GIA TÀI CỦA ĐẾ CHẾ LA MÃ
Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
Người La Mã tiếp thu nền văn minh Hy Lạp một cách chọn lọc và áp dụng rộng rãi trong đế chế. Nhưng họ rất thực dụng và thể hiện xu hướng đó qua nhiều dạng thức khác nhau. Họ pha chế nền triết học huy hoàng của Hy Lạp và làm cho nó hấp dẫn với đám đông. Nếu Aristotle và các học giả khác đã dày công xây dựng một hệ thống giáo dục tuyệt hảo và phong phú, thì người La Mã thu gọn nó lại thành ngành học hùng biện, vì mọi thành công trong chính trị và kinh doanh đều phụ thuộc vào nghệ thuật diễn đạt và thuyết phục người khác. Nói theo ngôn ngữ hiện đại hôm nay: họ tinh giảm giáo dục xuống thành huấn nghiệp[1]. Charles Van Doren, giáo sư đại học Columbia, USA
Diễn tiến lịch sử kết cấu thành nền văn minh không xảy ra trong một khung thời gian rõ rệt, cho nên việc phân chia các giai đoạn phát triển nền văn minh trong một nước rất khó. Trong một lục địa với nhiều giống dân khác nhau, tiếng nói khác nhau, định chế chính trị khác nhau, việc phân chia ấy càng khó gấp bội. Có ai trong chúng ta có thể phân chia các giai đoạn của văn minh châu Á một cách tổng thể mà vẫn diễn đạt được tính chất của từng quốc gia riêng lẻ? Với châu Âu, chúng ta có thể làm được việc đó, dù khó khăn và mang tính tương đối.
Khác với các lục địa khác, châu Âu có những tính chất rất đặc thù. Sự phát triển nền văn minh của họ không giống một lục địa nào khác. Trong một giai đoạn nào đó, thí dụ thời kỳ phục hưng thế kỷ 15/16 thì Ý dẫn đầu cả lục địa về tính ưu việt trong nghệ thuật. Ý cũng là nơi sinh thành của chủ nghĩa nhân bản có ảnh hưởng mạnh và lâu dài lên bản chất con người châu Âu. Cũng trong thời gian này, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những nước đầu tiên có sáng kiến vượt Đại Tây Dương để thám hiểm liên lục địa. Đức là nước khai mào cho phong trào cải cách tôn giáo. Anh đi tiên phong trong cơ cấu tổ chức nhà nước trong thế kỷ 17 để thực thi dân chủ, tạo nên sức bật mới để giải phóng cho các nguồn lực xã hội.
Mỗi nước có sáng kiến khác nhau, nhưng những hoạt động tiên phong đó không bao giờ dừng lại trong biên giới một quốc gia, mà những nhân tố tiến bộ thường được nhanh chóng tiếp thu bởi các nước chung quanh, rồi thích ứng với điều kiện xã hội địa phương để từng bước kiến tạo nên những nét độc đáo riêng của từng quốc gia. Cụm từ “nhanh chóng” có lẽ hơi cường điệu. Những sáng kiến từ nước này được lan qua nước khác, có lúc sau vài năm, có lúc cần vài chục năm, cũng có lúc kéo dài hàng thế kỷ. Thí dụ sáng kiến về chủ nghĩa nhân bản đã có từ thế kỷ 14, nhưng mãi đến thế kỷ 15 mới trở thành ý thức sống động trong khu vực Toscana để biến nó thành trào lưu văn hóa tại Ý, và mãi đến thế kỷ 16 mới bám rễ vào các nước ở trung và tây Âu, tạo nên một sắc thái tương đối nhất quán trên cả lục địa.
Dù lan tỏa nhanh hay chậm thì sự trao đổi, học hỏi và bổ sung lẫn nhau bao giờ cũng xảy ra. Trong một khía cạnh tương đối nào đó, sự tương tác ấy tạo nên một bản sắc gần giống nhau trong nhiều khu vực, mặc dù mỗi vùng có một nét đặc thù riêng. Có thể kết luận được chăng, là có một bản sắc châu Âu chi phối quá trình hình thành và phát triển nền văn minh của họ?
|
François Guizot (1787-1874) |
Vậy chúng ta thử phân chia các giai đoạn để khảo sát. Mỗi nhà sử học có một cách phân chia khác nhau tùy theo đối tượng và mục đích khảo sát. Ở đây, chúng ta tạm dùng mô hình của nhà sử học François Guizot người Pháp nổi danh từ đầu thế kỷ 19. Ông chia làm ba thời kỳ trong sự phát triển nền văn minh châu Âu[2]: Thứ nhất, thời kỳ nguyên thủy. Đây là thời kỳ khi các thành tố tạo thành nền văn minh tự giải phóng ra khỏi tình trạng hỗn loạn, sắp xếp đội ngũ để biểu dương trật tự mới của chúng, chuẩn bị tích lũy các thành tố cần thiết để xây dựng nền văn minh. Giai đoạn này bắt đầu từ thời cổ đại, kéo dài đến khoảng chừng thế kỷ 11 và 12 sau công nguyên.
Thứ hai, thời kỳ thử nghiệm, dò dẫm tìm đường. Các thành tố của trật tự xã hội tiến sát lại gần nhau, tích hợp nhau cũng như loại trừ nhau mà tự các hoạt động đó, chúng không tạo nên một lực lượng nào chủ đạo chi phối tiến trình phát triển lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, những thử nghiệm trong thời kỳ này là nền móng tư tưởng của các bước phát triển tiếp theo. Giai đoạn này kéo dài đến thế kỷ 16 hoặc lâu hơn. Thời kỳ này có thể xem như chấm dứt với sự thành công của phong trào phục hưng được phổ biến rộng rãi trên mọi miền của lục địa châu Âu.
Thứ ba, thời kỳ phát triển. Trong thời kỳ này, xã hội châu Âu đã định hình rõ rệt, xu hướng phát triển như thế nào cũng đã được xác định. Nó phát triển nhanh chóng và tương đối đồng loạt để tiến đến một mục tiêu rõ rệt và chính xác. Thời kỳ này cũng có thể được gọi là thời kỳ đại cách mạng thay đổi tận gốc xã hội châu Âu. Quá trình phát triển đó bắt đầu từ thế kỷ 16 và kéo dài đến cuối thế kỷ 19.
Sự phát triển trong thế kỷ 20 và 21 là sự tiếp nối tất yếu của thành quả đã đạt được từ các thế kỷ trước, nhưng nó mang một sắc thái đặc biệt mới mẻ, tuân theo những qui luật mới mà trước đó chúng ta chưa gặp trong ba thời kỳ nói trên. Vả lại, văn minh châu Âu trong thế kỷ 20 và 21 không còn là một thực thể của riêng nó, mà sự phân tích đòi hỏi phải đặt nó trong bối cảnh chung của toàn cầu. Vì thế, chúng ta tạm gác qua giai đoạn này, và giới hạn sự khảo sát lịch sử văn minh châu Âu cho đến cuối thế kỷ 19.
Trước hết, chúng ta trình bày rất sơ lược các sự kiện chính yếu trong ba thời kỳ nói trên để có một cái nhìn tổng quan của lịch sử phát triển 2000 năm. Đi sâu lý giải từng vấn đề một của ba thời kỳ đó là nhiệm vụ của những chương kế tiếp.
Thời kỳ nguyên thủy
Lịch sử châu Âu từ thời cổ đại đến hết thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên trải qua ba hình thái xã hội khác nhau. Trước tiên là thời kỳ huy hoàng của đế chế La Mã với nền văn minh mang tính chất lý thuyết và trừu tượng của Hy Lạp, kết hợp với sự khôn ngoan và thực tiễn của người La Mã. Tiếp theo là thời kỳ phong kiến tạo nên sau sự sụp đổ của Tây La Mã vì sự xâm chiếm của các giống dân hoang dã Goths và Vandals. Sau đó là ý thức thống nhất châu Âu lần đầu tiên được hình thành trong thời đại Carolingian, bắt đầu với Charlemagne và kéo dài hơn hai thế kỷ.
Thành thị và thôn quê trong đế chế La Mã
Lúc bị La Mã thôn tính vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, đế chế Hy Lạp với nền văn minh Hellen truyền thống đã mang đậm dấu ấn của đời sống thành thị. Trong những thành phố với lớp người thuộc tầng lớp trên nói tiếng Hy Lạp đã có sẵn các thành phần dân cư hỗn hợp. Họ phục tùng sự cai trị của La Mã, miễn sao nếp sống của họ không bị xáo trộn[3]. Người La Mã đã khôn ngoan kế thừa có chọn lọc đời sống văn minh đó để xây dựng đế chế, phần nào dựa vào khuôn mẫu văn minh Hy Lạp, nhất là mô hình Athens. Kể từ lúc người con nuôi của Caesar, Augustus[4] lên kế vị hoàng đế, ông đưa ra kiểu mẫu xây dựng thành phố làm chuẩn mực cho toàn bộ vùng đế chế[5]. Kể từ đó về sau, “lịch sử chinh phục thế giới của đế chế La Mã là lịch sử của bành trướng và xây dựng một số lượng lớn các đô thị[6]”. Họ không quan tâm đến vùng quê. Nông dân ở đó chỉ có nhiệm vụ đóng thuế và không hưởng một quyền lợi nào từ qui định của luật pháp. Họ không được thừa nhận là công dân La Mã. Họ là những người cùng đinh trong xã hội. Có nhiều người vì nghèo khổ bị mang ra chợ nô lệ bán cho người thành thị, đấy không phải là chuyện hiếm hoi. Nhiều hiệp sĩ đấu trường được mua từ các chợ nô lệ, được huấn luyện kỹ năng chiến đấu cá nhân để mua vui cho quan chức La Mã. Thành phố là nơi nuôi dưỡng quân đội để bảo vệ đất đai, nơi thu thuế nông dân và thương gia để nộp về La Mã, nơi cư ngụ và hành đạo của hàng giáo sĩ, nơi tòa án đưa ra phán quyết, nơi tập trung nguồn tài chánh của đế chế, nơi xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống xa hoa theo kiểu mẫu kinh đô La Mã. Chỉ có thành phố mới có trường học và các cơ quan công quyền.
Hệ thống giao thông liên tỉnh cũng được xây dựng theo một kiểu mẫu nhất quán: một con đường độc đạo thẳng tắp lát đá, chất lượng cao, ít dốc để nối đến một thành phố lân cận. Giữa hai thành phố là đầm lầy, rừng rú và làng mạc hoang vu, phát triển tùy tiện, phụ thuộc vào ý muốn và nguồn lực tài chính của giới điền chủ địa phương.
Trong cấu trúc lỏng lẻo đó, xã hội bị phân hóa thành nhiều giai cấp khác nhau rõ rệt: Doanh nhân và tiểu công nghiệp là những người hưởng đầy đủ quyền công dân; giáo sĩ thuộc một nhóm đặc biệt trong xã hội, chỉ chịu sự chi phối bởi luật công giáo; người Do Thái được bảo vệ trong khuôn khổ cho phép của vua chúa và giám mục, họ sống cô lập trong các khu Ghetto[7], một thực thể lạ trong cộng đồng Kitô. Còn lại đa số là nông dân, đày tớ, nô lệ phục vụ cho người chủ ở nông thôn hoặc bên ngoài thành phố. Họ không được luật pháp bảo vệ. Trong trường hợp tranh chấp với ai, họ phải nhờ các chủ nhân đại diện trước pháp luật[8]. Đấy là gia tài đầu tiên mà đế chế La Mã để lại cho châu Âu. Họ để lại sáng kiến và cơ cấu tổ chức thành phố, mô hình thiết kế vuông vức đối xứng, kỹ thuật xây dựng lâu đài cung điện, hệ thống phòng thủ, đường sá, các công trình công cộng, hệ thống cung cấp và thoát nước, nhà tắm công cộng, sân vận động, đấu trường, nhà hát, nhà thờ v.v… Đồng thời họ cũng để lại một cấu trúc xã hội tương phản và bi tráng: những người lớp trên sống xa hoa trong bốn bức tường của thành phố, những kẻ cùng đinh nô lệ nghèo khổ sống ở vùng quê bên ngoài. Và tệ hại hơn nữa là đế chế La Mã để lại một cộng đồng lỏng lẻo, không có sự gắn kết giữa đời sống trong và ngoài thành phố, cũng thiếu sự gắn kết giữa các thành phố với nhau. Khái niệm quốc gia hoàn toàn xa lạ trong cộng đồng rời rạc đó.
Đế chế La Mã và Kitô giáo
Kể từ lúc Constantine[9] đại đế nắm quyền bính, Kitô giáo được chính thức thừa nhận, không còn bị truy đuổi như trước. Theo quyết định Mailand năm 313, giáo sĩ Kitô được phép truyền đạo trên khắp đế chế La Mã. Đây là bước ngoặt đầu tiên của lịch sử phát triển Kitô giáo, còn được gọi là bước ngoặt Constantine. Bước ngoặt quan trọng thứ hai là sắc lệnh năm 380 của Theodosius đại đế (347-395) nâng Kitô thành quốc giáo[10], sau đó năm 391 cấm tất cả các dị giáo khác không được phép hành đạo. Bước ngoặt thứ ba là quyết định năm 529 của Justinian I (482-565) đóng cửa viện hàn lâm Plato, làm một vạch ngang chấm dứt việc quảng bá triết lý Hy Lạp trong đế chế. Các triết gia Hy Lạp và môn đệ phải rút về vùng Tiểu Á và Ả Rập để sinh tồn và có thể tiếp tục nghiên cứu. Kể từ đây, chỉ có một luồng triết học duy nhất được nghiên cứu và triển khai, đó là triết lý thần học Kitô. Tu viện từ nay đóng vai trò độc tôn trong nhiệm vụ này. Đến đầu thế kỷ thứ 7, tín đồ các tôn giáo khác phải lánh nạn ra khỏi đế chế La Mã, hoặc cải đạo sang Kitô giáo. Ngoại trừ những cộng đồng nhỏ bé người Do Thái còn được phép tồn tại, ngoài ra thì tình trạng độc giáo Kitô kéo dài hơn 1000 năm sau trên lục địa châu Âu, với những hệ lụy tất yếu của nó về chính trị, văn hóa, xã hội và cả về nghiên cứu khoa học.
Những quyết định nói trên mang tầm vóc thiên niên kỷ. Chúng để lại dấu ấn rất sâu đậm lên nền văn hóa châu Âu cho đến bây giờ. Một mặt, giáo lý Kitô trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội, làm khuôn mẫu cho những hoạt động hướng thiện của con người, khuyến khích tín đồ làm những việc về thần khí, hướng đến cái đẹp hoàn mỹ vĩnh cửu[11]. Đấy là khía cạnh tích cực. Nhưng mặt khác, giáo hội Kitô đã lợi dụng ưu thế của mình để chi phối đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội. Thánh kinh chứa đựng những lời giáo huấn của Đức Chúa Trời được xem như là chân lý không ai có quyền tranh cãi, chứ chưa nói gì tới phản đối. Nền văn hóa Kitô chi phối lên tất cả mọi mặt trong đời sống. Nhân sinh quan, vũ trụ quan của giới có ăn học đều được hướng dẫn trong Kinh thánh và những văn bản diễn giải đi kèm của giáo hội, không ai có quyền phản biện. Cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng thế. Cấu tạo của vũ trụ như thế nào? Con người sinh ra từ đâu? Qui luật chuyển động của vật chất ra sao? Tất cả các câu hỏi đó không cần đặt ra, không phải là đối tượng để tìm tòi nghiên cứu. Chúng đã được trả lời minh bạch trong Thánh kinh và các hướng dẫn của giáo hội. Phản biện lại những điều đó là một tội khó tha thứ, sẽ bị tòa Thánh kết án nghiêm khắc. Chúng ta sẽ trở lại phiên tòa Gallileo Galilei năm 1633 để lý giải thêm và xem xét những tai hại nào mà giáo hội Kitô đã để lại cho nền khoa học châu Âu trong thời trung cổ và thời kỳ tiền hiện đại.
Về mặt chính trị, ảnh hưởng của giáo hội lên vương quyền vô cùng to lớn. Chỉ trong vòng 31 năm cầm quyền từ 306 đến 337, Constantine đã tạo nên một thế trận không thể nào đảo ngược. Ông dành nhiều hỗ trợ tài chánh cho nhà thờ, cho phép nhiều quyền lợi luật định như miễn thuế cho giáo hội, đưa nhiều người trong hàng giáo phẩm vào các chức vụ cao trong quân đội và hành chánh hoàng triều. Dần dần giáo lý Kitô trở thành nguyên lý biểu tượng của Rome, giáo hội trở thành cơ cấu lãnh đạo trong đế chế[12]. Ý thức hệ tôn giáo vì thế đã ăn sâu vào đời sống chính trị, ảnh hưởng lên các quyết định của vua chúa và vương triều. Hàng giáo phẩm là cố vấn cao cấp cho vua chúa và chính quyền địa phương. Giáo sĩ được vương triều trả lương, nhà thờ là tài sản riêng của giáo hội và được thừa kế theo luật pháp[13]. Luật La Mã còn khuyến khích đưa giáo sĩ và giám mục vào hệ thống cai trị thành phố[14]. Giám mục địa phận kiêm chức thị trưởng thành phố là chuyện hết sức bình thường. Những gì về Kitô giáo mà đế chế La Mã để lại có tác dụng cả ngàn năm. Ở cấp cao thì Giáo hoàng có thể làm trọng tài phân xử tranh chấp giữa các quốc gia, thí dụ như sắc dụ Giáo hoàng trong tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về vùng ảnh hưởng ở châu Mỹ cuối thế kỷ 15[15]. Một sự kiện đặc biệt khác ở cuối thời trung cổ là sắc dụ Giáo hoàng Romanus Pontifex tháng 10.1455 đã hợp thức hóa cho Bồ Đào Nha chiếm hữu và buôn bán nô lệ từ các vùng Nam châu Phi[16]. Đấy là chưa kể, trong nhiều giai đoạn khác nhau của thời trung cổ, sự tranh giành quyền lực giữa Giáo hoàng và vua chúa đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu. Sự gắn kết ý thức hệ tôn giáo vào chính trị đã kềm hãm sự phát triển xã hội châu Âu suốt nhiều thế kỷ. Mãi đến thế kỷ 17, châu Âu mới tự giải phóng ra khỏi vòng kìm tỏa của tôn giáo để đưa xã hội tiến lên, khi các nghiên cứu khoa học làm bộc lộ những nhận thức phản khoa học trong giáo lý Kitô, nhất là khi phong trào cải cách tôn giáo đã tố cáo sự gian lận của giáo hội trong việc lý giải Thánh kinh theo quan điểm có lợi cho quyền lực của hàng giáo phẩm. Trong thế kỷ thứ 4 khi vừa trở thành quốc giáo, giáo hội là cơ cấu hoạt động hiệu quả để cứu vãn và phát triển Kitô giáo. Nhưng sau đó không lâu, chính giáo hội đã bị tha hóa trong biển rộng mênh mông của quyền lực, ưu đãi vật chất và mưu đồ lèo lái giáo dân bằng những diễn giải đi ngược tinh thần Kitô.
Chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ hơn trong các chương sau để khảo sát ảnh hưởng của văn hóa Kitô giáo trong thời trung cổ cũng như tổ chức giáo hội và cộng đồng Kitô qua các thời kỳ.
Đế chế La Mã và sự chia rẽ tây Âu - đông Âu
Constantine đánh dấu một thời đại mới trong nền chính trị đế chế La Mã. Một kinh đô mới, một chính sách mới và một tôn giáo mới. Những sáng kiến mà Constantine thực hiện trong đế chế được đón nhận và thánh hóa bởi nhiều thế hệ kế tục[17]. Với sự thành lập kinh đô Constantinople[18] vô cùng tráng lệ, nền chính trị dần dần chuyển trọng điểm về phương đông. Đế chế La Mã thường trực có hai vua trị vì từ hai thành phố khác nhau. Quá trình chuyển dịch kéo dài đến năm 395, khi Theodosius mất và hai người con lên trị vì đồng ý chia đế chế thành hai vùng độc lập: Honorius (384–423) cai trị Tây La Mã có kinh đô là Rome và Arcadius (377–408) cai trị Đông La Mã lấy Constantinople làm kinh đô. Đông La Mã, từ nay có thể gọi là Byzantine bao gồm vùng Hy Lạp và lân cận, thêm vùng Balkans gồm khu vực hiện nay là Albania, Macedonia, Bulgaria, Montenegro, Bosnia, Kosovo và Serbia, thêm vùng ven bờ Địa Trung Hải trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Ai Cập (xem bản đồ bên dưới). Tây La Mã bắt đầu từ vùng đất hiện nay là Croatia, Áo, Tiệp sang tận Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và vùng ven bờ biển bắc Phi.
Theodosius không hề tiên đoán được những gì sẽ xảy ra do sự chia cắt này. Số phận châu Âu từ nay gắn liền với sự chia cắt đông-tây với sự phát triển hai miền ngày càng khác nhau, mỗi bên đi theo một hướng. Đông La Mã chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp và Giáo hội Chính thống, trong lúc Tây La Mã có văn hóa la-tinh và thuần phục Giáo hội La Mã; sự phát triển xã hội khác nhau, kinh tế cũng khác nhau; từ đó trình độ văn minh và sự giàu có cũng khác nhau.
Hình []: Phân chia đế chế thành Đông và Tây La Mã
Nguồn: Creative Commons CC-BY-SA-4.0, tác giả: Novarte
Tây La Mã thì sụp đổ sau 200 năm. Byzantine (Đông La Mã) còn yên ổn cho đến thế kỷ thứ 7. Bước ngoặt đầu tiên xảy ra khi khối Islam[19] bành trướng khắp nơi, chiếm tất cả đất đai dọc bờ biển đông và nam Địa Trung Hải. Byzantine mất khả năng buôn bán ở phía nam và thường trực đối phó với giống dân Ostrogoths ở phía bắc. Đến khi đế chế Ottoman chiếm luôn kinh đô Constantinople năm 1453, Byzantine hoàn toàn sụp đổ. Sau biến cố đó, hàng loạt thương nhân giàu có, giới quí tộc và học giả di tản về Tây Âu, mang theo tài sản, thư viện và các sản phẩm văn hóa, vô hình trung giúp cho Tây Âu phát triển thành công phong trào phục hưng. Kể từ thế kỷ 15, vùng Balkans và Hy Lạp chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Islam cho đến thế kỷ 19. Tây Âu và đông nam châu Âu (Byzantine trước đây) trở thành hai thế giới khác nhau, ảnh hưởng hai nền văn hóa khác nhau, theo đuổi hai ý thức hệ tôn giáo khác nhau, hai luồng tư tưởng đối lập nhau. Dưới sự cai trị của đế chế Ottoman, vùng đông nam châu Âu phát triển rất chậm chạp, có nền văn minh thấp, kinh tế lạc hậu. Sự khác nhau hiện nay về tốc độ phát triển giữa tây Âu và đông nam châu Âu rõ ràng có gốc rễ sâu xa từ sự chia cắt Tây và Đông La Mã vào cuối thế kỷ thứ 4.
Kết luận
Trong hơn 1000 năm phát triển[20], đế chế La Mã đã để lại dấu ấn sâu đậm lên lịch sử châu Âu. Họ để lại sáng kiến và kỹ thuật xây dựng thành phố, mà nhiều phương pháp và kỹ năng vẫn còn giá trị cho tới hôm nay. Luật La Mã là nền móng cho sự phát triển các bộ dân luật sau này, khởi đầu tại Ý và dần dần lan rộng ra các vùng khác trên lục địa. La Mã cũng tạo ra điều kiện xã hội ban đầu để nền văn hóa Kitô có cơ hội phát triển và bám rễ vào đời sống tinh thần người dân châu Âu cho đến bây giờ. Tiếng la-tinh trở thành ngôn ngữ học thuật chính thức trong vùng đất rộng lớn bao gồm hàng chục giống dân khác nhau với nhiều tiếng nói khác nhau. Điều đó đã đã tạo nên khả năng giao tiếp dễ dàng và ý thức thống nhất trong lục địa châu Âu, tạo tiền đề cho sự tương tác về văn hóa xã hội giữa các vùng khác nhau trên lục địa. Tuy nhiên, La Mã cũng để lại những hệ lụy to lớn có tác động vô cùng tiêu cực lên nền văn minh của lục địa. Tệ hại nhất là quyết định tiêu diệt các tôn giáo khác để biến Kitô thành độc giáo trong toàn cõi đế chế kể từ cuối thế kỷ thứ 4. Song song với việc đóng cửa viện hàn lâm Plato đầu thế kỷ thứ 6 và ngăn cản việc truyền bá triết học Hy Lạp, tình trạng độc giáo được nâng lên một tầm cao hơn, là độc tôn về nghiên cứu triết học – Nói như ngôn ngữ hiện đại hôm nay là độc quyền về văn hóa tư tưởng.
Hậu quả của chính sách độc tôn đó tai hại như thế nào lên châu Âu trong suốt cả 1000 năm sau? Nền triết học huy hoàng của Hy Lạp bị truy lùng và hủy diệt trên lãnh địa đế chế suốt nhiều thế kỷ. Sách vở thuộc văn minh Hy Lạp bị cấm lưu hành, phải tuồn ra ngoài đến vùng Tiểu Á và Ả Rập. Nguồn tri thức duy nhất để tham cứu là Thánh Kinh và các hướng dẫn của tu viện thuộc giáo hội. Tư tưởng của giới học thuật thì bị đóng khung theo một con đường định sẵn, mất hết khả năng sáng tạo, mất điều kiện để độc lập phát triển tư duy. Tình trạng đó kéo dài hơn 500 năm. Mãi đến thế kỷ 12, khi phong trào dịch thuật các tác phẩm thời cổ đại dâng lên, và nhất là khi phong trào phục hưng thế kỷ thứ 15 đã phát triển, hệ tư tưởng của giới học thuật mới được cởi trói dần dần tự do, mở đường cho phong trào khai sáng thế kỷ 17 và các cuộc cách mạng dân chủ cũng như cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 18 và 19.
Người ta tự hỏi, nếu không có chính sách độc giáo và gắn liền với nó là độc quyền triết học do La Mã dựng lên từ cuối thế kỷ thứ 4, thì có phải châu Âu đã văn minh sớm hơn vài thế kỷ?
Đế chế La Mã phát triển hưng thịnh nhất vào thế kỷ thứ 2 và 3 sau công nguyên. Nó phát triển và giàu có nhờ cướp bóc những vùng mới chiếm. Họ thâu thuế của nông dân, sử dụng tù binh và dân các vùng bị trị làm nô lệ để xây dựng thành phố, xây lâu đài và các khu ăn chơi, xây nhà thờ, xây các công trình phòng thủ. Tiền thuế còn dùng để nuôi dưỡng đạo quân chính qui tinh nhuệ với đầy đủ vũ khí đắt tiền bằng sắt thép. Đội quân đó kết hợp với binh lính địa phương ăn lương của La Mã là nền tảng để duy trì đế chế. Họ biết sử dụng bạo lực để kiểm soát vùng mới chiếm. Nhưng nông dân thì quá nghèo, nguồn thuế một lúc nào cũng cạn kiệt, binh lính không có thu nhập, từ đó không còn trung thành với La Mã.
Với cơ cấu quyền lực và chế độ đàn áp hà khắc, một cuộc cách mạng từ bên trong là điều khó lòng xảy ra, nhưng khi có sự tấn công từ bên ngoài, trong trường hợp này là sự tấn công bởi các giống dân hoang dã, cả đế chế Tây La Mã sụp đổ nhanh chóng. Đông La Mã (Byzantine) còn cầm cự vài trăm năm, dần dần mất vào tay đạo quân Islam và cuối cùng bị đế chế Ottoman thôn tính.
Tây La Mã thì sụp đổ bởi sự tấn công của các giống dân Goths và Vandals. Đó là những dân kém phát triển, không biết đọc biết viết. Họ, những người thắng trận lại bị đồng hóa bởi người thua trận là dân La Mã có văn hóa cao hơn. Nhưng trong quá trình đồng hóa đó, họ cũng để lại dấu vết của lối sống và tư duy lạc hậu của người hoang dã. Trong một thời gian dài, tây Âu vì thế chìm đắm trong đời sống nghèo đói và bạo tàn trung cổ. Từ đế chế huy hoàng đầu thiên niên kỷ, La Mã đã để lại cho châu Âu một vùng đất nghèo đói ở ngưỡng cửa năm 1000. Trình độ văn minh và mức sống còn thua cả Trung Hoa và các nước châu Á khác.
Giáo sư Angus Maddison tóm tắt nguyên nhân sự thay đổi trong 1000 năm đó như sau[21]: a) sự sụp đổ của một guồng máy chính trị khổng lồ, nó được thay thế sau đó bởi thể chế mới rời rạc, mỏng manh và thiếu ổn định; b) sự biến mất của đời sống văn minh thành phố. Kinh tế thì dựa vào nguyên lý tự cung tự cấp và tương đối cô lập của các cộng đồng nông dân bị bạc đãi. Giới phong kiến lớp trên thì tạo thu nhập cho họ từ nông dân bị bóc lột; c) hệ thống thương mại giữa tây Âu và châu Á, bắc Phi hoàn toàn biến mất. Nhà sử học Bỉ Pirenne nhận xét sâu sắc hơn về kinh tế[22]: Nếu chúng ta khảo sát triều đại Carolingian[23], khi tiền vàng không còn được đúc, dịch vụ tín dụng bị cấm, không còn một tầng lớp doanh nhân chuyên nghiệp, không còn ai nhập khẩu hàng hóa từ phương đông, việc luân lưu tiền tệ giảm xuống đến mức tối thiểu, người dân không biết đọc biết viết, không còn tổ chức thâu thuế hiệu quả, thành phố chỉ còn là những pháo đài phòng thủ, trong điều kiện đó, chúng ta có thể nói không ngần ngại rằng, chúng ta đối diện với một nền văn minh đã thoái hóa xuống đến mức độ thuần nông nghiệp, không còn cần đến thương mại, tín dụng và trao đổi để duy trì guồng máy xã hội. Tình trạng đó, không những vua chúa đế chế La Mã và triều đại Carolingian phải chịu trách nhiệm, mà cả giáo hội Kitô và hàng giáo sĩ đều là những kẻ cố ý đi ngược dòng lịch sử. Tất nhiên là giới có ăn học đương thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự khiếp nhược và đồng lõa của mình, mà nói theo tinh thần phê phán của nữ triết gia Hannah Arendt: “Mọi hình thức bạo quyền đều dựa trên sự tán đồng công khai hoặc thầm lặng của đám đông, và không có thành viên nào trong đám đông ấy có thể rũ bỏ trách nhiệm[24]”. Tác giả: Tôn Thất Thông, CHLB Đức
(Độc giả có quyền trích dẫn không giới hạn, nhưng cần ghi rõ nguồn. Để theo dõi nội dung này một cách đầy đủ hơn, xin mời quí vị tham khảo các sách về “Văn minh châu Âu” của cùng tác giả)
1. Bùi Văn Nam Sơn
Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012
2. Burckhardt, Jacob
Văn hóa thời phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9
3. Gibbon, Edward
Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã (The decline and fall of the Roman empire). ISBN 0-7011-0713-8
4. Granzotto, Gianni
Tiểu sử Christopher Columbus (Christoph Kolumbus – Eine Biographie. Sylvia Höfer dịch từ tiếng Ý: Cristoforo Colombo). ISBN 3-421-06304-4
5. Guizot, François
Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe - William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997
6. Le Goff, Jacques
Giới trí thức trong thời trung cổ (Die Intellektuellen im Mittelalter. Christiane Kayser dịch từ tiếng Pháp: Les intellectuels au Moyen Age). ISBN 3-423-04581-7
7. Lotze, Detlef
Lịch sử Hy Lạp – Từ cội nguồn đến thời đại Hellen (Griechische Geschichte – Von den Anfängen bis zum Hellenismus). ISBN 3-406-39500-7
8. Maddison, Angus
Kinh tế thế giới - Tập I và II (The World Economy – Volume I & II). ISBN 92-64-02261-9
9. Romano, Ruggiero & Tenenti, Alberto
Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại (Die Grundlegung der Modernen Welt. Helga Brissa et al. dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9
10. Samhaber, Ernst
Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6
11. Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M.
Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature). ISBN 978-604-956-006-4
12. Van Doren, Charles
Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens. Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4
Chú thích:
[1] Xem tài liệu [12], C. Van Doren, trang 101↩
[2] Xem tài liệu [5], F. Guizot trang 140. François Guizot (1787-1874) là giáo sư đại học Sorbone, là sử gia tiếng tăm đương thời ở khắp các nước châu Âu↩
[3] Xem tài liệu [10], E. Samhaber, trang 114 ↩
[4] Gaius Octavius Augustus sinh năm 63 trước CN, chết năm 14 sau CN↩
[5] Xem tài liệu [10], E. Samhaber, trang 112↩
[6] Xem tài liệu [5], F. Guizot, trang 33↩
[7] Khái niệm Ghetto trong thời trung cổ chỉ có nghĩa giản dị là khu vực có nhiều người Do Thái cư ngụ, không giống như thuật ngữ Ghetto được dùng trong thế chiến thứ II (thí dụ Ghetto ở Warsaw).↩
[8] Xem tài liệu [10], E. Samhaber, trang 277-278↩
[9] Flavius Constantinus sinh năm 272, mất năm 337 sau công nguyên. Năm sinh của Constantine không chính xác và nhất quán trong sử sách, biến thiên từ năm 270 đến 288. ↩
[10] Xem tài liệu [10], E. Samhaber, trang 135. Tên tiếng la-tinh của Theodosius là Flavius Theodosius Augustus (347-395 sau công nguyên).↩
[11] Xem tài liệu [11], L. Stevenson-Lưu Hồng Khanh, trang 208-244↩
[12] Xem tài liệu [12], C. Van Doren, trang 131-132↩
[13] Xem tài liệu [10], E. Samhaber, trang 129↩
[14] Xem tài liệu [5], F. Guizot, trang 40-41↩
[15] Xem tài liệu [4], G. Granzotto, trang 225. Xem thêm: Sắc dụ “Inter Caetera” được Giáo hoàng Alexander VI ban hành năm 1493. ↩
[16] Xem tài liệu [8], A. Maddison, trang 59-60. Sắc dụ Romanus Pontifex cho phép vua Alfons của Bồ Đào Nha và các người kế vị được quyền tấn công vào các vùng ngoại đạo, hoặc thù địch với Kitô giáo, biến dân các vùng đó thành nô lệ và có quyền chiếm hữu vĩnh viễn.↩
[17] Xem tài liệu [3], E. Gibbon, trang 240↩
[18] Sau này đổi tên là Istambul thuộc Thổ Nhĩ Kỳ↩
[19] Chúng tôi dùng từ Islam, chứ không gọi là Hồi giáo, vì từ Hồi giáo không đúng với ngữ nghĩa Islam (xem tài liệu [11], L. Stevenson & Lưu Hồng Khanh, trang 245)↩
[20] Đế chế La Mã định hình từ thế kỷ thứ 3 trước CN. Tây La Mã tồn tại đến thế kỷ thứ 7 sau CN, Đông La Mã thì hoàn toàn sụp đổ vào năm 1453, khi kinh đô Constantinople rơi vào tay đế chế Ottoman.↩
[21] Xem tài liệu [8], A. Maddison, trang 52↩
[22] Xem tài liệu [8], A. Maddison, trang 52, (trích từ H. Pirenne: Mohammed and Charlemagne, trang 242, Allen and Unwin, London)↩
[23] Triều đại Carolingian, chúng ta quen gọi là triều đại của dòng họ Charlemagne, kéo dài hơn hai thế kỷ từ năm 751.↩
[24] Xem tài liệu [1], Bùi Văn Nam Sơn, trang 122.↩