Chú thích của người dịch:
[1] Tính hợp lệ bên trong/tính hợp thức nội tại của phương pháp nghiên cứu (Internal validity) gắn chặt với các phương pháp đo lường được sử dụng trong nghiên cứu. Phương pháp đo lường có độ chính xác (accuracy) và độ tin cậy cao (reliability) là yếu tố cần thiết để nâng cao giá trị khoa học của một nghiên cứu.↩
[2] Tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu (External validity) [còn gọi là tính khái quát hoá] thường gắn chặt với các tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng cho nghiên cứu. Những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu có liên quan đến tính khái quát hóa của kết quả nghiên cứu cho một tổng thể lớn hơn.↩
[3] Hiệu ứng lấn át (crowding out effect) là sự suy giảm chi tiêu cho đầu tư của khu vực tư nhân khi chính phủ tăng chi tiêu.
Xem thêm: https://vietnamfinance.vn/hieu-ung-lan-at-la-gi-20180504224210452.htm↩
18.10.19
Nghiên cứu để giúp đỡ người nghèo trên thế giới
NGHIÊN CỨU ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO TRÊN THẾ GIỚI
Đâu là cách tốt nhất để thiết kế các biện pháp giảm nghèo trên toàn cầu? Với những nghiên cứu tiên tiến dựa trên các thí nghiệm thực địa, Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã đặt nền móng để trả lời câu hỏi sống còn này của nhân loại.
Trải qua hai thập kỉ, mức sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. An sinh kinh tế (tính theo GDP bình quân đầu người) tăng gấp đôi ở các nước nghèo nhất từ năm 1995 đến 2018. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm một nửa so với năm 1995 và Tỉ lệ trẻ em đi học đã tăng từ 56% đến 80%.
Bất chấp những tiến bộ này, nhiều thách thức khổng lồ vẫn hiện hữu. Còn hơn 700 triệu người vẫn sống trên mức thu nhập cực thấp. Hàng năm, 5 triệu trẻ em chết trước lần sinh nhật thứ 5, thường là do các bệnh có thể được ngăn ngừa hoặc được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị tương đối rẻ tiền và đơn giản. Một nửa số trẻ em trên thế giới khi rời ghế nhà trường mà không có kĩ năng đọc viết và làm toán cơ bản.
Một cách tiếp cận mới để giảm nghèo trên toàn cầu
Để chống lại đói nghèo trên toàn cầu, chúng ta phải xác định các cách thức hành động hiệu quả nhất. Những người đoạt giải năm nay đã chỉ ra rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này bằng việc chia nhỏ nó thành một số câu hỏi nhỏ hơn — nhưng chính xác hơn — ở cấp độ cá nhân hoặc nhóm. Sau đó họ trả lời từng câu hỏi một bằng cách sử dụng thí nghiệm thực địa (field experiment) được thiết kế đặc biệt. Chỉ trong hơn 20 năm, phương pháp này đã hoàn toàn tái định hình cách thức chúng ta nghiên cứu trong lĩnh vực được biết đến dưới tên gọi là kinh tế học phát triển. Nghiên cứu mới này hiện đang cung cấp một dòng kết quả cụ thể ổn định, góp phần giảm bớt các vấn đề của nghèo đói trên toàn cầu.
Phần lớn cách biệt về năng suất lao động giữa nước có thu nhập thấp và nước có thu nhập cao là do những cách biệt trong bản thân các nước có thu nhập thấp.
Từ lâu chúng ta đã nhận thức được những cách biệt khổng lồ về năng suất trung bình giữa nước giàu và nước nghèo. Tuy nhiên, như Abhijit Banerjee và Esther Duflo lưu ý, năng suất cách biệt đáng kể, không chỉ giữa nước giàu và nước nghèo mà còn trong các nước nghèo. Một số cá nhân hoặc công ty sử dụng các công nghệ mới nhất, trong khi những cá nhân hoặc công ty khác (sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự) sử dụng các phương tiện sản xuất lỗi thời. Năng suất trung bình thấp phần lớn là do một số cá nhân và công ty chững lại phía sau. Liệu điều này có phản ánh sự thiếu tín dụng, chính sách được thiết kế kém hay do mọi người thấy khó đưa ra được một quyết định đầu tư hợp lí? Phương pháp nghiên cứu được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay liên quan đến chính xác những loại câu hỏi này.
Các thí nghiệm ban đầu trong trường học
Các nghiên cứu ban đầu của những nhà nghiên cứu đoạt giải đã xem xét cách xử lí các vấn đề liên quan đến giáo dục. Cách can thiệp nào giúp nâng cao đầu ra giáo dục với chi phí thấp nhất? Ở các nước có thu nhập thấp, sách giáo khoa thì khan hiếm còn trẻ em thường đi học với bụng đói. Kết quả học tập của học sinh sẽ được cải thiện hơn nếu chúng có thêm nhiều sách giáo khoa? Hay nếu ở trường có những bữa ăn miễn phí? Vào giữa những năm 1990, Michael Kremer và các đồng nghiệp đã quyết định chuyển một phần nghiên cứu từ các trường đại học ở miền Đông Bắc Hoa Kì đến vùng nông thôn phía tây Kenya để trả lời các loại câu hỏi này. Họ thực hiện một số thí nghiệm thực địa hợp tác với một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương.
Trong các thí nghiệm thực địa của các nhà nghiên cứu đoạt giải, sách giáo khoa và các bữa ăn miễn phí tại trường có ảnh hưởng nhỏ, trong khi trợ giúp đặc biệt cho các học sinh yếu giúp cải thiện đáng kể đầu ra giáo dục.
Tại sao các nhà nghiên cứu chọn sử dụng các thí nghiệm thực địa? Vâng, nếu bạn muốn kiểm tra ảnh hưởng của việc có nhiều sách giáo khoa hơn lên kết quả học tập của học sinh, thì một phép so sánh đơn giản giữa kết quả của các trường học với nguồn sách giáo khoa khác nhau không phải là một cách tiếp cận thực tế. Các trường học có thể khác nhau theo nhiều cách: những gia đình giàu có thường mua nhiều sách hơn cho con cái, điểm số do đó có thể sẽ tốt hơn ở ngôi trường có ít học sinh thực sự nghèo, v.v.. Một cách để vượt qua những trở ngại này là đảm bảo rằng các trường được so sánh có cùng các đặc điểm trung bình. Có thể làm điều này bằng cách xếp ngẫu nhiên các trường vào các nhóm khác nhau để so sánh — một nhận thức sâu cổ xưa vốn là nền tảng của các thử nghiệm trong khoa học tự nhiên và y học. Trái ngược với thử nghiệm lâm sàng truyền thống, những nhà nghiên cứu đoạt giải đã sử dụng các thí nghiệm thực địa, trong đó họ nghiên cứu cách thức các cá nhân hành xử trong môi trường hàng ngày của họ.
Kremer và các đồng nghiệp của ông đã lấy một số lượng lớn các trường học cần hỗ trợ đáng kể và chia ngẫu nhiên họ vào các nhóm khác nhau. Các trường trong các nhóm này đều nhận được thêm các nguồn lực, nhưng ở các hình thức khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Trong một nghiên cứu, một nhóm được tặng thêm sách giáo khoa, trong khi một nghiên cứu khác xem xét hiệu quả của những bữa ăn tại trường miễn phí. Bởi vì sự ngẫu nhiên quyết định trường nào được cái gì, ở đây không có sự khác biệt trung bình giữa các nhóm khác nhau khi thí nghiệm bắt đầu. Các nhà nghiên cứu, do đó, có thể một cách đáng tin liên kết sự khác biệt trong kết quả học tập sau này với các hình thức hỗ trợ khác nhau. Các thí nghiệm cho thấy rằng dù là có nhiều sách giáo khoa hay có bữa ăn miễn phí ở trường cũng không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nếu sách giáo khoa có bất kì tác động tích cực nào, thì điều này chỉ đúng cho những học sinh giỏi nhất mà thôi.
Các thí nghiệm thực địa về sau đã chỉ ra rằng vấn đề chính ở nhiều nước có thu nhập thấp không phải là thiếu nguồn lực. Thay vào đó, vấn đề lớn nhất là việc dạy học thiếu thích hợp với nhu cầu của học sinh. Trong những thí nghiệm đầu tiên trong số này, Banerjee, Duflo và các cộng sự đã nghiên cứu các chương trình học gia sư cho học sinh ở hai thành phố của Ấn Độ. Các trường học ở Mumbai và Vadodara đã có thêm những người trợ giảng mới, những người sẽ hỗ trợ các học sinh có nhu cầu đặc biệt. Những trường học này được phân vào các nhóm khác nhau một cách khéo léo và ngẫu nhiên, cho phép các nhà nghiên cứu đo lường một đáng tin cậy tác dụng của trợ giảng. Thí nghiệm rõ ràng cho thấy rằng trợ giảng cho những học sinh yếu nhất là một biện pháp hiệu quả trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo sau những nghiên cứu ban đầu ở Kenya và Ấn Độ, nhiều thí nghiệm mới ở các quốc gia khác đã được thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như sức khỏe, tiếp cận tín dụng và áp dụng tiến bộ công nghệ. Ba nhà nghiên cứu đoạt giải đã đi đầu trong nghiên cứu này. Nhờ các công trình của họ, thí nghiệm thực địa đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn của các nhà kinh tế phát triển khi nghiên cứu tác dụng của các biện pháp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Các thí nghiệm thực địa kết hợp cùng lí thuyết
Các thí nghiệm được thiết kế tốt có độ tin cậy rất cao — chúng có tính hợp lệ bên trong/tính hợp thức nội tại của phương pháp nghiên cứu (internal validity)[1]. Phương pháp này đã được được sử dụng rộng rãi trong các thử nghiệm lâm sàng truyền thống trên các dược phẩm mới, vốn có những người tham gia được tuyển chọn đặc biệt. Câu hỏi chính thường là liệu một phương pháp điều trị cụ thể có tác động đáng kể về mặt thống kê không.
Các thí nghiệm được thiết kế bởi những nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay có hai tính chất đặc biệt. Đầu tiên, những người tham gia đưa ra quyết định thực sự trong môi trường hàng ngày của họ, trong cả nhóm được xử lí và trong nhóm đối chứng. Điều này có nghĩa là kết quả thử nghiệm một biện pháp chính sách mới, lấy ví dụ, thường có thể được áp dụng trên hiện trường.
Thứ hai, những nhà nghiên cứu đoạt giải dựa vào nhận thức sâu nền tảng rằng phần lớn những gì chúng ta muốn cải thiện (chẳng hạn như đầu ra giáo dục) phản ánh nhiều quyết định cá nhân (ví dụ của các học sinh, phụ huynh và giáo viên). Do đó, các cải tiến bền vững đòi hỏi một sự hiểu biết về lí do tại sao mọi người ra quyết định — các động lực thúc đẩy ẩn sau các quyết định của họ. Banerjee, Duflo và Kremer không chỉ kiểm tra xem liệu một can thiệp nào đó có hiệu quả (hay không), mà còn trả lời câu hỏi tại sao.
Để nghiên cứu các khuyến khích, hạn chế và thông tin thúc đẩy quyết định của người tham gia, những nhà nghiên cứu đoạt giải [năm nay] đã sử dụng lý thuyết hợp đồng và kinh tế học hành vi, đây cũng là hai lĩnh vực được trao Giải thưởng Khoa học Kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] năm 2016 và 2017.
Khái quát hóa các kết quả
Một vấn đề mấu chốt là liệu các kết quả của thí nghiệm có tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu (external validity)[2] hay không — nói cách khác, liệu các kết quả có áp dụng được trong các bối cảnh khác không. Có thể khái quát hóa kết quả của thí nghiệm ở các trường học của Kenya đến các trường ở Ấn Độ không? Liệu có khác biệt nào giữa một NGO chuyên biệt hay một cơ quan công quyền quản lí một can thiệp cụ thể được thiết kế để cải thiện sức khỏe [người dân]? Điều gì xảy ra nếu một can thiệp mang tính thử nghiệm được nhân rộng từ một nhóm nhỏ các cá nhân lên bao gồm nhiều người hơn? Liệu can thiệp này có ảnh hưởng đến các cá nhân bên ngoài nhóm can thiệp, khi họ bị loại ra không được tiếp cận với các tài nguyên khan hiếm hay khi đối mặt với giá cả cao hơn?
Những nhà nghiên cứu đoạt giải cũng đã đi đầu trong nghiên cứu về vấn đề tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu [hay tính khái quát hóa - ND] và đã phát triển phương pháp mới xem xét các hiệu ứng lấn át (crowding-out effect)[3] và các hiệu ứng lan tỏa (spillover effect) khác. Liên kết chặt chẽ các thí nghiệm với lí thuyết kinh tế cũng làm tăng khả năng khái quát hóa các kết quả, bởi các khuôn mẫu hành vi cơ bản thường vẫn hợp lệ trong các bối cảnh lớn hơn.
Các kết quả cụ thể
Dưới đây, chúng tôi cung cấp một vài ví dụ về các kết luận cụ thể được rút ra từ loại nghiên cứu được khởi xướng bởi những nhà nghiên cứu đoạt giải, với sự nhấn mạnh vào các nghiên cứu riêng của họ.
Giáo dục: Giờ đây chúng ta đã có một quan điểm rõ ràng về các vấn đề cốt lõi của nhiều trường học của các nước nghèo. Chương trình giảng dạy và cách giảng dạy không phù hợp với nhu cầu của học sinh. Tỉ lệ vắng mặt của giáo viên cao và các thể chế giáo dục nhìn chung là yếu.
Nghiên cứu được đề cập ở trên của Banerjee, Duflo và các cộng sự cho thấy việc hỗ trợ đặc biệt cho học sinh yếu có tác động tích cực mạnh mẽ, kể cả trong trung hạn. Nghiên cứu này là sự khởi đầu của một quá trình mang tính tương tác, trong đó kết quả nghiên cứu mới đi đôi với các chương trình quy mô ngày càng lớn để hỗ trợ học sinh. Các chương trình này hiện đã vươn đến hơn 100.000 ngôi trường ở Ấn Độ.
Các thí nghiệm thực địa khác điều tra sự thiếu vắng các khuyến khích và trách nhiệm rõ ràng cho giáo viên, vốn được phản ánh qua mức độ vắng mặt cao. Một cách để thúc đẩy động lực cho giáo viên là sử dụng các hợp đồng ngắn hạn mà có thể được gia hạn nếu họ đạt kết quả tốt. Duflo, Kremer và cộng sự đã so sánh tác dụng của tuyển dụng giáo viên với các điều khoản này với việc giảm tỉ lệ học sinh-giáo viên bằng cách xếp ít học sinh hơn cho mỗi giáo viên làm việc lâu dài. Họ tìm ra rằng học sinh có giáo viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn có kết quả kiểm tra tốt hơn đáng kể, nhưng xếp ít học sinh hơn cho mỗi giáo viên làm việc lâu dài không có tác dụng đáng kể.
Nhìn chung, nghiên cứu mới dựa trên thực nghiệm này về giáo dục ở các nước có thu nhập thấp cho thấy rằng bổ sung nguồn lực, nói chung, có ảnh hưởng hạn chế. Song cải cách giáo dục sao cho thích hợp việc dạy với học nhu cầu của học sinh mang lại giá trị to lớn. Cải thiện quản trị trường học và đòi hỏi trách nhiệm từ những giáo viên không làm tròn nhiệm vụ cũng là biện pháp có hiệu quả về mặt chi phí.
Sức khỏe: Một vấn đề quan trọng là liệu thuốc và chăm sóc sức khỏe có nên tính phí hay không và nếu có thì đến mức nào. Một thí nghiệm thực địa của Kremer và đồng tác giả đã điều tra xem nhu cầu về thuốc tẩy giun khi nhiễm kí sinh trùng bị ảnh hưởng như thế nào bởi giá cả. Họ thấy rằng 75% cha mẹ cho con họ uống những viên thuốc này khi thuốc miễn phí, so với 18% khi chúng có giá thấp hơn một đô-la Mỹ, vốn đã được trợ cấp rất nhiều. Sau đó, nhiều thí nghiệm tương tự có kết quả y hệt: người nghèo cực kì nhạy cảm với giá cả liên quan đến các khoản đầu tư vào chăm sóc y tế mang tính phòng ngừa.
Dịch vụ khả dụng hơn và khuyến khích mạnh mẽ hơn cải thiện tỉ lệ tiêm chủng
Chất lượng dịch vụ thấp là một lời giải thích khác tại sao các gia đình nghèo đầu tư quá ít cho các biện pháp phòng ngừa. Một ví dụ là nhân viên tại các trung tâm y tế chịu trách nhiệm tiêm chủng thường nghỉ việc. Banerjee, Duflo và các cộng sự điều tra liệu các trạm y tế tiêm chủng di động — nơi nhân viên chăm sóc luôn có mặt — có thể khắc phục vấn đề này. Tỉ lệ tiêm chủng tăng gấp ba lần ở các ngôi làng được chọn ngẫu nhiên để đón các phòng khám này, ở mức 18% so với 6%. Con số này tăng hơn nữa, lên 39%, nếu các gia đình nhận được một túi đậu lăng như một phần quà khi họ tiêm chủng con cái. Bởi vì trạm y tế di động có chi phí cố định cao, tổng chi phí trên mỗi lần tiêm chủng thực sự giảm một nửa, dù tính cả chi phí bổ sung của đậu lăng.
Tính duy lí hạn chế: Trong nghiên cứu về tiêm chủng, các ưu đãi và sự chăm sóc tốt hơn không giải quyết hoàn toàn vấn đề, vì 61% trẻ em vẫn chỉ được tiêm chủng một phần. Tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nước nghèo có thể có những nguyên nhân khác, một trong số đó là do người dân không phải lúc nào cũng hoàn toàn duy lí. Lời giải thích này cũng có thể là chìa khóa cho các quan sát khác mà, ít nhất là ban đầu, có vẻ khó hiểu.
Một quan sát như vậy là nhiều người miễn cưỡng áp dụng công nghệ hiện đại. Trong thí nghiệm thực địa được thiết kế khéo léo, Duflo, Kremer và các cộng sự tìm hiểu lí do tại sao các hộ sản xuất nhỏ — đặc biệt là ở vùng Châu Phi Hạ Sahara — không áp dụng những đổi mới tương đối đơn giản, như phân bón nhân tạo, mặc dù chúng sẽ cung cấp những lợi ích tuyệt vời. Một lời giải thích là sự thiên về hiện tại trong nhận thức (present bias) — nhận thức về hiện tại chiếm phần lớn trong nhận thức của mọi người, vì vậy họ có xu hướng trì hoãn các quyết định đầu tư. Khi ngày mai đến, họ một lần nữa đối mặt với quyết định tương tự, và một lần nữa chọn trì hoãn đầu tư. Kết quả có thể là một vòng tròn luẩn quẩn trong đó các cá nhân không đầu tư vào tương lai mặc dù họ có lợi ích lâu dài khi làm vậy.
Tính duy lí hạn chế có ý nghĩa quan trọng trong thiết kế chính sách. Nếu các cá nhân thiên về hiện tại trong nhận thức, thì trợ cấp tạm thời tốt hơn trợ cấp lâu dài: một đề xuất chỉ áp dụng ở đây và ngay bây giờ làm giảm động cơ trì hoãn đầu tư. Đây chính xác là những gì Duflo, Kremer và các cộng sự phát hiện được trong thí nghiệm của họ: trợ cấp tạm thời có tác dụng lớn hơn đáng kể trong việc sử dụng phân bón so với trợ cấp lâu dài.
Tín dụng vi mô: Các nhà kinh tế phát triển cũng sử dụng các thí nghiệm thực địa để đánh giá các chương trình đã được thực hiện trên quy mô lớn. Một ví dụ là việc phát hành hàng loạt các khoản vay nhỏ lẻ ở nhiều quốc gia khác nhau, tạo ra sự lạc quan tuyệt vời.
Banerjee, Duflo và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu ban đầu về một chương trình tín dụng vi mô tập trung vào người nghèo các hộ gia đình ở thành phố lớn Hyderabad của Ấn Độ. Thí nghiệm thực địa của họ cho thấy một tác động tích cực khá khiêm tốn lên đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hiện có, song họ không tìm thấy ảnh hưởng nào lên tiêu dùng hoặc các chỉ số phát triển khác, kể cả trong 18 hay 36 tháng. Các thí nghiệm thực địa tương tự, ở các nước như Bosnia-Herzegovina, Ethiopia, Morocco, Mexico và Mông Cổ, đã cho ra kết quả tương tự.
Tác động lên chính sách
Công trình của những nhà nghiên cứu đoạt giải đã có tác động rõ ràng lên chính sách, cả trực tiếp và gián tiếp. Đương nhiên, ta không thể đo lường chính xác tầm quan trọng của nghiên cứu của họ trong việc định hình chính sách của các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi ta có thể vẽ một đường thẳng từ nghiên cứu đến chính sách.
Một số nghiên cứu chúng tôi đề cập ở trên đã thực sự có tác động trực tiếp đến chính sách. Các nghiên cứu về việc dạy kèm cuối cùng tạo bệ phóng cho các chương trình hỗ trợ quy mô lớn hiện đã vươn đến hơn năm triệu trẻ em Ấn Độ. Các thí nghiệm tẩy giun không chỉ cho thấy tẩy giun mang lại lợi ích sức khỏe rõ ràng cho học sinh, mà còn chỉ ra các bậc phụ huynh rất nhạy cảm về giá. Phù hợp với các kết quả này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng thuốc cần được phân phát miễn phí cho hơn 800 triệu học sinh sống ở những khu vực mà hơn 20% trong đó nhiễm một loại giun kí sinh cụ thể.
Cũng có những ước tính xấp xỉ về việc những kết quả nghiên cứu này đã tác động lên bao nhiêu người. Một ước tính như vậy xuất phát từ mạng lưới nghiên cứu toàn cầu mà hai trong số những người đoạt giải giúp thành lập (J-PAL); các chương trình đã được nhân rộng sau khi được các nhà nghiên cứu trong mạng lưới đánh giá lên đến hơn 400 triệu người. Tuy nhiên, điều này rõ ràng không đánh giá trọn vẹn tổng các tác động của nghiên cứu, bởi vì không phải mọi nhà kinh tế phát triển đều liên kết với J-PAL. Làm việc để đấu tranh chống nghèo đói cũng bao gồm việc không ném tiền vào các biện pháp không hiệu quả. Chính phủ và các tổ chức đã đổ các nguồn lực quan trọng cho các biện pháp hiệu quả hơn bằng cách đóng cửa nhiều chương trình được đánh giá không hiệu quả bằng các phương pháp đáng tin cậy.
Nghiên cứu của những người đoạt giải cũng có ảnh hưởng gián tiếp, bằng cách thay đổi cách các cơ quan công cộng và tổ chức tư nhân làm việc. Để đưa ra quyết định tốt hơn, ngày càng nhiều các tổ chức chống đói nghèo trên toàn cầu bắt đầu một cách có hệ thống đánh giá các biện pháp mới, thường là với các thí nghiệm thực địa.
Những nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay đã đóng vai trò quyết định trong tái định hình nghiên cứu trong kinh tế học phát triển. Chỉ sau 20 năm, chủ đề này đã trở thành một lĩnh vực thành công, chủ yếu mang tính thực nghiệm, trong kinh tế học dòng chính. Nghiên cứu dựa trên thực nghiệm mới này vốn đã giúp giảm nghèo trên toàn cầu và đồng thời sở hữu tiềm năng lớn để tiếp tục cải thiện cuộc sống của những người nghèo nhất trên hành tinh này.
Thông tin thêm
Esther Duflo trong một bài TED nói về nghiên cứu của mình: Thực nghiệm xã hội để chống lại nghèo đói.
Michael Kremer trong một bài giảng trên YouTube: Nguồn gốc và sự phát triển của các Thí nghiệm Ngẫu nhiên trong Phát triển.
ĐỌC THÊM
Thông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm một nền tảng khoa học bằng tiếng Anh, có sẵn trên web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại www.nobelprize.org, bao gồm các video họp báo, các Bài giảng Nobel và nhiều hơn nữa. Thông tin về triển lãm và hoạt động liên quan đến giải thưởng Nobel và Giải thưởng Khoa học Kinh tế có sẵn tại www.nobelprizemuseum.se.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2019 cho
ABHIJIT BANERJEE
Ông sinh vào năm 1961 tại Mumbai, Ấn Độ. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1988 từ Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Quốc tế Quỹ Ford về Kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì.
ESTHER DUFLO
Bà sinh vào năm 1972 tại Paris, Pháp. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1999 từ Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Abdul Latif Jameel về Giảm nghèo và Kinh tế Phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì.
MICHAEL KREMER
Ông sinh vào năm 1964. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1992 từ Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Gates về Phát triển Xã hội tại Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì.
“cho cách tiếp cận thực nghiệm của họ để giảm nghèo trên toàn cầu"
Các nhà biên tập khoa học: Jakob Svensson, Peter Fredriksson và Torsten Persson, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel
Người vẽ ảnh minh họa: ©Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Người dịch [từ tiếng Thụy Điển ra tiếng Anh]: Clare Barnes
Người biên tập: Eva Nevelius
©The Royal Swedish Academy of Sciences
GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC KINH TẾ [ĐỂ TƯỞNG NHỚ NOBEL] 2019 “VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC HOÀNG GIA THỤY ĐIỂN” WWW.KVA.SE
Đoàn Trọng Sang và Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Research to help the world’s poor, Nobel Prize, Oct 14, 2019.