23.10.19

Các khôi nguyên ‘giải Nobel’ Duflo và Banerjee không giải quyết tận gốc các nguyên nhân nghèo khổ


CÁC KHÔI NGUYÊN ‘GIẢI NOBEL’ DUFLO VÀ BANERJEE KHÔNG GIẢI QUYẾT TẬN GỐC CÁC NGUYÊN NHÂN NGHÈO KHỔ
Lars Pålsson Syll
Một số người đã đi quá xa để khăng khăng cho rằng những giải pháp can thiệp vì sự phát triển nên được thực hiện theo các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trong y học, theo đó người ta đối chứng nhóm “thí nghiệm” (treatment group) với nhóm kiểm soát (control group). Những thử nghiệm loại như vậy được tung ra để đánh giá tác động của rất nhiều dự án - đủ thứ từ viên lọc nước cho đến các chương trình tín dụng vi mô, từ các lớp phổ cập kiến thức tài chính đến tiền thưởng thành tích cho giáo viên ...
Vấn đề thực sự với cơn sốt về “tính hiệu quả của viện trợ” nằm ở chỗ nó thu hẹp sự chú ý của chúng ta vào những can thiệp vi mô ở tầm địa phương vốn cho ra kết quả trong ngắn hạn. Thoạt nhìn, cách tiếp cận này có vẻ hợp lý và thậm chí đầy lý thú. Nhưng nó lại có xu hướng bỏ qua các nguyên nhân mang tính kinh tế vĩ mô, chính trị, và thể chế bao quát hơn của tình trạng nghèo khổ và kém phát triển. Các dự án viện trợ có thể mang lại những kết quả đáng hài lòng ở tầm vi mô, nhưng nhìn chung những dự án đó ngay từ đầu không có chút tác động nào thay đổi các hệ thống đã sinh ra các vấn đề. Thay vào đó, điều chúng ta cần là giải quyết tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu ...
Nếu chúng ta quan tâm đến tính hiệu quả, thì thay vì đánh giá tác động ngắn hạn của các dự án vi mô, chúng ta nên đánh giá toàn bộ chính sách công ...  Khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng chồng chéo có quy mô cực lớn, chúng ta cần tư duy ở tầm hệ thống ...
Chống nghèo khổ, bất bình đẳng, suy giảm đa dạng sinh học và biến đối khí hậu đòi hỏi thay đổi các quy tắc của hệ thống kinh tế quốc tế để gia tăng tính sinh thái và công bằng cho đại chúng. Đây là lúc chúng ta kiến tạo những giải pháp can thiệp - và những công cụ đáng tin cậy - phù hợp với mặt trận mới này.
Hầu hết các nhà nghiên cứu dùng phương pháp ngẫu nhiên hóa (“randomistas”) - không chỉ Duflo và Banerjee - không đánh giá đúng mức vấn đề hỗn tạp.  Nghèo khổ không chỉ xuất hiện như một vấn đề có tính hợp lý ngoại tại (external validity) khi cố ‘xuất khẩu’ kết quả hồi quy đến các thời điểm khác nhau hoặc các tổng thể mục tiêu khác nhau. Nghèo khổ cũng thường là một vấn đề nội tại đối với hàng triệu ước lượng hồi quy được thực hiện mỗi năm.
Cũng như kinh trắc học, ngẫu nhiên hóa hứa hẹn nhiều hơn những gì thực hiện được, cơ bản là vì nó sử dụng các giả định phi thực tế. Và cũng như kinh trắc học, ngẫu nhiên hóa về cơ bản là một phương pháp suy diễn. Với các giả định cho trước, các phương pháp này đưa ra các kết luận suy diễn. Vấn đề hẳn nhiên là chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc khi nào các giả định là hợp lý. Và mặc dù ngẫu nhiên hóa có thể góp phần kiểm soát sự hỗn độn, nhưng không bảo đảm như vậy, vì ngẫu nhiên hóa thực thụ giả định rằng việc thí nghiệm là vô hạn và chúng ta đều biết tất cả các thí nghiệm thực tế là hữu hạn. Và ngay cả khi ngẫu nhiên hóa có thể giúp thiếp lập tác động nhân quả bình quân, phương pháp này không thể tính toán tác động lên từng cá nhân trừ khi bổ sung thêm giả định về tính đồng nhất. Bằng chứng về mối quan hệ nhân quả được tạo ra từ quá trình ngẫu nhiên hóa có thể có giá trị trong các mô hình ‘đóng’, nhưng điều mà chúng ta thường quan tâm là bằng chứng về mối quan hệ nhân quả trong hệ thống mục tiêu thực thế mà chúng ta sống trong đó.
Lars Pålsson Syll (1957-)
‘Thí nghiệm kiểm soát lý tưởng’ cho chúng ta biết chắc chắn điều gì gây ra tác động gì - nhưng chỉ với những ‘giả định’ hợp lý cho trước. Để thực hiện phép ngoại suy thích hợp từ các thí nghiệm (lý tưởng, tình cờ, tự nhiên hay gần giống) ra các hoàn cảnh, các tổng thể hay các hệ thống mục tiêu khác, là không hề dễ dàng. “Dự án có hiệu quả ở chỗ kia” không minh chứng cho việc “dự án sẽ có hiệu quả ở chỗ này”. Các nguyên do được suy luận từ một hoàn cảnh thực hiện thí nghiệm vẫn phải chứng minh rằng chúng được bảo chứng xuất khẩu sang tổng thể/hệ thống mục tiêu. Các giả định cho mối quan hệ nhân quả nền tảng phải được minh giải, và nếu không có bảo chứng là có thể khái quát hoá, thì tính ‘chặt chẽ’ và ‘chính xác’ của các phương pháp - cũng như ‘kiến thức về tác động bình quân’ - là rất mong manh.
Ngoài những vấn đề về mặt phương pháp luận này, tôi cho rằng cách tiếp cận chống nghèo khổ của Duflo và Banerjee có sự ngây thơ về khoa học rất đáng ngại. Cái cách họ thể hiện toàn bộ nỗ lực của họ lại có vẻ không quá kém ‘tinh thần khoa học’ khi chống nghèo khổ trở thành vấn đề áp dụng ‘các kỹ thuật’ định lượng ‘khách quan’. Nhưng chống nghèo khổ như vậy là không đúng cách! Chống nghèo khổ và bất bình đẳng về cơ bản là vấn đề thay đổi cấu trúc và các thể chế của nền kinh tế và xã hội.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Print Friendly and PDF