1.5.18

Tại sao bất bình đẳng toàn cầu lại quan trọng

TẠI SAO BẤT BÌNH ĐẲNG TOÀN CẦU LẠI QUAN TRỌNG

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc xem xét tầm quan trọng của bất bình đẳng trong các cuộc tranh luận công khai những năm gần đây. Như chúng ta đã biết, bất bình đẳng đã bị xem nhẹ trong cả giới học thuật lẫn chính trị - đặc biệt là ở cánh tả - nơi đáng lẽ phải nhạy cảm nhất đối với những vấn đề xã hội. Sau đó, cùng với sự bùng nổ của khủng hoảng, bất bình đẳng lại bất ngờ chiếm một vai trò trung tâm, mà cho đến tận gần đây là không thể đoán trước được. Báo chí bắt đầu nói về nó, thậm chí nó còn là một vấn đề được bàn luận giữa các ứng cử viên Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Bạn nghĩ điều gì đã thay đổi?
Với nội dung của câu hỏi này, tôi sẽ phải phân chia câu trả lời thành hai phần. Tôi sẽ bắt đầu từ việc tại sao bất bình đẳng đột nhiên lại trở thành một chủ đề được bàn luận nhiều đến vậy. Rõ ràng nguồn gốc của sự thay đổi này, đối với tôi, là khủng hoảng kinh tế. Chính những yếu tố vật chất đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và cách suy nghĩ của họ: bất bình đẳng chắc chắn không phải một hiện tượng mới, nhưng trong 25 năm qua, tầng lớp trung lưu đã có thể che giấu sự vắng mặt của gia tăng thu nhập thông qua tín dụng, đó là vay mượn. Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra, bong bóng này đã bị vỡ, hàng triệu người dân thường bị ảnh hưởng nặng nề, họ rơi vào thế bất lợi vì kinh tế suy thoái và tiền lương giảm; không thể trả những khoản nợ, đặc biệt là nợ trong thị trường bất động sản. Đừng quên rằng nợ tư nhân của Mỹ còn cao hơn cả GDP quốc gia.
Và sau đó họ sớm nhận ra tình hình thực sự của mình là gì và rằng họ đã không nhìn thấy bất kỳ sự tăng trưởng kinh tế nào trong 25 năm qua. Cùng lúc đó, có một tầng lớp, 1% những người giàu nhất, hoặc là 5% nếu bạn muốn, lại thành công. Vì vậy, điều dấy lên mối quan tâm đến bất bình đẳng là sự thiếu vắng của tăng trưởng kinh tế và việc nhận ra rằng tình trạng này không xảy ra với tất cả mọi người - trong quá khứ một vài người đã trở nên rất giàu có trong khi nền kinh tế trì trệ với rất nhiều người khác. “Phát hiện” này có một ảnh hưởng rất lớn lên nhận thức của cộng đồng và đó là lý do tại sao bất bình đẳng trở thành một chủ đề được quan tâm. Tôi nghĩ vai trò quan trọng của phong trào Occupy[1]ở Mỹ, phong trào Indignados[2] ở Tây Ban Nha và Đảng Syriza[3] tại Hy Lạp cũng là kết quả của cú sốc này.
Margaret Thatcher (1925-2013)
Phần thứ hai của câu hỏi là tại sao trước khủng hoảng bất bình đẳng lại không phải là vấn đề chính trị chủ yếu, đặc biệt là đối với cánh tả. Câu trả lời rất đơn giản: không còn cánh tả thực sự nào để giải quyết vấn đề này. Cánh tả đã biến mất. Trong những thập kỷ qua, cánh tả đã chuyển sang trung dung, trong một số trường hợp trở thành trung hữu, và tôi đặc biệt nghĩ đến Tây Ban Nha. Về mặt kỹ thuật, nếu bạn định vẽ một đường thẳng bằng những thông số chính trị của những năm 1970, PSOE[4] hiện tại sẽ là một đảng trung hữu. Cũng có thể nói như thế về những chính sách của đảng Xã hội Pháp, và tất nhiên là cả Italia, nơi mà đảng viên đảng Dân chủ trước đây là những người cộng sản và thực tế bây giờ lại đứng vững trên lập trường cánh hữu. Các đảng này không đưa ra bất kỳ câu hỏi vào về bất bình đẳng, họ chỉ đơn giản tuân theo cách tiếp cận tân cổ điển, một phiên bản bị pha loãng của chủ nghĩa Thatcher[5] tất nhiên tránh những chủ đề như vậy.
Đây là lý do tại sao một chủ đề chính trị nhạy cảm như vậy lại bị bỏ qua. Sau đó, khi khủng hoảng diễn ra, người ta hoàn toàn bị vỡ mộng, đặc biệt là những người trẻ, cả về mô hình kinh tế lẫn các đảng phái đại diện cho các xu hướng chính trị và đó là nguyên nhân chúng ta thấy sự phát triển đáng chú ý này trong những năm gần đây.
Hãy cùng đi sâu vào vấn đề chính trị này. Bạn nói rằng cánh tả từ lâu đã không còn là cánh tả nữa, và sau cuộc khủng hoảng chúng ta đã thấy những sự dịch chuyển mới ở Tây Ban Nha và Hy Lạp. Nhưng ở những nơi khác không hẳn cũng như thế. Ở Ý, Phong trào Năm Sao[6] có vẻ quan tâm đến tham nhũng chính trị hơn là bất bình đẳng. Nói chung, ở gần như tất cả các quốc gia châu Âu, những gì đã từng là cánh tả cũ dường như không thực sự suy nghĩ lại về vai trò của nó. Theo tôi, rủi ro là những trường hợp mới liên quan đến cú sốc hậu khủng hoảng không có được đại diện.
Trong thực tế, lập luận này là sai lầm - nó cho rằng tính đại diện cho các tầng lớp xã hội bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chỉ liên quan đến cánh tả. Ngược lại, những người bị thiệt hại trong cuộc khủng hoảng có thể an toàn tìm thấy đại diện chính trị ở cánh hữu. Và đó là những gì đã xảy ra. Ngoại trừ Địa Trung Hải - nơi có sự dịch chuyển sang cánh tả, với chính phủ xã hội chủ nghĩa ở Bồ Đào Nha và Syriza (Hy Lạp) và sự nổi lên của đảng Podemos[7] ở Tây Ban Nha - phần còn lại của châu Âu đang chuyển dịch sang cánh hữu. Tuy nhiên, đó là cánh hữu khác với của Margeret Thatcher, đó là chủ nghĩa bảo hộ, bài ngoại, và ở một mức độ nào đó còn chống toàn cầu hóa. Bất bình đẳng đang củng cố cho cả cánh tả và cánh hữu cực đoan, trong khi các đảng theo chủ nghĩa ôn hòa lại đang dần bị chèn ép.
François Hollande (1954-)
Nicolas Sarkozy (1955-)
Thành thật mà nói, tôi thực sự không thể hiểu được tại sao bất kỳ người trẻ hay trung niên nào ở Pháp cũng bỏ phiếu cho Hollande[8]. Những người theo Chủ nghĩa xã hội đấu tranh cho cái gì ở Pháp? Họ theo các chính sách cánh hữu trong nước, họ làm chủ nghĩa đế quốc tự do ở nước ngoài. Vì vậy người ta cũng có thể bỏ phiếu cho Sarkozy[9], ít nhất ông ta cũng là nguyên bản, không phải bản sao. Tiếp theo, về phía Đông Âu, không chỉ có một đảng cánh tả duy nhất. Tất nhiên, một phần đây là phản ứng với các hoàn cảnh lịch sử: ở Hy Lạp hay Tây Ban Nha, có một sự dịch chuyển mạnh mẽ sang cánh tả sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài bán phát-xít, và hiện nay ở Đông Âu, có một sự phản ứng lại các chế độ cộng sản từng nắm quyền kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II đến năm 1989. Nhìn vào các cuộc bầu cử gần đây nhất ở Hungary và Ba Lan, chúng ta sẽ thấy chỉ có cánh hữu. Tại Vác-sa-va, sau cuộc bầu cử cuối cùng, cánh tả đã không còn đại diện thể chế nào.
Bernie Sanders (1941-)
Marine Le Pen (1968-)
Do đó tầm quan trọng ngày càng gia tăng của vấn đề bất bình đẳng không chắc chắn dẫn tới sự chuyển hướng sang cánh tả, nó cũng có thể củng cố cho cánh hữu. Chúng ta có thể nhìn thấy quá trình này ngay cả ở Mỹ: chắc hẳn sự không hài lòng với cuộc khủng hoảng không chỉ giúp ích cho Bernie Sanders mà còn cho cả Donald Trump. Và ở châu Âu, cuối cùng thì chính Marine Le Pen là người hưởng lợi từ xu hướng chính trị mới này.
Song song với những thay đổi trong diễn ngôn chính trị mà chúng ta đã đề cập đến, vấn đề bất bình đẳng đã trở thành một phần quan trọng trong những cuộc tranh luận học thuật, đặc biệt là giữa các nhà kinh tế học. Cách đây không lâu, bất bình đẳng vẫn là một chủ đề nghiên cứu gần như bị tẩy chay: tư duy tân cổ điển giữ độc quyền nghiên cứu về kinh tế học đã thẳng thừng bỏ qua vấn đề này mà tập trung vào thị trường hiệu quả, và nghi ngờ rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm thiểu bất bình đẳng về kinh tế sẽ chỉ làm hiệu quả của nó tồi tệ thêm. Thực chất, nghèo đói, chứ không phải tự thân bất bình đẳng, đã được giải quyết bằng tư tưởng thẩm thấu: tức là tăng trưởng kinh tế làm giàu cho tầng lớp thượng lưu - những nhà tư bản - nhưng sau đó sẽ chảy nhỏ giọt xuống [cho những người ở tầng lớp dưới] thông qua bậc thang xã hội. Kết quả là không có nhiều người nghiên cứu về bất bình đẳng. Giờ đây mọi thứ đã thay đổi và đặc biệt là sau khi cuốn sách “Capital in the XXI Century” (Tư bản thế kỷ XXI) của Piketty được phát hành, ngày càng nhiều nhà kinh tế học nói đến bất bình đẳng, nó cũng đã trở thành một chủ đề trong chính sách kinh tế. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Thomas Piketty (1971-)

Chúng ta hãy bắt đầu từ đầu - tại sao lý thuyết tân cổ điển lại chưa từng, và hiện tại vẫn không nghiên cứu bất bình đẳng kinh tế. Lý do rất rõ ràng: bất bình đẳng xuất phát từ các giả định của mô hình kinh tế, do đó nó không cần được nghiên cứu thêm. Trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo, giá cả được quyết định bởi thị trường - không có biến số nào như quyền lực trong các mô hình tân cổ điển; và sự bất bình đẳng trong thu nhập phát sinh chỉ đơn giản là từ sự khác biệt trong các nguồn lực ban đầu mà mỗi tác nhân trong thị trường nhận được - rõ ràng rằng, đối với mô hình chúng là ngoại sinh.
Hơn nữa, về thực nghiệm chúng ta biết rằng sự phân phối sản phẩm quốc gia giữa tư bản và lao động ít nhiều đã ổn định và không cần nghiên cứu thêm.
Vì vậy, người ta vẫn đang nghiên cứu sự phân bổ thu nhập cá nhân, nhưng chỉ có một số rất ít các học giả tham gia vào nghiên cứu đó và thậm chí họ còn không hiểu nó nên được gắn vào đâu, nó nằm ở đâu trong kinh tế học: nếu lý thuyết sản xuất và tăng trưởng không phù hợp; phân phối thu nhập chức năng là ổn định; thì chúng ta có thể nghiên cứu phân phối thu nhập cá nhân, nhưng nó vẫn có một khoảng trống - nhiều năm trước, khi tôi bắt đầu làm việc về vấn đề này, không có sự phân loại các tài liệu trong Journal of Economic Literature[10], rất khó tìm nơi để đặt bài báo của bạn. Ở đây, Piketty có vai trò rất quan trọng vì ông đã phân tích rất rõ: chúng ta bắt đầu từ lý thuyết về sản xuất và tăng trưởng, phân tích phân phối thu nhập theo chức năng và từ đó chuyển sang phân phối thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh lý do kỹ thuật, cũng có một lý do chính trị cho sự xem nhẹ này. Dĩ nhiên, mọi nghiên cứu về bất bình đẳng thách thức các cấu trúc không chỉ của nền kinh tế mà còn của thế giới chúng ta đang sống, và những câu hỏi này không phải lúc nào cũng được hoan nghênh. Như tôi đã viết trong cuốn sách "Haves and Have-Nots" (tạm dịch: Kẻ có người không), rất khó để có được bất cứ khoản tài trợ nào cho nghiên cứu về bất bình đẳng.
Khi mới bắt đầu sự nghiệp tại Nam Tư, tôi cũng trong tình huống tương tự như sẽ phải gặp sau này ở Ngân hàng Thế giới và phương Tây. Trong cả hai trường hợp, ý tưởng chính là chúng ta có một hệ thống hoàn hảo và không nên đặt câu hỏi - trong tâm lý học nó được gọi là “biện minh cho hệ thống”, tức là sự cần thiết bảo vệ những cách tiếp cận biện minh cho sự tồn tại và tính đúng đắn của hệ thống.
Nhưng giờ đây dường như có một sự thay đổi. Có rất nhiều nghiên cứu và cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông chính thống. Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng đã có một sự thay đổi chính trị tạo ra thay đổi này? Tất cả đều gắn liền với sự thành công của Piketty?
Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Thứ nhất, đã có một bước đột phá đáng kể trong khoa học của kinh tế học. Như tôi đã nói ở trên, kinh tế học hầu như không quan tâm đến mối liên hệ quyền lực và sử dụng “tác nhân tiêu biểu” làm trung tâm của khung lý thuyết - về cơ bản loại bỏ mọi hình thái không đồng nhất, và thay vào đó tập trung vào giá trị trung bình của biến chúng ta muốn nghiên cứu. Thế mà theo định nghĩa bất bình đẳng là không có tính đồng nhất, nên bạn sẽ không có bất bình đẳng nếu không có sự khác biệt. Tuy nhiên, bây giờ, chúng ta có được sự truy cập chưa có tiền lệ vào các dữ liệu, và điều này cho phép tiến hành cả những nghiên cứu rộng hơn, chi tiết hơn mà rõ ràng cũng liên quan đến việc nghiên cứu về bất bình đẳng.
Phần thứ hai của câu trả lời, tất nhiên, là yếu tố chính trị - ở đây có sự can dự của những mối quan tâm chính trị và xã hội mạnh mẽ. Piketty không phải là một nhân tố ngoại sinh, ông đi theo trào lưu những phản kháng đó - nhận thức của hàng triệu người rằng phân phối thu nhập là có vấn đề. Hai yếu tố này, lý thuyết kinh tế và phong trào mạnh mẽ của dư luận, đang cùng nhau dẫn đến một sự thay đổi lớn. Vì vậy, ngay cả dòng chính cũng phải phản ứng với tình hình mới này, các thể chế và các tổ chức tư vấn không thể đứng yên trước một hiện tượng quá quan trọng, họ không thể bỏ qua nó. Thậm chí Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (Peterson Institute for International Economics), được tài trợ bởi các ngân hàng thương mại ở Washington, đã bắt đầu nghiên cứu, và khá nghiêm túc, về vấn đề bất bình đẳng. Ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng vậy - cách đây 5 năm, bất bình đẳng không được quan tâm, trong khi hiện nay đang có ngày càng nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này.
Chúng ta vừa nói về bất bình đẳng ở các nước phương Tây, nhưng hãy mở rộng bối cảnh ra một chút. Cuốn sách mới của bạn viết về toàn cầu hóa, và tôi thấy rằng có một cuộc thảo luận mở rộng về dữ liệu của bạn cho thấy trong 30 năm qua, sự gia tăng thu nhập gần như thuộc về 1% những người giàu nhất và cái gọi là tầng lớp trung lưu toàn cầu, bao gồm chủ yếu là người lao động Trung Quốc và Ấn Độ - những người có sự tăng vọt về thu nhập; trong khi người bị thiệt hại bởi toàn cầu hóa chủ yếu là tầng lớp trung lưu và công nhân phương Tây. Chúng ta có thể rút ra những gì từ dữ liệu này?
Không có điều gì là hoàn toàn tích cực hay hoàn toàn tiêu cực, luôn có sự đánh đổi, người này được và người kia mất. Trong bối cảnh toàn cầu, có thể những người được nhiều hơn những người mất; hoặc những gì người thắng được nhiều hơn những gì người thua mất, và do đó chúng ta có thể có một kết quả tích cực tổng thể, ở đó thu nhập trung bình tăng lên.
Dữ liệu cho thấy rằng toàn cầu hóa chắc chắn là yếu tố chính trong sự thay đổi phân phối thu nhập. Rõ ràng, đó không phải là yếu tố duy nhất, còn có sự thay đổi về công nghệ và chính sách. Nhưng cả hai điều này cũng không thể tách rời khỏi toàn cầu hóa. Thay đổi công nghệ - nhìn qua đã thấy là một sự đổi mới trung tính - sẽ không thể phát huy hết hiệu quả nếu không có toàn cầu hóa. Dĩ nhiên, cũng có thể nói về chính sách: Nếu quay trở lại những gì chúng ta thảo luận trước đó, rằng những người theo chủ nghĩa xã hội đã thay đổi các chính sách của mình, chúng ta sẽ nhận thấy áp lực của toàn cầu hoá lớn thế nào. Thử nghĩ về một chủ đề như thuế: vì sự dễ dàng luân chuyển của tư bản, không thể giữ được mức thuế cao và chính trị phải thích ứng với những thay đổi cấu trúc này. Tương tự, các chính sách về lao động ở Đức đã chủ yếu được ban hành bởi tư bản Đức, dưới sự đe doạ di chuyển hoạt động sang Cộng hòa Séc hoặc Ba Lan.
Những khía cạnh thú vị nhất mà chúng ta thấy trên toàn cầu là ba yếu tố mà bạn đã đề cập: sự phát triển của tầng lớp gọi là trung lưu toàn cầu, đặc biệt ở Trung Quốc; sự tăng trưởng bằng không của tầng lớp trung lưu ở các nước phát triển; và cuối cùng là lợi ích đáng kể thuộc về những người giàu có hơn. Đây có phải là một điều tích cực? Bạn chắc chắn có thể nói như vậy, hàng trăm triệu người nghèo bây giờ đã đỡ nghèo hơn, trong khi những người bị tổn thất nhiều nhất - tầng lớp trung lưu phương tây - đã từng tương đối khá giả. Nhưng đây chưa phải là một câu trả lời thỏa đáng cho các nhà hoạch định chính sách phương Tây, cũng như cho những người lao động đã thiệt hại rất nhiều trong những năm gần đây.
Những gì bạn nói rất đúng và thú vị nhưng nó cũng có thể được sử dụng, và nó đã được sử dụng, như là một sự thừa nhận tính đúng đắn và chính xác của các chính sách tân tự do; một trong những câu thần chú thường được nhắc lại là, cuối cùng thì các chính sách của Đồng thuận Washington[11] đã có hiệu quả và góp phần vào sự phát triển của các nước Nam. Ví dụ, trên thực tế, những thành tựu trong tầng lớp được gọi là trung lưu toàn cầu đã được ghi nhận ở Trung Quốc và Ấn Độ, và người ta nghi ngờ rằng thành công này là sản phẩm phụ từ các chính sách của phương Tây, chứ không phải của chính phủ Trung Quốc.
Ronald Reagan (1911-2004)
Bạn có thể thử sử dụng dữ liệu này để tuyên bố thành công của các chính sách tân tự do, nhưng trên thực tế, khó có thể phân loại Trung Quốc là một quốc gia tân tự do. Ngược lại, sự thật là: hệ thống pháp luật về căn bản là không minh bạch; tham nhũng; độc quyền; quyền sở hữu không được xác định rõ; khu vực công vẫn chiếm phần lớn; và tồn tại những giới hạn đối với quyền tự do di chuyển của người lao động. Điểm chung duy nhất giữa các chính sách của Trung Quốc và tân tự do là sự mở cửa ra thương mại quốc tế, tuy nhiên sự sắp xếp thể chế là hoàn toàn khác nhau. Dĩ nhiên, những khía cạnh này thường bị giữ kín, bởi vì đối với tầng lớp thượng lưu đã thu được rất nhiều từ toàn cầu hóa, gửi một thông điệp về việc những chính sách này đã giúp những người nghèo nhất như thế nào sẽ rất có ích cho họ. Mặc dù vậy, như tôi đã nói, điều này có thể chưa đủ ở cấp độ chính trị, vì tầng lớp thượng lưu nay phải đối mặt với một sự bất mãn ngày càng gia tăng. Khi Reagan[12] hay Thatcher xây dựng sự đồng thuận cho khuynh hướng tân tự do, họ không giải thích rằng những chính sách này sẽ làm giàu thêm cho người nghèo Trung Quốc trong khi các công nhân Anh và Mỹ sẽ mất việc.
Theo bạn, triển vọng trong tương lai sẽ là gì? Có một số yếu tố cơ cấu và mâu thuẫn nhau đáng chú ý. Một mặt, sự gia tăng tiền lương ở Trung Quốc có thể làm cho việc di dời tư bản bất tiện hơn, làm chậm tiến trình toàn cầu hóa. Hơn nữa, theo Giáo sư (Charles) Goodhart của LSE (Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London - ND), sự khác biệt chính là trong xu hướng dân số, Trong 50 năm qua, dân số đã phát triển rất mạnh và điều này dẫn đến tình trạng cung lao động dư thừa làm giảm tiền lương. Với sự ổn định của dân số, xu hướng trong tỷ lệ tư bản-lao động dự kiến sẽ tự đảo ngược và bất bình đẳng cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến một làn sóng mới của tiến bộ công nghệ và với sự tự động hóa của nhiều ngành công nghiệp, nhu cầu lao động sẽ ngày càng giảm đi. Điều gì đang chờ đợi chúng ta trong tương lai gần?
Đây là một câu hỏi khó. Đúng là ở Trung Quốc đang có một sự chuyển đổi về mặt nhân khẩu học, dân số sẽ đạt đỉnh điểm trong thập kỷ tới; dù vậy, xu hướng ở Ấn Độ lại khác, và sự tăng trưởng sẽ đạt đến đỉnh trong ít nhất nửa thế kỷ nữa. Đồng thời chúng ta có thể thấy một sự gia tăng dân số rất nhanh ở châu Phi. Theo một số ước tính, đỉnh điểm của dân số sẽ là 11 tỷ người. Trong mọi trường hợp, đó là một vấn đề rất phức tạp. Hai thế kỷ tiếp theo, dân số có lẽ sẽ ổn định, và với sự dồi dào của tư bản, chúng ta có thể lật ngược tình thế về bất bình đẳng hiện tại. Đó là một giả định hợp lý, nhưng là một viễn cảnh trong dài hạn.
Đối với cuộc cách mạng công nghệ, tôi không bi quan như nhiều người khác. Mỗi lần có một sự thay đổi về công nghệ, người ta luôn lo sợ về thất nghiệp hàng loạt, nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra. Vấn đề là khả năng tưởng tượng của chúng ta - chúng ta chỉ biết các loại công việc đã tồn tại, nhưng đó chưa chắc sẽ là những việc trong tương lai. Chúng ta thấy robot tham gia vào các công việc hiện tại và lo lắng cho tương lai của mình, nhưng chúng ta không biết được sau này sẽ ra sao. Ví dụ, khi tôi đến Mỹ vài năm trước, mẹ tôi đã đi cùng tôi, cụ thể là trong thời tranh chiến tại Nam Tư, bà không thể hiểu được công việc của những người tôi quen. Bà biết thợ đóng giày và bác sĩ là gì, nhưng một người quản lý quỹ phòng hộ là điều mà bà không thể hiểu ngay được. Bây giờ chúng ta có tất cả các loại công việc trong ngành công nghệ thông tin và khởi nghiệp - những thứ thậm chí chưa từng tồn tại một vài năm trước đây.
Vậy bạn thấy những xu hướng nào về toàn cầu hóa và bất bình đẳng?
Đó là chủ đề tôi đã đề cập trong phần cuối cùng của cuốn sách - tôi không nghĩ rằng thực sự có thể đưa ra dự đoán chính xác. Nói chung, khi đưa ra dự báo, chúng ta chỉ cần lấy một con số và coi nó ổn định trong 20 năm tới, nhưng dĩ nhiên mọi thứ sẽ thay đổi, và các dự báo trở nên vô dụng. Tuy nhiên, nhìn chung, những gì tôi thấy là vai trò của Trung Quốc có lẽ sẽ bị các nước khác chiếm mất (những nước có tăng trưởng dân số mạnh hơn), và điều này có nghĩa sẽ có một sự hội tụ tiền lương giữa các nước giàu và nghèo, ít nhất là trong vòng 50 năm tới. Tuy thế, ở phương Tây, sự hội tụ tiền lương này sẽ là một vấn đề chính trị bởi nó sẽ dẫn đến việc không có sự gia tăng tiền lương thực sự ở các nước phát triển. Bất bình đẳng trên toàn cầu sẽ giảm đi, như hiện tại đang diễn ra, đặc biệt là do sự tăng trưởng của một số nước châu Á và châu Phi - thành phần các nước ở giữa sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, thành phần bên trong, hay thành phần giai cấp, nếu bạn muốn, về bất bình đẳng, chắc chắn sẽ tăng lên. Trong vòng hai hoặc ba thập kỷ tới, có thể sẽ có thêm nhiều xung đột quốc gia về vấn đề toàn cầu hoá và phân phối thu nhập.
Và điều này tất nhiên dẫn chúng ta tới chủ đề mối quan hệ giữa bất bình đẳng và dân chủ. Như bạn nói, những gì chúng ta nhìn thấy ở phương Tây là sự đình trệ tiền lương và điều này có thể gây ra tình trạng bất ổn và xung đột giai cấp. Thậm chí bạn có thể nghĩ rằng chính chế độ dân chủ sẽ gặp rủi ro: chế độ dân chủ có nghĩa là các quyền chính trị như nhau và thu nhập không giống nhau, nhưng chúng ta biết quyền lực kinh tế có thể bóp méo cơ chế đại diện như thế nào. Bạn có nghĩ rằng sự bất bình đẳng về kinh tế ngày càng tăng này có thể làm suy yếu nền dân chủ phương Tây?
Những gì tôi cho là ấn tượng nhất về tình hình hiện nay là, bất chấp khủng hoảng kinh tế với độ cứng bất thường, chúng ta vẫn chưa thấy bất kỳ sự tăng trưởng thực sự và đáng kể nào của các phong trào chống hệ thống. Ngay cả Đảng Mặt trận Quốc gia[13](FN) cũng hoạt động trong một khuôn khổ dân chủ. Có lẽ là Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Putin đang tiến gần đến một mô hình chính trị vượt qua được chế độ dân chủ, nhưng hiện tại điều này không xảy ra ở Tây Âu. Và tôi cũng hoài nghi về khả năng thực hiện những điều đã hứa trong cuộc vận động của các đảng như FN, ví dụ bắt đầu từ việc phá vỡ Liên minh Châu Âu. Tất nhiên, mọi thứ có thể thay đổi - vì một lý do nào đó, Brexit có thể mở ra một kịch bản hoàn toàn mới.
Tôi nghĩ rằng trong những năm tới sẽ có nhiều căng thẳng hơn giữa, một mặt, những người muốn có một phản ứng theo chủ nghĩa dân túy đối với cuộc khủng hoảng - như Trump ở Mỹ - và phản đối các làn sóng di cư, toàn cầu hoá nói chung, ủng hộ việc bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và chính sách phá giá “lợi mình hại người” (tức là chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng, ví dụ điển hình là phá giá đồng nội tệ - ND). Và mặt khác, hơn bao giờ hết, là những người giàu có chủ trương cần phải lật đổ sức mạnh của những khu vực dân cư nghèo nhất đang tăng nhanh về số lượng - và điều này sẽ dẫn đến vai trò ngày càng quan trọng của tiền tệ trong việc xác định các lựa chọn chính sách.
Những gì đang xảy ra ở Mỹ rất thú vị: một mặt chúng ta có Trump, người đã dùng sức nặng của tài sản cá nhân trong hoạt động chính trị, một đầu sỏ chính trị hoàn hảo; mặt khác, ứng cử viên lý tưởng của tầng lớp thượng lưu là Hillary Clinton, người bảo vệ giới quyền uy thực sự. Vậy điều sẽ xảy ra là họ sẽ làm mọi thứ có thể để người lao động, người da đen, hoặc ít nhất là những người kém may mắn về kinh tế, đừng bỏ phiếu.
Antonio Gramsci (1891-1937)
Vì vậy, hiện tại chúng ta đang có hai phong trào, một là ủng hộ toàn cầu hoá và bảo vệ lợi ích của nó, đặc biệt là với 5% người giàu nhất, có thể dẫn đến sự chuyển đổi từ từ chế độ dân chủ sang chế độ tài phiệt, và dẫn lời Gramsci[14], để tái lập quyền bá chủ của những tư duy và lợi ích này; và mặt khác là sự gia tăng của các phong trào chống toàn cầu hóa của cánh hữu.
Điều này đúng cả ở châu Âu và phương Tây, trong khi ở những nơi khác thì tình hình lại khác. Ở Mỹ Latinh có sự trở lại của cánh hữu, nhưng tôi tin rằng điều này chỉ là một chu kỳ chính trị bình thường; chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra ở châu Á - ở Ấn Độ giờ đây đã có một chính phủ cánh hữu công khai, trong khi ở các nước như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan, sự phân chia cổ điển giữa cánh tả và cánh hữu không sâu đậm bằng ở phương Tây.
Robert Reich (1946-)
Tuy nhiên, rủi ro không chỉ về chính trị. Theo nhiều nhà kinh tế học, bao gồm Robert Reich[15], cuộc khủng hoảng kinh tế được gây ra bởi sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Nhìn chung, có một rủi ro là mức cầu quá yếu do sự tập trung thu nhập quá mức.
Có nhiều giải pháp, mặc dù không dễ để làm được. Ví dụ, bởi vì toàn cầu hóa, như tôi đã nói, việc đánh thuế cao vào người giàu hay thu nhập vốn rất khó thực hiện - ngay cả khi một quốc gia quyết định tăng thuế, thậm chí nếu hàng chục quốc gia cùng làm như vậy, thì sẽ luôn có những nước khác vui mừng đưa ra mức thuế thấp hơn để đáp ứng sự tháo chạy vốn.
Các chính sách trong tương lai, theo quan điểm của tôi, sẽ đi theo một hướng khác, hướng tới việc phân bổ công bằng hơn các nguồn lực. Nếu đúng là quyền sở hữu vốn quyết định mức thu nhập cao hơn, như Piketty nói, thì chúng ta phải can thiệp vào lĩnh vực đó. Tôi đặc biệt đề cập đến vấn đề giáo dục, vốn đảm bảo lợi ích kinh tế công bằng giữa những người có bằng cấp như nhau - khác với ngày nay, trong giáo dục đại học, những người tốt nghiệp Harvard dự kiến có thu nhập cao hơn ít nhất mười lần so với sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ít uy tín hơn. Cân bằng chất lượng giáo dục sẽ có tác động tương tự đến việc giảm sự tập trung quyền sở hữu vốn.
Branko Milanovic (1953-)
Đồng thời, việc giảm sự tập trung vốn vật chất cũng rất quan trọng, điều này chắc chắn là khó khăn hơn, nhưng không phải là không thể. Trong quá khứ, chúng ta đã có những ví dụ về: kế hoạch nhân viên được sở hữu cổ phần; đồng quyết định ở Đức (tức là công nhân cùng tham gia vào quá trình đưa ra quyết định chính sách trong các công ty - ND), tăng cường vai trò của công đoàn trong các hội đồng; và quyền sở hữu công đoàn ở Thụy Điển. Tất nhiên, điều này không hề dễ dàng, nhưng dường như nó khả thi hơn nhiều so với những lựa chọn khác hiện nay.
Về Branko Milanovic:
Branko Milanovic là một nhà kinh tế học người Mỹ gốc Serbia, một chuyên gia về phát triển và bất bình đẳng. Ông là Giáo sư Thỉnh giảng tại Graduate Center thuộc Đại học New York (CUNY) và một học giả cao cấp thuộc Chương trình Nghiên cứu Thu nhập Luxembourg (LIS). Ông từng là nhà kinh tế học hàng đầu tại bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.
Nguyễn Mai Hạ dịch
Nguồn: Why Global Inequality Matters, SocialEurope.Eu, 18 March 2016




[1] Phong trào Occupy (phong trào Chiếm Phố Wall - Occupy Wall Street): mục tiêu là thay đổi luật lệ ảnh hưởng tới việc phân bố lợi tức trong nền kinh tế, nói cách khác là thay đổi luật về thuế khóa. - ND

[2] Phong trào Indignados (theo tiếng Tây Ban Nha là “Những người phẫn nộ”): phiên bản “Chiếm Brussels” của phong trào “Chiếm Phố Wall”, phản đối tình trạng bất bình đẳng trong xã hội châu Âu. - ND

[3] Đảng Syriza: một đảng chính trị cánh tả ở Hy Lạp, phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng. - ND

[4] PSOE: đảng Xã hội cánh tả Tây Ban Nha - ND

[5] Thatcher: Margeret Thatcher - nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh, được ca ngợi là một nhà cải cách đã thay đổi toàn bộ đất nước, nhưng bà cũng bị không ít người chỉ trích vì làm rộng thêm vực sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. - ND

[6] Phong trào Năm Sao: vốn là một phong trào xã hội dân sự, được thành lập vào năm 2009 bởi Beppe Grillo - một diễn viên hài và Gianroberto Casaleggio - một chuyên gia IT. Cốt lõi triết lý của phong trào là loại bỏ các đảng phái, thứ mà nhiều người ở Ý xem như là nguồn gốc của chủ nghĩa bảo trợ và tham nhũng. - ND

[7] Podemos: một đảng dân túy vô chính phủ - xã hội chủ nghĩa của Tây Ban Nha. - ND

[8] Hollande: (Francois Hollande) cựu Tổng thống Pháp, chính trị gia thuộc Đảng Xã hội. Ông đã được bầu làm Tổng thống Pháp ngày 6 tháng 5 năm 2012, đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. - ND

[9] Sarkozy: (Nicolas Sarkozy) cựu tổng thống Pháp, kế nhiệm Jacques Chirac vào ngày 16 tháng 5 năm 2007. Trước đó, ông là lãnh tụ đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire) cánh hữu. - ND

[10] Journal of Literature Economics: hệ thống được thiết lập và phát triển bởi Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ, giúp phân loại theo chủ đề các bài báo, luận văn được xuất bản. - ND

[11] Đồng thuận Washington: một thuật ngữ do John Williamson đưa ra tại Viện Kinh tế Quốc tế năm 1990, đề xuất một loạt các chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ Latinh, bao gồm cải cách thuế, tự do hóa lãi suất, một cơ chế tỉ giá hối đoái cạnh tranh, tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phi điều tiết hóa. Kể từ đó Đồng thuận Washington đã trở nên đồng nghĩa với các chính sách “tân tự do” phản ánh quan điểm của Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, … - ND

[12] Reagan: (Ronald Reagan) Tổng thống thứ 40 của Mỹ, với những chính sách chủ trương giảm tỉ lệ thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát nguồn tiền để giảm lạm phát, bãi bỏ kiểm soát kinh tế, và giảm chi tiêu của chính phủ. - ND

[13] Đảng Mặt trận Quốc gia: một đảng chính trị ở Pháp theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc. - ND

[14] Gramsci: (Antonio Gramsci) nhà triết học, nhà văn, chính trị gia và là lý thuyết chính trị người Ý. Ông là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Ý. - ND

[15] Robert Reich: nhà kinh tế học, đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ, phục vụ dưới thời các Tổng thống Gerald Ford, Jimmy Carter, and Bill Clinton. - ND

Print Friendly and PDF