Herbert A. Simon (1916-2001) |
SIMON Herbert Alexander, 1916-2001
Herbert Alexander Simon sinh tại Milwaukee, bang Wisconsin, Hoa Kì, năm
1916 và mất ngày 8 tháng hai 2001. Ông học tại đại học Chicago
và đỗ một văn bằng đầu tiên tại đại học này năm 1936 rồi tốt nghiệp tiến sĩ
chính trị học năm 1943 lúc 27 tuổi. Từ 1938 đến 1939, ông công tác tại Hội quốc
tế những nhà quản lí các thành phố. Từ 1939 đến 1942, ông tiến hành những nghiên
cứu về hành chính tại đại học Caliornia ở Berkeley. Từ 1942 đến 1947 ông là phó
giáo sư trước khi là giáo sư khoa học chính trị từ 1947 đến 1949 tại Viện công
nghệ Illinois. Ông giảng dạy nhiều bộ môn, như là giáo sư hành chính từ 1949
dến 1965, giáo sư hành chính và tâm lí học từ 1962 đến 1966 tại Viện công nghệ
Carnegie, và cuối cùng là giáo sư tin học và tâm lí học tại đại học Carnegie-Mellon
kể từ 1966. Như những trách nhiệm giảng dạy liên ngành của ông minh chứng, Herbert
Simon đảm đương nhiều trách nhiệm trong các đại học, như là một nhà tư vấn cho
nhiều tổ chức công cộng và tư nhân và như một nhà khoa học trong những thể chế lớn
của Hoa Kì. Ông được huy chương Turing vì những công trình tin học, và đặc biệt
là về trí tuệ nhân tạo; ông được giải thưởng của American Association of
Psychology. Cuối cùng năm 1978, ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy
Điển biểu dương.
Không có gì trong những buổi đầu khởi nghiệp của ông khiến ta nghĩ rằng
Herbert là một nhà kinh tế vì những công trình đầu tiên của ông được đăng tải
trong những năm 1930-1940 là về thước đo và đánh giá tính hiệu quả của hoạt
động công cộng, đặc biệt là của những cộng đồng địa phương. Hơn nữa ông được
xem là một trong những người đi tiên phong của việc “hợp lí hoá những lựa chọn ngân sách” (RCB) cho phép ra những quyết định duy lí
trong khuôn khổ của những quyết định công ích. Mục tiêu là nhằm cải tiến hiệu
số chi phí/thành tựu. Hoạt động của nhà kinh tế được thấy nhiều hơn trong những
bài cộng tác với Hawkins đăng trong Econometrica
(1949) về tiến bộ kĩ thuật và phân tích liên ngành. Tính đa ngành của ông cho phép
ông đăng bài trong những tạp chí hành chính công cộng, khoa học chính trị, vận
trù học, toán học, thống kê, tâm lí học và triết học.
David Hawkins (1927-2012) |
Là một người uyên bác, H. A. Simon tự khẳng định như một nhà kinh tế qua
việc phân tích của ông về hành vi có thể lúc ra quyết định (1947, 1950, 1954 và
1958), với những công trình về các tổ chức, các cơ quan (1963) và các công ti lớn.
Với thông tin các cán bộ lãnh đạo một công ti lớn có được thì họ không nhắm đến
quyết định tốt nhất mà chỉ nhắm đến một giải pháp thoả dáng. Đó là luận cứ của tính duy lí giới
hạn, một khái niệm xuất phát từ luận án tiến sĩ của ông năm
1943 và được công bố năm 1947, và đây là đóng góp cơ bản của ông cho kinh tế
học. Như thế ông phê phán cách nhìn của con người duy lí (và đi kèm là nỗ lực
tối đa hoá của những tác nhân kinh tế). Thật vậy, trong việc thu thập cũng như
xử lí thông tin, khả năng tri thức của con người là giới hạn. Do đó con người
không có khả năng hình dung đầy đủ và chính xác tất cả những lựa chọn có thể.
Nổi tiếng nhờ việc vận dụng những nguyên lí này vào cấu trúc tổ chức và qui trình ra quyết định trong các doanh nghiệp, H. A. Simon
cho rằng các quyết định là kết quả của những thương thảo giữa các lãnh đạo
doanh nghiệp. Mỗi người tìm cách để những người khác chấp nhận một giải pháp
thoả đáng cho mình. Do đó doanh nghiệp không tìm cách tối đa hoá lợi nhuận và đây
là một đối chọn của Homo economicus
(con người kinh tế). Như vậy ông chống lại những dự kiến duy lí
và tin nhiều hơn vào sự cận thị của các tác nhân, theo nghĩa của Keynes,
hay vào nguyên lí thực tế được Freud ghi nhận một nguyên lí giới hạn chân trời
của ham muốn và hành động của các tác nhân kinh tế. Thật ra các cá nhân có
những mục đích phụ thuộc vào những phương tiện họ có và vào những gì họ nghĩ là
có thể đạt được. Giáo dục và môi trường xã hội giải thích vì sao các tác nhân có
một tính duy lí hạn chế.
Đối với trào lưu thống trị của khoa học kinh tế đương đại, những đóng góp
của Simon là một con dao hai lưỡi. Một mặt chúng dẫn đến việc bác bỏ toàn bộ
những công trình dựa trên một giả thiết về tính duy lí trong vũ trụ chắc chắn;
mặt khác, chúng kích thích việc đổi mới việc phân tích những tổ chức và thị
trường cũng như làm phong phú phân tích kinh tế lí thuyết như ta có thể nhận
thấy trong kinh tế học thể chế và kinh tế học về những qui ước, nhưng cả trong
kinh tế học tân cổ điển như kinh tế học công nghiệp và kinh tế học lao động.
Năm 1978, ông được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel “vì công trình tiên phong của ông về quá trình
ra quyết định trong tài chính kinh tế […] Kinh tế học công nghiệp và nghiên cứu về khoa học hành chính dựa nhiều trên
những ý tưởng của Simon, một người trước hết là một nhà kinh tế theo nghĩa rộng
của từ này”.
· Administrative
Behavior [Hành vi hành chính], New York, Macmillan, 1947. – ANDO A., FISHER F. M. & SIMON H.
A., Essays on the Structure of Social
Science Models [Những tiểu luận về cấu trúc của các mô
hình khoa học xã hội], Cambridge (Mass.), MIT Press, 1963. – HAWKINS D. & SIMON H. A., “Note:
Some conditions of macroeconmic stability” [Một vài điều kiện của sự ổn định kinh tế vĩ mô], Econometrica, 1949, vol. 17,
p. 245-248. –
MARCH J. G. & SIMON H. A., Organizations
[Các tổ chức], New York, John Wiley, 1958. –
SIMON H. A. et al., Centralization
vs Decentralization in Organizing the Controller’s Department [Tập trung hoá và phi tập trung hoá trong việc tổ chức bộ phận kiểm tra],
New York, Controllership Foundation, 1954. – SIMON H. A.,
SMITHBURG D. W. & THOMPSON V. A.,
Public Administration [Hành chính công cộng], New York, Alfred
A. Knopf, 1950.
Damien Gaumont
Phó giáo sư đại
học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa
học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do
Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses
Universitaires de France, 2001, trang 1015-1016.