16.1.19

Trung Quốc: tại sao Huawei nằm ở trung tâm các căng thẳng với Hoa Kỳ

TRUNG QUỐC: TẠI SAO HUAWEI NẰM Ở TRUNG TÂM CÁC CĂNG THẲNG VỚI HOA KỲ
East is Red [Đông Phương Hồng]
Mạnh Vãn Chu [Meng Wanzhou], giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc, đã bị bắt vào ngày 1 tháng 12 năm 2018 tại sân bay Vancouver vì đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Gọi vụ Huawei (Hoa Vi) bằng tên gì? Đó là một cuộc xung đột trên tất cả các mặt trận. Chúng ta được nghe nói về một “cuộc đình chiến” trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ? Vào ngày 1 tháng 12, vào đúng lúc Donald Trump và Tập Cận Bình dùng bữa tối tại Buenos Aires để thảo luận về một thỏa thuận có thể, thì sân bay Vancouver là sân khấu của một vụ bắt giữ vang dội. Đó là vụ bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc, phạm tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nhất quán với chính mình, tổng thống Mỹ đã vội vã đề cập đến một sự can thiệp có lợi cho bà nếu điều đó cho phép đạt được một thỏa thuận có lợi với Trung Quốc. Để hiểu rõ về vụ này, chúng ta phải quay trở lại với việc Huawei là gì và vai trò của nó trong các căng thẳng với nước Mỹ, điều không phải là mới.
Ren Zhengfei (1944-)
Công ty Huawei được thành lập tại Thâm Quyến vào năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi [Ren Zhengfei], một nhà nghiên cứu trước đây của Quân đội Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc], tổ chức mà ông đã rời bỏ 5 năm trước. Ban đầu, công ty, khiêm tốn, bán các thiết bị viễn thông. Nhưng trong vòng ba mươi năm, Huawei trở thành một trong những viên ngọc quý của ngành công nghiệp Trung Quốc. Từ nay, công ty [Huawei] của Thâm Quyến, hiện có mặt ở 170 quốc gia và với doanh thu 92 tỷ euro, là nhà cung cấp thiết bị lớn nhất trên thế giới, lớn hơn cả công ty Ericsson của Thụy Điển. Huawei cũng là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai sau công ty Samsung. Huawei cũng đáng gờm trên thị trường điện thoại di động, thiết bị viễn thông và cáp ngầm. Các nhà lãnh đạo của Huawei dự kiến đầu tư và thống trị thị trường mạng 5G: họ đã đề xuất thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết với nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, những nghi ngờ, đang lan rộng khắp nơi trên thế giới về Huawei, có thể cản trở các tham vọng của họ. Tập đoàn khổng lồ Trung Quốc bị tố cáo phục vụ cho lợi ích của Đảng Cộng sản. Nhiều nước, ngay từ bây giờ, đã từ chối lời đề nghị của Huawei về mạng 5G để bảo vệ an ninh quốc gia của họ. Vào ngày 1 tháng 12 vừa qua, giám đốc tài chính của tập đoàn, Mạnh Vãn Chu, con gái của Nhậm Chính Phi, đã bị bắt ở Canada trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Mỹ về việc bán thiết bị cho Iran một cách bất hợp pháp. Ở thời điểm này, các thách thức về an ninh hòa lẫn với các thách thức về chính trị, kinh tế. Liệu Huawei có phải là một mối nguy thực sự đối với an ninh quốc gia hay là một nạn nhân gián tiếp trong sự kình địch Trung-Mỹ?
CẠNH TRANH CÔNG NGHỆ
Huawei rõ ràng là viên ngọc quý trong “ngành công nghiệp tư nhân” của nước Cộng hòa Nhân dân. Đây hiển nhiên là công ty Trung Quốc có được sự thành công lớn nhất trên quốc tế, đến mức ở Trung Quốc, Huawei đã trở thành biểu tượng của sự hồi sinh kinh tế của đất nước. Trong 30 năm, công ty đã trở thành một trong những nhà cung cấp điện thoại và thiết bị viễn thông quan trọng nhất: thiết lập các mạng lưới và cơ sở hạ tầng điện thoại Internet, các giải pháp tích hợp tất-cả-trong-một cho các nhà khai thác thiết bị di động hoặc cho các doanh nghiệp. Hơn cả ngành điện thoại, chính vấn đề về cơ sở hạ tầng mới là điểm tập trung các căng thẳng, và đặc biệt hơn nữa là vấn đề mạng 5G. Thế hệ mạng di động thứ năm đang rất được chờ đợi, bởi vì nó sẽ cung cấp một lưu lượng lớn hơn rất nhiều, một điều kiện quan trọng để phát triển mạng Internet của vạn vật.
Như thế đã diễn ra một trận chiến toàn cầu từ vài năm qua, giữa các nhà sản xuất thiết bị chính trên thế giới trong việc giành lấy những gói thầu xây dựng các mạng lưới. Trong số những tác nhân chính, có Huawei, tất nhiên, và còn có người em gái họ ZTE, một công ty khác của Trung Quốc, công ty Ericcson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan và cuối cùng là các công ty Cisco, Intel hoặc Qualcomm của Mỹ. Thách thức của những cuộc đấu thầu này không chỉ mang tính tiền bạc: nó còn có tính áp đặt các “tiêu chuẩn 5G”, các thông số kỹ thuật của mạng lưới của từng doanh nghiệp. Hiện tại, chưa có cơ quan quốc tế nào chịu trách nhiệm việc xác định các tiêu chuẩn này lựa chọn. Đối với Huawei, và nói rộng hơn đối với Trung Quốc, thách thức là phải thành công trong việc áp đặt hoặc ít nhất là gây ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn đó theo hướng có lợi cho họ, và qua đó không những có được lợi thế về kinh tế mà còn được quốc tế công nhận về mặt công nghệ. Về vấn đề này, Huawei đã giành được một chiến thắng mang tính biểu tượng với việc đưa “mã cực” (polar code) vào các tiêu chuẩn quốc tế. Điều cốt yếu là mã này giúp sửa chữa các lỗi truyền tải cũng như làm tăng lưu lượng và hiệu quả của các mạng di động.
Tuy nhiên, có được mạng 5G là một việc, còn liệu các điện thoại thông minh hoặc các đối tượng được kết nối khác có thể khai thác được mạng mới này hay không là một việc khác. Đối với điều này, cần có những bộ vi xử lý phù hợp. Công ty Qualcomm của Mỹ là công ty đầu tiên đã tung ra bộ xử lý tương thích, Snapdragon 855. Tuy nhiên, nó bị các đối thủ cạnh tranh đuổi sát gót, ví dụ như công ty MediaTek của Đài Loan, hay công ty NXP của Hà Lan (vốn phải được Qualcomm mua lại, trước khi thỏa thuận bị Trung Quốc ngăn chặn). Về phần các công ty Samsung và Huawei, họ phát triển các bộ vi xử lý riêng của họ. Công ty của Trung Quốc [Huawei] đặc biệt dựa vào công ty HiSilicon, một trong những công ty con của họ.
Cuộc chiến của các nhà vi xử lý đã là một sự cạnh tranh. Nhận thức được lợi thế công nghệ của mình trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ trong vài tháng qua đã tăng cường đấu tranh chống nạn gián điệp công nghiệp, chuyển giao công nghệ bắt buộc cho Trung Quốc và bán linh kiện Mỹ cho các nước thứ ba. Vào tháng 4 năm ngoái, tòa án Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ZTE, bởi vì gã khổng lồ ngành viễn thông của Trung Quốc đã giao dịch với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Vụ việc là một lời nhắc nhở mạnh mẽ. Mặc dù đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 6, ZTE đã phải ngừng một phần sản xuất. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhanh chóng nhắc lại tầm quan trọng của một sự phát triển “tự chủ” của Trung Quốc.
