24.10.19

Giải "Nobel" kinh tế: Esther Duflo, môn đồ chống lại các mô hình


GIẢI “NOBEL” KINH TẾ: ESTHER DUFLO, MÔN ĐỒ CHỐNG LẠI CÁC MÔ HÌNH
Esther Duflo, tại Paris, ngày 17 tháng 6 năm 2013. Ảnh Serge Picard. VU
Nữ giáo sư người Pháp, tại Viện Công nghệ Massachusetts, và các nhà nghiên cứu người Mỹ Abhijit Banerjee và Michael Kremera đã được Ngân hàng Thụy Điển trao giải thưởng Nobel, vào hôm thứ hai, vì các công trình của họ về giảm nghèo.
Michael Kremer (1964-)
Abhijit Banerjee (1961-)
Phải nói rằng khi bước đầu thực hiện các công trình của họ, được khởi đầu cách đây hơn hai mươi năm, ba người này được coi là những người lập dị sống cách xa nhiều năm ánh sáng với một khoa học kinh tế bị chi phối bởi các mô hình tự phụ, nhồi đầy các công thức toán và các số liệu thống kê khác. Ở trung tâm của các định chế viện trợ phát triển quốc tế, không ai (hay gần như không ai) tin vào phương pháp của họ. Ngày nay, đó là một sự ngọt ngào lớn nhất, chính họ là chủ nhân của giải thưởng về kinh tế học của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel”, được gọi một cách không chính xác là giải Nobel kinh tế. Đây là giải thưởng thứ 51 dành cho ba chuyên gia trong cuộc chiến chống lại nghèo khó, trong đó nhà kinh tế nữ người Mỹ gốc Pháp Esther Duflo (từng là người viết chuyên mục thời luận cho báo Libération từ năm 2002 đến năm 2009), là người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng trong lịch sử, ở tuổi 46. Nhà nữ nghiên cứu, chồng của bà là người Mỹ gốc Ấn Độ Abhijit Banerjee và một người Mỹ khác là Michael Kremer đã giới thiệu một cách tiếp cận mới [dựa vào thử nghiệm] để có được những đáp án đáng tin về cách tốt nhất để giảm nghèo trên thế giới”, theo lời công bố của Göran Hansson, Tổng thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia, tại Stockholm.
Giới tinh hoa của các trường đại học săn lùng
Elinor Ostrom (1933-2012)
Esther Duflo, nữ giáo sư về kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), không nghi ngờ gì là người tiêu biểu nhất trong số ba người nhận giải. Dĩ nhiên rồi vì bà là một trong những nhà kinh tế nữ nổi tiếng nhất trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Bản tóm tắt lý lịch của bà không hề có một khoảng thời gian chết nào. Năm 2009, bà là giáo sư đầu tiên giữ ghế “Kiến thức chống nghèo khó” tại Collège de France. Một định chế giáo dục uy tín nhất ở Pháp. Năm 2010, bà được trao huy chương John Bates-Clark, một kiểu giải thưởng mở đường cho giải thưởng Nobel về kinh tế. Năm 2011, tạp chí Time xếp nữ giảng viên này, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, trong số 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Năm 2012, bà gia nhập Ủy ban Phát triển Toàn cầu, chịu trách nhiệm tư vấn cho [tổng thống] Barack Obama về những vấn đề viện trợ phát triển cho các nước nghèo. Khiêm tốn đến độ đáng ngạc nhiên, bà đã thổ lộ nhân một cuộc phỏng vấn trong chuyên mục chân dung nhân vật của báo Libération (ngày 2 tháng 7 năm 2013): “Đây là một nhiệm vụ tư vấn thuần túy, giống như hàng trăm nhiệm vụ khác. Tôi chưa bao giờ gặp mặt Obama, và cũng chẳng hề trao đổi thư từ gì với ông ấy.” Bà là người phụ nữ thứ hai duy nhất nhận được giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, sau nhà kinh tế nữ người Mỹ Elinor Ostrom vào năm 2009.
Một thời bị coi là người phi điển hình, nhà kinh tế nữ này chỉ mới 29 tuổi khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ và là đối tượng của một trận chiến giữa viện MIT, và các trường đại học Standford, Princeton và Yale. Giới tinh hoa của nền giáo dục thế giới cạnh tranh nhau để mời bà tham gia về phía họ. Bà đã chọn viện MIT Boston. Thật rất khó để tách biệt công trình của người phụ nữ này, người mẹ của hai đứa trẻ, với những công trình của phòng thí nghiệm mà bà đã thành lập, vào năm 2003, cùng với người bạn đồng hành và cũng là người nhận giải Nobel Abhijit Banerjee (vốn cũng là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của bà tại trường MIT). Cùng vào năm đó, có một cựu sinh viên của trường MIT, Mohammed Abdul Latif Jameel, đã ký cho bà một ngân phiếu hơn 300.000 US$ (khoảng 272.000 euro) để triển khai Phòng thí nghiệm giải pháp chống nghèo khó (hay J-PAL, chữ viết tắt của Jameel Poverty Action Lab). Do đó, ngày nay, các công trình được trao giải thưởng là của ba khôi nguyên cũng như là của phòng thí nghiệm mà họ đã thành lập, trong đó có hàng trăm nhà nghiên cứu được phân bổ làm việc ở các nước kém phát triển nhất cũng như ở các nước giàu nhất.
Elise Huillery
Daniel Cohen (1953-)
Lúc đầu, không có gì cho thấy Duflo dự định học kinh tế học. Bà bắt đầu học lịch sử tại trường Ecole Normale Supérieure (hay ENS, Trường sư phạm Paris – ND). Cũng ở trường này tại phố d’Ulm, song song với các khóa học về lịch sử, bà đã được nhà kinh tế Daniel Cohen dẫn dắt. Vì thế, vừa mới tập tành cọ xát với những thứ liên quan đến kinh tế, bà đã đắm trong đống sách nhồi nhét đầy những phương trình, những phương pháp mô hình hóa hành vi con người được cho là có một tính duy lý nào đó khi đặt vấn đề nghiên cứu tiêu dùng, tiết kiệm, tiền lương... Tuy nhiên, vẻ đẹp của các mô hình hóa kinh tế và các tình thế kinh tế được cho là có những thị trường hiệu quả và cân bằng chung đã không thuyết phục được bà. Đó là những thứ quá trừu tượng, quá xa rời thực tế, quá dựa dẫm vào những giả định xuất phát không được kiểm chứng ...”, bà tóm lại. Là sinh viên ở trường ENS, bà tức giận trước các mô hình kinh tế siêu toán hóa... Những mô hình mà sau đó trở thành những khuyến nghị cho các chính sách công. Đối với bà đó là điều vô nghĩa. Hơn nữa các chính trị gia thường là những người không có khả năng giải mã các mô hình nổi tiếng này”, theo lời giải thích của Elise Huillery, nữ giáo sư kinh tế học tại Đại học Paris-Dauphine và là người liên kết với J-PAL Châu Âu.   
Joshua Angrist (1960-)
Esther Duflo quyết định trở thành nhà kinh tế vào ngày bà hiểu rằng kinh tế học có thể có vai trò trong sự phát triển con người. Nhưng bà muốn đi theo một hướng thực dụng, ngay cả khi phải tiến hành thực sự một sự đoạn tuyệt về phương pháp luận. Bà, cùng với Abhijit Banerjee và Michael Kremer và hàng trăm nhà nghiên cứu liên kết với J-PAL, đã làm được điều gì ngoạn mục đến vậy? Khi các mô hình chính để chống lại nghèo khó đang thống trị ở các nước đang phát triển, thì Esther Duflo đã phát triển một phương pháp lấy cảm hứng từ các công trình của Joshua Angrist (từng là người thứ hai hướng dẫn luận án tiến sĩ của bà) và từ các thí nghiệm ngẫu nhiên trên thực địa. Đã hơn một thế kỷ nay, để thử nghiệm hiệu quả của một phân tử mới, các bác sĩ và các nhà sinh học đã sử dụng phương pháp thí nghiệm ngẫu nhiên, các thử nghiệm lâm sàng.
Nói cách khác, trong bước đầu là hình thành một mẫu những người có khả năng bị ảnh hưởng bởi một liệu pháp mới và có cùng một bệnh lý. Khi bắt đầu cuộc thí nghiệm, mẫu được chọn vì vậy có tính đồng nhất. Rồi đến bước thứ hai: tiến hành chọn ngẫu nhiên hai mẫu trong panel được điều tra này. Sẽ có, với số lượng bằng nhau, một bên là mẫu những người thuộc đối tượng điều trị và một bên là mẫu những người sẽ sử dụng giả dược, nói cách khác là một loại thuốc không có hoạt chất. J-PAL thực hiện chính xác điều tương tự trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục hoặc thực phẩm. Và kết quả đạt được thường đi ngược lại với những thành kiến.
“Thử nghiệm ngẫu nhiên”
Muhammad Yunus (1940-)
Một ví dụ ư? Hẳn ta còn nhớ đến giải thưởng này của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã được trao, vào năm 2006, cho Muhammad Yunus [tác giả nhầm, Muhammad đã được giải Nobel “chính hiệu” và trong trường hợp này là giải Nobel hoà bình - ND], một nhà kinh tế và doanh nhân người Bangladesh nổi tiếng vì đã thành lập, vào năm 1976, định chế tín dụng vi mô đầu tiên, ngân hàng Grameen Bank. Khi đó có hai phe đã đối chọi nhau về những hiệu ứng của tín dụng vi mô do Yunus phổ biến, còn được gọi là “chủ ngân hàng của người nghèo”: phe ủng hộ và phe chống đối. Nhưng còn thực tế thì sao? Liệu có thể nói rằng một vài đồng US$ tín dụng có thực sự góp phần làm thay đổi thân phận con người của những người được hưởng lợi hay không? Chính J-Pal sẽ nỗ lực đo lường tác động của hệ thống tín dụng vi mô này.
Thí nghiệm ngẫu nhiên đã được tiến hành ở Maroc,” Elise Huillery giải thích. Cách đây khoảng mười năm, hàng trăm ngôi làng đã được lựa chọn trên toàn quốc. Tháp lứa tuổi, trình độ học vấn và lối sống, phân phối thu nhập, số lượng cư dân... tất cả các ngôi làng đó đều có những đặc điểm tương đương. Theo cách của những gì được thực hiện trong các thử nghiệm lâm sàng trong sinh học, người ta tiến hành rút thăm một nửa trong số các ngôi làng đó và họ sẽ được nhận một “hoạt chất”: một cơ quan tài chính vi mô sẽ cấp các khoản tín dụng vi mô. Một nửa các ngôi làng còn lại không nhận được gì cả. Nhóm đầu tiên có thể sẽ nhận được một số tiền khiêm tốn được cho là để phát triển công việc buôn bán nhỏ và sau đó kích hoạt một vòng tròn phát triển hiệu quả trong chính ngôi làng của mình.
Thí nghiệm kéo dài trong hai năm dưới sự kiểm soát thường xuyên của các nhà nghiên cứu của J-PAL, những người đã liên tục thu thập dữ liệu càng nhiều càng tốt để so sánh những diễn tiến bên trong hai nhóm ngôi làng đó. Cuối cùng, tình hình của những cộng đồng được hưởng tín dụng vi mô còn lâu mới tốt hơn tình hình của nhóm cộng đồng không được hưởng tài trợ. Thử nghiệm này, được J-PAL lặp lại nhiều lần ở nhiều nước ở châu Phi hoặc ở Đông Nam Á, mang lại những kết quả, về cơ bản, giống nhau.
Liệu có nên kết luận rằng tín dụng vi mô không thể cải thiện được sự phát triển hay không? Hoàn toàn không. Những thử nghiệm nói trên cho phép chúng tôi hiểu ra nhiều điều: ở trong mỗi con người chúng ta không hề có [bóng dáng] một doanh nhân và điều cần thiết, trước khi cấp một tín dụng vi mô đó là đào tạo người dân biết đến tinh thần doanh nhân có thể là gì, Elise Huillery nói thêm. Trong thực tế, có rất ít người có khả năng thành lập chính doanh nghiệp của mình. Thử nghiệm ngẫu nhiên cho phép chúng tôi học hỏi từ những thất bại của mình.”
Không thể phủ nhận giáo dục là một trong những ưu tiên cao nhất. Ở rất nhiều nước đang phát triển, ngay cả khi đã phổ cập việc học ở trường, nhưng vẫn còn quá nhiều trẻ em không biết đọc. Để khắc phục tình trạng này, các nhóm nghiên cứu của Esther Duflo đã tiến hành đánh giá, tại địa phương và một cách hết sức cụ thể, các chương trình đấu tranh chống nghèo khó, trong đó giáo dục là một phần. Từ Ấn Độ đến Ma-la-uy, từ Kenya đến Mexico, phương pháp thử nghiệm ngẫu nhiên đã giúp trả lời cho nhiều vấn đề. Ví dụ, làm thế nào để cho các chiến dịch tiêm chủng trở nên hiệu quả hơn? Làm thế nào để cải thiện công việc dạy trẻ với chi phí thấp nhất? Làm thế nào để khắc phục tình trạng vắng mặt của các giáo viên hoặc y tá? Những vấn đề thiết yếu như y tế và giáo dục là những vấn đề tiên quyết không chỉ đối với phúc lợi xã hội mà còn đối với quyền tự do.
Liên quan đến vấn đề giáo dục, ví dụ của Kenya cho thấy tầm quan trọng của các công trình của nhà nghiên cứu nữ người Mỹ gốc Pháp và các nhóm của bà. Đầu năm 2010, trong nỗ lực thúc đẩy chính sách giáo dục, chính phủ Kenya đã quyết định tách đôi ra các lớp học nhỏ. Một giáo viên sẽ “chỉ” có 40 học sinh [để dạy] thay vì trung bình 80 học sinh. Trên cơ sở của dự án chính sách công này, J-PAL quyết định tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên. Một mặt là những lớp với 40 học sinh, mặt khác là những lớp giữ nguyên 80 học sinh vì lý do thiếu phương tiện. Hai năm sau, kết luận: mặc cho tình trạng giảm nhẹ gánh nặng của các lớp học, không có điều gì thay đổi giữa hai nhóm học sinh, vẫn ở mức tương đương nhau. Nói cách khác, sự phát triển của trẻ ở mức tương đương nhau dù ở nhóm này hay nhóm kia. Các nhóm nghiên cứu của J-PAL đưa ra một kết luận rất dứt khoát, vẫn tồn tại tình trạng khó khăn giống nhau trong công việc giảng dạy ở cả hai nhóm. Theo Duflo, thử nghiệm không mệt mỏi để cải thiện cuộc sống của người nghèo, chính làm như vậy thì đời sống công dân mới có thể nảy nở ở các nước đang phát triển. Cả một chương trình.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF