2.4.19

Hồi kết của kinh tế học?


HỒI KẾT CỦA KINH TẾ HỌC?
Con người hiếm khi duy lý – vì vậy đã đến lúc tất cả chúng ta cần dừng lại việc giả vờ là người duy lý.
Bức tượng Cô gái can đảm đứng nhìn tác phẩm điêu khắc Bò tót của Phố Wall ở New York vào ngày 29 tháng 3 năm 2018. (Volkan Furuncu/Anadolu Agency/Getty Images)
Năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tàn phá một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, thì tạp chí New Yorker đã cho đăng một bài báo mô tả các nỗ lực giải cứu quốc tế. Bài báo mô tả nhà siêu ngoại giao của thời đó, một người đàn ông với ý tưởng lớn mà tạp chí The Economist, gần đây, đã so sánh với Henry Kissinger. Tạp chí New Yorker còn đi xa hơn khi chú thích rằng khi người đàn ông đó đến Nhật Bản vào tháng 6, vị quan chức người Mỹ này được đối xử “như thể ông ấy là Tướng [Douglas] MacArthur”. Khi hồi tưởng lại, sự tôn sùng đó có vẻ đáng ngạc nhiên, vì người đàn ông đó, Larry Summers, dáng vẻ lôi thôi, là một chuyên gia vụng về, khi đó đang làm Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Địa vị phi thường của ông ta, một phần, nhờ vào thực tế là Hoa Kỳ vào lúc đó (và nay vẫn là) siêu cường duy nhất của thế giới và vào thực tế là Summers là (và vẫn là) con người cực kỳ thông minh. Nhưng lý do lớn nhất cho việc chào đón Summers như vậy là hình ảnh phổ biến về ông ta như người có một kiến ​​thức đặc biệt có thể cứu vãn châu Á khỏi sự sụp đổ. Summers là một nhà kinh tế.
Zbigniew Brzezinski (1928-2017)
George Kennan (1904-2005)
Trong thời Chiến tranh Lạnh, những căng thẳng từng xác định thế giới mang tính ý thức hệ và địa chính trị. Kết quả là các siêu sao chuyên gia thời đó là những người có chuyên môn đặc biệt trong các lĩnh vực đó. Và các nhà hoạch định chính sách, những người có thể kết hợp sự hiểu biết của cả hai lĩnh vực nói trên, như Kissinger, George Kennan, và Zbigniew Brzezinski, đã lên đến đỉnh điểm, giành được sự ngưỡng mộ của cả các chính trị gia lẫn công chúng. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ý nghĩa các vấn đề địa chính trị và ý thức hệ phai mờ dần, bị phủ bóng bởi thị trường toàn cầu đang nhanh chóng mở rộng khi các nước xã hội chủ nghĩa trước đây gia nhập hệ thống thương mại tự do của phương Tây. Đột nhiên, sự đào tạo trí tuệ và kinh nghiệm thực tế quý giá nhất đã trở thành kinh tế học, được coi là thứ nước sốt bí quyết có thể dựng lên và hạ bệ các quốc gia. Năm 1999, sau khi cuộc khủng hoảng châu Á dịu đi, tạp chí Time đã minh hoạ một bài viết với ảnh bìa của Summers, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Robert Rubin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan, cùng với tiêu đề “Ủy ban giải cứu thế giới”.

Trong ba thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, kinh tế học đã thụ hưởng một dạng bá chủ về trí tuệ.
Kinh tế học đã trở thành bộ môn số một, đứng đầu trong số các khoa học xã hội ngang bằng nhau và đã thống trị hầu hết các nghị trình về chính sách. Các nhà kinh tế đã được nhiều doanh nghiệp, chính phủ, và xã hội nói chung, theo đuổi bởi những hiểu biết của họ được xem là hữu ích trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Kinh tế học đại chúng và tư duy theo kiểu kinh tế đã tạo ra cả một thể loại sách bán chạy nhất. Nguồn gốc của tất cả tầm ảnh hưởng này là ý tưởng cho rằng kinh tế học cung cấp lăng kính mạnh nhất để thông qua đó có thể hiểu được thế giới hiện đại.
Paul Krugman (1953-)
Thời bá chủ đó đã qua. Mọi thứ bắt đầu thay đổi trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tác động đến ngành kinh tế học lớn hơn nhiều so với những gì thường được hiểu. Như Paul Krugman đã lưu ý trong một bài tiểu luận vào tháng 9 năm 2009 trên tạp chí New York Times Magazine, “rất ít nhà kinh tế đã thấy được cuộc khủng hoảng đang đến dần, việc không dự báo được này là vấn đề nhỏ nhất trong số những vấn đề của bộ môn. Điều quan trọng hơn là sự mù quáng của giới kinh tế đối với khả năng thất bại thảm khốc trong nền kinh tế thị trường”. Nhà kinh tế cánh tả Krugman không phải là người duy nhất đưa ra nhận xét này. Vào tháng 10 năm 2008, Greenspan, một người lâu năm theo chủ nghĩa tự do triệt để, đã thừa nhận rằng, “toàn bộ cơ ngơi trí tuệ … đã sụp đổ vào mùa hè năm ngoái”.
Đối với Krugman, lý do thật rõ: Các nhà kinh tế đã nhầm lẫn “vẻ đẹp, khoác dưới bề ngoài ấn tượng của toán học, với sự thật”. Nói cách khác, họ đã yêu cái tưởng là chính xác xuất phát từ giả định cho rằng các thị trường hoạt động một cách hoàn hảo. Nhưng thế giới hóa ra phức tạp và khó đoán hơn nhiều so với các phương trình.
Daniel Kahneman (1934-)
Richard Thaler (1945-)
Cuộc khủng hoảng năm 2008 có thể là hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng đó chỉ là dấu hiệu cảnh báo mới nhất. Kinh tế học thời hiện đại đã được xây dựng dựa trên một số giả định: rằng các quốc gia, các công ty và người dân tìm cách tối đa hóa thu nhập hơn tất cả mọi thứ, rằng con người là những tác nhân duy lý, và rằng hệ thống đang vận hành một cách hiệu quả. Nhưng trong vài thập kỷ qua, những công trình mới có tính thuyết phục của các học giả như Daniel Kahneman, Richard Thaler và Robert Shiller đã bắt đầu cho thấy con người không phải là những chủ thể duy lý dự đoán được; trong thực tế, họ là những con người phi duy lý dự đoán được. Cuộc “cách mạng về hành vi” này đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế học chính thống, bằng cách lập luận rằng những gì được xem là giả định trung tâm của lý thuyết kinh tế hiện đại không chỉ là điều sai trái mà còn vô ích, thậm chí tồi tệ hơn.
Robert Shiller (1946-)
Trong khoa học xã hội, người ta thường hiểu rằng các giả định lý thuyết chưa bao giờ phản ánh thực tế – đó là những khái niệm trừu tượng được thiết kế để đơn giản hóa – mà chỉ tạo ra một cách thức có sức mạnh lớn để hiểu biết và dự đoán. Những gì mà các nhà kinh tế học hành vi chứng minh là sự giả định về tính duy lý tạo ra những hiểu lầm và dự đoán xấu. Điều đáng chú ý là một trong số rất ít các nhà kinh tế học dự đoán được bong bóng dot-com từng gây ra vụ sụp đổ năm 2000 và bong bóng nhà ở gây ra vụ sụp đổ năm 2008 là Shiller, người đã được trao giải thưởng Nobel năm 2013 vì công trình về kinh tế học hành vi của mình.
Những sự kiện gần đây đã đóng thêm đinh vào quan tài của kinh tế học truyền thống. Nếu sự phân chia lớn các nền chính trị của thế kỷ 20 có đối tượng là các thị trường tự do, thì những chia rẽ then chốt đã xuất hiện trong vài năm qua liên quan đến vấn đề nhập cư, chủng tộc, tôn giáo, giới tính và toàn bộ những vấn đề liên quan đến văn hóa và bản sắc. Nếu trước đây, người ta có thể dự đoán sự lựa chọn của cử tri dựa trên vị thế kinh tế của họ, thì ngày nay cử tri bị thúc đẩy nhiều hơn bởi những lo ngại về địa vị xã hội hoặc sự gắn kết văn hóa hơn là lợi ích kinh tế của bản thân.
Nếu kinh tế học đã thất bại trong việc nắm bắt một cách chính xác động cơ của con người hiện đại, vậy còn đối với động cơ của các nước hiện đại thì sao? Ngày nay, việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa có vẻ như không phải là một cách hữu ích để hiểu được lý do vì sao các nhà nước hành động theo cách mà họ đang làm. Nhiều quốc gia châu Âu, ví dụ, có năng suất lao động cao hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, công dân ở đó chọn làm việc ít giờ hơn và nghỉ phép lâu hơn, làm giảm sản lượng – bởi vì, họ có thể lập luận rằng họ ưu tiên cho sự hài lòng hoặc hạnh phúc hơn sản lượng kinh tế. Bhutan đã quyết định theo đuổi một cách rõ ràng “tổng hạnh phúc quốc gia”, chứ không phải là tổng sản phẩm quốc nội [GDP]. Nhiều quốc gia đã thay thế các mục tiêu định hướng thuần túy theo GDP bằng những chiến lược nhấn mạnh đến sự bền vững môi trường. Trung Quốc vẫn đặt sự tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm kế hoạch của họ, ngay cả khi có những ưu tiên khác, có cùng ưu tiên, như việc bảo vệ sự độc quyền của Đảng Cộng sản – thì họ vẫn sử dụng các cơ chế phi thị trường tự do để làm điều đó. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân túy ở khắp mọi nơi hiện nay xem việc bảo tồn việc làm có giá trị cao hơn là làm tăng tính hiệu quả.
Hãy để tôi nói rõ: Kinh tế học vẫn là một ngành vô cùng cần thiết, là một trong những cách thức mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để hiểu được thế giới.
Herbert A. Simon (1916-2001)
Nhưng trong thời kỳ hưng phấn của sự toàn cầu hóa thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi thế giới có vẻ như bị chi phối bởi các thị trường và thương mại và việc tạo ra của cải, thì kinh tế học đã trở thành ngành học thống trị, chìa khóa để hiểu được cuộc sống hiện đại. Từ lúc tuột khỏi bệ đỡ đó thì kinh tế học chỉ đơn giản là một minh chứng cho thực tế rằng thế giới là một mớ hỗn loạn. Khoa học xã hội khác với các ngành khoa học cứng bởi vì “các chủ thể nghiên cứu của chúng ta có suy nghĩ”, theo lời của Herbert Simon, một trong số ít các học giả xuất sắc về khoa học xã hội và khoa học cứng. Khi chúng ta cố tìm hiểu thế giới trong ba thập kỷ tới, chúng ta sẽ rất cần đến kinh tế học nhưng cũng cần đến khoa học chính trị, xã hội học, tâm lý học, và có lẽ cả văn học và triết học. Sinh viên của mỗi ngành học nên giữ lại một số yếu tố khiêm tốn. Như Immanuel Kant đã nói, “ra khỏi khúc cong của nhân loại, thì cũng chẳng có con đường thẳng nào hết”.
Bài viết này xuất hiện ban đầu trong số báo mùa đông 2019 của tạp chí Foreign Policy.
Fareed Zakaria là tác giả và chủ nhiệm chương trình truyền hình Fareed Zakaria GPS.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: The End of Economics?, Foreign Policy.
Print Friendly and PDF