18.4.19

Kinh tế học và Thực tại + Phỏng vấn Tony Lawson


KINH TẾ HỌC VÀ THỰC TẠI

Lars Pålsson Syll
Tony Lawson (1950-)

Kinh tế học hiện đại ngày càng không liên quan đến sự hiểu biết về thế giới hiện thực. Trong cuốn sách có ảnh hưởng sâu rộng Kinh tế học và Thực tại [Economics and Reality] (1997), Tony Lawson đã vạch ra sự không liên quan này với sự thất bại của các nhà kinh tế trong việc gán ghép phương pháp suy luận diễn dịch-tiên đề của họ với chủ đề của họ.
Thật là buồn khi những vấn đề đã được vạch ra từ 20 năm trước vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Trong kinh tế học dòng chính vẫn tồn tại một thực tế là người ta chỉ chú trọng tính hợp lý bên trong (internal validity)[1] mà không hề quan tâm đến tính hợp lý bên ngoài (external validity)[2]. Thật khó có thể tưởng tượng được tại sao lại có người quan tâm đến loại lý thuyết và mô hình đó. Chừng nào các nhà kinh tế dòng chính chưa đưa ra bất kỳ giấy phép-xuất khẩu nào cho các lý thuyết và mô hình của họ ra thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống, thì chừng đó họ thực sự không nên ngạc nhiên nếu mọi người nói rằng kinh tế học chẳng phải là khoa học, mà chỉ là chứng tự kỷ thôi!
Nghiên cứu toán học và logic thì thật là thú vị và vui vẻ. Nó làm cho tâm trí trở nên sắc bén. Trong toán học và logic thuần túy, chúng ta không phải lo lắng về tính hợp lý bên ngoài [tức tính khái quát hóa]. Nhưng kinh tế học không phải là toán học hay logic thuần túy. Nó nghiên cứu xã hội. [Nó nghiên cứu] thế giới hiện thực.
Kinh tế học và Thực tại là một nguồn cảm hứng vô tận thực sự cho chúng ta từ 20 năm trước. Và đến giờ vẫn như vậy.
---
Lars Pålsson Syll nhận bằng Tiến sỹ về Lịch sử Kinh tế vào năm 1991 và bằng Tiến sỹ Kinh tế học vào năm 1997 ở trường đại học Lund. Ông trở thành phó giáo sư về Lịch sử Kinh tế vào năm 1995. Từ năm 2004, ông là Giáo sư chuyên nghiên cứu về Quyền lợi và Bổn phận Công dân tại Đại học Malmö [Thụy Điển].
Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là về triết học và phương pháp luận của kinh tế học, lý thuyết về công lý phân phối và khoa học xã hội hiện thực. Là một nhà triết học về khoa học và nhà phương pháp luận, ông chính là một nhà duy thực phê phán và là một đối thủ thẳng thắn của mọi loại chủ nghĩa cấu trúc xã hội và chủ nghĩa tương đối hậu hiện đại. Là nhà khoa học xã hội và nhà kinh tế, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của John Maynard Keynes, và ông còn là một nhà phê bình nổi tiếng về chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa bảo căn thị trường.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Economics and reality, Lars P. Syll, Jan 30, 2019.

 * * *

PHỎNG VẤN TONY LAWSON

World Economics Association
Cuộc phỏng vấn của WEA với Tony Lawson về bản thể học ở Paris (Pháp)
Hỏi: Ông đã nhấn mạnh rất nhiều vào tầm quan trọng của bản thể học trong kinh tế học. Đây chỉ là một khái niệm triết học trừu tượng, hay nó có liên quan gì đến các nhà kinh tế ứng dụng không?
Tony Lawson: Có liên quan đấy, tôi đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thể học, đặc biệt là bản thể học xã hội (social ontology). Về bản thể học, dĩ nhiên tôi chỉ đơn giản hiểu nó là việc nghiên cứu về bản chất của tồn tại (being); vì thế bản thể học xã hội là nghiên cứu về bản chất của tồn tại xã hội hay thực tại xã hội. Bản thể học chắc chắn liên quan đến những sự trừu tượng hóa, mặc dù bản thân nó là một tiến trình nghiên cứu cụ thể, nhưng tôi không cho rằng việc nghiên cứu những sự trừu tượng hóa và/hay nghiên cứu kinh tế học ứng dụng lại là vấn đề.
Vấn đề cốt lõi ở đây là ta hiểu sự trừu tượng hóa nghĩa là gì. Do thuật ngữ này được sử dụng và bị lạm dụng trong kinh tế học hiện đại nên việc trả lời câu hỏi trên là rất quan trọng. Trừu tượng hóa là tách một cái gì đó ra khỏi ‘góc nhìn’, vì thế luôn luôn có một thứ cụ thể (hơn) được tách ra. Nếu chúng ta nói chuyện với nhau và tôi chú ý vào khuôn mặt của anh khi anh đang nói thì tôi đang tách, chẳng hạn, bàn chân hay đôi giày hoặc tim và thận của anh, v.v., hoặc nhiều thứ khác ra khỏi tổng thể chính anh. Nhưng khi làm thế, tôi không cho rằng những đặc điểm khác không tồn tại. Hay tôi cũng không đối xử với chúng [những thứ tách ra] như một thứ gì đó không tồn tại, mặc dù khuôn mặt của anh có thể được tưởng tượng như đang tồn tại tách biệt với phần còn lại của mình. Hoàn toàn không có lý do nào để cho rằng sự trừu tượng hóa đó phải dẫn đến các quá trình xây dựng [hình tượng] thiếu chính xác hay có tính hư cấu. Ở đây chúng ta đang nói về sự nhấn mạnh [tầm quan trọng của bản thể học trong kinh tế học] và sự chú ý [vào khuôn mặt của một người]. Chúng ta không thể suy nghĩ mà không có sự trừu tượng hóa.
Tất nhiên sự trừu tượng hóa có dính dáng đến quá trình xây dựng sự hư cấu và tính biểu trưng nữa. Khi chú ý vào bộ râu của ông già Noel, thì tôi đang trừu tượng hóa tính tổng thể của quá trình xây dựng [hình tượng] (mà tôi giả định là) có tính hư cấu này đó là ông già Noel. Nhưng sự trừu tượng hóa và sự hư cấu không hề giống nhau; và mục tiêu của nghiên cứu tìm ra lời giải thích phải là sử dụng sự trừu tượng hóa trong bối cảnh lý thuyết hóa một cách thực tế.
Sai lầm hay sự lừa dối to lớn của các nhà kinh tế hiện đại là họ bóp méo rằng sự trừu tượng hóa chỉ đơn thuần là quá trình xây dựng sự hư cấu trong một nỗ lực để biện minh cho việc sử dụng nó. Cụ thể hơn, các nhà kinh tế hiện đại thường giả định là sử dụng thuật ngữ trừu tượng cho phép họ 1) xem các đặc điểm của thực tại mà họ chú ý vào như thể chúng tách biệt với tất cả các đặc điểm khác; hay / và 2) làm biến dạng các đặc điểm đang được chú ý vào. Vì thế, chẳng hạn, về mặt lý thuyết, việc xem con người như các nguyên tử bị cô lập sở hữu tầm nhìn xa hoàn hảo hay kỳ vọng duy lý là đã xây dựng một hư cấu thuần túy. ‘Biện minh’ cho sự hư cấu này bằng cách gọi nó là một sự trừu tượng hóa chỉ là trò đánh lừa mà thôi.
Như tôi đã nói, chúng ta không thể suy nghĩ mà không có sự trừu tượng hóa, và vì thế, trở lại câu hỏi của anh, chúng ta cũng không thể nghiên cứu kinh tế học ứng dụng mà không cần đến sự trừu tượng hóa. Tôi đoán rằng câu hỏi của anh thực sự gần giống câu hỏi ‘liệu bản thể học có thể giúp hay tạo ra một sự khác biệt cho kinh tế học ứng dụng không?’ Câu trả lời của tôi cho đến nay là không có điều gì trong việc bản thể học quan tâm đến sự trừu tượng hóa tất yếu ngăn cản bản thể học làm điều đó.
Nhưng đúng là quan điểm tổng thể của tôi nhấn mạnh rằng bản thể học cung cấp một cái khung để nghiên cứu kinh tế học một cách khác biệt, bao gồm cả kinh tế học ứng dụng. Sự thật là tất cả chúng ta đều thực hành bản thể học. Nếu ta hành động khác đi khi thấy mình phải đối diện với, chẳng hạn, một con chim nhỏ, một con rắn, một con sư tử hay một con bò, thì ta đang thực hành bản thể học. Ta đang xem xét cẩn thận bản chất của bất kỳ sinh vật nào như thế và có hành động phù hợp. Nếu khi đối diện với các công việc như vẽ tường, chuẩn bị hay ăn một bữa ăn, cắt cỏ hay dọn dẹp mớ lộn xộn, ta lựa chọn công cụ trong từng trường hợp theo bản chất của đối tượng liên quan, thì ta lại đang thực hành bản thể học. Ta đang xem xét cẩn thận bản chất của các đối tượng hay tình huống mà ta gặp phải và ta lựa chọn phương pháp phù hợp.
Tôi chỉ đơn thuần cho rằng trong khoa học xã hội, bao gồm cả kinh tế học, ta nên tính đến bản chất của thực tại xã hội trong việc xác định các phương pháp phù hợp để khám phá các khía cạnh cụ thể của nó. Vấn đề của kinh tế học hiện đại là các phương pháp được xác định là tiên nghiệm mà không xem xét bản chất của nhiệm vụ thực hiện. Dù câu hỏi hay đối tượng phân tích là gì, thì các nhà kinh tế dòng chính đều khẳng định trước rằng một số loại phương pháp mô hình hóa toán học nhất định luôn luôn là công cụ phù hợp.
Tôi đã nhiều lần chỉ ra rằng đây là lý do tại sao kinh tế học hiện đại rơi vào tình trạng tồi tệ như vậy. Cuộc khủng hoảng trí thức của ngành này không bắt đầu với những cuộc khủng hoảng gần đây nhất trong nền kinh tế; những cuộc khủng hoảng đó chỉ khiến nhiều người nhận thức được những thất bại trí tuệ của ngành này. Bản thể học chỉ ra các điều kiện mà các phương pháp nghiên cứu phải được điều chỉnh để đáp ứng chúng. Đây là một câu chuyện dài, nhưng không phải là một câu chuyện phức tạp, và được trình bày ở nhiều nơi khác. Điều này chỉ ra rằng các phương pháp thích hợp để phân tích xã hội khá khác biệt với các phương pháp mà các nhà kinh tế thường xem xét. Tôi đã chú ý vào những thứ có liên quan đến kinh tế học ứng dụng nói riêng trong một bài viết gần đây trên tạp chí CJE (Lawson, 2009).
Sự trừu tượng hóa và sự hư cấu không hề giống nhau; và mục tiêu của nghiên cứu tìm ra lời giải thích phải là sử dụng sự trừu tượng hóa trong bối cảnh lý thuyết hóa một cách thực tế.
Hỏi: Ý nghĩa của thuyết nguyên tử và các hệ khép kín là gì? Làm thế nào để các phạm trù này đóng vai trò quan trọng trong sự phê phán của ông về kinh tế học dòng chính?
Tony Lawson: Vâng bây giờ anh đang yêu cầu làm rõ những chi tiết trong lập luận bản thể học. Với sự nhấn mạnh vào mô hình hóa toán học trong thời hiện đại, điều quan trọng là xác định các điều kiện mà theo đó các công cụ như thế là phù hợp hay hữu dụng. Nói cách khác, ta cần khám phá ra những tiền giả định bản thể học liên quan đến việc nhấn mạnh rằng một số loại phương pháp toán học nhất định được sử dụng ở bất cứ nơi đâu. Điều đầu tiên cần lưu ý là tất cả các phương pháp toán học mà các nhà kinh tế sử dụng đều tiền giả định tính quy luật hay sự tương quan của sự kiện. Điều này làm cho kinh tế học hiện đại là một hình thức của diễn dịch luận (deductivism). Một hệ khép kín trong hoàn cảnh này chỉ có nghĩa là một tình huống bất kỳ có tính quy luật của sự kiện. Diễn dịch luận là một hình thức giải thích đòi hỏi tính quy luật của sự kiện. Bây giờ chỉ cần giả định là sự kiện có những quy luật, ngay cả khi chúng không thể được lý thuyết hóa, và một số nhà kinh trắc học (econometrician) làm điều đó và họ dành thời gian để cố gắng khám phá chúng. Nhưng hầu hết các nhà kinh tế cũng muốn lý thuyết hóa bằng các thuật ngữ kinh tế. Nhưng rõ ràng là họ phải làm như thế bằng những khái niệm đảm bảo được các kết quả về tính quy luật của sự kiện. Một cách làm điều này là hình thành các lý thuyết bằng cách viện đến những nguyên tử bị cô lập. Tôi hiểu nguyên tử là một yếu tố có cùng một tác động độc lập, bất kể hoàn cảnh như thế nào. Thông thường những cá nhân con người được mô tả như các nguyên tử đang nói tới này, mặc dù về việc này không có gì quan trọng. Cũng lưu ý rằng hầu hết các tranh luận về bản chất của tính duy lý (rationality) là không quan trọng. Những nhà mô hình hóa của trường phái dòng chính (mainstream modeller) chỉ cần ấn định các hành động của từng cá nhân trong các phân tích của họ để khiến mỗi cá nhân trở thành nguyên tử, tức là ấn định phản ứng của mỗi cá nhân trong các điều kiện cho trước. Chính việc ấn định khó tin này các hành động vốn thường được thể hiện thông qua, hay lại chính là nhiệm vụ của, bất kỳ tiên đề duy lý nào. Nhưng sự thực là bất kỳ sự chỉ định (specification) cũ nào cũng đáp ứng được, bao gồm quy tắc hay thuật toán cố định, chẳng hạn, việc mô hình hóa dựa trên tác nhân; những giả thiết chính xác được sử dụng để đạt được điều này thì không mấy quan trọng. Một khi có một số tiên đề duy lý hay giả thiết ấn định hành vi, các nhà kinh tế có thể dự đoán / diễn dịch ra yếu tố được quan tâm trong mô hình sẽ có tác động ra sao khi bị kích thích. Cuối cùng, sự chỉ định theo kiểu này hành vi của nguyên tử trong những điều kiện nhất định cho phép các nhà kinh tế đưa ra dự báo CHỈ KHI không có điều gì có phản ứng ngược lại với những hành động của các nguyên tử được phân tích. Vì thế, các nguyên tử này phải được giả định là hoạt động trong sự cô lập. Thật dễ dàng để chỉ ra rằng bản thể học về các hệ khép kín của các nguyên tử bị cô lập này đặc trưng cho bản chất của tất cả các quá trình lý thuyết hóa của các nhà kinh tế dòng chính.
Cũng dễ dàng chỉ ra rằng bản chất của thế giới hiện thực – tức thực tại xã hội nơi chúng ta thực sự sống - là bất cứ điều gì ngoại trừ một tập hợp các hệ khép kín của các nguyên tử bị cô lập (xem Lawson, 1997, 2003)
Hỏi: Nếu sự phê phán của ông có ý nói rằng các cách tiếp cận hiện tại của trường phái dòng chính là có nhiều vấn đề, thì các vấn đề đó nên được giải quyết như thế nào?
Tony Lawson: Về cơ bản, ta nên mô tả chi tiết bản chất thực sự của thực tại xã hội và điều chỉnh các phương pháp của ta theo bản chất đó. Đây là một câu chuyện dài mà tôi đã giải thích cặn kẽ nhiều lần (xem lại Lawson, 1997, 2003). Tất cả những gì tôi muốn nói thêm ở đây là cụm từ “các cách tiếp cận hiện tại của trường phái dòng chính” mà anh sử dụng có thể gây hiểu lầm. Đặc điểm quan trọng của kinh tế học dòng chính hiện đại, như tôi thấy, là sự nhấn mạnh của nó đối với các phương pháp mô hình hóa toán học. Chủ nghĩa giáo điều này đã xác định trường phái dòng chính và chủ nghĩa giáo điều cũng chính là vấn đề. Tôi thấy không có điều gì sai khi cá nhân các nhà kinh tế thử nghiệm các phương pháp toán học trong nhiều trường hợp với hy vọng rằng trong hoàn cảnh phân tích, các điều kiện xác đáng sẽ đứng vững. Các phương pháp hay cách tiếp cận mà [các nhà kinh tế] dòng chính sử dụng thì không nhiều hơn [các phương pháp] toán học mà họ sở hữu. Không có gì sai đối với bản thân các phương pháp toán học mà chỉ sai ở cách sử dụng chúng. Vấn đề của trường phái dòng chính là một số phương pháp được áp dụng trong các điều kiện không phù hợp. Các nhà kinh tế dòng chính cứ đinh ninh rằng các phương pháp toán học của họ được áp dụng cho tất cả các vấn đề. Họ không phân biệt được đâu là các điều kiện của việc áp dụng chính đáng và đâu là không chính đáng. Vì thế, cuối cùng sự thất bại [của ngành này] là một sự lãng quên bản thể học, chắc chắn là xuất phát từ một tiền giả định có tính ý thức hệ về văn hóa vốn cho rằng toán học vì lý nào đó là cần thiết cho tất cả các hoạt động khoa học, sự hiểu biết và tính chặt chẽ. Trong vấn đề này, họ đã sai.
Hỏi: Các vấn đề nào - nếu có - mà ông biết về những quan điểm của các trường phái phi chính thống khác trong kinh tế học?
Tony Lawson: Theo tôi thấy, có nhiều điều hay ho về các truyền thống phi chính thống, nhưng anh lại hỏi tôi về những vấn đề của nó mà. Hãy để tôi nhắc tới hai điều. Các trường phái phi chính thống quan tâm đến các tiêu chuẩn và xu hướng của một số trường phái về tính độc quyền hay sự kiểm soát.
Điều đầu tiên tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói trong phiên khai mạc toàn thể. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cần phải nỗ lực để cải thiện các tiêu chuẩn. Khi tôi bắt đầu tìm hiểu, tôi đã ngạc nhiên khi biết rằng các nhà kinh tế khác nhau chỉ đưa ra các mô hình khác nhau. Một người nói rằng ‘đây là hàm tiêu dùng của tôi’. Người khác lại nói rằng ‘còn đây là của tôi’, v.v.. Như vậy, có rất ít nỗ lực để so sánh, thử lại, cải tiến, v.v.. Và hướng đi này dường như đặc trưng cho phần lớn các tư tưởng phi chính thống. ‘Đây là khái niệm về X của tôi’, ‘còn đây là của tôi, ‘còn đây mới là của tôi’, nhưng với rất ít nỗ lực để giải quyết các khác biệt, giải thích các [vấn đề gây] căng thẳng, và hơn nữa.
Peter Higgs (1929-)
Tôi không gợi ý rằng chúng ta cần phải đưa ra nhiều khảo sát cơ sở lý thuyết hơn, mà chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để tham gia và tìm cách giải thích và giải quyết các vấn đề và mâu thuẫn, v.v. Và tôi cũng nhấn mạnh rằng chúng ta cần dành thời gian cho mọi thứ. Hãy nhìn vào các ngành khoa học tự nhiên. Trên đường tới Paris (Pháp), tôi nghĩ rằng người ta sẽ thông báo tại CERN [Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu] rằng họ đã tìm ra được hạt Boson Hicks. Cho dù điều này có hay không có đi nữa thì vấn đề là họ đã tìm kiếm nó từ lâu. Theo lý thuyết giải thích có sức ảnh hưởng lớn nhất về các hạt và tương tác của chúng, khối lượng của tất cả các hạt bằng không. Tuy nhiên, dường như chúng vẫn có khối lượng. Như một giải pháp cho vấn đề này, Peter Higgs đã đưa ra giả thuyết rằng không gian được thẩm thấu qua một trường, hơi giống như một trường điện từ, mà các hạt di chuyển trong đó. Khi các hạt di chuyển, có vẻ như là chúng có khối lượng, gần giống như khi ta cảm thấy nặng hơn (và bị cản lại) khi ta chạy xuống biển. Sự tương tác của các hạt với trường càng lớn thì càng có khả năng chúng có khối lượng. Vì thế, sự tồn tại của trường - trường Higgs - là trung tâm của lời giải thích này cho sự xuất hiện của khối lượng [của các hạt này]. Lý thuyết lượng tử cho ta biết rằng tất cả các trường đều có các hạt liên kết với chúng. Vì thế, nếu trường Higgs tồn tại thì phải có một hạt liên kết với nó; đó là hạt boson Higgs. Do đó, việc tìm kiếm đã được thực hiện để lần ra dấu vết của nó. Nếu tôi nhớ không lầm thì Higgs là người đầu tiên đề xuất lý thuyết này vào giữa những năm 1960.
Bây giờ bản tóm tắt trên có thể không còn hoàn toàn đúng nữa, và người ta có thể không thực sự tìm ra hạt boson Higgs; ở Paris (Pháp), tôi thiếu cập nhật thông tin. Nhưng quan điểm của tôi là việc tạo các tiến bộ khoa học và bản thân các tiến bộ khoa học sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian; họ đã tìm kiếm hạt boson Higgs trong gần 50 năm. Hãy so sánh điều này với định hướng của đa số các hệ phái kinh tế học hiện đại, mà tôi e rằng bao gồm cả kinh tế học phi chính thống, về nguyên tử phần lớn không kết nối, không-phát triển, không tham gia. Dĩ nhiên có những ngoại lệ đáng chú ý. Và các trường hợp ngoại lệ chắc chắn bao gồm các nhân vật có tư tưởng phi chính thống được công nhận. Với Marx, Veblen, Keynes, Hayek, v.v., ta tìm thấy các dự án được phát triển liên tục trong suốt vòng đời của nó, chủ yếu thông qua sự gắn kết với những người đóng góp khác. Tuy nhiên, ngày nay, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và không dính dáng gì với nhau. Có rất nhiều điều bất thường, nhưng điều tồi tệ hơn là phải chịu đựng và không được giải quyết. Tôi nghĩ Richard Lipsey nhận xét ở đâu đó rằng mức độ của những điều bất thường nhiều đến mức chúng sẽ bị xem là một vụ bê bối gây phẫn nộ trong bất cứ ngành nào khác.[3]
Richard Lipsey (1928-)
Tất nhiên, tôi nhận thức được những áp lực đè nặng lên hầu hết chúng ta đều buộc mình phải tuân thủ để tiếp tục làm việc. Vâng, tôi nói điều này thì dễ quá rồi bởi vì tôi có vị trí cơ hữu và hầu như không phải chịu những áp lực này. Tôi hiểu rằng việc công bố nhiều mô hình không kết nối khác nhau được thiết kế chỉ để vượt qua các cuộc kiểm định chi bình phương (chi-square) hay bất cứ điều gì mang lại vị trí chính thức và / hay thăng tiến; rằng sự chuẩn bị để đưa ra các phân tích nhanh để ủng hộ cho một quan điểm cụ thể về chính sách thường là điều ưu tiên đầu tiên nhằm đảm bảo nguồn tài trợ theo định hướng chính sách.
Nhưng ít nhất là đối với một diễn đàn như thế này ở Paris (Pháp)[4], nơi có gần 700 nhà kinh tế phi chính thống tham dự, chúng ta có thể hướng đến sự nghiêm túc trong các bài viết của mỗi người trong chúng ta, để tôn trọng lẫn nhau như các thành viên dự khán và cả đối với các chủ đề đang được bàn của chúng ta nữa. Chúng ta không cần phải trình diễn cho người khác thấy rằng tất cả chúng ta thông minh như thế nào; chúng ta hãy thể hiện năng lực vốn có của mỗi người. Điều cần thiết - nhưng có thể không có - đó là sự tham gia và tranh luận thực sự về bản chất của thế giới xã hội cũng như cách thức mà nó vận hành, về sự tiến bộ của ngành. Thay vào đó, ta lại cho phép các đặc điểm như số lượng bài báo xuất bản, trích dẫn, bảng xếp hạng các tạp chí mà ta xuất bản, v.v. để thống trị cách ta làm việc. Tất cả những điều này dẫn đến - hay là một biểu hiện của - sự tự đơn giản hóa mình để được phổ biến hơn của ngành này. Đây là sự phản-trí thức. Vâng, đó là con đường mà trường phái dòng chính đã đi. Nhưng toàn bộ quan điểm phi chính thống - mà tôi giả định là khác xa với cách thực hành của trường phái dòng chính - có thể thấy rõ là không được bảo vệ. Hãy thứ lỗi cho tôi nếu điều này nghe có vẻ nặng nề. Và dĩ nhiên, tôi nói rằng tôi phải nâng cao tiêu chuẩn của mình như bất kỳ ai khác. Nhưng tôi nghĩ rằng những cuộc tụ họp như thế này có thể giúp chúng ta; và đó là các cuộc tụ họp mà chúng ta hy vọng có thể được phép để nỗ lực [đóng góp]. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể thu hút sức mạnh từ mỗi người và kết nối nghiên cứu của mỗi người trong các cách thức nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau. Trong một mức độ nào đó mà chúng ta đã làm được; đặc biệt là có một số người đã đóng góp. Nhưng tôi cảm thấy rằng nhiều người trong chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều nữa.
Vấn đề thứ hai của kinh tế học phi chính thống theo tôi nghĩ, và tôi nhắc lại rằng tôi nhấn mạnh các vấn đề này chỉ vì anh hỏi tôi, đó là xu hướng một số nhóm tự bán chuyên nghiệp hóa chính họ và trở nên tách biệt, tạo ra các tạp chí về kinh tế học phi chính thống, phương pháp luận và lịch sử các tư tưởng, những tạp chí đó chỉ đăng bài của những tác giả mà họ muốn, và – điều tồi tệ nhất là – họ tìm mọi cách để loại bỏ / loại trừ ngay cả các trích dẫn / tài liệu tham khảo của các tác giả thuộc trường phái phi chính thống nhưng lệch pha. Tôi sẽ không đề cập tên ở đây. Nhưng tôi nghi ngờ là những tạp chí đó v.v. mà tôi đang đề cập tới sẽ được công nhận (rất dễ đánh giá các trường hợp loại trừ có thể có, v.v. bằng cách kiểm tra danh mục tài liệu tham khảo đính kèm). Một lần nữa tôi quá may mắn nên bản thân không phải chịu đựng điều này, rõ ràng là bởi tôi thuộc loại lão làng. Nhưng tôi rất thường xuyên gặp gỡ các học giả, đặc biệt là những người trẻ, dù ở Cambridge [Anh] hay ở bất cứ nơi đâu, hay nhận được thư điện tử từ họ, họ bảo với tôi rằng họ cảm thấy lạc lõng tại các hội nghị này, hội nghị kia vì họ bày tỏ sự quan tâm đến nhóm X hay chủ đề Y (phi chính thống), hay họ đã được yêu cầu xóa tất cả các tài liệu tham khảo có liên quan đến dự án Z (phi chính thống) để bài viết của họ được chấp nhận trên một số tạp chí, v.v.. Một lần nữa, đây là một ví dụ khủng khiếp về chủ nghĩa phản-trí thức (anti-intellectualism). Hiển nhiên là, bởi vì các học giả chỉ trích tôi, một trong những dự án đôi khi bị đối xử theo cách phản-trí thức này chính là chủ nghĩa duy thực phê phán (critical realism). Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt hay trường hợp bị đối xử tồi tệ nhất.
Dĩ nhiên tôi không gợi ý rằng tất cả chúng ta đều phải đồng ý với nhau; hay mọi thứ đều xứng đáng được xuất bản; chỉ có điều chúng ta hãy tham gia và khuyến khích sự tham gia, mà chúng ta không loại trừ trên cơ sở phi-trí thức. Tôi nhận ra rằng các nguồn tài nguyên bao gồm số trang của tạp chí bị hạn chế; số trang dành cho trường phái phi chính thống lại đặc biệt hạn chế. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng các tạp chí thuộc trào lưu phi chính thống không nên đăng các loại bài báo thiên về toán học vốn có thể được chấp nhận đăng trên tạp chí dòng chính, và các tạp chí dòng chính chỉ đăng thể loại đó. Nhưng tôi chắc chắn nghĩ rằng các tạp chí thuộc trào lưu phi chính thống nên cởi mở hơn đối với, chẳng hạn như, những tác giả dòng chính muốn tranh luận rằng sự nhấn mạnh và chú trọng hiện thời vào việc xây dựng mô hình toán học là hoàn toàn phù hợp. Tất nhiên, vấn đề ở đây là các nhà kinh tế dòng chính dường như không sẵn sàng tranh luận về bất kỳ trường hợp nào cả; họ chỉ đơn thuần chấp nhận rằng các công cụ toán học là phù hợp. Và do đó, và theo cách này, họ sẽ loại trừ tất cả các lựa chọn thay thế. Tôi lo là các tạp chí về phương pháp luận và tư tưởng phi chính thống nào đó đôi khi hành động phản-trí thức y như thế đối với các quan điểm của các trường phái phi chính thống khác mà họ cảm thấy không thoải mái hay vì sự cạnh tranh lẫn nhau hay vì bất cứ điều gì khác.
Điều cần thiết - nhưng có thể không có - đó là sự tham gia và tranh luận thực sự về bản chất của thế giới xã hội cũng như cách thức mà nó vận hành.
Song tôi vẫn hy vọng là tôi đã sai hay ít ra tôi nói quá vấn đề lên ở đây. Dù thế nào thì hãy để tôi kết thúc cuộc nói chuyện với một thái độ tích cực với một số ví dụ tương phản với những xu hướng này. Điều đầu tiên là chính cái hội nghị này. Thật là tuyệt vời và gần như duy nhất để trải nghiệm ba tổ chức lớn khác nhau - International Initiative for Promoting Political Economy [Sáng kiến ​​Quốc tế Thúc đẩy Nền Kinh tế Chính trị] (IIPPE), Association for Heterodox Economics [Hiệp hội Kinh tế học phi chính thống] (AHE) và French Political Economy Association [Hiệp hội Kinh tế Chính trị Pháp] (FAPE) - cùng nhau tổ chức một hội nghị, với các luồng tư tưởng cởi mở với mọi loại hình đóng góp có thể thực hiện. Tôi thực sự rất vui khi có mặt ở đây và hỗ trợ cho mọi người. Tôi nghĩ rằng các nhà tổ chức, đặc biệt là các đồng nghiệp người Pháp của chúng ta, đã đạt được một điều gì đó rất đặc biệt. Theo tôi được biết, như tôi đã đề cập, có gần 700 người có mặt tại hội nghị này; họ đến từ khoảng 50 quốc gia và khắp các châu lục. Thật là tuyệt vời.
Điểm tích cực thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh là sự ra mắt của tổ chức World Economics Association [Hiệp hội Kinh tế học Thế giới] (WEA) có tính đa nguyên, và các hoạt động đa dạng của Hiệp hội, không kém phần quan trọng chính là các tạp chí có diễn đàn mở của Hiệp hội. Mọi người đều có thể gửi bài báo về các tạp chí này, quan sát việc nộp bài báo của người khác, rồi quan sát phản hồi nhận được từ các nhà bình duyệt và bất kỳ ai khác muốn góp ý, kết hợp với bất kỳ người nào đã góp ý cho mình, cùng nhau thực hiện những chỉnh sửa cuối cùng, và v.v.. Một quy trình mở như thế nhất thiết phải thoát khỏi một số vấn đề lo lắng mà tôi đã nêu ra trước đó. Toàn bộ điều này dường như được thiết kế để có được tính đa nguyên thực sự. Tôi hy vọng những loại hình phát triển này sẽ tiếp tục, và được công nhận và hỗ trợ một cách rộng rãi.
----

Lawson, T (2003) Reorienting Economics [Định hướng lại Kinh tế học], London and New York: Routledge.
Lawson, T (1997) Economics and Reality [Kinh tế học và Thực tại], London and New York: Routledge.
Lawson, Tony (2009) ‘Applied Economics, Contrast Explanation and Asymmetric Information’ [Kinh tế học Ứng dụng, Giải thích Tương phản và Thông tin Không cân xứng], Cambridge Journal of Economics [Tạp chí Kinh tế học Cambridge], 33:3, May pp. 405-20.
Lipsey, R. G. (2001), ‘Successes and failures in the Transformation of Economics’ [Thành công và Thất bại trong Chuyển đổi Kinh tế học], Journal Of Economic Methodology [Tạp chí Phương pháp luận Kinh tế], Vol. 8, No. 2, June, p. 169-201.
Trích: trang 6-9 trong Bản tin Hiệp hội Kinh tế học Thế giới tập 2 (số 4), tháng 8, năm 2012
----
Tony Lawson là một triết gia và nhà kinh tế người Anh. Ông là giáo sư kinh tế học và triết học tại Khoa Kinh tế học, Đại học Cambridge. Ông là đồng biên tập của Tạp chí Kinh tế học Cambridge, cựu giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu về Giới của Đại học Cambridge, và đồng sáng lập Hội thảo của các nhà duy thực Cambridge và Nhóm nghiên cứu Bản thể học Xã hội Cambridge. Lawson được ghi nhận vì những đóng góp của ông cho kinh tế học phi chính thống và các vấn đề triết học trong lý thuyết hóa xã hội, đặc biệt là đối với bản thể học xã hội.
Nguyễn Việt AnhNguyễn Bích Ngọc dịch
Nguồn: WEA interview on ontology with Tony Lawson in Paris, World Economics Association, Aug 2012.




Chú thích của người dịch cho bài Kinh tế học và Thực tại:

[1] Tính hợp lý bên trong (Internal validity) gắn chặt với các phương pháp đo lường sử dụng trong nghiên cứu. Phương pháp đo lường có độ chính xác (accuracy) và độ tin cậy cao (reliability) là yếu tố cần thiết để nâng cao giá trị khoa học của một nghiên cứu.

[2] Tính hợp lý bên ngoài (External validity) [còn gọi là tính khái quát hoá] thường gắn chặt với các tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng cho nghiên cứu. Những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu có liên quan đến tính khái quát hóa của kết quả nghiên cứu cho một tổng thể lớn hơn.


Chú thích của biên tập viên [WEA] cho bài Phỏng vấn Tony Lawson:

[3] (Tony [Lawson] cung cấp thêm chi tiết): Lipsey thực sự đã viết rằng: “… những điều bất thường - đặc biệt là những thứ đã đi qua các chuyên ngành và có thể được nghiên cứu với trình độ kỹ thuật khác nhau của sự tinh vi - được dung thứ ở một mức độ mà trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên thì không thể -- và sẽ bị xem là một vụ việc gây phẫn nộ nếu thực sự đúng như thế” (Lipsey, RG, 2001, tr.173)

[4] Diễn đàn về Kinh tế chính trị và triển vọng về chủ nghĩa tư bản.

Print Friendly and PDF