25.5.18

Trung Quốc: Tìm hiểu sự đảo chiều của Trump trong vụ ZTE

TRUNG QUỐC: TÌM HIỂU SỰ ĐẢO CHIỀU CỦA TRUMP TRONG VỤ ZTE

Jean-Raphaël Chaponnière
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. (Nguồn: Wired)
Các bạn có còn nhớ khi Donald Trump không ngừng đổ lỗi cho Bắc Kinh vì đã phá hủy hàng triệu việc làm tại Hoa Kỳ không? Đó gần như là bài phát biểu duy nhất trong chiến dịch [tranh cử tổng thống] của ông về Trung Quốc. Giờ thì, ông lại quan tâm đến tình hình việc làm ở Trung Quốc! Vào ngày 13 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ thương mại Hoa Kỳ xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với công ty ZTE của Trung Quốccó thể khiến họ phải sa thải lao động ở nước của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi đang cùng làm việc để tìm ra một lối thoát cho tập đoàn điện thoại của Trung Quốc, ZTE, để họ nhanh chóng hoạt động trở lại, chủ nhân của Nhà Trắng đã đăng tải như vậy trên trang Tweetter. Có quá nhiều việc làm bị mất ở Trung Quốc. Bộ Thương mại đã được giao nhiệm vụ làm việc này.” Thông điệp của Tổng thống đã làm cho Bộ trưởng [Thương mại] Wilbur Ross ngạc nhiên, người mà sau khi đe dọa ZTE đã đưa ra những phát ngôn có tính hòa giải, tuyên bố rằng vấn đề này sẽ được bàn luận trong các cuộc đàm phán thương mại sẽ được tiếp diễn vào ngày 15 tháng 5.
Điều gì đã khiến Donald Trump quay ngoắt như vậy? Liệu ông ấy có mất trí không? Hoàn toàn không. Ông ấy đang tìm một lối thoát cho tình huống tự mình rơi vào, bằng cách đe dọa tăng thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ cao được quảng bá trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của Trung QuốcĐáp lại, Trung Quốc đe dọa tăng thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp xuất khẩu của những hạt của Hoa Kỳ từng bỏ phiếu cho Trump. Nếu không tìm được một giải pháp thỏa hiệp, thì các mức tăng [thuế quan] này sẽ có hiệu lực vào ngày 25 tháng 5. Vụ ZTE có thể là cơ hội để thực hiện một thỏa thuận” và tránh một cuộc chiến tranh thương mại, sẽ gây bất lợi cho cả hai nền kinh tế. Một cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ không chắc sẽ chiến thắng bất chấp những lời nói huênh hoang của Trump.

VỤ ZTE VÀ BỐI CẢNH CỦA NÓ

Công ty ZTE hay Zhongxing Telecommunications Equipment [Thiết bị viễn thông Zhongxingcó 75.000 nhân viên. Cùng với công ty Huawei, ZTE là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu. ZTE bán 45 triệu điện thoại thông minh mỗi năm. Hai công ty này duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Ví dụ, ZTE đã bị Bộ Thương mại [Hoa Kỳ] cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ liên quan đến hàng xuất khẩu cho Bắc Triều Tiên, Sudan, Syria và Cuba, qua việc bán có tính toán những thiết bị có tích hợp các linh kiện của Mỹ – Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phát hiện ra một tập tin chi tiết các phương pháp để lẫn tránh các cuộc kiểm soát. ZTE sau đó đã phải trả một khoản tiền phạt khá nặng (600 triệu US$) và cam kết trừng phạt những người chịu trách nhiệm. Hai năm sau, những người chịu trách nhiệm không những không bị xử phạt mà còn được thưởng! Hậu quả: ngày 16 tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cấm các công ty Mỹ tiếp xúc và giao dịch với ZTE, ZTE khi không còn được tiếp cận các linh kiện do các công ty Mỹ bán, sẽ khó thoát khỏi cảnh phải dừng hoạt động.
Quyết định này trừng phạt các hành vi sai phạm trước năm 2016. Kể từ đó, các cơ quan CIA, NSA và FBI của Mỹ đã khuyến nghị không sử dụng điện thoại thông minh của ZTE hoặc Huawei, vì cho rằng đó là mối đe dọa đối với nền an ninh của Hoa Kì; điều này đã dẫn đến việc Huawei từ bỏ thị trường Mỹ để đến với châu Âu. Ngành công nghệ cao của Trung Quốc đang nằm trong tầm nhắm của Washington, theo như tiết lộ từ danh sách các mặt hàng có khả năng bị tăng 25% thuế quan từ ngày 24 tháng 5. Một vài tuần sau công bố này, một phái đoàn Mỹ đã đến Bắc Kinh, để đưa ra hai yêu cầu: giảm thiểu thâm hụt [thương mại] song phương bằng cách mua các sản phẩm Mỹ nhiều hơn; loại bỏ các quy định về chuyển giao công nghệ và từ bỏ kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” nhắm đến việc quảng bá sản phẩm công nghệ cao. Những yêu cầu thực tế? Tất nhiên Trung Quốc có thể đồng ý nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm đậu nành hoặc dầu mỏ từ Hoa Kỳ và ít hơn từ các nước khác. Nhưng họ sẽ không thể từ bỏ các tham vọng công nghiệp của họ.

SỰ ĐẢO CHIỀU

Giống như khi Donald Trump tuyên bố việc Mỹ quay trở lại với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc ông quay ngoắt trong vụ ZTE có thể hiểu là một động thái bình thường. Vấn đề mất việc làm ở Trung Quốc là giải thích duy nhất của nhà tỷ phú. Nhận ra việc ông làm sẽ gây sự công phẫn từ các cử tri của mình, một vài giờ sau đó, ông đã tweet rằng ZTE đang mua các linh kiện ở Hoa Kỳ! Trong thực tế, sự đảo chiều của tổng thống có nhiều lý do:
• Về kinh tế. ZTE đã hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu từ Thung lũng Silicon đến Trung Quốc thông qua nhiều quốc gia châu Á và châu Phi (đối với các sản phẩm kim loại). Việc một tác nhân quan trọng trong một chuỗi toàn cầu như vậy phá sản sẽ gây ra những hậu quả đến tất cả các tác nhân khác, bắt đầu từ những công ty cung cấp các con chip cho ZTE. Các biện pháp trừng phạt ZTE và việc các cuộc tranh cãi thương mại nhỏ ngày càng gia tăng là những tin xấu đối với các tập đoàn của California.
• Về thương mại. Đó là sự trao đổi việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ZTE để đổi lấy việc Trung Quốc từ bỏ các đe dọa [đánh thuế cao] đối với sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp và việc Trung Quốc hứa tăng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ lên 200 tỷ US$ trong khi thâm hụt đang là 370 tỷ US$. Thỏa thuận này có thể là một lối thoát mà không làm mất mặt các bên đàm phán kém cỏi này. Sự thỏa hiệp này, thỏa hiệp từ bỏ các yêu cầu về những vấn đề liên quan đến công nghệ, bị một bộ phận của chính quyền Mỹ chỉ trích, bị chia rẽ về chủ đề này. Ngoài ra, không chắc là các nhà sản xuất Mỹ có thể đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc với một mức độ tăng trưởng lớn như thế – một điều sẽ gây bất lợi cho các nước khác trên thế giới.
• Về tài chính. Các biện pháp trừng phạt ZTE đã bị Phố Wall phản ứng một cách tiêu cực. Nguyên nhân quá hiển nhiên vì ngân hàng đầu tư JPMorgan và quỹ đầu tư BlackRock, theo thứ tự, là người nắm giữ lớn thứ hai và thứ ba các cổ phiếu của công ty Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, thị trường này đã đình chỉ việc niêm yết cổ phiếu của ZTE kể từ giữa tháng 4.
• Về chính trị. Thật trùng hợp, một ngày sau dòng tweet của tổng thống, một ngân hàng Trung Quốc đã thông báo cấp một khoản vay cho một công ty Indonesia (MNC) có hợp tác với Tổ chức Trump từ năm 2015 trong một dự án bất động sản (MNC Lido Park). Vào năm 2016, MNC đã ký một ý định thư với công ty Trung Quốc MCC để xây dựng một công viên chủ đề tại Công viên Lido, có gợi ý một khoản vay 500 triệu US$. Cuộc đàm phán giữa MNC và MCC cũng hoàn tất, một ngày sau dòng tweet của Trump. Khi Trump được bầu, ông trùm bất động sản đã tuyên bố rằng tập đoàn của mình sẽ không tham gia vào các dự án mới. Thế nhưng nếu công ty của ông không hưởng lợi trực tiếp từ khoản vay này, thì sự hỗ trợ của Trung Quốc cho công viên chủ đề này (nằm trong Sáng kiến một vành đai một con đườnghay “Các con đường tơ lụa mới”) là một tin tốt. Như vậy Đảng Dân chủ Mỹ có thể cáo buộc [Trump] về một sự thông đồng lợi ích mới, bổ sung thêm một cáo buộc nữa vào một hồ sơ đã khá dầy!
• Về ngoại giao. Tổng thống có thể đã đưa ra những đảm bảo cho người Trung Quốc để giành lấy sự ủng hộ của họ trước cuộc gặp với Kim Jong-un – một cuộc gặp đã trở nên không chắc chắn trong vài ngày gần đây. Bằng cách can dự vào một quyết định hành chính, Nhà Trắng đã tạo ra một tiền lệ có phần nào đó không nhất quán với ngành ngoại giao của Mỹ. Vào đầu tháng 5, đại sứ Mỹ tại Đức đã đe dọa những công ty Đức nào cố tình làm ăn ở Iran (“Chúng tôi sẽ trừng phạt các ông)Hai tuần sau, Donald Trump đã bào chữa cho ZTE, công ty đã bán thiết bị cho Iran và Bắc Triều Tiên.
Giai đoạn này cho thấy một bầu không khí không tin tưởng lẫn nhau. Sẽ có những hậu quả lâu dài về mặt công nghiệp. Bằng cách cập nhật sự phụ thuộc của Trung Quốc về mặt công nghệ, Trump làm cho Bắc Kinh càng cáu tiết hơn và quyết tâm gấp đôi để tăng cường ngành công nghiệp bán dẫn của họ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về chip điện tử. Bị chi phối bởi các công ty con của các tập đoàn lớn nhất thế giới, năng lực sản xuất của Trung Quốc chiếm một phần ba lượng tiêu thụ của họ. Tập Cận Bình đã kêu gọi tinh thần dân tộc khi gợi lại những khó khăn mà người dân Trung Quốc đã phải chịu đựng để phát triển chương trình hạt nhân trong thời kỳ của Mao Trạch Đông. Một vài ngày sau, Jack Ma, Chủ tịch điều hành Alibaba, đã công bố việc thành lập một bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) chuyên về các chip cho trí tuệ nhân tạo. Những tham vọng này sẽ biện minh cho những năng lực mới có nguy cơ làm giảm giá của nhiều linh kiện.

Giới thiệu về tác giả

Jean-Raphaël Chaponnière
Jean-Raphaël Chaponnière
Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF