7.5.18

Nhật Bản - “thực tập sinh kỹ thuật”, những người nhập cư “được tuyển chọn” và bị trả lương thấp

NHẬT BẢN: “THỰC TẬP SINH KỸ THUẬT”, NHỮNG NGƯỜI NHẬP CƯ “ĐƯỢC TUYỂN CHỌN” VÀ BỊ TRẢ LƯƠNG THẤP

Một “thực tập sinh kỹ thuật” Trung Quốc tại một nhà máy chế biến hàu ở Hiroshima, tháng 3 năm 2015. (Nguồn: Japan Times)
Nhật Bản chưa bao giờ là xứ tiếp nhận người nước ngoài. Mặc cho cuộc khủng hoảng di cư quốc tế, đảo quốc này vẫn duy trì một chính sách rất hạn chế đối với người xin tị nạn. Năm 2017, nước này đã đồng ý tiếp nhận 20 người tị nạn, bác bỏ hầu hết các đơn xin tị nạn, trong khi các nhà bảo vệ nhân quyền hối thúc chính phủ tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn nữa. Mặc cho sự thiếu hụt nhân lực và tỷ suất sinh giảm, nhưng nước này vẫn có thái độ dè dặt với ý tưởng mở cửa biên giới cho người lao động nhập cư dài hạn. Thay vào đó, là một chính sách nhập cư trá hình thành chính sách “thực tập sinh kỹ thuật” bị bóc lột.

BỐI CẢNH

Nhật Bản đạt được nền hòa bình xã hội và dân sự nhờ vào tính đồng nhất chủng tộc của người dân: điều đó khó nghe ở các nước phương tây, nhưng đó là sự đồng thuận chiếm ưu thế ở Nhật Bản, nước áp dụng một cách nghiêm khắc luật huyết thống. Nếu số người di cư đã tăng 20% kể từ năm 2013, sau một sự suy giảm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và sau trận động đất và sóng thần năm 2011, thì tỷ lệ người di cư vẫn rất thấp. Thực vậy, các số liệu của OECD cho thấy tỷ lệ người nước ngoài sống ở Nhật Bản trong tổng dân số vẫn còn thấp (1,95%) so với Thụy Sĩ (29%) hoặc Australia (28%). Theo các số liệu thống kê của bộ tư pháp, vào cuối tháng 6 năm 2017, đã có 2.471.458 người nước ngoài đăng ký định cư tại Nhật Bản. Đa số những người định cư này đến từ Việt Nam, Trung quốc và Nepal.

CHÍNH SÁCH DI TRÚ KHẮT KHE HƠN

Với khoảng 20 người tị nạn được chính quyền chấp nhận, Nhật Bản hiếm khi cấp quy chế này. Hơn nữa, các điều kiện được hưởng quyền tị nạn lại càng khắt khe hơn sau một cuộc cải cách luật tị nạn được tiến hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2015. Cuộc cải cách này dự kiến việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những đơn xin tị nạn bị nghi ngờ có động cơ từ nhu cầu kinh tế, hoặc đối với những người nộp đơn xin tị nạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy, người xin tị nạn phải cung cấp rất nhiều bằng chứng về sự thành thực của mình. Giám đốc Hiệp hội người tị nạn Nhật Bản, Hiroaki Ishii, cũng như các tổ chức phi chính phủ khác, đã kịch liệt phản đối những quy định ngày càng nghiêm ngặt này.
Đáp lại, chính quyền Nhật Bản giải thích tỷ lệ tiếp nhận người tị nạn thấp này do thiếu cơ sở hạ tầng, thay vào đó chỉ muốn tiếp nhận gần như độc nhất một đội ngũ lao động có tay nghề hoặc có thể đào tạo. Về vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe khá kiên quyết. Tại một cuộc họp báo ở New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông giải thích: “Đây là một vấn đề về nhân khẩu học. Tôi xin nói rằng trước khi chấp nhận người nhập cư hoặc người tị nạn, chúng tôi cần tạo ra nhiều hoạt động hơn cho phụ nữ và người cao tuổi, và chúng tôi cần nâng tỷ suất sinh của chúng tôi. Có rất nhiều việc chúng tôi phải làm trước khi chấp nhận người nhập cư.” Shinzo Abe còn đi xa hơn trong lý luận của ông: việc tiếp nhận người lao động nước ngoài với số lượng lớn là nguồn gốc, theo ông, của nhiều vấn đề và là nguồn gốc của mối đe dọa cho nền hòa bình xã hội của một quốc gia.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã nới lỏng chính sách trong trường hợp cụ thể của những người xin tị nạn Syria. Thực vậy, vào ngày 02 tháng 02 năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố dự kiến tiếp nhận 300 người tị nạn Syria trong 5 năm tới. Đây là một con số đáng kể đối với Nhật Bản, nhưng đối với các hiệp hội, thì con số đó chưa đủ. Chính phủ đáp trả rằng họ thích đánh cược vào một sự tham gia tài chính hơn là việc tiếp nhận [người tị nạn] tại đảo quốc. Để giúp những người tị nạn Iraq và Syria, vào tháng 9 năm 2015, Nhật Bản đã cấp 1,5 tỷ US$, số tiền được dùng để hỗ trợ cho các nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông và châu Phi. Số tiền này đã tăng gấp ba so với số tiền đã cấp vào năm 2014, xếp Nhật Bản, đứng sau Hoa Kỳ, là nước đóng góp lớn thứ hai cho ngân sách của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.

VẤN ĐỀ NHẬP CƯ TRONG BỐI CẢNH KHỦNG HOẢNG DÂN SỐ

Với nạn thiếu hụt nhân lực gắn với sự suy giảm dân số của Nhật Bản, ngành công nghiệp Nhật Bản cần người lao động nước ngoài. Năm 2003, một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc đã tiên đoán điều này: sẽ cần đến 17 triệu người nhập cư từ nay đến năm 2050. Thực vậy, mười lăm năm sau, vấn đề thiếu hụt nhân lực diễn ra ngày rõ ràng hơn, trong tất cả các lĩnh vực. Kể từ khi Shinzo Abe trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm 2012, bức tranh việc làm ở Nhật Bản đã tiến triển đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp (2,7%) vào tháng 11 năm 2017 ở mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua, trong khi nhu cầu tuyển dụng cũng chưa bao giờ dồi dào đến thế, với 156 việc làm cần tuyển trên 100 đơn xin tuyển, một tỷ lệ chưa bao giờ thấy kể từ năm 1975. Vấn đề thiếu hụt nhân lực đặc biệt diễn ra trong ngành xây dựng và các công trình công cộng, những ngành phải vất vả để đảm bảo công cuộc tái thiết sau thảm hoạ Fukushima. Ngoài ra, còn cần nhiều công trình phục vụ cho việc tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo vào năm 2020. Trong khi Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo rằng ông có ý định cải cách pháp luật, để đặc biệt đáp ứng các nhu cầu của ngành xây dựng vào năm 2020, đất nước thích tập trung vào các ngành công nghiệp tự động và vào việc sản xuất robot.
Ngành phân phối [hàng hóa] đang tiến hành những dự án thay thế lao động con người bằng máy móc. Vào tháng 4 năm 2017, Bộ Kinh tế (METI) đã phối hợp cùng với năm chuỗi siêu thị lớn để phát triển các cửa hàng phục vụ tự động mà không cần có nhân viên. Nhưng, những doanh nghiệp [hoạt động] yếu nhất, đôi khi, bị buộc phải chấm dứt hoạt động vì thiếu nhân viên. Theo công ty Teikoku Databank, số doanh nghiệp bị phá sản do nạn thiếu hụt nhân lực đã tăng lên 106 doanh nghiệp vào năm 2017, cao hơn 34 doanh nghiệp so với năm 2016.

 THỰC TẬP SINH NƯỚC NGOÀI” HAY ĐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI

Đối với người nhập cư không có tay nghề mà Nhật Bản đặc biệt cần cho các công trường xây dựng của họ, thay vì phải cầu viện đến người nhập cư dài hạn, đảo quốc đã tìm ra một giải pháp không khỏi khơi dậy cuộc tranh luận: Nhật Bản thu hút các “thực tập sinh kỹ thuật”. Mỗi năm một nhiều hơn (tăng 25% từ năm này sang năm khác), đội ngũ 220.000 lao động được trả lương thấp này đến từ các nước châu Á như Trung Quốc và Việt Nam. Họ thường làm việc mà không có giới hạn về thời gian, ở những nơi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động, chẳng hạn như các nhà máy nhỏ hoặc các trang trại nông nghiệp.
Về mặt chính thức, đội ngũ lao động rẻ tiền này được tuyển dụng để được đào tạo nghề, từ đó mà có tên gọi là “thực tập sinh”. Trong thực tế, họ thường không học được bất cứ điều gì, được giao làm những công việc được lặp đi lặp lại và lộ ý đồ bóc lột. Kết quả: không ít hơn 27 thực tập sinh đã chết trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2014, và 30 người từ năm 2015 đến năm 2016. Trong 30% các trường hợp, số ca tử vong có nguyên nhân từ tai nạn lao động và đột quỵ. Theo các hiệp hội và các nhà hoạt động nhân quyền, những người cũng đồng thời tố cáo một sự gia tăng mạnh mẽ vấn đề bạo lực thể chất và hành hung tình dục đối với những thực tập sinh này, đó là hậu quả của tình trạng căng thẳng và bóc lột. Nếu họ không chết, thì nhiều người trong số những thực tập sinh này cũng bỏ trốn. Theo Bộ Tư pháp, đã có 4.581 thực tập sinh đơn giản “biến mất” vào năm 2014. Một lần nữa, con số này chỉ có tăng lên mỗi năm. Vấn đề chưa chấm dứt ở đây: chỉ tính riêng cho việc chuẩn bị Thế vận hội Olympic 2020, chính phủ ước tính cần thêm 700.000 lao động nữa.

Giới thiệu tác giả

Agnès Redon
Agnès Redon
Là nhà báo sống ở Tokyo, Agnès Redon đã trải qua phần lớn sự nghiệp của cô tại Nhật Bản. Đầu tiên là phóng viên thực địa cho các tạp chí ở Paris, Lebanon và Nhật Bản, sau đó cô đã chuyển sang nghề báo chuyên ngành (tin tức xã hội ở Pháp, các chính sách về việc làm và đào tạo) và làm việc toàn thời gian cho hãng thông tấn AEF (Agence emploi éducation formation – Cơ quan về Việc làm Giáo dục Đào tạo) vào năm 2012. Kể từ đầu năm 2013, cô thường trú dài hạn ở Tokyo và trở thành phóng viên cho Asalyst, Japon Infos và chương trình phát thanh Radio Canada (“Les samedis du monde “). Cô thỉnh thoảng cộng tác với TV5 Monde, Madame Figaro, Grazia, Néon, tạp chí Le Parisien và Géo. Cô cũng là tác giả của một cuốn sách, thu thập lời khai của những người sống sót trong vụ thảm sát ngày 28/2/1947 ở Đài Loan, có tựa đề là Témoignages du silence [Chứng từ của sự im lặng].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF