19.5.18

Phục hồi niềm tin vào chuyên gia

PHỤC HỒI NIỀM TIN VÀO CHUYÊN GIA

“Tại sao không ai để ý đến nó?”[*] Nữ hoàng Elizabeth II của Anh đã đặt câu hỏi nổi tiếng trên cho giảng viên của Trường Kinh tế London (London School of Economics) vào tháng 11/2008, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Tại sao, sau gần một thập kỉ, niềm tin vào chuyên gia của công chúng thậm chí còn thấp hơn trước?
LONDON – “Tại sao không ai để ý đến nó?” Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã đặt câu hỏi nổi tiếng trên cho giảng viên tại Trường Kinh tế London vào tháng 11/2008, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Sau gần một thập kỉ, cùng câu hỏi ấy cũng đã được đặt ra cho “các chuyên gia” sau những sự kiện bất thường và không lường trước được trong 12 tháng vừa qua – từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Vương quốc Anh cho tới cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kì [với chiến thắng] của Donald Trump [năm 2017].
Các chuyên gia nói chung, không chỉ những người thăm dò dư luận và các nhà kinh tế học, đã trở thành mục tiêu của nhiều lời chỉ trích gần đây. Cuộc khủng hoảng của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) bắt đầu vào năm 2010 được một số người nhìn nhận là một sản phẩm của giới tinh hoa và gây ra hậu quả nặng nề cho công chúng trên diện rộng. Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng về hành vi đạo đức, vì các vụ tai tiếng nối tiếp nhau về việc bán sai các sản phẩm tài chính, thao túng tiền tệ toàn cầu và London Interbank Offered Rate (Lãi suất Libor là mức lãi suất liên ngân hàng chuẩn của các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng với nhau).
Tất cả những điều này đã làm tăng mối nghi ngờ của công chúng rằng hệ thống này được định sẵn dành cho giới nhà giàu và có quyền lực, những người không bao giờ chịu trách nhiệm. Chủ nghĩa hoài nghi về sự tín nhiệm của giới tinh tú có vai trò quan trọng trong kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit và cuộc bầu cử ở Mỹ [năm 2017].
Trong số những thất bại được cảm nhận đó, niềm tin vào chuyên gia của công chúng đang đứng trước ngã rẽ. Với việc tin tức đang ngày càng nhắm hẹp hơn đến những sở thích và lợi ích cá nhân, và với việc công chúng ngày càng tự do lựa chọn người để tin và nghe theo, những việc này làm cho các kênh truyền thống chia sẻ ý kiến chuyên môn đều đang bị phá vỡ. Ai cần các chuyên gia nữa khi chúng ta đã có Facebook, Google, Mumsnet và Twitter?
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều cần đến chuyên gia. Trong tiến trình lịch sử của loài người, sự áp dụng ý kiến chuyên môn đã giúp giải quyết vấn đề về bệnh tật, giảm đói nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội. Nếu muốn phát huy sự tiến bộ này, chúng ta cần các chuyên gia đáng tin cậy để công chúng có thể có niềm tin trở lại với họ.
Việc khôi phục niềm tin đòi hỏi, trước tiên, những người mô tả mình là "chuyên gia" chấp nhận sự không chắc chắn. Thay vì tỏ ra mình là chắc chắn và có nguy cơ thường xuyên phạm sai lầm, các nhà bình luận nên thẳng thắn nói về sự không chắc chắn. Về lâu dài, cách tiếp cận này sẽ tái dựng sự tín nhiệm. Một ví dụ điển hình cho việc này là việc sử dụng “các biểu đồ hình quạt” trong các dự báo do Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra, việc này cho thấy một loạt các kết quả có thể có về các vấn đề như lạm phát, tăng trưởng, và thất nghiệp.
Tuy nhiên, việc truyền tải sự không chắc chắn làm tăng tính phức tạp của một thông điệp. Đây là thách thức chính. Thật dễ dàng để đăng tải lên mạng xã hội thông tin “Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự đoán tăng trưởng là 2%”. Ý nghĩa thực sự của đồ thị quạt “Nếu tình hình kinh tế giống hệt như hôm nay tiếp tục được duy trì trong 100 trường hợp có thể trong tương lai, thì sự phán đoán tập thể tốt nhất của MPC là sự ước tính cẩn thận về tăng trưởng GDP sẽ là trên 2% đối với 50 trường hợp và dưới 2% đối với 50 trường hợp” – thậm chí còn không vừa trong giới hạn 140 kí tự cho một thông điệp trên Twitter.
Do đó hiển nhiên cần phải có các nguyên tắc chặt chẽthực hành đáng tin cậy để chúng được phổ biến rộng hơn khi công nghệ thay đổi cách chúng ta sử dụng thông tin. Các nhà báo và blogger có nên bị tố cáo khi đưa hay phát tán tin giả dối hoặc tin đồn không? Có lẽ các nguyên tắc và thông lệ được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật – như sự bình duyệt, các quy trình cạnh tranh tìm tài trợ cho nghiên cứu, minh bạch về các cuộc xung đột lợi ích và nguồn tài chính, cũng như các yêu cầu về công bố dữ liệu cơ bản – cần phải được điều chỉnh và áp dụng rộng rãi hơn cho thế giới của các think tank, trang web và phương tiện truyền thông.
Đồng thời, người tiêu dùng cần những công cụ tốt hơn để đánh giá chất lượng thông tin và ý kiến ​​mà họ nhận được. Việc số hóa tri thức đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân để tiếp nhận thông tin, từ đó định hình các quan điểm của mình. Họ có thể đi khám bác sĩ đồng thời cũng có thể nhận được thông tin tốt hơn về bệnh tật và cách điều trị thay thế. Nhưng việc dân chủ hoá thông tin có thể gây khó khăn cho việc phân biệt đâu là sự thật và đâu là sự giả dối; các thuật toán tạo ra các buồng cách li (echo chamber) cho những người có cùng ý tưởng bị khuếch đại; cũng như tiếng nói và quan điểm cực đoan có thể nổi lên hàng đầu trong cuộc đua về nhấp chuột và về doanh thu trực tuyến.
Các trường phổ thông và đại học sẽ phải làm nhiều hơn để giáo dục học sinh trở thành những người tiêu dùng nắm thông tin tốt hơn. Nghiên cứu nổi bật của Nhóm Giáo dục Lịch sử Stanford, dựa trên các bài kiểm tra của hàng ngàn học sinh trên khắp Hoa Kì, được mô tả như những phát hiện "ảm đạm" của họ về khả năng của người trẻ trong việc đánh giá thông tin mà họ bắt gặp trên mạng. Các trang web kiểm tra sự thật thẩm tra tính xác thực của các khiếu nại từ những người của công chúng là một bước đi đúng hướng và có một số điểm tương đồng đối với sự bình duyệt trong giới học thuật.
Việc lắng nghe ý kiến của bên khác là rất quan trọng. Các phương tiện truyền thông xã hội làm khuynh hướng tư duy độc nhất của con người trở nên tồi tệ hơn bằng cách lọc ra các quan điểm đối lập. Từ đó, chúng ta phải nỗ lực đối thoại với các ý kiến ​​khác với ý kiến của chúng ta và chống lại việc dùng thuật toán dẫn dắt chúng ta né tránh sự khác biệt. Có lẽ “các chuyên gia” công nghệ có thể giải mã các thuật toán nhằm phá vỡ các bong bóng này.
 Cuối cùng, ranh giới giữa nền kĩ trị và nền dân chủ cần được quản lí cẩn thận hơn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người không được lựa chọn đã định hướng những quyết định gây ra hậu quả xã hội to lớn, sự phẫn nộ của công chúng có thể xảy đến trong nay mai. Các vấn đề thường nảy sinh khi các chuyên gia cố gắng trở thành các chính trị gia hoặc ngược lại các chính trị gia cố gắng trở thành các chuyên gia. Điều cần thiết là phải rõ ràng về các vai trò – và trách nhiệm giải trình khi các ranh giới bị phá hủy.
Chúng ta cần đến đánh giá chuyên gia hơn bao giờ hết để giải quyết các vấn đề của thế giới. Câu hỏi không phải là làm thế nào để quản lí mà không có chuyên gia, mà là làm thế nào để đảm bảo rằng đánh giá chuyên gia là đáng tin cậy. Việc nhận ra sự thật này là rất quan trọng: nếu tương lai bị định hình bởi sự vô minh và óc hạn hẹp, chúng ta cần hiểu biết và cần nhiều cuộc tranh luận được soi sáng hơn bao giờ hết.

Tác giả bài viết

Minouche Shafik
MINOUCHE SHAFIK
Viết cho PS từ năm 2017
MinMinouche Shafik, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng và Thị trường tại Ngân hàng của Anh, là giám đốc sắp tới của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.



Nguyễn Thị Linh Giang, Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Restoring Trust in Expertise, Project-Syndicate, Mar 1, 2017.



[*] Câu hỏi đầy đủ của câu hỏi nổi tiếng (famously asked) được nhắc đến ở đầu bài là [The Queen asked me:] 'If these things were so large, how come everyone missed them? Why did nobody notice it'?

Print Friendly and PDF