3.8.18

Pasteur – Koch, cuộc đọ sức giữa những người khổng lồ trong thế giới vi sinh vật

Giới thiệu sách Pasteur và Koch
PASTEUR – KOCH

CUỘC ĐỌ SỨC GIỮA NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRONG THẾ GIỚI VI SINH VẬT

NGUYỄN XUÂN XANH giới thiệu
“Khoa học không có tổ quốc, hoặc đúng hơn, tổ quốc bao gồm cả nhân loại […]. Nhưng nếu khoa học không có tổ quốc, nhà khoa học (vẫn) phải làm tất cả những gì để làm tăng lên niềm quang vinh cho tổ quốc của mình. Trong mỗi nhà bác học, quý vị luôn luôn tìm thấy một nhà ái quốc lớn. […] Quý vị, những người đại diện các kiến thức này của nhân loại, một cách gian khổ và tinh tế, để cho chúng trở thành vừa là khoa học và vừa là nghệ thuật; quý vị, những người tặng cho di sản con người của vũ trụ những gì đã gặt hái được một cách gian khổ; quý vị mà tên tuổi là danh dự của tổ quốc của quý vị, quý vị có thể hãnh diện nhận thấy rằng khi làm việc đó, quý vị đã xứng đáng với nhân loại.”
LOUIS PASTEUR
“Tôi đã lao động cật lực như có thể, và đã làm tròn nhiệm vụ và nghĩa vụ. Nếu sự thành công của tôi thật sự lớn hơn bình thường, thì đó là vì trong những cuộc du hành của tôi qua cánh đồng y học, tôi chợt đến những vùng đất mà vàng vẫn còn nằm lộ thiên bên vệ đường. Tôi chỉ cần tách vàng ra khỏi bẩn, thế thôi.”
“Nếu người ta quay mặt đi khỏi cảnh ngộ của người nghèo, thì các vi sinh vật sẽ thắng lớn.”
ROBERT KOCH
Xin được giới thiệu với bạn đọc một quyển sách mới thú vị, của hai tác giả Pháp Annick Perrot và Maxime Schwartz, và do Bác sĩ Vũ Ngọc Quỳnh, Paris, chuyển ngữ, và do nxb Tổng hợp Thành phố mới phát hành tháng 10, 2017:
“Nếu Galilei, Kepler và Newton làm cuộc cách mạng khoa học vĩ đại vào thế giới các vì sao ở thế kỷ 17 thì đúng 200 năm sau, Pasteur và Koch làm cuộc cách mạng y khoa vào thế giới vi sinh vô cùng nhỏ mà tầm quan trọng của nó đối với nhân loại không hề nhỏ. Trong khi thế giới các vì sao chế ngự tâm tư của con người muốn hiểu biết cấu trúc của nó, thì thế giới vi sinh chế ngự trực tiếp mạng sống và hạnh phúc của con người. Vi sinh, hay thế giới “âm binh” vô hình, từng gây ra những cuộc “giết người hàng loạt” khủng khiếp trong suốt lịch sử, con người chỉ biết bó tay, và giải thích bằng các quyền lực thần linh hay ma quỷ. Nhưng Pasteur và Koch đã đem lại ánh sáng vào thế giới “đen tối” này, cũng như Newton từng đưa ánh sáng của lý tính vào vũ trụ, giải phóng con người khỏi thế giới “bị quỷ ám”. Bệnh không phải do các lực lượng siêu nhiên gây ra, mà do chính các vi trùng nhỏ bé. Ở đâu có bệnh, ở đó có mầm bệnh. Đó là “thuyết nhân quả” của khoa học hai ông minh chứng một lần nữa. Hai ông, và cùng các đồng nghiệp và học trò, tiến hành một cuộc “thập tự chinh” đầy kịch tính để tước vũ khí của “thế giới âm binh” và bảo vệ thành công hạnh phúc con người.
Nhưng trong khi làm cuộc giải phóng cho nhân loại khỏi nỗi sợ hãi triền miên trước thế giới bệnh, thì hai ông lại mắc vào căn bệnh thời đại: Căn bệnh của chủ nghĩa quốc gia cực đoan chế ngự con người, trong đó có cả trí thức, ở các quốc gia châu Âu thế kỷ 19 và 20. Albert Einstein gọi đó là “bệnh sởi”. Và căn bệnh đó cũng đã từng giết chết hàng chục triệu người trên hành tinh, bằng những cuộc chiến tranh con người chống lại con người với qui mô chưa từng thấy, gây đau thương còn hơn cả thế giới âm binh.
Cuốn sách này mô tả cả hai: Bệnh do vi trùng, và bệnh tinh thần do chủ nghĩa quốc gia gây ra đã tiêm nhiễm vào hai người khổng lồ Pasteur và Koch. Chúng ta thương hai ông hơn là phê phán – và hết sức cám ơn để hôm nay có được cuộc sống yên bình hơn.”
(Bìa sau của sách)
***
Y khoa trong thế kỷ 19 trải qua hai cuộc cách mạng quan trọng, thứ nhất là bệnh học tế bào (cellular pathology), được đặt nền móng bởi Matthias Schleiden, Theodor Schwann và Rudolf Virchow, thứ hai là thuyết mầm bệnh (germ theory), vi trùng học (bacteriology) và huyết thanh học (serology) với Louis Pasteur và Robert Koch. Ngành y không còn là một “nghệ thuật” (arts) do “khéo tay”, “mát tay”, như nhiều ngành khác thời xưa nữa, mà trở thành một khoa học chính xác. Cách điều trị của thời kỳ ‘dã man’ của thế kỷ 18 nhường chỗ cho các điều trị khoa học tinh tế mới.
Cuộc cách mạng y học trong lịch sử nhân loại được khởi đầu bằng tác phẩm De humani corporis fabrica của Andreas Vesalius trong giải phẫu học, ra mắt đúng vào năm xuất hiện 1543 của tác phẩm cách mạng De revolutionibus orbium coelestium của Nicolas Copernius về thiên văn, sau 300 năm mới được xem là đạt tới cao điểm với ảnh hưởng toàn cầu.
Robert Koch (1843-1910)
Louis Pasteur (1822-1895)
Cuộc cách mạng y học cách chúng ta 150 năm, dẫn đầu bởi hai nhà bác học vĩ đại Louis Pasteur của Pháp, và Robert Koch của Đức, đã đẩy lùi những bệnh tật ghê gớm của nhân loại. Bệnh dịch hạch, gây ra Cái chết Đen nặng nề thế kỷ 14, bệnh lao, Cái chết Trắng, tiêu diệt âm thầm không biết bao nhiêu người, nhất là trong giới văn, nghệ sĩ, khoa học gia như Spinoza, Balzac, Kafka, Chopin, Molière, Novalis, Riemann, Maxim Gorky, Schrödinger, và nhiều bệnh nguy hiểm khác, bệnh dịch tả, bệnh đậu mùa, bệnh bạch hầu, bệnh thương hàn, bệnh dại, bệnh than vân vân, lần lượt được phát hiện và trị liệu để ngày nay chúng ta sống tương đối yên ắng. Bệnh xuất hiện thình lình, như ma, gieo rắc kinh hoàng cho xã hội, không biết từ đâu, từ trên trời hay dưới đất, người ta tưởng thần linh trả thù hay trừng phạt. Con người hoàn toàn bất lực. Nhưng địa ngục kia nằm trong thế giới các vi sinh vật với những cơ chế hoạt động riêng của chúng mà con người không thấy và biết được cho đến khi Pasteur và Koch xuất hiện.
Một vài con số lịch sử biết nói. Dịch tả là bệnh lưu động, rất dễ lây lan, di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác, quốc gia này sang quốc gia khác, làng này sang làng khác. Nó thường đến từ châu Á. Một trận dịch tả lớn năm 1830-32 cướp đi sinh mệnh của nhà triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel gây sửng sốt ở Âu châu. Sốt ban (typhus) và kiết lỵ tàn phá Đại quân của Napoleon còn hơn hoạt động của đối phương. Quân đội Pháp trong chiến dịch ở Madagasca năm 1855 đã mất 6.000 binh sĩ vì bệnh sốt rét trong khi chỉ có 20 binh sĩ thiệt mạng trong đánh nhau. Trước đó, trong chiến tranh Crimea 1854-55, trong số tử vong 155.000 của binh sĩ Anh, Pháp, Ottoman, và Sardinia, có đến 95.000 chết vì dịch tả và các bệnh khác. Chiến tranh Pháp-Đức 1870-71 diễn ra cùng lúc với một trận dịch đang hoành hành, sự bảo vệ sức khỏe bất đối xứng giữa hai bên đã gây ra tình huống: Quân Pháp thiệt hại 8 lần hơn quân Phổ vì bệnh đậu mùa, bởi phần lớn quân đội Pháp không được chích ngừa, trong khi Phổ chích ngừa chu đáo cho quân đội họ; thường dân Pháp cũng chết 200.000 trong thời gian 1869-71. Các tù binh Pháp mang mầm bệnh vào Phổ và giết hại 180.000 thường dân Phổ do thường dân chưa được chăm sóc tốt như quân đội.
