21.10.19

Giải Nobel kinh tế học 2019: Lí do Barnejee, Duflo và Kramer giành chiến thắng

GIẢI NOBEL KINH TẾ 2019: LÍ DO BANERJEE, DUFLO VÀ KREMER GIÀNH CHIẾN THẮNG

Những người đoạt giải. EPA-EFE
Giải thưởng của Ngân hàng Thuỵ Điển về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2019 (thường được gọi là Giải Nobel Kinh tế) đã được trao cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer “vì cách tiếp cận thực nghiệm của họ để giảm nghèo toàn cầu”. Qua giải thưởng này, Ủy ban Nobel đã công nhận cả tầm quan trọng của kinh tế học phát triển trên thế giới hiện nay và các phương pháp tiếp cận sáng tạo do ba nhà kinh tế này phát triển.
Angus Deaton (1945-)
Nghèo đói toàn cầu tiếp tục là một thách thức lớn. Trước đó, vào năm 2015, giải thưởng này được trao cho Angus Deaton cho những đóng góp của ông cho kinh tế học phát triển — lĩnh vực nghiên cứu nguyên nhân của nghèo đói toàn cầu và cách tốt nhất để chống lại nó — đặc biệt, ông nhấn mạnh vào lựa chọn tiêu dùng của mọi người và đo lường an sinh, đặc biệt là an sinh của người nghèo.
Lí thuyết được phát triển tốt có thể làm nổi bật những gì gây ra nghèo đói và, dựa trên điều này, đề xuất các chính sách để chống lại nó. Nhưng nó không thể cho chúng ta biết chính xác các biện pháp chính sách cụ thể mạnh mẽ như thế nào trong thực tế. Đây chính xác là câu hỏi mà Banerjee, Duflo và Kremer trả lời. Các bài dẫn của Uỷ ban Nobel đưa ra một số ví dụ về ảnh hưởng của họ, bao gồm cách mà nghiên cứu của họ đã giúp giáo dục, y tế và tiếp cận tín dụng cho nhiều người ở các nước đang phát triển, nhất ở Ấn Độ và Kenya.
Ví dụ, xem xét tỉ lệ tử vong và sức khỏe trẻ em — những vấn đề có ý nghĩa to lớn trong thế giới đang phát triển. Lí thuyết có thể cho chúng ta biết rằng việc trao quyền cho phụ nữ rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em và giảm tỉ lệ tử vong, nhưng không thể cho chúng ta biết chính sách nào sẽ hiệu quả nhất trong việc chống lại điều này. Có thể là ta cần chú tâm vào việc giáo dục các bà mẹ, hoặc tăng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, hoặc đại diện bầu cử, hoặc luật hoá tuổi kết hôn.
Có lẽ, quan trọng hơn, lí thuyết không thể cho chúng ta biết mức độ tác động với độ lớn và sự quan trọng khác nhau của các chính sách này. Và đây là nơi mà giải thưởng Nobel năm nay có ý nghĩa.
Một cách tiếp cận mới, thử nghiệm
Đóng góp cơ bản của Banerjee, Duflo và Kremer là phát triển cách tiếp cận thực nghiệm đối với kinh tế học phát triển. Họ đã xây dựng một khung khoa học và sử dụng dữ liệu cứng để xác định nguyên nhân nghèo đói, ước tính tác động của các chính sách khác nhau và sau đó đánh giá hiệu quả chi phí của chúng. Cụ thể, họ đã phát triển các thử nghiệm kiểm soát ngẫu nhiên (RCT) để làm điều này. Họ đã sử dụng chúng để nghiên cứu các chính sách khác nhau trong thực tế và để thúc đẩy những chính sách có hiệu quả nhất.
Bắt đầu từ giữa những năm 1990, Kremer và các đồng tác giả đã bắt đầu một loạt RCT về việc đi học ở Kenya, thiết kế các thí nghiệm thực địa để đánh giá tác động của các chính sách cụ thể trong việc cải thiện đầu ra. Cách tiếp cận này có tính cách mạng. Các thí nghiệm cho thấy rằng có thêm sách giáo khoa hay các bữa ăn miễn phí ở trường cũng không tạo ra khác biệt thực sự nào với kết quả học tập của học sinh. Thay vào đó, đó là phương thức giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất.
TIN NÓNG HỔI:
Giải thưởng của Ngân hàng Thuỵ Điển về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2019 (thường được gọi là Giải Nobel Kinh tế) đã được trao cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer “vì cách tiếp cận thực nghiệm của họ để giảm nghèo toàn cầu”. #NobelPrize
2:48 AM – Ngày 14 tháng 10 năm 2019
Các nghiên cứu của Banerjee và Duflo, thường cùng với Kremer và những người khác, được tiến hành sau đó. Ban đầu họ tập trung vào giáo dục, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác, như y tế, tín dụng và nông nghiệp.
Banerjee và Duflo đã sử dụng các nghiên cứu này để giải thích vì sao một số doanh nghiệp và người dân ở các nước kém phát triển không tận dụng các công nghệ tân tiến nhất sẵn có. Họ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thị trường không hoàn hảo và thất bại của chính phủ. Bằng cách đưa ra các chính sách để giải quyết cụ thể gốc rễ của các vấn đề, họ đã giúp đóng góp khả thi thực sự vào việc giảm nghèo ở các quốc gia này.
Arthur Lewis (1915-1991)
Amartya Sen (1933-)
Banerjee, Duflo và Kremer cũng đã thực hiện các bước quan trọng trong việc áp dụng các phát hiện cụ thể vào nhiều bối cảnh khác nhau. Điều này đưa các lí thuyết kinh tế về động viên lại gần hơn với ứng dụng trực tiếp, qua đó biến đổi căn bản thực tiễn kinh tế học phát triển, bằng cách sử dụng kiến ​​thc định lượng, thực tế, và có thể kiểm chứng để cô lập các nguyên nhân nghèo đói và đưa ra chính sách phù hợp dựa trên các phản ứng hành vi.
Tác động của những đóng góp này đối với kết quả thực tế của sự phát triển toàn cầu vô cùng quan trọng. Công trình của họ, và một lượng lớn nghiên cứu theo sau đó, đã xây nên bằng chứng về chống đói nghèo ở nhiều nước đang phát triển. Và họ đang tiếp tục mở rộng đóng góp sang các lĩnh vực khác, hiện bao gồm chính sách khí hậu và môi trường, mạng xã hội và khoa học nhận thức.
Vấn đề đa dạng
Amy Finkelstein (1973-)
Göran K. Hansson (1951-)
Giải Nobel Kinh tế 2019 cũng rất có ý nghĩa vì những lí do về tính đa dạng của các khôi nguyên. Tác động của cách tiếp cận của Banerjee, Duflo và Kremer, đã diễn ra rất nhanh — thực sự, trong chưa đầy hai thập kỷ. Điều này giải thích tại sao, ở tuổi 47, Duflo là người trẻ nhất từng nhận giải Nobel Kinh tế. Bà cũng chỉ là người phụ nữ thứ hai được trao giải thưởng (sau Elinor Ostrom năm 2009). Banerjee, chồng của bà, là người thứ ba không phải là người da trắng (sau Arthur Lewis năm 1979 và Amartya Sen năm 1998).
Trong một số gần đây của tạp chí Nature, Göran Hansson, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel, đã nhấn mạnh các biện pháp để giải quyết sự mất cân bằng về giới tính và sắc tộc giữa những người đoạt giải. Ông nói rằng “chúng tôi đang đảm bảo sẽ bầu phụ nữ vào viện” nơi mà các ủy ban trao giải thưởng Nobel về hóa học, vật lí học và kinh tế học được chọn ra.
Emi Nakamura (1980-)
Susan Athey (1970-)
Quá trình đến thành tựu này là quan trọng. Người phụ nữ đầu tiên giành được Huy chương John Bates Clark cho các nhà kinh tế hàng đầu dưới 40 tuổi, một tín hiệu quan trọng cho một giải Nobel kinh tế tương lai, Susan Athey, chỉ mới nhận được huy chương này vào năm 2007. Esther Duflo là người thứ hai vào năm 2010. Sau đó, phụ nữ giành huy chương Clark thường xuyên hơn. Tất nhiên, các quyết định trao giải rất khắt khe về tầm quan trọng của các đóng góp. Nhưng, dựa trên bằng chứng này, có lẽ Athey, Amy Finkelstein (giành huy chương năm 2012) và Emi Nakamura (giành năm 2019) sẽ không bị bỏ lại xa phía sau.
Misha Ketchell
Biên tập viên
Đoàn Trọng Sang dịch
Nguồn: Economics Nobel 2019: why Banerjee, Duflo and Kremer won, The Conversation, Oct 15, 2019.

Print Friendly and PDF