5.10.19

Campuchia đứng giữa các biện pháp trừng phạt của châu Âu và các cơ hội của Trung Quốc

CAMPUCHIA ĐỨNG GIỮA CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA CHÂU ÂU VÀ CÁC CƠ HỘI CỦA TRUNG QUỐC
Nền kinh tế Campuchia được thúc đẩy bởi việc xuất khẩu hàng may mặc. (Nguồn: Asia Nikkei)
Xuất phát từ một mức thu nhập rất thấp, Campuchia, với 16 triệu dân, là nền kinh tế năng động nhất của châu Á kể từ mười năm qua. Sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia, được phân bổ rất không đồng đều, đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người làm công ăn lương. Campuchia đạt được điều đó nhờ ngành xuất khẩu hàng may mặc và xây dựng được Trung Quốc thúc đẩy.
các MỐI ĐE DỌA lên NGÀNH MAY MẶC
Vào đầu những năm 1990, ngành may mặc Campuchia chỉ gói gọn, một mặt, vào các hoạt động may mặc thủ công, và mặt khác vào một tá doanh nghiệp nước ngoài bị hấp dẫn bởi một bộ luật đầu tư tự do và bởi chính sách mở cửa thị trường Mỹ và châu Âu cho ngành xuất khẩu của đất nước nghèo khó này. Từ năm 1990 đến năm 2005, công ăn việc làm trong ngành may mặc đã tăng từ 10.000 lên 200.000 người làm công ăn lương, và Campuchia đã nằm trong tầm nhắm của các nhãn hàng lớn. Campuchia đã không đứng ngoài lề sự gia tăng thần kỳ của ngành xuất khẩu Trung Quốc tiếp theo sau việc tự do hóa thương mại thế giới về các sản phẩm dệt may. Từ năm 2005 đến năm 2018, thị phần của Campuchia trên thị trường may mặc toàn cầu đã tăng từ 0,6% lên 2,6%, đứng xa sau Trung Quốc (30%), Bangladesh (7,8%) hoặc Việt Nam (6,4%). Từ nay, đất nước này đang tiến gần đến Ấn Độ và xuất khẩu nhiều mặt hàng may mặc hơn lục địa châu Phi. Ngành may mặc đã tạo ra 660.000 việc làm, tức một nửa số việc làm hưởng lương ở Campuchia. Một phần năm các hộ gia đình hưởng lợi từ các cuộc chuyển nhượng của công nhân trẻ.
Khả năng cạnh tranh của lĩnh vực này dựa vào điều gì? Đó không chỉ dựa vào chi phí tiền lương: mức lương tối thiểu cao gấp đôi so với ở Bangladesh, và đã bắt kịp mức lương tối thiểu của Việt Nam (180 US$), trong khi năng suất thì gia tăng rất chậm. Ngành này còn hưởng lợi từ các điều kiện dễ dãi theo thỏa thuận “Mọi thứ đều có thể, trừ vũ khí” (TSA). Từ năm 2001, thỏa thuận TSA cho phép hàng xuất khẩu Campuchia tiếp cận thị trường châu Âu mà không bị đánh thuế hải quan. Việc không yêu cầu kê khai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa – trong đó nguyên liệu vải chiếm gần một nửa chi phí mặt hàng – cho phép các doanh nghiệp may mặc – Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc – sử dụng nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngành công nghiệp này đã đa dạng hóa hàng xuất khẩu với mặt hàng giày thể thao – Campuchia là nhà cung cấp thứ mười trên thế giới mặt hàng này. Các mặt hàng giày dép và may mặc chiếm 3/4 các mặt hàng xuất khẩu, trong đó một nửa xuất sang châu Âu và một phần năm xuất sang Hoa Kỳ nơi phải chịu một mức thuế quan bằng 14%.
BÁO CÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VÀ TÁC ĐỘNG CỦA BREXIT
Hun Sen (1952-)
Thời gian hưởng lợi từ TSA đang được tính từng ngày. Một mặt, chế độ TSA này dành cho những nước kém phát triển nhất, một ưu đãi mà Campuchia sẽ không còn được hưởng. Mặt khác, chế độ TSA này có thể bị đình chỉ trong trường hợp vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng và có hệ thống”. Thế nhưng vào năm 2018, sau khi cấm Đảng Cứu quốc hoạt động, đảng đối lập chính, Hun Sen đã thâu tóm tất cả các ghế trong cuộc bầu cử. Ủy ban châu Âu đã phản ứng lại vào tháng 3 vừa qua, bằng cách áp dụng thủ tục loại trừ tạm thời Campuchia khỏi quy chế TSA. EU đã tiến hành điều tra chính quyền, xã hội dân sự và đại diện của Liên Hợp Quốc: vào đầu tháng 9, và đã đệ trình báo cáo về các vi phạm quyền hoạt động chính trị, thủ tục thu hồi đất và quyền hoạt động công đoàn. Chính phủ Campuchia có một tháng để có phản ứng và Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 2 năm 2020.
Trong thời gian đó, Campuchia cũng bị đe dọa bởi những hậu quả của Brexit. Người Anh, khi chưa đạt được kết quả đàm phán Brexit với châu Âu, đã không bận tậm đến các điều kiện tiếp cận thị trường của họ [nước Anh] đối với các nước mới nổi. Trừ phi có một sáng kiến ​​từ London, nước Anh sẽ mất đi những lợi thế đã thỏa thuận với EU vào ngày 31 tháng 10, và hàng hóa xuất khẩu của họ sẽ phải chịu thuế quan. Tình trạng này thật đáng lo ngại đối với Campuchia. Thực vậy, thị trường Anh tiêu thụ 10% hàng xuất khẩu của Campuchia, tỷ lệ cao nhất trong khối các nước ASEAN, và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu sẽ rất nhạy cảm về giá cả. Brexit có thể làm cho GDP [của nước Anh] bị giảm 1% và có thể còn cao hơn nữa vì sự mất giá của đồng bảng Anh.
Việc đình chỉ quy chế TSA sẽ đưa thuế quan của EU lên 12% đối với hàng hóa may mặc và 17% đối với các mặt hàng giày dép. Theo Ngân hàng Thế giới, điều này sẽ làm cho ngành xuất khẩu trong các lĩnh vực này bị giảm 5% (510 triệu US$). Cộng thêm các mối đe dọa của châu Âu là sự bất định về việc gia hạn Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP) của Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm Campuchia của một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vào tháng 6 năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu (750 triệu US$), hệ thống GSP ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu các mặt hàng du lịch, vốn đang phát triển rất nhanh kể từ khi Mỹ quyết định đưa các mặt hàng du lịch vào GSP, vào năm 2016: đã có khoảng 30 nhà máy được thành lập trong nửa đầu năm 2019.
SỰ BÙNG NỔ TRUNG QUỐC VÀ CÔNG CUỘC CÔNG NGHIỆP HÓA
Tuy nhiên, những thất thế nói trên có thể được bù đắp bởi những hệ quả của cuộc xung đột Trung-Mỹ. Từ việc các nhà đầu tư nước ngoài di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, hàng xuất khẩu đã tăng lên trong nửa đầu năm 2019. Việc đình chỉ quy chế TSA có thể giúp thúc đẩy sự đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang lĩnh vực lắp ráp điện tử, dây điện xe ô tô và các sản phẩm khác có giá trị gia tăng thấp. Quá trình đa dạng hóa bị cản trở, trong số những thứ khác, bởi chi phí điện cao nhất ở châu Á và bởi sự thiếu hụt về trình độ lành nghề. Đồng thời, việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc tạo ra những cơ hội đa dạng hóa ngành sản xuất sang những hoạt động chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn.
Bắc Kinh đã nối lại quan hệ với Phnom Penh sau khi Campuchia khôi phục chế độ quân chủ vào năm 1993. Các mối quan hệ đã được tăng cường kể từ cuộc đảo chính của Hun Sen vào năm 1997. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất của Campuchia (37% vào năm 2018), là chủ nợ chính (40% nợ nước ngoài) và là nhà đầu tư lớn nhất. Vào năm 2018, với 2 triệu lượt người du lịch, Trung Quốc có lượng khách du lịch đứng hàng đầu.
Campuchia đã tham gia vào dự án các “Con đường tơ lụa mới”. Trong số các dự án được dán nhãn như vậy, có xa lộ Sihanoukville-Phnom Penh (và 2.230 km đường cao tốc), sân bay Xiêm Riệp mới hoặc công trình cải tạo cảng container Sihanoukville. Campuchia thu hút người Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cho thuê, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao gấp ba lần so với ở Thượng Hải. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản đang thúc đẩy ngành xây dựng và làm cho các dự án công nghiệp trở thành chính đáng. Trong số những dự án tham vọng nhất, có dự án của China Baowu Steel Group [Tập đoàn thép Baowu Trung Quốc] sẽ di dời hai lò luyện kim lớn (3 triệu tấn) từ Tân Cương đến miền bắc Campuchia để đáp ứng nhu cầu của Vương quốc.    
Xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động, thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn... Quá trình công nghiệp hóa của Campuchia gợi lên quỹ đạo [phát triển kinh tế] của các nước Đông Á. Với một điểm khác biệt nhỏ: Campuchia dựa vào các sáng kiến ​​ca nước ngoài.
Giới thiệu tác giả


Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên của nhóm Asie21 (Futuribles) và là cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Đồng tác giả với M. Lautier, ông đã xuất bản cuốn: Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation [Nền kinh tế Đông Nam Á ở ngã toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF