29.5.18

Marx và các công cụ để hiểu thế kỷ XXI

MARX VÀ CÁC CÔNG CỤ ĐỂ HIỂU THẾ KỶ XXI

Michel Husson
Karl Marx (1818-1883)
Khi dựa vào các công trình của những người đi trước, Marx đã ghi tên mình vào lịch sử tư tưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng là người sáng lập kinh tế học vĩ mô hiện đại.
John M. Keynes (1883-1946)
Trong một bài báo được đăng vào năm 1925, Keynes đã thốt lên: "Tôi làm thế nào có thể thừa nhận một học thuyết được thiết lập thành Kinh thánh, được miễn trừ mọi phê phán, một cuốn sách kinh tế học chính trị lỗi thời, một học thuyết không chỉ sai từ quan điểm khoa học, mà lại không có bất cứ lợi ích nào, không có bất cứ ứng dụng nào trong thế giới hiện tại?”[1]. Gần với chúng ta hơn, Jonathan Sperber, tác giả cuốn tiểu sử gần đây về Marx, cũng có một quan điểm dứt khoát: "chúng ta tìm thấy trong tác phẩm của Marx ít điều mà các xu hướng của kinh tế học hoặc lý thuyết kinh tế vào cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX quan tâm". Nhưng một số người khác lại nghĩ ngược lại, rằng những đóng góp của Marx[2] không lỗi thời và chúng vẫn là một nguồn tham khảo hiệu quả cho sự hiểu biết về chủ nghĩa tư bản đương đại.
Thomas Malthus (1766-1834)
David Ricardo (1772-1823)
"Trình độ hiểu biết kinh tế của Marx và Malthus so với hiểu biết của chúng ta giống với hiểu biết của Cugnot về xe ôtô so với hiểu biết của chúng ta về các xe công thức 1[3]. Một khẳng định như vậy dựa trên một sự đồng nhất hóa rất đáng tranh luận giữa khoa học kinh tế và các khoa học "cứng". Các khoa học cứng tiến hóa bằng cách liên tục loại bỏ – hoặc tiếp thu – các hệ ý. Điều đó không giống với kinh tế học, trong đó các hệ ý lớn tiếp tục cùng tồn tại với nhau theo kiểu xung đột. Cuộc cách mạng cận biên đã không vượt qua (và vì vậy không làm cho lỗi thời) truyền thống cổ điển, từ Smith đến Ricardo. Chúng ta thậm chí có thể lập luận rằng lý thuyết tân cổ điển thống trị ngày nay có nguồn gốc từ các quan niệm trước đây của các nhà tư tưởng cổ điển, chẳng hạn như quan niệm của các thầy tu Condillac (1714-1780) và Galiani (1728-1787).[4] Keynes đã tìm thấy lại lý thuyết về cầu hiệu quả của Malthus, những cuộc tranh luận hiện tại về sự thoái chí của người thất nghiệp tái hiện lại, theo các hạng mục giống nhau, các cuộc tranh luận đã từng diễn ra xung quanh các luật về người nghèo, v.v..[*]
Adam Smith (1723-1790)
Khi tự định vị mình trong sự tiếp nối các nhà tư tưởng cổ điển (từ Smith đến Ricardo), tác phẩm của Marx đã đưa vào một sự đứt đoạn và, từ cách tiếp cận phê phán của ông, rút ra những kết luận nguy hiểm cho trật tự được thiết lập. Vì vậy, cần phải chuyển từ kinh tế học chính trị sang khoa học kinh tế và rẽ sang một hệ ý khác, vì những lý do được John Bates Clark nêu ra rất rõ: "Người lao động, người ta nói thế, luôn không sở hữu những gì mà họ sản xuất ra (...) Nếu cáo buộc này có cơ sở, thì mọi người có lý trí sẽ trở thành người xã hội chủ nghĩa, và mong muốn biến đổi hệ thống kinh tế chỉ là việc đo lường và diễn đạt ý thức công lý của mình mà thôi". Vì thế, cần phải "tách bạch sản phẩm của hoạt động kinh tế thành các yếu tố cấu thành, để xem liệu trò chơi cạnh tranh tự nhiên có dẫn đến việc từng người lao động sản xuất có được cấp phần chính xác của cải mà họ đã góp phần tạo ra hay không".[5] Đó là lý thuyết phân phối mang tính thống trị ngày nay.
François Quesnay (1694-1774)
Trong cuốn Capital [Tư bản luận] tập II, Marx phơi bày các đồ tái sản xuất của ông, phân biệt hai phần chính: phần I là sản xuất ra hàng hóa đầu tư, và phần II là sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng. Marx mô tả những điều kiện để tái sản xuất, nói cách khác, các mối quan hệ cần tồn tại giữa hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và các tiêu trường của họ. Các mối quan hệ này được thể hiện bằng giá trị, nhưng Marx cũng nhấn mạnh đến cấu trúc cung này phải tương ứng với cấu trúc cầu của xã hội về mặt giá trị sử dụng. Cách tiếp cận này của Marx rõ ràng lấy cảm hứng từ Biểu kinh tế nổi tiếng của Quesnay[6], mà theo ông là một "trình bày, vừa đơn giản vừa tài tình, vào thời của ông[7]”.
Joan Robinson (1903-1983)
Paul Samuelson (1915-2009)
Do đó cho dù ông không xuất phát từ số không (chúng ta cũng có thể kể ra Steuart[8] hoặc Sismondi[9] trong số các nguồn cảm hứng của Marx), cũng có thể cho rằng rằng Marx là người sáng lập ra kinh tế học vĩ mô hiện đại. Điều này đã được Joan Robinson, một người keynesian theo cánh tả, nhưng đồng thời cũng là người phê phán mạnh mẽ Marx, thừa nhận: "đi từ Marx đã có thể giúp [Keynes] tránh được nhiều vấn đề (nhiều rắc rối)”[10]. Ngay cả Paul Samuelson, đối tượng phê phán yêu thích của Joan Robinson và bản thân Paul Samuelson cũng là một nhà phê bình Marx rất cay độc, đã thừa nhận như sau: "Có lẽ tất cả chúng ta đều được lợi nếu nghiên cứu các biểu kinh tế của Marx sớm hơn[11].
Wassily Leontief (1906-1999)
Nhưng lời ca tụng hay nhất là của Leontief, vào năm 1937: "[Marx] đã phát triển sơ đồ cơ bản mô tả các mối quan hệ giữa các nhánh hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trang thiết bị. Ngay cả khi ông không khép lại chủ đề, sơ đồ marxist vẫn là một trong số những đề xuất hiếm hoi nhận được sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà lý thuyết về chu kỳ kinh tế". Và ông nói thêm: "Phân tích đương đại về chu kỳ kinh doanh rõ ràng mang ơn kinh tế học của Marx. Không đặt vấn đề ưu tiên, không có gì quá đáng khi nói rằng, hơn bất kỳ công trình nào khác, ba tập của bộ Tư bản luận đã đặt vấn đề này vào trung tâm của các cuộc tranh luận kinh tế"[12].

Tài chính dưới góc nhìn của Marx

Một trong những thành phần của cuộc khủng hoảng hiện nay là niềm tin cho rằng tài chính là một nguồn giá trị riêng biệt. Điều đó không có gì mới: "đối với các nhà kinh tế học tầm thường, những người cố gắng trình bày tư bản như là một nguồn giá trị và tạo ra giá trị độc lập, thì hình thái này rõ ràng là một món quà trời cho, bởi vì nó làm cho chúng ta không thể nhận ra nguồn gốc của lợi nhuận và gán cho kết quả của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa – tách biệt với bản thân quá trình – một sự tồn tại độc lập[13].
Dạng ảo tưởng này chỉ khả thi nếu chúng ta dựa vào một lý thuyết "cộng thêm” về giá trị, theo đó thu nhập quốc gia được xây dựng như là tổng các thù lao của nhiều "nhân tố sản xuất” khác nhau. Lý thuyết mác-xít, ngược lại, mang tính "khấu trừ": các hình thái lợi nhuận cụ thể (lãi suất, cổ tức, tiền tô, v.v..) là những khoản trích trên một giá trị thặng dư tổng thể có khối lượng được xác định trước. Chúng ta chỉ có thể "làm giàu trong khi ngủ” trên cơ sở có được khoản trích đó trên một giá trị thặng dư tổng thể, cho nên cơ chế này có những giới hạn, những giới hạn của sự bóc lột, thứ làm nên "nền tảng” thực sự của thị trường chứng khoán. Vì thế, cuộc khủng hoảng đánh dấu sự trở lại với thực tế, như một lời nhắc nhở về trật tự của quy luật giá trị khắc nghiệt này.

Tình trạng thất nghiệp và đội quân trừ bị

Trong bốn thập niên qua, chủ nghĩa tư bản đương đại được đặc trưng bởi sự tồn tại dai dẳng của tình trạng thất nghiệp đại trà và sự lan rộng của tình trạng bấp bênh. Một trong những cách để giải thích tình trạng này là viện dẫn sự tồn tại của một tỷ lệ thất nghiệp cân bằng, đôi khi còn được gọi là thất nghiệp "tự nhiên". Nhưng tỷ lệ thất nghiệp "mà không làm tăng lạm phát” ("NAIRU", Non-Accelerating Inflation Rate of Unemployment) cũng là tỷ lệ thất nghiệp không làm giảm tỷ lệ lợi nhuận. Chúng ta sẽ lại tìm thấy "đội quân công nghiệp trù bị” mà Marx đã từng nói: "một tỷ lệ khác mà theo đó tầng lớp lao động được chia thành đội quân thường trực và đội quân trừ bị, sự gia tăng hoặc sự sụt giảm của nạn nhân mãn tương đối, mức độ mà đội quân khi thì cần phải "huy động", khi thì cần phải "loại ra", nói tóm lại, các động thái xoay chiều giữa mở rộng và co lại sẽ tương ứng với những thăng trầm của chu kỳ công nghiệp, đó là những gì xác định độc nhất các biến thiên[14] này". Chúng ta có ở đó một mô tả khá trung thành với các quy tắc vận hành của chủ nghĩa tư bản nhằm làm tăng tỷ suất bóc lột, bằng cách duy trì áp lực của thất nghiệp đại trà lên tiền lương và tách biệt sự gia tăng tiền lương với sự gia tăng năng suất.

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa

Sợi chỉ xuyên suốt trong phân tích của Marx cho rằng "cơ sở [của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa] được cấu thành bởi bản thân thị trường thế giới"[15]. Trực giác này đã được các nhà lý thuyết của chủ nghĩa đế quốc mở rộng, những người đã chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới nên được coi như là một tổng thể được cấu trúc theo cách không đối xứng. Ngày nay, toàn cầu hóa được đặc trưng bởi các cơ chế mới (chuỗi giá trị thế giới, sự nổi lên, v.v.. ), nhưng thực tế then chốt vẫn là sự tự do hoàn toàn [của sự lưu chuyển - ND] tư bản.
Percy Barnevik (1941-)
Percy Barnevik [cựu chủ tịch tập đoàn ABB - ND] có thể định nghĩa toàn cầu hóa như là "tập đoàn của tôi được tự do đầu tư vào đâu và khi nào mình muốn, sản xuất ra những gì mình muốn, mua và bán ở đâu mình muốn và ít phải chịu những ràng buộc có thể có về mặt luật lao động và pháp chế xã hội[16]. Đó đúng là quỹ đạo mà Marx đã hình dung: "Các luật pháp nội tại của sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn đến sự đan xen giữa tất cả các dân tộc trong một mạng lưới thị trường phổ quát".[17]
Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất của chủ nghĩa tư bản đương đại là tìm cách (tái) biến đổi thành hàng hóa những gì không phải là hàng hóa hoặc không nên là hàng hóa, trước mắt là các ngành dịch vụ công cộng và bảo hiểm xã hội. Nhưng chính sức lao động mới là thứ mà chủ nghĩa tư bản đương đại muốn biến thành hàng hóa thuần túy. Mục tiêu của những cuộc "cải cách” thị trường lao động là chỉ trả lương cho người lao động khi họ tạo ra giá trị. Điều này đòi hỏi phải giảm tiền lương đến mức thấp nhất và đưa các yếu tố tiền lương được xã hội hóa vào tài chính công, "hàng hoá hóa trở lại” lương hưu (quỹ hưu trí) và y tế (bảo hiểm tư nhân), hoặc thậm chí loại bỏ ý niệm về thời gian lao động theo luật định. Dự án này quay lưng lại với sự tiến bộ xã hội vốn luôn trải qua quá trình "phi hàng hoá hóa” lao động. Đối với Marx, việc mở rộng thời gian không lao động, trở nên khả thi bởi những tiến bộ về năng suất, là đòn bẩy cho phép lao động không còn là một hàng hóa và số học về các nhu cầu xã hội sẽ thay thế số học về lợi nhuận. Đó là viễn cảnh mà Marx đã phác thảo ở phần cuối của cuốn Capital (xem trích đoạn số 1).
Trích đoạn số 1: để giảm thời gian ngày lao động.
"Sự tự do duy nhất có thể có là con người xã hội, những người cộng tác sản xuất, sẽ xử lý một cách duy lý các quan hệ tương tác với tự nhiên, rằng họ sẽ cùng nhau kiểm soát tự nhiên thay vì bị chi phối bởi sức mạnh mù quáng của tự nhiên, và rằng họ hoàn thành các quan hệ tương tác đó bằng việc sử dụng nguồn lực ở mức thấp nhất và trong những điều kiện phù hợp nhất, thích hợp nhất với bản chất của con người. Nhưng hoạt động này sẽ luôn là vương quốc của sự tất yếu. Chính khi nào vượt ra được bên ngoài vương quốc đó, thì bản thân lực con người mới bắt đầu phát triển, vương quốc tự do thực sự chỉ có thể phát triển bằng cách dựa vào một vương quốc khác, một nền tảng khác, vương quốc của sự tất yếu. Điều kiện then chốt cho sự phát triển đó là sự giảm thiểu thời gian của ngày lao động".
Tư bản luận, Tập III, chương 48.
Sự lặp đi lặp lại các cuộc khủng hoảng
Để vận hành một cách tương đối hài hòa, chủ nghĩa tư bản cần một tỷ suất lợi nhuận đủ lớn và các tiêu trường. Nhưng cũng cần phải thỏa mãn một điều kiện bổ sung, liên quan đến các tiêu trường này: các tiêu trường đó phải tương ứng với những lĩnh vực có khả năng, nhờ sự gia tăng phái sinh của năng suất, tương thích với sự tăng trưởng được hậu thuẫn bởi một tỷ suất lợi nhuận bền vững. Chính từ quan điểm này mà chúng ta có thể phân tích sự chuyển động của chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn "theo chế độ Ford” sang giai đoạn "tân tự do”, được đặc trưng đặc biệt bởi sự kiện cách điệu này: tỷ suất lợi nhuận được phục hồi, nhưng tỷ suất tích lũy lẫn năng suất không theo cùng.
Vì vậy, sự sa lầy hiện tại của chủ nghĩa tư bản trong một giai đoạn suy yếu là kết quả của một khoảng cách ngày càng lớn giữa sự biến đổi các nhu cầu xã hội và phương thức tư bản chủ nghĩa trong việc nhận diện và đáp ứng các nhu cầu này. Nhưng điều này hàm ý rằng hình thái cụ thể của giai đoạn hiện tại huy động, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản, các yếu tố của một cuộc khủng hoảng có tính hệ thống.
Phân tích trên đề cập đến mức độ cơ bản nhất của sự phê phán mác-xít. Theo Marx, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bất công (bóc lột) và không ổn định (khủng hoảng). Nhưng, khi vượt qua một điểm nhất định, đó cũng là một hệ thống có vẻ như không duy lý, bởi chính những thành công mà tính hiệu quả riêng của nó đã cho phép đạt được (xem trích đoạn số 2).
Trích đoạn số 2"Cơ sở hẹp” của chủ nghĩa tư bản
"Một mặt, [chủ nghĩa tư bản] đánh thức tất cả các lực lượng khoa học và tự nhiên, cũng như các lực lượng hợp tác và lưu thông xã hội, để tạo ra sự giàu có độc lập (một cách tương đối) với thời gian lao động. Mặt khác, chủ nghĩa tư bản có tham vọng đo lường được những lực lượng xã hội khổng lồ được tạo ra như thế theo chuẩn thời gian lao động, và kèm chặt chúng trong những giới hạn hẹp, cần thiết để duy trì, như là giá trị, giá trị đã được tạo ra. Các lực lượng sản xuất và các quan hệ xã hội – những mặt đơn giản khác nhau của sự phát triển con người xã hội – đối với tư bản chỉ là các phương tiện để sản xuất từ ​​mt cơ sở hẹp. Nhưng, trên thực tế, đó là những điều kiện vật chất, có khả năng phá vỡ cơ sở này."
Các bản thảo từ 1857-1858 (Grundrisse).

Khả năng của một hạch toán kinh tế khác

Cách tiếp cận mác-xít về động thái dài hạn của tư bản cuối cùng có thể được tóm tắt như sau: khủng hoảng là điều chắc chắn, nhưng thảm họa thì không. Khủng hoảng là điều chắc chắn, theo nghĩa là tất cả những sắp đặt mà chủ nghĩa tư bản đã phát minh ra, hoặc được áp đặt, không thể loại bỏ lâu dài đặc tính mất cân đối và mâu thuẫn trong sự vận hành của nó. Nhưng việc bị đặt thành vấn đề có tính định kỳ đó, từng đánh dấu lịch sử của chủ nghĩa tư bản, không hề hàm ý rằng chủ nghĩa tư bản không th không tiến tới sự sụp đổ cuối cùng. Luôn mở ra một tùy chọn ở mỗi "cuộc khủng hoảng lớn” đó: hoặc là chủ nghĩa tư bản bị lật đổ, hoặc nó sẽ phục hồi lại dưới những hình thái có thể mang tính bạo lực ít nhiều (chiến tranh, chủ nghĩa phát xít) và có tính thoái hoá ít nhiều (bước ngoặt tân tự do).
Vì vậy, chúng ta tìm thấy trong tác phẩm của Marx những công cụ hữu ích để phân tích chủ nghĩa tư bản đương đại. Tuy nhiên, đặc trưng thực sự của cách tiếp cận mác-xít chắc chắn nằm trong sự phê phán của Marx về kinh tế học chính trị (đó là phụ đề của bộ Capital), tạo điều kiện cho một hạch toán kinh tế khác: nhân loại nên nhắm đến việc tối đa hóa (theo cách tập thể) phúc lợi của mình thay vì dựa vào sự tối đa hóa (theo cách tư nhân) lợi nhuận. Nhưng chúng ta thấy rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống cô đọng, với những động lực cơ bản là bất biến (ngoài những hiện thân cụ thể của nó). Vì vậy, chủ nghĩa tư bản là khó cải cách, đặc biệt khi mà ngày nay nó có xu hướng tái tạo lại những điều kiện của một sự vận hành "thuần túy”, chống lại một cách trực diện việc đáp ứng các nhu cầu xã hội và việc quản lý các thách thức về môi trường. Vì thế cần phải đặt lại vấn đề một cách căn bản sự vận hành đó.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Marx: des outils pour comprendre le XXIe siècle, Alternatives économiques, dossier Marx, avril 2018.



[1] John Maynard Keynes, “A Short View of Russia Nation and Athenaeum, ngày 10, 17 và 25/10/1925; bản dịch tiếng Pháp: “Aperçu sur la Russie ”, dans Essais de persuasion, 1931.
[2] Jonathan Sperber, Karl Marx, homme du XIXe siècle, Piranha, 2017.
[3] Charles Wyplosz, “ Inculture française ”, Libération, 26 Mars 1998.
[4] Étienne Bonnot de Condillac, Le commerce et le gouvernement considérés relativement l’un à l’autre, 1776; Ferdinando Galiani, De la monnaie, 1751.
[5] John Bates Clark, The Distribution of Wealth. A Theory of Wages, Interest and Profit, 1899.
[6] François Quesnay, “ Analyse de la formule arithmétique du Tableau Economique ”, Journal de l'agriculture, du commerce & des finances, juin 1766.
[7] Karl Marx, dans le chapitre “ Sur l’histoire critique” de l’Anti-Dühring d’Engels qu’il a rédigé pour l’essentiel.
[8] James Steuart, An Inquiry into the Principles of Political Economy, 1767.
[9] Jean Charles Léonard Simonde de Sismondi, Nouveaux principes d’économie politique, 1819.
[10] Joan Robinson, “Kalecki and Keynes”, in Essays in Honour of Michaǔ Kalecki, 1964.
[11] Paul A. Samuelson, “Marxian Economics as Economics”, The American Economic Review, Vol. 57, No. 2, May 1967.
[12] 12 Wassily Leontief, “The Significance of Marxian Economics for Present-Day Economic Theory”, The American Economic Review, Vol. 28, No. 1, Papers and Proceedings of the 50th Annual Meeting of the AEA, March 1938.
[13] Karl Marx, Le Capital, Livre II, chapitre 24.
[14] Karl Marx, Le Capital, Livre I, chapitre 25.
[15] Le Capital, Livre III, chapitre 20.
[16] Percy Barnevik, alors président du groupe helvético-suédois ABB, cité par Le Devoir, Montréal, 5 mai 2001.
[17] Le Capital, Livre I, chapitre 32.
[*] Đoạn văn này không có trong bản trực tuyến của bài viết.

Print Friendly and PDF