9.8.18

Trung Quốc: Thách thức kinh tế về đất hiếm đằng sau sự cáo chung của các dòng xe chạy bằng xăng

TRUNG QUỐC: THÁCH THỨC KINH TẾ VỀ ĐẤT HIẾM ĐẰNG SAU SỰ CÁO CHUNG CỦA CÁC DÒNG XE CHẠY BẰNG XĂNG

Bertrand Hartemann

Các nhân viên thanh tra Trung Quốc đi bộ dọc theo các đống đất hiếm tại cảng Liên Vân Cảng ở Giang Tô, phía bắc Thượng Hải trên bờ biển phía đông Trung Quốc, ngày 22 tháng 5 năm 2016. (Ảnh bản quyền: Wang chun/Imaginechina/via AFP)
Đó chính là dầu hỏa của Trung Quốc. Tập hợp các kim loại có tính chất từ ​​tính, nhiệt, quang và xúc tác khó thay thế, ngày nay đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Sự độc quyền tuyệt đối của Trung Quốc trong việc khai thác đất hiếm trên toàn cầu là một thách thức địa chính trị quan trọng. Việc Bắc Kinh, gần đây, tuyên bố sự cáo chung của các dòng xe ô-tô chạy bằng xăng và sự chuyển đổi sang các dòng xe chạy bằng điện có nguy cơ tiềm tàng làm tăng sự phụ thuộc của các nền kinh tế phương Tây vào Trung Quốc.

Sự ra đời của một sự độc quyền

Neodymium, samarium, europium... các loại đất hiếm hình thành nên một tập hợp của 17 kim loại trong bảng tuần hoàn các nguyên tố của Mendeleyev. Chúng đã được tìm thấy trong các chip điện thoại thông minh, các màn hình plasma, các đèn LED, các pin xe chạy bằng điện, các động cơ tuabin gió và các tấm pin quang điện. Ngành công nghiệp quốc phòng cũng sử dụng chúng, để sản xuất các hệ thống dẫn đường của tên lửa và radar.
Các kim loại này rất dồi dào trong lớp vỏ trái đất, nhưng lại rất phân tán về mặt địa lý và địa chất. Mức độ tập trung thấp của chúng kéo theo việc sử dụng các kỹ thuật chia tách tốn kém và thường gây ô nhiễm cao. Trung Quốc tập trung từ 40 đến 50% trữ lượng đất hiếm có thể khai thác được trên thế giới, vượt xa Brazil, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc. Tuy nhiên, cũng có những sự không chắc chắn lớn trong việc ước lượng lượng dự trữ hiện có, do chúng là nguồn tài nguyên chiến lược mà các quốc gia muốn duy trì một mức độ mập mờ nào đó.
Xu Guangxian (1920-2015)
Chính vào năm 1927 mà người Trung Quốc phát hiện ra những quặng đất hiếm khổng lồ tại Bayan Obo ở Nội Mông. Các quặng này bắt đầu được khai thác theo quy mô công nghiệp vào thập niên 1980. Nhà hóa học Xu Guangxian [Từ Quang Hiến- BT] , cha đẻ của bom nguyên tử Trung Quốc, lúc đó, đề nghị chủ tịch Đặng Tiểu Bình làm cho đất hiếm trở thành một công cụ của cuộc chinh phục công nghiệp.
Kể từ năm 1992, Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cố ý phá giá để bóp chết bất kỳ đối thủ cạnh tranh nước ngoài nào. Nhưng chính sách bán phá giá này có một cái giá: thảm họa sinh thái. Công ty Molycorp, tập đoàn khai thác đất hiếm của Hoa Kỳ, lúc đó đang hấp hối. Năm 2002, mỏ Mountain Pass khổng lồ của California phải đóng cửa.
Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc độc quyền 95% sản lượng đất hiếm trên thế giới. Châu Âu và Hoa Kỳ không có khả năng nghĩ về “thời gian xa” đã chịu đầu hàng.

Một phản ứng muộn

Kể từ năm 2004, Trung Quốc áp đặt các hạn ngạch và thuế suất đối với việc khai thác đất hiếm. Lúc bấy giờ, Bắc Kinh có ý định chính thức bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình khỏi sự cạn kiệt và kiềm chế những thiệt hại về môi trường. Nói một cách tầm thường hơn, đó cũng là cách để hỗ trợ giá của các quặng này. Phản ứng của phương Tây không diễn ra ngay lập tức bởi vì, khác với dầu mỏ, thị trường đất hiếm chỉ có một trọng lượng rất thấp về mặt kinh tế. Vì thế, sự thức tỉnh sẽ càng hung tợn hơn.
Năm 2010, sau một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Bắc Kinh giảm dần xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, trong khi luôn chối rằng đây là một sự cấm vận chính thức. Cuộc khủng hoảng chỉ kéo dài có vài tháng, nhưng đó là một cú sốc điện. Đột nhiên người ta nhận ra tầm quan trọng về địa chiến lược của sự độc quyền Trung Quốc.
Lợi dụng sự tăng giá, những địa điểm sản xuất chính ở bên ngoài Trung Quốc đã phục hồi hoạt động trở lại, trong đó có mỏ Mountain Pass ở California và mỏ Mount Weld ở Úc. Năm 2012, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn khiếu nại chống lại các hạn ngạch xuất khẩu lên tổ chức WTO. Ba năm sau, Trung Quốc buộc phải chấm dứt việc áp đặt các hạn ngạch. Chúng được thay bằng một hệ thống tương tự, các giấy phép xuất khẩu. Đến nay, Trung Quốc vẫn tập trung hơn 80% sản lượng của thế giới.

Nhiên liệu của cuộc cách mạng xanh

Các kim loại chiến lược này hơn bao giờ hết là một thách thức kinh tế mang tính cấu trúc của thế kỷ 21. Có nguy cơ là sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng một sự phụ thuộc vào các đất hiếm. Năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã tiên đoán: Ở Ả rập Xê-út có dầu, thì ở Trung Quốc có đất hiếm.” Phải mất từ 2 đến 7 kg đất hiếm để sản xuất các nam châm vĩnh cửu và pin cho các xe ô-tô điện. Cần nhiều hơn một tấn đất hiếm để sản xuất các động cơ tuabin gió ở ngoài khơi.
Chính theo thước đo việc làm chủ nguyên liệu đất hiếm này mà chúng ta cần phân tích thông báo của chính phủ Trung Quốc về việc cấm sản xuất các động cơ xăng và chuyển tất cả sang các động cơ điện từ nay đến hai mươi năm nữa. Một lần nữa, Trung Quốc chứng minh cho thấy khả năng nghĩ về “thời gian xa”. Nhưng sự thay đổi mô thức này vẫn cần được làm sáng tỏ. Việc sản xuất pin, tái chế, khai thác bền vững các đất hiếm hoặc bản chất của việc sản xuất điện còn đặt ra rất nhiều vấn đề.
Khi thay thế dầu hỏa bằng đất hiếm, có nguy cơ chuyển từ một logic khai thác sang một logic khác. Liệu chúng ta còn có thể tự cho phép đào các mỏ ngày càng sâu hơn để tìm kiếm những quặng khoáng sản có lớp kim loại ngày càng thấp hơn không? Chi phí về mặt kinh tế và năng lượng của mô hình này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của nó.

Phát minh ra một nền kinh tế tuần hoàn

Khó khăn của cách tiếp cận bền vững nằm trong khả năng tách bạch sự tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc tiêu thụ các tài nguyên thiên nhiên. Điều này liên quan đến việc vượt ra khỏi nền kinh tế tuyến tính, dựa trên việc khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là hủy diệt. Điều cần thiết là phát minh ra một nền kinh tế tuần hoàn, có giá trị cao về thời gian sử dụng lâu dài và những chu kỳ tái chế hiệu quả.
Nhưng mô thức công nghệ thống trị là sự phản đề của mô hình bền vững này. Chẳng hạn, chiếc xe tự hành, luôn được ca tụng, là nguyên mẫu của mô hình tuyến tính và “khai khoáng” này. Nó đòi hỏi một khối lượng lớn các nguyên liệu thô để tiếp liệu cho các công nghệ hỗ trợ cho nó. Ngược lại, tương lai của tính cơ động bằng xe ô tô phải dựa vào những chiếc xe ít tiêu thụ năng lượng hơn, do đó phải nhẹ hơn, đơn giản hơn và lưu thông với tốc độ chậm hơn.
Trung Quốc vẫn còn do dự giữa chủ nghĩa công nghiệp màu nâu và nền kinh tế màu xanh. Chủ nghĩa công nghiệp màu nâu tương ứng với một mô hình tân tự do, liên quan đến việc duy trì sự kiểm soát xã hội một cách nghiêm ngặt. Ngược lại, nền kinh tế màu xanh kêu gọi phải thừa nhận những tàn phá về sinh thái và những bất bình đẳng về xã hội để phát minh ra một xã hội cởi mở, dân chủ và bền vững.
Bertrand Hartemann

Giới thiệu tác giả

Là Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ những đảo lộn về kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF