5.5.18

Marx có phải là người cộng sản không?


Karl Marx (1818-1883)

MARX CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN KHÔNG?

Jean-Numa Ducange
Tuy cùng với Friedrich Engels là đồng tác giả của Tuyên ngôn Đảng cộng sản nhưng không thể quy tư tưởng của Marx về những chủ nghĩa cộng sản khác nhau viện dẫn đến ông.
Cách nhau vài tháng, hai ngày kỉ niệm nối tiếp nhau: 100 năm cách mạng tháng 10 Nga năm 2017 (vào tháng 11 theo dương lịch) và 200 năm ngày sinh (5 tháng 5 - ND) của Marx vào tháng năm 2018. Làm sao không thể biết đến mối quan hệ giữa hai biến cố này? Trong thế kỉ XX, nhiều người đã đọc Marx vì cuộc cách mạng Nga làm đảo lộn thế giới nhân danh ông đã diễn ra. Trước hết, Marx há chẳng đã tượng trưng cho cuộc cách mạng thế giới được ca ngợi trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản. Và thật vậy, về mặt lịch sử không thể tách biệt việc phổ biến đại chúng và việc đọc các văn bản của Marx với thử nghiệm của chủ nghĩa cộng sản vốn chọn ông làm tác giả quy chiếu chính của mình. Là người cộng sản thời bấy giờ có nghĩa là người marxist.
Trong một thời gian dài, không thể tách rời việc tôn vinh giá trị cũng như phê phán Marx với chính quyền xô viết, rồi với những chế độ (Trung Quốc, Cuba, v.v.) viện dẫn đến ông. “Chủ nghĩa Mác-Lê”, được sáng chế sau khi Lénine mất và được phổ biến đại chúng trong các văn bản của Staline, cơ sở ý thức hệ của nhiều nước “cộng sản” trong thế kỉ XX, bao giờ cũng quy chiếu về Marx. Đối với hàng triệu người, Tuyên ngôn Đảng cộng sản báo trước các đảng cộng sản của thế kỉ XX. Chủ nghĩa cộng sản của Marx có vẻ như được thực hiện bởi những chế độ viện dẫn ông. Và người ta vẫn còn thường nghe hay đọc rằng Marx, thậm chí cả những trực giác ban đầu của ông, nằm ở cội nguồn của những chính quyền “toàn trị” như thế.
Marx chống các chế độ quan liêu
Tuy nhiên không thể quy giản Marx như thế: chủ nghĩa Mác-Lê-Stalin đã biếm hoạ rất nhiều những gì Marx nói. Đến độ đặt vào miệng ông những điều ngược lại với những gì ông khẳng định, đặc biệt bằng cách ngăn chặn đáng kể mọi nghiên cứu sáng tạo từ những văn bản của ông. Một ví dụ trong vố số ví dụ khác nêu bật điểm trên: quan điểm của ông về Nhà nước. Marx từng phê phán mạnh mẽ các chế độ quan liêu của thời đại ông. Bộ máy nhà nước Phổ, chế độ độc đoán của Nga hoàng mà ông xem như thiết kế chính trị tồi tệ nhất thời ông. Hay sự tăng trưởng “kí sinh” của nhà nước của Napoléon dưới nền Đệ nhị đế chế ở Pháp.

Xin trích phân tích tuyệt vời của ông về đời sống chính trị ở Pháp trong các năm 1848-1851 trong Ngày 18 Sương Mù của Louis Bonaparte: “Quyền lực hành pháp này, với tổ chức quan liêu và quân sự khổng lồ của nó, đội quân công chức nửa triệu người và một đội quân khác nửa triệu binh lính, một thể kí sinh đáng sợ bao phủ như một màng toàn thể xã hội Pháp và bịt kín mọi lỗ chân lông, được hình thành vào thời kì quân chủ chuyên chế lúc chế độ phong kiến suy tàn và giúp lật đổ nó”.
Nhưng Marx có thể chứng tỏ là ông tinh tế hơn về vai trò và chức năng lịch sử của Nhà nước. Chủ nghĩa cộng sản của Marx là chống Nhà nước, nhưng sáng suốt về những điều kiện thực hành chính trị đến độ xem việc chiếm lĩnh Nhà nước như một nhiệm vụ cơ bản. Ví dụ, sự chú ý liên tục của ông đến những liên minh chính trị với những trào lưu khác, hay việc xây dựng những lực lượng chính trị có cơ cấu và thứ bậc.
Hướng đến một xã hội không có giai cấp
Các nhà marxist thừa hưởng sự căng thẳng này trong các tác phẩm của ông. Sự “chuyên chính vô sản” nổi tiếng (cụm từ có mặt trong các bài viết của Marx nhưng không bao giờ để trở thành một hệ thống nhất quán), chế độ chính trị tạm thời trên đường đến chủ nghĩa cộng sản và xã hội không giai cấp, được Lénine lấy lại để biến thành yếu tố then chốt trong tư tưởng chính trị của ông ấy. Trong thực tế, “chuyên chính” theo Lénine nhanh chóng được thực thi vào cuối năm 1977 bằng một loạt các biện pháp đàn áp và được biện minh bằng những điều kiện tan hoang tột cùng của một đất nước bị chiến tranh tàn phá và những mâu thuẫn nội bộ xói mòn. Nhưng trước khi nắm chính quyền vài tháng, Lénine đã lí thuyết hoá trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng sự tiêu vong của Nhà nước, một ý từng được Marx và Engels đề cập. Đến khi giai đoạn tới hạn kết thúc, Nhà nước phải dần biến mất ...
Những sự li khai nhân danh Marx
Ta biết điều gì đã xảy ra ở Liên Xô sau đó. Nhưng sự củng cố quyền hành của Staline đã kéo theo nhiều cuộc li khai nhân danh Marx. Trong lịch sử của học thuyết marxist, đan xen bởi nhiều cuộc “trở về với Marx” nhằm phản bác những cách diễn giải biếm hoạ và giáo điều về những văn bản của ông, vấn đề Nhà nước nằm ở vị trí trung tâm. Việc tố cáo chế độ quan liêu của Stalin” của những trào lưu trostkist nhấn mạnh đến những khác biệt giữa những thời kì đầu của chế độ xô viết và những lệch hướng sau này, cũng như đến sự trung thành với những văn bản của Marx trên nhiều điểm.
Chẳng hạn, chủ nghĩa quốc tế theo đó “bốn phương vô sản đều là anh em” được các nhà li khai này đánh giá cao, từ chối chủ nghĩa Staline chỉ xây dựng chủ nghĩa xã hội “trong một nước duy nhất”. Một số khác, như Maximilien Rubel[*], còn đi xa hơn nữa và xem Marx là một lí thuyết gia của chủ nghĩa vô chính phủ, chống Nhà nước, khi ưu tiên cho một số văn bản và coi nhẹ một số văn bản khác.
Thoát ra khỏi ảnh hưởng của Staline
Léon Blum (1872-1950)
Ngoài những ai viện đến chủ nghĩa cộng sản, còn có nhiều trào lưu trong nhiều nước, đặc biệt là ở Pháp, cũng dựa vào Marx. Trong một thời gian dài, các nhà xã hội chủ nghĩa và xã hội dân chủ từ chối bỏ rơi ông vào tay những người ủng hộ Liên Xô. Khi lựa chọn không tham gia Quốc tế cộng sản năm 1920 và duy trì “căn nhà xưa” xã hội chủ nghĩa, Léon Blum đã không từ bỏ chủ nghĩa Marx. Ông còn chấp nhận cả “chuyên chính vô sản”, tất nhiên để gán cho khái niệm này một nội dung khác với nội dung của Lénine. Như vậy Đảng xã hội Pháp cũng sẽ mang dấu ấn của Marx.
Trước thế chiến thứ nhất, Đảng xã hội dân chủ Đức SPD cũng viện đến Marx và phải mất ít ra nửa thế kỉ nữa thì Đảng này mới tách ra khỏi tư tưởng ông được. Như vậy để nói rằng không thể quy Marx, từ những người chống chuyên quyền (như Rubel) đến những nhà xã hội dân chủ, về di sản của phong trào cộng sản quốc tế như nó từng sống trong quỹ đạo của Moscou.
Nói về di sản, có một điểm cần xem xét: phong trào chống thực dân và quan hệ của nó với Marx. Nhiều lãnh đạo thế giới thứ ba là những độc giả của Marx và việc giải phóng đất nước họ được tiến hành nhân danh chủ nghĩa Marx – không phải bao giờ cũng thế và không phải bao giờ cũng chỉ độc nhất nhân danh chủ nghĩa này. Trung Quốc trong những năm 1960 trong vài năm đã tự xem mình như người diễn giải trung thành nhất Marx. Cuộc cách mạng văn hoá, về mặt chính thức là chống quan liêu, đã thổi bùng lại nhiệt tình cách mạng trước khi người ta nhận thức hết tất cả tội ác khủng khiếp của quá trình này.
Những quy chiếu về Marx
Marx, lúc ban đầu rất “dĩ Âu vi trung”, đã quan tâm đến tình hình các dân tộc thuộc địa, tuy không lấy đó làm một dữ kiện chủ yếu trong suy tưởng chính trị của ông. Tuyên ngôn Đảng cộng sản mà sự đánh cược lịch sử đặt trọng tâm vào châu Âu có một tầm quan trọng thế giới. Trong những năm 1970, nhờ sự phổ biến đại trà của Moscou và Bắc Kinh, Tuyên ngôn là một trong những văn bản được phổ biến nhiều nhất trên thế giới, ngang ngửa với Kinh thánh, kể cả trong những ngôn ngữ ở châu Phi.
Từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và những nước vệ tinh, “hàng trăm chủ nghĩa Marx” với những đường biên mập mờ đã đua nhau nở. Có gì chung giữa những quy chiếu về Marx của những đảng có nguồn gốc từ chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, ông Marx, nhà tiên tri toàn cầu hoá của Jacques Attali, sự “Trung Quốc hoá chủ nghĩa Marx” của Đảng cộng sản Trung Quốc, và không quên cả những nhà marxist anglo-saxon mạnh về mặt khái niệm và xa rời đời sống chính trị? Có lẽ đó là sự nghiệp của ông vẫn còn là suối nguồn suy tưởng, một lực động viên, hay một điểm quy chiếu không thể né tránh mà mọi công dân phải biết. Từ nay, dường như có thể loại trừ khẳng định cho rằng Marx đã chết.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Marx est-t-il communiste?”, Alternatives économiques, 01/03/2018.




Chú thích:
[*] Người biên tập các tác phẩm của Marx cho NXB La Pléiade có xu hướng cực tả, gần với những quan điểm “hội đồng nhân dân”, đánh giá cao các hội đồng này (xô viết) chống lại đảng chính trị.

Print Friendly and PDF