Đầu thế kỷ 20, Philippines bị một trận dịch tả mất 200.000 người có lẽ do rau cải nhập từ Hồng Kông hay Quảng Đông. Trong chiến tranh Nga-Nhật 1904-05, Nhật Bản đã chích ngừa cẩn thận và chuẩn bị những phương tiện y tế tốt, nên đã có thể giảm sự thiệt hại binh sĩ vì bệnh xuống còn ¼ binh sĩ bị chết ngoài mặt trận, nhưng cũng vẫn là con số đáng sợ. Nhật Bản Minh Trị là quốc gia đã nhanh chóng chính thức từ bỏ y học Trung Hoa để hoàn toàn chuyển sang y học phương Tây. Họ đã có kinh nghiệm so sánh hai nền y học từ thời Lan học, đặc biệt từ học giả nổi tiếng Sugita Genpaku thế kỷ 18. Họ thuê nhiều bác sĩ Đức về phát triển hệ thống giáo dục y khoa hiện đại theo mô hình của Đức.
Thần Apollo và Artemis bắn những mũi tên mang bệnh, một ý tưởng phổ biến cho rằng bệnh là sự trừng phạt của thần linh.
Với toàn cầu hóa từ phương Tây bao gồm thương mại và chinh phục quân sự, thì các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, dịch hạch, dịch tả, sốt da vàng cũng “toàn cầu hóa” theo. Người, hàng hóa, thú, binh sĩ, một khi đã nhiễm bệnh, sẽ truyền các mầm bệnh chết người đi xa. Công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng biến các thành phố lớn Âu châu với những khu phố ổ chuột đông đúc thành những ổ dịch bệnh.
Một đặc tính quan trọng của cuộc cách mạng y học thế kỷ 19 là sự xuất hiện của y học phòng thí nghiệm (laboratory medicine) mà Pasteur và Koch là những người làm chủ nó. Nó đem lại những phát minh lớn, và trở thành một ngành khoa học độc lập. Trước các ông, vào những năm 1830, Jutus von Liebig, được xem là “cha đẻ của ngành công nghiệp phân bón”, đã thành lập một phòng thí nghiệm hóa với những khám phá nổi tiếng nhằm vừa nghiên cứu, vừa giáo dục, và được xem là người tiên phong trong lãnh vực này.
Một hệ quả quan trọng là cách mạng y học đã tạo ra phong trào cải thiện vệ sinh (sanitation) sau khi những nguyên nhân của bệnh được xác định. Cuộc “cách mạng vệ sinh” là một trong những bứt phá vĩ đại. Nó bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ 19 và kéo dài đến hôm nay. Y tế công cộng phát triển nhanh chóng. Con người trở thành homo hygienicus. Nước sạch và các biện pháp vệ sinh là then chốt. Với sự cải tổ cung cấp nguồn nước sạch, Luân Đôn kể từ 1866 không còn bị dịch tả nữa. Khoảng 1880, việc áp dụng các biện pháp sát khuẩn (antisepsis) và diệt khuẩn (disinfection) đã làm giảm đáng kể độ tử vong của trẻ sơ sinh. Chích ngừa hàng loạt ở thế kỷ 20 để đẩy lùi bệnh tật qui mô toàn cầu là dựa trên những khám phá của thế kỷ 19.
Như một ảnh hưởng trực tiếp, tuổi thọ con người tăng lên nhanh. Năm 1800 tuổi thọ của dân số thế giới cao nhất là 30 năm. Hơn một nửa con người chết trước tuổi trưởng thành. Chết thường do bệnh gây ra. Đến năm 2000 tuổi thọ đã tăng lên đến 67 năm. Người ta có thể kiểm chứng tốc độ tăng của tuổi thọ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của vật chất, của cải được làm ra. Quá trình tăng trưởng tuổi thọ này bắt đầu ở các quốc gia phương Tây và Nhật Bản, sau đó lan tỏa ra thế giới.
***
Tiêu đề hơi “giật gân” của quyển sách liên quan đến sự “đọ sức” của hai nhà bác học vĩ đại đáng kính và đáng cám ơn ở hai bên sông Rhein (Rhin), được xem tượng trưng cho hai nước Pháp và Phổ. Lần đầu tiên quyển sách đưa ra đầy đủ chi tiết cuộc cạnh tranh trong nghiên cứu giữa hai nhà bác học này và hai trường phái của họ. Nhưng quyển sách thực tế cũng trình bày cuộc thập tự chinh quyết liệt của con người chống lại bệnh tật thế giới.
Koch, trẻ hơn Pasteur 20 tuổi, rất đau khổ vì bị cái bóng Pasteur quá lớn đè. Pasteur ngược lại, với tinh thần yêu nước cao độ, quá đau khổ khi Pháp thất trận trước Đức 1870/71. Koch khởi đầu sự nghiệp với tư cách “bác sĩ làng quê”, sống và nghiên cứu trong những điều kiện chật hẹp, nhưng có óc sáng tạo và kiên trì. Trong khi đó, Pasteur là một tài năng sáng chói, được đào tạo thành nhà hóa học tại trường tinh hoa École Normale Superieure, cử nhân, rồi thạc sĩ, rồi tiến sĩ với hai luận văn về hóa và vật lý. Ông có một năng lực tư duy lý thuyết rất sắc bén, đã nổi tiếng với nhiều công trình khoa học lúc Koch chưa được dư luận khoa học biết là ai. Nhưng định mệnh đã bắt họ phải sống trong hai quốc gia thù địch, “có nợ” nhau, trong thời đại của chủ nghĩa quốc gia lên cao, và chủ nghĩa đế quốc phát triển mạnh.
Albert Einstein trong bài “Thiên đường đã mất” viết khi nhìn lại cộng đồng học thuật Âu châu đã bị phá hỏng bởi sự chính trị hóa như thế nào: “Trong thế kỷ mười bảy các nhà khoa học và nghệ sĩ của cả châu Âu còn gắn kết chặt với nhau bằng một sợi chỉ chung nhuốm màu lý tưởng đến nỗi sự hợp tác của họ hầu như không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện chính trị. Việc sử dụng chung ngôn ngữ La tinh vẫn còn kết chặt cộng đồng. Hôm nay nhìn vào tình hình này chúng ta thấy thiên đường năm xưa đã mất. Những sự cuồng nhiệt quốc gia đã phá hủy cộng đồng các học giả, và tiếng La tinh, ngôn ngữ trước đây đã đoàn kết tất cả lại, đã chết. Các nhà khoa học, những người đã trở thành những đại biểu của những truyền thống quốc gia quá khích, đã đánh mất tinh thần của cộng đồng.” Đó là hoàn cảnh thời đại mà Pasteur và Koch đã sống.
Đọc lại trang sử này không làm giảm nhẹ những đóng góp của Pasteur và Koch, cũng như nhân cách họ. Họ là những con người không vượt ra khỏi thời đại về mặt con người. Họ yêu nước, nhưng muốn đóng góp cho nhân loại. Chúng ta thương cảm hơn là phê phán. Pasteur và Koch đại biểu cho hai trường phái tư duy khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Cuộc cạnh tranh của hai ông, và hai trường phái, chỉ thúc đẩy sự tiến bộ y học. Họ chống đối nhau dữ dội, nhưng cùng có một mục đích chung, là tiến hành cuộc thập tự chinh lịch sử nhằm tiêu diệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của nhân loại. Cả hai đều trở thành những người chiến thắng.
Claude E. Dolman (1906-1994)
Những điều mà nhà vi sinh vật học Claude E. Dolman nói về Koch cũng đúng cho cả Pasteur, cho cả hai: “Sự yếu đuối của con người Faust (có tinh thần nghiên cứu hoàn vũ) và những sự rắc rối của họ không làm giảm đi ý nghĩa của những phúc lợi lâu dài mà những khát vọng của họ đã tặng cho nhân loại.” Đúng như thế. Chúng ta cám ơn hai ông đã chiến thắng bệnh tật cho nhân loại.
Lịch sử của cuộc cách mạng y khoa, cũng như những cuộc cách mạng khoa học khác, là phần quan trọng của giáo dục nhân văn để tạo ý thức và truyền cảm ứng, tạo nên văn hóa khoa học cho một xã hội đang trên đường tìm cách đổi mới chính mình và hòa nhập thế giới.
NXX
21/10/2017
Print Friendly and PDF