29.11.18

Kinh tế học vi mô mới - BG


KINH TẾ HỌC VI MÔ MỚI HAY LÀM THẾ NÀO ĐƯA THỊ TRƯỜNG VÀO MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ GIAO DỊCH

Mặc dù có cuộc khủng hoảng bắt đầu trong những năm 2007-2008, “kinh tế học vĩ mô mới” ra đời trong những năm 1980 loại trừ, do chính cách thức nó được xây dựng, trường hợp của loại biến cố này và tiếp tục được đặt ở chiếu trên – đặc biệt bởi giới hàn lâm và một số ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng đã có một tác động tức thì: mô hình cơ bản về chu kì kinh doanh – mô hình RBC (Real Business Cycle), nhờ đó Finn Kydland và Robert Prescott năm 2004 được giải “Nobel” kinh tế – của kinh tế học vĩ mô mới hầu như không còn được ai bảo vệ nữa do tính ảo tưởng của cách mà kinh tế học vĩ mô mới này nhìn các chu kì bị những sự kiện bác bỏ. Ngược lại biến thể keynesian mới của nó, tự cho là thực tế hơn, tiếp tục được đa số các nhà kinh tế – chí ít là trong các đại học – bảo vệ bất chấp mọi sự chống đối.
Những năm gần đây, đã có thói quen tập hợp các mô hình RBC và keynesian mới (NK) dưới nhãn hiệu duy nhất DSGE (Dynamic Stochastic General Equilibrium). Thuật ngữ General Equilibrium chỉ việc là các mô hình này được xây dựng xung quanh một tác nhân quyết định mọi chuyện (tiêu dùng, sản xuất, đầu tư, việc làm) cho hôm nay và ngày mai; lựa chọn này được gọi là “động” vì liên quan đến toàn bộ cuộc sống của tác nhân và “ngẫu nhiên” vì được tiến hành trong một môi trường chịu những cú “sốc” bất ngờ.
Ngày càng trở nên phức tạp, ít ra là dưới vẻ bề ngoài của chúng, điểm chung của các mô hình này là được suy ra từ mô hình tăng trưởng do Solow đề xuất trong những năm 1960.

Ở cội nguồn: mô hình Solow

Edward C. Prescott (1940-)
Finn E. Kydland (1943-)
Trong diễn văn nhận “giải Nobel” kinh tế, Edward Prescott giải thích rằng mô hình tăng trưởng của Solow được dùng cho các mô hình RBC – mà ông là một trong những nhà tạo lập. Xin nhắc ngắn gọn những đặc điểm chính của mô hình Solow:
Mô hình Solow được hợp thành từ hai phần:
1.   Một hàm sản xuất cho được số lượng được sản xuất của một sản phẩm (duy nhất) từ hai “nhân tố” là lao động và tư bản
2.   Một quy tắc phân chia sản phẩm được sản xuất giữa tiêu dùng và tiết kiệm – tiết kiệm này được tự động đầu tư. Solow giả định là quy tắc này do “cộng đồng” – thuật ngữ ông dùng – ấn định. Nếu lượng lao động tăng theo một tỉ suất không đổi và nếu hàm sản xuất có những đặc tính “thông thường” (hiệu suất theo quy mô không đổi, năng suất cận biên giảm dần) thì nền kinh tế được hình dung như thế tiến đến một trạng thái dừng, với sản xuất, tiêu dùng và tư bản trên đầu người là không đổi. Còn chính tăng trưởng (của sản phẩm trên đầu người) chỉ có thể đến từ một số hạng “dư” được cho bởi sai biệt giữa những giá trị quan sát được của sản xuất (GDP) và những giá trị là kết quả của tiến hoá của các “nhân tố” lao động và tư bản không thôi.
Solow có thể dừng lại ở đây vì ông đã “giải” xong mô hình. Tuy nhiên, vào cuối bài viết của ông, Solow thấy có nhu cầu không còn coi tình hình như thể là lao động và tư bản “bị ném vào thị trường” (cụm từ được ông sử dụng) mà như là kết quả của những “lựa chọn cạnh tranh” (http://www.econ.nyu.edu/user/debraj/Courses/Readings/Solow.pdf, phần V). Như vậy ông kết hợp vào quỹ đạo (K, L) những số lượng tư bản và lao động một quỹ đạo (r, w) tỉ suất của lợi tức và lương, bằng cách đặt w = F’L(K, L) (năng suất cận biên của tư bản) và r = F’K(K, L) (năng suất cận biên của lao động). Tất nhiên các đẳng thức này làm liên tưởng tới trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo, ngoại trừ là ở đây không có gì giống, dù ít hay nhiều, với “cạnh tranh” hay “thị trường” – do chỉ có một tác nhân duy nhất là “cộng đồng”, để dùng ngay chính chữ dùng của Solow. Thật ra, Solow đảo ngược chiều của sự nhân quả: trong khi trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo người ta suy từ hai đẳng thức w = F’L(K, L) và r = F’K(K, L) các cầu lao động L(w,r) và cầu tư bản L(w,r) với w và r cho trước thì ở đây thì người ta suy từ cũng hai đẳng thức trên lương w và tỉ suất lợi tức r cho mỗi cặp (K, L) cho trước (bởi quỹ đạo là kết quả của lựa chọn của “cộng đồng”).
Sai lầm càng hoàn toàn khi đẳng thức F(K, L) = LF’L(K, L) + KF’K(K, L) – một quan hệ toán học thuần tuý do đã giả định rằng F(.) có hiệu suất không đổi (thuần nhất cấp 1) – được trình bày như là kết quả của một “cân bằng” giữa “cung” F(K, L) và “cầu” LF’L(K, L) + KF’K(K, L) (= wL + rK) – trong lúc tất nhiên hoàn toàn không có điều đó, “cộng đồng” chỉ việc quyết định tiêu dùng và tiết kiệm bao nhiêu ở mỗi thời kì và không cung hoặc cầu bất kì điều gì.
Các mô hình RBC sử dụng lại phương pháp của Solow: xác định quỹ đạo các số lượng của nền kinh tế rồi “gán” thêm vào quỹ đạo giá cả – để gợi ý rằng đó là kết quả của một tình thế “cạnh tranh”.

Các mô hình RBC: Solow với một quy tắc khác

Robert Solow (1924-)
Các mô hình RBC, ra đời trong những năm 1980, giữ lại hàm sản xuất của Solow và đồng thời đề xuất một thủ tục lựa chọn phức tạp hơn thủ tục được Solow hình dung giữa tiêu dùng và đầu tư, và giữa lao động và nhàn rỗi. Mục đích của các mô hình này là giải thích không chỉ diễn tiến trong dài hạn của nền kinh tế mà cả những biến động – các “chu kì” của nó – vốn chỉ thể hiện sự thích nghi tối ưu của các nền kinh tế thị trường với những cú sốc mà chúng phải gánh chịu. “Cộng đồng” thụ động của Solow, vốn bao giờ cũng chỉ áp dụng cùng một quy tắc, nay được thay thế bằng một “tác nhân tiêu biểu” năng động, thường xuyên thích nghi các kế hoạch của mình với hoàn cảnh. Như vậy, lựa chọn, tối ưu vào mọi thời điểm, của tác nhân này được so sánh với tình hình của các nền kinh tế thực tế, như được thể hiện qua GDP, tiêu dùng, đầu tư, việc làm, chỉ số giá cả, v.v. của các nền kinh tế này. Do đó các mô hình bắt đầu bằng cách tự trang bị một hàm lợi ích liên thời gian – hàm lợi ích liên thời gian của tác nhân tiêu biểu[1] – có dạng:
Có nghĩa là sự thoả mãn của tác nhân phụ thuộc vào những tiêu dùng (C) và thời gian dành cho nhàn rỗi (lt), vào thời điểm ban đầu (t = 0) và cả trong tương lai. Kí hiệu E0(.) có nghĩa là chuỗi những tiêu dùng tương lai Ct, t = 1,..., và nhàn rỗi lt, được mong chờ hay dự kiến tại thời điểm 0[2].
Do không biết các giá trị tương lai, người ta làm “như thể”[*] là biết được chúng: đó là giả thiết những “dự kiến duy lí” – nói cách khác, tác nhân dự báo đúng đắn tại t = 0, li lai một ngẫu nhiên, trị số của các cặp (Ct, lt) cho t = 1, ... Giả thiết này cho phép người lập mô hình xem rằng diễn tiến quan trắc trong quá khứ của sản xuất, tiêu dùng, việc làm, v.v. là kết quả của một lựa chọn trên cơ sở của những dự báo đúng đắn – do đó là những dự báo “tối ưu” cả ex ante lẫn ex post[3].
“Tác nhân tiêu biểu” là chủ sở hữu một “doanh nghiệp” được đặc trưng bằng một hàm sản xuất F(K, L) mà ở mỗi thời kì t tác nhân này cung cấp lao động của bản thân và phần sản phẩm mà mình không tiêu dùng và được (tự động) “đầu tư”. Khi biết là ở mỗi thời kì sản xuất được phân tách thành tiêu dùng và đầu tư (F(K, L) = C + I), thời gian sẵn có T được chia thành thời gian lao động và nhàn rỗi (L + l = T), tư bản ở thời kì kế tiếp có được bằng cách cộng đầu tư vào tư bản sẵn có (được điều chỉnh bằng một “hệ số hao mòn”) thì “tác nhân tiêu biểu” có thể (trên lí thuyết) giải chương trình này và xác định quỹ đạo tiêu dùng-nhàn rỗi mang lại cho mình sự thoả mãn tối đa. Việc xác định “cụ thể” quỹ đạo này (một chuỗi vô cực những tiêu dùng và thời gian nhàn rỗi) không phải là một điều dễ dàng, cho dù chọn cho U(.) một hàm rất đơn giản[4]. Trong thực tế, chỉ có được lời giải một cách xấp xỉ – bằng máy tính. Nhưng ta có thể giả định là tác nhân tiêu biểu có một máy tính đủ mạnh để lời giải là có thể chấp nhận...
Cũng giống như trong trường hợp của mô hình Solow, giá cả hay “thị trường” hoàn toàn không can dự vào việc giải mô hình. Một điều quá hiển nhiên vì nào có giao dịch đâu: tác nhân tiêu biểu chỉ có một mình[5]. Thế mà, như trong mô hình Solow, giá cả – của “cạnh tranh hoàn hảo” – được đưa vào ex post trong mô hình. Như vậy, đẳng thức điển hình của cạnh tranh hoàn hảo giữa tỉ suất thay thế cận biên liên thời gian tại Q và tỉ số giá được lấy lại nhưng lại đảo chiều nhân quả: thay vì suy tỉ suất tại Q từ tỉ số giá, người ta suy tỉ số giá từ tỉ suất tại Q – được cho bởi quỹ đạo tối ưu đã được tính. Như Long và Plosser đã viết trong một bài viết tạo lập khác về RBC khi họ không do dự đồng nhất “tác nhân tiêu biểu” với Robinson Crusoe:
“Các giá tương đối được cho bởi các tỉ suất thay thế cận biên của Robinson, được ước lượng theo rổ sản phẩm xác định bởi kế hoạch phân bổ liên thời gian mà Robinson đã chọn (Long và Plosser, trang 45).”
Mô hình chỉ có một sản phẩm duy nhất nên các giá tương đối liên quan đến giá hiện nay và trong tương lai của sản phẩm – ví dụ giữa t và t + 1 – và tỉ số của các giá này có thể được xem như một hệ số hiện tại hoá, phản ảnh những sở thích của Robinson giữa tiêu dùng hiện tại và tiêu dùng tương lai. Tương tự như thế, có thể gắn với lựa chọn giữa tiêu dùng và nhàn rỗi một lương ex post mà Robinson tự trả cho mình, một khi biết được quỹ đạo tối ưu[6]. Năng suất cận biên của tư bản cho được, như trong mô hình Solow, tỉ suất lợi tức của tư bản. Tất cả những điều này đều mang nhãn hiệu “cạnh tranh hoàn hảo”.

Một thế giới của giáo sư Pangloss phải gánh chịu những cú “sốc”


Đối với kinh tế học vĩ mô truyền thống, theo kiểu cũ, phải tìm nguồn gốc của những biến động kinh tế ở trong hệ thống là chủ yếu – phối hợp tồi các quyết định (ví dụ, tiết kiệm, tiêu dùng), dự kiến sai lầm hay “ảo giác” (ví dụ, tiền tệ) của các tác nhân, thiếu sự “linh hoạt” trong việc thích nghi với những tình thế mới, v.v.. Hoàn toàn không có những điều tương tự trong các mô hình RCB, trong đó không có vấn đề phối hợp (có một tác nhân duy nhất), dự kiến sai lầm hay bất kì “ảo giác” nào khác (tác nhân dự báo đúng đắn tương lai, li lai vài cú sốc bên ngoài mà về bản chất là bất ngờ). Sự thích nghi là tức thì và tối ưu – lợi ích liên thời gian của tác nhân là tối đa trong mọi trường hợp. Mọi chuyện đều tốt đẹp trong thế giới tốt đẹp nhất có thể. Do đó có tính từ “panglossian” – ám chỉ đến giáo sư Pangloss trong tác phẩm Candide của Voltaire – được các tác giả phê phán gán cho các mô hình RCB.
Một thế giới như thế chỉ có thể bị những “cú sốc” bên ngoài làm thay đổi các tham số biểu trưng cho thế giới này làm nhiễu. Trong các mô hình RBC đầu tiên, sự chú ý hầu như chỉ tập trung vào các “cú sốc của cung” tác động đến tiến bộ kĩ thuật và do đó đến số dư của Solow – vốn là biểu hiện của hiệu ứng này. Nhằm trình bày tốt hơn hiện thực – tái tạo diễn tiến của vài đại lượng tổng gộp – những cú sốc trên các tham số (biến ngoại sinh) khác của mô hình đã được bổ sung: những cú sốc trên các hệ số được chọn để đặc trưng hàm lợi ích (thị hiếu của tác nhân tiêu biểu) và hàm sản xuất (tổng hợp có hiệu quả giữa “tư bản” và lao động). Sau đó đến các cú sốc trên các tham số để tính đến tính dai dẳng của những thói quen trong quá khứ hay sự lan truyền dần của những nhiễu loạn đã qua (các “ma sát” hay “cứng nhắc”).
Như vậy, người lập mô hình tiến hành “gò” các tham số và những cú sốc tác động đến chúng bằng cách gán những trị số cho phép cho phép làm cho tương ứng nhất có thể lựa chọn của tác nhân tiêu biểu với diễn tiến đã qua của những đại lượng tổng gộp của một nước[7]. Kì lạ thay bằng cách tiến hành như vậy những tác giả đầu tiên đề xuất mô hình RBC đã thành công tái tạo khá tốt một số sự kiện cách điệu hoá[*]. Kì lạ vì ngay cả một sự tương ứng hoàn hảo cũng không đủ để biện minh cho việc đồng nhất những lựa chọn có tương tác của những tác nhân khác nhau, ít nhất là một phần, với lựa chọn của một tác nhân duy nhất. Điều này làm liên tưởng đến kết quả kì diệu mà Solow thu được khi điều chỉnh một hàm sản xuất – không có số dư – với những dữ liệu đo (tính theo giá trị, với ít nhiều khó khăn) diễn tiến của tư bản và lao động ở Hoa Kì trong những thời kì tương đối dài. Thật ra có sự “kì diệu” này là vì có một đẳng thức kế toán nằm bên dưới, hệ quả của việc các biến tính theo khối lượng của mô hình (sản xuất, “tư bản”) được tính theo giá trị dưới dạng đại lượng tổng gộp.
Tuy nhiên những phê phán đối với các mô hình RBC chủ yếu nhằm vào việc lựa chọn các tham số của những người xây dựng mô hình – chứ không vào chính ngay ý tưởng tác nhân tiêu biểu. Chẳng hạn các phê phán này tập trung vào những giá trị được gán cho các tham số của hàm lợi ích – các độ co dãn thay thế giữa tiêu dùng hiện nay và tiêu dùng tương lai, cũng như giữa tiêu dùng và nhàn rỗi. Như vậy giải thích về thất nghiệp trong các thời kì suy thoái, và ngay cả khủng hoảng, bằng sự lựa chọn có cân nhắc của các hộ gia đình là đặc biệt khó chấp nhận. Tương tự như vậy đối với giải thích các “cú sốc tiêu cực” trên tiến bộ kĩ thuật bằng việc xã hội “quên mất” một phần hiểu biết của mình[8]. Giả thiết theo đó các năng lực sản xuất luôn được sử dụng một cách tối ưu cũng bị phê phán.
Các lí thuyết gia của các mô hình RCB tìm cách đỡ đòn hay né tránh các phê phán này bằng cách đưa thêm vào những mô hình của họ những tham số mới, ví dụ, cho phép tác nhân tiêu biểu mở rộng phổ lựa chọn của mình. Như vậy mở ra cho tác nhân tiêu biểu khả năng sử dụng những năng lực sản xuất của mình với cường độ ít nhiều mạnh yếu ở mọi thời điểm và vừa biết rằng trạng thái của người này sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai – một điều tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng những tình thế được quan trắc là kết quả của một lựa chọn có cân nhắc (tối ưu). King và Rebello liệt kê trong bài viết của họ vào đầu năm 2000 (xem chú thích 2) những cách khác nhau được những người ủng hộ RCB để đáp trả các phê phán này – điều này đã không ngăn cản được là các mô hình này, cũng vào thời đó, bị những mô hình “keynesian mới” chiếm mất vị trí.

Cân bằng chung và tác nhân tiêu biểu

Sau khi nêu lên những điều kiện mà lựa chọn (tối ưu) của tác nhân tiêu biểu cần phải thoả mãn, King và Rebello bình luận như sau:
“Có thể xem việc tích luỹ tối ưu tư bản như được mô hình cơ bản tân cổ điển [thực ra là mô hình RBC] mô tả là có tính “cân bằng chung” vì ba lí do. Thứ nhất, những lựa chọn tiêu dùng, lao động và tích luỹ tư bản đều phụ thuộc lẫn nhau, vào mọi lúc và xuyên suốt thời gian: việc tích luỹ tư bản đòi hỏi phải biết chính xác giá trị được gán tại mọi thời điểm cho mỗi một biến trên. Thứ hai, điều kiện theo đó việc tích luỹ này được tiến hành bằng cách tuân thủ các ràng buộc về nguồn lực của nền kinh tế do các giá ảo (các số nhân Lagrange gắn với các ràng buộc này) thông báo. Thứ ba, nếu các giá ảo này là các giá thị trường đối với các hộ gia đình thì chúng sẽ thông báo cho các hộ này các số lượng để cung và cầu. Nói cách khác, những lượng tối ưu được một nhà làm kế hoạch (social planer) chọn tương đương với những lượng của một cân bằng chung cạnh tranh động trong mô hình (xem Resuscitating Real Business Cycles, trang 17).
Vốn từ được sử dụng – tương tác, ràng buộc về nguồn lực, giá, cung và cầu, cạnh tranh – là vốn từ của cân bằng chung, nhưng còn thiếu trong mô tả trên sự tương tác của những lựa chọn của những tác nhân khác nhau. Thế mà giao dịch ra đời từ những khác biệt, và khi không có giao dịch thì sẽ là vô lí khi nói đến cân bằng chung.
Không có giao dịch thì không cần có giá cả. King và Rebello ý thức được điều này nên họ nói đến những giá ảo (shadow prices) – những tiểu xảo toán học (số nhân Lagrange) không có vai trò nào cả trong lựa chọn của tác nhân[9]. Vả lại sự ám chỉ đến việc social planer (người lên kế hoạch xã hội) “ấn định các số lượng” là rất có ý nghĩa. Nó nhắc nhở rằng các quyết định do một tác nhân duy nhất lấy đồng thời lặp lại sự đánh lừa – thông dụng trong các sách giáo khoa và công bố hàn lâm – nhằm xác lập một quan hệ giữa các lượng “tối ưu” này và các lượng trong cân bằng chung của cạnh tranh hoàn hảo[10].

Những “cứng nhắc” trong thế giới của giáo sư Pangloss: các mô hình keynesian mới

Alan Kirman (1939-)
Ý tưởng tác nhân tiêu biểu nhanh chóng được giới kinh tế học vĩ mô chấp nhận[11] mà không có ai bảo vệ ý tưởng này thật sự hay đáp trả phê phán nghiêm khắc của Alan Kirman, một tác giả tân cổ điển nổi tiếng và được kính trọng.
Tuy nhiên cách nhìn theo kiểu Pangloss của mô hình RBC đặt ra một vấn đề tồn tại cho các nhà kinh tế học vĩ mô: còn có thể dùng họ vào việc gì nữa trong một thế giới hoàn hảo không có chỗ đứng cho họ. Vai trò tham mưu truyền thống của họ bên cạnh bậc quân vương bị đe doạ. Những cơ quan lớn của Nhà nước, các ngân hàng trung ương và những tác nhân khác của chính sách kinh tế không tin vào những luận điểm của giáo sư Pangloss và hoàn toàn không sẵn sàng bỏ cuộc. Ngược lại, họ còn đòi hỏi được cung cấp những dữ liệu, dự báo và tư vấn về chính sách kinh tế cần tiến hành.
Đặc biệt, trường hợp của tiền tệ đặt thành vấn đề: cuộc phản công tự do cực đoan trong những năm 1970-1980 đã đưa đến ý tưởng cho rằng phải để cho các ngân hàng trung ương độc lập dẫn dắt phần chủ yếu của chính sách kinh tế – chính sách tiền tệ là mềm dẻo hơn chính sách tài khoá vì chính sách tài khoá mất thời gian để triển khai và có những hiệu ứng bị hoà tan với thời gian.
Trong khi trên phương diện hàn lâm, thời trang là các mô hình trong đó tiền tệ không có bất kì vai trò nào – tiền tệ chỉ “đi theo” diễn tiến của nền kinh tế thực – thì trên phương diện chính trị một vị trí trung tâm được dành cho các ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ – được xem là thoát khỏi sự mị dân của những chính khách chỉ biết tiêu tiền. Tất nhiên giới hàn lâm đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của giới chính trị – giới tài trợ cho họ... – và đề xuất những mô hình, được gọi là keynesian mới, trong đó tiền tệ được đưa vào bằng kìm đỡ đẻ, gây thiệt thòi cho những “cơ sở kinh tế vi mô” mà kinh tế học vĩ mô hằng tự hào.

Làm thế nào đưa tiền tệ vào một thế giới không có giao dịch?

Các nhà keynesian mới đưa tiền tệ vào các mô hình của họ bằng cách để tiền tệ thành một trong những agumen của hàm lợi ích của tác nhân tiêu biểu. Đây là một điều báng bổ đối với một nhà kinh tế vi mô tự trọng – tiền tệ không phải là một sản phẩm mà việc tiêu dùng nó là nguồn gốc của sự hoan lạc. Đương nhiên là tiền tệ cung cấp những “dịch vụ” khi tạo điều kiện dễ dàng cho các giao dịch hay cho phép việc chuyển nhượng các nguồn lực trong thời gian, nhưng các dịch vụ này chỉ là một phương tiện làm tăng tiêu dùng hiện nay và tương lai – và do đó làm tăng lợi ích – chứ không tự nó là nguồn gốc của lợi ích. Chính vì thế mà các lí thuyết gia của cân bằng chung luôn từ chối đưa tiền tệ vào hàm lợi ích[12].
Điểm xuất phát của mô hình là, như trong trường hợp RBC, việc tối đa hoá một hàm lợi ích liên thời gian có tiền tệ là một trong số những agumen:
với Mt/Pt là “tiền mặt thực tế” (xem ví dụ, bài viết này của ngân hàng trung ương châu Âu, trang 9-10). Bây giờ tác nhân là người yêu cầu tiền tệ – cũng như là người yêu cầu những sản phẩm tiêu dùng và nhàn rỗi –, nên cần ai đó cung cấp tiền. Do đó mô hình giả định là có một định chế, mà ta có thể gọi là “ngân hàng trung ương”, có nhiệm vụ này. Mô hình cũng giả định là còn có một định chế khác là Nhà nước mua một phần những sản phẩm được sản xuất, bằng cách đánh thuế tác nhân tiêu biểu và vay nợ tác nhân này. Để làm điều này Nhà nước phát hành trái phiếu có lãi. Như vậy ở mỗi thời điểm, tác nhân tiêu biểu có lựa chọn giữa việc nắm giữ tiền (vì cái thú mà tự thân việc có tiền mang lại và cho những mua sắm tức thì) và trái phiếu (mang lại lãi và có thể dùng cho những mua sắm tương lai).
Để tác nhân tiêu biểu có thể xác định với ý thức đầy đủ kế hoạch tối ưu của mình thì tác nhân cần biết hành động của ngân hàng trung ương và của Nhà nước. Đối với định chế đầu, các mô hình giả định là ngân hàng trung ương áp dụng một quy tắc được tác nhân tiêu biểu biết. Ví dụ, “quy tắc Taylor” để cho lãi suất phụ thuộc vào những biến thiên của giá cả và của những sai biệt giữa GDP “thực” và GDP “tiềm tàng”[13]. Còn về vai trò và việc phân bổ những chi tiêu của Nhà nước có một sự mập mờ, nhưng điều quan trọng là tác nhân biết con số những chi tiêu, hiện nay và tương lai, cũng như tỉ phần của thuế và vay nợ trong việc tài trợ các chi tiêu này.
Mặc dù số tác nhân đã tăng – bây giờ có tất cả là ba tác nhân – nhưng về cơ bản mô hình không có thay đổi: vẫn chỉ có một tác nhân duy nhất tối đa hoá, hai tác nhân còn lại chỉ hành động mà không có động cơ được xác định. Nhưng bây giờ đã có thể nói đến “thị trường tiền tệ” và “thị trường tài chính” cũng như nói đến chính sách tiền tệ và tài khoá, bằng cách thao tác với quy tắc được ngân hàng trung ương áp dụng và với các chi tiêu của Nhà nước.

“Những “ma sát” và những điều “không hoàn hảo”

Các mô hình keynesian mới chỉ là những biến thể của các mô hình RBC nên cũng giống như các mô hình này chúng đưa vào giá cả, những cung và cầu và những “thị trường” như là sản phẩm phụ của quỹ đạo tối ưu do tác nhân tiêu biểu xác định – có tính đến những hành động dự kiến của Nhà nước và ngân hàng trung ương. Bây giờ cái mới là đưa vào một số điều “không hoàn hảo” và “ma sát” làm phức tạp thêm của tác nhân tiêu biểu và đẩy tác nhân này xa khỏi trường hợp lí tưởng của “cạnh tranh hoàn hảo” – trường hợp mang lại cho tác nhân tiêu biểu sự thoả mãn tối đa, cho tất cả mọi biến thể. Hoặc bằng những cuộc “cải cách cấu trúc” – loại bỏ mọi điều cản trở lao động hay hành vi độc quyền – hoặc nếu không thể “cải cách” thì sử dụng chính sách tiền tệ và tài khoá. Tất cả những điều trên nghe có vẻ kì lạ - mà kì lạ thật! – trong một thế giới chỉ có một tác nhân tích cực. Nhưng ma thuật của mô hình hoá, và của ngôn ngữ đi kèm, lại cho thế giới này được một vẻ nghiêm túc, với một ít tưởng tượng. Cách tốt nhất để hiểu rõ là lấy ví dụ một trong những mô hình keynesian mới có tính biểu tượng và xem đâu là những dạng của những điều không hoàn hảo và ma sát. Trong số các mô hình này có mô hình được Frank Smets và Raf Wouters xây dựng cho Ngân hàng trung ương châu Âu và dường như được định chế này sử dụng để thiết kế chính sách tiền tệ của mình. Đây là một lí do tốt để lấy đó làm mô hình tham chiếu.
Frank Smets (1964-)
Một trong những điểm “không hoàn hảo” chính được Smets và Wouters tưởng tượng là tác nhân tiêu biểu có hành vi độc quyền khi “bán” lao động của mình cho một doanh nghiệp “trung gian”, bản thân doanh nghiệp này, bằng một hành vi tương tự, cũng “bán” sản phẩm của mình cho doanh nghiệp “cuối cùng”[14]. Do đó có “cạnh tranh không hoàn hảo”, mô hình được bổ sung với những tham số mới, các “tỉ suất tiền lời”, theo thứ tự của chi phí lương và chi phí của “sản phẩm trung gian”. Làm như vậy thì tác nhân tiêu biểu – làm việc cho các doanh nghiệp mà mình làm chủ và thu lợi nhuận – tự bắn vào chân mình, vì lợi nhuận tối đa mà tác nhân này có được với tư cách người tiêu dùng cuối cùng là nhỏ hơn nếu tác nhân không đưa các điều “không hoàn hảo” này vào. Thôi tạm cho qua...
Ngoài sự giới hạn truyền thống của thời gian lao động, ma sát mà Robinson bị Nhà nước áp đặt (ý thức hơn Robinson đâu là lợi ích của chàng), Smets và Wouters còn đưa thêm vào những “thói quen” của người tiêu dùng, những “chi phí cố định” trong sản xuất, những “thời hạn” trong các hiệu ứng – trên các sở thích, kĩ thuật, nguồn lực sẵn có – của các cú sốc ngẫu nhiên. Các nhà kinh tế vĩ mô thuộc thế hệ cũ đã có thói quen gọi bằng “keynesian” những mô hình của họ mô tả những nền kinh tế bởi những “ma sát” khác nhau nên các mô hình có “tác nhân tiêu biểu như mô hình của Smets và Wouters được gán cho nhãn hiệu keynesian mới – mặc cho chúng còn xa lạ với tư tưởng của Keynes hơn là các mô hình “keynesian” trước đó.
Trên phương diện cụ thể hơn, lựa chọn liên thời gian (tối ưu) của tác nhân tiêu biểu là lời giải của một bài toán phi tuyến – trái với bài toán tuyến tính của kinh tế học vĩ mô truyền thống – và chỉ có thể được tính một cách xấp xỉ (sau khi “tuyến tính hoá”[*]). Do những khả năng phi tổng gộp hoá là giới hạn nên các mô hình của kinh tế học vĩ mô là “nhỏ” so với những mô hình trước đây. Chẳng hạn, mô hình của Smets và Wouters – cho nền kinh tế châu Âu! – gồm chín biến nội sinh (sản xuất, việc là, đầu tư, lương, tỉ suất lợi tức, v.v.) và mười biến ngoại sinh (năm liên quan đến những sở thích và kĩ thuật, ba liên quan đến các “chi phí” và hai liên quan đến quy tắc tiền tệ) (Smets và Wouters, trang 19).
Ta sẽ có thể nghĩ là tất cả để có những kết quả...

Làm thế nào nhận ra một mô hình DSGE?

Các mô hình của “kinh tế học vĩ mô mới” đã chuyển từ trường hợp đơn giản và có tính panglossian của các RBC có thiên hướng tái tạo – giải thích? – một số “sự kiện cách điệu hoá” sang những hệ thống cực kì phức tạp với nhiều tham số chịu những cú sốc có thể khoác những dạng rất khác nhau với, nếu ta đọc cách trình bày “bằng lời văn”, những sự can thiệp của Nhà nước và của một ngân hàng trung ương, những thị trường sản phẩm, những hộ gia đình và doanh nghiệp cung và cầu, tiền tệ, lạm phát, tín dụng, v.v.. Nhãn hiệu “cân bằng chung” củng cố ý tưởng cho rằng các mô hình này mô tả – một cách xấp xỉ, tất nhiên như mọi mô hình – một số khía cạnh quan trong của những nền kinh tế chúng ta đang sống trong đó. Việc chúng được một vài ngân hàng trung ương và chính phủ sử dụng trong khuôn khổ của việc xây dựng các chính sách của họ có vẻ làm tăng tính đáng tin cậy cho ý tưởng này.
Người không am hiểu muốn tìm hiểu hàng loạt phương trình – sử dụng một phần lớn các chữ cái trong tiếng Hi lạp – mà các mô hình này được hợp thành sẽ rất dễ dàng hiểu rõ. Chỉ cần bỏ qua tất cả lời tán láo trong phần trình bày để đi thẳng vào phần (thường được gọi là “mô hình” hay đại loại như thế) mô hình được trình bày dưới dạng toán học. Nếu phần này bắt đầu bằng một biểu thức kiểu tối đa hoá một hàm lợi ích liên thời gian có dạng của (1) và (2) thì bạn biết ngay là đang đứng trước một câu chuyện tác nhân tiêu biểu. Một câu chuyện dẫn đến một “lời giải” (hay bài học) với điều kiện tác nhân có tất cả thông tin cần thiết cho việc ra quyết định (tối ưu) của mình: những quy tắc được các “doanh nghiệp” và ngân hàng trung ương chọn, chi tiêu và thuế theo thời gian của “Nhà nước”, v.v.. Phức tạp nhưng điều cốt yếu là không có nhân vật tối đa hoá nào khác mà tác nhân tiêu biểu phải dự kiến các phản ứng khi biết là nhân vật này cũng làm như mình, v.v. – một câu chuyện có bao nhiêu tin tưởng được gán cho những người mà tác nhân phải đối mặt thì có bấy nhiều “lời giải”. Như Solow đã nhận xét: “Thêm vào vài ma sát thực tế không làm cho câu chuyện cho rằng các nền kinh tế mà chúng ta quan sát hành xử theo mong muốn của một trí tuệ duy nhất, một cách chặt chẽ và hướng về tương lai trở nên đáng tin hơn”.

Kết luận

Lawrence Summers (1954-)
Trong kết luận một bài viết về các mô hình RBC công bố vào giữ những năm 1980, Lawrence Summers, một lí thuyết gia tân cổ điển nổi tiếng, giải thích rằng các nhà kinh tế nên “phát triển những lí thuyết giải thích vì sao đôi lúc những giao dịch giữa các tác nhân diễn ra và đôi lúc thì không” hơn là mất thì giờ nghiên cứu những lựa chọn của các chàng Robinson ngẫu nhiên.
Mặc dù với thời gian các nhà kinh tế vĩ mô áp đặt những điều kiện và ràng buộc ngày càng nhiều lên sự lựa chọn này, nhưng nhận xét của Summers vẫn còn giá trị: ta vẫn đứng trước một “Robinson ngẫu nhiên” mà việc nghiên cứu là “mất thì giờ” – nhất là khi lựa chọn này là phức tạp. Nói đến “thị trường”, “cân bằng chung”, chính sách tiền tệ và kinh tế chỉ là tung hoả mù, để cho một hình ảnh hoàn toàn sai lầm về những gì mà mô hình biểu trưng.
Mặc dù cuộc khủng hoảng năm 2008 đã giáng một đòn rất mạnh vào các mô hình RBC – không thể quan niệm là có khủng hoảng trong thế giới của Robinson, ngay cả khi chịu nhiều sỉ nhục tồi tệ - một phần lớn của giới hàn lâm và “nghiên cứu” vẫn bám víu vào thế giới này. Nhân danh tính chặt chẽ – duy chỉ các “cơ bản” (thị hiếu, sở thích, nhân tố thể chế) là ngoại sinh – và, last but not least (cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng), và khả năng phát triển ad eternam (vĩnh viễn) những biến thể làm phức tạp hay giới hạn theo những cách khác nhau lựa chọn của Robinson. Chẳng hạn, kể từ năm 2008, cuộc đua đã bắt đầu để gắn thêm vào mô hình những “thị trường tài chính” để cho phép Robinson vay nợ – và biết đâu – phá sản? Các phương trình không ngăn được việc rơi vào lố bịch.
Một điều chắc chắn là đòi hỏi sinh viên phải chịu trận nhiều bài giảng về kinh tế vi mô và toán học để đi đến kết quả này là vô ích và phản tác dụng. Mất thì giờ, nói như Summers.
Nguyễn Đôn Phước dịch




Chú thích:

[1] Thường, để cho có vẻ “thực tế” hơn, các trình bày mô hình nói đến “một số lớn tác nhân giống nhau”, một điều tương đương với việc chỉ có một tác nhân duy nhất.

[2] Ở đây chúng tôi lấy lại trình bày, tương đối sáng tỏ và đầy đủ của hai tác giả ủng hộ các mô hình RBC là John King và Sergio Rebello trong Handbook of Macroeconomics (2001) (xem http://www.kellogg.northwestern.edu/faculty/rebelo/htm/rbc2000.pdf)

[*] Xem mục “Như thể (nguyên lí)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, Hà Nội, NXB Tri thức, 2007. (ND)

[3] Chính xác hơn, giả định rằng năm 0 là năm 1970 và ta có dữ liệu (của GDP, v.v.) từ năm 1970 đến năm 2000. Ta cho rằng tác nhân tiêu biểu vào năm 1970 đã lựa chọn như thể là vào năm 1970 tác nhân này đã biết trị số thật sự của GDP, v.v. của các năm từ 1970 đến 2000 – mà ngày nay ta biết được, một cách hậu nghiệm.

[4] Việc chọn một hàm lợi ích cộng (kí hiệu ∑) đã đơn giản hoá công việc này rồi.

[5] Thường những cách trình bày nói đến “một số lớn tác nhân giống nhau” và do đó họ không giao dịch gì với nhau.

[6] Để thấy rõ hơn, xét trường hợp đơn giản khi Robinson sản xuất chỉ bằng lao động của bản thân và tiêu dùng hết tất cả những gì sản xuất được. Do đó ta có C = F(L). Như vậy Robinson tối đa hoá U(C, l). Sau khi lấy đạo hàm đối với L của biểu thức trên, ta có điều kiện tối đa hoá: U’C(C, l) F’(L) - U’T(C, l) = 0. Và do đó F’(L) = U’T(C, l)/ U’C(C, l), quan hệ giữa năng suất cận biên của lao động và tỉ suất thay thế cận biên giữa nhàn rỗi và tiêu dùng. Nếu ta đặt F’(L) = w/p ta gặp lại những đẳng thức của cạnh tranh hoàn hảo MSR = tỉ suất giá (w là giá của nhàn rỗi) và p.F’(L) = w (lương bằng với sản xuất cận biên của lao động), chiều nhân quả đi từ các số lượng (C, l) sang giá cả (w, p).

[7] Đôi lúc họ tìm cách biện minh các trị số được gán cho các tham số bằng cách viện dẫn đến những dữ liệu kinh tế vi mô. Nhưng không có bất kì lí do gì để tác nhân tiêu biểu có cùng những sở thích – nếu giả định là có những sở thích như thế hay là các sở thích này có một ý nghĩa gì – với các cá thể “hợp thành” tác nhân này (vấn đề gộp các sở thích).

[*] Xem mục “Sự kiện cách điệu hoá” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, Hà Nội, NXB Tri thức, 2007. (ND)

[8] Quả thật là có những cú sốc dầu lửa trong những năm 1970 – vả lại các cú sốc này là ở cội nguồn của chủ đề “cú sốc” – nhưng có thể nào nói rằng chúng có quan hệ với tiến bộ kĩ thuật được?

[9] Đưa các số nhân Lagrange làm tăng số ẩn số của hệ phải giải, và do đó làm tăng các ẩn số của các phương trình. Vả lại thường bước đầu tiên của việc giải bài toán là loại trừ các số nhân này! Xem Les mathématiques de la microéconomie của B. Guerrien và I. This.

[10] Một số tác giả không do dự nói đến “tối ưu Pareto” khi bàn về lựa chọn của tác nhân tiêu biểu – một điều tuyệt đối vô nghĩa vì tối ưu Pareto đòi hỏi sự tồn tại của ít nhất hai tác nhân không giống nhau.

[11] Ngoại lệ đáng kể là Solow và vài tác giả khác.

[12] Một hướng khác được chọn để tính đến tiền tệ là dùng các mô hình có thế hệ đan chéo, trong đó tiền tệ được dùng cho việc chuyển nhượng liên thời gian những nguồn lực giữa các thế hệ.

[13] Ngân hàng trung ương tác động đến lãi suất, do đó tiếp cận với cầu tiền tệ ở những mức lãi suất này. Như vậy cung tiền tệ trở thành nội sinh, điều làm cho mô hình có một hương vị “keynesian”.

[14] Để cho “thực tế” hơn, Smets và Wouter giả định là có một continuum người lao động cung cấp một kiểu lao động đặc biệt cho một continuum doanh nghiệp trung gian, bản thân các doanh nghiệp này bán sản phẩm của mình cho doanh nghiệp cung cấp một cách cạnh tranh sản phẩm (tiêu dùng và đầu tư) duy nhất của nền kinh tế - được tượng trưng bằng tác nhân tiêu biểu. Tuy nhiên hai tác giả dàn xếp, bằng việc chọn dạng của các hàm lợi ích và sản xuất, để cho continuum này “ứng xử như một người độc nhất”, không có giao dịch giữa các thành viên.

[*] Xem mục “Tuyến tính hoá (một hàm)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, Hà Nội, NXB Tri thức, 2007. (ND)

Print Friendly and PDF