9.11.18

Sự phê phán hậu-thực dân phương Tây được tiến hành ngay từ trung tâm của phương Tây

PHỎNG VẤN THOMAS BRISSON: “SỰ PHÊ PHÁN HẬU-THỰC DÂN PHƯƠNG TÂY ĐƯỢC TIẾN HÀNH NGAY TỪ TRUNG TÂM CỦA PHƯƠNG TÂY”
Sonya Faure thực hiện phỏng vấn
Dù họ là người A Rập, như Edward Said, người Ấn Độ như Gayatri Spivak, hay người Hoa, các trí thức hậu thực dân đã xây dựng sự phê phán Phương Tây của họ từ các trường đại học Mỹ. Theo nhà chính trị học Thomas Brisson, đó là vì sự lưu vong, một tư thế giữa hai nền văn hóa đã cho phép họ xây dựng một tư tưởng lai tạp để tìm kiếm một tính phổ cập mới.
Thomas Brisson

Ai dám nói rằng các công trình nghiên cứu hậu thực dân chỉ là một sự buộc tội Phương Tây và những truyền thống tri thức của nó? Trong cuốn Đẩy phương Tây ra khỏi tâm điểm ("Décentrer l’Occident”), Thomas Brisson, giảng sư chính trị học chính ở trường đại học Paris 8, vạch lại hành trình của một số nhà tư tưởng A Rập, Ấn Độ hay Trung Hoa từ Edward Said đến Ranajit Guha hay Tu Weiming, vốn đã cố gắng xây dựng, từ những năm 1970 và 1980 ngay từ các trường đại học Mỹ, những tư tưởng thay thế cho các tri thức lý thuyết Châu Âu. Là những người có những hiểu biết sâu sắc về triết học của Châu Âu, đã từng là sinh viên rồi giáo sư tại các trường đại học Mỹ, các trí thức hậu thực dân đã xây dựng sự phê phán Phương Tây ngay từ Phương Tây. Họ đã xử lý cái nghịch lý này như thế nào? Tại sao cái tư thế giữa hai nền văn hóa, sự lưu vong lại có tính quyết định trong việc thiết kế một trào lưu tư tưởng mới? Hoàn toàn không phải là một sự biếm họa, chân dung của nhóm tri thức sáng chói này mà nhà chính trí học phác họa, ngược lại, đề cập đến sự lai tạp và một hình thái mới của một tính phổ quát mới.
Bị căm ghét hay được tâng bốc, những nhà tư tưởng hậu thực dân là ai?
Edward Said (1935-2003)
Gayatri Spivak (1942-)
Họ là những nhà tư tưởng, chủ yếu là người A Rập và Ấn Độ, đã muốn xét lại vấn đề của tính trung tâm của Phương Tây, từ cuối những năm 1970. Ta có thể bàn luận xem họ có thành công hay không, nhưng giả thuyết của họ là: nhiều năm sau trào lưu phi thực dân hóa, chúng ta vẫn còn sống trong một thế giới mà tư tưởng, những kiến thức và những công cụ lý thuyết vẫn được Phương Tây định hình, với những cuộc cách mạng khoa học và chính trị. Nhưng ta có thể tư duy một cách khác. Do đó họ muốn thực hiện một cuộc “phi thực dân hóa khoa học”, xây dựng những hệ ý mới không phải là của Phương Tây. Những công trình nghiên cứu hậu thực dân đã sinh ra từ những cuộc gặp gỡ, trong các trường đại học và các nhà xuất bản Mỹ, giữa những nhà tư tưởng Ấn Độ, như Gayatri Spivak hay Ranajit, với nhà tư tưởng Edward Said, người Pa-le-xtin được xem như là người đã khởi xướng cho các cuộc nghiên cứu hậu thực dân. Cũng vào thời điểm đó, có những trí thức gốc Hoa đã hồi sinh tư tưởng của Khổng Tử mà họ muốn thích ứng với tính hiện đại. Những người này không thuộc diện “hậu thực dân” theo nghĩa hẹp của từ này, như các đồng nghiệp Ấn Độ hay A Rập của họ; nhưng giống những đồng nghiệp này, họ cũng tìm cách xây dựng một phản dự án đối với tính hiên đại của Phương Tây. “Tư tưởng Tân Khổng giáo” này cũng sinh ra trên đất Mỹ. Đó chính là điều mà tôi muốn tra cứu: vì sao mà sự phê phán Phương Tây lại được thực hiện ngay trong lòng của Phương Tây bởi những người trí thức đã được Tây hóa rất sớm?
Hành trình cá nhân của họ là như thế nào?
Liu Shu-hsien
Julia Ching (1934-2001)
Đó là những nhà tư tưởng ở giữa hai thế giới. Những người Trung Hoa, như là Tu Weiming, Liu Shu-hsien, hay Julia Ching đã buộc phải lưu vong sau khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền, sang Hongkong, Đại Loan hay Singapour, rồi sau đó qua Mỹ. Ở đây, những nhà tư tưởng thuộc trào lưu Tân Khổng Giáo sẽ thành lập cái đôi khi được gọi là “thuyết Khổng Giáo của Boston”. Dù là những nhà tư tưởng Ấn Độ ở Calcutta hay Londres, Edward Said người Pa-le-Xtin ở Học Viện Victoria ở Le Caire hay những nhà tư tưởng Trung Hoa ở Hongkong, tiếng Anh đã sớm thành ngôn ngữ chính của họ. Sau đó họ đã đi nghiên cứu ở Phương Tây và ở lại Phương Tây.
Đúng vậy, đối với Ông, cái nhìn phê phán của họ không thể tách biệt với sự lưu vong, tại sao?
Homi Bhabha (1949-)

Tư thế giữa hai nền văn hóa, sự lệch khớp này giải thích tư thế tri thức của họ. Thật vậy, chính những trí thức hậu thực dân đã nhấn mạnh đến điều này. Trong tự truyện của mình, Out of Place/Ở bên ngoài, Edward Said đã nêu lên cảm tưởng là ông không bao giờ tìm được chổ đứng cho mình ở bất cứ nơi nào. Còn Gayatri Spivak thì luôn luôn cho mình là một người chỉ có “thẻ Xanh” (thẻ cư trú ở Mỹ) và đã không bao giờ chịu xin nhập tịch. Khi, xuất thân từ một gia đình thuộc thành phần trung lưu ở Ấn Độ, bà trở thành một trí thức toàn cầu, bà đã làm đảo lộn trật tự của thế giới. Vị trí “không thể có được” được thể hiện qua một tư thể tri thức đặc thù. Bà là người lúc nào cũng dịch chuyển, trên phương diện vật chất và lý thuyết. Bà đã từng dựa vào chủ nghĩa nữ quyền của Phương Tây trước khi phê phán nó một cách kịch liệt, đã lấy cảm hứng từ Michel Foucault trước khi từ bỏ ông ta… Sử gia Dipesh Chakrabarty và người đồng hương của ông Homi Bhabha thường hay dùng từ unheimlickeit của Freud, từ chỉ con người vô gia cư và vô gia đình, mà còn được dịch là “sự lạ thường đáng lo ngại”. Sự lưu vong cho phép ta nhìn cái quen thuộc dưới gốc độ của sự lạ thường. Đó chắc có lẽ là điều định nghĩa tốt nhất các nhà tư tưởng hậu thực dân: cảm thấy xa lạ khi sống ở quê nhà, cảm thấy chính mình khi sống trong sự lạ kỳ ở quê người. Sự dịch chuyển cá nhân cho phép di chuyển các khung tư duy truyền thống. Tuy nhiên, khi bắt đầu sự nghiệp của họ, những giáo sư đại học này tương đối khá kín đáo – giống như những người nhập cư trong xã hội đã tiếp nhận họ. Said và Spivak giảng dạy về văn học, một lãnh vực mà tinh thần phê phán không quan tâm đến vào lúc đó, một sự phê phán thường hay nhắm tới các khoa học kinh tế hay xã hội.
Tại sao họ lại chuyển sang một thái độ phê phán hơn?
Tu Weiming (1940-)
Hành trình cá nhân đặc thù của họ sẽ gặp những sự biến đổi tổng quát hơn mở đường cho những tư tưởng thay thế mới: bắt đầu từ những năm 1970 và 1980 sự tiến bộ của Phương Tây càng ngày càng ít gây ra những mơ ước (ngay cả đối với người Tây Phương), những “con rồng” Á Châu bắt đầu cạnh tranh với nền kinh tế của Phương Tây, chủ nghĩa Marx sụp đổ và trường đại học Mỹ, trung tâm tri thức mới của thế giới, bị xáo trộn mạnh. Các trường này, mà sinh viên chủ yếu là da trắng và nam cho đến những năm 1960, được mở rộng cho các thiểu số chủng tộc và giới tính, dưới sự thúc đẩy của tổng thống Johnson nhưng đặc biệt của những cuộc đấu tranh chính trị. Nhưng các sinh viên da đen mới này lại càng ý thức về sự độc quyền của người da trắng khi vào các làng đại học, và do đó cũng muốn chống lại nó …. Chiến lược mở rộng này lại bị sử dụng để chống lại đại học. Đại học bắt đầu hiểu rằng không phải chỉ mở rộng cho các sinh viên mới là đủ, mà cần phải làm cho các kiến thức tiến hóa: cần phải nâng cao sự hiện diện của phụ nữ trong văn chương, của các tư tưởng của người A Rập, của người da đen ….
Phải chăng đó là điều sẽ đẩy các trí thức hậu thực dân lên phía trước của trường tri thức?

Đúng vậy, họ sẽ can thiệp bằng cách tra cứu các kiến thức hiện có. Nghiên cứu về Trung Hoa (Trung Hoa Học), lâu nay ẩn nấp trong những ảo tưởng thoải mái về một Châu Á vĩnh hằng, sẽ bị các giáo sư đến từ Châu Á biến đổi, những người xem tư tưởng Trung Hoa như là một tư tưởng hiện đại và sống động. Còn Said, đã dạy ở đại học Columbia từ những năm 1960, sẽ là người phát ngôn của một phong trào mà ông không phải là người khởi xướng. Trong quyển sách chính của ông, Đông Phương Luận được xuất bản năm 1978, ông tố giác một nền văn học đã hạ thấp một cách có hệ thống tiếng nói của người phụ nữ, của các người Phương Đông, của các thiểu số. Đặc biệt, Said truy xét lại quyển Ký Sự về Phương Đông của Flaubert: câu chuyện của Flaubert với một cô gái mại dâm ottoman chỉ cho ta nghe tiếng nói của một người đàn ông Âu Châu hoàn toàn chiếm hữu môt người phụ nữ Phương Đông, với ý nghĩa toàn diện của từ này: đó là một sự thống trị trong đó tiếng nói của người A Rập bị hạ thấp. Với quyển Đông Phương Luận, Said trở thành một trong người bảo trợ cho cuộc đấu tranh hậu thực dân.
Những nhà tư tưởng hậu thực dân đã dựa trên các tác giả Tây Phương để xây dựng sự phê phán Phương Tây của họ. Họ làm như thế nào để xử lý mâu thuẫn này?
Fang Dongmei (1899-1977)
Mou Zongsan (1909-1995)
Những nhà tư tưởng Tân Khổng giáo đầu tiên, như Fang Dongmei hay Mou Zongsan, đã nghiên cứu Kant, Hegel và Bergson; ở Mỹ những người kế tục họ sẽ tranh luận với Rawls, Rorty hay Taylor. Said đã lấy lại ý của Foucault khi ông xác định những tác dụng của quyền lực ngay trong các văn bản. Spivak dựa trên Derrida và ý niệm “lấy dương vật làm trung tâm” của ông ấy để kết nối nghiên cứu hậu thực dân và thuyết nữ quyền. Trong những năm 1950 và 1960 các nhà tư tưởng về trào lưu phi thực dân hóa đã nghĩ rằng có thể xóa bỏ hoàn toàn các truyền thống của tư tưởng Tây Phương. Mười năm sau, thế hệ hậu thực dân đã phải nhìn nhận môt điều: xây dựng môt tư tưởng chỉ là sự đảo ngược của tư tưởng của Phương Tây là hoàn toàn không có ý nghĩa. Said sẽ là nhà lý thuyết lớn của sự lai tạp này. Spivak thì tỏ ra ít tinh vi hơn khi bà cố gắng cắt đứt mọi sự liên hệ với chủ nghĩa nữ quyền Tây Phương hay với phần lớn lý thuyết gia Pháp đương đại … nhưng cũng không thành công hoàn toàn như chính bà ấy đã thú nhận …
Bằng chứng của sự lai tạp này chính là việc các nhà Tân Khổng giáo đã lấy lại ý tưởng về sự phổ quát mà họ tách ra khỏi triết lý của Thời Khai Sáng …
Henry Rosemont (1934-)
Ranajit Guha (1922-)
Vào đầu thế kỷ XX, tư tưởng Khổng giáo, vốn đã là ý thức hệ của Trung Hoa trong suốt hai nghìn năm, đã sụp đổ cùng với đế chế. Những nhà tư tưởng Tân Khổng giáo lưu vong đã cố gắng dung hòa sự sáp nhập vào một thể chế chính trị và văn hóa xuất xứ từ Phương Tây với một hình thái của sự trung thành với chính bản thân và với truyền thống. Dưới thời nhà Thanh, Khổng giáo đã chủ trương một nền đạo đức bảo thủ, chống lại phụ nữ và chính đáng hóa cho quyền lực đương thời. Ngược lại, bắt đầu từ những năm 1970 và 1980, những giáo sư đại học Mỹ gốc Hoa, những người thật sự theo chủ nghĩa tự do, đã muốn chứng minh rằng Khổng Giáo có thể tương hợp với nền dân chủ và các quyền con người. Trong số những người này, sử gia Julia sẽ khai quật tư tưởng của Mạnh Tử (thế kỷ IV trước Công Nguyên), môn đệ của Khổng Tử được biết đến nhiều nhất, người đã lý thuyết hóa sự chống đối chế độ chuyên chế. Nhưng những giáo sư này lại đi xa hơn nữa: Khổng giáo có thể trở thành một thuyết phổ quát mới. Họ lật ngược diễn ngôn của Phương Tây vốn khẳng định: ta có thể vừa là người Trung Hoa vừa theo thuyết của Rousseau, ta có thể là người Ấn Độ và theo chủ nghĩa Cộng Sản. Họ đáp trả: ta có thể là người sống ở New York và là môn đệ của Khổng Giáo. Điều đó có thể có thật: triết gia Henry Rosemont, một giáo sư da trắng hoàn toàn không có gốc gác Á Châu nào, lại tự xưng là theo Khổng Giáo. Thuyết Tân Khổng Giáo, khi khẳng định một mối liên hệ mang tính tập thể hơn với thế giới và vũ trụ, đã xuất hiện đúng lúc, khi mà Phương Tây bắt đầu xét lại những sự lệch lạc của mình: một chủ nghĩa cá nhân điên cuồng, những sự bất bình đẳng có thể làm nổ tung mọi thứ, sự tàn phá thiên nhiên …. Dù họ là người A Rập, Ấn Độ hay là Trung Hoa, những trí thức hậu thực dân muốn truy cứu những vấn đề nan giải của tư tưởng Tây Phương vốn đã cho rằng những phạm trù của nó mang tính tổng quát từ quá lâu rồi.
Cho thấy những gì mà những trí thức hậu thực dân nợ Phương Tây, như ông đã làm, phải chăng là làm giảm đi sự đóng góp của họ cho lịch sử tư tưởng?
Dipesh Chakrabarty (1948-)
Ngược lại, điều đó khuyến khích chúng ta phải thận trọng và cho thấy rằng không thể thoát khỏi sự thống trị của Phương Tây một cách dễ dàng. Sử gia Dipesh Chakrabarty, giáo sư ở trường đại học Chicago, người đã thể hiện mạnh nhất ý chí để biến Châu Âu thành một tỉnh lẽ (trên phương diện tư tưởng), như ông đã tuyên bố trong quyển sách của ông, cũng đã cho thấy rằng không dễ gì mà ta có thể loại bỏ một sự không đối xứng như vậy, thậm chí ông cũng đã viết rõ ràng rằng tư tưởng Phương Tây vẫn còn cần thiết trên nhiều phương diện.
Có một lập luận cổ điển thường được đưa ra chống lại các nhà tư tưởng hậu thực dân: lập trường của họ khó có thể giữ vững…
Trong những năm 90, đã có một số trí thức của Thế Giới Thứ Ba tố cáo họ là những “trí thức mại bản” (giống như những nhà tư sản bản địa làm giàu nhờ những mối quan hệ của họ với những kẻ thực dân). Những kẻ lưu vong này hoàn toàn không còn bất cứ sự tiếp xúc nào với thế giới gốc của họ để chiếm được những vị trí tốt ở các trường đại học ưu tú nhất. Sự phê phán này đã được lặp lại ở Pháp, đôi khi một cách hơi hợp thời. Những trí thức hậu hiện đại đều ý thức việc này, nhưng đối với nhiều người, cuộc chơi không cân xứng này vẫn đáng được chơi: từ nước Mỹ, tiếng nói của những kẻ hạ đẳng lần đầu tiên được lắng nghe.
Phạm Như Hồ dịch
Print Friendly and PDF