyền năng của một sức sống vô hạn đã làm điều đó từ ngày mà y đặt chân lên trái đất và chiếm hữu nó.”
Horace Bushnell
(Mục sư và nhà thần học của phái Giáo đoàn trong một bài giảng đạo về quyền năng của một sức sống vô hạn thế kỷ 19; trích dẫn của ND)
***
THẾ NHÂN SINH
(The Anthropocene)
Thế nhân sinh có thể nói là thời kỳ đã bắt đầu trong những thập niên sau của thế kỷ mười tám, khi những sự phân tích không khí bị kẹt trong băng bắc cực cho thấy sự bắt đầu của những tích lũy toàn cầu gia tăng của carbon dioxide và methane.

Ba thế kỷ qua, những hiệu ứng của con người tác động lên môi trường toàn cầu đã leo thang. Do những sự phát thải carbon dioxide (CO2) của loài người, khí hậu toàn cầu có thể sẽ đi chệch đáng kể khỏi quỹ đạo tự nhiên của nó trong những thiên niên kỷ sắp tới. Dường như thích hợp để chúng ta gắn cái tên “Thế Nhân sinh” vào thời kỳ địa chất, bằng nhiều cách được thống trị bởi con người, thay cho Thế holocene (thế Toàn tân) – thời kỳ ấm của 10-12 thiên niên kỷ qua. Thế nhân sinh có thể nói đã bắt đầu trong thời gian sau của thế kỷ mười tám, khi những sự phân tích không khí bị kẹt trong băng bắc cực cho thấy những tích lũy toàn cầu của CO2 và methan bắt đầu gia tăng. Ngày tháng này cũng trùng hợp với bản thiết kế chiếc máy hơi nước của James Watt vào năm 1784.

Antonio Stoppani (1824-1891)
Ảnh hưởng gia tăng của nhân loại lên môi trường đã được nhìn nhận lâu đời vào năm 1874, khi nhà địa chất học Ý Antonio Stoppani nói về một “lực telluric mới (của trái đất), về sức mạnh và tính phổ quát có thể được so sánh với các lực lớn hơn của trái đất”, nói đến “anthropozoic era” (kỷ nhân sinh). Và năm 1926, V. I. Vernadsky (1863-1945) xác nhận ảnh hưởng gia tăng của con người: “Chiều hướng mà trong đó các quá trình của sự tiến hóa phải diễn ra, đó là tiến đến ý thức và tư tưởng ngày càng tăng, và các hình thức có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn và lớn hơn lên các môi trường xung quanh của chúng”. Teilhard de Chardin và Vernadsky đã sử dụng thuật ngữ “thế giới của tư tưởng” (noösphere, world of thought) để đánh dấu vai trò gia tăng quyền năng của bộ óc con người trong việc định hình tương lai và môi trường của nó.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nhân loại về số lượng và về sự khai thác tính theo đầu người các nguồn tài nguyên của Trái đất đã tiếp diễn nhanh chóng. Trong ba thế kỷ qua, dân số nhân loại đã tăng mười lần lên đến hơn 6 tỷ, và dự đoán sẽ đạt đến con số 10 tỷ người trong thế kỷ này. Số lượng bò thải khí methan đã tăng lên 1,4 tỷ con. Khoảng 30-50% diện tích đất của hành tinh đã được con người khai thác. Các rừng mưa nhiệt đới biến mất với tốc độ nhanh, làm thải ra khí CO2 và tăng mạnh số loài bị diệt chủng. Việc xây dựng đập và lái dòng sông đi nơi khác đã trở thành chuyện phổ biến. Hơn nữa toàn trữ lượng nước ngọt có thể tiếp cận đã được con người sử dụng. Nghề thủy sản đã làm mất đi hơn 25% năng suất sơ cấp trong các vùng biển trồi (in upwelling ocean regions), và 35% trong các thềm lục địa ôn đới. Sự sử dụng năng lượng đã tăng 16 lần trong thế kỷ hai mươi, gây ra sự phát thải 160 triệu tấn chất thải sulphur dioxide hàng năm vào bầu khí quyển, hơn hai lần tổng số các phát thải tự nhiên của nó. Phân bón nitơ được sử dụng nhiều trong nông nghiệp hơn là được tạo ra một cách tự nhiên trong các hệ sinh thái. Sự sản xuất nitric oxide do đốt các nguồn năng lượng hóa thạch và sinh khối (biomass) cũng vượt quá các phát thải tự nhiên. Sự sử dụng các chất đốt hóa thạch và ngành nông nghiệp đã gây ra những sự gia tăng đáng kể các nồng độ của các loại khí thải ‘nhà kính’ – CO2 tăng 30% và methan tăng hơn 100% – đạt những đỉnh cao nhất trong cả 400 ngàn năm của quá khứ, và còn thêm nữa trong tương lai. Cho đến nay, những hiệu ứng này phần lớn đã bị gây ra bởi chỉ 25% dân số thế giới. Các hệ quả là − trong nhiều hệ quả khác − sự kết tủa acit, “sương mù” quang hóa, và sự ấm lên toàn cầu của khí hậu. Do đó, theo những ước đoán gần đây nhất bởi Tổ chức xuyên chính phủ về Thay đổi khí hậu (IPCC), Trái đất sẽ ấm lên từ 1,4 – 5,8o C trong thế kỷ này.

Gerard ’t Hooft (1946-)
Nhiều chất thải độc hại đã được phóng thích vào môi trường, ngay cả một số không hề độc nhưng vẫn gây ra những tác động tai hại nặng nề, chẳng hạn chlorofluorocarbon, chất gây “lỗ hổng ozon” tại vùng Antarctic (Nam cực, và là loại hiện đang được quy định chặt chẽ). Sự việc có thể trở đã trở thành tồi tệ hơn: các tính chất phá hủy ozon của các nguyên tố halogen đã được nghiên cứu từ giữa những năm 1970; nếu giả sử chất chlorin có hành vi hóa học giống như bromin, thì lỗ ozon sẽ là một hiện tượng toàn cầu suốt quanh năm, không phải một sự kiện của mùa xuân ở Nam cực. Nhưng do may mắn hơn là do khôn ngoan, tình thế tai họa này đã không xảy ra.

Trừ khi có một tai họa toàn cầu – như một hệ quả của thiên thạch, một cuộc thế chiến, hay một trận đại dịch bệnh – nhân loại sẽ vẫn là lực môi trường chính yếu cho nhiều thiên niên kỷ tới. Một nhiệm vụ đáng sợ đang nằm ở phía trước cho các nhà khoa học và kỹ sư để dẫn dắt xã hội đi đến sự quản lý bền vững cho môi trường trong kỷ Nhân sinh. Điều này đòi hỏi sự hành xử phù hợp của nhân loại trên mọi phương diện, và có thể phải đưa ra các đề án thiết kế địa chất (geo-engineering) qui mô lớn được quốc tế công nhận, chẳng hạn như để “tối ưu hóa” khí hậu. Ở giai đoạn này, tuy nhiên, chúng ta phần lớn vẫn còn bước đi trên terra incognita (– vùng đất chưa được khai phá − ND)./.

***
Lời giới thiệu
Chúng ta đã quên làm những vị khách tử tế như thế nào, bước đi thanh lịch thế nào trên trái đất như các sinh linh khác của nó làm.[2]
Trong “Chỉ một trái đất” (Only One Earth)
của Hội nghị Môi trường Stockholm 1972

Tháng 2, năm 2000, tại Hội nghị “International Geosphere-Biosphere Programme” (Chương trình Quốc tế về Địa quyển-Sinh quyển) nhóm họp tại Geneva, diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi về thời đại và cường độ của các tác động của con người lên hành tinh. Paul Crutzen cuối cùng đứng dậy và kêu lên: “Không! Chúng ta không còn ở trong thời Holocene nữa, mà trong thời kỳ Anthropocene!” Đó là sự xuất hiện của một danh từ mới, và đồng thời của một ý thức về thời đại mới con người đang sống – cũng là tiếng chuông báo động cho nhân loại. Hai năm sau, 2002 ông viết trên tạp chí Nature bài nói trên.

Sau thế Canh tân (Pleistocene), kéo dài từ 2,5 triệu năm trước cho đến khi thế Toàn tân (Holocene) thay thế 11.500 năm trước. “Dường như thích hợp để quy danh từ “Anthropocene” cho thời kỳ địa chất hiện tại bị con người thống trị bằng nhiều cách”, ông nói.

Quan niệm Anthropocene, theo đó, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà con người đã trở thành một lực địa chất (geological force) quan trọng quyết định số mệnh của địa cầu, đã trở thành tâm điểm quan tâm của các nhà địa chất học, sinh thái học, các chuyên gia hệ trái đất và khí hậu, các nhà sử học, triết học, khoa học xã hội, công dân bình thường, và các phong trào sinh thái học, môi trường.

Trong 24 biểu đồ này, người ta thấy rõ thời gian của sự “cất cánh” của các tác hại môi trường là khoảng năm 1850, và thời gian của “Gia tốc lớn” là sau 1945, là thời gian công nghiệp hóa thế giới phát triển trên quy mô lớn chưa từng có. (Courtesy of Will Steffen (ed.), trong Global Change and the Earth System: A Planet Under Pressure, New York: Springer, 2005; và Will Steffen, Wendy Broadgate, Lisa Deutsch, Owen Faffney và Cornelia Ludwig, trong “The Trajectory of the Anthropocene: The Great Acceleration”, The Anthropocene Review, Januar 2015)

Nguyễn Xuân Xanh dịch

Nguồn: Paul J. Crutzen, Địa chất học của nhân loại, trang Rosetta, 14 tháng năm 2018




Chú thích:
[1] Crutzen, P.J., 2002, Geology of Mankind: Nature, v. 415, p. 23. (Courtesy of Nature)

[2] We have forgotten how to be good guests, how to walk lightly on the earth as its other creatures do.

Print Friendly and PDF