21.11.18

Giá trị và tầm ảnh hưởng của lịch sử các khoa học


GIÁ TRỊ VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA LỊCH SỬ CÁC KHOA HỌC

Tác giả: Francois Russo*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Cho dù công lao của một Galilei, một Descartes, một Newton, một Darwin, một Pasteur là xứng đáng đến đâu, thực ra họ đều có ít tự do trong những sáng tạo của mình hơn là họ đã tưởng, và như chúng ta thường vẫn còn nghĩ. Bởi vì những công trình nghiên cứu của họ đều đã được triển khai trong lòng một quá trình tổng thể, “thiết yếu” ở nhiều khía cạnh, mà chính họ cũng không ngờ. Nhưng việc phân định chính xác phần nào là thiết yếu, phần nào là khoa học, thì đây là vấn đề phân tích khoa học những sự kiện, chứ không phải là vấn đề thảo luận triết học tiên nghiệm. Để thực hiện phân tích này, tri thức khoa học hiện nay cho thấy rằng nó rất quý giá. Không phải vì ta cần phải mô tả quá khứ của khoa học bằng ngôn từ của của khoa học hiện tại, mà bởi vì hiểu biết tốt nhất mà khoa học ngày nay cung cấp cho ta, về cấu trúc khách quan của những vấn đề phải giải quyết, góp phần rất lớn vào việc định vị và soi sáng các phương thức tiến hành của khoa học trong quá khứ.
Chúng tôi tin rằng những chỉ dẫn khá chi tiết vừa được đưa ra về các kích thước cơ bản của lịch sử khoa học phải cho phép ta thừa nhận rằng một lịch sử khoa học chỉ giới hạn vào việc liệt kê những phát hiện khoa học, ngay cả khi nó bao gồm thêm hình ảnh của những người đã sáng tạo ra khoa học, cũng như những thăng trầm về số phận trí thức của họ, cũng sẽ chỉ tương ứng với một quan niệm hẹp hòi và thiển cận về môn học này mà thôi.
Những khám phá vĩ đại, và cái giá của bao vất vả phải trả để đạt được chúng, đều là những điều đáng được ngưỡng mộ. Nhưng sự hiếu kỳ, sự cảm phục chỉ có giá trị văn hóa và triết lý nếu chúng được làm sáng tỏ. Giá trị của lịch sử khoa học nằm trước hết trong sự thấu triệt sâu và rộng tiến bộ khoa học – từ những phương thức đặc thù cho đến chuỗi vận động toàn thể. Chỉ thứ lịch sử khoa học nhắm tới sự tìm hiểu xem khoa học đã được thực hiện cụ thể như thế nào, và biết đánh giá cao nỗ lực trí tuệ mãnh liệt từ đấy nó bắt nguồn, là thực sự đáng được quan tâm và trân trọng.
Vừa là lịch sử sự kiện, vừa là lịch sử tư tưởng, lịch sử khoa học cống hiến cho ta một lợi ích cụ thể. Sẽ là lệch lạc nếu ta chỉ chú trọng đến những khía cạnh qua đó nó đặt ra các câu hỏi triết học. Nhưng cũng sẽ không kém sai lệch nếu ta chỉ xem xét cái phần trong quá khứ đã trực tiếp lót đường cho khoa học ngày nay, hay có khả năng thúc đẩy tiến bộ khoa học; hơn nữa, trong chiều hướng trên, lại còn bị hạn chế vào quá khứ gần đây, như vẫn thường thấy. Đối với lịch sử khoa học, cái phương pháp tiếp cận khoa học nhất, chắc chắn là sự công nhận rằng rất nhiều khái niệm và kết quả mà bây giờ chúng ta xem là sơ đẳng, không thể nào khác, trên thực tế lại là kết quả của một công trình khó khăn và lâu lắc, chỉ có thể được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của những bộ óc vĩ đại nhất. Công nhận này bao hàm một sự thay đổi cảnh quan trí tuệ, một sự giữ khoảng cách đối với thói quen tư duy và tri thức của ta; thái độ này mang lại cho lịch sử khoa học tất cả giá trị văn hóa của nó, và cho thiên chức sử gia khoa học nét đặc trưng riêng, khiến nó được phân biệt rõ ràng với chức năng của cả triết gia lẫn nhà khoa học. Vì vậy, nó dẫn ta đến nguyện vọng nhìn thấy chỗ đứng của lịch sử khoa học trong chương trình đào tạo các nhà khoa học, ít ra là ở cấp đại học. Nguyện vọng đã được bày tỏ nhiều lần, không chỉ bởi các sử gia khoa học, mà còn bởi các nhà khoa học đầy thẩm quyền, nhưng cho đến nay vẫn không có chút âm vang nào.
FRANÇOIS RUSSO
Lịch sử Khoa học và Tương lai của nó,
Trg: Tạp chí Nghiên cứu, tháng 12 năm 1967
tr. 621-623.
Print Friendly and PDF