11.5.20

Chống lại xã hội học về sự ngu ngốc: Garfinkel hay lí lẽ thông thường được khôi phục


CHỐNG LẠI XÃ HỘI HỌC VỀ SỰ NGU NGỐC: GARFINKEL HAY LÝ LẼ THÔNG THƯỜNG ĐƯỢC KHÔI PHỤC

Marie Talec[1]

DẪN NHẬP

Harold Garfinkel (1917-2011)

Là người phản biện Parsons và là học trò của Schutz, nhà xã hội học Mỹ Garfinkel là người sáng lập ra nhánh phương pháp luận dân dã được thành lập giữa năm 1950 và 1960 mà các nguyên tắc được ông giải thích trong cuốn: Nghiên cứu về phương pháp luận dân dã (1967). Cũng giống như các người tiền bối, điều được Garfinkel quan tâm trong suốt sự nghiệp của mình, trong khi vẫn áp đặt một phương pháp hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa hình thức của Parsons, là “hiểu hay giải thích một loại trật tự xã hội hay đạo đức (…), một loại trật tự hiện ra và được duy trì bất chấp tất cả những gì chia rẽ các thành viên một cách sâu sắc[2], một trật tự xã hội có những nền tảng được giấu kín trong thế giới bình thường của những cá nhân.
Theo Garfinkel, trật tự xã hội, đạo đức này bao gồm toàn bộ các hoạt động bình thường bị chi phối bởi những quy tắc xác định những chuẩn mực mà các cá nhân đã tán thành và dung nạp (một cách ý thức hay không) nó như là tự nhiên và hiển nhiên. Những chuẩn mực này hoạt động như những mật mã tạo nên một nền chung cho các mối tương tác hằng ngày.
Michel de Fornel
Tính đặc thù của bài của Garfinkel làm cho ta quan tâm ở đây là cố gắng để phát hiện những nét đặc trưng của cái nền đó, để phi tự nhiên hóa nó nhằm có được một suy nghĩ chín chắn về cái sống chung, về điều mà tiếp nối Kant ông gọi là sự bí mật, sự “kỳ diệu” của “tính dễ hòa nhập xã hội không mang tính xã hội của con người”[3] làm cho con người, bất chấp những sự bất đồng trong mọi lãnh vực, vẫn tiếp tục hợp tác với nhau, và sự hợp tác đó được duy trì với một số quy tắc ngầm, không được biểu hiện qua lời nói, nhưng hẳn là được mọi người biết.
Trong bài này, luận đề của Garfinkel có thể được tóm tắt như sau: các thành viên của xã hội không phải là những người ngốc. Tất nhiên, không phải là chỉ là điều đó mà thôi, và chính sự khẳng định này đáng được phát triển. Cách để phát hiện mà tác giả sẽ triển khai là xem các cấu trúc xã hội của những hoạt động thông thường như là những hiện tượng đặt vấn đề, và một cách đặc thù hơn trong trường hợp này, như là hậu cảnh của những hoạt động và tương tác hằng ngày của các thành viên của xã hội. Ở đây, Garfinkel muốn tự đặt mình ở cấp độ sơ đẳng nhất của xã hội, để hiểu được điều gì tạo ra tính chất thông thường, quen thuộc của thế giới xã hội, và cùng lúc, làm cho cái thế giới này mang một ý nghĩa đối với các tác nhân.
Mặt khác, mục đích rõ ràng của bài này là chứng minh tính chất chương trình của xã hội học về các hoạt động được gọi là theo lý lẽ thông thường: tính thuần lý tác động đến các hoạt động này là điều phải có trong tất cả mọi nghiên cứu xã hội học. Bằng cách nào Garfinkel đã bảo vệ ý tưởng rằng tính dễ hiểu của thế giới xã hội bắt buộc phải dựa trên sự hiểu biết về lý lẽ thông thường? Trong bước đầu, ta sẽ trình bày chi tiết những trải nghiệm mà Garfinkel có với mục đích là nêu rõ những gì làm cơ sở cho sự hiểu biết chung trong xã hội. Trong những điều tiếp theo, ta sẽ cố gắng cho thấy rằng phương pháp tiến hành trong bài này thật sự tiêu biểu cho phương pháp luận dân dã và xác định một khái niệm lý thuyết phê phán: thằng ngu ngốc theo Garfinkel. Ta sẽ kết thúc với một suy nghĩ về tính di sản của thuyết tương tác cực đoan và sự kết hợp nó với những ngành khác như ngôn ngữ học hay một hình thức nào đó của tâm lý học, cũng như về những hệ quả có thể có của sự phân tích phương pháp luận dân dã trên khế ước xã hội.

CÁI NỀN CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG THÔNG THƯỜNG

Alfred Schütz (1899-1959)
Trong các hoạt động thường ngày, một hậu cảnh ảnh hưởng đến những cảnh được nhận thức như là “đúng tiểu chuẩn”. Hậu cảnh này bao gồm những sự trông đợi, những mật mã truyền thông, những chuẩn mực về cách ứng xử ngầm mà những thành viên của xã hội dùng như là những sơ đồ diễn giải để hiểu được những bề ngoài có thực như là những bề ngoài của những sự kiện quen thuộc (mặc dù mỗi sự kiện quen thuộc đều là đặc biệt). Cái phối cảnh này “được nhận thức mà không cần phải quan tâm đến”, điều này giải thích vì sao nó lại rất khó phân tích với tư cách đó. Schutz, bậc thầy của Garfinkel, đã phát hiện rằng để làm cho các sự trông đợi ở phía đằng sau xuất hiện, ta cần phải hoặc là xa lạ với tính chất thông thường của những cảnh của đời sống thường ngày, hoặc tách khỏi nó một cách chủ động. Đó chính là điều mà Garfinkel sẽ làm, bằng cách dùng những sinh viên của chính mình và những mối quan hệ của họ như là những chuột bạch.
1.   Giai đoạn đầu: phá vỡ sự quen thuộc

Sự cùng thông hiểu không bao gồm một số lượng được đo lường của những sự đồng ý được một số người chia sẻ trên một số vấn đề”[4]. Thật ra, cái diễn ngôn chung có cơ sở trên một số đặc tính được thừa nhận làm cho sự trao đổi có thể diễn ra và tạo nên một cái hậu cảnh đúng chuẩn có trước mọi sự trao đổi: sự tiên đoán rằng mọi người sẽ hiểu được, mối liên hệ của các biểu hiện với những tình huống, tính mơ hồ đặc biệt của những quy chiếu, ý hướng về quá khứ - tương lai của một sự kiện hiện tại, điều phải chờ những gì sẽ xảy ra sau này để có thể hiểu được những gì đã được phát biểu trước đó[5]. Sự tuân thủ theo những quy tắc này là điều được đòi hỏi như là điều kiện để hiểu và được phát biểu.
Để chứng minh cho sự vững chắc của lập luận của ông về sự cấu thành hậu cảnh của cái diễn ngôn chung, Garfinkel đã bố trí một số tương tác trong đó một trong những người đối thoại làm như cái hậu cảnh đó không có: ông đòi hỏi có những chi tiết về những điều được coi là hiển nhiên, cư xử như thể mọi đoạn của sự trao đổi phải được hiểu ở thời điểm T trong tính toàn diện của nó, làm như thể ông bị “chứng quên nhẹ” về ý nghĩa của lý lẽ thông thường, ông cư xử như một người lạ (quan sát hay tác nhân) bằng cách bỏ qua mọi sự quy chiếu với những động cơ, tính cá nhân, chủ quan và thông thường của các biến cố, nói một cách ngắn gọn với tất cả những gì tạo ra nền tảng cho một tính liên chủ quan quen thuộc. Tóm lại, ở đây là thay thế một quy tắc diễn giải, mơ hồ, ngầm và được chia sẻ bằng một quy tắc khác, có chủ đích, rõ ràng, nhưng chỉ được một thành viên duy nhất tham gia vào cuộc đối thoại biết mà thôi.
Có phản ứng ngay lập tức: sự ngạc nhiên, sự lo âu, sự hung hăng của “nạn nhân” và sau cùng là sự đứt đoạn của sự trao đổi.
2.   Phi nhân cách hóa các mối quan hệ con người bằng cách loại bỏ mọi sự xúc động và cô lập cá nhân.
“(….) chính từ mối quan hệ này (với cái hậu cảnh) [giữa sự thông hiểu chung và những sự xúc động xã hội] mà người ta lưu tâm trong sự mô tả lý lẽ thông thường đến cách thức để triển khai những công việc bình thường, nhằm gợi lên sự ngưỡng mộ hay tình bạn, tránh được sự lo âu, sự hỗ thẹn, cảm nhận tội lỗi hay sự buồn chán”[6].
Du nhập sự ngờ vực, sự hoài nghi vào trong những mối tương tác và trên những mối quan hệ thường được chấp nhận giữa “bề ngoài có thực của một vật và cái mục tiêu được nhắm đến xuất hiện một cách đặc biệt”, mặc dù không cung cấp bất cứ sự bào chữa nào cho hành động này, không những làm cho diễn tiến của mối tương tác bị đặt thành vấn đề (phản ứng bác bỏ, và cả sự không thấu hiểu ở đây) mà còn cung cấp cảm tưởng về tính giả tạo cho những mối quan hệ liên chủ quan và tạo ra một sự khó xử cho cả hai bên. Nếu ta muốn đẩy cuộc thí nghiệm xa hơn nữa bằng cách du nhập sự hoài nghi chính trong những cách diễn giải của cuộc “chơi” của sự tương tác, đặc biệt thông qua việc cô lập “nạn nhân” khỏi mọi sự đồng thuận được hợp thức hóa do người khác làm về những gì họ cảm nhận và diễn giải, ta sẽ thấy là thực tại xã hội tự động mất đi toàn bộ ý nghĩa của nó, khi củng cố hơn nữa cảm tưởng bị cô lập của nạn nhân, phá vỡ ý nghĩ của họ về sự thuộc về một thế giới mà ai cũng biết (và tạo nên một sự lo âu lớn, càng to lớn hơn nữa khi mà sự dấn thân với “những việc tự nhiên của cuộc sống” lại càng lớn).
Hai giai đoạn này của sự chứng minh, với những kinh nghiệm rải rác được Garfinkel sử dụng để minh họa (chứ không phải như là những bằng chứng cụ thể) dẫn ta tới kết luận rằng việc mã hóa các mối quan hệ “bình thường” của con người có một tác động quan trọng hơn nhiều so với những gì mà các mô hình xã hội học khiến cho ta nghĩ, mà, nếu các mô hình chấp nhận sự hiện hữu của sự mã hóa này, không chắc là đã tính đến những hệ lụy của nó.

CHỐNG LẠI XÃ HỘI HỌC VỀ SỰ NGU NGỐC: PHƯƠNG PHÁP LUẬN DÂN DÃ

Trước khi là một trường xã hội học hoàn toàn, phương pháp luận dân dã, như tên của nó gợi ý cho chúng ta, đã thành một phương pháp, đặc biệt tự xác định vị trí chống lại sự formal analysis hay sự phân tích hình thức theo kiểu Parsons, hay đúng hơn, một cách song song với nó. Garfinkel không phủ nhận tính khoa học của phân tích hình thức nhưng muốn bổ sung nó, và điều chỉnh một vài kết quả của nó vốn bóp méo thực tại xã hội và xem các thành viên của xã hội như những người ngốc, khi giảm nhẹ tầm quan trọng của lý lẽ thông thường.
1.   Người ngốc theo Garfinkel
Hậu quả quan trọng của việc thiếu quan tâm [đối với những mong đợi được chuẩn hóa trong lãnh vực thông hiểu nhau], [những nhà lý thuyết các khoa học xã hội] đã nhầm lẫn về bản chất và điều kiện của những hành động ổn định”[7].
Garfinkel phân biệt hai loại người ngốc chuẩn tắc: người ngốc văn hóa và người ngốc tâm lý. Người ngốc văn hóa là người rập khuôn theo những giải pháp hành động thay thế đã được thiết lập và chính đáng, do nền văn hóa chung cung cấp, mà sự ổn định về cách cư xử được suy ra từ một sự tuân thủ hoàn toàn những luật lệ (định chế, chính trị, cấu trúc). Còn con người ngốc tâm lý thì hoàn toàn bị quy định bởi tiểu sử tâm thần, lịch sử và sự vận hành tâm lý của mình. Cả hai mô hình này “đều xem các sự đánh giá dựa trên những sự thuần lý thông thường như là những hiện tượng phụ”[8].
Talcott Parsons (1902-1979)
Trong bài của mình, Garfinkel sử dụng nhiều cuộc thử nghiệm trái ngược với những luận đề tạo nên những người ngốc. Trong bước đầu, Garfinkel, khi tạo ra sự mặc cả giữa các sinh viên về giá của một số sản phẩm, nhận thấy cái được gọi là giá chuẩn duy nhứt (như đã được Talcott Parsons trình bày) không phải là một chuẩn mực có sức thuyết phục và được nội tâm hóa, “một lý do từ bên trong”[9] vì cá nhân không nhận thấy rằng đó thực sự là một quy ước bên ngoài mà thôi. Lý thuyết về tác nhân duy lý chỉ có hiệu quả trong những điều kiện mà cá nhân xấu hổ, sợ phải thách thức những quy ước này – điều dẫn đến việc hắn không cư xử một cách máy móc theo một “bản chất”, mà phải thỏa hiệp và tạm thích ứng một cách thường xuyên với những sự mong đợi ở hậu cảnh để tránh bị đoạn tuyệt với nó. Garfinkel nói: “quy tắc càng quan trọng, thì khả năng sự nhận thức này dựa trên những lần thử đã được tránh đi lại càng lớn[10]. Đây là lần thứ hai, tác giả nhắc lại để tránh những sự bóp méo của phân tích hình thức: cá nhân, trong những sự trao đổi của mình, sử dụng ngôn ngữ một cách phức tạp hơn là người ta nghĩ: chẳng hạn hắn nhận thức và sử dụng sự mỉa mai và nghĩa đôi, và cũng tính đến những đoạn không rõ ràng (điều mà Garfinkel gọi là vân vân…) nhằm làm cho ngay các hoạt động có vẻ như là tách rời khỏi chuẩn tắc cũng mang tính cố kết trong một thế giới của lý lẽ chung.
2.   Tính chặt chẽ của phương pháp luận dân dã: trở về với châm ngôn của Durkheim
Nếu ta chấp nhận vài sự mạo hiểm về bản thể luận, ta có thể nói rằng Garfinkel chủ trương một thứ chủ nghĩa hiện thực ngây ngô hay trực tiếp chống lại cái chủ nghĩa hiện thực bên ngoài của Durkheim hay cái chủ nghĩa phân tích hay hình thức của Parsons[11].
Émile Durkheim (1858-1917)

Durkheim cho ta biết: “Thực tại khách quan của những sự kiện xã hội là nguyên tắc cơ bản của xã hội học”[12]. Thật vậy phương pháp luận dân dã cố gắng định rõ lại đối tượng của Durkheim, và Garfinkel trình bày nó lại như sau: “đúng là thực tại khách quan của sự kiện xã hội là hiện tượng cơ bản của xã hội học; nhưng vẫn phải nắm bắt thực tại khách quan đó như là sự thực hiện thực tiễn liên tục của mỗi xã hội, hoàn toàn và duy nhứt bắt nguồn, luôn luôn và khắp mọi nơi, từ sự lao động của những thành viên, một sự thực thi được tổ chức và có thể mô tả một cách tự nhiên, không ngừng được sản xuất tại địa phương và một cách nội tạikhông thể nào thoát khỏi, giấu giếm và né tránh, không thể hoãn lại và không vô tư”[13]. Điều đó đơn giản có nghĩa là: phương pháp thực hiện lý thuyết, phương pháp luận và nghiên cứu hành động của con người, có ý hướng tổng quát hóa, không khước từ ý tưởng về cấu trúc. Xã hội học của Garfinkel không diễn giải về dấu hiệu, hay về những thực tiễn, và Garfinkel mạnh mẽ khẳng định điều này: những hoạt động bình thường là thực tại của chính nó, và không thể được mô tả như là những sự mô tả được tưởng tượng.[14]
Như vậy, phương pháp luận dân dã là xã hội học về lý lẽ thông thường, dựa trên một xã hội học về những diễn viên như là xã hội học do các diễn viên làm (do đó phương pháp luận dân dã còn có biệt danh là thuyết siêu tương tác). Nó đã phạm một lỗi lớn đối với mọi người theo thuyết của Parsons: nó đã hỏi ý kiến của những diễn viên (tác nhân). Những tác nhân có rất nhiều chuyện để nói.

VẬY ĐÓ LÀ TRẬT TỰ XÃ HỘI?

Mục đích của bài của Garfinkel là phát hiện những cấu trúc bình thường của thế giới xã hội và lý lẽ thông thường của nó. Tuy nhiên, Garfinkel, thử nghiệm tiếp nối thử nghiệm, đã phá hủy một cách có phương pháp những quy ước làm chỗ dựa cho trật tự xã hội. Hẳn là phương pháp giải kiến tạo này là một phương pháp lạ thường, nhưng đó chắc hẳn là một phương pháp có hiệu quả.
1.   Những sự mù mờ trong ngôn ngữ: tính trực chỉ (indexicalite) và tính phản tư
“Còn về phương pháp, tôi thích bắt đầu với những cảnh quen thuộc để rồi sau đó hỏi làm sao ta có thể làm cho sự quen thuộc đó bị rối loạn. Tất cả những gì ta phải làm để nhân lên những nét vô nghĩa của cái hoàn cảnh xung quanh được nhận thức; sản xuất và duy trì sự bối rối, sự rụng rời và sự lẫn lộn; để sản xuất những sự xúc động xã hội được cấu trúc hóa như sự lo âu, sự hỗ thẹn, tính tội lỗi hay sự phẫn nộ; và để phá rối sự tương tác”[15].
Nếu Garfinkel nêu bật một sự việc trong bài của mình, đó là sự phức tạp, mật độ của sự tương tác giữa con người với nhau, và những cơ hội cho sự thất bại của nó. Mọi sự tương tác che giấu, dưới hình thức những quy ước về cách cư xử và ngôn ngữ (và đó chính là điều mà tác giả chỉ định qua điều khoản vân vân trong khế ước xã hội, làm như khế ước này đã được viết ra), một sự căng thẳng có thể rất dễ dàng biến thành một sự xung đột công khai nếu những quy ước này không được tôn trọng. Vượt qua chính tình huống tương tác, và trật tự xã hội như là sự ổn định của xã hội như là một cấu trúc, chính ý nghĩa của mọi hành động cá nhân được đặt thành vấn đề trong mỗi sự tương tác. Những sự kiện đều được hiểu tùy vào mỗi diễn biến, mỗi bối cảnh đặc thù, và Garfinkel khẳng định, tính hợp lý của các tác nhân cũng chỉ là sự hoàn thành mang tính cục bộ: đó là điều mà Garfinkel gọi là sự trực chỉ, một khái niệm mà ông mượn từ ngôn ngữ học. Tính trực chỉ là một đặc tính của thế giới chi phối tất cả những hình thức biểu tượng, bằng lời nói, bằng cử chỉ trong quan hệ con người. Đối với Garfinkel, tính trực chỉ gắn với tính phản tư: tính trực chỉ tổ chức dưới một hình thức dễ nhận diện ở cấp độ cục bộ những đặc tính khác nhau của sự tương tác; tính phản tư cho phép tạo ra ý nghĩa, sự diễn giải bối cảnh phù hợp với một thế giới được mọi người biết đến.
Hậu cảnh của những hoạt động thông thường phức tạp và mang tính cưỡng bức đến mức mà các cá nhân buộc phải không quan tâm một cách có ý thức đến nó, vì nếu họ cố gắng nhận thức nó một cách rõ ràng, mặc dù không vi phạm những quy tắc của nó, mọi quan hệ con người sẽ mang tính giả tạo một cách nguy hiểm (đó là không tính đến việc cái khung cấu trúc này của những sự tương tác đã thâm nhập sâu sắc mọi sự trao đổi đến mức là sự tập trung vào cái khung này của sự tương tác sẽ làm cho ta không thể nào tập trung vào những điều gì được phát biểu), và lập tức làm cho sự tương tác chấm dứt ngay.
2.   Phương pháp luận dân dã: hướng tới một thực tiễn đạo đức mới
“Tôi nhẹ nhõm khi giờ đã qua và khi tôi có thể trở về lại cái tôi đích thực”[16]
Erving Goffman (1922-1982)
Niklas Luhmann (1927-1998)
Phương pháp luận dân dã mà Garfinkel đã vạch ra mang tính triệt để và lật đổ vì nó phá hủy những sự tương tác bình thường để thiết kế lại một quan niệm đáng sợ về trật tự xã hội: thuyết siêu tương tác làm nổi bật ở khắp nơi sự bạo lực và những tranh cãi và cho thấy toàn bộ trật tự xã hội dựa trên một sự nghi thức hóa các tương tác bị đặt thành vấn đề vào mọi lúc. Garfinkel chỉ rõ điều này khi nêu bật sự trừng phạt ngay tức thì của sự hoài nghi (nghi ngờ) trong những quan hệ bình thường và thường ngày với một hình thức kiểm soát xã hội (tính hung hăng, phản ứng bác bỏ theo bản năng). Sự tin cậy cũng có vẻ là phương thức xã hội được ưa thích để đạt tới việc duy trì cái bề ngoài của tính bình thường, để thiết lập và duy trì mọi sự tương tác. Tính bình thường này hoàn toàn được chứa đựng trong một thứ khế ước ngầm trong đó những điều kiện và những điều ước của sự thông hiểu nhau mang một điều khoản vân vân “không được trình bày nhưng lại được hiểu”[17]. Sự tôn trọng khế ước này là điều kiện cho sự thông thường hóa các mối tương quan, và ta có thể nói, cho sự ổn định của cấu hình xã hội, như Niklas Luhmann đã cho thấy trong tác phẩm của mình nói về sự tin cậy như là cơ chế để giảm tính phức tạp xã hội.
Vượt quá chính cấu trúc của trật tự xã hội, chính cái căn cước của cá nhân bị đặt lại thành vấn đề bởi tính sân khấu của những hoạt động thông thường và diễn tiến của nó. Tầm quan trọng của vai trò xã hội, như ta có thể tìm thấy nơi Balandier, hay của thể diện nơi Goffman, được khẳng định ở đây.

KẾT LUẬN

Marie Latec
Georges Balandier (1920-2016)
Bài của Garfinkel vừa vui vừa tạo ra sự biến động, đáng lo ngại với cách tiếp cận thô bạo và trắng trợn về thế giới xã hội. Ý đồ giải kiến tạo, vốn sẽ dẫn Garfinkel đến việc giải kiến tạo tính giới và trở thành một trong những nhà xã hội học đầu tiên nghiên cứu tính hiệu năng (performativite) của giới nơi một cô chuyển giới tính (transsexuel) trẻ, cũng dẫn đến sự khẳng định một phương pháp luận triệt để, rốt cuộc không ngây ngô như ta tưởng và thật sự rất đổi mới. Nếu ta có thể đặt câu hỏi về giá trị của những thử nghiệm được tường thuật lại trong bài viết (được tác giả xem như là những minh họa hơn là những bằng chứng), ta chỉ có thể tán thành sự chứng minh về sự cấu thành của lý lẽ thông thường và những quy ước chi phối trật tự xã hội.
Thật vậy, lợi ích của phương pháp luận dân dã nằm ở chỗ nó làm rõ một cách có phương pháp những nét của trật tự xã hội được xét lại trong tính lưu động (fluidité) của nó, một trật tự xã hội năng động thật sự tiêu biểu cho sự sôi sục của những con người cấu tạo nó, mà vẫn nhắc nhở tính chủ yếu của những quy ước ngầm, được nghi thức hóa tạo nên cơ sở cho mọi quan hệ liên chủ thể.
Sau cùng, và như là để chế nhạo Parsons mà ông đã từng là học trò và người hâm mộ: Garfinkel kêu gọi chúng ta không nên coi thường lý lẽ thông thường, một lý lẽ thông thường đơn giản thường hay thoát khỏi nhận thức của chúng ta.
Phạm Như Hồ dịch




Chú thích:

[1] Tốt nghiệp trường Sciences Po (thạc sĩ chính trị học, xã hội học, cử nhân quản lí nhân sự), Marie Latec là một nhà nghiên cứu Pháp trẻ có những chủ đề nghiên cứu rất đa dạng, lý thuyết (như bài này về Garfinkel) và thực tiễn, và đặc biệt còn là chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực quản lý nhân sự.

[2] OGIEN Ruwen, “L’idiot de Garfinkel (Con người ngu ngốc của Garfinkel)”, trong Michel de Fornel, L’ethnométhodologie (Phương pháp luận dân dã), NXB La Découverte “Recherches”, 2001, trg. 57.

[3] GARFINKEL Harold, “Le programme de l’ethnométhodologie (Chương trình của phương pháp luận dân dã)”, trong Michel de Fornel, L’ethnométhodologie (Phương pháp luận dân dã), NXB La Decouverte “Recherches”, 2001, trg. 35

[4] GARFINKEL Harold, “Le socle routinier des activités ordinaires (Cái nền thường tình của những hoạt động bình thường)”, Recherches en ethnométhodologie (Nghiên cứu về phương pháp luận dân dã), PUF “Quadridge”, 2007, trg. 101. Sđd, trg. 105.

[5] nt., trg. 105.

[6] nt., trg. 115.

[7] nt., trg. 137.

[8] nt., trg. 137.

[9] OGIEN Ruwen, “L’idiot de Garfinkel (Con người ngu ngốc của Garfinkel)”, trong Michel de Fornel, L’ethnométhodologie (Phương pháp luận dân dã), NXB La Découverte “Recherches”, 2001, trg, 66.

[10] GARFINKEL Harold “Le socle routinier des activités ordinaires (Cái nền thường tình của những hoạt động bình thường)”, Recherches en ethnométhodologie (Nghiên cứu về phương pháp luận dân dã), PUF “Quadridge”, 2007, trg. 140.

[11] OGIEN Ruwen, “L’idiot de Garfinkel (Con người ngu ngốc của Garfinkel)”, trong Michel de Fornel, L’ethnométhodologie (Phương pháp luận dân dã), NXB La Découverte “Recherches”, 2001, trg. 71.

[12] DURKHEIM Emile, Các quy tắc của phương pháp xã hội học, 1894.

[13] GARFINKEL Harold, “Chương trình của phương pháp luận dân dã”, trong Michel de Fornel, Phương pháp dân dã, NXB La Découverte “Recherches”, 2001, trg. 41.

[14] Sđd, trg. 36

[15] Garfinkel Harold, “Le socle routinier des activités ordinaires (Cái nền thường tình của những hoạt động bình thường)”, Recherches en ethnométhodologie (Nghiên cứu về phương pháp luận dân dã), PUF “Quadridge”, 2007, trg. 100.

[16] Sđd, trg. 110.

[17] Sđd, trg. 144.

Print Friendly and PDF