13.10.19

Lực lượng hàng hải và hải quân Trung Quốc + Trung Quốc đã trở lại hàng đầu sâu khấu thế giới như thế nào


LỰC LƯỢNG HÀNG HẢI VÀ HẢI QUÂN TRUNG QUỐC: 70 NĂM VÀ CUỐI CÙNG CŨNG NẰM Ở TRUNG TÂM CỦA SỨC MẠNH
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh danh dự Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngay trước khi lên boong tàu khu trục hạm Xining 117 của Trung Quốc để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập PLA vào ngày 23 tháng 4 năm 2019, ngoài khơi cảng Thanh Đảo. (Nguồn: SCMP)
Một đoàn tàu sắt chở đầy binh bính. Vào hôm thứ ba vừa qua, ngày 1 tháng 10, Bắc Kinh đã kỷ niệm ngày mà Mao Trạch Đông, từ ban công Thiên An Môn, đã tuyên bố sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đó là sự kiện 70 năm về trước tại Bắc Kinh. Về phần mình, lực lượng Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Hải quân vài tháng trước đó. Trong sương mù dày đặc, ở vùng biển Hoàng Hải.
Ở ngoài khơi cảng Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông ở phía đông Trung Quốc, dự báo khí tượng không thật sự tốt, vào ngày thứ ba đó, ngày 23 tháng 4 năm 2019. Và thời tiết xám xịt này khá tồi tệ, bởi vì đích thân đồng chí Tập Cận Bình vừa mới lên khu trục hạm Xining 117. Chiến hạm dài hơn 150 mét này, vào năm 2017, đã trở thành chiếc khu trục hạm thứ năm lớp 052D tham gia biên chế của lực lượng hải quân của chế độ cộng sản, và là chiếc khu trục hạm đầu tiên gia nhập hạm đội phương Bắc, nói một cách chính xác hơn.
Thông thường, khu trục hạm Xining, với trọng tải hơn 7.000 tấn, được dùng làm tàu chỉ huy hạm đội và nhiệm vụ phòng không, một định hướng ưu đãi của nó. Nhưng nó cũng tham gia vào cuộc chiến chống tàu ngầm và, tất nhiên, vào cuộc chiến trên biển. Chiến hạm được trang bị nặng này, được chế tạo tại xưởng đóng tàu Jiangnan Changxing, vốn đã cho ra đời rất nhiều chiến hạm khác, ở Thượng Hải, được đặt theo tên của một chiếc khu trục hạm cũ lớp 051, chiếc Xining 108, đã bị loại biên vào năm 2013 sau 33 năm phục vụ.
Chủ tịch nước Cộng hòa, đồng thời là Bí thư Quân ủy trung ương, đã có mặt trên boong tàu để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân của PLA, được quân đội của Mao thành lập vào ngày 23 tháng 4 năm 1949. Trong bộ đồ tối màu và găng tay trắng, Tập Cận Bình đứng trước Thẩm Kim Long [Shen Jinlong], người mà Tập đã phong làm chỉ huy [hạm đội Nam Hải] vào năm 2017, và sẽ làm đô đốc [chỉ huy lực lượng Hải quân của PLA] trong vài tháng tới. Trong tư thế đứng nghiêm, quân phục màu trắng, Thẩm Kim Long cố gắng nói để có thể được nghe thấy trong các cơn gió lốc. Đội quân danh dự đã sẵn sàng cho việc duyệt binh, ông nói.
Tầm nhìn của sự kiện này không hoàn hảo, nhưng đây là giờ làm lễ”, giờ cho sự “minh bạch”, hay giờ cho sự “biểu dương lực lượng”, muốn hiểu theo kiểu nào cũng được. Xung quanh chiếc khu trục hạm Xining, là cả một hạm đội thực sự lớn. Tổng cộng, có 32 chiến hạm và khoảng 40 máy bay. Các tàu ngầm đã nổi lên mặt nước trong dịp này, và chỉ huy các tàu ngầm cũng đang đứng nghiêm trên tháp, nhìn thẳng hướng về nhà lãnh đạo. “Chúng tôi phục vụ nhân dân!”, họ đồng thanh hô to khi các chiến hạm giao nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên khu trục hạm Xining 117 của Trung Quốc để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4 năm 2019 ở ngoài khơi cảng Thanh Đảo. Hình vẽ: Igor Gauquelin. (Bản quyền: Igor Gauquelin)
TOÀN THẾ GIỚI HƯỚNG MẮT NHÌN VỀ THANH ĐẢO
Chưa bao giờ trong lịch sử có một vị hoàng đế Trung Quốc hay một tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng có được một lực lượng hải quân lớn như vậy. Lực lượng hải quân Trung Quốc hiện có hơn 600 chiến hạm. Gom lại, hạm đội này có tổng tải trọng là 1,5 triệu tấn, lượng tải trọng đứng hàng đầu ở châu Á và hàng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ. Gần đây, Nga đã bị vượt mặt. Các cường quốc đã không nhầm, và một số cường quốc, trong thực tế, đã hiện diện vào ngày kỷ niệm đặc biệt quan trọng này.
Vincent Groizeleau, trên trang web Mer et marine [Biển và Hải quân], tường thuật có 61 phái đoàn nước ngoài, “đại diện các nước châu Á, châu Âu, các lục địa châu Mỹ và châu Phi, Nga cũng như Châu Đại Dương, đã được mời tham dự cuộc diễu binh hàng hải này, cùng với việc tổ chức các cuộc họp và hội thảo cấp cao, cũng như các sự kiện văn hóa và thể thao”. Toàn bộ sự kiện sẽ kéo dài trong bốn ngày. Để có một so sánh, vào năm 2009, chỉ có 29 phái đoàn nước ngoài tham dự buổi lễ kỷ niệm 60 năm.
Ngoài các chiến hạm của Trung Quốc, còn có khoảng hai mươi chiến hạm khác từ 13 quốc gia nước ngoài tham dự sự kiện. Trong đó một trong những khu trục hạm nhỏ mới của Nga, chiếc Đô đốc Gorchkov, và chiếc Melbourne của Úc. Tất cả đều đến để chào mừng, hoặc chứng kiến, sự tiến bộ theo cấp số nhân của người Trung Quốc. Từ năm 2015 đến năm 2018, lực lượng hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế nhiều chiến hạm hơn hạm đội của Pháp. Trung Quốc chế tạo trung bình một khu trục hạm hoặc một khu trục hạm cở nhỏ mỗi tháng, một tàu ngầm mỗi quý.
Nước Pháp đã tham dự sự kiện này mười năm trước. Khi chiến hạm tuần tra cở nhỏ Vendemiaire đến cảng Thanh Đảo, người ta có thể đọc trên báo chí Trung Quốc, đó là một “người bạn cũ”, người đến thăm đất nước này nhiều lần kể từ năm 2001. Tuy nhiên, đến dịp lễ 70 năm, “người bạn cũ” đóng quân tại Caledonia cuối cùng đã không còn được chào đón. Paris và đặc biệt là chiếc Vendémiaire, đã vượt qua quá nhiều giới hạn trong mắt của Bắc Kinh, nước mà, từ năm này qua năm khác, đã có những động thái cứng rắn, đặc biệt về vấn đề Đài Loan.
Chiến hạm Yuzhao (LSD-998) lớp 071, được các tàu tuần tra trang bị tên lửa lớp Houbei (lớp 022) hộ tống. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc, trong nhiều trường hợp và bằng cách rất rõ ràng, đã có thể trình bày trên lý thuyết và trong thực tế mô hình phòng thủ hiện tại của họ trên biển. Nước CHNDTQ đã dần chuyển từ “chiến lược phòng thủ các vùng biển gần bờ sang một chiến lược kết hợp phòng thủ các vùng biển này và bảo vệ các vùng biển nước sâu”. Vì vậy, họ sẵn sàng triển khai các chiến hạm ra khơi, nếu cảm thấy lợi ích của mình bị đe dọa. Người Trung Quốc gọi đây là chiến lược “phòng thủ tích cực”.
Mathieu Duchâtel
Khác xa với hiểu biết lạc hậu của các môn đệ Khổng Tử thời xưa, ngày nay, biển chiếm một vị trí mới, nằm ở vị trí trung tâm, trong các mục tiêu phòng thủ của chế độ cộng sản. “Ý tưởng đó đã đi một chặng đường dài. Ý tưởng đó giờ đây gần như gắn liền với bản sắc của Trung Quốc như là một cường quốc, một ý tưởng mà Trung Quốc muốn phóng chiếu trong nước và ra nước ngoài”, theo lời bình của Mathieu Duchâtel, nhà nghiên cứu tại Viện Montagne và cựu giám đốc văn phòng ở Bắc Kinh của viện Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm).
Trung Quốc “đã trở nên rất dễ bị tổn thương hơn trước các bất ổn quốc tế và khu vực, trước nạn khủng bố, cướp biển, thiên tai và dịch bệnh lớn. Sự an toàn của các lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài về năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường biển chiến lược (SLOC, Sea-lines of communication) cũng như các thể chế, nhân lực và tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, đã trở thành một mối quan tâm mấu chốt”, chúng ta có thể đọc được điều đó trong chương áp cuối của Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, được công bố ngay giữa lúc diễn ra cuộc khủng hoảng quần đảo Trường Sa.
MỞ CỬA RA THẾ GIỚI, BÁ QUYỀN LÊN CHÂU Á
Vào tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng mới, sách trắng mới đầu tiên kể từ năm 2015. Lại là một trường hợp hiếm thấy khác để đánh giá những ý định của Bắc Kinh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biển. Bởi vì văn kiện này trên hết nhắm đến đối tượng là công dân Trung Quốc, hơn là cộng đồng quốc tế, theo lời giải mã của nhà nghiên cứu Hugo Delcis, thuộc Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế (IRIS). Ông giải thích, “Thông qua Sách trắng quốc phòng, Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp cho thế giới; văn kiện đó trình bày tầm nhìn, các phương thức tư duy và các ưu tiên chiến lược của Trung Quốc.
Tài liệu này có tiêu đề là chính sách Quốc phòng của Trung Quốc trong Thời đại mới. Tài liệu mô tả một đất nước “mạnh nhưng hòa bình”, “cam kết sâu sắc vì hòa bình, quan tâm đến việc đảm bảo sự phát triển của Trung Quốc và của Nhân loại và nhận thức được sự cần thiết phải bảo toàn các lợi ích trước mắt của Trung Quốc”, theo lời tổng hợp của Hugo Delcis. Một công trình “tinh tế”, nhắm đến việc truyền bá ý kiến cho rằng Trung Quốc và ĐCSTQ “chỉ tìm kiếm một điều: đạt được một trật tự tập trung vào hòa bình và thịnh vượng cho mọi người”.
Mở cửa với chủ nghĩa đa phương, với thế giới, với sự đổi mới sáng tạo và đôi khi với vấn đề môi trường, chế độ độc tài và dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc không thay đổi một cách đột ngột khi bắt đầu đề cập đến những vùng lãnh thổ, mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS, United Nations Convention on Law of the Sea), thuộc về các Đặc khu kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng. Đề tài tranh luận: “Các đảo thuộc Biển Đông và Quần đảo Điếu Ngư là những phần không thể tước bỏ của lãnh thổ Trung Quốc”, theo tài liệu của Bắc Kinh.
Trung Quốc chiếm lấy các cơ sở hạ tầng còn gây tranh cãi ở ngoài khơi, xây dựng các đài radar, lấn biển và triển khai lực lượng ở các vùng biển Nam Hải (tên Trung quốc gọi Biển Đông – ND). Tương tự như vậy đối với các cuộc “tuần tra” trên biển, gần với các đảo thuộc vùng biển phía Đông của Trung Quốc mà người Nhật gọi là “Senkaku” (Trung quốc gọi là Điếu Ngư – ND). Bắc Kinh, đột nhiên, rất gắn bó với chủ nghĩa song phương, thậm chí còn cam kết “giải quyết tranh chấp (…) thông qua đàm phán với các quốc gia liên quan trực tiếp”. Nếu các nước biết cách tính đến yếu tố “lịch sử”, một lập luận bị vô hiệu hoá bởi công pháp quốc tế. 
Tàu ngầm chạy bằng diesel-điện lớp Song, lớp tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế hoàn toàn trong nước. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Bắc Kinh làm cho dư luận dậy sóng. Tháng 4 năm 2018, trang mạng Mer et marine:Hơn 40 chiến hạm cùng với nhân vật trung tâm, tàu sân bay Liêu Ninh. Đây là hạm đội khổng lồ đang được lực lượng Hải quân Trung Quốc triển khai ở Biển Đông.” Ngày 1 tháng 9 năm 2019, tờ Nhân dân Nhật báo:Lực lượng hải quân Trung Quốc hạ thủy chiếc tàu tấn công đổ bộ đầu tiên” (bài Taïwan appréciera [Đài Loan sẽ đánh giá]). Ngày 30 tháng 9, trang China.org:Tàu nghiên cứu hải dương học Trung Quốc Xiangyanghong 01 đã hoạt động trở lại.” 
Sức mạnh đó, trong những năm 2000, vẫn còn lẩn quẩn trong khu vực “từ nay đang được triển khai trên toàn bộ vùng biển từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, qua Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và đến Biển Baltic, nơi một nhóm chiến hạm Trung Quốc đã đến đó vào năm ngoái trong khi một nhóm chiến hạm khác đã đi lại ở Địa Trung Hải và sau đó hướng đến Tây Phi”, theo lời bình của trang mạng Mer et marine, gợi lại việc Trung Quốc cũng chế tạo, trong số những tàu thuyền khác, tàu phá băng hạt nhân đầu tiên của họ cho vùng bắc cực.
Ngày 27 tháng 9 năm 2019, tờ Ouest-France:Sau chiến hạm lớp 071, đây là chiến hạm lớp 075 – Trung Quốc hạ thủy một tàu tấn công chở trực thăng thuộc lớp mới.” Vài ngày trước, hãng thông tấn Tân hoa xã:Một phương tiện tàu ngầm Trung Quốc được điều khiển từ xa có tên là Haima gần đây đã hoàn tất một loạt nhiệm vụ ở độ sâu gần 2.000 mét ở phía tây Thái Bình Dương.Tháng 11 năm 2018, hãng thông tấn Sputnik: “Liệu Hoa Kỳ có đánh giá thấp lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hay không?
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, đang phát triển mạnh mẽ cũng như lực lượng tàu ngầm của nhiều nước khác, hiện nay là một đề tài thời sự. Ví dụ tại cuộc diễu binh quân sự trên bộ vào ngày 1 tháng 10 tại Bắc Kinh: một thế hệ mới của lực lượng hải quân “đã gây ấn tượng đối với công chúng trên Quảng trường Thiên An Môn”, trang China.org vui mừng chia sẻ. Bưu thiếp: “Với tuổi đời trung bình là 20,4 tuổi, hầu hết các thủy thủ được tuyển chọn từ Học viện Tàu ngầm của Lực lượng hải quân.
MỘT LỰC LƯỢNG VỚI CÁC CHIỀU KÍCH VÀ TƯƠNG PHẢN TRUNG QUỐC
Lực lượng hải quân Trung Quốc là gã khổng lồ Goliath, chắc chắn rồi. Tuy nhiên, lực lượng đó vẫn có điểm yếu. Trường hợp các tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo [SSBN, Ship Submersible Ballistic Nuclear], neo đậu ở bờ biển phía đông và phía nam, đáng chú ý là ở Tam Á trên đảo Hải Nam, là một ví dụ minh họa rất rõ cho điều nói trên. Nếu người ta ngày càng “nghe” đến các “SSBN” của Trung Quốc, đó còn là vì động cơ của các “SSBN” đó phát nhiều tiếng ồn. Vả lại, sự kín đáo ẩn mình, cũng như khả năng chiến đấu chống ngầm của chúng, bị hạn chế. Một vấn đề cho lực lượng răn đe và hoạt động của lực lượng hải quân Trung Quốc.
Một ví dụ minh họa khác: các tàu sân bay. Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược, và cũng là các cơ sở quân sự tiềm năng, trên các đảo san hô và rạn san hô (mà nhân đây cần nói là bị bao quanh bởi các vùng biển nước sâu và đặc biệt là mặn). Nhất là các đường băng hạ cất cánh dài 3 km. Ngược lại, hiện tại, Trung Quốc không có một đơn vị tác chiến hải lực không quân. Những thứ giới hạn sự phóng chiếu sức mạnh của lực lượng không quân Trung Quốc, đặc biệt trước Hoa Kỳ.
Gã khổng lồ thực sự của khu vực, trong thực tế đó là hạm đội thứ bảy của Mỹ. Một trong những nhiệm vụ của hạm đội này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thái Bình Dương là gì? “Ngăn chặn” Trung Quốc, với sự giúp đỡ của các nước đồng minh trong khu vực, dựa vào các căn cứ và các tàu sân bay khác. Đối mặt với các tàu sân bay của Mỹ, Bắc Kinh có một tàu sân bay do Liên Xô thiết kế, được mua lại từ Ukraine vào năm 1998, và một chiếc tàu sân bay thứ hai được chế tạo theo cùng một mô hình, đang trong thời gian thử nghiệm. Các tàu sân bay của Trung Quốc, mỗi chiếc chỉ có thể chở theo 25 chiếc máy bay, và hệ thống máy phóng của họ làm giới hạn các loại máy bay và lượng vũ khí có thể được sử dụng.
Thế nhưng, các cơ quan tình báo nước ngoài vẫn đang trong tình trạng dò xem nghe ngóng, theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Dựa trên hình ảnh vệ tinh thu được hồi tháng 4 năm ngoái, tổ chức think tank này, có trụ sở ở Washington, tin chắc rằng việc chế tạo chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang tiến triển tốt. Bắc Kinh đã không xác nhận nguồn tin trên; tất cả thông tin về chủ đề này được phân loại là bí mật quốc phòng. Tuy nhiên, các hình ảnh đó cho phép ta liên tưởng chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể sẽ lớn hơn chiếc tàu sân bay Charles de Gaulle [của Pháp].
Cảng cuối container Yang Sơn, một cảng thông ra biển ở Thượng Hải, là cảng thương mại hàng đầu thế giới về lưu lượng container cũng như về tải trọng. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Trong 30 năm qua, Trung Quốc, ngoại trừ một đợt giảm nhẹ từ năm 1993 đến năm 1994, đã có mức chi tiêu quân sự toàn cầu liên tục gia tăng, và theo cách không ngờ được, cho đến năm 2019. Viện SIPRI [Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm] ước tính một cách rõ ràng: mức chi tiêu gần 20 tỷ US$ (theo giá so sánh) vào năm 1989 so với gần 250 tỷ US$ ngày nay. Và khoảng 50 tỷ US$ nữa, chỉ trong 5 năm qua. Đối với lực lượng hải quân, các mức chi tiêu này là không thể tin được, nếu không muốn nói là nhiều hơn.
Về cơ bản, các mức chi tiêu này đi kèm với sự trở lại thần kỳ – và không kém phần mong manh – của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa tài chính và vận chuyển hàng hải quốc tế. Những năm 1970: xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Cuối những năm 1980: quay trở lại quần đảo Trường Sa. Năm 1997: tiếp thu cảng Hồng Kông, cùng với vị thế trung tâm tài chính quốc tế. Năm 2001: gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bắc Kinh ngày nay điều tiết sự vận chuyển hàng hải toàn cầu, cùng với châu Âu và Hoa Kỳ.
Cosco, chủ đội tàu buôn hàng đầu của Trung Quốc, cũng là đội tàu container lớn thứ ba trên thế giới. Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm của mình ra khắp mọi nơi, qua ngã Thái Bình Dương hoặc các vùng biển Trung Quốc, rồi Ấn Độ Dương cho đến Châu Phi, Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Rồi còn qua ngã Đại Tây Dương, qua Eo biển Gibraltar hoặc Kênh đào Panama. Từ nay “bài toán rác thải” nổi tiếng cho thấy, theo một chiều hướng khác, rằng không nhất thiết phải nhập về bất cứ thứ gì từ phương Tây.
Trong nhiều thập kỷ qua, nước CHND Trung Quốc đã gửi các tàu thuyền của mình chất đầy các sản phẩm chế tạo đi khắp thế giới phát triển, và trong lượt về không phải là những tàu thuyền trống rỗng, mà chất đầy rác thải tái chế có giá trị gia tăng thấp. Bằng cách đóng cửa đối với rất nhiều loại rác thải được nhập về, bắt đầu từ những thứ không mấy “ngon ăn” từ Hoa Kỳ, Trung Quốc đã gây ra sự lộn xộn trên khắp thế giới, và sự hỗn loạn về vệ sinh y tế ở châu Á. Như người ta nói: thời của “thuyền rác” đã qua. Giờ là thời của “Baochuan! [thuyền châu báu]”.
Giới thiệu tác giả
Igor Gauquelin
Igor Gauquelin là nhà báo, chuyên về báo viết và báo kỹ thuật số. Sau nhiều năm hợp tác và chuyển việc từ giới báo chí khu vực ở Montpellier và Lyon, sau đó đến tòa soạn các báo Mediapartla Croix ở Paris, vào tháng 1 năm 2012, ông làm cho ban biên tập đa phương tiện của đài Radio France Internationale (RFI), lúc đó đang trong thời kỳ chuyển đổi. Là nhà báo “bao biện mọi thứ” và chịu trách nhiệm biên tập đa phương tiện trên đài RFI, ông tiếp tục ký tên đăng định kì lên các bài phóng sự của mình ở Pháp và trên trường quốc tế.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

* * *

TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ LẠI HÀNG ĐẦU SÂN KHẤU THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO
Tháp đài truyền hình CCTV ở Bắc Kinh. (Nguồn: MIT)
Thứ ba này, ngày 1 tháng 10, Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Giới lãnh đạo Cộng sản sẽ ăn mừng hoành tráng việc đất nước trở lại hùng mạnh và thịnh vượng. Nhưng công cuộc đuổi kịp đó của Trung Quốc không phải là một dòng sông êm đềm và những định hướng chính trị lớn do giới lãnh đạo cộng sản đặt ra đã phải trải qua những thay đổi lớn cần phải ghi nhớ. Nước Trung Quốc của Tập Cận Bình không phải là nước Trung Quốc của Mao Trạch Đông và cũng không phải là nước Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình.
DI SẢN CỦA ĐẾ CHẾ TRUNG QUỐC VÀ mong muỐn PHỤC THÙ
Vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc chiếm hơn một phần tư của cải thế giới, vượt xa tất cả các quốc gia phương Tây ngày nay. Nhưng không ai ở châu Âu biết điều đó. Khoảng cách là rất lớn, các mối liên kết vẫn còn rất manh mún và sự thiếu hiểu biết lẫn nhau là điều chuẩn mực.
Từ năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành khôi phục lại sự vĩ đại và thịnh vượng của Trung Quốc, với mục tiêu khôi phục lại vị trí trung tâm trên thế giới vào năm 2049, năm kỷ niệm một trăm năm đất nước Trung cộng trong tương lai.
Angus Maddison (1926-2010)
Thật khó để hiểu được tâm thế của giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc mà không xem xét tầm nhìn của họ về lịch sử. “Đất nước trung tâm” (dịch theo nghĩa đen từ Zhongguo, tên gọi nước Trung Quốc bằng tiếng Quan Thoại) biết rõ đất nước họ, thời gian rất dài, là thế lực thống trị trong vùng ảnh hưởng của mình. Các công trình của Angus Maddison, nhà sử học kinh tế, cho thấy sức nặng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn ở vị trí trung tâm từ thời La Mã cho đến thế kỷ XIX, với đỉnh điểm vào năm 1820, khi mà Trung Quốc chiếm 36% nền kinh tế thế giới. Sau đó Trung Quốc bắt đầu suy sụp một cách nhanh chóng và quá trình này tiếp diễn cho đến giữa thế kỷ XX, được tăng tốc bởi những hiệp ước bất bình đẳng và những cuộc chiến do các cường quốc phương Tây và Nhật Bản áp đặt. Năm 1950, GDP của Trung Quốc chỉ còn bằng 4,6% GDP thế giới và Trung Quốc đang đứng ở ngoài lề các giao dịch thương mại quốc tế – chiếm tỷ trọng dưới 1% trong giao dịch thương mại thế giới.
Vì vậy, dự án của Trung cộng là một dự án mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn là một cuộc cách mạng chính trị xã hội. Các giai đoạn tìm lại sự thịnh vượng và quyền lực đã được đặt ra một cách rất rõ ràng: một xã hội “sung túc ở mức trung bình” vào năm 2020, cường quốc hàng đầu về đổi mới sáng tạo vào năm 2035, đất nước hiện đại, thịnh vượng và hùng mạnh vào năm 2049.
MỘT BẢN TỔNG KẾT Ấn tưỢng
Khi so với tình hình của năm 1950, bản tổng kết năm 2019 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thật thần kỳ. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với hơn 16% một chút GDP năm 2019 của thế giới, theo ước tính của IMF (19% theo sức mua tương đương). Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây, nhưng quá trình đuổi kịp vẫn tiếp diễn, nếu dựa vào các số liệu chính thức, với mức tăng trưởng 6% trong năm 2019, vẫn cao gấp đôi so với mức tăng trưởng mức trung bình của thế giới.
Người dân Trung Quốc đã giàu lên và mức độ “sung túc ở mức trung bình” mà ĐCSTQ mong muốn đã trở thành hiện thực. Theo một nghiên cứu của McKinsey, ¾ dân số thành thị, tức 550 triệu người Trung Quốc, sẽ có mức thu nhập hộ gia đình thường niên hơn 10.000 USD vào năm 2022.
Từ nay, giới trẻ Trung Quốc đều được hưởng chế độ giáo dục. Trong khi vào năm 1950, tỷ lệ mù chữ vượt quá 80%, trong thực tế tỷ lệ mù chữ ngày nay không đáng kể (dưới 5%), và sinh viên chiếm hơn 50% trong nhóm tuổi của giới trẻ. Tuổi thọ đã tăng gần như gấp đôi: vào năm 1950 tuổi thọ không vượt quá 43 tuổi và ngày nay là 77 tuổi. Mạng lưới an sinh xã hội mà người dân được hưởng vẫn chưa đủ, nhưng đã phát triển đáng kể trong 15 năm qua.
Những kết quả này, có thể nói là đã thần kỳ, còn có thể tốt hơn nữa. Trên thực tế, chúng ta phải phân biệt ba thời kỳ chính trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc trong 70 năm qua.
KỶ nguyên cỦa NGƯỜI CẦM LÁI vĩ đẠi
Thời kỳ 1950-1978 dưới triều đại của Mao Trạch Đông, mang dấu ấn của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước, với sự phân chia cưỡng bức đất đai, tập thể hóa nông nghiệp và sự ra đời của các công xã nhân dân, sự quốc hữu hóa các doanh nghiệp và công nghiệp hóa đất nước. Nền giáo dục toàn dân được tiến hành với 9 năm học bắt buộc đối với mọi người. Những “thầy thuốc đi chân đất” của Mao Trạch Đông được phân bổ về nông thôn, cho phép nhanh chóng gia tăng tuổi thọ tới 66 tuổi vào năm 1980. Khế ước xã hội là khế ước việc làm cho mọi người và “bát cơm bằng sắt”.
Nhưng tham vọng bắt kịp được đẩy đến mức phi lý trong chính sách “Đại nhảy vọt” của những năm 1958-1962. Theo các phân tích của IMF, chính sách này đã dẫn đến một sự sụt giảm hơn 30% GDP, và trên hết, đã gây ra một nạn đói khổng lồ. Bắt đầu từ năm 1966, những xáo trộn của cuộc Cách mạng Văn hóa đã gây ra những tàn phá khác về mặt văn hóa, kinh tế và xã hội trong gần một thập kỷ.
Khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, giới tinh hoa bị tàn sát hàng loạt, nền giáo dục đại học bị bỏ rơi, đất nước mất sinh khí. GDP của Trung Quốc chỉ còn chiếm 1,7% GDP thế giới vào năm 1980 (tính bằng đồng US$ hiện hành) và tỷ lệ tham gia các giao dịch thương mại thế giới của đất nước đã suy giảm so với năm 1950. Đảng Cộng sản sẽ không bao giờ thừa nhận tình trạng rối ren khủng khiếp này và học thuyết chính thức cho rằng có đến 70% thành quả trong bảng tổng kết của kỷ nguyên Mao Trạch Đông.
30 NĂM QUANG VINH
Sự cất cánh của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1980 là công trình của Đặng Tiểu Bình và những người kế vị ông, cho đến thời của Hồ Cẩm Đào vào cuối những năm 2000. Việc từ bỏ các công xã nhân dân và từ bỏ chính sách kế hoạch hóa tập trung, việc mở rộng dần các cơ chế thị trường nông nghiệp và công nghiệp, chính sách tự do giá cả, quá trình tư nhân hóa theo từng giai đoạn liên tiếp, sự phát triển nhanh các cơ sở hạ tầng và định hướng xuất khẩu theo mô hình của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, đã tạo ra những kết quả thần kỳ: mức tăng trưởng kinh tế vượt quá 10% mỗi năm trong 25 năm, tỷ trọng ngoại thương trong GDP bùng nổ (tăng từ 5% GDP vào năm 1970 lên gần 50% vào năm 2010), Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, các đặc khu kinh tế thu hút một khối lượng ngày càng tăng các khoản đầu tư nước ngoài làm cho đất nước trở thành công xưởng của thế giới. Gần đây hơn, kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc, trong vòng 15 năm, đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai trên thế giới và là chủ nợ lớn thứ hai trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Tuy thế, chi phí xã hội và môi trường của sự trỗi dậy ngoạn mục này cũng rất cao. Năm 2018, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thách thức khổng lồ của một sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
TRẠNG THÁI “BÌNH THƯỜNG MỚI”
Kể từ năm 2010, chúng ta rõ ràng đã bước vào giai đoạn thứ ba mà kết quả vẫn còn là điều không chắc chắn. Chính phủ Trung Quốc đã đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 bằng cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, tạo ra một sự tăng trưởng rất nhanh của nợ nần, trước khi đối mặt với việc giải quyết những mất cân đối cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc. Sự tăng trưởng kinh tế cưỡng bức của thập kỷ trước được tiến hành trên cơ sở một sự phát triển quá mức các hoạt động đầu tư và ưu tiên cho ngành công nghiệp – đặc biệt là ngành công nghiệp nặng – gây hại cho môi trường và tiêu dùng, với một sự phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường thế giới.
Đảng Cộng sản đang nỗ lực định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu dùng, dịch vụ và thị trường trong nước để tạo ra cái mà họ gọi là trạng thái “bình thường mới, mang tính định chất hơn và bền vững hơn. Mức tăng trưởng kinh tế đã chậm lại một cách rõ rệt, gây ra bởi sự phát triển các ngành dịch vụ. Mức tăng trưởng này thấp hơn 7% kể từ năm 2015 và có thể giảm xuống dưới 6% vào năm tới. Quá trình tái cấu trúc còn lâu mới hoàn thành, nhưng quá trình này đang diễn ra từng bước một.
Sự thay đổi thần kỳ nhất liên quan đến ngành ngoại thương. Sự thay đổi diễn ra một năm trước khi bắt đầu cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Ngoại thương chiếm 49% GDP của Trung Quốc vào năm 2010 và 38% vào năm 2018, giảm 11 điểm phần trăm. Thị phần xuất khẩu trên thế giới của Trung Quốc đã bị đụng trần kể từ năm 2014 và người ta đã cảm nhận được cuộc xung đột với Hoa Kỳ từ năm 2019 với tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc bị đình trệ trong 6 tháng đầu năm, trong khi Đông Nam Á được hưởng lợi khi các chuỗi giá trị đang định hướng lại vào các nước này. Mức thặng dư cán cân thanh toán hiện hành của Trung Quốc, từng đạt đỉnh 10% GDP vào năm 2007, gần như đã biến mất (0,4% vào năm 2018). Mặt khác, vào năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định kiềm chế các khoản đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài, đặc biệt giảm mạnh đối với các nước phát triển.
Sự gia tăng của các ngành dịch vụ và tiêu dùng trong nền kinh tế Trung Quốc đi theo một quỹ đạo chậm hơn rất nhiều. Tỷ lệ tiêu dùng trong khu vực tư nhân vốn rất thấp vào năm 2010, khoảng 35% GDP, thì giờ đây đang tiệm cận mức 40% vào năm 2018, vẫn rất thấp so với mức trung bình của thế giới (ví dụ như ở Ấn Độ là 58%). Tỷ lệ đầu tư đi theo một diễn biến ngược, giảm từ 48% GDP vào năm 2010 xuống còn 44% ngày nay.
Tỷ trọng các ngành dịch vụ trong nền kinh tế đang tiến triển chậm—50% GDP vào năm 2015, 52% vào năm 2018. Nguyên nhân, những trở ngại dai dẳng đối với sự phát triển cạnh tranh trong nước. Chính sách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và mở cửa nền tài chính của Trung Quốc giậm chân tại chỗ kể từ năm 2015, khi các nhà đầu tư nước ngoài ngừng đặt cược vào một sự gia tăng liên tục của tỷ giá hối đoái. Theo tổ chức SWIFT, đồng nhân dân tệ chiếm không quá 1,8% các giao dịch quốc tế bằng ngoại tệ, giảm kể từ năm 2015. Tỷ lệ đồng nhân dân tệ [so với ngoại tệ] trong các khoản dự trữ của ngân hàng trung ương đang ở mức tương đương. Chúng ta đang ở rất xa với tình huống đặt lại vấn đề thống trị của đồng đô la.
NGÀY MAI
Chính sách định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến một sự tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các chuyên gia của IMF tin rằng Trung Quốc vẫn giữ được những biên độ quan trọng trong việc đuổi kịp kinh tế. Nhưng những biên độ này sẽ hết hơi trong vòng 10-15 năm tới khi sự lão hóa dân số và sự chậm lại của quá trình đô thị hóa sẽ kìm hãm động năng hiện tại. Trung Quốc có thể thấy tiềm năng tăng trưởng của mình giảm xuống dưới mức 4% vào năm 2030. Giới lãnh đạo Trung Quốc còn rất nhiều việc để làm nhằm duy trì đúng hướng một sự tăng trưởng kinh tế bền vững và một đất nước hiện đại và thịnh vượng.
Giới thiệu tác giả
Hubert Testard

Hubert Testard là một chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán của Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho Asean. Ông cũng đã tham gia vào việc xây dựng các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ bốn năm nay Hubert Testard giảng dạy tại trường Kinh doanh Quốc tế của Đại học Sciences Po về sự phân tích tương lai của Châu Á. Ông đã tham gia biên tập một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, nhà xuất bản Philippe Picquier) và là đồng tác giả với Brigitte Dyan cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, được Cơ quan đầu tư quốc tế của Pháp xuất bản. Ông tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA, École nationale d'administration) và đại học Science Po.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Comment la Chine est revenue au premier plan, Asialyst, ngày 28/09/2019.
Print Friendly and PDF