27.11.18

Hai nhà kinh tế đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu (1): Vấn đề biến đổi khí hậu và cách nhìn vấn đề của các nhà kinh tế


VẤN ĐỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ CÁCH NHÌN VẤN ĐỀ CỦA CÁC NHÀ KINH TẾ

Roger Guesnerie là Giáo sư tại trường College de France từ năm 2000 và là giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu cao cấp về khoa học xã hội. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Kinh tế Paris. Các ấn phẩm của ông, bao gồm rất nhiều bài báo và tác phẩm, liên quan đến một phổ rộng các chủ đề về lý thuyết và chính sách kinh tế. Về vấn đề khí hậu, ông là tác giả của một báo cáo cho Hội đồng phân tích kinh tế, “Kyoto et l’économie de serre [Kyoto và nền kinh tế nhà kính]” (La Documentation française, 2003) và nhiều tác phẩm khác bao gồm Combattre l’effet de serre nous mettra-t-il sur la paille? [Liệu việc chống lại hiệu ứng nhà kính có làm cho chúng ta nghèo hơn không?] (Le Pommier, 2005), The Design of Climate Policy [Thiết kế chính sách khí hậu], đồng chủ biên với H. Tulkens (MIT Press, 2008) và các bài viết chuyên môn khác.
Nicholas Stern là “Giáo sư [IG Patel Professor] về Kinh tế học và Chính phủ” tại trường Kinh tế London và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường. Ông đã từng là giáo sư và nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford, đại học MIT, Đại học Bách khoa Paris, tại Warwick, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và tại Viện thống kê Ấn Độ. Trong giai đoạn 2009-2010, ông là giáo sư giảng dạy hàng năm chương trình “Phát triển bền vững: Môi trường, Năng lượng và Xã hội” của Trường Collège de France của Pháp. Ông cũng đã từng là kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và của Ngân hàng Thế giới, và sau đó là giám đốc phụ trách các dịch vụ kinh tế của chính phủ Anh (2003-2007). Ông đã chủ biên công trình nghiên cứu về kinh tế học biến đổi khí hậu được biết đến dưới tên gọi Stern Review [Báo cáo của Stern]. Ông được phong Sir (2004) rồi Lord Stern (Baron Stern của Brentford, 2007).
Các quá trình vật lý đằng sau sự biến đổi khí hậu đã được biết đến gần hai thế kỷ qua. Năm 1827, nhà toán học và vật lý học người Pháp Joseph Fourier đã chỉ ra rằng tầng khí quyển của Trái đất đang giam hãm nhiệt độ khí hậu: nếu tầng khí quyển không tồn tại, thì Trái đất sẽ lạnh hơn rất nhiều so với hiện nay. Năm 1861, nhà vật lí học người Anh John Tyndall đã nhận diện các chất khí đang giam hãm nhiệt độ khí hậu trong khí quyển, và vào năm 1896 nhà hóa học người Thụy Điển Swante Arrhenius đã tính toán hiệu ứng tiềm tàng của nhiệt độ khí hậu của trái đất khi nồng độ khí nhà kính tăng gấp đôi trong khí quyển.
Hiểu Vật lí học về sự biến đổi khí hậu là điều khá đơn giản: một số chất khí (như CO2, N2O, CH4, v.v.) có thể cản trở đường đi của các sóng bức xạ hồng ngoại. Năng lượng nhận được từ không gian bị mắc kẹt một phần, gây ra một sự gia tăng nhiệt độ khí hậu với một ảnh hưởng có tính quyết định đến khí hậu.
* * *
Hầu hết các hoạt động thường nhật của con người đều có kéo theo, trực tiếp hoặc gián tiếp, việc phát thải khí nhà kính. Các nước phát triển (có 1 tỷ người dân trên 7 tỷ người dân sống trên Trái đất) chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải trong quá khứ, và trong phạm vi của một nước, những nước giàu nhất thường phát thải khí nhà kính nhiều hơn những người nghèo nhất. Khoảng hai phần ba lượng khí thải trên toàn cầu gắn liền với việc sản xuất và sử dụng năng lượng và một phần ba còn lại liên quan đến việc phá rừng và sản xuất nông nghiệp. Tại Pháp, lượng khí thải phát sinh từ việc sản xuất năng lượng (ít hơn 20%, một tỷ lệ nhỏ so với mức độ trên thế giới), từ giao thông (một phần ba), từ sản xuất công nghiệp (khoảng 22%), phần còn lại từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư.
Nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển đã tăng từ 285 phần triệu (ppm) vào những năm 1800 lên hơn 435 ppm CO2 tương đương vào thời điểm ngày nay, phần lớn phát sinh từ quá trình công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế và việc sử dụng các chất hiđrocacbua (than, dầu hỏa, khí đốt tự nhiên) kèm theo. Từ năm 1930 đến năm 1950, mức nồng độ đã tăng khoảng 0.5 ppm mỗi năm; từ năm 1950 đến năm 1970 khoảng 1 ppm mỗi năm; từ năm 1970 đến năm 1990 là 2 ppm mỗi năm; và trong thập niên cuối là 2,5 ppm mỗi năm.
Ngày nay, nước phát thải khí lớn nhất là Trung Quốc, theo sau là Hoa Kỳ, rồi đến Liên minh châu Âu, Indonesia, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong vòng 20 năm tới, các nước đang phát triển sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong sự gia tăng tổng lượng khí thải. Đến năm 2050, hành tinh có thể có 9 tỷ người, trong đó có 8 tỷ người sẽ sống ở các nước đang phát triển hiện nay.
Những rủi ro của sự biến đổi khí hậu là gì?
NICHOLAS STERN (NS): Nếu không thay đổi bất cứ điều gì vào diễn tiến hiện tại của lượng khí thải nhà kính, thì sẽ có nhiều khả năng xảy ra những sự kiện thảm khốc. Bằng lòng với tâm lý “mọi việc đâu sẽ vào đấy”, thì từ từ, nếu muốn nói như vậy, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Như đã nêu trong lời giới thiệu của phần này, nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển hiện nay đã tăng vào khoảng 435 phần triệu (ppm) điôxít cacbon tương đương (CO2e)[1]. Nếu không thay đổi bất cứ điều gì trong hành vi của chúng ta trong vòng 100 năm tới, thì mức nồng độ này được dự kiến sẽ tăng ít nhất là 300 ppm, để đến cuối thế kỷ 20 sẽ tăng đến ít nhất 750 ppm CO2e, thậm chí nhiều hơn nữa. Ở mức nồng độ này, nhiệt độ khí hậu sẽ có khoảng một khả năng trên hai vượt quá 5°C mức nhiệt độ khí hậu trong thời kỳ tiền sản xuất công nghiệp. Mức nhiệt độ khí hậu cao hơn 5oC sẽ dẫn chúng ta đến một mức nhiệt độ khí hậu chưa từng có từ 30 triệu năm qua, và, tất nhiên, người thông thái [Homo sapiens], mới chỉ hiện diện trong khoảng 250.000 năm, chưa bao giờ đương đầu với một sự gia tăng nhiệt độ khí hậu như vậy. Để hình dung những gì mà thế giới sẽ ra sao, cần phải nhớ rằng những hiệu ứng về sự sống và về chất diễn ra chủ yếu thông qua nước, và điều đó xảy ra bằng cách này hay cách khác – thác lũ, lụt lội, hạn hán, sa mạc hóa, giông bão, mực nước biển tăng.
Để cố gắng hiểu được tầm quan trọng của sự biến đổi khí hậu sẽ thắng thế trong một thế giới mà nhiệt độ khí hậu sẽ tăng 5oC, so với nhiệt độ khí hậu hiện tại, chúng ta có thể trở lại tìm hiểu những gì đã xảy ra trong một tình huống đối xứng và quan sát những gì mà sự biến đổi khí hậu đã gây ra trong giai đoạn của kỷ băng hà cuối cùng, khi nhiệt độ khí hậu xuống dưới 5oC so với mức hiện tại. Đơn giản là địa lý của hành tinh thời đó không liên quan gì hết đến địa lý của hành tinh ngày nay: vào thời bấy giờ, Vương quốc Anh và miền bắc nước Pháp là những vùng thưa dân, gần như không có người ở; hầu hết con người đều sống ở những vùng gần với đường xích đạo. Nền văn minh của chúng ta chỉ mới bắt đầu phát triển sau khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc, cách nay 8.000 năm. Sự định cư của con người và đặc biệt là hoạt động nông nghiệp diễn ra sau kỷ băng hà. Kể từ 8.000 năm nay, nhiệt độ khí hậu chỉ biến động trên dưới 1,5oC. Vì vậy, trên hết cần phải thừa nhận rằng sự biến đổi khí hậu là một vấn đề về quản lý rủi ro với một quy mô hoàn toàn chưa từng có. Đặc biệt, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ, người có thể phải đương đầu với những mức tăng nhiệt độ khí hậu từ 4 hoặc 5oC. Chúng ta phải lo sợ những cuộc xung đột gay gắt, kéo dài và trên diện rộng.
Các nhà khoa học đã đề nghị mức tăng 2°C so với nhiệt độ khí hậu của Trái đất vào thế kỷ 19 như là một giới hạn mong muốn và xem các mức nhiệt độ khí hậu cao hơn mức đó là điều nguy hiểm. Một lý do chính là khi nhiệt độ khí hậu tăng cao hơn 2°C, thì nguy cơ làm đảo lộn và tác động trở lại thúc đẩy nhanh hơn hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ càng tăng mạnh hơn nữa.
ROGER GUESNERIE (RG): Tôi hoàn toàn đồng ý với phân tích của Nick. Cốt lõi của vấn đề biến đổi khí hậu là rất khó để mô tả một hành tinh Trái đất, trên đó nhiệt độ khí hậu trung bình là 5oC so với nhiệt độ khí hậu trung bình của Trái đất vào thế kỷ 19. Chúng ta có thể suy nghĩ một cách ngây ngô rằng sự khác biệt này không quá lớn, nhưng đó là một sai lầm lớn trong đánh giá: một lần nữa, sự so sánh với tình huống đối xứng, giai đoạn cuối của kỷ băng hà, cho thấy những sự đảo lộn với một cường độ khó có thể tưởng tượng được, điều mà con người chưa bao giờ phải đương đầu trước đây. Biến đổi khí hậu là một vấn đề mà trách nhiệm có thể quy cho loài người chúng ta (có nguồn gốc “từ nguyên nhân con người”, như cách nói khéo léo của các nhà khí hậu học), và đó là một vấn đề có tính nghiêm trọng đặc biệt: lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hoạt động của con người và sự bàng quan của họ trong việc xem xét một cách nghiêm túc những hậu quả của các hoạt động của mình đã đe dọa đến sự toàn vẹn của “con tàu vũ trụ Trái đất” mà tất cả chúng ta đều ở trên đó – đó không phải là chuyện nhỏ.
Liệu có không những bất định về các hiệu ứng tiềm tàng của sự biến đổi khí hậu, về mặt khoa học hoặc về mặt kinh tế?
RG: Chắc chắn là có. Còn xa mọi điều mới được hiểu một cách hoàn toàn và có những bất định về mặt khoa học, mà chúng tôi không phải là những chuyên gia trực tiếp, bởi vì chúng tôi không phải là những nhà khí hậu học. Sự hiểu biết của tôi dựa vào việc đào sâu ít nhiều những bài đọc đọc được và vào những cuộc thảo luận với người này người khác. Điều đó dẫn đến việc phân biệt sáu cấp độ bất định.
1. Cấp độ thứ nhất có một vị thế đặc biệt: chúng ta không biết được mức độ phát thải khí trong tương lai, vốn phụ thuộc vào những quyết định mà chúng ta sẽ đưa ra, vì vậy phụ thuộc vào tham vọng của các chính sách về khí hậu sẽ được triển khai trong những năm tới.
Còn năm cấp độ bất định dưới đây phản ánh sự “bất định khoa học” theo nghĩa sát sao nhất.
2. Trước tiên, mối liên kết giữa các luồng khí thải và các nguồn cung cấp khí nhà kính trong khí quyển có phần nào đó không chắc chắn, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, bởi vì hành tinh có một khả năng hấp thụ nào đó, đặc biệt thông qua các đại dương. Đây là một chủ đề mà các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu – ngay cả khi đã có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong ngắn hạn.
3. Các mô hình về khí hậu còn xa mới phù hợp hoàn toàn về cách thức mà nhiệt độ khí hậu có nguy cơ tiến hóa đối với một nguồn cung cấp khí nhà kính nhất định. Cái có liên can rõ ràng không phải là vật lí học cơ bản của hiệu ứng nhà kính, đã được biết đến từ lâu, mà là cái được gọi là sự phân tích các tác động trở lại. Sự gia tăng nhiệt độ khí hậu ở thời gian đầu, phát sinh từ một mức độ tăng nhất định của nồng độ các chất thải, đã có những hiệu ứng trở lại (những tác động trở lại mà tôi đã nói) đối với mức độ ẩm trong khí quyển và trên các bề mặt băng tuyết ở các cực trái đất và do đó [tác động trở lại] đối với các điều kiện phản chiếu của năng lượng mặt trời, hệ số phản chiếu [albédo]. Chừng ấy hiệu ứng ban đầu hẳn là điều hiểu được – nó đã lôi kéo vật lí học căn bản vào cuộc, một điều hoàn toàn rõ ràng –, thì sẽ có chừng ấy tác động trở lại rất khó để đánh giá. Đánh giá này dựa trên việc xây dựng các mô hình phức tạp lớn mô phỏng trong nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ những tiến hóa của trạng thái cân bằng của khí quyển, và vì mục đích đó sử dụng tất cả thế mạnh của tính toán tin học. Kết quả của những tính toán này, tất cả đều được thực hiện với một yêu cầu nghiêm ngặt, đều vẫn còn tương đối phân tán cho đến ngày nay. Sự phân tán của các kết quả không chỉ ra tính chủ quan của các nghiên cứu, nhưng phản ánh tính bất định của khoa học, càng mở rộng thêm phạm vi của các khả năng nghiên cứu. Với những mức khí thải nhà kính nhất định, mức độ tác động trở lại mạnh hơn so với những gì mà chúng ta đã hình dung ban đầu, sẽ tạo ra những mức tăng nhiệt độ khí hậu càng cao hơn. Sự gia tăng của mức độ thiếu chính xác của những dự đoán là nguồn gốc của điều lo lắng chứ không phải của điều an ủi.
4. Một kiểu bất định khác, là những bất định về cách thức mà những thay đổi nhiệt độ khí hậu trung bình tác động đến thời tiết trên toàn cầu cũng như tại địa phương. Hiệu ứng của một mức tăng nhiệt độ khí hậu trung bình đến “thời tiết trung bình” của hành tinh là gì? Nhưng ý nghĩa của những giá trị trung bình được đề cập là gì? Một mức tăng nhiệt độ khí hậu trung bình được biểu hiện như thế nào tại địa phương? Về mặt nhiệt độ khí hậu? Về mặt điều kiện khí hậu (phụ thuộc vào nhiệt độ khí hậu và còn vào lượng mưa, các hình thức luân phiên của mùa, v.v.)? Một lần nữa câu trả lời đến từ sự mô hình hóa khí hậu. Và, một lần nữa, có một sự phân tán nhất định các kết quả, cho thấy các kết quả đó rất nhạy cảm với một số chi tiết của các thể thức và với các giả định mà chúng ta vẫn chưa phân định được vào thời điểm này. Khí hậu nóng lên có thể có những hiệu ứng cụ thể đến thời tiết tại địa phương, điều mà chúng ta vẫn còn nắm bắt kém vào thời điểm hiện tại.
5. Ở bước kế tiếp, chúng ta không biết chính xác sự biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến lối sống của chúng ta, hành vi và phúc lợi của chúng ta. Phản ứng của con người đối với sự biến đổi khí hậu chắc chắn là điều rất khó đọc trước một cách chính xác. Vì vậy, tình trạng bất định bổ sung này phụ thuộc nhiều vào các khoa học về con người hơn là vào các khoa học tự nhiên.
6. Cuối cùng, chúng ta không tránh được những hiện tượng “bất ngờ”, trong trường hợp này là những hiện tượng bất ngờ tồi tệ, chẳng hạn như sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia,[2] hoặc tránh được những hiệu ứng thời tiết thái quá mà các hiện tượng này có thể gây ra.
NS: Điều quan trọng là phải phân biệt rõ từng cấp độ bất định đó, bởi vì các chính sách công có thể can thiệp vào từng giai đoạn [của sự biến đổi khí hậu], nhưng chắc chắn là không cùng mức độ hiệu quả hoặc cùng mức độ rủi ro. Điều được gọi là tình trạng giảm nhẹ (“mitigationtrong tiếng Anh, và “atténuation” trong tiếng Pháp) phải là hành động số một: đó là phải làm giảm lượng khí thải.
Khoa địa-công nghệ nhắm đến việc can thiệp vào các giai đoạn hai đến bốn, có nghĩa là điều chỉnh thời tiết của hành tinh sao cho một mức tăng lượng khí thải nhà kính không nhất thiết phải dẫn đến một sự biến đổi khí hậu. Một số nhà khoa học khuyến nghị, ví dụ, làm tăng khả năng hấp thụ của các đại dương. Tôi thấy điều đó hơi đáng sợ: tình trạng khí hậu khá phức tạp để chúng ta có thể kiểm soát được những nồng độ [khí thải nhà kính] kiểu như vậy. Ngoài ra, còn có những rủi ro rất nghiêm trọng phá hủy các hệ sinh thái biển và phá vỡ các cấu trúc hóa học của biển, với những hệ quả nghiêm trọng đối với con người và đối với hành tinh. Các nhà khoa học khác thì nhấn mạnh đến sự phát triển các công nghệ, cho phép chiết xuất khí nhà kính trong tầng khí quyển. Việc trồng lại rừng – với việc bơm khí carbonic thông qua cơ chế quang hợp tự nhiên – có thể có một hiệu quả đáng kể. Kỹ thuật quang hợp nhân tạo cũng có một tiềm năng. Các nhà nghiên cứu khác thì xem xét đến khả năng sử dụng khí CO2 trong việc tạo ra các loại vật liệu xây dựng. Đây là một hướng nghiên cứu quan trọng.
Cuối cùng, những chính sách [về khí hậu] được gọi là “thích ứng” liên quan tới giai đoạn thứ năm của chuỗi [biến đổi khí hậu]: đó là việc chuẩn bị trước sự biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng các đập nước, thay đổi lối sống theo cách làm cho cuộc sống mang tính chịu đựng nhiều hơn trước những hậu quả của một thời tiết khắc nghiệt hơn. Khả năng thích ứng là một vấn đề có tầm quan trọng then chốt, đặc biệt đối với những nước nghèo nhất. Thích ứng, đó chủ yếu là sự phát triển trong một môi trường khắc nghiệt hơn. Mực nước biển tăng, cường độ của các cơn bão tăng, lượng mưa lũ tại nhiều vùng tăng mạnh, các băng tuyết tan chảy và nạn phá rừng đe dọa làm cho hàng trăm triệu người dễ trở thành nạn nhân của các nguy cơ lụt lội. Ngay từ bây giờ chúng ta phải quy hoạch việc thích ứng đó, ở cấp độ quốc gia cũng như ổ cấp độ khu vực – đặc biệt ở các vùng đồng bằng ven biển có khả năng bị lũ lụt, vốn là những vùng đông dân cư.
Những người có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự biến đổi khí hậu là ai?
NS: Những nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất. Điều này xảy ra một phần là do yếu tố địa lý của họ: những nước phụ thuộc vào nguồn nước của dãy núi Hy Mã Lạp Sơn [Himalaya] bị ảnh hưởng nhiều hơn so với nước Pháp và Vương quốc Anh. Quản lý sự biến đổi khí hậu là một việc làm khó khăn hơn ở các nước đã có nhiệt độ khí hậu nóng. Lí do kế tiếp, như chúng tôi đã lưu ý, do sự biến đổi khí hậu về cơ bản là một sự nhiễu loạn của các yếu tố liên quan đến nước: bão tố, lũ lụt, hạn hán, mực nước biển tăng, v.v.. Thế mà, ở các nước đang phát triển, có rất nhiều hoạt động gắn chặt với nguồn nước – hoạt động nông nghiệp, tất nhiên, nhưng còn phải đề cập đến các hoạt động ở đô thị, mà bằng chứng là những thiệt hại mà cơn bão lốc đã gây ra tại Bombay vào năm 2005, hoặc những thiệt hại mà cơn lũ lụt đã nhấn chím Pakistan vào năm 2010. Lí do thứ ba, chúng ta thường chống đỡ tốt hơn trước những thay đổi khi đã trở nên giàu có và khi có được một trình độ học vấn cao, bởi vì điều đó cho phép chúng ta thay đổi việc làm dễ hơn, tự bảo vệ bản thân dễ hơn. Ba khía cạnh nói trên – địa lý (nguồn nước), thu nhập và trình độ học vấn, là trọng tâm của vấn đề. Nhưng cũng có một hiệu ứng đặc thù của hiện tượng nhiệt độ khí hậu: chúng ta ít có nguy cơ tử vong vì một làn sóng nhiệt độ khí hậu cao ở Pháp hơn là ở Ấn Độ, nơi mà hàng năm đều có hàng ngàn người chết vì nhiệt độ khí hậu cao vào mùa hè. Hiệu ứng biên của một sự gia tăng nhiệt độ khí hậu càng bị khuếch đại ở những nước mà nhiệt độ khí hậu đã cao sẵn.
Các tầng lớp người dân nghèo nhất của những nước giàu cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề – hãy nhớ lại những thiệt hại gây ra bởi cơn bão Katrina ở các khu dân cư dễ bị tổn thương nhất của New Orleans. Nhìn chung, mặc dù những nước nghèo nhất có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất, sự biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tất cả mọi người, dầu chỉ là vì những cuộc di dân mà nó có thể gây ra.
Làm thế nào để đánh giá các chi phí tiềm tàng của sự biến đổi khí hậu?
RG: Chúng ta có thể phân biệt ít nhất ba loại chi phí rất khác nhau về bản chất. Đầu tiên là chi phí vật chất theo đúng nghĩa [stricto sensu]: việc xây dựng các đê điều để ngăn chặn mực nước biển tăng, các tàn phá do sự gia tăng các sự kiện cực đoan gây ra, v.v.. Tiếp đến, là chi phí nhân lực. Theo một nghĩa nào đó, sự biến đổi khí hậu, trong dài hạn rất xa, có thể được xem là bị chi phối bởi một quá trình định cư của con người trên hành tinh. Quá trình này ngay từ bây giờ đã được tiến hành bởi vì, từ nay đến giữa thế kỷ, sẽ có 200 triệu người có thể phải di cư vĩnh viễn đến một nơi khác. Được tiếp diễn và mở rộng, quá trình tái định cư này có nguy cơ làm nảy sinh những tình huống căng thẳng đáng kể. Chúng ta còn có những chi phí về mặt tâm lý và tinh thần rất khó nắm bắt nhưng nặng nề: những chi phí liên quan đến những cuộc di cư bắt buộc và vì những cuộc xung đột có nguy cơ bùng nổ. Cuối cùng, nếu sự biến đổi khí hậu dẫn đến một sự xuống cấp của nhiệt độ khí hậu trung bình của hành tinh, thì hành tinh sẽ trở nên ít thân thiện hơn trên toàn cầu, một cái giá phải trả cho tất cả các thế hệ tương lai. Sự đa dạng sinh thái, ví dụ, sẽ giảm đi. Báo cáo Stern nói khá đầy đủ về các chi phí vật chất, ít hơn một chút về các chi phí phi thị trường. Thế nhưng, tôi nghĩ điều cần thiết là nhấn mạnh đến các chi phí phi thị trường, bởi vì, trong con mắt của tôi, chúng cung cấp một biện minh cơ bản cho các chính sách về khí hậu.
NS: Báo cáo Stern dành một số lớn trang cho sự phân tích các chi phí-lợi ích truyền thống; nhìn lại, tôi nghĩ báo cáo đã không dành đủ chỗ cho sự phân tích các thiệt hại phi thị trường. Ước lượng những thiệt hại phi thị trường rõ ràng là một điều khó khăn, nhưng chúng ta không vì thế mà không làm. Và các nhà kinh tế đều có các công cụ để xử lý vấn đề, bởi vì họ nghiên cứu rất nhiều về tình trạng rủi ro và bất trắc.
Trong một khuôn khổ mang tính “hệ quả luận” hoàn toàn, chúng ta nên suy nghĩ nhiều hơn về sức khỏe và cái chết. Một chút để nói về điểm cuối cùng này: nếu sự biến đổi khí hậu bị quản lý kém, thì sẽ có nhiều người chết trước tuổi. Sự kiện di cư lớn nhất mà chúng ta biết được có lẽ là sự chia cắt Ấn Độ vào năm 1947, qua đó đã có hàng triệu người chết. Kiểu di cư mà chúng ta có thể phải đối mặt có lẽ sẽ rất bạo lực; đặc biệt, như đã nói, có nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột trên thế giới, với các mức độ nghiêm trọng và kéo dài. Suy nghĩ về những vấn đề này là điều khó khăn đối với tất cả mọi người, kể cả đối với các nhà kinh tế. Mặt khác, sự biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi tình thế (theo hướng tiêu cực) và làm hỏng những điều kiện y tế nói chung mà các quần thể dân số hiện nay đã quen.
Nhìn lại, tôi nghĩ rằng báo cáo Stern cũng đã đánh giá thấp những rủi ro. Sự gia tăng khí thải ngày nay đã diễn ra nhanh hơn so với giả định của chúng ta, sự hấp thu khí nhà kính đã diễn ra ít hơn, và điều đáng tiếc là những hiệu ứng của sự biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhanh hơn so với dự kiến. Nạn phá rừng đang gia tăng ở một số nước chủ chốt, ngược lại với những tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây.
Khi tìm cách định giá những đau khổ mà sự biến đổi khí hậu có thể mang lại, liệu có chạm đến các giới hạn của phương pháp luận kinh tế không?
NS: Ông nói đúng: thay vì tập trung trước hết vào việc định giá thị trường và bằng mọi giá tìm cách định lượng những hệ quả của sự biến đổi khí hậu trên GDP trong tương lai – một thao tác gợi lên một năng lực có phần ảo tưởng để đo lường một cách chính xác – đối với tôi có lẽ nên bắt đầu từ những nguy cơ, mô tả chúng một cách tốt nhất, và tự hỏi làm thế nào để có thể làm giảm những nguy cơ đó. Các vùng thuộc miền Nam châu Âu, ví dụ, có thể trông giống như sa mạc Sahara, buộc các cư dân của họ phải di cư đến một nơi khác. Chúng ta phải tự hỏi các cuộc di cư với một cường độ như vậy sẽ trông giống điều gì? Những xáo trộn có liên quan là gì? Những chính sách giúp làm giảm những nguy cơ có liên quan là gì?
Sự biến đổi khí hậu đe dọa các khía cạnh cơ bản của cuộc sống: hoạt động nông nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn nước, môi trường.
Hoạt động nông nghiệp, trước tiên. Tất nhiên, trong ngắn hạn, sự biến đổi khí hậu có thể có một hiệu ứng tích cực nhẹ đến hoạt động nông nghiệp của một số nước phát triển. Nhưng, khi mà nhiệt độ khí hậu tăng 1,5oC so với nhiệt độ khí hậu vào thời tiền sản xuất công nghiệp, thì sản lượng nông nghiệp sẽ giảm đáng kể tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Khi nhiệt độ khí hậu tăng cao hơn 3oC, thì tất cả các nước sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tượng axit hóa của các đại dương có thể xuất hiện rất nhanh và đe dọa cuộc sống biển, với những hệ quả nghiêm trọng đối với thực phẩm: cá là nguồn protein động vật chính cho một tỷ người. Chúng ta đã thấy sự di cư của các quần thể cá và sự gia tăng những căng thẳng đi liền theo giữa các quốc gia có liên quan.
Tiếp đến, là khả năng tiếp cận nguồn nước: trên mức gia tăng thêm 2oC của nhiệt độ, các nguồn nước sẽ khan hiếm đi ở rìa xung quanh Địa Trung Hải. Mực nước biển tăng: trên mức gia tăng 4,5oC của nhiệt độ, mực nước biển tăng sẽ đe dọa những thành phố lớn như Maputo, thủ đô của Mozambique, hoặc Rotterdam, hoặc nhiều thành phố giàu hay nghèo khác trên thế giới.
Đối với những hiệu ứng về môi trường, chúng ta đã cảm nhận được điều đó với sự xuống cấp của các rạn san hô. Với sự nóng dần của nhiệt độ khí hậu, một lượng lớn các loài có thể biến mất; tần suất và cường độ của các cơn bão có nguy cơ tăng lên, giống như với tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng, hạn hán, lũ lụt và những đợt nóng. Nếu chúng ta không đoạn tuyệt với tâm lý “mọi việc đâu sẽ vào đấy”, thì nhiệt độ khí hậu có thể cao hơn từ 4°C đến 5°C từ nay đến cuối thế kỷ 21. Ở mức nhiệt độ khí hậu này, sự biến đổi khí hậu sẽ mang tính phá hoại sâu sắc.
Viện Khí tượng Anh (Hadley Centre) đã mô phỏng những hệ quả sẽ xảy ra ở cấp khu vực của một thế giới có nhiệt độ khí hậu trung bình cao hơn 4°C. Trong một số khu vực, nhiệt độ khí hậu có thể cao hơn nhiều (10oC hoặc cao hơn nữa); nhiệt độ khí hậu tại Bắc Cực có thể lên đến 15°C do hiệu ứng tích lũy của sự tan chảy băng tuyết (hấp thu nhiều bức xạ mặt trời hơn). Nhiệt độ khí hậu tại các vùng Tây và Nam Phi sẽ rất cao (lên đến +10oC) và thời tiết sẽ khô cạn, lượng mưa có thể giảm đến 20%, cũng như ở vùng Trung Mỹ, trong vịnh Địa Trung Hải và tại một số vùng duyên hải của Úc. Tại các khu vực khác, ngược lại, như ở Ấn Độ, lượng mưa có thể tăng lên đến 20%, làm tăng đáng kể nguy cơ ngập lụt, làm đảo lộn chu kỳ gió mùa và dòng chảy của các con sông thuộc dãy núi Himalaya.
Khi các quốc gia châu Âu thành lập Cộng đồng than và thép châu Âu, rồi Cộng đồng kinh tế châu Âu và cuối cùng là Liên minh châu Âu, thì động lực chính của họ là nhằm tránh sự lặp lại của những bi kịch của hai cuộc chiến tranh thế giới và của cuộc Đại suy thoái; và, trên diện rộng hơn, để kết thúc nhiều thế kỷ xung đột quân sự bạo lực trên lục địa. Liệu người châu Âu có tìm cách định lượng chi tiết những thiệt thại về mặt phúc lợi gây ra bởi một cuộc chiến tranh thế giới hoặc một cuộc suy thoái kinh tế chưa? Hay họ đã chẳng nói: “Sự bất lực của chúng ta trong việc hợp tác và lường trước những hiểm họa đã gây những hậu quả quá tai hại nên chúng ta nhất thiết phải thay đổi”? Chúng ta cần phải lập luận giống như vậy về sự biến đổi khí hậu, và tự hỏi: “Chúng ta cần phải đầu tư bao nhiêu? Chúng ta sẽ phải trả giá bao nhiêu nếu hành động khác đi?”
Tôi thích mô hình hóa nền kinh tế có sự tăng trưởng điều độ về các-bon, suy nghĩ về những đặc điểm của mức độ phát triển trong tương lai và những cách thức để đạt được điều đó, hơn là chỉ tìm cách ứng dụng một phân tích “chi phí-lợi ích” hạn hẹp. Phân tích này đòi hỏi việc đánh giá chi phí các sự kiện mang tính rất bất định, khó hoặc không thể xác suất hoá được, những điều mà chúng ta chưa bao giờ từng trải. Các nhà kinh tế được trang bị quá kém để làm điều đó; vả lại những nhà kinh tế bằng lòng với kiểu phân tích này thì lại bỏ qua những yếu tố quan trọng, dẫn họ đến việc đánh giá thấp một cách đáng kể những hậu quả của sự biến đổi khí hậu.
Trái lại, mô hình hóa sự tăng trưởng có điều độ về các-bon trông giống nhiều hơn với những gì mà chúng ta đã quen. Đó là việc nghiên cứu nhiều phương thức sản xuất khác nhau, sự tiến bộ kỹ thuật, sự thay thế một nhân tố này bằng một nhân tố khác: chúng ta đã có kinh nghiệm. Làm thế nào để tất cả mọi người xem xét những lợi ích của sự hợp tác? Chúng ta phải thành lập những kiểu định chế nào? Làm thế nào để thúc đẩy một kiểu tăng trưởng kinh tế mới? Để trả lời cho những câu hỏi này, cần phải huy động tất cả các ngành của khoa học kinh tế: các lý thuyết về nghiên cứu và triển khai, về sự tăng trưởng, về tổ chức công nghiệp; kinh tế học địa lý, lịch sử kinh tế, kinh tế học tài chính, kinh tế học quốc tế, lý thuyết trò chơi... Chúng ta phải hiểu rằng sự tăng trưởng có điều độ về các-bon có thể là một cuộc cách mạng công nghiệp mới; do đó nghiên cứu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là một điều cần thiết.
Những lý do vì sao chúng ta phải sử dụng thuật ngữ “cuộc cách mạng công nghiệp về năng lượng” thuộc về quy mô và tầm quan trọng của sự thay đổi cần thiết. Để có một cơ may hợp lý (ví dụ 50-50) cho việc giữ gia tăng nhiệt độ khí hậu ở mức 2°C, chúng ta cần phải làm giảm lượng khí thải hiện tại từ 50 tỷ tấn CO2e xuống 20 tỷ tấn vào năm 2050 – một tỷ lệ giảm với một hệ số là 2,5. Vì vậy, nếu những gì được sản xuất tăng theo một hệ số là 3 trong vòng 40 năm tới, thì lượng khí thải trên một đơn vị sản xuất phải giảm theo một hệ số là 7 hoặc 8 [3.(2,5)]. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng một sự thay đổi căn bản trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chính và các khu vực trọng điểm.
Khi mô hình hóa sự tăng trưởng có điều độ về các-bon, chúng ta vẫn nằm trong khuôn khổ của tư tưởng “hệ quả luận”, là tư tưởng của các nhà kinh tế. Đó vẫn là sự phân tích “chi phí-lợi ích” – nhưng lần này theo nghĩa rộng. Vì chính sự phân tích “chi phí-lợi ích” theo nghĩa hẹp – một sự phân tích không xem xét tất cả các tính đặc thù của sự tăng trưởng có điều độ về các-bon – mới là vấn đề. Phân tích theo nghĩa rộng mà tôi ủng hộ cần đến những cách nhìn chéo khác nhau của một đa tạp những mô hình nhỏ, làm sáng tỏ bản chất của chi phí và lợi ích trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu.
RG: Lôgic kinh tế học chuẩn, lôgic của phép tính “chi phí-lợi ích” truyền thống, dù sao vẫn đưa ra những lập luận đúng đắn cho một chính sách cương quyết về khí hậu, một khi mà chúng ta xem xét một cách đúng đắn chiều kích phi thị trường của hiện tượng. Cách đo lường thông thường của chúng ta về phúc lợi, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thiên nặng về sự định giá các tài sản vật chất và thị trường. Nếu quan tâm đến tổng phúc lợi của con người, chứ không phải chỉ riêng phúc lợi vật chất, thì hạch toán kinh tế sẽ dẫn đến việc đánh giá cao hơn việc phòng giữ “chất lượng” của hành tinh. Thử lấy một thế giới được đơn giản hóa, trong đó chỉ có hai sản phẩm – một sản phẩm tiêu dùng tiêu chuẩn và một sản phẩm môi trường. Trong khuôn khổ này, sự chú ý vào chất lượng môi trường bị sự biến đổi khí hậu đe dọa sẽ dẫn đến việc soi kỹ, dưới ngọn đuốc của hạch toán kinh tế, điều mà chúng ta gọi, theo thuật ngữ kỹ thuật, là một hiệu ứng “giá tương đối”: giá cả (hoặc giá trị xã hội) của sản phẩm “môi trường”, mà số lượng mang tính ít nhiều cố định, tăng một cách tương đối theo giá của sản phẩm chuẩn, mà tính sẵn có tăng theo thời gian. Hiệu ứng này ngăn cản việc đánh giá thấp tương lai, mà việc sử dụng một tỷ suất hiện tại hoá cao góp phần vào.
Khái niệm hiện tại hoá
Trong kinh tế học, hiện tại hoá là quá trình mà theo đó người ta điều chỉnh giá trị của một tài sản tương lai để có thể so sánh nó với giá trị của tài sản đó nếu nó có sẵn để dùng vào thời điểm hôm nay. Trong khuôn khổ phân tích “chi phí-lợi ích”, các nhà kinh tế đã cầu viện đến phương pháp hiện tại hoá để có thể so sánh được những chi phí và lợi ích ở nhiều thời điểm khác nhau. Tính toán giá trị hiện tại của chi phí và lợi ích trong tương lai, là tính toán giá trị của chi phí và lợi ích vào thời điểm hôm nay nhưng sẽ chỉ biểu hiện ra trong tương lai.
Nhân tố hiện tại hoá, theo định nghĩa, là tỷ số giữa giá trị của một đơn vị bổ sung của một sản phẩm trong tương lai và giá trị của một đơn vị bổ sung của sản phẩm đó vào thời điểm hôm nay. Ví dụ, nếu một tài sản có giá trị là 1, nếu có sẵn để dùng vào thời điểm hôm nay và có giá trị là 0,98 nếu có sẵn để dùng vào năm tới, thì hệ số hiện tại hoá là 0,98.
Tỷ suất hiện tại hoá là tỷ suất mà hệ số hiện tại hoá giảm theo thời gian. Trong ví dụ trên, tỷ suất hiện tại hoá giữa năm nay và năm tới là 2%. Điều quan trọng cần lưu ý là tỷ suất hiện tại hoá của một sản phẩm không nhất thiết phải giống với tỷ suất hiện tại hoá của một sản phẩm khác, tỷ suất hiện tại hoá không nhất thiết phải cố định theo thời gian, và không nhất thiết phải giống nhau đối với mọi người. Không có một tỷ suất hiện tại hoá, mà chỉ có các tỷ suất hiện tại hoá (đây là hiệu ứng “giá tương đối” được đề cập trong cuộc tranh luận).
Nếu thu hoạch táo của chúng ta thấp vào thời điểm hôm nay và chúng ta tin rằng sẽ thu hoạch nhiều hơn trong tương lai, thì được thêm một quả táo hôm nay có giá trị cao hơn là được thêm một quả táo trong tương lai: chúng ta có thể hiện tại hoá theo tỷ suất cao. Ngược lại, nếu chúng ta thu hoạch nhiều lê hơn vào thời điểm hôm nay và tin rằng thu hoạch lê sẽ khan hiếm trong tương lai, thì được thêm một quả lê thu hoạch hôm nay không có giá trị nhiều so với được thêm một quả lê trong trong tương lai: chúng ta có thể hiện tại hoá theo theo tỷ suất thấp, thậm chí theo theo tỷ suất âm. Trong trường hợp này, giá trị tương đối của táo so với lê thay đổi theo thời gian.
Tương tự như vậy, khi càng nghĩ rằng chúng ta sẽ giàu có trong tương lai, thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ hiện tại hoá theo tỷ suất cao; khi càng nghĩ rằng chúng ta sẽ nghèo trong tương lai, thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ hiện tại hoá theo tỷ suất thấp. Những tác nhân cận thị có thể hiện tại hoá tương lai đơn giản chỉ vì đó là tương lai, hoàn toàn độc lập với mọi cân nhắc về sự giàu có: đó là sự hiện tại hoá phát sinh từ sở thích thuần túy đối với hiện tại.
Sự hiện tại hoá theo tỷ suất cao “đè bẹp” tương lai: điều này có nghĩa là coi nhẹ tương lai hơn hiện tại. Ví dụ, với một tỷ suất hiện tại hoá bằng 10%, thì việc chi ra 1 euro vào thời điểm hôm nay để chống lại sự biến đổi khí hậu là điều chính đáng, nếu khoản chi này có khả năng mang lại 14.000 euros trong 100 năm tới! Với một tỷ suất hiện tại hoá bằng 2%, thì việc chi ra 1 euro vào thời điểm hôm nay là điều chính đáng, nếu khoản chi này có khả năng mang lại cho dù là 7,30 euros trong 100 năm tới. Việc lựa chọn một tỷ suất hiện tại hoá đúng đắn là một điều tế nhị. Một tỷ suất hiện tại hoá quá cao sẽ hy sinh những lợi ích của các thế hệ tương lai. Một tỷ suất hiện tại hoá quá thấp sẽ dẫn các thế hệ hiện tại đến những hy sinh vô cớ về mặt kinh tế.
Vì vậy, ngay cả khi các thế hệ tương lai được trang bị tốt hơn chúng ta về sản phẩm tiêu dùng, thì vẫn đáng để chúng ta đầu tư vào môi trường ngay từ hôm nay để để lại cho chúng một hành tinh ở tình trạng tốt hơn. Đặc biệt, lập luận mà tôi vừa nêu đã làm thất bại một ý kiến bác bẻ rất thường được nêu lên để chống lại hành động về khí hậu: tại sao chúng ta phải hy sinh cho con cháu của chúng ta, những người sẽ giàu hơn chúng ta rất nhiều? Hơn nữa nếu không chắc rằng con cháu chúng ta sẽ giàu hơn chúng ta, thì ngay cả trong trường hợp này, hành động có nhiều khả năng để chúng biết ơn chúng ta, đó là di sản của một hành tinh có chất lượng tốt. Môi trường có lẽ là điều quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn gấp nhiều lần, đối với chúng hơn đối với chúng ta. Vì vậy, việc để lại cho chúng một môi trường có chất lượng tốt là hành động có ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể làm được –một hành động có mối quan hệ chất lượng-giá cả tốt nhất. Đương nhiên lập luận này, về cơ bản mang tính rất truyền thống, chỉ có giá trị nếu chúng ta bổ sung thêm những cân nhắc về mặt đạo đức: nếu các bạn không quan tâm đến những gì sẽ xảy ra trên hành tinh này trong một thế kỷ tới, thì sẽ rất khó để có thể thuyết phục các bạn để lại một hành tinh có chất lượng tốt cho những con cháu mà các bạn không quan tâm. Nhưng sự kết hợp của chiều kích đạo đức và lôgic của diễn biến giá tương đối là một biện minh kinh tế trọng tâm cho một chính sách nhanh chóng và to lớn về khí hậu.
Lôgic kinh tế cơ bản dư để biện minh cho việc chúng ta tìm cách tránh gây nguy hại cho hành tinh. Đó là điều may mắn, như chúng ta thường nói, nhưng chúng ta có thể tiến xa hơn: việc khai phá những mô hình đã được đơn giản hóa gợi cho tôi ý kiến là hành động tối ưu của ngày hôm nay, được tính theo điểm phần trăm của GDP, nên đi xa hơn những gì mà chúng ta đang làm trong hiện tại và những gì được dự tính sẽ làm trong ngắn hạn hoặc trung hạn.
NS: Cần lưu ý rằng khí thải nhà kính là điều mà các nhà kinh tế gọi là một “ngoại ứng”[3] và như vậy, là một nguồn tiềm tàng của những gì được xem như là một “thất bại của thị trường”, có nghĩa là tình trạng cân bằng “không hiệu quả”, một lần nữa theo nghĩa của thuật ngữ đó đối với các nhà kinh tế. Do vậy, khi tăng những hoạt động phát sinh ít khí thải và khi giảm những hoạt động có nhiều khí thải, chúng ta có thể hạn chế hiệu ứng tiêu cực đối với thế hệ hiện tại, và cải thiện phúc lợi của các thế hệ tương lai. Đây là điều được gọi là một sự cải thiện theo nghĩa Pareto – mà sự biện minh không đòi hỏi phải cầu viện nhiều đến vấn đề đạo đức hoặc hiện tại hoá.
Liệu có nên chờ cho những bất định giảm xuống trước khi bắt đầu cuộc chiến chống lại sự sự biến đổi khí hậu không?
RG: Dĩ nhiên đó không phải là kết luận mà tôi vừa gợi ý, vả lại kết luận ấy cũng dựa trên những lập luận có xem xét đến tình trạng bất định. Tình trạng bất định chắc chắn không làm giảm những lý do để hành động; trái lại nó còn làm tăng thêm lý do. Đầu tiên, bởi vì con người không thích sự rủi ro. Kế đến, vì những lý do mà nhiều phiên bản khác nhau của “nguyên tắc thận trọng” cố diễn tả, một cách không được khéo léo lắm: muốn tránh các thảm họa, các “thiệt hại không thể phục hồi đối với môi trường” – thậm chí với xác suất khá thấp – biện minh cho việc cần phải hành động sớm. Việc cho rằng điều tồi tệ nhất là điều không chắc chắn xảy ra không dẫn đến kết luận là không nên làm gì hết!
Hãy nghĩ đến một người lái xe trên đỉnh của một đường đèo vào mùa đông; người ta đã cảnh báo họ về sự hiện diện của một váng băng ở khúc quanh thứ ba trên đường đỗ đèo. Người bình thường sẽ gim tốc độ lại... Bây giờ hãy thử giả sử người lái xe không chắc chắn lắm nhưng ước lượng một cách hợp lý, dựa trên các thông tin mà anh ta có được, rằng sẽ có 70% cơ hội tìm thấy một váng băng nguy hiểm trên đường đi của mình. Lí lẽ thông thường mách bảo anh ta cần phải phản ứng như thể gần như chắc chắn rằng váng băng đang tồn tại. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với một tính toán kinh tế được nhận thức rõ để hỗ trợ cho quan niệm chính sách về khí hậu, tình trạng bất định sẽ củng cố lập luận theo hướng có lợi cho một hành động được triển khai sớm.
NS: Nếu phân tích rõ tất cả các thiệt hại, mang tính hàng hóa và phi hàng hóa, thì rõ ràng là chúng ta phải hành động ngay lập tức chống lại sự biến đổi khí hậu.
Trước tiên, để bổ sung cho điều vừa được nói, môi trường không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng mà còn là một nhân tố sản xuất. Chúng ta có nguy cơ tạo ra một môi trường, không chỉ tước đoạt, với tư cách là người tiêu dùng, một hành tinh trong tình trạng tốt, mà còn, hơn nữa, làm ảnh hưởng, thậm chí làm đảo lộn các điều kiện tổng quát của nền sản xuất: sự biến đổi khí hậu có thể làm một phần rất lớn của kho tư bản hữu hình và vốn con người trở thành lỗi thời;[4] việc hàng trăm triệu người di cư có thể trở nên không thể quản lý được, gây ra những thảm họa và xung đột lớn. Sự biến đổi khí hậu đã là một nhân tố đối đầu ở Darfur, nơi mà các bộ lạc du mục liên tục di chuyển để tìm kiếm những đồng cỏ tốt hơn.
Và điều hoàn toàn khá rõ, đối với tôi, là sự bất định sẽ củng cố những lập luận theo hướng có lợi cho một hành động tức thì. Việc phát thải khí nhà kính là một quá trình chủ yếu không thể đảo ngược: loại bỏ khí nhà kính trong khí quyển có thể là điều khả thi trên một quy mô nhỏ, nhưng chắc chắn là điều bất khả trên một quy mô lớn – ít nhất trong những ngân sách và những giới hạn rủi ro hợp lý. Chúng ta không biết những hệ quả khả dĩ của kĩ thuật địa-công nghệ. Vì vậy, việc chờ đợi thêm để hiểu rõ hơn tình trạng bất định là điều nguy hiểm. Trước tiên, bởi vì có một tình trạng không thể đảo ngược từ chuỗi “luồng-kho” (phát thải nồng độ). Kế tiếp, bởi vì sự bất động sẽ khóa chúng ta vào nguồn vốn và cơ sở hạ tầng với mức carbon cao, trên một lộ trình phát thải ở mức độ cao.
Nếu nước lấn chiếm đất liền, thì chúng ta chỉ có thể, trong trường hợp tốt nhất, thu hồi những vùng đất mặn, có nghĩa là những vùng đất không sử dụng được trong thời gian dài hoặc kém năng suất. Ngay cả khi không biết chính xác các hiệu ứng của hiện tượng nói trên, chúng ta cũng không thể tự cho phép sự biến đổi khí hậu kích hoạt những quá trình không thể đảo ngược.
Nếu chúng ta hành động với niềm tin cho rằng khoa học là chính xác, nhưng niềm tin này lại tỏ ra sai lầm, thì thiệt hại sẽ được giới hạn – chúng ta đã chi ra quá nhiều một chút, nhưng chúng ta cũng đã thực hiện được những khám phá thú vị; về tổng thể chúng ta có thể đã mất 1 hoặc 2 điểm phần trăm GDP. Nhưng nếu chúng ta hành động với niềm tin cho rằng khoa học khí hậu là điều sai, nhưng khoa học lại tỏ ra là chính xác, thì chúng ta sẽ là nạn nhân của những thiệt hại khủng khiếp, và khi nhận ra rằng khoa học là chính xác, thì sẽ quá muộn để quay lại! Nhưng xác suất về việc các nhà khoa học khí hậu sai lầm là thấp...
Martin Weitzman (1942-)
Các nhà kinh tế có một chút khó khăn khi xem xét đến sự bất định đặc biệt đang bao trùm sự biến đổi khí hậu. Khi suy nghĩ về tình trạng bất định trong thời gian bình thường, chúng ta nghĩ đến việc thua cược, hoặc đến một bảo đảm chống lại sự rủi ro. Trong trường hợp biến đổi khí hậu, chúng ta phải đối phó với những sự kiện cực đoan, một điều dẫn các nhà kinh tế đến tận cùng những hạn chế của bộ môn và hiểu biết của họ. Giả sử như các hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra cái chết sớm của nhiều người. Trong khuôn khổ này, sự cám dỗ xây dựng những mô hình trong đó các thiệt hại có thể tiến tới vô tận. Nhưng không có ai sẵn sàng để trả một món tiền vô hạn để tránh một tai nạn có nguy cơ gây ra cái chết với một xác suất, ví dụ, bằng 1%. Ví dụ, khi vượt quá giới hạn tốc độ, một số lái xe đứng trước một nguy cơ rất lớn, chỉ để đến nơi sớm hơn một vài phút. Những mô hình tập trung vào sự tồn tại của những mất mát tiềm tàng không giới hạn (ví dụ như một số mô hình của nhà kinh tế xuất sắc Martin Weitzman), vì thế, làm cho tôi trở nên hoài nghi – mặc dù các mô hình này tập trung, một cách chính đáng, vào ý tưởng cho rằng sự biến đổi khí hậu có nguy cơ gây ra những thiệt hại đáng kể.
David Michaels (1954-)

Cuối cùng, và trên một bình diện hoàn toàn khác, chúng ta phải nhận thức rõ cách thức mà những người vận động hành lang đang sử dụng tính bất định để phá hoại các cuộc thảo luận của công chúng. David Michaels đã viết một cuốn sách đáng chú ý (Doubt Is Their Product [Ngờ vực là sản phẩm của họ]), giải thích cách thức mà những người vận động hành lang đã sử dụng tính bất định xung quanh những hiệu ứng của thuốc lá phá hoại diễn ngôn khoa học (“họ không biết đang nói về những gì”) hoặc ủng hộ duy trì hiện trạng (“hãy chờ thêm thông tin trước khi hành động”). Cả hai chiến lược này chính xác là những chiến lược đã được sử dụng ngày nay để làm chậm lại hành động chống lại sự biến đổi khí hậu, như hai nhà sử học khoa học, Naomi Oreskes và Erik M. Conway, đã chỉ ra trong một cuốn sách mới đây (Merchants of Doubt [Những kẻ buôn sự ngờ vực][5]).
Liệu chính sách về khí hậu có nguy cơ quá đắt một cách vô ích nếu cuối cùng các rủi ro về sự biến đổi khí hậu lại ít quan trọng so với những gì mà các nhà khí hậu học đã tiên đoán không?

Svante Arrhenius (1859-1927)
RG: Hiệu ứng nhà kính đã được thiết lập một cách khoa học. Ngay cả khi chúng ta quay trở lại với cơ sở lý luận chính xác của nó, thì sự ước tính ban đầu của Arrhenius[6] khớp với những tính toán của các mô hình [biến đổi] khí hậu ngày nay, từ lúc mà các mô hình này đã cố gắng xem xét đến những tác động trở lại nổi tiếng một cách tốt nhất. Trong cộng đồng các nhà khí hậu học, đang tồn tại một sự đồng thuận rất mạnh xung quanh “lý thuyết chuẩn”, cũng như đang tồn tại, như thường lệ, một vài electron tự do với các ý kiến bất đồng. không phải là một nhà khí hậu học, và vì vậy không có ý kiến khoa học cá nhân, điều có vẻ thận trọng đối với tôi là lý luận như thể lý thuyết chuẩn đã có ít nhất 70-80% cơ hội để trở thành sự thật (biết rằng Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – IPCC [Intergouvernemental Panel on Climate Change] – cho đến hơn 90%).
Tất nhiên, như chúng ta đã thấy, vẫn còn đó một tình trạng bất định khoa học mạnh mẽ ngay trong khuôn khổ tư duy thường được chấp nhận, mà tôi gọi là “lý thuyết chuẩn”. Trong hiện trạng, xin nhắc lại, những kết quả của các mô hình khí hậu, tất cả các mô hình đều chấp nhận khung tri thức của lý thuyết này, đều vẫn có một sự bất định có ý nghĩa về sự tăng lên của nhiệt độ khí hậu, cho dù đó là nhiệt độ khí hậu trung bình hay nhiệt độ khí hậu địa phương vào cuối thế kỷ 21, có nghĩa là vào năm 2100 cho một kịch bản nhất định về lượng khí thải nhà kính. Vì vậy, chúng ta phải xem sự gia tăng nhiệt độ khí hậu này như là một biến ngẫu nhiên, mà chúng ta có thể đánh giá giá trị trung bình và phương sai.[7] Ngay cả khi không loại trừ khả năng những dự báo “lạc quan” của lý thuyết chuẩn thành hiện thực, thì lí lẽ thông thường cũng như hạch toán kinh tế cũng gợi ý nên quan tâm nhiều hơn đến những dự báo bi quan – có nghĩa là hành động phù hợp, một cách đồng bộ ngay từ ngày hôm nay.
Đối với bất kì ai biết được thực tế của cuộc tranh luận khoa học – chứ không phải là huyền thoại mà tất cả bộ máy tuyên truyền đã cố gắng truyền bá – thì ít có khả năng lý thuyết thống trị cuối cùng cũng tỏ ra là sai. Và nếu đúng như vậy thì sao? Liệu chúng ta có nên hối tiếc nỗ lực đã đồng ý bỏ ra? Có lẽ là không, bởi vì một chính sách về khí hậu được thiết kế tốt sẽ cung cấp một động lực dù sao cũng đáng mong muốn cho R&D, đặc biệt là nghiên cứu đổi mới dẫn đến sự hình thành các giải pháp thay thế cho những nhiên liệu hóa thạch đã cạn kiệt. Nói cách khác, các chính sách về khí hậu, ngoài hiệu ứng trực tiếp đến lượng khí thải, cho phép khắc phục sự bất lực của thị trường trong việc tạo ra những đổi mới lớn. Chúng ta thật sự có thể nói đây là một “lợi kép” của chính sách về khí hậu.
Nói một cách khác nữa, tôi có xu hướng nghĩ rằng, ngay cả trong trường hợp hoàn toàn ở thái cực khi mà những người hoài nghi về khí hậu có lý với xác suất 70%, thì việc tiến hành một chính sách đầy tham vọng về khí hậu sẽ vẫn nằm trong nghị trình, khi mà chúng ta xem xét một cách đúng đắn các lợi ích của nó đối với sự phát hiện những công nghệ mới. Đây là một trong những lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ hành động khí hậu.
Joseph Fourier (1768-1830)
NS: Cho rằng những rủi ro của thái độ “mọi việc đâu sẽ vào đấy” là yếu vừa mang tính không khoa học, không duy lý và nguy hiểm. Nói là không khoa học đối với khối lượng các bằng chứng đáng kể, bắt nguồn từ Joseph Fourier[8] trong những năm 1820. Lôgic và các quá trình hóa lý của sự sự biến đổi khí hậu do khí thải carbon đã được hiểu khá rõ từ giữa thế kỷ 20. Lý thuyết này, vừa gọn gàng vừa đơn giản, sau đó đã được xác minh qua các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau (khoan lấy mẫu lõi băng, tài liệu lưu trữ lịch sử, v.v.). Trong bối cảnh này, việc bảo vệ khả năng cho rằng rủi ro là ở mức thấp khi có biết bao yếu tố khoa học chỉ theo hướng ngược lại về bản chất là một thái độ phản khoa học. Hành động như thể khoa học là sai lầm cũng là một thái độ không duy lý, có thể đặt chúng ta vào một tình thế vô cùng nguy hiểm, mà chắc chắn chúng ta sẽ không có khả năng thoát ra được. Trì hoãn hành động về khí hậu sẽ làm cho việc làm giảm nồng độ khí nhà kính trong khí quyển càng khó khăn hơn và tốn kém hơn. Một hiệu ứng bánh cóc đang diễn ra: khi chúng ta càng chờ đợi để hành động, thì càng có nhiều vấn đề khó giải quyết, bởi vì các dòng khí thải càng được thêm vào khối lượng khí hiệu ứng nhà kính hiện có trong tầng khí quyển, và chúng ta khó mà làm giảm được khối lượng khí này. Ngược lại, hành động như thể khoa học là chính xác sẽ cho phép chúng ta khám phá nhiều công nghệ hữu ích, có được một thế giới sạch hơn, đảm bảo được các nguồn cung cấp năng lượng cho chúng ta và bảo vệ diện tích rừng của chúng ta.
Chúng ta không nên bỏ qua một cuộc cách mạng công nghiệp mới vô cùng có lợi. Lịch sử kinh tế đã dạy chúng ta rằng việc chuyển đổi sang một thời kỳ tăng trưởng kinh tế với mức carbon có điều độ có thể là một thời kỳ đổi mới, sáng tạo, đầu tư và tăng trưởng ngoại lệ, như những cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, cuộc cách mạng về hơi nước và về đường sắt, về điện và về thép. Các cuộc cách mạng công nghiệp là những thời kỳ “hủy diệt sáng tạo” (theo lời của nhà kinh tế học Joseph Schumpeter), khi mà các doanh nghiệp mới thay thế các doanh nghiệp cũ, tạo ra những cơ hội mới về tăng trưởng kinh tế và việc làm. Không có mâu thuẫn giữa trách nhiệm về khí hậu và tăng trưởng kinh tế: cả hai có thể song hành. Ngoài những phát hiện có khả năng xảy ra suốt chiều dài con đường tăng trưởng mới, sẽ còn có nhiều lợi ích khác liên quan đi kèm – những công nghệ sạch hơn, yên tĩnh hơn, an toàn hơn, và một cơ cấu kinh tế và môi trường nhạy cảm hơn với năng lượng và tôn trọng hơn đối với sự đa dạng sinh học.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng những người quan tâm đến việc triển khai chính sách và bản thân không là nhà khoa học thì nên có nỗ lực cần thiết để chiếm lĩnh những lập luận chính. Họ cần phải tham khảo ý kiến ​​ca các chuyên gia khoa học về khí hậu, giống như khi phải tham khảo ý kiến ​​ca các nhà khoa học hạt nhân về năng lượng hạt nhân. Và đồng thời cũng phải tham khảo ý kiến ​​ca các nhà khoa học, những người không phải là chuyên gia về khí hậu, thường xuyên đánh giá kết quả nghiên cứu của các đồng nghiệp của họ. Bất luận nơi mà bạn quan sát – các viện hàn lâm ở Pháp, ở Vương quốc Anh, ở Hoa Kỳ, bạn sẽ tìm thấy sự xác nhận rằng những rủi ro của việc không hành động sẽ gây ra những tổn thất rất nặng nề. Trong bối cảnh này và căn cứ vào những nguy cơ chậm trễ, như đã được khoa học làm nổi bật, thì việc nói rằng chúng ta có thể tin tưởng vào việc cho rằng rủi ro rất nhỏ và chỉ cần hành động tối thiểu là điều gần như phi lí.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le problème climatique et sa lecture par les économistes, trong 2 économistes face aux enjeux climatiques” của Roger Guesnerie và Nicholas Stern với sự hợp tác của Gabriel Zucman, Le Pommier, 2012.




Chú thích:

[1] Khí cacbonic, hay carbon dioxide, là loại khí nhà kính chính, nhưng cần phải xem xét, để đánh giá cường độ hiệu ứng, đến các loại khí khác góp phần vào trong đó, mà loại khí chính là khí mêtan. Việc so sánh những đóng góp của từng loại khí nhà kính này đã dẫn các nhà khoa học đến việc thiết lập những loại khí tương đồng và như vậy xây dựng một chỉ số tổng hợp của CO2 tương đương.

[2] Một phần của tầng đất ngầm Siberia, bị đóng băng gần như vĩnh cửu (và được gọi là “pergélisol” trong tiếng Pháp hay “permafrost” trong tiếng Anh [tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu]) có chứa một lượng rất lớn khí mêtan. Việc phát tán nhanh [khí mêtan] có thể làm cho quá trình tăng tốc.
Một khả năng bất ngờ “xấu” khác, đã được thảo luận rất nhiều, là sự suy yếu hoặc dừng lưu thông nhiệt năng gắn với hải lưu Gulf Stream ...

[3] Xem “Les politiques climatiques nationales et régionales, [Các chính sách về khí hậu ở cấp khu vực và quốc gia]” trong loạt bài này, để có một giới thiệu chính xác hơn về khái niệm.

[4] Hệ thống thuật ngữ phân biệt tư bản hữu hình bao gồm các máy móc, cơ sở hạ tầng... với vốn con người liên quan đến các tri thức của con người.

[5] Bản dịch của NXB Editions Le Pommier, dưới tựa đề Les Marchands de doute [Những kẻ buôn sự ngờ vực], 2012.

[6] S. Arrhenius là một nhà hóa học người Thụy Điển nhận giải thưởng Nobel Hóa học vào năm 1903. Ông quan tâm đến hiệu ứng khí nhà kính và trong một bài báo được công bố vào năm 1896, “De l’influence de l’acide carbonique dans l’air... sur la température de la terre [Luận bàn về ảnh hưởng của axit carbonic trong không khí... đến nhiệt độ khí hậu của trái đất]”, ông cho rằng khi lượng CO2 tăng lên gấp đôi thì sẽ gây ra một hiện tượng nhiệt độ khí hậu nóng lên khoảng 5oC (tức là cao hơn một chút so với mức dự báo trung bình của các mô hình khí hậu đương đại, từ 2 đến 6oC).

[7] Và như chúng ta đề cập trước đó, việc phân bố biến ngẫu nhiên này có thể có một “số đuôi dài” (xác suất của những sự kiện có nguy cơ cao nhất sẽ diễn ra rất chậm). Ngay cả khi tình hình trung vị đã là rất đáng lo ngại.

[8] Joseph Fourier (1768-1830), là nhà vật lí học và toán học người Pháp, đã nghiên cứu sự cân bằng năng lượng giữa bức xạ đầu vào và bức xạ đầu ra của tầng khí quyển trái đất; ông có thể là người đầu tiên hiểu được lôgic của hiệu ứng khí thải nhà kính (1824).

Print Friendly and PDF