GIẢI THƯỞNG NOBEL VỀ KINH TẾ - ESTHER DUFLO: NGƯỜI NGHÈO SỐNG NHƯ THẾ NÀO
PHỎNG VẤN. Nhà kinh tế nữ người Mỹ gốc Pháp và hai nhà nghiên cứu người Mỹ Abhijit Banerjee và Michael Kremer đã được trao giải thưởng vì những công trình của họ về giảm nghèo.
Sửa đổi ngày 14/10/2019 lúc 14:20 - Đăng ngày 14/10/2019 lúc 12:31 | Le Point.fr
Esther Duflo là nữ giáo sư về kinh tế học tại trường MIT. © PATRICK KOVARIK/AFP
Cuộc phỏng vấn này đã được đăng, ban đầu, vào tháng 12 năm 2011.
Sau khi giữ ghế giáo sư chủ nhiệm môn Kiến thức chống nghèo khó của trường Collège de France, thành lập một phòng thí nghiệm ở trường MIT Boston để đưa ra những câu trả lời cụ thể, Esther Duflo tiếp tục cuộc chiến của mình. Lần này bằng ngòi bút. Với cuốn Repenser la pauvreté [Suy nghĩ lại về Nghèo khó] (NXB Seuil)[*], cùng với người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của mình, Abhijit V. Banerjee (cũng là người nhận giải Nobel 2019, BBT), nhà kinh tế Esther Duflo đã ký tên một tiểu luận vừa mang tính tư liệu vừa gây bối rối.
Một tỷ người sống với số tiền ít hơn 1 US$ một ngày. Họ sống như thế nào? Họ đang nghĩ đến điều gì vậy? Luận đề Suy nghĩ lại về Nghèo khó xuất phát từ một trực giác đơn giản cho rằng chúng ta chỉ có thể đánh bại sự khốn khổ một cách hiệu quả nếu hiểu biết nhiều hơn về lối sống của người nghèo. Không có lòng trắc ẩn hay sự dễ dãi nào hết. Tai họa ở đây đã được phân tích kỹ và mặc kệ nếu nhận định, đôi khi, có đụng chạm và gây khó chịu. Tại sao người nghèo không tiêm phòng cho con cái họ và tại sao một người đói lại chọn mua ba con tôm thay vì mua một kí-lô gạo? Khác xa với hình ảnh thời Victoria dính chặt vào đuôi áo của một số nhà hoạt động và rất nhiều quan chức quốc tế, những người vẫn cho rằng người nghèo phải được bảo vệ chống lại chính bản thân họ trước những bản năng thấp hèn của mình, Esther Duflo đã lựa chọn sự phức tạp thay vì ý thức hệ.
Giải thưởng Nobel tuyệt vời của Esther Duflo nhắc nhở chúng ta rằng các nhà kinh tế Pháp hiện đang ở trình độ tốt nhất thế giới và cho thấy là các nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể tác động cụ thể đến phúc lợi của nhân loại. |
Le Point: Một cuốn sách học thuật, một định kiến rõ nét? Làm thế nào để xác định công trình mới nhất của bà?
Esther Duflo: Cách tiếp cận là rất cụ thể, nó xuất phát từ những ví dụ hết sức đặc thù. Chúng tôi nghiên cứu từng trường hợp và chỉ khi nào thu thập được hết khối dữ liệu này thì cuốn sách mới được viết ra trên cơ sở một loạt những nhận xét và kết luận. Chúng tôi muốn viết một cuốn sách kết hợp được sự nghiêm ngặt của các nghiên cứu theo cách tương tự như các thử nghiệm lâm sàng, với một vị trí trang trọng dành cho những điều đã thấy, cho những cảm tượng, cho tất cả những cuộc phỏng vấn mà chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua, ở tất cả những nước mà chúng tôi đã đến.
Bà nói về “suy nghĩ lại triệt để [radical rethinking]” trong phụ đề tiếng Anh do cuốn Suy nghĩ lại về Nghèo khó được viết bằng tiếng Anh. Tại sao phải là “triệt để” khi bà khẳng định tiếp cận thực tế mà không có ý kiến tiên nghiệm?
Có thể nói rằng chúng tôi là người chống những ý kiến triệt để. Chính cách tiếp cận của chúng tôi mới mang tính triệt để, chứ không phải lời nói hay lời phê bình của chúng tôi. Chúng tôi không đề xuất một cách nhìn mới về thế giới, chúng tôi không thuộc một trường phái hay một ý thức hệ nào cả, chúng tôi xem xét những gì đã xảy ra trên thế giới để đấu tranh chống lại sự nghèo khó, những gì đã thành công và những gì đã thất bại, chúng tôi đánh giá và từ đó cố rút ra những hệ quả. Từng vấn đề một. Liệu nên cấp miễn phí hay tính phí những chiếc màn chống muỗi? Liệu có nên ép buộc trẻ em đến trường hay không? V.v..
Bà viết rằng: “Không phải vì ăn không đủ mà hầu hết người nghèo phải chịu cảnh nghèo.”
Đây là một ý tưởng đang thắng thế ở các nước giàu chúng ta, và cả ở giới tinh hoa của các nước nghèo nữa: một người phải sống với số tiền ít hơn 1 US$ một ngày thì không thể có đủ tiền để mua thức ăn và vì vậy không đủ sức để làm việc, và đó là lý do tại sao họ vẫn nghèo. Thế nhưng, đây không phải là cái mà các dữ liệu của chúng tôi đã phân tích cho thấy. Tôi không muốn phủ nhận sự tồn tại của những nạn đói thực sự, hầu như luôn gắn liền với các cuộc khủng hoảng chính trị, ở đây tôi đang nói về tình hình thông thường. Một người, khi trở nên giàu hơn một chút, sẽ không nhất thiết sử dụng số tiền dôi dư đó cho việc mua thực phẩm. Họ sẽ sắm cho mình một chiếc điện thoại di động, một bộ quần áo, một loại xà phòng... Ví dụ, ở Ấn Độ, ngày càng có ít người thuộc diện rất nghèo, thế nhưng lại ngày càng có nhiều người ăn uống không đủ calo (dưới mức 2.400 calo mỗi ngày, ngưỡng được chính phủ Ấn Độ ấn định cho khu vực nông thôn). Người ta nhận ra rằng những người rất nghèo đó khi có nhiều tiền hơn một chút, sẽ không nhất thiết mua những calo bổ sung; họ có thể thích sử dụng số tiền dôi dư đó vào những hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ không quen sử dụng hoặc thay đổi loại calo mà họ đang tiêu dùng: chuyển từ những hạt gạo mộc mạc, có chất dinh dưỡng nhưng không ngon, sang những hạt gạo cao cấp hơn, sang thịt, sữa. Việc giảm giá thực phẩm cơ bản cũng không phải là biện pháp đảm bảo để người dân đổ xô mua chúng. Một thí nghiệm được Rob Jensen tiến hành ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng khi giá gạo giảm, người dân lại mua tôm hoặc thịt lợn nhiều hơn và, điều nghịch lý là mua gạo ít hơn, và vì vậy ít calo hơn. Điều này khiến chúng ta cần suy nghĩ về một chính sách thực sự dẫn đến một sự gia tăng chế độ dinh dưỡng.
Bà đặt vấn đề đối với nguyên lý miễn phí. Liệu một chiếc màn chống muỗi hay một chiếc bao cao su được cấp miễn phí có hiệu quả hơn hay không nếu chúng phải được trả tiền, cho dù là trả tiền với giá thấp?
Pascaline Dupas |
Câu hỏi đặt ra là cấn phải biết, khi bắt người dân trả tiền thì liệu ta có không khuyến khích họ mua màn chống muỗi hay không, hay khi cấp miễn phí thì liệu ta có thuyết phục họ rằng chiếc màn đó không có giá trị gì hết hay không. Liệu chiếc màn chống muỗi, nếu được cấp miễn phí, thì nó có được sử dụng hay không? Và nếu một gia đình cần ba chiếc màn chống muỗi, và được cấp miễn phí một chiếc, thì liệu họ có mua hai chiếc còn lại hay không? Và người hàng xóm, khi biết sẽ được cấp miễn phí một chiếc màn chống muỗi, thì liệu họ có đợi đến khi được cấp miễn phí một chiếc màn và tự làm cho mình bị nhiễm bệnh và rồi làm nhiễm bệnh hàng xóm của mình hay không? Không có lý do gì để giải đáp những câu hỏi trên trong phần tóm tắt: thí nghiệm đã được thực hiện, đặc biệt bởi Pascaline Dupas, khi đề xuất cấp miễn phí các màn chống muỗi hoặc bán với giá trợ cấp. Cuối cùng, ta thấy việc cấp miễn phí các màn chống muỗi là hiệu quả hơn.
Về giáo dục, bà tỏ ra rất dứt khoát: cần phải bám sát “các năng lực cơ bản”, theo những gì bà viết.
Chính sách giáo dục, ở các nước nghèo, đảm bảo sao cho tất cả trẻ em đều được đến trường. Điều đó tốt, nhưng ngày càng có ít người biết đọc hoặc biết viết. Vấn đề được sưu tầm rất nhiều. Ta biết hầu như hết mọi thứ về chủ đề này. Thế nhưng, ta lại bỏ qua vấn đề học nghề. Một đứa trẻ có thể đến trường trong năm năm và không học hỏi được điều gì cả. Liệu có ích gì để học hay không? Liệu có cần học điều gì hay không khi sống ở một vùng xa xôi ở Châu Phi hay ở một khu ổ chuột ở châu Á? Ta chưa bao giờ nói về điều đó. Đã có các chương trình, tiền bạc được phân bổ, các chuyên gia và người bản địa để chi tiêu tiền, mọi thứ đều ổn. Nguy cơ là một ngày nào đó phụ huynh sẽ không cho con em họ đến trường nữa khi nhận ra mình không học được điều gì cả.
Tương tự với vấn đề tránh thai. Bà nói: “Việc tiếp cận các biện pháp tránh thai không nhất thiết là một sự đảm bảo để làm giảm tỷ lệ sinh con.”
Về chủ đề này, điều nổi bật là sự thiếu hiểu biết. Tại sao người nghèo có nhiều con cái như thế? Tại sao, trong khi có sẵn các biện pháp tránh thai, nhưng tỷ lệ sinh con vẫn rất cao? Đó là vì các nhân tố tôn giáo, văn hóa, nhưng còn là vì các nhân tố kinh tế và gia đình. Nếu không hiểu được lý do vì sao các gia đình quyết định có nhiều con cái như thế, thì sẽ thật khó để đưa ra những giải pháp hiệu quả. Dữ liệu cho thấy những người nghèo nhất kiểm soát khá tốt tình trạng sinh con của họ, ngay cả khi không có các biện pháp tránh thai; vì vậy không cần phải phân phát các biện pháp tránh thai, điều quan trọng là phải hiểu được điều gì có thể làm cho một ai đó quyết định nên hay không nên sử dụng các biện pháp tránh thai.
Nói một cách ẩn ý, cuốn sách của bà cũng vẽ ra thân phận của người giàu là chúng ta. Ta nhận ra rằng người nghèo có yêu cầu cao hơn, dấn thân hơn, bạo gan hơn, mạo hiểm hơn, nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn người giàu. Đạt được điều này cần huy động nhiều phẩm chất hơn.
Đây là một bài học lớn. Khi ta càng giàu, thì ta càng được bảo vệ để chống lại bản thân, trước sự bất tài, sự thiếu hiểu biết, sự thất bại của mình. Buổi sáng khi thức dậy mà thấy không có nước uống, thì bạn sẽ không thể nghĩ về ngày hôm sau, và nhất là bạn sẽ buộc phải tìm nước uống cho bản thân và gia đình mình. Không được phạm sai lầm. Tôi tìm được nước, nhưng liệu có thể uống được loại nước đó hay không? Liệu tôi có cho các con tôi uống loại nước đó hay không? Chúng ta đã thoát khỏi những vấn đề kiểu như vậy, vốn đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Kiểm soát bản thân, giống như một cơ bắp, không có một khả năng vô hạn. Người nghèo không chỉ có rủi ro phạm sai lầm, vốn là những sai lầm không thể xảy ra với chúng ta (ví dụ như quên đun sôi nước), mà chúng ta còn có khả năng suy ngẫm về những quyết định quan trọng mà chúng ta phải đối mặt với khả năng kiểm soát bản thân nhiều hơn, bởi vì chúng ta không cần lãng phí nguồn năng lượng đó để đương đầu với cuộc sống hàng ngày. Chúng ta đã hoàn toàn quên đi những điều đó bởi vì những cây chống nạn này đã trở nên gần như vô hình.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Prix Nobel d'économie - Esther Duflo: comment vivent les pauvres, LePoint, ngày14/10/2019.
Chú thích:
[*] Sách Suy nghĩ lại về Nghèo khó [Bản tiếng Pháp: Repenser la pauvreté. Bản tiếng Anh: Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty], của Esther Duflo và Abhijit V. Banerjee. Người dịch Julie Maistre (NXB Seuil, “Les livres du Nouveau Monde [Những cuốn sách của thế giới mới]”, 432 trang, giá 24 euro). [Bản tiếng Việt: Hiểu nghèo thoát nghèo, Tp.HCM, NXB Trẻ, 2015 - ND]↩