30.10.19

Thời đại Khai sáng ở châu Âu (4): Những yếu tố tạo nên con người thế kỷ 17


Giới thiệu: Không có một thời đại nào trong lịch sử tư tưởng loài người cho đến hôm nay lại mang tính thời sự, đồng thời gây ra nhiều giải thích khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau như thời đại khai sáng. Nhưng dù với xu hướng nào, cũng không ai nghi ngờ rằng, thế giới hiện đại như chúng ta thấy hôm nay được bắt đầu bằng những thành quả của thời đại khai sáng. Đối với người Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa và tư tưởng còn thuộc độc quyền nhà nước và nguồn tin tức về lịch sử văn minh phương Tây còn hạn chế, việc tìm hiểu thời đại khai sáng lại càng thú vị hơn. Cho đến cuối năm 2019, chúng tôi sẽ phổ biến chừng 10 bài về đề tài này. Xin giới thiệu với độc giả bài thứ tư và mong được đón nhận nhiều góp ý, phê bình của độc giả.
THỜI ĐẠI KHAI SÁNG Ở CHÂU ÂU (4):
Tác giả: Tôn Thất Thông
Trong bài trước, chúng ta đã kết luận rằng, trào lưu khai sáng thăng hoa trong thế kỷ 18. Nhưng nói cho cùng, các thành quả của thế kỷ 18 cũng chỉ là bước tiến tất yếu của quá trình vận động khai sáng bắt đầu từ thế kỷ 17, được xem là gốc rễ, và cũng là xung lực cho những thành tựu về sau. Nhưng điều gì đã làm cho thế kỷ 17 quan trọng đến thế? Câu trả lời thật rõ ràng: Là con người! Là tư duy tự do và ý chí hành động của tầng lớp trí thức mới. Vậy yếu tố nào đã làm cho những con người trước đây chỉ biết thuần phục giáo điều ý thức hệ và quyền lực, bỗng trở nên những con người tự chủ đặc biệt của thế kỷ 17, có năng lực làm chuyện lấp biển vá trời, đưa cả lục địa thoát khỏi tình trạng lạc hậu trung cổ?
Để truy tìm nguyên do, chúng ta cần trở lại lịch sử 200 năm trước đó để khảo sát tình hình các hoạt động văn hóa và tư tưởng, sự thay đổi cấu trúc kinh tế và hoạt động thương mại, sự đảo lộn căn cơ về cấu trúc xã hội, sự thành hình tầng lớp trung lưu trí thức mới, các hoạt động nghiên cứu khoa học tự nhiên v.v.. Trong khuôn khổ một vài bài biên khảo ngắn, chúng ta chỉ có thể bàn luận những nét chính yếu được trình bày sau đây rất tóm tắt, cố gắng nêu lên những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên con người của thời đại đó, chứ không đi vào chi tiết các sự kiện lịch sử. Phần biên khảo này được chia làm ba đoạn. Sau đây là đoạn thứ nhất, khảo sát ba biến cố lịch sử đặc biệt: Đợt “di tản văn hóa”, việc phát minh kỹ thuật in ấn và cuộc cách mạng tôn giáo.
1. Đợt “di tản văn hóa” từ Đông sang Tây
Năm 1453, đế chế Ottoman chiếm kinh đô Contantinople thuộc Byzantine, tức tên gọi mới của đế chế Đông La Mã, chấm dứt đế chế hùng mạnh nhất vốn đã tồn tại suốt gần 2.000 năm. Biến cố này đã tạo nên một làn sóng di tản với qui mô lớn chưa từng thấy mà đông đảo nhất là thương gia thành đạt và giới học giả có ít nhiều gắn bó với văn minh Hy Lạp. Họ vượt eo biển Adriatic để đến Trung và Nam Ý, hoặc đi đường bộ xuyên vùng Balcan để đến Áo và các cộng hòa giàu có ở Bắc Ý như Venice, Bologna, Milan, Florence; một số khác vượt rặng núi Alps để đến các nước ở phía bắc lục địa.
Thương gia mang theo tài sản và kỹ năng quản lý kinh doanh, nhưng quan trọng hơn hết là giới học giả mang theo tri thức và rất nhiều sách vở, tài liệu thuộc văn hóa Hy Lạp và La Mã, từ nguồn tư nhân cũng như từ các thư viện lớn của đế chế Byzantine. Hầu hết sách kinh điển của các tác giả thời cổ đại trước Công Nguyên vốn đã được viết thành sách bằng ngôn ngữ cổ Hy Lạp, được bảo tồn ở Đông La Mã và khu vực Ả Rập (bao gồm Tiểu Á, Bắc Phi), giờ đây trong vòng vài năm sau khi Constantinople thất thủ được dồn về các nước Tây Âu. Đây là một biến cố lịch sử có một không hai: Dù đế chế Ottoman chiếm được toàn bộ Đông Âu và Ả Rập, nền văn minh Hồi giáo đã mất đi một di sản văn hóa vô giá vào Tây Âu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng về hướng đi khác nhau để phát triển văn minh ở hai vùng Đông-Tây cho đến tận bây giờ. Một tình cờ lịch sử hay số phận đã định trước?
Làn sóng di tản xảy ra đúng vào lúc các cộng hòa của Ý đang ở thời kỳ hưng thịnh, được cai trị bởi những gia tộc giàu có và ưa thích văn hóa, thí dụ như gia tộc Medici[1] giàu nhất nước Ý đã xây dựng một triều đại kéo dài hơn hai thế kỷ ở cộng hòa Florence, chiếc nôi của nền văn hóa phục hưng. Họ không tiếc tiền săn lùng để mua cho bằng được những tác phẩm kinh điển thời cổ đại, xây dựng nhiều thư viện công cộng, bảo trợ các công trình nghệ thuật tạo hình và kiến trúc phục hưng, đồng thời bỏ tiền nuôi dưỡng các học giả nổi danh trốn chạy từ Byzantine. Chỉ trong vòng vài thập niên, học giả Tây Âu, đặc biệt ở Ý, có thể tiếp cận nhiều tri thức thượng thặng của văn minh Hy Lạp và La Mã, vốn dĩ đã bị bỏ quên và chôn vùi suốt gần 2.000 năm. Ý đã trở thành thánh địa văn hóa cho học giả khắp lục địa đến hành hương và tham quan học hỏi.
Đợt di tản văn hóa này đã làm cho kho tàng tư tưởng của Tây Âu phát triển thêm một bước nhảy vọt, về số lượng cũng như về chất lượng, góp phần thúc đẩy và hoàn thiện trào lưu phục hưng, với nội dung chính là hồi sinh những giá trị truyền thống cổ đại. Nếu như thời kỳ phục hưng tỏ ra là một khoảnh khắc đặc biệt trong số phận con người của xứ hoàng hôn[2], là tuyên ngôn mặc khải của người thế tục, là thời khắc sinh thành của thế giới hiện đại[3]”, thì đợt di tản văn hóa thế kỷ 15 có thể xem là những dòng sữa mẹ đầu tiên nuôi dưỡng nền văn minh hiện đại châu Âu. Không có đợt chuyển dịch văn hóa, có lẽ phục hưng khó trở thành một trào lưu với nhiều hào quang như chúng ta thấy. Và nếu không có phong trào phục hưng, chắc hẳn trào lưu khai sáng hai thế kỷ sau đó chỉ có thể xảy ra với một độ trì hoãn nhất định.
Tuy là gốc rễ của của nền văn minh hiện đại, trào lưu phục hưng cũng để lại hai công trình dở dang mà phải nhờ con người của thời đại khai sáng sau này hoàn tất. Thứ nhất, trào lưu phục hưng làm hồi sinh những giá trị truyền thống thời cổ đại, nhưng con người phục hưng cũng chưa có sáng kiến gì mới mẻ vượt ra khỏi hệ tư tưởng cổ điển. Người phục hưng phê phán giáo hội nhưng vẫn thuần phục các giáo điều huyễn hoặc, chứ chưa hoài nghi, lại càng chưa ly khai khỏi ý thức hệ tôn giáo như con người khai sáng sau này đạt được. Thứ hai, văn hóa phục hưng chỉ mới thuyết phục và truyền bá trong giới học giả, chứ chưa trở thành một trào lưu đại chúng, chưa tạo được ý thức chính trị sống động trong đám đông, một tiền đề quan trọng để cải tạo xã hội, phá vỡ trật tự cũ để xây dựng cái mới.
Tuy nhiên, dù chưa phải là một trào lưu hoàn mỹ, nhưng ý thức phục hưng đã xây dựng nền tảng về văn hóa xã hội để chủ nghĩa nhân bản phát triển, vốn dĩ là luồng tư tưởng xuất phát từ ý thức trở về với văn hóa cổ đại trước Công nguyên, cho nên ít nhiều mang sẵn tư duy rất đa dạng bao gồm cả đa thần, vô thần, dị giáo, và vì thế tự nó đã có phần xung khắc với văn hóa Kitô. Chủ nghĩa mới mẻ này chứa đựng nhiều thành tố đặc biệt, thí dụ như tính chất hấp dẫn của phong thái hoàn mỹ trong văn chương nghệ thuật, mối quan tâm sâu sắc đến từng cá thể, sự tôn vinh các giá trị văn chương và giáo dục truyền thống cổ đại. Trước những thành tố đặc thù đó, hệ thống triết lý thần học khô khan khó lòng đứng vững để cạnh tranh[4].
Học giả thời phục hưng trong một sớm một chiều nhận thức được điều hay lẽ phải vốn đã bị chôn vùi từ lâu. Từ tình trạng bị bưng bít và chỉ biết một ý thức hệ duy nhất, họ sớm nhận thức những chân lý mới mẻ vừa được khám phá. Nếu xem văn minh châu Âu được định nghĩa dựa trên tiêu chuẩn văn hóa, thì làn sóng di tản văn hóa từ Đông sang Tây ở hậu bán thế kỷ 15 – và gắn liền với nó là sự thành hình con người phục hưng với chủ nghĩa nhân bản – là bước ngoặt quan trọng cho việc thành hình con người khai sáng ở thế kỷ 17 và 18.
2. Sức mạnh của kỹ thuật in ấn và xuất bản
Với óc tò mò, lòng kiên nhẫn và quyết tâm cao độ để thay đổi cuộc đời, vào đầu thập niên 1450, Johannes Gutenberg người Đức đã phát minh một kỹ thuật in ấn hoàn hảo. Phát minh của ông bao gồm bốn thành tố. Thứ nhất, các chữ cái được đúc hàng loạt và có thể uyển chuyển sắp xếp với nhau thành câu chữ, dù với tiếng la-tinh hay bất kỳ ngôn ngữ địa phương nào ở châu Âu. Những ai đã tham quan phòng sắp chữ của một nhà in trong thập niên 1960 có thể hiểu nguyên tắc mà Gutenberg đã sáng chế trước đó 500 năm vẫn còn được áp dụng, không có gì thay đổi. Thứ hai, với kiến thức về luyện kim, Gutenberg khám phá công thức pha chế một hợp chất bao gồm chì, kẽm và an-ti-môn để có thể dễ dàng đúc ra những ký tự vô cùng sắc sảo. Thứ ba, với sự khéo léo của nghệ nhân và tính chính xác của kỹ sư cơ khí, ông thiết kế một máy ép bản in với vật liệu thô sơ, đầu tiên bằng gỗ và phiên bản cuối cùng bằng kim loại. Thứ tư, sau một thời gian dài thử nghiệm nhiều công thức hóa học khác nhau, Gutenberg cuối cùng khám phá một loại mực in được pha chế với dầu có thể bảo đảm không nhòe, không phai màu dù in trên giấy hay các vật liệu khác.
Tuyệt phẩm in đầu tiên của Johannes Gutenberg: Thánh Kinh dày 1.500 trang. Nguồn: New York Public Library. Tải từ Wikipedia, CC-BY-SA-2.0
Khám phá của Gutenberg không chỉ là một phát minh mang ý nghĩa kỹ thuật, mà nó đã nhanh chóng khởi động cuộc cách mạng truyền thông đại chúng trên khắp lục địa, với những ngành chuyên môn trước đó chưa có: ngành in ấn, ngành xuất bản và tiếp thị sách báo. Sau chưa đầy 50 năm, các nhà in biết sử dụng phương pháp Gutenberg mọc lên nhanh chóng ở các thành phố châu Âu: ở Đức có khoảng 300 nhà in trong 60 thành phố lớn[5], ở Ý trong 30 thành phố, ở Thụy Sĩ 15, ở Pháp 20. Ngành in ấn ở Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bắc Âu v.v… cũng phát triển tương tự. Ở ngưỡng cửa năm 1500, số lượng sách in ấn trên khắp lục địa đã vượt quá chín triệu bản[6], một con số khổng lồ lúc đó, so với dân số châu Âu trên dưới 80 triệu người[7]. Dưới góc nhìn đó, phát minh của Gutenberg quả đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy quá trình phát triển cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng ở châu Âu.
Cho đến thế kỷ 15, sách vở phổ biến thường do những người văn hay chữ tốt chép lại từ nguyên bản, mất rất nhiều thì giờ, công sức và đắt tiền, cho nên chỉ có giới nhà giàu, tu viện hoặc các thư viện công cộng mới đủ tiền mua sách. Với phương pháp của Johannes Gutenberg, sách vở tài liệu có thể được in nhanh chóng với giá thành thấp đến độ một người trung lưu bình thường cũng có thể mua về làm của riêng.
Nhờ phát minh của Gutenberg, cho đến ngưỡng cửa năm 1500, hầu hết các tác phẩm quan trọng của Hy Lạp và La Mã đều được in và phổ biến rộng rãi trong giới học giả và thanh niên sinh viên, làm nền tảng tư tưởng cho những khám phá mới trong các lĩnh vực triết học và khoa học. Tác phẩm gốc thường là bản thảo do làn sóng di dân mang lại từ đế chế Byzantine sau khi Constantinople thất thủ năm 1453[8].
Thật khó hình dung rằng, phong trào phục hưng và trào lưu khai sáng có thể hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu, nếu không có phát minh của Gutenberg hỗ trợ. Nhưng kỹ thuật in ấn cũng chỉ là một phương tiện truyền thông, một mình nó không thể thúc đẩy sự phát triển văn minh cả lục địa. Điều gì đã làm cho tri thức nhân loại được phổ biến nhanh chóng và hiệu quả đến mọi người? Chính là chế độ tự do kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách báo, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ trong thế kỷ 16. Với kỹ thuật in ấn nhanh và rẻ, nhu cầu đọc sách để nâng cao tri thức phát triển nhanh chóng trong mọi giới đã tạo nên một thị trường chữ nghĩa to lớn có sức hấp dẫn đầy ma lực, quyến rũ doanh nhân đầu tư, một xu hướng không thế lực nào ngăn cản được[9].
Học giả thích phát hành sách để đưa vào diễn đàn trao đổi, tranh luận, phản biện. Dịch giả, văn thi sĩ và tác giả chuyên nghiệp thì xem chuyện viết sách báo như một nghề mưu sinh được xã hội trọng vọng. Nổi bật hơn là hiện tượng các nhà đầu tư và doanh nhân mạo hiểm sẵn sàng lao vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ mặc dù đầy rủi ro, tạo điều kiện để chuyển tải tri thức đến tay người tiêu thụ. Với mục đích kinh doanh – cho dù chỉ kinh doanh thuần túy – hoạt động của doanh nhân là khâu trung gian làm cầu nối giữa tác giả và độc giả, là phương tiện chuyển tải tri thức đến mọi giới trong xã hội, dù họ từ lúc đầu làm kinh doanh không phải vì ý định tốt đẹp đó[10]. Trong lúc vương triều và giáo hội chưa kịp thấy tác động mạnh mẽ của ngành in ấn xuất bản, thì doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, tạo nên một thế trận không thể nào đảo ngược, một sức mạnh ngành nghề không ai áp đảo nổi, vì sau lưng họ là độc giả, là mọi giới mọi ngành trong xã hội. Và họ đã tạo nên một truyền thống bất thành văn kéo dài đến bây giờ: Sức mạnh của ngành xuất bản mãi mãi nằm trong tay tư nhân. Nhà nước chỉ đóng một vai trò rất mờ nhạt trong hoạt cảnh ấy. Chắc hẳn nhờ thế mà phương cách truyền bá tri thức trong xã hội châu Âu được xảy ra vô cùng đa dạng, là mẫu mực cho nhiều nước sau này noi theo.
3. Cách mạng tôn giáo và tâm lý hoài nghi của học giả
Ngày 31.10 năm 1517, mục sư trẻ Martin Luther, là giáo sư môn thần học thuộc đại học Wittenberg, đóng lên cửa chính nhà thờ Schlosskirche một bản cáo trạng[11] bao gồm 95 luận đề chống lại đợt vận động của giáo phận Mainz – được hỗ trợ bởi sắc dụ Giáo Hoàng La Mã – nhằm bán Chứng chỉ Ân xá[12] cho giáo dân. Trong vòng hai tuần, 95 luận đề đó được lan truyền ra khắp nơi ở Đức, và sau hai tháng đã lan rộng khắp châu Âu.
Lúc đó, chưa ai nghĩ rằng, hành động của mục sư Martin Luther đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng vĩ đại nhất so với các cuộc cách mạng trước đó và cả sau này. Về mặt tôn giáo, nó vĩnh viễn thay đổi thế giới Kitô[13], phân hóa cộng đồng tôn giáo thành nhiều tông phái khác nhau cùng tôn thờ một Đức Chúa Trời, thay đổi cách nhìn của giáo dân về nội dung Thánh Kinh; đấy là chưa kể, danh hiệu cao quí Giáo hội Kitô không còn ý nghĩa để tồn tại, dần dần không ai dùng mà thay vào đó, người ta chỉ còn gọi là giáo hội Thiên Chúa, hoặc quen thuộc hơn là giáo hội La Mã, tức là đại diện cho cộng đồng Thiên Chúa giáo (Catholic), chỉ chiếm một phần trong toàn bộ giáo dân Kitô.
Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Schlosskirche.
Họa sĩ: Ferdinand Powels. Nguồn: Wikipedia, vùng công cộng.
Trước đó hai năm, vào ngày 31.3 năm 1515 Giáo hoàng Leo X ban hành sắc dụ ân xá (Papal Bull of Indulgence) nhằm mục đích tìm phương tiện tài chính cho việc xây dựng Thánh đường St. Peter hoành tráng ở Rome. Sắc dụ này cho phép Tổng Giám mục địa phận Mainz ở Đức, trong vòng tám năm, được phép bán các chứng chỉ ân xá cho giáo dân để kiếm tiền, một nửa trả nợ cho ngân hàng Fugger và nửa kia chuyển về Rome để trang trải phí tổn xây dựng thánh đường. Theo qui định trong sắc dụ Giáo hoàng, người sở hữu chứng chỉ ân xá khi chết và sau khi xưng tội trên giường bệnh sẽ được Chúa ban ơn, lúc trở về thế giới bên kia, khỏi phải đi qua tầng sám hối[14] cực khổ gian nan. Nói theo phong cách ẩn dụ, chứng chỉ ân xá là vé vào cửa để bước thẳng lên Thiên Đường – một cách làm tiền trên lòng mê tín ngu dốt của giáo dân.
Martin Luther, từ nhiều năm trước đã có nhiều mâu thuẫn về tư tưởng với giòng chính thức trong giáo hội về việc lý giải Thánh Kinh, nhân dịp này phát động một làn sóng phản kháng chống lại chiến dịch của giáo phận Mainz về việc bán chứng chỉ ân xá cho giáo dân. Martin Luther cho rằng, tội lỗi con người chỉ có thể được ân xá thông qua sự sám hối chân thành trong niềm tin vào Chúa, chứ không cần một thánh lễ làm môi giới, lại càng không thể nhờ vào các chứng chỉ ân xá để chứng minh. Tất cả đều phải được xuất phát từ niềm tin vào Chúa và công lý chỉ tồn tại với niềm tin đó. Tất cả mọi lập luận của Luther đều dựa trên một nền tảng duy nhất là những lời Chúa dạy được ghi chép trong Thánh Kinh.
Sự hưởng ứng nồng nhiệt của giáo dân khắp lục địa đối với bản cáo trạng của Martin Luther giống như một giọt nước tràn ly, biểu lộ sự bất mãn của giáo dân thuộc mọi giới vốn đã ngấm ngầm từ lâu, chỉ chờ cơ hội bộc phát. Nguyên do sâu xa là tình trạng tha hóa của hàng giáo phẩm từ thấp đến cao, và đặc biệt hết sức tồi tệ kể từ thế kỷ 14. Để bán được nhiều chứng chỉ ân xá, vị quản lý đề án của Tổng giám mục địa phận Mainz, mục sư Johann Tetzel quảng cáo không giấu giếm với khẩu hiệu bằng thơ: “khi đồng tiền vào trong két bạc, linh hồn sẽ thoát khỏi tầng sám hối[15]”.
Theo bản báo cáo của hội đồng quốc gia Đức năm 1524, Giáo hội Đức chiếm giữ một nửa tổng tài sản quốc gia. Ở Ý, một phần ba đất đai thuộc quyền sở hữu của giáo hội. Cơ sở vật chất của nhà thờ nói chung khắp châu Âu thì vô cùng vĩ đại và tốn kém để chăm lo, được trang trải bằng thuế và các nghĩa vụ khác của giáo dân. Không có gì ngạc nhiên khi khắp nơi và khắp các tầng lớp giáo dân đều nổi lên lời oán than về tình trạng sa đọa tham nhũng của giáo hội. Công chức giáo hội thì sẵn sàng làm giấy chứng nhận giả mạo để kiếm tiền. Tất cả mọi chuyện xấu xa nhất đều có thể tìm thấy ở Rome. Mua chức bán tước là chuyện xảy ra hàng ngày. Và để trang trải phí tổn cho đời sống xa hoa phung phí và những công trình xây dựng hoành tráng, hàng giáo phẩm địa phương cũng như Giáo Hoàng ở Rome không chừa một biện pháp nào, kể cả việc treo giá để bán chức tước, từ giám mục lên đến tận hồng y[16].
Khắp nơi trên lục địa nổi lên sự phản kháng chống lại chế độ nghĩa vụ tài chính để chuyển về Rome, chống lại hàng giáo phẩm thiếu kiến thức và đạo đức luân lý, chống lại sự can thiệp của Giáo Hoàng vào các quyết định chính trị tại các quốc gia, nhưng giáo hội vẫn làm ngơ không đếm xỉa đến nỗi bất bình cực độ của giáo dân. Giáo hội chỉ có phản ứng chiếu lệ khi đã có nguy cơ bộc lộ sự hoài nghi của giáo dân về vấn đề niềm tin[17]. 
Trong bối cảnh đó, làn sóng phản kháng của Martin Luther nhanh chóng lan ra khắp lục địa, được sự ủng hộ nồng hậu của giáo dân cũng như giới học giả và một bộ phận thuộc hàng giáo phẩm trong sạch khắp nơi, vốn dĩ từ lâu bất mãn với giáo hội nhưng còn thụ động hoặc sợ bị trừng phạt. Sự phản kháng này nhanh chóng biến thành một phong trào rộng lớn, một cuộc cách mạng mà chúng ta thường gọi bằng thuật ngữ quen thuộc Reformation (cải cách tôn giáo). Phong trào kéo dài hơn 150 năm và để lại hậu quả vô cùng to lớn trên nhiều phương diện.
Về mặt tôn giáo, thế giới Kitô bị phân hóa thành nhiều tông phái khác nhau. Ngoài hai tông phái lớn là Thiên Chúa (Catholic) và Tin Lành (Protestant), còn có hàng chục tông phái khác được thành lập, thí dụ ở Anh có Anglican Church, Church of Scotland, ở Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, mỗi nước có một tông phái riêng, ở Anh và sau đó lan truyền sang Mỹ có Baptist Church, Anglican Church, Quaker, v.v… Sự phân hóa này là trạng thái vĩnh viễn, Kitô sẽ không bao giờ thống nhất trở lại như thuở nào.
Về chính trị, thảm họa chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia hoặc các lãnh địa có thủ lãnh theo những tông phái đối kháng nhau. Khốc liệt nhất là cuộc-chiến-30-năm (1618-1648) giữa các vương triều ủng hộ giáo phái Tin Lành và Thiên Chúa. Người ta phỏng đoán rằng trên vùng đất của Đức và Áo hiện nay, khoảng 30% đến 40% dân số bị tiêu vong vì cuộc chiến tranh đó. Trên toàn châu Âu, số người chết không kém trận đại dịch ở giữa thế kỷ 14 mà chúng ta quen gọi là cái chết đen[18].
Nhưng bên cạnh những hậu quả xấu, cuộc cách mạng tôn giáo đã tạo điều kiện cho những tiến bộ mang tầm vóc thế kỷ có cơ hội phát triển. Rõ rệt nhất là, xu hướng tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị nhân dịp này bộc phát mạnh mẽ bởi những đòi hỏi cải cách cực đoan. Xu hướng này tất nhiên được các thế lực vương triều ủng hộ, vì bản thân họ trước sau vẫn là thế lực cạnh tranh với giáo hội. Dưới sức ép của giáo dân và nhất là sau khi các giáo phái mới đã được thiết lập khắp nơi, thế lực thần quyền dần dần lùi bước trước các vương triều. Đặc biệt ở những nước mà chế độ chính trị dân chủ đã được thiết lập kể từ cuối thế kỷ 18, ảnh hưởng còn lại của giáo hội lên nhà nước coi như không đáng kể. Có lẽ điều đó cũng là may mắn lịch sử cho giáo hội để chấp nhận việc dần dần từ bỏ quyền lực, trở lại nắm giữ vai trò chăm sóc đời sống tinh thần cho giáo dân, nhờ thế mà giáo hội còn tồn tại đến hôm nay và được giáo dân trọng vọng.
Nhìn một cách tổng thể, cuộc cách mạng tôn giáo thế kỷ 16 có thể xem là một cuộc cách mạng có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại. Về chính trị, tác động của nó lên xã hội châu Âu còn sâu sắc hơn cả cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Về văn hóa, nó tác động lên đời sống tinh thần người dân hơn bất kỳ một biến cố văn hóa nào khác trong lịch sử châu Âu trên bước đường tiến vào thời kỳ hiện đại. Động cơ của phong trào cải cách không phải là muốn đặt giáo hội lên ghế bị cáo để đòi hỏi thay đổi tình trạng đã cực kỳ tha hóa, hoặc để khoác cho tôn giáo một nội dung mới, mà quan trọng hơn, đó là sự biểu hiện của nổi bất bình xã hội, mà đa số giáo dân kể từ thế kỷ 14 đã chịu đựng dưới gánh nặng của tình trạng bất công tột độ do các định chế của giáo hội gây ra[19].
François Guizot (1787-1874)
Nhà sử học người Pháp, François Guizot có một kết luận gãy gọn nhưng súc tích rằng, trong thời kỳ cách mạng tôn giáo, “các biến cố lịch sử xảy ra trong những khung thời gian hạn chế, nhưng tác động của chúng thì kéo dài đến vô tận[20]”. Cuộc cách mạng tôn giáo chắc hẳn là xung lực mạnh mẽ nhất để tạo ra những chuyển hóa lớn lao trong xã hội, phát những tín hiệu đầu tiên để bắt đầu một thế giới mới hiện đại.
Xung lực ấy đã tác động sâu sắc lên tâm lý con người thuộc mọi giới, đặc biệt đối với giới có ăn học đương thời. Bản sắc người trí thức châu Âu vốn được manh nha từ chủ nghĩa nhân bản trong thời đại phục hưng, được nhào nặn dần dần kể từ cuộc cách mạng tôn giáo ở thế kỷ 16, chúng tích lũy và kết tụ lại để thành hình những sắc thái đặc biệt, tạo ra những con người có các tính chất đặc biệt mà chúng ta gọi là con người khai sáng trong thế kỷ 17 và 18. Thật vô cùng lý thú và bổ ích để đi sâu khảo sát những thành tố đó, tuy nhiên trong khuôn khổ nhỏ hẹp này, chỉ xin nêu lên vài khía cạnh dưới dạng từ khóa và không diễn giải.
Thứ nhất, lòng tự tin vào chính mình. Tri thức do chính mình khám phá và chọn lựa, chứ không do một định chế nào bên ngoài qui định ép buộc. Thế lực giáo hội đã được xây dựng cả ngàn năm không có đối thủ, Kitô đã trở thành một nền văn hóa đồng nhất cho cả lục địa, và thần học Kitô đã là nguồn tư tưởng độc tôn suốt hơn 1.000 năm, thế mà cuối cùng, tất cả cũng phải lùi bước trước sức phản kháng của lẽ phải. Từ đó, người ta có lòng tin vô biên rằng, không cần chiến tranh hoặc bạo loạn, mà chỉ cần tri thức và lẽ phải, khi được đám đông ủng hộ và được dẫn dắt bởi một ý chí mãnh liệt, thì mọi thế lực tha hóa sẽ phải lùi bước.
Thứ hai, tinh thần phản biện, phê phán và ý thức phản kháng chống lại các quyền lực tha hóa. Sức mạnh thúc đẩy phong trào cải cách tôn giáo là Martin Luther và người bạn đồng môn Philipp Melanchthon. Hoạt động của họ là mẫu mực chưa hề có trước đó về tinh thần đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt của giới học giả. Họ phản biện phê phán giáo hội, Giáo Hoàng và các vương triều thủ cựu; họ phản biện phê phán các học giả thụ động hoặc cúi đầu thuần phục giáo hội lúc đó; họ phản biện với cả những người ủng hộ phong trào nhưng nằm yên thụ động. Lần đầu tiên trong lịch sử châu Âu có một phong trào phê phán mang tính chất đấu tranh dẫn đến cách mạng như phong trào cải cách tôn giáo. Đó là những viên gạch đầu tiên xây dựng tinh thần phê phán trong thế kỷ 17 và 18, đặc biệt ảnh hưởng đến tinh thần giáo dục khai sáng cho các thế hệ học sinh sinh viên với phương châm: điều quan trọng trong giáo dục không chỉ là thu thập và quản lý tri thức, mà là phương pháp tiếp cận đến tri thức, phương pháp xây dựng tư duy tự do có phê phán.
Martin Luther (1483-1546).
Họa sĩ: Lucas Cranach The Elder.
Nguồn: Wikipedia, Vùng công cộng
Philipp Melanchthon (1497-1560).
Tranh khắc đồng của Albrecht Dürer.
Nguồn: Wikipedia, Vùng công cộng
Thứ ba, tinh thần hoài nghi, vốn dĩ là tính chất quan trọng hàng đầu của triết gia và nhà khoa học. Chỉ trên cơ sở hoài nghi những điều đã biết trong quá khứ và hiện tại, họ mới tò mò nghiên cứu để khám phá những điều mới lạ cho tương lai. Học giả châu Âu đã ngủ quên suốt cả ngàn năm trong giáo điều ý thức hệ, giờ đây mới được thức dậy bởi cuộc cách mạng tôn giáo. Họ nghi ngờ các lý giải của giáo hội, nghi ngờ luôn cả sự đúng đắn của Thánh Kinh, nghi ngờ vai trò dẫn dắt của hàng giáo phẩm, nghi ngờ luôn cả tri thức và tính chính danh của Giáo Hoàng, nghi ngờ đạo đức của quan chức, nghi ngờ sức mạnh tuyệt đối của giáo hội, nghi ngờ các giá trị truyền thống từ thời cổ đại, về triết học cũng như khoa học tự nhiên v.v…
Thứ tư, tinh thần tư duy độc lập. Cho đến thế kỷ 16, học giả có niềm tin không lay chuyển về Thánh Kinh và văn hóa cổ đại. Cuộc cách mạng tôn giáo đã giải phóng họ ra khỏi tư duy chật hẹp đó, giúp họ thoát ly khỏi các định chế bảo hộ và triết lý thần học, mặc dù trước sau họ vẫn là những tín đồ ngoan đạo. Từ hoài nghi đến ly khai ý thức hệ là một đoạn đường phức tạp nhưng tất yếu, từ đó giới trí thức mới có can đảm bước vào những vùng đất mới mẻ với những luồng tư tưởng mới, con người mới, xã hội mới. Sự ly khai về tư tưởng đã tạo cho giới học giả một phong thái mới trong việc tìm tòi nghiên cứu sau này trong mọi lĩnh vực.
Thứ năm, ý thức bình đẳng. Đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ nền thương mại và phồn vinh trong xã hội, cuộc cách mạng tôn giáo đã làm nảy sinh kể từ giữa thế kỷ 16 “những suy nghĩ bước đầu về công bằng xã hội và bình đẳng kinh tế, điều đã ảnh hưởng sâu sắc lên hệ tư tưởng Tây Âu[21]” trong những thế kỷ về sau. Hệ tư tưởng này vừa là nguyên nhân phát sinh xung đột và bất ổn, đồng thời cũng cống hiến lời giải cho một xã hội lý tưởng, trong đó con người có thể sống và ứng xử ôn hòa với nhau. Có đạt được điều đó hay không, lịch sử sẽ trả lời cụ thể, nhưng dù sao, bình đẳng không chỉ là một khái niệm đạo đức, mà đã trở thành một giá trị thời đại, ai ai cũng tôn sùng. Có lẽ khái niệm bình đẳng nói trên cũng là yếu tố đáng quan tâm cho những ai muốn so sánh sự khác nhau giữa Tây và Đông Phương trong thời cận đại.
Thứ sáu, vai trò trung tâm điểm của con người. Suốt cả hơn ngàn năm, người ta giao khoán trách nhiệm về đời sống đạo đức của họ cho những người đại diện của Chúa trên trần gian, ấy là mục sư, giám mục và trên cùng là Giáo Hoàng ở Rome. Bây giờ, họ ý thức sâu sắc hơn chân lý của Protagoras: “con người là thước đo của vạn vật[22]”. Tư tưởng này thực ra người châu Âu đã có từ thế kỷ phục hưng, nhưng phải đợi đến cuộc cách mạng tôn giáo, nó mới trở thành chân lý của cuộc sống. Giờ đây, con người là trung tâm của mọi hoạt động, cuộc sống hạnh phúc trên trần thế là mục đích tối thượng. Khi cửa ngõ lên Thiên Đường có thể mua bằng tiền bạc thì khái niệm Thiên Đường bên ngoài cuộc sống không còn quan trọng như trước. Lời dạy của Thánh Kinh về thế giới sau khi chết cũng không còn đáng tin cậy. Họ vẫn ngoan đạo, vẫn tin vào Thượng Đế toàn trí toàn năng, nhưng không thừa nhận một Thượng Đế có quyền phán quyết lên đời sống của họ. Cũng nhờ thế, các nghiên cứu triết học và khoa học tự nhiên mới thoát khỏi vòng kiềm tỏa của giáo lý thần học để chấp cánh bay đến những chân trời mới.
Thứ bảy, cũng không phải cuối cùng, là ý chí mãnh liệt để hành động. Từ những con người mù quáng với ý thức hệ, sợ hãi và thuần phục cường quyền, thụ động tuân theo sự chỉ bảo giáo điều của các thế lực bảo hộ, bỗng nhiên[23] một tầng lớp trí thức mới vươn vai đứng dậy như phượng hoàng vỗ cánh, thách thức mọi đàn áp, đe dọa để giành lại quyền tự do tư tưởng, quyền tự chủ trong quyết định, ý chí hành động độc lập để thay đổi cuộc đời. Tháng 12.1520, Martin Luther đốt sắc dụ Giáo Hoàng đe dọa trục xuất ông ra khỏi đạo. Thái độ này là sự phủ nhận tiếng nói của một người có quyền lực nhất thế gian. Đấy là một hành động can đảm chưa hề có trước đó, cho nên đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của ý chí đấu tranh, thay đổi lối suy nghĩ và hành động của học giả đương thời. Nếu trong thời gian trước đó, sự biến chuyển trong tư duy chưa xuất hiện ra bên ngoài vì sợ hãi, thì sau đó, ý chí hành động vì lẽ phải là nét đặc trưng độc đáo của giới trí thức mới của thế kỷ 16-17, và trở thành tính chất khá phổ biến của con người khai sáng thế kỷ 18 mà sử gia gọi là “con người của lý tính”. Chính nhờ sự thay đổi đột biến này, cả trào lưu mới hội đủ sức mạnh để hạ bệ chế độ phong kiến đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước.
Trên đây là vài tính chất quan trọng của tầng lớp trí thức mới, thành quả lớn lao của cuộc cách mạng tôn giáo lên sự phát triển nhân cách của con người thời cận đại. Trào lưu này làm cho thế kỷ 16 và 17 trở thành thời kỳ của những biến cố vĩ đại với những con người vĩ đại, vốn dĩ là sản phẩm của tiến trình lịch sử và cũng vừa là tác nhân cho những tiến bộ lịch sử trong thời gian về sau.
./.
Tác giả: Tôn Thất Thông
Độc giả có quyền trích dẫn hoặc đăng lại không giới hạn, nhưng cần ghi rõ tác giả, nguồn và giữ nguyên nội dung.
Đón xem bài tiếp theo:
Thời đại khai sáng ở châu Âu (5)
Những yếu tố tạo nên con người thế kỷ 17 (Đoạn 2)
Tài liệu tham khảo
1.   Bùi Văn Nam Sơn: Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012.
2.   Châtelet, François chủ biên: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
3.    Durant, Will: Das Zeitalter der Reformation (Thời đại cải cách). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 9. ISBN 3-548-36109-9. (Eduard Thorsch và Margrit Lang dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. VI).
4.    Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.