NHỮNG NGHI NGỜ
Sun Yafang (1955-)
Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt về công nghệ giữa các công ty đa quốc gia, thì mối quan hệ giữa Huawei và Nhà nước Trung Quốc còn là một mối lo lắng khác đối với chính phủ các nước phương Tây, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh quốc gia. Từ lâu, công ty đã hưởng lợi từ những giúp đỡ của chính quyền để hỗ trợ họ trong các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Ngay từ những năm 1990, khách hàng chính của công ty là các chính quyền địa phương, những cơ quan mà Huawei đã cung cấp các thiết bị sao chép của Mỹ do công ty Cisco sản xuất, trong số những công ty khác. Người sáng lập Huawei, không chỉ là một cựu quân nhân của Quân đội Trung Quốc [PLA], xuất thân từ một đơn vị kỹ thuật, mà theo CIA, chủ tịch hiện tại của tập đoàn, Sun Yafang, còn là một cựu quan chức lãnh đạo của Bộ An ninh Nhà nước. Chắc chắn là các cơ quan của Mỹ có thể có lợi trong việc thiết lập những liên kết như vậy giữa Huawei và cơ quan tình báo Trung Quốc, để làm mất uy tín công ty. Nhưng điều đó không làm giảm sức nặng của những nghi ngờ chính đáng. Thật vậy, Đảng Cộng sản, được thành lập để “lãnh đạo toàn diện” (党领导一切), yêu cầu tất cả các công ty thành lập một đảng ủy. Ngày nay, người ta vẫn chưa biết cấu trúc chính xác của Huawei.
Trong nội bộ công ty của Thâm Quyến, có hơn 56 “chi ủy” (总支) Đảng, với tổng cộng 12.000 đảng viên. Liệu trụ sở Huawei ở Boulogne-Billancourt có một đảng ủy Trung Quốc ở đó không? Nếu có, thì liệu họ có tiếng nói trong các quyết định của công ty không? Khó để mà trả lời. Tuy nhiên, thách thức an ninh là vấn đề cốt yếu ở đây. Liệu Huawei là một công ty nhà nước, công ty liên doanh hay công ty tư nhân? Về vấn đề này, CEO của công ty về công cụ tìm kiếm Sogou đã tóm tắt tình hình của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn (từ lâu đã bị gỡ xuống, nhưng một ảnh chụp từ màn hình vẫn còn hiện diện trên Twitter):
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà chúng ta sẽ được hợp nhất. Bạn có thể được yêu cầu thành lập một Đảng ủy (cộng sản) trong nội bộ công ty của mình, hoặc để cho các nhà đầu tư nhà nước nắm giữ một số cổ phần... như một hình thức liên doanh. Nếu có suy nghĩ rõ ràng về điều đó, bạn có thể thực sự cộng hưởng với Nhà nước. Bạn có thể nhận được một sự hỗ trợ cực lớn. Nhưng nếu bạn cho rằng cần phải đi con đường của chính mình, nghĩ rằng lợi ích của mình khác với những gì mà Nhà nước khuyên làm, thì chắc chắn bạn sẽ thấy mọi việc sẽ trở nên nhiêu khê hơn, nhiêu khê hơn so với lúc trước.
Liệu Huawei có phải là một “công ty liên doanh” không? Chính phủ một số nước hoặc các cơ quan tình báo lo ngại về những rủi ro của nạn “cửa hậucho phép các tác nhân nhà nước của bên thứ ba xâm nhập vào mạng và truy cập các dữ liệu. Sự nghi ngờ này đặc biệt dựa vào “Luật tình báo quốc gia” (国家情报法):
Điều 7: “Tất cả các tổ chức và tất cả mọi công dân, đúng theo pháp luật, phải ủng hộ công tác tình báo quốc gia, hỗ trợ và hợp tác với công tác này, cũng như giữ bí mật về công tác tình báo quốc gia mà mình biết được. Nhà nước sẽ bảo vệ những cá nhân và tổ chức có công hỗ trợ công tác tình báo quốc gia, và hợp tác với chính quyền các cấp.” (Báo cáo của ASPI [Australian Strategic Policy Institute – Viện Chính sách chiến lược Úc] – tr. 6).

Theo Điều 12, các cơ quan tình báo có thể “thiết lập quan hệ hợp tác với những cá nhân và tổ chức có liên quan và giao cho họ những công việc [có liên quan đến công tác tình báo]”, một cách trình bày mang tính tương đối mơ hồ. (Báo cáo của ASPI – tr. 6).

Isaac Stone Fish
Ngoài ra, Huawei còn tiến hành nhiều hoạt động vận động hành lang ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Theo Isaac Stone Fish, biên tập viên của nhiều tờ báo Mỹ trong đó có tờ Washington Post, Viện Brookings có “vấn đề với Huawei. Viện nghiên cứu uy tín của Washington đã nhận được ít nhất 300.000 US$ từ công ty của Thâm Quyến thông qua một công ty con có trụ sở ở Hoa Kỳ, FutureWei. Vào tháng 10 năm 2017, Isaac Stone Fish nói tiếp, một báo cáo do Brookings công bố đã mô tả cách mà chính vị phó chủ tịch của viện, người đã tham gia nhiều sự kiện của Huawei, khen ngợi gả khổng lồ Trung Quốc.
Ở châu Âu, sự tuyên truyền của Huawei cũng không kém phần tích cực. Gả khổng lồ ngành viễn thông là đối tác của Phòng Thương mại Flanders-Trung Quốc và đã tham gia tài trợ cho hiệp hội kinh doanh quan trọng Trung Quốc-EU. Huawei cũng là nhà đầu tư chính của Học viện Brussels về các Nghiên cứu của Trung Quốc và Châu Âu. Vả lại, cơ sở các trao đổi học thuật cấp đại học này đã tiếp nhận ghế “Giáo sư đại học (Huawei) về các Nghiên cứu đương đại”, một chương trình học thuật về Trung Quốc được doanh nghiệp tài trợ. Chức danh nói trên cũng sẽ tổ chức các sự kiện “kinh tế và chính trị”, như “Hội nghị thượng đỉnh các doanh nghiệp châu Âu”, với mục đích quy tụ nhiều tác nhân từ giới chính trị hoặc kinh doanh.
NHỮNG BÁO ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TÂY
Bruno Le Maire (1969-)
Hu Chunhua (1963-)
Ở châu Âu, các nước lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Người đứng đầu ngành tình báo Anh cho biết cần phải dè chừng với Huawei, trong khi nước Đức hiện đang tranh luận các biện pháp bổ sung để bảo vệ các cơ sở hạ tầng của mình. Ở Brussels, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường duy nhất về kỹ thuật số, Andrus Ansip cũng bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro an ninh từ Huawei. Ở Pháp, Bruno Le Maire gần đây đã gặp Hu Chunhua, một trong các phó thủ tướng của Trung Quốc. “Chính chúng tôi sẽ đặt ra những giới hạn nếu các khoản đầu tư của Huawei đe dọa đến nền an ninh quốc gia”, vị Bộ trưởng Kinh tế của Pháp đã tuyên bố như vậy.
Hoa Kỳ còn đi xa hơn. Chính quyền Mỹ đã cấm các cơ quan công quyền sử dụng các thiết bị của Huawei và buộc các nhà khai thác điện thoại phải loại bỏ những điện thoại có thương hiệu Trung Quốc ra khỏi danh mục bán hàng, nếu không muốn mất đi các khoản trợ cấp của chính phủ dành cho họ. Một sự dè chừng tương tự cũng diễn ra ở Úc và New Zealand: cả hai quốc gia này đã từ chối lời đề nghị xây dựng mạng 5G của họ. Tương tự, Nhật Bản đã cấm các cơ quan chính quyền của họ sử dụng các thiết bị của công ty Trung Quốc.
VỤ BẮT GIỮ MẠNH VÃN CHU
Gần đây, những khó khăn của Huawei đã vượt qua một ngưỡng. Vào ngày 1 tháng 12 vừa qua, giám đốc tài chính của tập đoàn, bà Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập Ren Zhengfei, đã bị bắt giữ ở Canada để có thể dẫn độ sang Hoa Kỳ. Vụ bắt giữ này tại sân bay Vancouver đã diễn ra ngay vào thời điểm chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Hoa Kỳ cùng nhau dự tiệc tối tại Buenos Aires. Bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nói dối về bản chất các mối liên hệ giữa Huawei và công ty SkyCom trong những cuộc đàm phán với các ngân hàng. Lúc đó, công ty con này của Huawei được giới thiệu như là một công ty độc lập, và bà Mạnh Vãn Chu đã “đích thân” nói dối về vấn đề này. Ngoài ra, công ty SkyCom còn ​​liên quan đến việc bán các thiết bị của Mỹ cho Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt đang có hiệu lực. Sau đó, các luật sư của bà đã đề xuất một hình thức quản thúc tại gia điện tử” tại một trong hai ngôi nhà của Wan ở Vancouver, để bà không “chạy trốn sang Trung Quốc”. Kết quả: vào hôm thứ ba này, ngày 11 tháng 12, bà đã được phép cho tại ngoại. Ngoài khoản tiền phí [tại ngoại] 10 triệu US$, bà sẽ phải chịu thi hành lệnh giới nghiêm sau 5 giờ chiều, bị hạn chế đi lại và bị tịch thu các hộ chiếu.
Hầu hết các lí lẽ và cáo buộc chống Huawei và vị nữ giám đốc tài chính của công ty đều phát sinh ít nhất từ năm 2012. Tại sao bắt giữ bà Wan Wanzhou vào lúc này? Có rất nhiều giả thuyết. Một bộ phận của chính quyền Mỹ, đặc biệt là những người có quan điểm triệt để nhất về vấn đề Trung Quốc, muốn kích hoạt cuộc khủng hoảng này để buộc nhóm các đồng nghiệp “dễ dãi” hơn đứng về phía họ: một sự cạnh tranh được công nhận và trên tất cả các hồ sơ với Trung Quốc. Vả lại, cũng cần lưu ý rằng Tổng thống Trump đã công bố vào ngày 11 tháng 12 muốn xem xét việc trả tự do cho Mạnh Wan Châu, nếu điều đó có khả năng dẫn đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Đây sẽ là một bước ngoặt lớn bởi vì Washington thừa nhận việc sử dụng “vị nữ tù nhân” này như là một đòn bẩy gây ảnh hưởng.
PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN TẤT CẢ CÁC MẶT TRẬN
Michael Kovrig
Michael Spavor
Vụ bắt giữ này đã khiến cho Bắc Kinh giận dữ. Canada được yêu cầu “trả tự do cho Mạnh Vạn Châu, hoặc chịu hậu quả”. Những phương tiện truyền thông nhắm đến mục tiêu nước ngoài, chẳng hạn như hãng truyền hình CGTN hoặc tờ nhật báo Global Times [Thời báo toàn cầu], đã không ngừng nói về việc “vi phạm nhân quyền” và cố gắng gây áp lực lên Canada. Tổng biên tập của Global Times, có mặt trên Twitter, đặt nghi vấn về tính độc lập của nền tư pháp Canada. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai đe dọa Canada. Hiển nhiên là sự bắt giữ này đã chạm đến một vấn đề nhạy cảm. Nếu bà ấy không phải là nhân vật của công chúng ở Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu cũng thuộc một gia đình có ảnh hưởng – tài sản của bố bà ấy được ước tính hơn 3 tỷ US$, và chân dung người chị của bà ấy đã được đăng trên trang bìa của tạp chí Paris Match. Tính đến ngày 11 tháng 12, Trung Quốc có vẻ đang đáp trả việc bắt giữ [bà Mạnh Vãn Chu] tại Vancouver: cựu quan chức ngoại giao của Canada, Michael Kovrig, giờ là cố vấn cho tổ chức International Crisis Group, đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh. Hình phạt tương tự cũng được áp dụng cho người đồng hương, Michael Spavor, “con thoi” với Bắc Triều Tiên.
David Bandurski
Bằng chứng bổ sung cho tính chất nhạy cảm của vụ bắt giữ này, chính phủ [Trung Quốc] đã chỉ thị các phương tiện truyền thông Trung Quốc để xử lý vụ Mạnh Vạn Châu. Các chỉ thị hướng dẫn rất đơn giản: không có bài phóng sự độc lập, những thông cáo của các cơ quan truyền thông chính thức là đủ rồi. Tờ Nhân Dân nhật báo, ngày 9 tháng 12, đã phản ứng lại trong một bài xã luận được ký tên “Zhong Sheng” (钟声, “chiếc chuông”), một bút danh được sử dụng kể từ năm 2008 để đối phó với các vấn đề quốc tế quan trọng (đọc bài phân tích phản biện của David Bandurski về dự án truyền thông của Trung Quốc). Cơ quan của Đảng [cộng sản Trung Quốc] mô tả việc bắt giữ là một hành vi chính trị. Ngoài tin xấu [về vụ bắt giữ], vụ bắt giữ này cũng đáng phiền nhiễu bởi vì nó tiết lộ rất nhiều chi tiết về lối sống của giới tinh hoa Trung Quốc: bà Mạnh Vạn Châu sở hữu các hộ chiếu Canada và Hồng Kông, mặc dù việc có quốc tịch kép bị cấm ở Trung Quốc. Chưa kể đến hai ngôi nhà của bà ở Vancouver, trong đó có một ngôi nhà được trị giá gần 6 triệu US$.
Ngay tại Trung Quốc, phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân tộc đã không mất nhiều thời gian: ví dụ, có doanh nghiệp đã tuyên bố việc khuyến khích nhân viên của họ mua điện thoại Huawei, trong khi những người nào kiên trì mua điện thoại mang thương hiệu Apple sẽ bị trừng phạt. Một số nhân viên thậm chí sẽ được thưởng 500 nhân dân tệ để mua một điện thoại thông minh mang thương hiệu Trung Quốc. Tuy không thể đo lường mức độ của kiểu hành động này, nhưng chúng có vẻ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Mạng Internet Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để phản ứng. Elliott Zaagman, nhà báo cho nhiều phương tiện truyền thông chuyên ngành về Trung Quốc, trình bày trên Twitter những phản ứng của các đầu mối liên lạc của ông ở Trung Quốc: tất cả hoặc gần như tất cả mọi người đều ủng hộ Huawei và tố cáo “những quy tắc này được người Mỹ đặt ra, rằng chúng tôi [Trung Quốc] không hề viết [những quy tắc đó] và không hề muốn [những quy tắc đó], và do đó chúng tôi không cần phải tôn trọng [những quy tắc đó].” Một đội ngũ mạng ảo cũng đã tham gia: “Wumao” (五毛党) hay “đội quân [những dư luận viên] 50 xu” thuật ngữ phi chính thức để chỉ những người lướt Internet ủng hộ Bắc Kinh được trả tiền để hỗ trợ “chính nghĩa”. Họ rõ ràng đã được huy động ở Canada, đôi khi về mặt thể chất, để biểu tình trước tòa án đòi hỏi trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu.
SỰ THAY ĐỔI TRIỆT ĐỂ
Liệu những phản ứng hiểm độc của Bắc Kinh và áp lực lên Canada có hiệu quả không? Không có gì chắc chắn. Washington cần tiếp tục vận động hành lang các đồng minh của mình để cắt đứt các mối liên hệ với Huawei. Bởi vì đó không còn đơn thuần là vấn đề cạnh tranh công nghệ. Đây là một thay đổi triệt để trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Từ nay, đây là thời điểm cho sự cạnh tranh không bị ngăn cản trên tất cả các mặt trận: “chiến tranh thương mại”, công nghệ, quân sự hoặc ảnh hưởng.
Trong các cuộc đàm phán Trung-Mỹ, vụ Huawei đóng vai trò như là mũi tiêm nhắc nhở sau “cuộc đình chiến” ở Buenos Aires. Trong khi Donald Trump có vẻ lo lắng về giá cổ phiếu, thì chính quyền Trung Quốc cũng cần có một thỏa thuận để tránh làm nặng nề thêm một nền kinh tế đang khó khăn. Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu càng hạn chế hơn nữa – nếu có thể – dư địa đàm phán của chính phủ Trung Quốc, bị kẹt giữa áp lực của Mỹ và áp lực của chủ nghĩa dân tộc, buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh phải đưa ra một đường lối cứng rắn. Đối với nước Trung Quốc của Tập Cận Bình, sự cân bằng đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Giới thiệu tác giả
EastIsRed là tập thể chuyên về lĩnh vực an ninh quốc phòng. Nhóm do những nhà quan sát trẻ tuổi bị thách thức bởi sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc chủ trương. Phương pháp của chúng tôi: đọc các trang báo và mạng thông tin, cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, để cung cấp những bài tổng hợp và phân tích, vừa độc đáo vừa dễ tiếp cận.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF