ESTHER DUFLO, MỘT LỰA CHỌN MỚI LẠ CHO GIẢI NOBEL KINH TẾ 2019
Nhà nghiên cứu Pháp là đồng khôi nguyên với các nhà kinh tế Mĩ Abhijit Banerjee và Michael Kremer, cả ba được trao giải vì những thử nghiệm trên thực địa của họ trong cuộc chiến chống nghèo khó. Duflo là người trẻ nhất và là phụ nữ thứ hai từng được giải này.
Antoine Reverchon
Esther Duflo nhận giải Nobel kinh tế tại đại học MIT, Cambridge, Massachussets ngày 14/10. Joseph Presiobo/AFP
Là người trẻ nhất (46 tuổi), một trong hai phụ nữ tới nay (sau Elionore Ostrom vào năm 2009), nhà kinh tế Pháp thứ tư (so với 62 khôi nguyên người Mĩ) được giải của Ngân hàng (trung ương) Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, Esther Duflo “rơi” vào các ô đánh dấu phiên bản năm 2019 của giải Nobel kinh tế. “Nói một cách thành thực, tôi không nghĩ rằng là có thể được giải Nobel khi còn trẻ thế”, bà Duflo đã phản ứng như vậy trong buổi điện đàm với Viện hàn lâm khoa học hoàng gia. Bà lấy làm tiếc là hiếm có phụ nữ trong danh sách các khôi nguyên vì “đơn giản là không có nhiều nhà kinh tế nữ”. “Nhưng điều đó đang thay đổi”, bà khẳng định và hi vọng là với giải này mình có thể đại diện cho một “kiểu mẫu”.
Nhưng trong thực tế, chính thông qua bà và hai đồng khôi nguyên – nhà kinh tế Mĩ Abhijit Banerjee và Michael Kremer – mà các công trình của tổ chức nghiên cứu Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab (J-PAL) được tưởng thưởng.
Abhijit Banerjee (1961-) |
Michael Kremer (1964-) |
Hai nhà nghiên cứu đầu tiên là vợ chồng đồng thành lập J-PAL vào năm 2003, người thứ ba, Michael Kremer, thuộc đại học MIT và nay ở đại học Standford, đã công bố vào năm 2004 một bài viết nổi bật trên tạp chí Econometrica, sử dụng một phương pháp tầm thường trong nghiên cứu y học là “đánh giá bằng chọn mẫu ngẫu nhiên” (randomized controlled trials, RCT) tác động của việc trẻ em nước Kenya uống một loại thuốc... trên sự thường xuyên đi học của chúng. Nguyên lí của RCT là đánh giá hiệu quả của một liệu pháp bằng cách so sánh tình hình của một mẫu được “trị liệu”, gọi là “tổng thể kiểm định” với tình hình của một mẫu không được “trị liệu”, được gọi là “tổng thể đối chứng”.
Thật ra đây không phải là một phương pháp mới trong các khoa học xã hội: nó đã được sử dụng trong những năm 1960 để đánh giá hiệu ứng của các biện pháp trong “cuộc chiến chống nghèo khó” của tổng thống Lyndon B. Johnson, thông qua những thử nghiệm kiểu này được tiến hành ở New Jersey, và cả trong lĩnh vực giáo dục. Rồi nó không được sử dụng tiếp nữa, các nhà kinh tế chuộng đặt cơ sở cho những hướng dẫn điều trị của họ trên những hình thức hoá toán học từ dữ liệu thống kê – kể cả việc mô hình hoá hành vi con người – hơn là trên những thử nghiệm trên thực địa.
François Bourguignon (1945-) |
Phương pháp này được hồi sinh trong các năm 1977-1978 khi chính phủ Mehico kiểm định trên quy mô lớn chương trình “Progressa” của mình, nối kết sự trợ giúp xã hội các gia đình nghèo với việc con cái họ đi học thường xuyên. François Bourguignon, người sáng lập Trường kinh tế Paris (Paris School of Economics hay PSE - ND), nơi Duflo theo học trước khi sang Hoa Kì, nhận xét: “Cách làm này là có ích, trên quan điểm chính trị, để cung cấp cho các nhà ra quyết định và cho công luận bằng chứng không thể chối cãi là biện pháp này hay biện pháp khác cho được hay không những kết quả”. “Tôi nhớ có một hôm cô ấy vào văn phòng tôi đề nghị đo những bất bình đẳng trong các nước cựu cộng sản bằng số lượng xe BMW được bán ra”. Bài viết nổi bật đầu tiên của Duflo so sánh hành vi của người Nam Phi lớn tuổi hưởng lương hưu vừa mới được áp dụng với những người Nam Phi cùng độ tuổi không được hưởng chế độ này. “Tôi từng nghĩ rằng có thể một ngày nào đó cô ấy có thể được giải Nobel, nhưng không nghĩ là ngày đó đến sớm vậy”, ông Bourguinhon thừa nhận.
Cải tiến các chính sách công
Xuất phát từ nhận định cho rằng các “chương trình lớn” đấu tranh chống nghèo khó được áp dụng theo cùng một cách, bất kể các thực tế địa phương là như thế nào, J-PAL đã hệ thống hoá các thử nghiệm RCT trong lĩnh vực này.
Pierre-Cyrille Hautcoeur (1964-) |
J-PAL khẳng định là khi quan sát gần các thay đổi trong hành vi của các đối tượng dân chúng khi đứng trước một sự trợ giúp tài chính, một công nghệ, một quy định mới, v.v. thì ta có thể cải tiến các chính sách công. Ngày nay J-PAL gồm có 180 nhà nghiên cứu và năm văn phòng đặt bản doanh ở Nam Phi, Chile, Indonesia và Pháp dành cho kiểu thử nghiệm này thường được tiến hành trong sự tương tác với những tác nhân trên thực địa nhưng cũng tập trung vào việc đào tạo những chuyên gia đánh giá các cuộc thử nghiệm này. Pierre-Cyrille Hautcoeur, giám đốc nghiên cứu tại Trường nghiên cứu cao cấp các khoa học xã hội (EHESS) nhận xét: “Đây là một kĩ thuật kinh trắc cho phép tiến công vào việc giải quyết những vấn đề trên thực địa và cải tiến trình độ năng lực của các chính sách công”.
Cách tiếp cận này chinh phục ngày càng nhiều lĩnh vực rộng lớn, trước hết trong giới hàn lâm – Năm 2005, Esther Duflo đã nhận giải nhà kinh tế trẻ xuất sắc nhất do Câu lạc bộ các nhà kinh tế và báo Le Monde trao, huy chương John Bates Clark năm 2010, huy chương của Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) năm 2011 và từ nay là giải Nobel.
Trong ê-kíp của Obama
Và cả trong địa hạt chính trị: tại Hoa Kì, tổng thống Barack Obama chỉ định bà làm cố vấn cho chính quyền của ông năm 2012; Ngân hàng thế giới, nhiều tổ chức phi chính phủ, các cơ quan phát triển và chính phủ đã chọn quan điểm của J-PAL, và Esther Duflo thích giới thiệu các nhà kinh tế như những người “thợ ống nước” được giao nhiệm vụ sửa chữa các ống nước bị thủng lỗ của các chính sách công.
Denis Cogneau |
Giải Nobel chỉ có thể củng cố sự ngưỡng mộ đối với cách tiếp cận này từ nay thu hút thêm sinh viên, luận án và ấn phẩm. Denis Cogneau, sử gia về kinh tế học phát triển tại PSE ghi nhận “từ mười năm nay, những công trình của J-PAL đã góp phần cách mạng hoá kinh tế học phát triển, và thậm chí, sự thẩm thấu của cách tiếp cận thực nhiệm này lan sang các lĩnh vự khác, tới cả toàn bộ kinh tế học”.
Đến độ khiến một số đồng nghiệp nổi cáu, trong đó có các chủ nhân giải Nobel như Angus Deaton và Joseph Stiglitz, những nhà kinh tế nhìn thấy trong việc tập trung vào cực kinh tế học vi mô thực nghiệm, mà những người ủng hộ được gọi một cách ranh mãnh là “randomista”, một nguy cơ chủ yếu: xem nhẹ việc phân tích vĩ mô các cấu trúc kinh tế và phân tích các thể chế vốn cuối cùng định hướng các chính sách phát triển.
Bước ngoặt thực nghiệm của khoa học kinh tế
Gunnar Myrdal (1898-1987) |
Arthur Lewis (1915-1991) |
Đó là chưa nói đến những rủi ro về mặt phương pháp luận: vì sao những kết quả quan sát được tại một địa điểm và thời điểm nhất định lại cho phép rút ra những kết luận cho những địa điểm và thời điểm khác? Và nếu nhận ra rằng các kết quả là đặc thù riêng của thử nghiệm thì đâu là lợi ích khoa học, cho dù đánh giá địa phương có thể được cải tiến?
Dù sao thì kể từ Gunnar Myrdal (1974), Arthur Lewis (1979) và Amartya Sen (1998), giải của Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển đã chưa thưởng các nhà kinh tế quan tâm đến những vấn đề phát triển và nghèo khó.
Một sự quay trở lại thể hiện một bước ngoặt thực nghiệm của khoa học kinh tế sau nhiều thập niên trao vòng nguyệt quế cho những tín đồ của mô hình hoá lí thuyết.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Esther Duflo, un choix inédit pour le Nobel d’économie 2019”, Le Monde, 15.10.2019