5.   Knowles, M. D.: Geschichte der Kirche Band II – Früh- und Hochmittelalter (Lịch sử giáo hội Tập II – Tiền trung cổ và trung cổ hưng thịnh). ISBN 3-545-25029-6.
6.   Jeismann, Michael chủ biên và nhiều tác giả Das 15. Jahrhundert (Thế kỷ 15). ISBN 3-406-45615-4.
7.    Kapr, Albert: Johannes Gutenberg, Persönlichkeit und Leistung (Johannes Gutenberg, Nhân cách và Thành quả). Nhà xuất bản Urania, Leipzig 1986.
8.    Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.
9.    Mann, Golo & Nitschke, August: Weltgeschichte Band VII – Von der Reformation zur Revolution (Lịch sử thế giới bộ VII - Từ cải cách tôn giáo tới cách mạng). ISBN 3-549-05017-8.
10.         Pertsch, Dietmar et. al.: Kleines Lexikon der Reformation (Từ điển tường giải bỏ túi về cải cách tôn giáo). ISBN 3-423-03260-X.
11.         Pleticha, Heinrich chủ biên: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). Bertelsmanns Weltgeschicht – Band 8. ISBN 3-577-15008-4.
12.         Rachum, Ilan: Enzyklopädie der Renaissance (Từ điển tường giải phong trào phục hưng – Hermann Teifer dịch từ tiếng Anh: The Renaissance: An Illustrated Encyclopaedia). ISBN 3-7611-0725-0.
13.         Romano, Ruggiero & Tenenti, Alberto: Die Grundlegung der Modernen Welt (Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại – Helga Brissa, Heinz Wismann và Egbert Türk dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9.
14.         Samhaber, Ernst: Geschichte Europas (Lịch sử châu Âu). ISBN 3-771-30169-6.
15.        Smith, Adam: An Inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (Khảo sát bản chất và nguồn gốc sự phồn vinh của các quốc gia). ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7.
16.        Van Doren, Charles: Geschichte des Wissens. ISBN 3-764-35324-4. (Lịch sử của tri thức – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge).
17.         Ziegler, Walther: Smith in 60 Minuten (Smith trong vòng 60 phút). ISBN 978-3-7347-8157-5. (Bản dịch của Tôn Thất Thông sẽ xuất bản cuối năm 2019).




Ghi chú:

[1] Xem I. Rachum trang 336-337.

[2] Xứ hoàng hôn (Abendland, Occident) là thuật ngữ để chỉ các nước thuộc văn hóa Tây Âu, khác với thuật ngữ cho phía Đông là xứ rạng đông (Morgenland, Orient).

[3] Xem R. Romano & A. Tenenti, trang 144.

[4] Xem M. D. Knowles trang 419.

[5] Xem A. Kapr trang 274.

[6] Xem M. Jeismann trang 69.

[7] Xem A. Maddison trang 231. Con số thống kê của Maddison kể cả Nga, mặc dù nước Nga không thể được xem là một bộ phận của Tây Âu.

[8] Xem C. Van Dooren, trang 204.

[9] Ghi chú thêm: So sánh với những hệ lụy của chính sách độc quyền xuất bản tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của chế độ tự do kinh doanh ngành xuất bản trong thế kỷ 16 tại châu Âu.

[10] Adam Smith có một luận cứ bất hủ đã trở thành nguyên lý quan trọng của kinh tế thị trường: “Người doanh nhân lúc đầu không có ý định làm điều gì phục vụ cho lợi ích công cộng, cũng không hề biết mình đóng góp bao nhiêu vào việc đó, […] nhưng anh ta được một bàn tay vô hình hướng dẫn để hỗ trợ cho những mục đích mà anh ta không hề dự tính nhắm tới, […] và hoạt động của anh ta thường xuyên mang lại lợi ích cho toàn xã hội” (Xem A. Smith trang 291-292).

[11] Bản cáo trạng trước hết được viết bắng tiếng la-tinh, sau đó Luther đồng ý cho dịch ra tiếng Đức để tiếp cận giáo dân.

[12] Tạm dịch từ tiếng Đức: Ablassbrief, tiếng Anh: Indulgence.

[13] Trước đây, người dân vùng châu Âu tự xưng là “người Kitô” để chỉ nhóm dân có cùng một văn hóa đồng nhất. Kể từ cuối thế kỷ 16, khi Kitô đã bị phân hóa thành nhiều giáo phái, người ta hoang mang đi tìm một khái niệm mới đủ sức thuyết phục để chỉ tính đồng nhất văn hóa. Có lẽ từ đó, cụm từ “người châu Âu” dần dần thay thế thuật ngữ “người Kitô” ngày càng đi vào quên lãng.

[14] Theo ghi chép của Thánh Kinh, tầng sám hối (Fegefeuer, Purgatory) là nơi mà người chết vốn còn nhiều tội lỗi phải đi qua và tu luyện sám hối thêm để được ân xá trước khi được lên Thiên Đường.

[15] Xem D. Pertsch trang 54 (nguyên văn: Sobald das Geld im Kasten klingt, die Seele aus dem Fegefeuer springt).

[16] Xem W. Durant (1), trang 32-41 (Die Kirche auf der Anklagebank). Ghi chú thêm: Độc giả Việt Nam nhìn vào tình trạng tham nhũng tha hóa của tầng lớp lãnh đạo hiện nay cũng có thể hình dung được phần nào tình trạng giáo hội ở thế kỷ 16.

[17] Xem E. Samhaber trang 339-340.

[18] Schwarzer Tod (Black Death) dùng để chỉ trận đại dịch lớn nhất lịch sử, kéo dài từ 1346-1353 với khoảng 20-25 triệu người chết, tức 1/4 dân số châu Âu lúc đó.

[19] Xem W. Durant (1) & Hans Dollinger, trang 5.

[20] Xem F. Guizot trang 198.

[21] Xem C. Van Doren trang 237.

[22] Xem thêm Bùi Văn Nam Sơn trang 46-50. Câu nói của Protagoras: Man ist the measure of all things (Der Mensch ist das Maß aller Dinge).

[23] Gọi là bỗng nhiên trong tương quan so sánh với cả ngàn năm ù lì trước đó, chứ quá trình phát triển nhân cách con người mới ở thế kỷ 17 cũng kéo dài đến một thế kỷ! Nếu con người hôm nay có thể học hỏi kinh nghiệm của lịch sử, tất nhiên họ cũng có thể đạt được sự tiến bộ đó trong một thời gian ngắn hơn nhiều!

Print Friendly and PDF